Haruki Murakami - Cây bút xuất chúng xứ Phù Tang
Haruki Murakami sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949 tại Kyoto. Tuy nhiên, không gắn bó với cố đô cũ của Nhật Bản, ông lớn lên và trưởng thành tại thành phố cảng xinh đẹp Kobe.
Một nhà văn Nhật đã nói: "Kể từ khi có Murakami, chúng ta đều viết dễ dàng hơn”. Nhắc đến Murakami Haruki, người ta nhắc đến nhà văn của giới trẻ. Người được biết đến với những tác phẩm mang đậm chiều sâu, đưa khán giả khám phá nhiều lớp nang bất tận của cảm xúc, tâm hồn. Ngòi bút của ông được xem là ngôi sao Thiên Lang rực sáng trên bầu trời văn chương xứ sở Phù Tang. Ông được The Guardian gọi là một trong những tiểu thuyết gia còn sống vĩ đại nhất thế giới. Với phong cách hành văn riêng biệt cùng những tác phẩm luôn nằm trong top “best- seller", Murakami chính là tác giả được yêu thích nhất hiện nay.
Những năm đầu đời
Haruki Murakami sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949 tại Kyoto. Tuy nhiên, không gắn bó với cố đô cũ của Nhật Bản, ông lớn lên và trưởng thành tại thành phố cảng xinh đẹp Kobe. Sinh ra trong gia đình có truyền thống giáo dục khi cả bố và mẹ đều là giáo viên dạy văn nên ngay từ nhỏ, Murakami đã tiếp xúc với các con chữ như một lẽ thường tình.
Nước Nhật vào thời kỳ phát triển đã du nhập nhiều trào lưu văn hoá tân tiến trên thế giới, điều này cũng hưởng tới Murakami. Ông tiếp cận văn hoá Tây phương và bị chi phối bởi nó qua âm nhạc và văn học. Murakami lớn lên cùng hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut hay Richard Brautigan,.. Cùng với cái nôi chữ nghĩa thời thơ ấu từ bố mẹ và sức ảnh hưởng của văn hoá phương Tây đã giúp cho ông phần nào xây dựng được phong cách riêng của mình so với những tác giả đương thời. Nếu văn học Nhật thường chú trọng đến vẻ đẹp ngôn từ khiến cho khả năng diễn đạt bị giới hạn và trở nên cứng nhắc thì phong cách của Murakami tương đối thoáng đạt và uyển chuyển. Điều này cũng khiến ông không ít lần vấp phải những định kiến của nền văn học xứ “mặt trời mọc" lúc bấy giờ.
Trước khi xác định theo đuổi con đường viết lách, Murakami học về nghệ thuật tại Đại học Waseda, Tokyo. Đây cũng là nơi cho ông gặp được “người đầu ấp tay gối" của mình sau này là Yoko. Murakami bắt đầu công việc đầu tiên của mình tại một cửa hàng băng đĩa. Thời gian vừa học vừa làm tại đây đã giúp ông có những trải nghiệm và cái nhìn đặc sắc hơn trong văn chương. Điều này được thể hiện trong tác phẩm Rừng Na Uy khi ông miêu tả cách nhân vật Watanabe Toru làm việc.
Không lâu trước khi hoàn thành việc học, Murakami cùng vợ quyết định mở một tiệm cà phê tại Kokubunji, Tokyo có chơi nhạc Jazz tên là “Peter Cat" . Cả hai quyết định không sinh con và quản lý nó từ năm 1974 đến 1982. Có lẽ do ảnh hưởng của thời gian này nên rất nhiều tác phẩm sau đó của ông đều lấy bối cảnh âm nhạc và tựa đề âm nhạc như “Dance, Dance, Dance”, “Rừng Na uy”, “Phía Nam biên giới, Phía tây mặt trời”,..
Sự nghiệp văn chương và các tác phẩm tiêu biểu của Haruki Murakami.
Dù được tiếp xúc với chữ nghĩa từ khi còn nhỏ, song Murakami lại bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình khá muộn. Ông bắt tay vào viết tác phẩm đầu tiên của mình khi ông 29 tuổi. Chia sẻ về điều này, ông tâm sự: “Đến năm 29 tuổi tôi mới bắt đầu viết. Trước thời gian đó tôi chẳng có gì để viết. Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó của riêng mình để viết.”
Tác phẩm “Lắng nghe gió hát" được Haruki Murakami nảy ra ý tưởng khi đang xem một trận đấu bóng chày vào năm 1978. Kết thúc trận đấu, nhận ra bản thân có thể viết một câu chuyện, ông đã về nhà và bắt tay viết ngay lập tức. Trải qua một năm khi hoàn thiện tác phẩm, ông gửi bản thảo cho nhiều nhà xuất bản nhưng hầu hết đều bị từ chối vì quá ngắn. Tuy nhiên, khi gửi bản thảo đến tham dự một cuộc thi, cuốn tiểu thuyết đã giành giải nhất. Sự kiện này được coi là bước đệm cho sự nghiệp của Murakami và giúp nhà văn phát triển phong cách viết lách của mình sau này.
Thành công từ tác phẩm đầu tay đã tiếp thêm động lực để ông theo đuổi nghiệp cầm bút. Một năm sau, ông xuất bản phần tiếp theo của “Lắng nghe gió hát” là “Pinball”. Năm 1982, ông hoàn thiện “Cuộc săn cừu hoang”, cuốn sách được xem là tác phẩm thành công về mặt văn học phê bình. Ba tác phẩm trên gộp lại thành “Bộ ba chuột" qua lời dẫn chuyện của một người vô danh xoay quanh nhân vật tên là “Chuột".
Đối với “Lắng nghe gió hát” và “Pinball", Haruki Murakami đánh giá chúng vẫn còn non nớt và mỏng manh nên ông không háo hức dịch sang tiếng Anh. Còn với “Cuộc săn cừu hoang", ông chia sẻ: “nó là cuốn sách đầu tiên mà tôi có thể cảm nhận được một loại cảm xúc, niềm vui khi kể một câu chuyện. Khi bạn đọc một câu chuyện hay, bạn cứ tiếp tục đọc. Khi tôi viết một câu chuyện hay, tôi viết ngấu nghiến.”
Tiếp nối chuỗi thành công, năm 1985, Murakami viết cuốn “Xứ sở kỳ diệu tàn bạo và nơi tận cùng của thế giới” một câu truyện siêu hiện thực với trí tưởng tượng mơ mộng cùng yếu tố ma thuật, huyền ảo đã đưa Murakami sang một tầm cao mới. Nhiều độc giả xem cuốn sách như một hình tượng triết học thú vị khi đặt lại toàn bộ ý nghĩa và thực chất của thế giới, ông đã đem đến cho người đọc một thực tại hỗn loạn nhưng sống động, một thế giới hoàn hảo, nơi có tất cả và đồng thời cũng không có gì.
Sau khi hoàn thành “Xứ sở kỳ diệu tàn bạo và nơi tận cùng của thế giới", Murakami rời Nhật Bản và chu du thế giới. Ông sang Châu Âu và quyết định định cư tại Hoa Kỳ. Tuy sinh sống ở đất nước mới, song, tay bút của Murakami không hề bị mai một mà ngày càng nở rộ. Bằng chứng chính là các tác phẩm “Dance, Dance, Dance” và “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời” vẫn đều đặn ra đời. Nếu trong “Dance, Dance, Dance", nhà văn vẫn giữ được chất thơ khi viết về cuộc sống hiện đại đời thường thì ở “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời" lại chứa đựng những tính cách và con người thật của Murakami nhất. Nó cũng là tác phẩm đơn giản nhất mà ông viết.
Năm 1987, với sự ra đời của “Rừng Na Uy", tài năng của Murakami đã thực sự chinh phục được tất cả độc giả không chỉ ở Nhật Bản mà còn cả thế giới. Cuốn sách viết về câu chuyện thời quá khứ đầy mất mát của nhân vật chính Watanabe Toru vào thập niên 60. Tác phẩm đã phản ánh được sự bế tắc trong cuộc sống, những mất mát trong tình dục hay chính là cuộc cách mạng trong bản thân những thanh niên Nhật Bản thời kỳ này. Họ đang bị giằng xé trước việc bảo tồn văn hoá truyền thống hay tiếp thu nền văn hoá phương Tây đang ào ạt đổ vào Nhật Bản. Văn hoá phương Tây chính là tự do cá nhân, tự do tình dục, điều này khác hẳn với văn hoá truyền thống của người Nhật Bản. Ngay từ ngày đầu phát hành cuốn sách đã bán được hàng triệu bản ở Nhật Bản và sau đó làm nên một hiện tượng ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Không ngủ quên trên chiến thắng, năm 1994 -1995, Haruki Murakami tiếp tục cho xuất bản “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Cùng với “Rừng Nauy” tác phẩm này đẩy ông lên bậc cao danh vọng và đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp cầm bút. Tác phẩm hội đủ tất cả các khuynh hướng hiện thực, tưởng tượng, bạo lực. Cuốn sách lột tả chân thật đến mức khiến độc giả cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi, mệt mỏi và để lại dư vị trong một thời gian dài. Tác phẩm này cũng khiến Kenzaburo Oe, một nhà văn nổi tiếng khắt khe với Haruki phải đích thân trao giải thưởng văn học Yomiuri cho ông. Ngoài ra, nó cũng gây được tiếng vang lớn và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Năm 1995, Murakami trở về Nhật Bản sau trận động đất ở Kobe và vụ tấn công bằng khí ga của giáo phái tôn giáo AUM Shinrikyo thực hiện trên một chuyến tàu điện ngầm Tokyo. Hai sự kiện chết người rúng động sau đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho ông. Nếu tác phẩm “Ngầm” (1997) là tập hợp những cuộc phỏng vấn các nạn nhân trong vụ tấn công bằng khí ga ở hệ thống tàu điện ngầm Tokyo thì “Sau trận động đất” (2000) là tập hợp sáu truyện ngắn khám phá những ảnh hưởng tâm lý của trận động đất đối với người dân Nhật Bản.
Viết về hai tác phẩm này, bản thân Murakami cũng đề cập rằng ông đã thay đổi vị trí của mình từ một trong những “cá nhân” thành một “tập thể” sau khi ở lại Hoa Kỳ vào năm 1991. Ông nói rằng những cuốn sách đầu tiên của ông bắt nguồn từ bóng tối cá nhân. Trong khi các tác phẩm giai đoạn này của ông khai thác vào bóng tối trong xã hội và lịch sử.
Năm 1999, Haruki hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Người tình Sputnik” kể về câu chuyện mất tích của một tiểu thuyết gia trẻ tuổi tên Sumire. Năm 2000, ông cho ra mắt cuốn sách “Kafka bên bờ biển". Với sự pha trộn yếu tố siêu thực cùng nhiều chi tiết gần như hoang đường, kì ảo nhằm khai thác những góc tối cũng như bản ngã xấu xí trong tâm hồn của con người, tác phẩm đã giúp Murakami giành giải thưởng Franz Kafka danh giá năm 2006.
Cuối năm 2005, Murakami tiếp tục cho xuất bản một tập truyện ngắn có tựa đề là Tokyo Kỳ Đàm Tập. Một tập truyện ngắn khác có nhan đề là “Cây liễu mù, người đàn bà ngủ” cũng được xuất bản vào tháng 8 năm 2006. Tập truyện này bao gồm những tác phẩm từ thập niên 1980 cũng như một số truyện ngắn gần đây nhất của ông.
Năm 2002, Haruki Murakami xuất bản tuyển tập Birthday Stories (Những câu chuyện sinh nhật), tập hợp các truyện ngắn về chủ đề sinh nhật. Bộ sưu tập bao gồm tác phẩm của Russell Banks, Ethan Canin, Raymond Carver, David Foster Wallace, Denis Johnson, Claire Keegan, Andrea Lee, Daniel Lyons, Lynda Sexson, Paul Theroux và William Trevor, cũng như những câu chuyện của chính Murakami.
Tác phẩm “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” bao gồm những câu chuyện về trải nghiệm của chính ông với tư cách là một vận động viên marathon. được xuất bản tại Nhật vào năm 2007, với bản dịch tiếng Anh được phát hành ở Anh và Mỹ vào năm 2008 cũng ghi lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả
Cuốn tiểu thuyết 1Q84 của Murakami gồm ba phần với sự pha trộn yếu tố hư ảo, huyền bí, tình yêu, nỗi cô đơn và thẳm sâu nội tâm của con người thông qua 2 nhân vật chính Aomame và Tengo được nhà xuất bản Shinchosha phát hành tại Nhật Bản vào ngày 29 tháng 5 năm 2009 khiến người đọc liên tưởng về tác phẩm lừng danh 1984 của tác giả George Orwell. Ban đầu cuốn sách được cho in 300.000 bản nhưng vì số lượng đặt hàng lớn, nhà xuất bản cuốn sách đã phải nâng số bản in lên nửa triệu bản, phá kỷ lục lượng bản in đầu của bất cứ cuốn sách nào. Tác phẩm sau khi phát hành cũng lọt vào danh sách bình chọn cho Giải thưởng Văn học Châu Á năm 2011.
Trong những năm gần đây, Murakami tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình với những tác phẩm tiêu biểu như: Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương (2014), Những người đàn ông không có đàn bà (2018) hay Giết chỉ huy đội kỵ sĩ (2020).... đều được chào đón nồng nhiệt bởi các độc giả.
Có thể thấy, từ khi bắt đầu nghiệp cầm bút vào năm 29 tuổi, Murakami đã không ngừng sáng tác và cống hiến cho văn chương. Những tác phẩm của ông lần lượt ra đời mang những màu sắc riêng biệt và thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Giải thưởng của Haruki Murakami.
Với những nỗ lực không ngừng trong sự nghiệp sáng tác, Murakami đã gặt hái nhiều thành công và được vinh danh ở những giải thưởng danh giá. Những tác phẩm đạt giải của ông như: Giải thưởng Gunzo (tiểu thuyết đầu tay hay nhất) năm 1979 cho “Lắng nghe gió hát"; Giải thưởng văn học Noma (tác phẩm mới xuất sắc nhất) cho “Cuộc săn cừu hoang" (1982); Giải Tanizaki cho “Xứ sở kỳ diệu tàn bạo và nơi tận cùng của thế giới” (1985); Giải Yomiuri (tiểu thuyết hay nhất) cho “Biên niên ký chim vặn dây cót” (1995); Giải Kuwabara Takeo cho “Ngầm” (1999); Giải World Fantasy (tiểu thuyết hay nhất) cho “Kafka bên bờ biển” (2006) hay Giải Truyện ngắn Quốc tế Frank O’Connor cho “Cây liễu mù, người đàn bà ngủ” (2006)...
Ngoài ra, ở hạng mục giải thưởng cá nhân, Murakami cũng để lại nhiều dấu ấn: Năm 2006, Murakami trở thành người thứ sáu nhận Giải thưởng Franz Kafka. Vào tháng 1 năm 2009, Murakami nhận được Giải thưởng Jerusalem, một giải thưởng văn học hai năm một lần được trao cho các nhà văn có tác phẩm đề cập đến các chủ đề về tự do con người, xã hội, chính trị và chính phủ. Năm 2011, Murakami quyên góp 80.000 euro nhận được từ Giải thưởng Catalunya (từ Tổng cục Catalunya) cho các nạn nhân của trận động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3, cũng như những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân Fukushima. Vào tháng 10 năm 2014, ông đã được trao giải Welt-Literaturpreis. Tháng 4 năm 2015, Murakami được vinh danh là một trong những người có ảnh hưởng nhất của TIME 100. Tháng 11 năm 2016, ông được trao Giải thưởng Văn học Hans Christian Andersen của Đan Mạch. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Murakami được cho là người sẽ tiếp nối nhận giải Nobel Văn học. Tuy nhiên, dường như đối với ông, giải thưởng không phải là thứ quan trọng. Ông chia sẻ: “Không, tôi không muốn giải thưởng. Nhận giải cũng có nghĩa là bạn đang kết thúc”.
Những câu nói hay của Haruki Murakami.
Một số trích dẫn hay của nhà văn xứ “mặt trời mọc” truyền cảm hứng đến độc giả có thể kể đến như:
1. Nỗi đau là điều không thể tránh khỏi, nhưng chịu đựng nó hay không lại là sự chọn lựa” (Tôi nói gì khi nói về chạy bộ).
2. “Mỗi người trong chúng ta đều đánh mất đi những thứ vô cùng quý giá. Mất đi cơ hội, mất đi khả năng, những cảm xúc mà không bao giờ ta kiếm tìm lại được. Đó chính là ý nghĩa tận cùng của sự sống” (Kafka bên bờ biển).
3. “Tại sao mọi người cứ phải cô đơn như thế này? Mục đích của nó là gì? Hàng triệu con người trên thế giới này, tất cả đều đang mong mỏi khát khao, đang tìm kiếm những người khác để thỏa mãn mình nhưng lại tự họ cô lập họ. Vì sao? Phải chăng Trái Đất sinh là chỉ để nuôi dưỡng sự cô đơn của loài người?” (Người tình Sputnik)
4. “Tôi vẫn luôn thèm được yêu. Dù chỉ một lần thôi. Tôi muốn biết được yêu đầy phần mình nó ra sao, đầy đến mức không thể chịu được nữa ấy. Chỉ một lần thôi.” (Rừng Na Uy)
5. “Sự thật không hẳn là chân lý, những chân lý cũng không phải lúc nào cũng có thật” (Biên niên ký chim vặn dây cót)
6. “Cuộc đời không như dòng nước. Sự vật hiện tượng trong cuộc sống chưa chắc đã chảy xuống theo con đường ngắn nhất” (1Q84)
7. “Nếu bạn chỉ đọc những quyển sách mà mọi người đang đọc thì bạn cũng chỉ nghĩ những gì mọi người đang nghĩ” (Rừng Na Uy)
8. “Bất kỳ ai đang yêu đều tìm cái phần thiếu hụt của bản ngã mình. Cho nên họ cảm thấy buồn khi nghĩ đến người mình yêu. Giống như khi ta bước vào một căn phòng đầy kỷ niệm thân thương mà đã bao lâu ta không trở lại.” (Kafka bên bờ biển)
9. “Nhưng không có tranh đấu, ganh ghét và thèm muốn thì cũng không có đối trọng của chúng – nghĩa là không có niềm vui, không có hạnh phúc, không có tình yêu. Chính vì có thất vọng, phiền muộn và buồn thảm mà sinh ra niềm vui. Không có thất vọng thì cũng không có hy vọng.” (Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng của thế giới)
10. “Sự thật thỉnh thoảng vẫn nhắc nhở tôi về một thế giới bị chôn vùi dưới cát. Khi thời gian trôi đi, phủ lớp cát trở nên dày thêm, và thỉnh thoảng nó bị thổi bay để rồi hiện lên những gì chôn cất bên dưới” (Tsukuru Tazaki không màu và những năm tháng hành hương)
Thông qua những tác phẩm của mình, Haruki Murakami đã đưa khán giả ngụp lặn trong những trải nghiệm của nhân vật để rồi nhận ra bản thân mình ở khoảnh khắc nào đấy cũng giống họ và rồi chiêm nghiệm ra cuộc đời, hiểu rõ hơn những cá nhân hay sự việc xoay quanh chính ta. Phong cách văn chương riêng cùng những nỗ lực hết mình vì con chữ, Haruki Murakami chính là ngôi sao Thiên lang sáng rực trên bầu trời nước Nhật cũng như trong lòng bạn đọc.
Nguồn:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất