"Không gì thay đổi từ ngày này qua ngày khác, không một thứ gì. Tôi thức dậy lúc bảy giờ, nướng bánh và pha cà phê, đi làm, ăn tối ở ngoài, làm một hai ly, về nhà, đọc sách trên giường độ một tiếng, tắt đèn, rồi đi ngủ. Thứ Bảy và chủ nhật, thay vì làm việc, tôi ra ngoài giết thời gian từ sáng, đảo một vòng qua các rạp chiếu phim. Sau đó, tôi ăn tối, uống vài ly, đọc và đi ngủ, một mình. Vậy đó, tôi lay lắt qua ngày đoạn tháng giống như cách người ta gạch bỏ ngày trên lịch, hết ngày này đến ngày kia..."
Gấp cuốn sách của Haruki Murakami lại, tôi nằm thở dài. Có lẽ mình cần phải làm một điều gì đó để thay đổi cái cuộc sống tẻ nhạt này. Nhưng làm gì bây giờ? Tôi cầm một tờ báo lên. Chuyển từ việc đọc sách sang đọc báo có lẽ là một thay đổi mang tính cách mạng đối với tôi ở thời điểm này.
Đã lâu rồi tôi không còn đọc báo nữa. Tôi phát ngán với những tin tức về cướp, hiếp, giết, thực phẩm bẩn, chuyện "ngôn tình" ba xu... cứ nhai đi nhai lại trên mặt báo, còn đáng chán hơn cái cuộc đời tẻ nhạt của tôi.
"Gửi: Chuột
Hãy liên lạc. Khẩn!
Khách sạn Cá Heo, Phòng 406"
Tôi dừng lại trước một mẩu tin rao vặt. Nó khiến cho tôi thấy tò mò. Không phải vì tôi quen với cái gã tên "Chuột" nào đó, mà tôi thắc mắc thời buổi này còn ai lại nhắn tin cho nhau bằng hình thức rao vặt trên báo như vậy nhỉ. Mà lại còn hẹn nhau đến "khách sạn" nữa chứ. Tôi không nghĩ có loại "gái gọi" nào lại quảng cáo tinh vi thế. Một ý nghĩ điên rồ thoáng nảy ra trong đầu tôi - sao mình không đến đó tự tìm hiểu thử xem?
Không mất nhiều thời gian để tôi tìm ra địa chỉ của "khách sạn Cá Heo" và leo lên xe đi đến đấy. Đó là một nhà nghỉ nhỏ ở một vùng núi hẻo lánh, hoàn toàn không có gì nổi bật. Không đèn hiệu neon, không bảng hiệu lớn, thậm chí không có một lối đi vào thật sự. Nó chỉ có một tấm bản bằng đồng khắc chữ KHÁCH SẠN CÁ HEO, thậm chí không có lấy một hình cá heo.
Tôi bước vào bàn lễ tân. Không có ai. Tôi bấm chuông. Đến hồi chuông thứ ba mới có một người đàn ông trung niên bước ra.
"Xin lỗi, tôi ngủ quên mất. Thật tệ quá" - ông ta nói.
"Không sao. Tôi muốn đặt một phòng. À, phòng 406 vẫn còn trống chứ?" - tôi dò hỏi.
"Hmm để xem nào. Phòng đó có người thuê rồi, thuê hẳn một tháng".
"Ok vậy cho tôi phòng nào cũng được".
Trong lúc đợi check-in, tôi rảo quanh ngoài phòng khách. Tôi nhìn thấy một gã thanh niên trạc tuổi tôi, ngoại hình không có gì nổi bật. Tôi đoán đó là vị khách phòng 406 đã đăng tin rao vặt trên báo, vì có vẻ như cả khách sạn chẳng có khách nào khác. Gã đang ngắm nghía một bức ảnh treo trên tường. Đó là một bức ảnh đã ngả màu, đóng trong cái khung cũ. Bức ảnh chụp một đàn cừu, có khoảng sáu mươi con.
Gã thanh niên quay lại, thấy tôi cũng đang nhìn bức ảnh, gã mở lời:
"Đây là bức ảnh của ông chủ khách sạn Cá Heo. Khách sạn này lúc trước là Toà nhà Cừu, và ông ta là giám đốc ở đây. Mọi người gọi ông là Giáo sư Cừu".
"Ồ", tôi nói, "Tôi có nghe vài giáo sư 'lạ' như là Giáo sư Xoay, còn giáo sư Cừu tôi mới nghe lần đầu".
"À, trước đây ông là Giáo sư ngành Nông nghiệp. Có một khoảng thời gian ông đột nhiên biến mất. Sau đó người ta tìm thấy ông đang lang thang với quần áo xộc xệch, mặt mũi hốc hác. Khi hỏi ra thì ông nói ông đã có 'quan hệ đặc biệt' với cừu".
"Quan hệ đặc biệt? Ý cậu là quan hệ tình dục với cừu?"
"Không, đó là mối quan hệ tâm linh".
"Quan hệ tâm linh?"
"Đại loại là một con cừu đã nhập vào ông".
"Ồ", tôi hơi hoang mang nhưng vẫn tỏ ra hứng thú với câu chuyện, "Tôi có nghe nhiều chuyện về ma nhập, nhưng cừu nhập thì..."
"Ở những vùng lãnh thổ Bắc Trung Hoa và Mông Cổ, chuyện cừu nhập vào cơ thể người không phải là chuyện hiếm. Dân bản địa tin rằng cừu nhập vào cơ thể là phúc lành được các đấng thần linh ban phát. Chẳng hạn, một cuốn sách xuất bản vào triều đại nhà Nguyên có viết rằng 'một con cừu trắng mang hình ngôi sao' nhập vào cơ thể Thành Cát Tư Hãn. Thật thú vị, cậu có thấy thế không?"
"Khá thú vị ạ".
"Và tôi đang trên đường đi tìm con cừu này. Nhân tiện nếu cậu có nhìn thấy nó..."
Nói đoạn gã đưa cho tôi bức ảnh chụp một đàn cừu. Vài con đang nhìn về hướng này, vài con nhìn theo hướng đối diện, vài con cắm cúi ăn cỏ. Một cảnh gợi cho ta nhớ đến một buổi họp lớp cũ tẻ nhạt.
"Con nào cơ?" - tôi thắc mắc.
"Có một con cừu khác biệt trong đàn".
Tôi ngắm nghía lại một lần nữa.
"Xin lỗi về sự tầm thường của tôi, nhưng tôi không nhìn thấy sự khác biệt nào".
"Không phải lỗi của cậu. Bởi vì bản thân thế giới thật tầm thường đến mức cậu cũng tầm thường như thế".
"Ý cậu là?" - tôi tỏ ra hơi khó chịu.
"Thế giới tầm thường. Về chuyện đó thì không thể nhầm được. Nhưng vậy thì, liệu thế giới có tầm thường từ thời thượng cổ? Không. Thuở ban đầu, thế giới hỗn mang, mà hỗn mang thì không phải tầm thường. Sự tầm thường hoá bắt đầu khi người ta tách biệt công cụ sản xuất ra khỏi cuộc sống thường nhật. Khi Karl Marx thừa nhận giai cấp vô sản, ông vì thế đã củng cố sự tầm thường của họ".
"Ồ, thế mà ở lớp Triết học thầy giáo tôi đã ca ngợi Marx như một vị thánh".
"Tôi vẫn coi trọng Marx. Ông là một trong những thiên tài hiếm hoi có trí nhớ mở rộng đến tận thời hỗn mang tiền sử. Tôi chỉ không tán thành chủ nghĩa Marx. Nó quá tầm thường".
"Thật là một quan điểm thú vị. Nhưng nó có liên quan gì đến bầy cừu của cậu?"
"Thực ra đó chỉ là những lời tôi được nghe mấy ngày trước, từ một kẻ 'cuồng cừu' đã thuê tôi đi tìm cho bằng được con cừu này..."
Gã chỉ vào con cừu thứ ba từ phải sang ở hàng đầu. Tôi xem xét kỹ, ở đó, giữa lưng con cừu, trông có vẻ như có một vết ố màu cà phê nhạt. Mờ mờ không rõ ràng, có thể do ảnh chụp, cũng có thể mắt tôi lại đang giở trò. Hay có lẽ ai đó đã thật sự đánh đổ cà phê lên lưng con cừu.
"Đó là một dấu chàm hình ngôi sao" - gã nói.
"Hình như tôi đã từng nhìn thấy con cừu hình ngôi sao ở đâu đó".
"Có phải ở đây?" - gã lôi ra một cuốn sách có bìa in hình một con cừu.
"Phải rồi, đó là cuốn sách tôi đang đọc..."
"Vậy tôi e là cần cậu đi cùng với tôi".
Và như thế, tôi đã bị cuốn vào một "cuộc săn cừu hoang"...