Thú thật là sau khi khơi mào ''drama lịch sử" lớn thứ 2 trên Spiderum, mình cảm thấy vui vì có nhiều bài hay hơn để đọc. Cái cảm giác người mới người cũ, già trẻ lớn bé, trên dưới... đồng lòng viết về một chủ đề nó-vẫn-cứ-là tạo ra sự rạo rực gì đấy như sắp đến Tết, nhờ?
Mình thích viết (tất nhiên là mình thích viết), nhưng vẫn nhờ thích đọc mà ra cả. Gần nửa năm nay, mình lướt Spiderum rất rất lâu mới có bài để đọc. Thế là mình tức lắm, cạn nghĩ phải làm gì đấy mới được, tất nhiên vẫn xuất phát từ sự ích kỷ của bản thân thôi.

Thế nên kẻ ích kỷ này hôm nay xin phép chia sẻ một chút về những thứ hắn thích đọc.
Disclaimer:
- Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
- Thứ tự là ngẫu nhiên, không mang tính xếp hạng.
- Ảnh: Aenami.
1. Những bài chia sẻ trải nghiệm
Khi mình xem phim, bắt gặp những cảnh quay đẹp, mình thường cố phóng tầm mắt ra góc nhìn thứ 3 ở phim trường. Mình tưởng tượng xem quay phim đang đứng (hoặc nằm, bò, quỳ...) ở đâu và vẻ mặt như thế nào (vô cảm với công việc hay thăng hoa với biểu cảm của diễn viên), rồi lại nghĩ xem những đoạn phim ấy được xử lý ra sao. Liệu anh biên tập viên có vừa ngồi ăn gà vừa ngáp, vừa thêm thắt chút filter cho cảnh ấy, hay anh rơi vào trạng thái thiền lúc nào không hay?
Đời người quá ngắn để trải nghiệm mọi thứ, nhưng đủ dài để đọc xem mọi người đang làm gì. Mỗi lần bắt gặp những bài đăng như "làm game là làm gì", "một ngày ở công trường như thế nào", "cuộc sống bộ đội có gì đặc biệt", "một đêm ngủ trong rừng", "học được gì sau x năm định cư ở quốc gia y"... mình mừng như bắt được vàng. Mình nghĩ ai cũng có việc để làm, nhưng để viết được về nó lại là chuyện khác.
Những người viết ra được những trải nghiệm ấy, hẳn phải yêu bản thân và yêu việc họ làm lắm. Họ hẳn phải có ý thức tốt về công việc của họ, cũng như chủ động trong cả việc chia sẻ với người khác. Chỉ mỗi những điều này thôi đã khiến những bài đăng của họ như phát ra hào quang. Những bài viết này, chỉ đọc thôi đã thấy sống động, sống y như tác giả của chúng vậy.
Theo mình quan sát, member Spiderum cũng thích kiểu bài viết thế này. Ví dụ, một số bài sau được ngóng chờ và đón nhận rất nhiều upvote:
Các bạn đừng nhầm Scarlet được nhiều người theo dõi nên bài chia sẻ nhiều upvote. Thực tế là ngược lại: những bài chia sẻ hay mang đến cho Scarlet rất nhiều lượt theo dõi.
Các ví dụ khác:
...
Những câu chuyện này khiến mình nhìn cuộc sống được chân thực và "sống" hơn. Tuy "phóng camera ra xa xa một tí chỉ thấy một đàn người cặm cụi chạy chỗ này chỗ kia, xây cái này cái nọ rồi nằm xuống", nhưng khi nhìn sâu vào những đam mê, những câu chuyện như thế này... mọi thứ bỗng dưng đáng để mỉm cười hơn bao giờ hết.
2. Những câu chuyện.
(có dấu chấm vì hình như điều này khiến mọi thứ trông deep hơn thì phải)
Mỗi lần chạy xe về lúc gần nửa đêm, khi Sài Gòn không quá đông cũng không quá vắng, mình thường thử nghĩ xem những người đang chạy song song với mình, rốt cuộc đang nghĩ gì.
Mình luôn thắc mắc những cô chú công nhân mặc áo vải thô có viền phát quang đèo nhau mặt lạnh tanh, rốt cuộc đang lo nghĩ điều gì và hay liệu họ chẳng nghĩ gì cả? Anh chàng mặc áo sơ mi công sở chạy vụt lên phía trước, liệu có vừa gặp ai đó thú vị? Có ai đang vừa chạy xe vừa khóc không? Có ai chưa một lần thử vị sầu riêng, hay ai đã từng chạm vào tuyết ở Everest?

Hơi khác một chút về những trải nghiệm cụ thể, mình thích nghe những câu chuyện với những motif không quá mới, nhưng lúc nào cũng bất ngờ khi được nghe. Những câu chuyện bịa đắt tiền nhiều upvote đầy khắp Spiderum, hay bán đầy trên các nhà sách, mình đọc mãi cũng chán rồi. Mình thích những thứ "raw" hơn, những câu chuyện được kể bởi chính chủ nhân của chúng.
Những câu chuyện như thế này khiến mình có cảm giác như đang ngồi quây quần cùng nhóm người xa lạ nhưng ấm áp, quanh đống lửa tại rìa vách núi, rồi bỗng ai đó cất giọng trầm khỏe của mình lên, kể về cách mà ông theo đuổi mối tình đầu suốt thời đại học. Thỉnh thoảng, người kể chuyện lại bật cười khanh khách tựa như đang sống lại khoảnh khắc ấy. Tiếng cười vang lên giữa cái không khí trong lành đến mỏng tanh, trong tiết trời ấm mặt lạnh lưng của núi rừng hùng vỹ, rồi bỗng chốc nhỏ dần đến im bặt, kéo theo những quãng lặng yên dài hơi khó hiểu.
Mình vẫn còn nhớ những lần tụ tập với các anh bạn cách vài dăm tuổi, nghe họ kể về cái thời xa vắng nào đó mà chính họ dường như còn chẳng tin mình đã từng ở đấy. Những câu chuyện mà thỉnh thoảng có vài thêm thắt cố ý, rồi vô ý, rồi những nét mặt khó hiểu giữa chừng mạch kể, và cả những ngại ngùng chẳng thể giấu được sau dăm ba câu chữ né tránh. Những câu chuyện mà người kể vừa tự hào, vừa khoát tay chẳng muốn nhắc lại, nhưng mọi thứ cứ thế tuôn ra như cách nó nên như thế.
Những câu chuyện này giúp mình hiểu hơn cách ai đó loay hoay với các giai đoạn của chính họ, rồi kể lại giai đoạn ấy khi đã có cái nhìn của một giai đoạn khác. Những câu chuyện chỉ như lát cắt cực mỏng của cuộc đời dài dằng dặc (à, tất nhiên cuộc đời dài thế vẫn quá ngắn để trải nghiệm mọi thứ), nhưng lại vô cùng hoàn chỉnh vì có thể cảm nhận từ nhiều góc cạnh.
Thật ra chuyện bịa cũng có nhiều mức độ. Chuyện bịa chưa tới thì nhàm, còn bịa đến nơi đến chốn lại nhọc công tốn sức để thưởng thức. Đọc Chiến tranh và Hòa bình, bạn cần tìm hiểu tác giả là người như thế nào, sống ở đâu, vào thời nào, bạn bè có những ai, viết tác phẩm ở thời điểm nào, sử dụng tư liệu từ đâu... thì mới đắm chìm được một chút gọi là. 
Với quy mô như Spiderum, gần nửa đêm khó ngủ lên tìm được một bài tầm 5k chữ kể về việc từng lên kế hoạch như thế nào để cưa đổ crush để rồi vừa đọc vừa bật cười, đã là điều quá quý hóa.
Có thể kể đến những bài đăng như:
3. Bài chia sẻ kỹ năng cụ thể
Nếu lên Spiderum để viết bài chia sẻ kỹ năng chuyên sâu, thì dù nó có quý giá đến mấy chắc cũng chẳng ai đọc. Và dù nếu vậy, cũng chẳng thể trách Spiderum được. Đơn giản là người tìm kiếm những bài đăng như thế họ không tìm ở Spiderum, còn người đọc Spiderum thì không tìm kiếm những bài đăng như thế.
Tất cả mọi kỹ năng chuyên sâu của âm nhạc, lập trình, văn học, hội họa, thiết kế, y học... đều có sân chơi riêng của họ. Yêu cầu Spiderum phải có bài chia sẻ chuyên sâu là hơi... dở hơi. Vì cả cung và cầu đều không ủng hộ.
Tuy nhiên, những kỹ năng cụ thể làm bản lề lại rất tốt (y như tôn chỉ - mà mình nghĩ là - của Spiderum). Trong khi nhiều người chạy theo kỹ năng mềm, mình nhìn quanh lại thấy thiếu rất nhiều kỹ năng cứng.
Ví dụ về soạn thảo văn bản, có nhiều người thế còn chẳng biết cách thả dấu câu cho đúng, lại còn tự hào về việc ấy. Hay chuyện cầm máy ảnh lên và chụp, đôi lúc rất đơn giản chứ chẳng có gì cao siêu. Hay chuyện hát đúng tone, điều giúp ai cũng có thể tự tin hát mà vẫn đảm bảo có người nghe.

Tất nhiên, biết cách gõ phím không khiến bạn trở thành nhà văn, chụp ảnh đủ sáng chẳng thể giúp bạn thành nhiếp ảnh gia và hát đúng tone thì chưa đủ thành ca sĩ. Nhưng biết được thêm một kỹ năng cơ bản, có thêm được chút niềm cảm hứng là quá đủ.
Vì thích những bài kỹ năng cụ thể, nên mình ghét những bài kêu gọi. Có thể do mình ích kỷ, có thể thế. 
Chúng ta luôn bảo mọi người hãy thế này, hãy thế nọ. Hãy ngủ sớm, hãy tập thể dục, hãy lao động theo tấm gương đạo đức HCM... những điều hiển nhiên mà có lẽ thằng nhóc vừa kịp biết chữ đã được nhồi nhét đầy đủ.
Những bài như thế này hiệu quả hơn này: "mình đã làm thế nào để có thể ngủ trước 23h", "cách mình vừa ăn sầu riêng vừa ngủ nhưng vẫn không béo" hay "cách học Marx-Lenin hiệu quả từ kinh nghiệm của 4 lần rớt môn"...
Theo mình, mỗi người đều có những giai đoạn và lộ trình phát triển dựa trên các yếu tố xung quanh họ. Những lời khuyên, lời kêu gọi xáo rỗng ngoài việc gợi thêm được tí hào hứng phút chốc, thì phần lớn là khiến người khác cảm thấy họ-bất-tài-vô-dụng-nên-chẳng-thể-được-như-những-người-khác-và-tốt-nhất-là-nên-đi-ngủ.
Trong khi đó, những bài đăng hướng dẫn cụ thể về một chủ đề "niché" nào đấy đôi lúc lại là hạt giống dành cho ai đó ở thời điểm nào đó. Truyền cảm hứng, theo mình, là chia sẻ việc gì đó và rõ là mọi người cũng có thể làm được và dẫn tới những điều sau đó, chứ không phải đi kể những câu chuyện thần kỳ cắt xén về những người thành công mà ai cũng nhớ tên còn hơn cả tên bố mẹ của mình.
Thỉnh thoảng lên đọc được bài "hướng dẫn làm món soup cua ngon hơn loại bạn thường ăn ở Bình Thạnh", "cách chơi Poker thắng trẻ lên 3", "những điều bạn có thể làm để gây ấn tượng với gái chỉ qua 5 sợi dây đàn guitar (vì 1 dây đã bị bạn làm đứt) khi cầm đàn lên lần đầu"... mình cảm thấy vui vì học được điều gì đó và hoàn toàn có thể ứng dụng. Tất nhiên ứng dụng hay không lại là chuyện khác, chuyện của mỗi người, chúng ta không nói đến làm gì.
Những bài chia sẻ cụ thể hay trên Spiderum có thể kể đến như:
4. Bài kiến thức thường thức
Nếu muốn đọc kiến thức chuyên môn mà lại thích lướt Spiderum để tìm thì hoặc là khùng, hoặc là tuổi trẻ thích tự ngẫm rằng mình thuộc giới tinh hoa. Sách được viết ra và được bán là có lý do của nó cả.
Tuy nhiên, với đặc tính dành cho giới trẻ, đặc biệt nhắm đến nhóm người dùng ưa thích đọc viết và truy cầu kiến thức, những bài kiến thức dạng "tàu nhanh" rất được ưa chuộng.
Mình từng biết đến các thuật ngữ như "cái tôi", "cái siêu tôi" thông qua Spiderum, sau đó tìm đọc Phân tâm học và từ đó tìm hiểu các trường phái tâm lý khác. Sau khi đã hiểu được khái niệm "cái tôi", "cái siêu tôi" bằng cách nghiên cứu hệ thống hẳn hoi, đọc lại bài đăng trên Spiderum thì thấy nó chưa chuẩn lắm.

Nhưng cũng chẳng cần phải như thế. Spiderum không dùng làm nguồn dẫn cho luận án tiến sỹ, nên nó không cần chính xác tuyệt đối. Nó chỉ cần đủ chuẩn là được.
Những bài đăng đủ chuẩn về những khái niệm riêng lẻ như "lý thuyết trò chơi", "hiệu ứng thiên nga đen", "hiệu ứng thiên lệch kẻ sống sót", "lý thuyết bàn tay vô hình", "thuyết tiến hóa"... giúp người đọc thấy hứng thú, từ đó tìm hiểu sâu hơn và chính họ sẽ hiệu chỉnh lại những gì được đọc.
Đừng tự nhận mình là độc giả ngu ngốc, để nhảy đành đạch lên rằng "sao anh không viết chuẩn 100%, mà để tôi lên lòe trên lớp bị giảng viên bóc phốt?". Ai đó hiểu hơi lệch về "cái tôi" tầm 10-25% chẳng khiến anh ấy thất bại trong cuộc sống, mẹ không cho tiền ăn sáng hay chơi autochess roll mãi không ra techies đâu đúng không nhỉ?
Nhưng nguồn cảm hứng, như mình có nhắc đến ở trên, là rất quan trọng.
Tồn tại rất nhiều người kiểu như mình, click vào wikipedia rồi lạc vào các link xanh xanh trong bài đến tận gần sáng, thì không có lý do gì những bài dễ đọc hơn Spiderum lại chẳng có ai đọc.
Một số bài đăng như sau:

5. Những cực phẩm của Spiderum
Có những bài khó phân loại, cũng khó tìm kiếm ở bất kỳ nơi nào khác, mình tạm gọi là "cực phẩm Spiderum".
Đó có thể là những bài nghiên cứu độc lập về một lĩnh vực nào đó (ngôn ngữ, lập trình...), hay quan điểm tranh luận mở rộng từ các sự kiện.
Theo mình nghĩ, đây là nhóm bài khiến mọi người bị bias "Spiderum là phải như thế này". Nhận xét nhanh của mình về những bài này như sau: góc nhìn mới lạ, cái tôi của tác giả được thể hiện rõ nét, khía cạnh xét đến nhỏ nhưng lượng thông tin cung cấp nhiều. Đặc biệt: phải là original content.
Những bài viết này thường có tính chất mix giữa blog cá nhân và mạng xã hội, đúng với đặc tính của chính Spiderum.
Phần lớn những top writer đều có các bài viết như thế này, có lẽ đây là nguyên nhân và kết quả của bias "Spiderum là phải như thế này".

Các bài đăng này bạn có thể bắt gặp ở phần "Top". Từ những bài mở rộng quan điểm từ sách vở của Huskywannafly, cho đến những bài nghiên cứu indie của Tornad. Từ những bài mới mẻ của Gwens, cho đến những bài cực kỳ độc đáo như "Những trang sử hào hùng của thủ dâm" (Truê), "Viết tiếng Việt bằng hệ chữ Tiên" (Laicasaane), "Nhập môn Meme Marketing" (Ruskia)... Từ những câu chuyện ẩn chứa nhiều thông điệp của Curly Rae Braces, Một Cốc Muối, cho đến những chia sẻ của founder Please, Nga Levi.
Nói sơ lược thế hẳn các bạn cũng nắm được nhóm các bài viết này. Theo mình quan sát, phần lớn top writer chọn Spiderum như trang blog cá nhân. Điều này có nghĩa là họ thấy nơi đây phù hợp với tinh thần của họ và việc họ trở thành top writer rõ ràng cho thấy họ phù hợp với nơi đây.

Để viết được những bài hay ho

1. Làm rõ hơn về những phàn nàn
Khi mình bảo rằng chất lượng bài viết tệ, không phải vì nó là chuyện trò tâm sự thay vì truyền tải kiến thức. Những bài viết tệ là những bài viết cho thấy rõ sự thiếu tôn trọng bản thân và độc giả của tác giả.
Các thuật toán của Spiderum (mình sẽ đề cập đến ở bài sau) không nặng tính cá nhân hóa, mà giống như sân sinh hoạt chung cả hàng chục nghìn người. Vì thế, việc một người vứt ra gì đó, rất nhiều người khác bị ảnh hưởng.
Có rất nhiều người thiếu tôn trọng chính mình và người đọc, gồm những biểu hiện sau: bưng một lúc nhiều bài viết từ nơi khác về như di cư, viết nhưng chính bản thân còn không biết đang viết gì, sai chính tả, lỗi trình bày...
Việc viết, trên tất cả, nên dành cho chính bản thân tác giả. Mình thường viết để giao tiếp với chính mình và làm rõ những điều mờ mịt phía bên trong. Khi chọn viết public, mình cũng cần có trách nhiệm với bản thân về những việc xảy ra sau đó. Mình từng bị ném đá, từng phải gỡ bài vì có người trực tiếp inbox góp ý rằng viết vậy chưa được, từng đặt bản thân vào những cảm xúc tiêu cực do viết cho người khác đọc. Nhưng mình luôn lường trước mọi hậu quả đến với chính mình mỗi khi nhấn nút đăng bài.

Các bạn cũng nên như thế. Việc viết là rất tốt, nhưng đừng đánh giá quá cao hay đánh giá quá thấp nó. Bạn cần viết tử tế cho chính mình, thì mới nhận được sự tôn trọng của người khác. Việc chia sẻ cảm xúc một cách vô tội vạ rõ ràng là hành động tự hại bản thân, hậu quả thì không phải ai cũng đủ vững để chịu đựng và bước qua được.
Mình từng gặp nhiều người viết tràn lan trên Facebook, trên blog... đến mức mọi người nhìn với ánh nhìn dè chừng. Để rồi chính họ thu mình lại, trở thành hoặc là lập dị, hoặc là bị ám ảnh trong việc bị mọi người đánh giá. Có thể các bạn chưa được dạy cách viết đúng, thế thì khoan hãy viết. Hãy đọc, hãy viết riêng tư.
Các bạn có thể bắt đầu bằng cách dịch bài, thay vì sốt sắng trong việc tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân.
Viết cho mọi người đọc chưa bao giờ là "cần phải làm". Đừng sốt sắng với những câu chữ trong đầu của mình như thế. Hãy viết cho chính mình trước.
Còn nếu biết mà vẫn cố tình xả rác, bị vả mồm cho thì cũng không oan ức lắm nhỉ.
2. Giọng văn ở Spiderum
Mình hay đọc lướt (nhiều người khác cũng vậy), nên sẽ thích những bài có cấu trúc chuẩn, văn phong rõ ràng mạch lạc vốn đã có quy cách sẵn. Giọng văn trung tính này thích hợp với các bài viết kiến thức, giúp người đọc giảm bớt thời gian và công sức tiếp nhận thông tin.
Tuy nhiên, viết trên Spiderum cho Z gen lại khác. Mình có thể (và vẫn thường) viết bằng giọng văn chỉ cần đọc bằng lướt mắt, nhưng nhiều người thích thử thách hơn. Nhất là Z gen. Thế nên mình thường dùng cấu trúc rẽ nhánh lung tung, ý tưởng ngắt quãng và giọng văn hơi dở hơi một tí. Nếu những người hay đọc đọc những bài của mình sẽ rất khó chịu, chính mình cũng khó chịu.
Nhưng khi đọc chậm rãi thì cũng vui vui (cảm nhận cá nhân), có nhiều thử thách vì người đọc chủ động hơn trong việc khám phá xem thằng tác giả đang đề cập tới việc gì và độc giả hoàn toàn có thể tự nghĩ về vấn đề đó rộng hơn. Giọng văn này thích hợp với nhóm Z gen thích làm chủ tình hình, bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hậu hiện đại.
Giọng văn thì dễ thôi, cứ viết và nó sẽ tự hình thành. Nó cũng giống như nguyên tắc chụp ảnh, chơi đàn hay bất cứ điều gì khác. Bạn chụp đến tấm ảnh thứ 5000 là ảnh sẽ bắt đầu trông được được, bạn viết đến chữ thứ 100.000 chắc chắn sẽ có người đọc và khen hay.
Chỉ cần viết tử tế, bạn viết kiểu đếch gì cũng có người đọc.
3. Những người mình thích ở Spiderum
Có lẽ sẽ không có thời gian để đề cập quá nhiều. Thật ra mình thích rất nhiều người, nhưng chỉ kịp đề cập một vài cá nhân.

Tornad chẳng hạn. Mình downvote bài viết của anh chàng này nhiều lắm, nhưng vẫn thích. Tornad khiến mình cảm thấy anh chàng này nếu không tự nghi ngờ bản thân, thì chẳng ai có thể khiến hắn xao động cả. Nhìn bài của Tornad là biết sự đầu tư bài bản hẳn hoi, có mục đích rõ ràng và dường như lường trước hết mọi điều xảy ra sau đó.
Tornad thường đăng bài vào thứ 2 hoặc 3, để thứ 4 seed vào Quora VN và các nền tảng khác. Tất nhiên trước lúc khi seed sẽ biết rằng bị chửi. Nhưng người chửi Tornad, theo mình quan sát, chẳng thể khiến Tornad phiền lòng. Vì họ quá dễ đoán, họ không bẻ gãy được lý luận mà chỉ suy xét cảm tính rồi nhanh chóng bị cuốn vào việc chửi đổng. Mình cảm giác đây là thú vui tao nhã của Tornad, tự rèn luyện bản thân. Ắt hẳn cũng nhiều lần lung lay lắm, nhưng ngày càng sắt đá hơn thì phải.
Mình nghĩ ngay cả Gwens từng lôi đầu Tornad lên chửi, cũng chẳng hề có nhiều ác cảm với anh chàng này.
Andy Luong cũng là cái tên thú vị. Nhìn bài đăng của Andy Luong, có thể thấy rõ được quan điểm vững chãi và chắc chắn từ anh chàng du học sinh này. Tuy chưa gặp lần nào, nhưng trong hình dung của mình, Andy Luong là người bên ngoài thì đuề huề thoải mái với mọi người, nhưng bên trong lại có những luật thép dành cho bản thân và chẳng ai có thể xoay chuyển nổi. Mình từng nằm đọc cả đêm hết toàn bộ những bài đăng của Andy Luong, dù không đồng ý lắm nhưng vẫn cứ đọc vì nghe người tâm huyết kể chuyện họ tâm huyết thì vẫn cứ là bánh cuốn.
Gwens là người đã nổi tiếng ở nhiều nơi, nhưng ở Spiderum lại là tay viết kén độc giả. Đọc văn của chị này giống như đọc code, mỗi code ngắn đi vào là những điều mơ hồ trong đầu (mà nó ở trong đầu từ lúc nào chả biết nữa) đi ra. Đặc điểm của văn Gwens, theo mình, là câu ngắn ý dài. Cảm giác như Gwens lười viết nhưng vẫn muốn viết, thế nên chỉ mong viết cho những người "nói ít hiểu nhiều". Có cảm giác chị này phải khổ sở với những thứ trong đầu mình, bên cạnh việc tận hưởng nó. Giọng văn Gwens, như những top writer khác, cho thấy sự làm chủ cao.
Bài viết của Scarlet và Hùng Vũ khiến mình cảm thấy được sự mạch lạc của tư duy toán học và lập trình. Mọi thứ gọn gàng, rõ ràng và sạch sẽ. Nhưng mình thấy văn của Scarlet thì dễ nuốt hơn vì dù sao cũng từ cô gái 18 tuổi thích nghe nhạc indie. Trong khi đó, bài viết của Hùng Vũ lại ẩn chứa cả vũ trụ mãnh liệt phía sau, tạo ra từ trường mà chẳng phải ai cũng sẵn sàng đi sâu vào đó.
Bên cạnh đó còn nhiều tay viết khác mà mình đã từng khen rồi, hoặc trong thâm tâm rất thích nhưng tạm thời chưa nhớ ra ngay.
And Cheshire, I miss your nerd science posts af.
4. Kết
Tóm lại là, việc viết chẳng có gì quá cao siêu hay đặc biệt. Ai cũng có thể viết, tuy hơi khó ở giai đoạn bắt đầu.
Hãy nhớ vài nguyên tắc chủ yếu sau:

1. Viết cho chính mình trước tiên.

2. Lúc viết cho người khác, hãy nghĩ cho chính mình.

3. Hãy yêu bài viết của bạn dù cho mọi người ghét nó.

Chúc mọi người viết vui vẻ.
Stay alive as long as you can.