ĐI TÌM PHÉP THUẬT TRONG VĂN CHƯƠNG CỦA HARUKI MURAKAMI
3000 chữ đổi cho những khoảng thời gian mình đi tìm phép thuật của Murakami
Dù vẫn thiếu một giải Nobel Văn học để được coi là một nhà văn vĩ đại. Nhưng khi nhìn lại trên nhiều phương diện, thì Haruki Murakami thực sự là một tiểu thuyết gia vô cùng thành công khi ông gần như đã đạt được tất cả những gì mà một người viết mơ ước: những cuốn tiểu thuyết mỗi khi ra mắt luôn là best seller trên khắp thế giới, một văn phong hấp dẫn lẫn một phong cách riêng biệt cùng hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới. Thậm chí trên Youtube, có nhiều những video tổng hợp các bản nhạc jazz được Murakami đề cập tới trong các tiểu thuyết của mình thu hút hàng triệu lượt nghe.
Thật ngạc nhiên và khó tin là Murakami lại chưa bao giờ coi mình là một người viết thực thụ, dù ở tuổi 72 ông vẫn là một trong những nhà văn thành công nhất thế giới cũng như mỗi năm đều cho ra mắt tiểu thuyết hay truyện ngắn với chất lượng tốt nhất có thể.
“29 tuổi, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ đến việc viết một cuốn tiểu thuyết của riêng mình. Tôi là người chỉ có thể đọc tiểu thuyết. Tôi đọc hàng đống tiểu thuyết, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ dù chỉ trong một khoảnh khắc là mình có thể viết một cuốn”. Murakami cho biết lý do tại sao ông không bao giờ nghĩ tới việc trở thành nhà văn hay tiểu thuyết gia cho tới khi trong một buổi đi xem thi đấu bóng chày, thì một mặc khải đã ập xuống tâm trí mình và ông nghĩ rằng có thể viết một sách.
Ngay sau khi từ sân thi đấu về, Murakami liền bắt tay viết những dòng chữ đầu tiên của cuốn Lắng nghe gió hát – cuốn sách đầu tay của mình vào mỗi đêm khi đóng cửa quán bar do ông và vợ quản lý. Sau đó một thời gian, Lắng nghe gió hát đã đoạt giải Tác giả mới ở Nhật Bản và phần còn lại của câu chuyện đã trở thành một lịch sử: một người chưa bao giờ nghĩ mình là nhà văn nhưng giờ lại là một trong những nhà văn được hâm mộ nhất trong làng văn chương đương đại.
Cho đến bây giờ, dù đã viết những tiểu thuyết siêu thực với kết cấu vô cùng phức tạp được lồng ghép khéo léo dưới một văn phòng trôi chảy như Kafka bên bờ biển, 1Q84 hay gần đây nhất là Giết chỉ huy đội kỵ sĩ, nhưng Murakami vẫn nhắc đi nhắc lại rằng ông không hề có tố chất nào ban đầu để xây dựng nên các tiểu thuyết hấp dẫn đến như thế. Nhiều người không tin khi cho rằng Murakami khiêm tốn và ít khi nói về bản thân.
Điều đó không sai, nhưng Murakami lại nói rất nhiều về tác giả và các tiểu thuyết mình ưa thích cũng như phong cách ông hướng tới nếu ông trở thành tiểu thuyết gia. Đó chính là dấu hiệu duy nhất để chúng ta có thể biết được ma thuật hay phép thuật nào đã hình thành các tác phẩm và thứ văn chương hớp hồn của Murakami. Và khi đã biết được bí mật đó rồi (Thực tế mình tìm kiếm bí mật đó cũng không khó lắm, nhưng cần nhiều thời gian để tìm và đọc từ các bài báo, bài phỏng vấn và nhiều cuốn tiểu thuyết), thì bạn sẽ sững sỡ khi nhận ra rằng Murakami có phần đúng khi tự nhận rằng mình thực sự không có tài năng như mọi người vẫn nghĩ về ông.
BÍ MẬT VỀ NHỮNG CHẤT LIỆU ĐÃ TẠO NÊN PHÉP THUẬT TRONG VĂN CHƯƠNG CỦA HARUKI MURAKAMI
Trong một bài phỏng vấn năm 2009, Haruki cho biết rằng ông yêu thích ba tác phẩm The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald, Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky, và The Long Goodbye của Raymond Chandler. Ngoài ra Murakami cũng rất thích các cuốn sách của Franz Kafka, Raymond Carver, Ersnet Hemigway, Lev Tolstoy, John Irving hay J. D. Salinger.
Thậm chí, Murakami đã tự tay dịch rất nhiều các tiểu thuyết của những tiểu thuyết gia mình thích chỉ đơn giản là ... ông thích như thế. Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó, khi quay lại thời điểm ban đầu trước khi trở thành người viết, thì Murakami đã tìm kiếm và cầy xới rất nhiều tiểu thuyết không chỉ là để thoả mãn sở thích đọc của mình, mà ông còn muốn tìm kiếm một phong cách, một nhịp điệu và một văn phong tốt nhất có thể nếu ông sau này sẽ trở thành người viết.
Và Murkami đã tìm được phép thuật đó trong những tác giả và tiểu thuyết mình đọc. Nhưng tác giả của Rừng Na Uy đã không dừng lại ở đó, Murakami đã gọt tỉa, tối ưu hết mức có thể để biến những gì của người khác trở thành một kỹ năng mê hoặc độc giả của riêng mình.
Murakami không giấu giếm sự hâm mộ của ông với các tác phẩm và những tác giả như Raymond Chandler, F. Scott Fitzgerald hay của Raymond Carver. Ông không chỉ đọc mà còn học hỏi lẫn SAO CHÉP cả thói quen viết lách cùng các ý tưởng của họ. Trong một số bài phỏng vấn về kinh nghiệm viết lách thì Murakami cũng thừa nhận rằng mình đã học hỏi rất nhiều từ văn của Fitzgerald, Raymond Chandler hay Raymond Carver.
“Tôi đoán là cũng có một số ảnh hưởng nhất định. Tôi bắt đầu viết văn, tôi không có người đỡ đầu hướng dẫn, tôi không có thầy, cũng không có đồng nghiệp hay bạn văn nào hết. Tôi chỉ có mình tôi thôi. Vì thế tôi học được nhiều điều từ sách vở”. Trong một vài phỏng vấn khác nói về sự yêu thích của Murakami với Great Gastby tới đâu thì ông đã trả lời rằng “Nếu không có cuốn tiểu thuyết này của Fitzgerald thì tôi đã không viết kiểu văn chương mà tôi viết ngày nay...”
Nhưng thực sự thì Murakami đã học hỏi từ những tác phẩm tuyệt vời cùng các nhà văn tài năng hơn hơn nhiều “so với một số ảnh hưởng nhất định” cả tử ý tưởng lẫn thủ pháp viết văn. Và để có thể chứng minh điều này, bạn không thể chỉ dựa trên những gì Murakami chia sẻ trong các bài phỏng vấn đơn thuần. Bạn phải mất công nhiều hơn thế, bằng việc đọc chính các tác phẩm Murakami yêu thích và lấy đó học hỏi, cũng như tìm hiểu về sự nghiệp và đời tư của chính các nhà văn đó.
Trong cuốn Tôi nói gì khi nói về chạy bộ? Murakami chia sẻ rằng ông có thói quen dừng viết tiểu thuyết sau hàng giờ viết đúng vào lúc cảm thấy mình có thể viết tiếp được. Vì khi làm nhưng vậy thì ngày hôm sau Murakami sẽ tiếp tục ngồi viết một cách trôi chảy. Điều này giống với cách mà tác giả Ông già và biển cả - Ersnet Hemigway đã làm, sau này một người hâm mộ khác của Hemingway là Raymond Chandler cũng áp dụng giống như thế.
Thông qua các tiểu thuyết được xây dựng cảm hứng từ chiến tranh, các cuộc phiêu lưu của Hemingway cũng đã tác động tới nhiều ý tưởng trong các tiểu thuyết của Murakami. Thật thú vị khi biết rằng Murakami đã học hỏi ở Raymond Chandler nhiều như vậy,đặc biệt là trong thủ pháp mô tả chỉ tiết hành động, cử chỉ và trạng tâm lý của các nhân vật trong những tiểu thuyết của mình qua những so sánh đối chiếu mình đã tổng hợp sau:
Raymond Chandler: mhìn và mô tả sự vật ở khoảng cách cực gần như trang phục, cử chỉ, thói quen nấu ăn, nghe nhạc, uống bia rượu. (Người đọc đều không lạ gì với thói quen của các nhân vật chính trong tiểu thuyết Murakami luôn thích uống bia. Gần đây trong Giết chỉ huy đội kỵ sĩ thì hai trong số nhân vật chính toàn uống whisky, loại đồ uống ưa thích của thám tử Philip Marlowe – nhân vật chính trong các tiểu thuyết trinh thám của Raymond Chandler)
Haruki Murakami :trước khi bắt đầu viết tác phẩm của riêng mình, hãy tạo thói quen nhìn vào các sự vật và sự việc một cách chi tiết hơn.
Raymond Chandler : cốt truyện phức tạp, rối rắm nhưng được thể hiện bằng một văn phong trôi chảy, gãy gọn và hấp dẫn.
Haruki Murakami: Văn phong đơn giản, xúc tích, mượt mà nhưng chứa đựng nhiều chi tiết siêu thực rất khó giải thích.
Raymond Chandler: mỗi một trang là phải chứa ma thuật – là các tình huống bất ngờ hay một câu thoại hài hước.
Haruki Murakami: tôi muốn người đọc cười sau 10 trang sách của mình!
Raymond Chandler: mô tả thật kỹ lưỡng từng cận cảnh, tập trung vào mỗi dòng, mỗi trang, các chi tiết phải được sắc như những lưỡi dao.
Harumi Murakami: tôi rất thích chi tiết. Văn của tôi mô tả, tập trung vào một khu vực rất nhỏ. Khi mô tả chi tiết của những thứ rất nhỏ, sự tập trung càng tiến gần hơn, khiến nó trở nên phi thực hơn. Đó là cái tôi muốn làm. Càng gần, càng phi thực. Đó là phong cách của tôi.
Raymond Chandler: nhặt nhạnh những chất liệu vụn vặt, tầm thường rồi đưa chúng qua bộ bộ lọc của trí tưởng tượng. Phải đắm mình vào từng tiểu tiết để tìm kiếm những đột phá cho câu chuyện mà bạn muốn truyền tải tới người đọc.
Haruki Murakami: Những thứ mà thế giới xem là tầm thường có thể tích tụ sức nặng theo thời gian, trong khi những thứ thường được xem là có sức nặng lại có thể đột nhiên lộ ra nó chỉ là vỏ rỗng... Với nỗ lực của con người, những thứ mới nhìn có vẻ tầm thường lại có thể sinh ra một chuỗi hiểu biết vô tận, nếu bạn kiên nhẫn.
Đó là nói về việc Murakami đã học hỏi những bí quyết và thủ tháp viết lách từ những nhà văn ông hâm mộ. Còn về ý tưởng và cách thức triển khai, đặc biệt là trong các truyện ngắn và ẩn dụ về Cái giếng liên tục xuất hiện ở các tiểu thuyết vô cùng phức tạp với nhiều chi tiết siêu thực trong Biên niên ký chim vặn dây cót hay dưới dạng một căn hầm bí ẩn ở trong rừng xuất hiện trong tiểu thuyết Giết chỉ huy đội kỵ sĩ thì Murakami dựa trên ý tưởng và tình tiết đắt giá trong tập truyện ngắn Thánh đường (Cathedral) của Raymond Carver. Không phải, chính xác hơn là Murakami đã sao chép và chắt lọc những chi tiết ấy để từ đó tạo nên các câu chuyện hấp dẫn của riêng mình.
Trong Thánh đường ở truyện ngắn Nơi tôi gọi về (Where i’m calling form) thì một trong hai nhân vật chính tên là J.P có kể rằng hồi 12 tuổi, anh đã bị rơi xuống một cái giếng cạn ở gần nhà mình.Trước khi J.P được cha mình giải cứu bằng cách ném dây thừng xuống giếng để kéo anh lên, thì J.P đã phải chịu đựng một sự tra tấn khủng khiếp về mặt tinh thần lẫn thể xác trong một ngày ở dưới giếng.
Khi ai đó đã đọc Thánh đường lẫn các tiểu thuyết của Murakami đều dễ dàng nhận ra một sự thật hiển nhiên: Cái giếng trong truyện ngắn của Raymond Carver là nguyên mẫu đã tạo ra cái giếng và căn hầm trong một vài tiểu thuyết của Murakami. Nhưng Murakami chưa bao giờ phủ nhận điều này. Trong bài phỏng vấn có tên Những thế giới ngầm của Murakami (The Underground Worlds of Haruki Murakami) đăng trên The New Yoker thì Haruki Murakami đã thừa nhận rằng ông thích Nơi tôi gọi về trong cuốn truyện ngắn Thánh đường của Raymond Carver, cũng như đã học hỏi rất nhiều từ phong cách viết của một Raymond khác là Chandler.
Nhưng Murakami chưa dừng lại chỉ ở một cái giếng. Ông còn tham vọng hơn thế khi muốn tạo ra một cuốn truyện ngắn tuyệt vời như Thánh đường bằng những chất liệu hấp dẫn của chính nó thông qua cuốn Những người đàn ông không có đàn bà của mình.
Có những sự giống nhau trong Thánh đường và Những người đàn ông không có đàn bà tới mức không thể coi là trùng hợp khi đối chiếu và phân tích dựa trên từng tính huống. Đầu tiên là về nội dung xuyên suốt trong các truyện ngắn của hai cuốn sách này đều lấy ý tưởng chủ đạo là những người đàn ông độc thân, mang nỗi tâm tư với những người mình từng yêu hay đã ngủ cùng và đau khổ hơn nữa là đối diện với những ngày tháng tiếp theo sau khi cuộc hôn nhân của mình tan vỡ. Tiếp theo, khi đặt những truyện ngắn cạnh nhau thì không ai có bàn cãi về việc liệu Murakami thực sự có dựa trên ý tưởng và sao chép (không phải hoàn toàn, chính xác là tạo cho ông cảm hứng để triển khai một câu chuyện theo cách của mình) từ Raymond Carver hay không nữa.
Trong truyện Kino nằm trong số 7 truyện ngắn của cuốn Những người đàn ông không có đàn bà được bắt đầu bằng việc nhân vật chính (Kino) trở về căn hộ và thấy vợ ngủ với người đồng nghiệp của mình. Sau đó Kino bỏ đi, hai người chia tay rồi mở một quán bar, nhưng Kino vẫn ôm nỗi nhớ nhung và đau khổ về người vợ không chung thuỷ của mình.
Còn trong tập truyện ngắn Thánh đường của Raymond Carver được xuất bản trước đó hơn 30 năm thì Cơn sốt (Fever) cũng được bắt đầu bằng một biến cố như vậy với Carlyle – nhân vật chính trong chuyện cũng bị vợ với tay đồng nghiệp cắm sừng và hai người bỏ tới California và Carlyle cũng dìm bản thân mình trong nỗi tương tư về người vợ cũ, khi anh biết mình vẫn yêu cô rất nhiều nhưng cả hai đã không thể quay lại được nữa.
Thậm chí nếu xét nét một cách bới móc thì cuốn tiểu luận về chạy bộ và viết lách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ - What i talk about when i talk about running nhiều khả năng Murakami lấy từ cảm hững từ tuyển tập truyện ngắn What we talk about – Chúng ta nói gì khi nói về chuyện tình của Raymond Carver.
Vậy tất cả những điều này liệu có thể sẽ đi tới một kết luận chủ quan rằng “Cái gọi là phép thuật trong văn chương nhưng thực chất chẳng có một phép thuật gì hế khi Murakami chỉ mượn vai của những người khổng lồt”. Không, không phải vậy, không bao giờ.
SỰ VĨ ĐẠI CỦA MỘT TIỂU THUYẾT GIA CHƯA BAO GIỜ NHẬN MÌNH LÀ MỘT TIỂU THUYẾT GIA
Sẽ có nhiều tranh cãi, nhiều phủ nhận hay nghi ngờ, nhưng tất cả đều không thể phủ nhận tài năng của Haruki Murakami cả.
Ông đã rút ra từ phong cách này một chút, từ thủ pháp hay thói quen kia một chút nữa, rồi cộng với sự chăm chỉ và sáng tạo của chính mình đã tạo nên phép thuật cho những cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn tuyệt vời nhất từng xuất bản. Các tác phẩm của F. Scott Fitzgerald, Hemingway, Raymond Chandler hay Raymond Carver – những người Murakami hâm mộ đều là những cuốn gây choáng váng với những tầng sâu ẩn sau những câu văn mượt mà và tinh tế. Thật khó để ai đó viết ra những cuốn sách vượt lên Great Gastby, Mặt trời vẫn mọc, The long goobye, hay Thánh đường và Murakami không có ý định đánh đổ những gì đã hình thành nên phép thuật trong văn chương của mình.
Murakami dựa vào những chất liệu đến từ các tiểu thuyết mình đọc để tạo ra những câu chuyện đi theo nhiều hướng đi khác chứ không chỉ về hiện thực, chiến tranh hay đậm chất trinh thám như những tiểu thuyết gia kia. Trong những câu chuyện được kể bằng một văn phong đơn giản, tinh tế, thấm đậm sự cô độc lẫn tình dục, cùng những câu hài hước là màn mở đầu ngọt ngào cho một cái gì siêu thực, kỳ bí, không thể giải thích như đến từ một thế giới khác nhưng vẫn khiến người đọc chẳng thể rời mắt với sự tò mò muốn biế điều gì sẽ xảy ra ở trang kế tiếp.
Đó thực sự là một điều kì diệu, khi hàng triệu người đọc có thể không hiểu nhưng vẫn đọc ngấu nghiến và nhận biết được rằng có thứ gì đó sâu sắc và dành cho mình trong những thế giới phi lý mà Murakami tạo ra. Đó là một tài năng, một phép màu mà ngay cả Fitzgerald hay Raymond Chandler cũng khó có thể tạo ra được trong những tiểu thuyết của mình. Nhưng Murakami đã làm được, và nhiều người đọc vẫn đang chờ đợi những tác phẩm tiếp theo của ông, một con người hơn 70 tuổi nhưng vẫn viết mỗi ngày.
Chúng ta hãy nhớ rằng, Murakami chưa bao giờ nói rằng mình là một người viết, một nhà văn ngay từ đầu, nhưng ông đã từ một người đọc những cuốn tiểu thuyết hay, đã học hỏi từ những bậc thầy và thông qua thời gian, Murakami đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong điện thờ của làng văn chương Thế giới đương đại. Phép thuật của Murakami là có thật, nhưng là một phép màu gần gũi và thực tế được tạo ra bởi những gì ông đọc và những gì ông muốn viết.
Và bạn có thể bắt đầu viết những dòng tiểu thuyết đầu tiên của mình thông qua việc học hỏi từ các tác phẩm của Murakami, đúng với cách ông đã bắt đầu từ hơn 40 năm trước, một người bình thường và chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là một tiểu thuyết gia.
PHOTO : Sarah. Reads
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất