Nhân ngày Murakami của tôi lại trượt một Nobel nữa, tôi gửi đến các bạn một bài phỏng vấn của Bác về thói quen cũng như về các tác phẩm của mình 😄

Sau cuộc nói chuyện nghiêm túc này, tôi nhận ra Haruki Murakami là người rất tập trung và luôn sẵn sàng. Ông nói chuyện trôi chảy, nhưng thường có đoạn ngừng giữa các ý, để có sự suy nghĩ kỹ lưỡng hơn dành cho một câu trả lời đúng nhất có thể.

Khi nói về jazz hoặc chạy marathon – hai đam mê lớn nhất của ông – Murakami lại có thể mắc sai lầm như một người đàn ông trẻ hơn chừng 20 tuổi, hoặc thậm chí, là một cậu nhóc mới 15.


Đọc thêm:

Chân dung nhà văn Haruki Murakami

Trở thành nhà văn là món quà từ thiên đường

- Tôi vừa đọc cuốn “After the Quake”(Sau cơn động đất), tuyển tập truyện ngắn mới nhất của ông, và tôi thấy thật thú vị khi ông trộn lẫn các câu truyện chân thực, mang phong cách của “Norwegian Wood” (Rừng Na Uy), với những truyện khác có nhiều điểm chung hơn với “The Wind-Up Bird Chronicle” (Biên niên ký chim vặn dây cót) hay “Hard-Boiled Wonderland and the End of the World” (Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới). Ông có nhận thấy những điểm khác biệt chủ yếu giữa hai loại truyện này không?

- Phong cách của tôi, hay thứ mà tôi nghĩ là phong cách của tôi, rất gần với “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới”. Tôi không thích phong cách hiện thực, tôi thích sự siêu thực hơn. Nhưng với “Rừng Na Uy”, tôi đã tự buộc mình phải viết một tiểu thuyết 100% hiện thực. Tôi cần kinh nghiệm đó.

- Vậy là ông nghĩ cuốn sách đó giống như một bài tập, để luyện về cách viết, hay ông cho rằng ông có một câu chuyện đặc biệt, và ông muốn thể hiện rằng câu chuyện này chỉ được kể hay nhất theo cách chân thực?  

- Tôi có thể là một nhà văn được sùng bái, nếu tôi cứ cố viết những tiểu thuyết siêu thực. Nhưng tôi muốn tham gia vào văn học dòng chính (mainstream), tôi muốn chứng minh rằng tôi có thể viết được những cuốn rất hiện thực. Đó là lý do tôi viết cuốn này, nó từng bán chạy nhất ở Nhật Bản, và tôi biết điều đó sẽ xảy ra.

- Vậy ra đó thực sự là lựa chọn mang tính chiến lược?

- Đúng vậy. “Rừng Na Uy” rất dễ đọc và dễ hiểu. Nhiều người thích cuốn đó. Và sau đó, họ có thể thấy hứng thú với những cuốn khác của tôi nữa – điều này có ích nhiều đấy chứ.


Đọc thêm:




- Có hai yếu tố trong tiểu thuyết của ông, một là giọng kể rất dễ theo dõi, đi kèm với những tình tiết gây hoang mang. Đây có phải cũng là một sự lựa chọn có chủ ý không?

- Không hề. Khi tôi bắt đầu viết, tôi chẳng có kế hoạch gì cả. Tôi cứ đợi cho câu chuyện tự đến. Tôi không chọn một kiểu chuyện nào, hay điều gì sẽ xảy tới. Tôi cứ đợi thôi. “Rừng Na Uy” là trường hợp khác, vì tôi đã quyết định sẽ viết nó theo phong cách hiện thực, nhưng về cơ bản, tôi không chọn gì cả.

- Nhưng ông đã chọn một giọng kể rất dễ theo dõi.

- Tôi có một vài hình ảnh, và tôi kết nối mảnh này với mảnh khác. Đó là cốt truyện. Sau đó tôi giải thích cốt truyện với người đọc. Người ta nên tử tế khi giải thích thứ gì đó. Tôi biết, nghe có vẻ hơi ngạo mạn. Những từ ngữ, những ẩn dụ hay, những biểu tượng đẹp… tôi giải thích chúng rất cẩn thận và rõ ràng.

- Vậy là tất cả đến với ông một cách tự nhiên?

- Tôi không thông minh, cũng chẳng kiêu ngạo, tôi chỉ yêu độc giả của mình - những người đọc sách của tôi. Tôi từng có một club nhạc jazz, ở đây tôi pha cocktail và làm bánh kẹp cho khách. Tôi không hề muốn trở thành nhà văn – mọi thứ cứ tự nhiên diễn ra thôi, giống như một món quà từ thiên đường. Vì thế, tôi nghĩ tôi nên khiêm nhường.

 

"Tôi thôi miên bản thân để chạm tới tầng sâu nhất của tâm trí" 

- Ở tuổi nào thì ông bắt đầu đọc Kafka?

- 15 tuổi. Tôi đọc cuốn “The Castle” (Lâu đài), đó là một cuốn rất tuyệt. Và “The Trial” (Vụ án).

- Rất thú vị. Cả hai cuốn đó đều vẫn còn dang dở, điều đó có nghĩa rằng câu chuyện trong đó không bao giờ được giải quyết, và tiểu thuyết của ông cũng vậy, đặc biệt là những cuốn gần đây. Có lẽ người đọc đang mong đợi một giải pháp nào đó, ví dụ với cuốn “The Wind-Up Bird Chronicle” (Biên niên ký chim vặn dây cót). Đó có phải là ảnh hưởng của Kafka không?

- Không chỉ có Kafka. Tất nhiên là Raymond Chandler nữa. Những cuốn sách của ông không bao giờ đưa ra các kết luận. Ông ấy có thể nói, anh ta là sát nhân đấy, nhưng với tôi, chẳng quan trọng là ai đã giết người. Các kết thúc chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi cũng không quan tâm ai là kẻ giết người trong truyện “The Brothers Karamazov” (Anh em nhà Karamazov, tác phẩm của Dostoyevsky - ND).

- Hoặc nếu cứ muốn giải thích các tiểu thuyết của ông, thì cũng giống như khiến các giấc mơ mất đi sức mạnh của nó, nếu nó bị phân tích?

- Điều hay của chuyện viết sách là người ta có thể mơ trong lúc người ta vẫn tỉnh. Nếu đó là một giấc mơ thật thì tôi không kiểm soát nó được, nhưng khi viết sách, tôi vẫn tỉnh, tôi có thể chọn thời gian, độ dài… mọi thứ. Tôi viết chừng vài tiếng mỗi buổi sáng, và khi thời gian hết, tôi ngừng lại. Tôi có thể viết tiếp vào hôm sau.

- Vậy một ngày bình thường của ông là như thế nào?

- Tôi dậy lúc 4 giờ sáng và viết trong khoảng 5-6 giờ. Vào buổi chiều, tôi chạy khoảng 10km hoặc bơi 1500m, hoặc cả hai, rồi tôi đọc một chút và nghe nhạc. Tôi đi ngủ lúc 9 giờ tối. Tôi giữ thói quen này mỗi ngày, chẳng cần thay đổi cho đa dạng.

Sự lặp lại, bản thân nó đã là điều rất quan trọng, đó là một hình thức của thôi miên. Tôi thôi miên bản thân mình để chạm tới tầng sâu nhất của tâm trí. Nhưng để giữ cho sự lặp lại này kéo dài lâu – 6 tháng tới 1 năm – thì cần rất nhiều sức mạnh vật lý và cả tinh thần nữa. Viết một tiểu thuyết dài cũng giống như trải qua một cuộc huấn luyện để sống sót. Sức mạnh vật lý của cơ thể cũng cần thiết như sự nhạy cảm về nghệ thuật.

- Tôi muốn hỏi về những nhân vật của ông. Khi ông viết, họ trở nên thực tới mức nào? Có quan trọng không nếu họ có một cuộc sống độc lập với người kể chuyện?

- Khi tôi xây dựng nhân vật cho những cuốn sách của mình, tôi rất thích quan sát những con người thực trong đời sống của tôi. Tôi không thích nói nhiều, tôi chỉ thích lắng nghe câu chuyện của những người khác. Tôi không quyết định xem họ là loại người nào, mà tôi cố gắng nghĩ về những gì họ cảm thấy, nơi họ sắp tới… Tôi thu lượm các yếu tố từ người này, các đặc điểm từ người khác, tôi không biết những thứ đó là “thực” hay “không thực”, nhưng với tôi, các nhân vật còn thực hơn cả người thực ngoài đời. Trong khoảng 6, 7 tháng viết lách, những con người đó ở bên trong tôi.

 

- Những nhân vật chính thường phản chiếu quan điểm của chính ông về thế giới kỳ ảo của những người kể chuyện – một kẻ đang mơ trong một giấc mơ.

- Hãy nghĩ theo hướng này đi: tôi có một người anh sinh đôi, và khi tôi hai tuổi, một trong số chúng tôi đã bị bắt cóc. Anh ấy bị mang tới một nơi rất xa và chúng tôi không gặp nhau. Tôi nghĩ những nhân vật chính của mình chính là anh ấy, một phần của tôi, nhưng không phải tôi, và chúng tôi không nhìn thấy nhau từ rất lâu rồi. Đó là một kiểu người thay thế bản thân tôi, chúng tôi giống nhau, nhưng môi trường xung quanh lại quá khác biệt, vì thế nên cách suy nghĩ của cả hai cũng khác biệt đến thế.

Mỗi khi tôi viết một cuốn sách, tôi đặt bản thân vào nhiều cảnh huống khác nhau, vì thỉnh thoảng tôi cảm thấy mệt mỏi khi là chính mình. Cách này giúp tôi được giải thoát, nó rất kỳ diệu.

- Cho tới nay, một vài yếu tố trong tiểu thuyết của ông đã thay đổi, một số khác thì vẫn được giữ nguyên. Sách của ông luôn được kể ở ngôi thứ nhất, trong đó, một người đàn ông trôi giữa rất nhiều mối quan hệ nhục dục với phụ nữ. Anh ấy đối diện với những phụ nữ đó – và dường như họ giữ chức năng là để biểu lộ nỗi sợ hãi của anh ta, và cả sự tưởng tượng.

- Trong những cuốn sách và câu chuyện của tôi, phụ nữ là người trung gian trong cảm giác. Chức năng của người trung gian là để mọi thứ xảy ra quanh cô ấy. Nhân vật chính thường xuyên bị dẫn dắt tới một nơi nào đó bởi người trung gian, và nhãn quan của anh ta chỉ thấy những gì cô ấy tạo ra cho anh ta thấy.

Tôi nghĩ tình dục là một hành động ràng buộc về tâm hồn. Nếu hòa hợp về tình dục, những vết thương của bạn sẽ được chữa lành, trí tưởng tượng của bạn sẽ được tăng cường, giống như việc tiến lên một nấc thang mới, tới một nơi tốt hơn. Theo ý đó, trong các truyện của tôi, phụ nữ chính là người báo hiệu của một thế giới đang tới. Đó là lý do vì sao họ luôn đến với những nhân vật chính, chứ anh ta không tới với họ.

- Dường như có hai kiểu phụ nữ rất dễ nhận thấy trong các tiểu thuyết của ông: một kiểu có mối quan hệ nghiêm túc, bền chắc với nhân vật chính – thường là người phụ nữ sẽ biến mất, và ký ức về cô ấy cứ truy đuổi theo anh chàng; còn kiểu thứ hai, một người tới sau, người sẽ giúp anh ta tìm kiếm cô gái cũ, hoặc ngược lại, giúp anh ta quên đi. Kiểu phụ nữ thứ hai thường bộc trực, kỳ lạ, rất thẳng thắn, và cách nhân vật chính tương tác với cô ấy cũng ấm áp và hài hước hơn với người phụ nữ đã biến mất. Mục đích của hai kiểu phụ nữ này là gì?

- Nhân vật chính của tôi thường xuyên bị kẹt giữa thế giới thực và thế giới trong tâm tưởng. Trong thế giới ảo, những phụ nữ, hoặc đàn ông, thường lặng lẽ, thông minh, khiêm nhường và uyên bác. Trong thế giới thực, như người ta nói, phụ nữ thường sinh động, hài hước, chủ động hơn. Tâm trí của nhân vật chính thường bị chia sẻ giữa hai thế giới hoàn toàn khác biệt này, và anh ta không thể chọn xem mình ở lại đâu. Tôi nghĩ đó chính là một trong những mô típ chính ở các cuốn sách của tôi. Ở “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới” thì tâm trí nhân vật chính đúng là bị chia sẻ theo nghĩa đen, hay “Rừng Na Uy”, từ đầu tới cuối, anh chàng này không thể chọn giữa hai cô gái.

 

- Ngoài ra, trong sách của ông, ông luôn trở đi trở lại với các chi tiết về thời gian ở đời thực.

- Tôi rất thích các chi tiết. Tolstoy từng muốn miêu tả tất cả, còn tôi, tôi chỉ muốn tập trung miêu tả ở một khía cạnh nhỏ. Khi người ta tả kĩ những thứ nhỏ bé, thì đối lập với những gì xảy ra với Tolstoi, câu chuyện của tôi sẽ càng trở nên không thực. Đó là những gì tôi muốn làm.

- Thế còn về nhạc jazz, và âm nhạc nói chung? Những thứ đó có hữu ích cho công việc của ông không?

- Tôi bắt đầu nghe nhạc jazz từ khi tôi mới 13, 14 tuổi. Âm nhạc luôn có những ảnh hưởng mạnh mẽ, những nốt nhạc, giai điệu, cảm giác… rất có ích khi tôi viết. Tôi từng muốn trở thành một nhạc sĩ, nhưng tôi không thể chơi nhạc quá hay, nên tôi trở thành một nhà văn. Viết một cuốn sách cũng giống như chơi nhạc: đầu tiên, tôi có một chủ đề, rồi sau đó, tôi phát triển nó lên, và tôi đi tới  phần kết thúc, kiểu như thế.

- Xin cảm ơn ông!

Từ Dep.com.vn


Đọc thêm: