Bài viết này xuất phát từ việc mình muốn comment vào bài viết "Chia sẻ những ngày đầu học Guitar" của bạn Thuybichngo, nhưng thấy có nhiều điều muốn nói thêm nên trở thành bài viết này luôn.
Bài viết của bạn ấy làm mình nhớ thời điểm mình tập tọe với cây đàn guitar, mục đích thì cũng chả có mục đích gì ngoài tán(g) các bạn nữ đâu, cộng thêm có thằng bạn cầm đàn qua chỉ mình và rảnh, oke mình học thôi.
ĐỘNG LỰC CỦA MÌNH
Lúc ý cũng mày mò cùng thằng (thầy) bạn, nào là tay trái bấm thế này này, tay phải quạt thế này này, mỏi tay hả, thế rải dây đi cho nó đỡ. Bài này hào hùng hả, quạt chả mạnh vào mày ơi. Bài này tình củm hả, sì lâu róc (slow rock) cho nhịp nhàng nhé. Rồi khi đều rồi thì cũng lên mạng dò hợp âm của bài hát, đánh đủ thứ thể loại.

Vừa đi vừa mò

Cũng tầm 1 năm

Sau khoảng 5 năm

Hiện giờ vẫn thế

Và sau khi mình thấy chán với việc mò mẫm, chuyển qua học tại lớp thì mình có rất nhiều nhìn nhận lại như sau. Và cũng là mục đích chính của bài viết này. Và để mở đầu, mình chỉ muốn nói với bản thân mình 5 năm về trước (và cả những bạn có ý định tự học các nhạc cụ).

"HÃY ĐĂNG KÝ MỘT LỚP HỌC CHO ĐÀNG HOÀNG!"


Lý do 1 : Sai 1 ly, đi một dặm...

Như nhiều người tự học và cũng được đề cập trong bài viết của bạn Thuybichngo, bạn sẽ không thể biết bạn sai ở đâu để sửa. Cần một người có trình độ để:
    1. Chỉ ra cái sai của bạn.
    2. Sửa chỗ sai cho bạn - hướng bạn đến cái đúng.
    3. Kèm bạn cho đến khi nào bạn không sai nữa.
Sai thế này thì cũng hơi ... khó đỡ
Bạn hoàn toàn không thể vừa đánh, vừa nghe, vừa biết chỗ sai, vừa tự sửa được. Và tai hại là bạn tập cái sai đó hàng chục, hàng trăm lần. Đến lúc nhận ra cái sai rồi thì sửa khó vô cùng. Thậm chí là không thể.

Lý do 2 : Rối loạn khi tham khảo các tài liệu...

Tài liệu của các tác giả nếu không diễn đạt chính xác sẽ gây hiểu nhầm, làm cho người đọc rất loạn và không biết hỏi ai. Trong khi lý thuyết nhạc lý cơ bản để đệm hát thực sự rất đơn giản. Đơn giản vô cùng ý, nhưng nếu không có người hướng dẫn, rất dễ lạc trôi, mà trôi đâu không trôi. Trôi vô biển nhạc lý thì coi như khỏi ngoi lên luôn.
Khi mình đi học, thầy đã giúp mình liên kết lại những kiến thức mình đã có và bổ sung những điều mình thiếu hụt khi tự học. Nhưng so với mấy bạn cùng lớp học từ đầu thì mình mất nhiều thời gian hơn, do phải bỏ một khoảng thời gian để tẩy đi những kiến thức bị nhầm lẫn.

Lý do 3 : Luyện bao nhiêu không quan trọng bằng luyện như thế nào...

1 ngày bạn bỏ ra 30 phút tập, nhưng tập như thế nào trong 30 phút ấy mới là quan trọng.
Các hợp âm (HÂ) cơ bản gồm 7 HÂ Trưởng, 7 HÂ Thứ, 7 HÂ Bảy.
    - Trường hợp 1 -  Nếu bạn tự học, trình tự (có thể) sẽ như sau:
        Ngày 1 : Đô Trưởng, Rê Trưởng, Mi Trưởng.
        Ngày 2 : Fa Trường, Sol Trưởng, La Trưởng.
        Ngày 3 : Si Trưởng, Đô Thứ, Rê Thứ.
        ....
    - Trường hợp 2 - Nếu bạn học tại lớp, trình tự sẽ như thế này:
        Ngày 1 : Đô Trưởng, Fa Trưởng, Sol Trưởng.
        Ngày 2 : La thứ, Rê thứ, Mi Thứ.
        Ngày 3 : Sol 7 và Mi 7.
Tại sao Hợp Âm ở lớp lại khác tự học hoàn toàn vậy, và có vẻ không theo thứ tự , thậm chí chả liên quan gì vậy ông kia ?
Những hợp âm được liệt kê ở Trường hợp 1 là theo thứ tự Đô Rê Mi Fa Sol... nghe rất có vẻ rất hợp lý và theo trình tự.
Nhưng trường hợp 2 thì các HÂ đều liên kết với nhau, chúng đều thuộc Cung Đô Trưởng hoặc La Thứ, vị trí 1-4-5 (nghe quen quen phải không ?). Và vì hai cung đấy cùng chia sẻ bộ Khóa (có thể coi như anh em của nhau) nên bạn sẽ thấy sao cái chùm Hợp Âm trên cứ đi với nhau trong nhiều bài hát. Và như vậy sẽ còn rất nhiều chùm Hợp Âm đi với nhau như ví dụ trên.
Vậy phải cần có người giải thích Tại sao Đô Trưởng và La Thứ lại là anh em của nhau, lại cùng chia sẻ bộ Khóa, tại sao trong khóa Đô Trưởng lại chọn Fa và Sol Trưởng mà không phải HÂ khác. Tại sao lại có Sol 7 và Mi 7 ở trên.
Cái này thì thật sự mình cũng đã đọc nhiều tài liệu online, sách nhưng rất khó để hiểu được nhưng thầy mình trong vòng 30 phút đã giải thích rất cặn kẽ cho mình. Và mọi việc trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Giống như học Tiếng Anh vậy, học theo kiểu 5 từ mới không liên quan hay 5 từ mới liên quan với nhau thì cái nào sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn?

Lý do 4 : Thời Gian là chi phí lớn nhất, chứ không phải Học Phí...

Còn muôn vàn lý thuyết âm nhạc để bạn có thể học và nâng cao trình độ. Bạn muốn 5 năm tiếp theo trước khi chuẩn bị đàn lại cứ phải bật điện thoại để tìm hợp âm, hoặc phải ghi nhớ đoạn này bài này là hợp âm này, chơi điệu gì (như mình đã từng) không ?
Hay bạn muốn khi người ta nói tên bài hát, bạn chẳng cần phải nhớ gì vì chỉ cần lắp công thức (nhạc lý) là biết rằng bài này gồm những Hợp Âm gì, điệu gì và cứ thế đệm hát ? Chả ai có thể nhớ 1,000 bài hát đâu, chỉ cần nhớ công thức thì mọi thứ đơn giản hơn nhiều.
Hoặc 1 bài hát hoàn toàn xa lạ, chỉ cần nghe người ta hát vài ba câu đầu. Bạn đã đoán được Cung của bài, suy ra toàn bộ Hợp Âm, Giai điệu...
Vậy thì thay vì 5 năm mò mẫm, bạn chỉ cần 2 năm để đạt được những điều mình nói ở trên. Tất nhiên phải tốn một khoản tiền của bạn để mua kiến thức của người dạy. Hãy nhớ cái gì quý thì sẽ tốn kém, đồ miễn phí thì (phần lớn) là không đảm bảo chất lượng. Và Thời Gian là chi phí lớn nhất chứ không phải là Học Phí.
Chốt nhẹ:
Từ kinh nghiệm bản thân, mình vẫn muốn nhắc lại rằng nếu đã bỏ thời gian ra học thứ gì đó mới mẻ thì nên học một cách bài bản, và nếu có điều kiện thì nên chọn ra phương pháp tốt nhất để học. Bài viết cũng là kinh nghiệm chính bản thân mình và cũng muốn giúp những bạn đang có suy nghĩ về tự học nhạc cụ. 
Tự học có nhiều ưu điểm, nhưng khuyết điểm của nó cũng rất lớn. 
Hãy thực sự cân nhắc trước khi lựa chọn.

DMQA - 23/08/2019

Đọc thêm: