Đây chỉ là những suy nghĩ rất hạn hẹp của mình về cuốn tiểu thuyết đầu tay Haruki Murakami.
Có lẽ ai trong mỗi chúng ta đều có riêng mình một tuổi trẻ, khoảng  thời gian mười tám đôi mươi. Và dường như ở cái giao điểm cuộc đời,  chúng ta đều đứng trên cái bập bênh của nó. Những suy tư, cảm xúc lúc  thì nhìn lại quá khứ một cách dò xét, hoặc chỉ đơn giản “tua lại những  gì đã qua”. Mặc khác, chúng ta lại nhìn về tương lai, thấy “cái chết” ló  dạng trong tâm tưởng. Suy nghĩ xoay vòng, lộn xộn. Mọi thứ hỗn loạn đi  tìm cái trật tự. Qua những sự kiện xảy ra trong cuộc đời, chúng ta tìm  thấy cho riêng mình một “quy luật cuộc sống”. Nhân vật “tôi” trong câu  chuyện Lắng nghe gió hát cũng không phải là ngoại lệ.
Nhân vật “tôi” được tác giả giới thiệu một cách mờ nhạt. Xuyên suốt  cuốn tiểu thuyết không quá 200 trang “tôi” được nhào nặng và tạo hình  qua các sự kiện xung quanh hắn. Và phần lớn mọi thứ diễn ra tại Jay’s  Bar, nơi hắn và Chuột gặp nhau.
“Tôi” được tác giả mô tả vài chương đầu của truyện.
Một kẻ đam mê văn chương, đặc biệt là của Derek Hartfield.
Một kẻ tìm kiếm mình trong văn chương, đắm mình trong từng trang sách và quên đi thế giới thực tại.
Năm mười mấy tuổi thì phải, tối đã từng có lần kinh ngạc  đến nỗi không thể mở miêng suốt một tuần sau khi nhận ra sự thật đó. Chỉ  cần tinh tế một chút, thế giới sẽ xoay vần theo ý muốn của tôi, mọi giá  trị đều đảo lộn, thời gian cũng ngược dòng…Tôi đã có cảm giác đó.
Là kẻ ít nói. Hồi nhỏ vì cái tai hại đấy mà bố mẹ dẫn hắn đi gặp bác  sĩ trị liệu tâm lý. Ông bác sĩ già kể cho hắn nghe một câu chuyện.
Ngày xưa, ở một vùng nọ có một chú sơn dương vô cùng thân  thiện với con người. Chú ấy lúc nào cũng đeo trên cổ một chiếc đồng hồ  vàng nặng, vừa kêu phừ phừ vừa đi vòng quanh. Tuy nhiên chiếc đồng hồ đó  không chỉ nặng mà còn bị hỏng và không chạy nữa. Thế rồi một chú thỏ  bạn của sơn dương mới đến và nói: “Này, sơn dương, tại sao lúc nào anh  cũng đeo lủng lẳng chiếc đồng hồ đã chết thế? Có vẻ nặng và cũng chẳng  có tác dụng gì mà? ‘Đúng là nặng thật’ . Sơn dương trả lời. ‘Nhưng mà  tôi đã quen mất rồi. Cả việc chiếc đồng hồ nặng lẫn việc nó không còn  chạy nữa’ “
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Haruki đã nhen nhóm lên cái cô độc  xuyên suốt những tác phẩm của ông. “Lắng nghe gió hát” không phải là  cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc. Khoảng vài năm trước, tôi đã đọc qua  Rừng NauyKafka bên bờ biển. “Tôi” cũng như Wanatabe hay Kafka, những  con người lạc lõng trong xã hội, tuổi đời không quá trẻ cũng không quá  già, mỗi con người mỗi cuộc đời, nhưng ở họ đều có chung một điều: sự cô  độc. Lòng ham sống rời họ đi quá sớm còn cái chết thì đến thật gần nơi  ngưỡng cửa. Họ đứng lại nơi thời gian ngừng trôi, suy niệm về con người,  xã hội hay chính kiếp sống của họ. Những con người lướt qua đời họ tuy  ngắn ngủi nhưng mang đầy những ý nghĩa, “Tôi” chọn cho mình cuộc sống  như vậy.
Câu chuyện này bắt đầu ngày 8 tháng tám năm 1970, và kết thúc mười tám ngày sau đó, tức ngày 26 tháng tám cùng năm.
Mối lương duyên kỳ lạ đầu tiên của “tôi” là Chuột. Hắn hiện ra qua những mẫu đối thoại gàn dở với nhân vật “tôi” như:
Chuột vừa dùng đầu ngón tay mân mê miệng cốc bia vừa suy nghĩ.

“Như này thì sao? Tớ lên một con thuyền và nó bị đắm giữa Thái Bình  Dương. Thế rồi tớ tóm được một cái phao và một mình lênh đênh trên biển  đêm, ngắm nhìn bầu trời sao. Một đêm tĩnh lặng và tuyệt đẹp. Thế rồi  phía bên kia có một cô gái trẻ cũng tóm được phao và bơi về phía tớ
“Một cô gái tốt chứ”
“Tất nhiên rồi”

Tôi nhấp một ngụm bia và lắc đầu.

“Lãng xẹt thế nào ấy”
“Cậu cứ nghe đi đã. Sau đó hai người bọn tớ vẫn lênh đênh trên biển cạnh  nhau và tán gẫu đủ chuyện trên trời dưới đất. Nào là chuyện tương lai,  chuyện quá khứ, sở thích của hai đứa, rồi thì chuyện tớ đã ngủ với bao  nhiêu người đàn bà, rồi bọn tớ bàn cả chương trinh ti vi, giấc mơ đêm  hôm trước. Thế rồi hai đứa cùng uống bia”
“Này, đợi chút đã. Sao lại có bia từ đâu chui ra vậy?

Chuột thoáng suy nghĩ.

“Nổi trên biển. Mấy lon bia trôi từ nhà ăn trong thuyền ra. Cả mấy hộp cá mòi ngâm dầu nữa. Thế được chưa?
“Ờ”
“Chẳng mấy chốc trời rạng sáng. Cô gái hỏi tớ: ‘Giờ anh định thế nào? Em  thì sẽ thử bơi về phía em đoán là có đảo xem sao.”Nhưng biết đâu không  có đảo. Chi bằng cứ lênh đênh ở đây uống bia, nhất định sẽ có máy bay  cứu hộ đến,’ tớ nói với cô ấy như vậy. Nhưng cô gái một mình bơi đi mất.  ”

Chuột hít một hơi và uống bia.

“Cô gái bơi liên tục hai ngày hai đêm thi tới được một hòn đảo nào  đó. Còn tớ thì được máy bay tới cứu trong khi vẫn chưa tỉnh cơn say suốt  hai ngày trời. Thế rồi nhé, vài năm sau bọn tớ tình cờ gặp nhau lại  trong một quán bar nhỏ ở Yamanote.”
“Xong hai người lại uống bia chứ gì?”
“Thế có buồn quá không?”
“Chịu”, tôi nói.
Câu chuyện của Chuột tiếp tục…
“Anh có nghĩ là em đã sai không?” Cô gái hỏi.
Chuột nhấp một ngụm bia, từ tốn lắc đầu: “Nói thẳng ra nhé, ai mà chẳng sai.”
“Tại sao anh nghĩ thế?”
“Ừm…mmmm.” Chuột chỉ khẽ rên như vậy rồi đưa lưỡi liếm môi trên mà không trả lời.
“Em đã cắm đầu cắm cổ bơi tới đảo đến nỗi muốn lìa cả hai cánh tay. Em  đã vô cùng đau đớn những tưởng mình sẽ chết đến nơi. Thế rồi nhé, không  biết bao nhiêu lần em đã nghĩ thế này. Rằng biết đâu em đã sai và anh  mới đúng. Và rằng tại sao em thì khổ sở nhường ấy, còn anh thì chỉ cần ở  yên một chỗ và lênh đênh trên biển thế thôi.”
Đó chính là những băn khoăn của người trẻ về tình yêu, và tôi dám  chắc rằng ai cũng đã từng trải qua. Rằng chuyện yêu đương là nơi “con  tàu đắm” của cuộc đời, người đến với ta như một sự cứu rỗi. Hai tâm hồn  đồng điệu và đầy cảm xúc. Chúng hoà lẫn vào nhau đưa đôi trẻ đến cổng  thiên đường. Nhưng có chẳng tồn tại sự hoà hợp hoàn hảo? Tôi nghĩ rằng  nó không tồn tại. Và rằng sâu trong mỗi con người đều có một góc khuất,  bạn chẳng bao giờ nhìn thấy được nó, giống như việc ta chỉ có thể nhìn  thấy một mặt của đồng xu vậy. Nó vẫn cố hữu ở đấy, mặc cho tình yêu  cuồng say. Nó lớn dần và một lúc nào đó sự chia ly là không thể tránh  khỏi. Hẳng là buồn, Hẳng là tức giận. Nhưng sau tất cả, chúng ta có nên  nhìn nhận tình yêu đã qua một cách phán xét không? Ai sai, ai đúng? Ai  mà chẳng sai.
Câu nói không mang ý nghĩa trách móc cho cả hai phía mà là sự tha  thứ. Tha thứ cho chính bản thân ta cũng như người ấy, tha thứ cho những  góc khuất của mỗi người mà ta không thể nào chạm tới.
Hồi kết của tiểu thuyết, Chuột nói:
Nhưng mà này, cậu thử nghĩ kỹ mà xem. Điều kiện, hoàn  cảnh của tất cả đều như nhau. Kiểu như chúng ta cùng lên một chiếc máy  bay hỏng ấy. Đương nhiên có người may mắn, cũng có kẻ xấu số. Có người  kiện cường, kẻ yếu đuối, có người giàu, có kẻ nghèo. Thế nhưng, chẳng ai  có sức mạnh phi thường hơn người cả. Tất cả đều như nhau. Kể sở hữu thứ  gì đó thì sợ hãi một ngày nào đó đánh mất, kẻ không có gì trong tay lại  lo lắng vĩnh viễn chẳng có được gì. Tất cả đều như nhau.
Chuột nhận ra. Hắn thôi trách móc những kẻ giàu có và thôi chìm đắm  trong đau khổ của cuộc chia ly. Trên tất cả chúng ta đều như nhau trên  chiếc máy bay hỏng mang tên cuộc đời. Và rằng tính vị kỉ là cố hữu ở mỗi  con người
Tình yêu là vị tha cho nhau.
Quay lại nhân vật chính của chúng ta. “Tôi” cũng có cho mình những  mối tình. Cô gái đầu tiên là bạn học cấp ba, cô gái thứ hai là một cô  nàng hippie gặp ở ga tàu điện ngầm, cuối cùng là cô sinh viên khoa Pháp.  Họ đều đến và đi đến nỗi “tôi” không kịp nhận ra. Tình cờ vào một buổi  tối ở quán bar, hắn gặp một cô gái – Haruki lại không cho cổ một cái tên  – tôi tạm gọi là cô gái bán đĩa vậy.
Cuộc gặp gỡ này tôi cho rằng là đúng thời điểm. Tại sao là đúng thời  điểm? Cả hai con người lạc lõng và vô định, mang nỗi u uất và trầm cảm  khôn nguôi. Có thể dùng một từ, đó là tuyệt vọng.
Hãy lật vài trang của đầu câu chuyện, ta có một câu nói như này:
Thứ gọi là văn chương hoàn hảo không tồn tại. Giống như không tồn tại nỗi tuyệt vọng hoàn hảo vậy.
Hai con người đứng đối diện với tuyệt vọng. Họ nhìn nó mà chẳng thể  làm được gì cả. Nhưng có lẽ ông trời luôn mở cửa hoặc tác giả muốn những  tâm hồn vụn vỡ đấy tìm đến nhau trong những tình huống không ngờ tới.
“Địa ngục thì sẽ nóng hơn đấy”
“Cứ như là anh đến rồi ấy.”
“Tôi nghe người ta nói. Khi người ta nóng quá sắp phát điên thì được lôi  tới chỗ mát hơn chút xíu. Rồi vừa kịp hoàn hồn thì lại bị trả về chỗ  cũ.”
“Khác nào nhà tắm xông hơi.”
“Đúng đấy. Nhưng trong số đó cũng có những kẻ phát điên và không thể bình thường lại được nữa.”
Những buổi hẹn hò, những mẫu đối thoại. Chúng làm họ trở nên tồn tại,  họ trong nhận ra chính mình, nhận ra nhau. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện  của Chuột (được nhắc đến ở trên), nhân vật “tôi” và cô gái như được cứu  rỗi nơi đoạn kết của tuyệt vọng. Dù chỉ là một mối tình chóng vánh,  nhưng họ nhận ra một điều. Không có nỗi tuyệt vọng hoàn hảo. Cô gái bán  đĩa chia se những nỗi buồn thầm kín với “tôi” mà trước giờ cô chẳng nói  với ai. Không phải để cầu xin một sự giúp đỡ, mà là sự xoa dịu. Sự xoa  dịu nỗi thống khổ cho nhau. Để cuối cùng cả hai thôi nhìn vào nỗi tuyệt  vọng mà hướng đến tia sáng hy vọng cháy le lói trong tim. Cho mỗi người  một lý do để sống.
Tôi nhận ra cô đang khóc. Tôi lần ngón tay khắp đôi má ướt đẫm nước mắt rồi quàng tay qua vai ôm lấy cô.

Lâu lắm rồi tôi mới lại cảm nhận được hương vị mùa hè. Hương thuỷ  triều, tiếng còi tàu xa xăm, cảm giác khi chạm vào da con gái, mùi chanh  của dầu xả, cơn gió của buổi chiều hôm, hy vọng nhạt nhoà, và giấc mơ  mùa hạ…
Cuốn tiểu thuyết kết thúc khi “tôi” đã lấy vợ. Chuột thì đã 30 và  đang viết tiếp cuốn tiểu thuyết của mình. Cô gái thì biến mất vào biển  người mênh mông, không bao giờ gặp lại…
Tôi không phải là người đã đọc hết tác phẩm của Haruki Murakami và am  hiểu tường tận về tác giả. Tôi chỉ đơn giản là người đi tìm kiếm sự  đồng cảm cho nỗi buồn của mình ở tác phẩm của ông. Theo cảm nhận của  mình, tôi không đánh giá tác phẩm nào hay hơn, chỉ đơn thuần đọc nó và  biết rằng từng “nỗi buồn” của những nhân vật đều mang dáng hình khác  nhau. Nếu bạn là người mới bước chân vào thế giới của Haruki Murakami  giống như tôi, thì Lắng nghe gió hát là cuốn sách mào đầu hoàn hảo. Một  lý do duy nhất là vì nó chỉ vỏn vẹn không quá hai trăm trang, nhưng là  cái ngòi nổ đầu tiên cho dòng văn chương mang tên ông. Trên tất cả, bạn  sẽ hiểu được nỗi buồn của chính mình, cảm nhận và gọi tên được chúng.  Niềm an ủi vô tận cho con tim của bạn.
Viết cho ngày 28 tháng 9 năm 2018, Sài Gòn mưa.