Đọc Murakami Haruki từ những từ khoá trong toàn bộ tiểu thuyết và tác phẩm - Mở đầu
Mở đầu: Murakami Haruki "khó đọc"? Những tác phẩm của Murakami Haruki vì sao lại được đón đọc và gây xôn xao văn đàn đến thế? Lý...
Mở đầu: Murakami Haruki "khó đọc"?
Những tác phẩm của Murakami Haruki vì sao lại được đón đọc và gây xôn xao văn đàn đến thế? Lý do rất đơn giản. Thứ nhất, ông có lối triển khai cốt truyện lạ lùng và hấp dẫn; thứ hai, có lẽ do “cảm giác khó đọc" (難解感) ập tới sau đó. Không hiểu sao bất kể truyện dài đến đâu, độc giả hễ cầm sách lên là lần hồi mở đến trang cuối. Tác phẩm của Haruki nắm giữ một yếu tố ma thuật khiến người ta phải đọc liền một hơi như vậy. Thêm vào đó là lối ví von kích thích cảm giác háo hức (サービス精神), những cảnh gây sốc nằm rải rác trong tác phẩm. Vì chúng mà người đọc không cách nào bỏ dở giữa chừng.
Tuy vậy, khi gấp sách lại, bủa vây lấy chúng ta lại là một cảm giác khó tả, đôi lúc là thứ gì đó rất nặng nề. Bản chất của nó là sức nặng chủ đề mà tác phẩm đang gánh vác, là cảm giác “mất mát”, “bất lực" đã chi phối toàn bộ tác phẩm thời kỳ đầu của Haruki. Hoặc xâm chiếm lấy tâm hồn ta một cảm giác “cô độc”. Càng đọc ta càng rơi vào đáy sâu tăm tối không cách nào tránh được.
Từ giai đoạn thứ hai trở đi là chuỗi những cảm xúc như rơi vào mê cung, ta càng đọc càng không thể lý giải. Nôm na là trong khi hàng loạt sự việc còn luẩn quẩn chưa thông suốt thì hết truyện. Độc giả chỉ biết “đau đớn".
Những tác phẩm đầy dư vị như vậy của Murakami Haruki mặt khác luôn khiến người ta khao khát đọc tiếp, dường như vì tính cân bằng vi diệu trong chúng. Độc giả có khả năng cảm nhận đồng thời sự sảng khoái, thích thú lẫn sức nặng chủ đề và “cảm giác khó đọc" - trong khi chúng trung hoà lẫn nhau. Chung cuộc, cả sự kỳ quái và mãn nguyện cùng lúc ngự trị trong ta.
Còn với những độc giả không biết nên đọc Murakami Haruki thế nào, hoặc chưa nắm bắt được phương pháp đọc, tôi xin đề xuất: hãy bám theo những chi tiết cốt lõi thôi, đừng bận tâm những món đồ trang trí rườm rà (nhưng không hề vô dụng). Chẳng hạn khi đọc “Kafka bên bờ biển", đừng khựng lại để nghĩ cho ra vì sao cá mòi lại rơi từ trên trời xuống, thay vào đó hãy xoáy vào lý do trang thiếu niên Kafka rời Tokyo để hướng đến Kagawa thuộc Shikoku. Những dữ kiện trung gian quan trọng, bạn cứ đọc và tiếp nhận tuỳ hứng, sau đó lại xuôi theo mạch truyện cũng được. Đọc một mạch đến lúc Kafka sau cùng tái sinh và quay lại Tokyo, ta sẽ dần nhìn nhận được mọi chuyện theo trình tự thời gian, ví dụ vì sao mèo biết nói, Colonel Sanders là mấy người,...
Thậm chí, có thể nói không nhất thiết phải đưa ra những câu trả lời sáng tỏ. Độc giả càng lạc trong mê cung càng bị tác phẩm ám ảnh. Khoảnh khắc mơ hồ nhận ra sự xuất hiện của "Truyện Genji" hay " Truyện Vũ Nguyệt" (còn được biết đến với tên gọi "Vũ nguyệt vật ngữ" ở Việt Nam. N.D) chính là trải nghiệm không gì thú vị cho bằng. Đôi khi bằng cách ấy những bí ẩn khác lại dần sáng tỏ, như thể ta vừa thấy mạc khải của Chúa Trời. Và ngay cả khi mạc khải kiểu này không hiện ra cũng chẳng sao, bởi có thể ta lại bất thình lình nhận được mạc khải khi đang đọc một tác phẩm khác. Chuyện những con cá mòi là một ví dụ.
Trong vườn văn Murakami, những vấn nạn sản sinh từ xã hội hiện đại được khắc hoạ dưới nhiều hình thức. Tiếc thay, đó không phải là lãnh địa đẹp đẽ gì, càng không thể nói là "một thế giới tuyệt vời làm sao" ("what a wonderful world" - trích lời bài hát do Louis Amstrong trình diễn. N.D) như Louis Amstrong đã hát. Nhưng cũng chính vì thế chúng ta mới phải hát thầm bài ca ấy mà tiến lên phía trước, mà sống tiếp. Cùng những vấn nạn, Murakami cũng đồng thời chỉ ra phương thuốc chữa trị như vậy đấy. Người đọc chúng ta nhất định không được bỏ sót thông điệp chính tác giả gửi gắm. Cho dù thứ tiếp nhận có là cả thế giới trọng yếu này, ta vẫn phải nhận lấy, phương thuốc vẫn phải được tìm ra. Đó chắc chắn là điều Murakami muốn chỉ ra cho ta thấy. Vậy, ta phải làm gì? Câu hỏi này cần các độc giả cùng nhau suy ngẫm. Hãy tập trung trí lực để nắm bắt mong mỏi của tác giả. Thế là đủ.
Murakami còn là một nhà văn rất tốt bụng. Tác phẩm của ông chứa đầy những gợi ý nằm xen lẫn với hàng loạt "món đồ trang trí". Chẳng hạn như gợi ý về âm nhạc hay văn học cổ điển trong và ngoài nước Nhật. Đôi lúc, trong những bài phỏng vấn, ông còn chân thành kể lại suy nghĩ trong lòng. Đọc vị chúng quả là một công việc thú vị. Chúng ta sẽ vừa tận hưởng nó, vừa đối mặt với những vấn đề trĩu nặng nỗi đau mà xã hội hiện đại đang ôm lấy.
Nào, hãy cùng bước vào chuyến thám hiểm "xứ sở kỳ diệu Haruki".
Miyawaki Toshifumi, 2010
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất