Minh họa: Richard McGuire
Điều đầu tiên phải nói: Mình không đánh giá cao 1Q84.
Murakami vốn không phải cây bút yêu thích của mình. Đây là cảm xúc chung khi mình đọc Rừng Na-uy hay một vài đầu sách khác của ông và đã phải bỏ ngỏ - dẫu mình là một người rất ghét cảm giác chưa hoàn thành một cuốn sách. 1Q84 là tác phẩm đầu tiên mình đọc trọn vẹn từ Haruki Murakami, và mình vẫn giữ nguyên quan điểm trước đó.
1Q84 là một tác phẩm rất dài. Đương nhiên dài không phải là một nhược điểm, nhưng dài đi kèm với lê thê lại là một câu chuyện khác.
Mạch truyện của 1Q84 tựa như khi ta đang ngồi ngắm một dòng sông vậy: Nước chảy dài, cuốn theo những chiếc lá hay cành cây nhỏ trôi dạt để vô tình va vấp vào tảng đá dọc con sông; có những cành cây cứ va vào rồi lại nhanh chóng trôi theo dòng nước, nhưng cũng có những chiếc lá giữ mình lại trên những tảng đá ấy. Có người đọc sẽ thấy vui thú với việc ngắm nhìn chúng rồi bàn luận sâu xa về nó: Tự khi nào gió thổi, sao lá lại rơi, nhân duyên khiến lá rơi đúng vào con sông này để rồi bị nó cuốn đi, và có những người, như mình, thấy thật tốn thời gian cho việc đó. 5 phút, 10 phút, ổn đấy, nhưng dành ra 4-5 tiếng cứ nhìn chằm chằm vào con sông ấy? Mình muốn phát điên.
Phần 1 của 1Q84 hoàn toàn không đọng lại gì trong mình cả. Nó vô vị, nhàm chán, đầy những phân khúc lặp đi lặp lại như việc Aomame có hứng thú tình dục với những người đàn ông trung niên có mái đầu hói - một chi tiết mà mình thấy khá thừa thãi, bởi nó không nói lên được điều gì ở nhân vật cũng như không đóng góp cho nội dung truyện trừ việc nhấn mạnh vào sự kỹ tính của Aomame bởi nàng đòi hỏi một lượng tóc nhất định để cảm thấy hứng thú (nếu mình nhớ không lầm), tuy nhiên, chẳng cần thiết phần đó lắm bởi những điều này đã được thể hiện ngay ở đoạn đầu khi Aomame để ý từng bản nhạc cũng như chất lượng âm thanh phát trong xe taxi. Những chi tiết thừa thãi này cũng liên tục xuất hiện ở các nhân vật khác: Tengo với những ký ức về người mẹ ngoại tình, Ushikawa với vẻ bề ngoài đáng khiếp sợ, hay Komatsu với thói quen không quan tâm giờ giấc và lễ nghĩa chung. Chúng đều có thể được rút ngắn lại một cách tinh tế hơn, gọn gàng hơn, sạch sẽ hơn. Murakami đã làm tốt trong phần tạo ra một thế giới riêng, thế giới của năm 1Q84 đầy ấn tượng, đủ để tạo dấu ấn cho tên tuổi của mình - song, đưa ra một cốt truyện hay chưa có nghĩa ông đã thực sự hoàn thiện nó. Nhà giỏi là nhà văn biết vẽ nên những cái đẹp từ cây bút của mình, nhưng nhà văn tài năng là nhà văn biết cái gì cần lược bớt. Theo mình, Murakami đã không làm được điều này - chí ít là trong 1Q84.
Lý do lớn nhất khiến mình liên tưởng 1Q84 đến dòng sông là sự "dập dềnh" rất gây khó chịu, mà dùng đúng từ hơn, lan man. Mình thấy nhiều người cho rằng việc đưa mạch truyện đi chậm và loằng ngoằng là một dụng ý của Murakami, nhưng mình xin phép được bác bỏ điều này. Lấy ví dụ một tác phẩm quen thuộc trong văn học Việt Nam là Làng của nhà văn Kim Lân, một trong những tác phẩm tuyệt vời trong việc xây dựng tâm lý. Nó cũng dài, rất dài dòng là đằng khác, nhưng tâm lý của ông Hai không chỉ vẩn vơ quanh quẩn. Bản thân "tâm lý" của ông đã là một nhân vật rồi: Nó có lên xuống, lúc vui vẻ, lúc trầm mặc, đắng cay, và nó có ý nghĩa. Đó là sự đấu tranh day dứt giữa tình yêu làng và tình yêu đất nước, và cái "tâm lý" đó đã đưa ra được một kết luận cho ông cũng như cho người đọc. Nó không vô vị. 
1Q84 thì không. Các nhân vật cứ thầm lặng trong vòng lặp cuộc sống đầy nhàm chán và bức bối, còn các chi tiết thừa thãi thì cứ xuất hiện dày đặc, đến độ khi đọc xong cuốn 2, mình đã phải dùng từ "đãi bôi" để miêu tả 1Q84. 1Q84, xét về mảng này, lại như một món hổ lốn mà tác giả cố nhét hết những thứ mình thích (viết) vào đó: Những vấn đề gây nhức nhối như tôn giáo, bạo hành gia đình, vấn đề tình dục, ngoại tình, triết học, âm nhạc, hay những câu chuyện bên lề như thành phố mèo và người Gilyak. Các bạn có thể thoải mái nói rằng Murakami viết như vậy có ý nghĩa hết - nhưng mình thì không chấp nhận việc đó. Mình không thể cứ nhìn vào một tác phẩm đầy rẫy những lỗi thừa thãi và bảo đó là dụng ý tác giả được. Với mình, dụng ý tác giả chỉ có ý nghĩa khi mỗi chi tiết đảm nhiệm một dấu ấn riêng, từ đó tạo nên những mảnh ghép vừa khít cho một bức tranh toàn cảnh, không thừa, không thiếu, điều đó mới làm nên một tác phẩm trọn vẹn.
Lại nói thừa và thiếu. Không chỉ thừa, 1Q84 còn thiếu nhiều. Khối lượng đồ sộ (về mặt chữ) của 1Q84 lẽ ra có thể làm được hơn thế: Đưa ra mục đích hoạt động của Sakigake, cách họ lắng nghe và giao tiếp, vì sao họ lại một mực trung thành với những kẻ đứng đầu, tại sao Tengo và Aomame lại là đối tượng được chọn, sao Ushikawa lại được tạo nhộng không khí? Có quá nhiều câu hỏi xoay quanh những vấn đề này, và rõ ràng ta phải phân biệt được yếu tố nào là cần và yếu tố nào tạo nên tính mở cho một tác phẩm. Nam Cao không thể tự dưng viết cho Chí Phèo đi đòi nợ rồi kêu người đọc tự nghĩ xem vì sao anh ta làm vậy được - ô kìa, anh đã làm đủ công việc của một cây bút chưa vậy? Anh đã tạo nên một thế giới, anh phải có trách nhiệm xây dựng nó cho trọn vẹn hoặc gần như thế. Cái mở phải là mở về mặt nội dung chứ không phải dựng truyện chưa đủ đã hết truyện và coi nó như mở được. Đây là điều mà mình đánh giá cực kỳ thấp ở văn Murakami, và mình vẫn chưa hiểu sao lại được rất nhiều người thấy thích thú.
Một vấn đề quan trọng nữa là nhân vật. Không biết có phải chỉ mình mình thấy vậy hay không, nhưng Tengo và Aomame là hai nhân vật quá... nhạt nhẽo? Xây dựng nhân vật trong truyện cũng cực kỳ gây nhức nhối đến mình luôn.
Nói về 2 nhân vật chính trong 1Q84 trước đã. Aomame, cô gái kỹ tính, khuôn mặt bình thường, trông kỳ quặc khi nhăn nhó. Sống quy củ, nghiêm túc. Bất cập ở đây là Aomame, dù có vẻ như là người giàu tình cảm, lại đồng thời không có vẻ như thế? Nàng quan tâm đến bà chủ, đến Tamaru, đến Tengo, đến 2 người bạn không may của nàng và có vẻ như nàng cũng nghĩ sâu xa lắm, nhưng đồng thời, nàng chẳng nghĩ gì nhiều khi tước đi một mạng người. Khá là... nông cạn và cảm tính, hoặc đơn giản là Murakami đã khắc họa "lỗi" nhân vật này. Tengo thì thú vị hơn một chút, sự bất hợp lý chí ít còn đáng suy ngẫm. Tengo vừa là người lớn, lại vừa là trẻ con. Anh ta là một hình tượng trưởng thành tiêu biểu: có công ăn việc làm, làm thêm bên ngoài (viết văn), có tham vọng, có đam mê, nhà cửa gọn gàng, nấu ăn cũng ổn, nhưng cùng lúc, anh lại bị kẹt trong thế giới của trẻ con: Hoài nhớ về ký ức về người mẹ ngoại tình và người cha đưa mình đi gõ cửa từng nhà, về những bức bối mà cha tạo ra cho mình. Anh ta không lớn lên, tựa như thể một đứa trẻ 10 tuổi quy củ thôi vậy. Tamaru lại càng chán, anh là nhân vật khiến mình khó chịu nhất trong truyện. Bản chất công việc của Tamaru yêu cầu anh phải nói ít làm nhiều, nhanh gọn, chuẩn xác, nhưng anh ta không hề như vậy trong những cuộc đối thoại. Dài dòng, luẩn quẩn, đầy ẩn ý, nghe có vẻ hay ho, nhưng liệu nó có phù hợp khi người nói nhẽ ra nên là một nhân vật là nhà văn như Tengo? Trong khi một người đáng nhẽ phải khô khan thì lại dông dài, Tengo - một cây bút - lại có vẻ đơn giản, ngây ngô quá độ. Anh ngờ nghệch từ lời nói cho đến cách suy nghĩ, anh luôn trong tình trạng chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến tận khi truyện đã kết thúc. Cả ba nhân vật trên đều không được xây dựng một cách vững chắc chút nào hết.
Ushikawa là người duy nhất chạm đến mức thú vị trong 1Q84. Đương nhiên vẫn có những yếu tố thừa thãi, nhưng với Ushikawa, ta còn nhiều thứ đáng nói, đáng nhìn nhận, đáng lắng nghe hơn. Hắn từng có một gia đình, hắn từng thất bại, hắn là con sói cô đơn, hắn xấu xí, nhưng hắn không lấy làm thất vọng về bản thân, hắn biết cách sống với những nhược điểm của mình. Hắn như loài gián, chui lủi bẩn thỉu và nhấm nháp qua ngày với những gì mình có, để rồi bị đập bẹp chỉ bằng một cái dép, và đến tận khi chết, hắn cũng không được coi trọng.
Sau cùng, mình vẫn phải nhắc lại rằng những gì mình nói ở đây là chủ quan dù có hơi cực đoan. Mình cũng ít khi đọc các tác phẩm hiện đại nên có thể sẽ không đồng quan điểm với nhiều người đọc ở đây lắm, và phần viết của mình có thể sẽ khiến bạn khó chịu. Nhưng dù sao thì đây vẫn là cảm nhận thực sự của mình khi đọc 1Q84, không hơn không kém, cũng không vì mọi người khen mà đi ngược lại với số đông. 
Chỉ là, mình đã mong chờ nhiều hơn ở một nhà văn được hâm mộ cuồng nhiệt, cũng như ở một tác phẩm được khen ngợi rộng rãi. Sự thất vọng đã khiến mình khó lòng chú ý được tới những ưu điểm trong cuốn sách này.