Đọc sách hay thiền

" Tôi chỉ muốn khóc nức nở thật to lên, nhưng tôi không được phép khóc. Để chảy nước mắt thì tôi đã quá già và đã quá từng trải. Có một nỗi buồn mà không ai khóc được. Nỗi buồn ấy không giải thích được cho ai, và nếu biết cách giải thích cũng không ai hiểu nổi. Một nỗi buồn không thể chuyển qua dạng khác, nó chỉ nhẹ nhàng phủ lên tâm hồn như tuyết rơi trong một đêm lặng gió.

Hồi còn trẻ tôi đã cố diễn tả nỗi buồn ấy bằng lời. Nhưng dù có tìm ra bao nhiêu câu chữ thì tôi cũng không chia sẻ được với ai, ngay cả với chính mình, cuối cùng tôi bỏ cuộc. Tôi đóng ngôn ngữ của mình lại. Tôi đóng tim mình lại. Nỗi buồn sâu thẳm thậm chí không tìm được cả nước mắt.

Tôi hút một điếu thuốc"

Đây là một đoạn tôi thích nhất của cuốn sách này, và có lẽ cũng là đoạn dễ để trích dẫn nhất trong một mớ những thứ khó hiểu triền miên khi lẫn lộn khi tách biệt trong thế giới của Murakami. 

Tôi chìm đắm trong cuốn sách này 3 ngày liền, 616 trang sách, theo như bình thường tôi chỉ mất một ngày, nhưng cuốn này, mất đến 3 ngày. Và bi kịch là mặc dù mất đến 3 ngày, nhưng để hiểu được cuốn sách này tôi còn cần thêm nhiều thời gian hơn nữa.

Xem nào, trên kia, tôi có để tiêu đề: "Đọc sách hay thiền". Bởi khi đọc cuốn sách này, tôi lạc và buộc phải lạc vào thế giới kì lạ của cuốn sách, buộc phải toàn tâm toàn ý đọc, nhấm nháp từng chi tiết và cảm giác thì lâng lâng, khó miêu tả, không giống như đang tồn tại trên thế giới thực. Tôi vẫn thường nói, đọc sách của Murakami, dù không hiểu gì thì vẫn cứ đọc tiếp, giống như một liều heroin loại nhẹ thấm dần qua thời gian, giống như khi tôi ăn phomai con bò cười, mùi vị thật sự không dễ nuốt nhưng tôi vẫn cứ ăn tiếp,  ăn nhiều lần, và chủ động tìm kiếm mỗi lần ngó qua siêu thị mặc dù tôi vẫn không thích mùi vị đó, đến tận bây giờ. À, dĩ nhiên, không thể so sánh một kho kiến thức đồ sộ với một vài miếng phomai, ý tôi là nó khá tương đối. Mặc dù cuốn sách có ra sao, thì không thể phủ nhận, sự tham lam của Murakami là không giới hạn, lồng ghép vô số các kiến thức của nhiều lĩnh vực tâm lý học, sinh lý học, khoa học thám hiểm, viễn tưởng vào trong một cuốn sách. Dĩ nhiên sự tham lam này là có mục đích nhưng thực sự khiến người đọc khó mà tự tin vào vốn kiến thức của mình, đọc mà phải bỏ lại nhiều đoạn thì rõ ràng là không dễ chịu gì cho cam. Thế đấy, nên tôi chắc chắn phải đọc lại cuốn sách này lần 2. Tôi chưa từng thiền, nhưng tôi nghĩ đạt đến cảnh giới phớt lờ mọi thứ, chìm đắm vào một thế giới tưởng tượng và suy nghĩ mông lung...chắc giống thiền.

Khái quát thì "Xứ sở diệu kỳ và chốn tận cùng thế giới" là một tác phẩm khoa học giả tưởng, trinh thám và bản tuyên ngôn của chủ nghĩa hậu hiện đại được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Một tác phẩm đồ sộ kết hợp Đông - Tây, bi- hài, sự thờ ơ, lòng trắc ẩn, ngôn ngữ lóng thông tục và các tư tưởng triết học siêu hình. Một kẻ thất bại trong cuộc sống xã hội kết hợp với một toán sư tài ba tạo nên một nhân vật Tôi - nhân vật dù đi dọc hay đi ngang khắp câu chuyện cũng khiến người ta không thể bớt khó chịu, một con người với bộ óc không tầm thường nhìn gì cũng thờ ơ nhưng lại có tài năng đặc biệt và một cuộc sống dị biệt- so với chúng ta. Anh ta giống như người đi ngoài cửa sổ, tưởng như đang chăm chăm vào một mục tiêu cuộc đời duy nhất là một món hời sau nghỉ hưu với một cuộc sống yên bình, nhưng tận sâu trong tiềm thức, anh ta đã đạt tới cảnh giới cao nhất, anh ta mơ ước một cuộc sống yên bình ở nơi tận cùng thế giới, nơi con người ta vứt bỏ tâm hồn và bất tử với sự yên bình lặp đi lặp lại bên xác các con thú và bức tường thành cao ngất. Bức tường đó chính là vỏ tâm hồn của anh ta, cả thế giới thật lẫn thế giới tưởng tượng, anh ta đều giữ kín lớp vỏ đó, không muốn thoát ra, một bi kịch của kẻ điên khùng.

Gọi là bi kịch, vì kết thúc anh ta đã chọn sống trong lõi hệ thức tư duy của mình: có nghĩa là anh ta đã chết ở thế giới thực. Nhưng không giống bất cứ một tiểu thuyết nào khác, nhân vật chính chết là câu chuyện chìm trong đau thương u tối. Trong tác phẩm này, nhìn thẳng vào thực tế mà nói, thì Tôi  đã chết, nhưng tác giả hoàn toàn không đề cập đến từ chết, bởi ông tin rằng, cuộc sống là một căn nhà nhiều tầng, dưới tầng trệt còn nhiều nhiều tầng hầm, kết thúc tầng nọ thì xuống tầng kia, và nhân vật Tôi chỉ đơn giản là trở về với cõi sống mà anh ta cảm thấy anh ta muốn sống, một thế giới mà anh ta cho là nó hoàn hảo. Điều làm nên câu chuyện này thêm phần gay cấn và có điểm nhấn chính là quá chính anh ta ngẫu nhiên được khai quật thế giới đó lên bởi một nhà khoa học với bộ óc siêu phàm, ông ta đã thử nghiệm các công trình khoa học lên nhân vật Tôi- người duy nhất vượt qua sát hạch thử nghiệm. Anh ta đã được cấy ghép các mảng vi mạch vào não và kích hoạt phân tích não bộ, điều khiển bộ não của con người. Về cơ bản thì tôi ( người đọc) không đủ khả năng để hiểu hết những vấn đề vĩ mô ở trên, nó liên quan nhiều đến sinh lý học, vật lý và các kiểu tư duy của hệ thống máy tính. Nên, cái mà tôi tiếp thu được chỉ có thể là những thứ tổng quát và những ý nghĩa mà câu chuyện mang đến hoặc có thể chẳng là gì cả, đọc một cuốn sách mà cuối cùng không hiểu gì cũng không phải là một chuyện gì quá vô dụng, nó là một dạng thử thách sự kiên trì và thu nạp kiến thức. Ok, mọi thứ khá ổn ngoại trừ những đêm mất ngủ vì mơ phải những thứ kì bí, kì lạ mà lý do chính là do đã quá chìm vào thế giới trong cuốn sách, sự khó hiểu đeo bám bạn vào cả những giấc mơ. Một trải nghiệm không tồi.

Hai trong nhiều yếu tố chính xây dựng lên giá trị của một cuốn sách chính là nội dung và cách thể hiện ( ngôn từ), ở trong sách của Murakami thì 2 yếu tố trên chính là vũ khí lợi hại khiến các tác phẩm của ông lên đến tầm cỡ được coi như một dòng văn học, giống như người Việt hát nhạc Trịnh, người Nhật đọc Murakami. Tôi thật sự bị ấn tượng mạnh bởi cách hành văn cũng như cách dùng từ của Murakami. Nói thế nào nhỉ, nó giống như một ma trận ngôn từ, zíc zắc, nhiều màu sắc u ám, nhiều hình ảnh khó gợi mở mà liên tưởng. Những câu chữ mà chúng ta không thường gặp trong cuộc sống cũng được đưa vào một số đoạn. Nếu như bạn gặp khó khăn trong việc đọc Triết, thì các tác phẩm của Murakami cũng gần như vậy, chỉ khác là nó không quá siêu hình mà thường sẽ gắn bó với mạch tâm lý , cảm xúc của nhân vật. Những ngôn từ đó tuy khó hiểu nhưng khi ghép vào với nhân vật thì chính là sự kết hợp hoàn hảo nhất. Tôi mới chỉ đọc vài tác phẩm của Haruki nhưng không khó để nhận ra, hầu hết các tuyến nhân vật đều có nội tâm rất rất phong phú, kiểu tự kỉ, những suy nghĩ tranh đấu nhau liên tục, khiến người đọc cũng cảm thấy rối trí theo. Thật không dễ để hiểu được những hành động tiếp theo của các nhân vật đó. Nhưng thế giớI nội tâm tranh đấu dữ dội bao nhiêu thì cuộc sống thường nhật lại giản đơn bấy nhiêu, đơn giản, gọn gàng, có chu trình lặp đi lặp lại, những khúc mắc cuộc sống thường không lớn, các mối quan hệ cũng không có gì quá mật thiết. Và dường như, chúng ta gặp đa số hình ảnh của mình trong đó, dĩ nhiên không phải tất cả, chỉ một vài nét thôi, nhưng nó lại là những chi tiết có tác động rất lớn trong cuộc sống của mỗi người. Và khi ta đang không hiểu nó là cái thứ quỷ quái gì thì Haruki đã giúp ta khái quát nó thành câu chữ và lồng ghép vào tuyến nhân vật của ông. Có lẽ, bởi vậy mà các tác phẩm của Murakami cuốn hút người đọc. Không phải dạng văn học có cốt chuyện rõ ràng với nhiều bối cảnh xung đột, không có nhiều câu chuyện tình yêu lãng mạn, say đắm, không có các vụ phá án rùng rợn như điện ảnh Hồng Kông, không có các pha đẹp mắt, cú vọt bất ngờ như các tiểu thuyết trinh thám hành động kiểu Mỹ. Ở trong Xứ sở diệu kỳ, người đọc nhiều khi bội thực bởi các bản nhạc cổ điển, các tác phẩm văn học cũ rích, những ly whiskey, bia và coca, những cuốn sách , các cuộc chiến tranh, công trình khoa học, kiến thức lịch sử, thế giới thiên nhiên bí ẩn, bản thể với bóng... một mớ hỗn độn được lồng ghép với nhau thành chuỗi  cuộc đời vỏn vẹn vài tháng của một toán sư có cuộc sống không thể bình thường hơn. 

Và không thể nói rõ cảm giác là gì khi kết thúc cuốn sách của Murakami. Không buồn bã, không đau đớn thất vọng, không vui vẻ hạnh phúc. Nó là một khoảng lặng, một lúc lâu sau, bạn sẽ không thể nghĩ gì thêm được nữa. Nó giống như bạn đứng trước một quảng trường thênh thang lộng gió, cầm một lon nước coca và chỉ đứng đó thôi, không nói gì, không nghĩ gì, không nhúc nhích cử động. Đứng đó và lắng nghe. Bạn cũng sẽ không có điều gì phải nuối tiếc cả, mọi thứ đều được Murakami dọn sạch sẽ, nhân vật nào rồi cũng trở về với cỗ máy cuộc đời đã an bài. Gọi là bi kịch thì cũng không hẳn, chỉ là thế giới trong Murakami vẫn thế, siêu thực đến tàn bạo, chẳng để cho ta bất cứ hi vọng hão huyền nào về một cuộc đời vốn dĩ ít màu hồng. Có chăng là những dòng triết lý khiến ta phải ngẫm nghĩ nhiều, đúng, ngẫm nghĩ nhiều, nó ám ảnh ta đến cả trong giấc mơ. Giống như việc nhân vật tôi suy tính xem nên làm gì vào 24h cuối đời, và giây phút cận kề việc mất đi toàn bộ ý thức, anh ta phát hiện ra dù cho cuộc sống này có vô vị đến mức nào, nhạt nhẽo đến ra sao, dù trên đời này chẳng có gì để níu kéo, gia đình không, bạn bè không, đồng nghiệp không thì đó cũng là cuộc sống của anh ta, anh ta muốn sống, nhưng vẫn bình thản trước cái chết. Bi kịch nhỉ, nhưng cái cách anh ta ra đi ở cảng biển vào một buổi chiều xinh đẹp và tiềm thức anh ta đã thực sự quen với việc sống ở chốn tận cùng thế giới là một dấu hiệu tốt để xua tan những đám mây u ám trước đó.

“ Mày đọc cái gì đấy?” Đứa bạn hỏi tôi.

“ Tao cũng không rõ nữa” Tôi đang lật sang trang thứ 526 và trả lời nó.

Chắc phải đến 10 năm nữa, hay thậm chí 20 năm nữa, khi đọc lại, tôi mới có thể hiểu hết những nỗi buồn và tuyệt vọng về thế giới đương đại đang chìm trong cuốn sách.

Dù sao thì cũng không phí mất ba ngày vật lộn với cuốn sách mua từ tháng 12 năm ngoái. Rất cảm ơn bạn Tuyết vì đã can đảm đọc xong em ấy, có trời mới biết 50 trang đầu khó nuốt đến mức nào. 

-Lim-