RỪNG NAUY – NƠI BẢN NGÃ CỦA MỖI CON NGƯỜI ĐƯỢC TÔN TRỌNG VÀ BẢO VỆ
“Rừng Na-Uy” (Norwegian Wood) của Haruki Murakami là một tiểu thuyết nổi tiếng của Nhật Bản. Đối với những người chưa từng đọc qua,...
“Rừng Na-Uy” (Norwegian Wood) của Haruki Murakami là một tiểu thuyết nổi tiếng của Nhật Bản. Đối với những người chưa từng đọc qua, tôi cá chắc 90% là cái sự nổi tiếng của RNU đến từ những câu rỉ tai nhau rằng tác phẩm chứa đựng những cảnh sex nóng hôi hổi, trần trụi và rạo rực. Vì chính bản thân tôi cũng biết đến RNU theo một cách như thế. Tôi hoàn toàn có thể công nhận sức hấp dẫn về mặt sinh lý mà những cảnh sex trong RNU của Murakami đem lại là có thật. Và cái chuyện rằng trong từng ấy năm trời bởi vì độ táo bạo của nó mà một số người vẫn coi cuốn tiểu thuyết này như một tác phẩm sex thuần tuý cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng Murakami là một tác giả rất biết cách sử dụng yếu tố sex để nâng tầm câu chuyện của mình, từng cảnh sex được đặt một cách rất hoà hợp với dòng chảy câu chuyện đang được kể và nó mang lại nhiều ý nghĩa hơn là một yếu tố khiêu gợi bình thường.
Bỏ qua yếu tố sex, và cả việc tác phẩm này có vẻ đã phản ánh tốt xã hội Nhật Bản đương thời cùng tâm lý của lớp trẻ thời đó như thế nào. Nói về phần cốt truyện hay nội dung thì từ quan điểm của tôi, câu chuyện của Murakami không có quá nhiều sự đặc sắc để sánh vai với các tác phẩm kinh điển của những cái tên tai to mặt lớn khác trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay RNU vẫn là một tác phẩm phổ biến và có vị trí vững chắc trong dòng chảy lịch sử của văn học thế giới cho dù vẫn hay bị lên án gay gắt như một quyển truyện sex, ắt cũng phải có nguyên nhân. Và cái mà tôi thích nhất ở tác phẩm này, cũng như tiêu đề bài viết, đó chính là ở việc xây dựng và khắc hoạ các nhân vật. Lẽ dĩ nhiên đối với một tác phẩm mà nội dung không quá đặc biệt thì mọi sự chú ý sẽ được đổ dồn vào tuyến nhân vật. Murakami đã thành công khi cho các nhân vật trung tâm của ông có những nét đặc sắc rất riêng đến từ việc sẵn sàng phá bỏ mọi quy chuẩn cũ kĩ của xã hội để kể cho mọi người nghe về những con người với những bản ngã khác biệt.
Đọc thêm:
Ở cái xã hội mà lúc đó vấn đề tâm lý hay bệnh tâm lý còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực, Murakami đã cho mọi người thấy về những góc khuất sâu trong suy nghĩ con người, những thứ có thể hằng ngày âm ỉ tàn phá cơ thể và linh hồn của họ. Sáu nhân vật trung tâm: Kizuki, Toru Watanabe, Naoko, Midori, Nagawasa, Reiko đều là những người mang trong mình những vấn đề tâm lý khác nhau. Murakami không ngại phơi bày chúng ra dù cho đó có là những thứ đi ngược lại với quy chuẩn đạo đức của xã hội và không cho những người đọc như chúng ta có cơ hội được phán xét họ. Giống như Reiko đã nói với Toru: “Không phải lỗi của ai cả, cũng như không thể đổ lỗi cho ai vì trời đã mưa”. Mỗi con người chúng ta đều có một bản ngã riêng biệt, một câu chuyện riêng không giống với bất cứ một câu chuyện nào khác, khối óc riêng, tình cảm riêng và những hành động mà chỉ chúng ta khi tự đặt vào trong hoàn cảnh của mình mới thấy nó vừa khít hay hợp lý làm sao! Do đó, tôi cực kỳ cực kỳ thích cách Murakami khắc hoạ các nhân vật trong RNU, nó không đi theo bất kỳ tiêu chuẩn hay chuẩn mực thông thường nào cả. Chính bản thân chúng ta khi đọc có thể nhìn thấy đâu đó trong các nhân vật là những chi tiết phản ánh chính bản thân mình và gật gù rằng tác phẩm này rất “người”.
- Kizuki: là người nổ phát súng đầu tiên cho chuỗi “tự sát” trong RNU! Hình ảnh của Kizuki là một kiểu người rất dễ gặp trong chúng ta – những người luôn tìm kiếm sự hoàn hảo nhưng không thể thích ứng được với xã hội. Và như một quả bong bóng bị bơm quá căng, Kizuki nổ tung. Cái chết của Kiziku mang lại phản ứng dây chuyền vì như Toru bộc bạch thì Toru và Naoko như đang chia nhau cái chết của Kizuki vậy. Tuy nhiên, quyết định dừng cuộc sống này lại một cách đột ngột của Kizuki cho thấy cậu khá quyết đoán trong việc đối diện với những nỗi đau của mình. Cậu quyết định sẽ dừng lại ở tuổi 17 dù đó là giai đoạn đẹp nhất của con người mặc cho bên cạnh cậu còn có gia đình, cô bạn gái hay cậu bạn thân. Ừ thì ai sẽ là người có quyền cho phép ta tự kết thúc nỗi đau của mình? Chỉ có chính bản thân mình thôi.
- Naoko: là một cô gái với tâm hồn nhạy cảm, sợ trưởng thành, sợ việc phải sống và phải trả giá cho cái việc “được sống” ấy của mình. Sau cái chết của chị gái và bạn trai Kizuki cũng ở độ tuổi 17, Naoko vốn đã không ổn định nay rơi vào trầm cảm. Naoko cũng như Kizuki, nàng tự biết mình méo mó với tình trạng tâm lý không nguyên vẹn. Cái chết của Kizuki như kéo một nửa linh hồn của Naoko theo. Sau đó, Naoko chấp nhận bản thân mình và bắt đầu điều trị, bên cạnh nguồn sống duy nhất của cô lúc đó là Toru. Naoko đã luôn như thế, bi quan và tiêu cực, cô không thể nhìn thấy được ánh sáng. Nhưng không một ai có thể trách cô, vì cô đã đấu tranh với bản thân mình hết sức có thể. Cái chết của Naoko được tác giả thông báo một cách đột ngột nhưng không mấy bất ngờ. Murakami miêu tả về Naoko (sau khi chết) trong tưởng tượng của Toru là một hình ảnh rất thanh thản và không còn sợ cái chết nữa. Ừ thì cái chết là một phần của sự sống. Đối với một số người như Naoko, sống chưa hẳn đã là một điều hạnh phúc cũng như cái chết không hoàn toàn là nỗi đau. Ta chỉ có thể để lại nỗi tiếc thương họ và không phán xét lựa chọn của họ.
Đọc thêm:
- Nagawasa: Một nhân vật mà mình khá thích vì mức độ thú vị mà hắn mang lại. Một thanh niên phá tan mọi quy chuẩn, thước đo của xã hội đến từ những phẩm chất nghe qua khá mâu thuẫn lẫn nhau cùng tồn tại trong một con người. Một gã trai thông minh, tài giỏi, ham mê đọc sách, học hành chăm chỉ nhưng lại là một tay chơi gái số 1, kiêu ngạo, ích kỷ, vô tâm và có những quan điểm cá nhân khá hay. Hắn có một cô bạn gái cố định (Hatsumi) nhưng lại muốn mơ hồ và không rõ ràng với cô. Hắn thực sự yêu cô (tôi nghĩ vậy) nhưng lại không hề muốn xác định một tương lai nào cả. Tôi cảm thấy hoang mang và thích thú kiểu “ủa có thể tồn tại được một loại người như vậy luôn à?”. Nhưng thực sự cuộc đời là như vậy và có những con người như vậy. Tại sao một tên ăn chơi quậy phá lại không thể có thói quen đọc sách nhỉ? Đã đến lúc chúng ta nên chấp nhận những khác biệt và những đặc điểm riêng biệt của người khác mà không quy chụp rằng tại sao mày lại như thế? Và tôi cá chắc chính bản thân Nagawasa cũng thấy hoang mang về bản chất thực sự của hắn nhưng chỉ là không muốn bộc lộ ra thôi. Nagawasa là một gã trai kiêu ngạo và quá yêu bản thân mình đến mức luôn đề cao những quan điểm chủ quan của riêng mình mà không muốn nghe/ không muốn biết người khác nghĩ gì. Thực chất đây cũng là một dạng “méo mó” về tâm lý. Nagawasa có thể không mạnh mẽ và bàng quan, vô tâm như hắn đã thể hiện, chỉ là hắn đang cố gồng mình sống theo kiểu cách mà hắn muốn đến nỗi không thể bộc lộ phần yếu đuối nhất trong con người của mình. Người như Nagawasa thực sự rất khó đoán và cũng như một quả bóng thổi căng không biết khi nào sẽ vỡ. Murakami không hề cho ta biết rõ về tương lai của hắn là như thế nào, chỉ biết Toru không còn muốn liên lạc với hắn nữa và rất lâu về sau hắn đã cảm thấy một cái gì đó trong hắn đã “tiêu tan” sau cái chết của Hatsumi…
- Reiko: là hình ảnh đại diện cho lớp người trẻ trước ngưỡng cửa trưởng thành luôn hoang mang không biết mình thuộc về đâu và cái mình giỏi nhất là gì. Chính vì thế, lứa tuổi này dễ bị đứt “phựt” và chới với không biết tựa vào đâu. Như Reiko đã nói: “Tôi mới qua tuổi hai mươi mà cái phần tốt đẹp nhất của cuộc đời đã chấm dứt rồi”. Từ nhỏ Reiko bị đóng khung trong cái gọi là “thiên phú” của cuộc đời mình – tài năng chơi dương cầm và cố sống cố chết vì nó. Khi cái “thiên phú” ấy bỏ cô đi, cô rơi vào trầm cảm bởi những áp lực đè nén từ gia đình, xã hội và chính bản thân mình.
- Midori: Nếu như Naoko bên cạnh Toru như một cái bóng của quá khứ thì Midori chính là tương lai – một cô gái năng động, cá tính với dòng máu nóng đang chảy trong người một cách sống động. Với Midori, tác giả đã cho ta thấy hình ảnh đại diện cho những người lúc nào cũng trưng bày ra bộ mặt vui vẻ, lạc quan nhưng thực chất lại thiếu đi tình cảm và luôn khao khát nhận được nhiều sự quan tâm và yêu thương hơn. Đối với những người này, càng thiếu sự quan tâm thì họ càng dùng sự vui vẻ và bất cần để bù đắp vào đó. Càng thể hiện là mình ổn thì sâu trong Midori lại càng có nhiều nỗi sợ: nỗi sợ cô đơn, nỗi sợ ai đó không yêu mình đủ nhiều, sợ cái chết vì bệnh tật gặm dần vào vùng sống của con người,… Midori với quan niệm đi tìm một tình yêu hoàn hảo và có phần hơi ích kỷ, một tình yêu mà người đó sẽ yêu cô “vô điều kiện ba trăm sáu mươi lăm ngày trên một năm”.Có thể với chúng ta, điều đó thật vô lý và cô gái này thật là bướng bỉnh, đỏng đảnh. Thế nhưng tình yêu là thế, sẽ có những đòi hỏi riêng của mỗi con người và họ có quyền lựa chọn thứ khiến mình thoải mái nhất.
- Watanabe Toru: nhân vật trung tâm kể lại câu chuyện theo dòng hồi tưởng, là nhân vật bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ nhiều cái chết của những người xung quanh nhưng vẫn vững vàng và chưa bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ thế giới này. Trải qua nhiều đau thương về tinh thần, cậu vẫn chọn sự sống và chấp nhận trả giá. Toru thông minh, tốt bụng và quan tâm đến những người mà cậu cần quan tâm, nhưng bên cạnh đó cũng rất bàng quan và vô tâm với thế giới xung quanh mình (hay nói nôm na là những-người-cậu-nghĩ-không-cần-phải-quan-tâm-tới). Toru có nhiều điểm tốt nhưng cũng đầy điểm xấu. Tôi đã dôi lần khá thất vọng với Toru khi nhìn cậu không cố gắng tìm kiếm lý do vì sao Kizuki tự tử, cũng như dửng dưng trước sự biến mất của cậu bạn cùng phòng có biệt danh Quốc-xã, đôi ba lần vô tâm với Midori hay những lần khuyên nhủ Naoko một cách máy móc và hời hợt. Nhưng tựu trung lại, tôi lại nghĩ mình còn đòi hỏi gì nhiều ở một cậu trai trẻ tuổi vốn cũng đang sở hữu hàng tá vấn đề của riêng mình và biết bao lần cuộc đời vùi dập cậu với những chuyện đau buồn chứ? Bất giác tôi cảm thấy vô cùng mừng rỡ vì Murakami đã không xây dựng một nhân vật nam chính theo kiểu “nice guy” như vẫn thường thấy trong các tác phẩm khác. Toru phơi bày cho ta thấy những khía cạnh tuyệt vời cũng như những vấn đề không hoàn hảo mà cậu phải đối mặt. Cậu đã làm rất tốt rồi và cậu xứng đáng có được hạnh phúc, hạnh phúc bao gồm cả phần của Reiko và Naoko. Thêm nữa, có lẽ nhiều người sẽ khó chịu ở phân đoạn Toru nói yêu cả Naoko và Midori vì đây quả là một sự ích kỷ. Thế nhưng, chuyện như thế này hoàn toàn có thể xảy ra ở ngoài đời thật, khi bạn cảm thấy mình đều có tình cảm hoặc có mối liên hệ không thể tách rời với đồng thời cả hai người – vì nhiều lý do. Tình yêu thực sự rất khó hiểu và không thể giải thích một cách quá thực tế và lý tính. Nhưng thôi, để tránh việc chúng ta phải tranh luận về khía cạnh đạo đức lẫn pháp luật trong việc “tình yêu chỉ có 2 người” thì tôi sẽ không bàn tiếp ở đây. Chỉ đơn giản, tình yêu là một ẩn số…
Ngoài việc xây dựng nhân vật khá tốt, một điểm nữa mà tôi thích ở tiểu thuyết này chính là cách dẫn dắt câu chuyện của Murakami. Trong cuốn sách, có khoảng 5 cái chết được thông báo và cả 5 đều đột ngột và đầy bất ngờ. Murakami sẽ báo trước cho ta về cái chết của nhân vật nhưng lại không hề cho ta biết nó sẽ diễn ra khi nào và “bùm” – nó sẽ được đưa tới một cách bất ngờ. Tôi đã rất sốc vì chuyện tự tử của Kizuki, hoang mang về sự biến mất bí ẩn của Quốc xã, hụt hẫng khi Toru hoàn toàn không thể đến thăm bố của Midori lần nữa như đã hẹn, bất ngờ và tiếc nuối khi được báo trước rằng số phận của Hatsumi sẽ là tự tử vài năm sau đó, bàng hoàng khi Reiko thông báo cho Toru rằng Naoko đã tự tử. Murakami cũng ít khi miêu tả cụ thể hay cho ta biết lý do của những cái chết trên. Theo tôi, Murakami đã làm như thế để ẩn ý rằng cái chết là một phần của sự sống và không cần phải suy nghĩ nhiều về nó. Chỉ cần biết rằng: chết là chết, thứ ta giữ lại là tình cảm với những người đã-từng-sống chứ không phải là mãi tiếc nuối về việc họ-đã-chết. Giống như khi Toru tưởng tượng về Naoko, trong mớ ảo tưởng đó nàng đã nói rằng: “Đừng lo, đó chỉ là cái chết thôi mà. Đừng để nó làm phiền cậu”.
Cuốn sách đóng lại, cái kết đến bất ngờ và tôi sẽ vẫn còn suy nghĩ nhiều về các nhân vật. Trang cuối của tiểu thuyết là lúc Toru nhận ra tương lai của mình và liên lạc lại với Midori. Midori hỏi cậu rằng: “Cậu đang ở đâu?”. Toru nhìn quanh và rồi cậu đang không biết mình ở đâu. Có thể cái kết này hơi khó hiểu nhưng nôm na tôi hiểu rằng Toru đã có thể rủ bỏ hết bóng đen của quá khứ và sẵn sàng làm lại từ đầu. Cầu chúc cho chúng ta sẽ có đủ mạnh mẽ như Toru, sống và sẵn sàng trả giá cho cuộc đời này. Cầu mong là vậy!
Ben.
https://www.youtube.com/watch?v=GGufQk9QOdM (Norwegian Wood của The Beatles)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất