Đó là một cảm giác lạ lùng, khó tả khi vào những đêm trời quang gió mát, tại một nơi ít bị ô nhiễm ánh sáng, chúng ta nhìn lên bầu trời và thấy cảnh tượng này:

Hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp kì vĩ kia. Chúng ta quả thật nhỏ bé so với khoảng không bao la của vũ trụ. Nó khiến chúng ta bắt đầu tự vấn về sự tồn tại của chính mình.
Tôi là ai? Đây là đâu? Tại sao tôi lại ở đây? Tôi đến Trái Đất này để làm gì?
Và cả sự tồn tại của vũ trụ.
Vũ trụ bắt nguồn từ đâu? Có thật không khi mọi thứ đều bắt nguồn từ hư vô?
Và người ngoài hành tinh cũng không phải ngoại lệ.
Liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ này? Người ngoài hành tinh giờ này ở chốn nao?
***
Bầu trời đầy sao trông có vẻ bao la là thế, nhưng thực chất tất cả những gì chúng ta ngắm nhìn chỉ là một vùng bé tí lân cận với chúng ta mà thôi. Vào những đêm đẹp trời, số lượng ngôi sao chúng ta quan sát được có thể lên đến 2500 ngôi sao (con số này chỉ xấp xỉ một-phần-trăm-triệu số ngôi sao trong thiên hà của chúng ta), nhưng hầu hết chúng đều cách chúng ta không quá 1000 năm ánh sáng (tương đương 1% đường kính của Ngân Hà). Tóm lại những gì chúng ta thấy được trên bầu trời đêm chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu đây thôi:

Nào bây giờ chúng ta hãy thực hiện một vài phép tính.
Theo những gì các nhà thiên văn quan sát được, tổng số lượng thiên hà có trong vũ trụ này xấp xỉ tổng số lượng ngôi sao có trong thiên hà của chúng ta (khoảng 100-400 tỷ) – hay nói cách khác, với mỗi một ngôi sao có trong Ngân Hà hùng vĩ này thì sẽ có cả một thiên hà tương ứng ngoài kia. Chung quy lại, tổng số ngôi sao có trong vũ trụ này khoảng từ 10^22 đến 10^24 ngôi sao. Nếu bạn chưa tưởng tượng ra được con số này khổng lồ thế nào thì hãy hình dung, cứ mỗi một hạt cát trên các bãi biển trên Trái Đất thì sẽ có khoảng 10000 ngôi sao tương ứng ngoài kia.
Giới khoa học vẫn chưa thống nhất hoàn toàn về tỷ lệ phần trăm các ngôi sao giống-Mặt-Trời (tương tự về kích thước, nhiệt độ và độ sáng) – các ý kiến thường nằm trong khoảng 5% đến 20%. Giả sử trên phương diện bảo thủ nhất, xét lấy tỷ lệ nhỏ nhất là 5% cùng với giá trị chặn dưới của tổng số ngôi sao là 10^22, ta được khoảng 500 tỷ tỷ ngôi sao giống-Mặt-Trời.
Ngoài ra còn có một cuộc tranh luận về tỷ lệ phần trăm số ngôi sao giống-Mặt-Trời này có thể được quay quanh bởi một hành tinh giống-Trái-Đất (tương tự về điều kiện nhiệt độ để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng và có khả năng hỗ trợ sự sống tương tự như trên Trái Đất). Một số ý kiến cho rằng tỷ lệ lên đến 50%, nhưng để thận trọng hơn, ta sẽ xét lấy tỷ lệ 22% theo một nghiên cứu gần đây của PNAS. Nghĩa là có khoảng 1% số ngôi sao có trong vũ trụ được quay quanh bởi một hành tinh có sự sống giống-Trái-Đất – hay nói cách khác, có khoảng 100 tỷ tỷ hành tinh giống-Trái-Đất.
Như vậy sẽ có khoảng 100 hành tinh giống-Trái-Đất tương ứng với mỗi một hạt cát trên thế giới. Hãy nghĩ về điều này mỗi khi bạn dạo bước trên bãi biển.
Các phép tính tiếp theo sau đây phần nhiều sẽ chỉ là những suy đoán, chúng ta không có lựa chọn nào khác bởi vì giới khoa học vẫn chưa tìm ra được con số cụ thể. Nhưng hãy cứ tưởng tượng sau hàng tỷ năm tồn tại, 1% hành tinh giống-Trái-Đất hình thành sự sống (nếu đúng như vậy thì cứ mỗi một hạt cát sẽ đại diện cho một hành tinh có tồn tại sự sống). Và hãy tưởng tượng 1% trong số các hành tinh ấy đạt được thành tựu về mức độ thông minh như những gì đã xảy ra trên Trái Đất. Nghĩa là chúng ta có khoảng 10 triệu tỷ nền văn minh thông minh trong vũ trụ khả kiến.
Xét ngược trở về thiên hà của chúng ta, sử dụng cùng một chuỗi phép tính với các ước tính thấp nhất cho tổng số ngôi sao trong Ngân Hà (100 tỷ), chúng ta sẽ có khoảng 1 tỷ hành tinh giống-Trái-Đất và 100000 nền văn minh thông minh trong thiên hà của chúng ta.
SETI (Search for Extraterrestrial Intelligence – Tìm kiếm sự sống thông minh ngoài Trái Đất) là một tổ chức chuyên lắng nghe các tín hiệu từ sự sống thông minh khác. Nếu đúng là có ít nhất 100000 nền văn minh thông minh trong thiên hà của chúng ta, và thậm chí chỉ cần một phần nhỏ trong số họ gửi đi các sóng radio, chùm tia lazer hoặc các tín hiệu tương tự để cố gắng liên lạc với các nền văn minh khác, thì chẳng phải hệ thống chảo thu sóng vệ tinh của SETI đã thu nhận được tất cả các tín hiệu này hay sao?
Nhưng không. Hoàn toàn không thu được gì cả. Một tín hiệu cũng không.
Họ – người ngoài hành tinh – ở đâu cả rồi?
Càng kỳ lạ hơn nữa khi Mặt Trời của chúng ta tương đối trẻ so với độ tuổi của vũ trụ. Hẳn có những ngôi sao già hơn nữa với những hành tinh giống-Trái-Đất cũng già cõi tương tự như thế, và theo lý thuyết, hẳn sẽ các nền văn minh tiên tiến hơn rất nhiều so với chúng ta. Ví dụ, chúng ta hãy so sánh Trái Đất 4.54 tỷ năm tuổi của chúng ta với một hành tinh giả định (tạm gọi là Hành-Tinh-X) với độ tuổi là 8 tỷ năm.

Nếu Hành-Tinh-X có một câu chuyện tương tự như Trái Đất, hãy nhìn xem nền văn minh của họ đã tiến xa như thế nào so với chúng ta ngày hôm nay (sử dụng khoảng thời gian màu cam làm tham chiếu để thấy được khoảng thời gian màu xanh khổng lồ như thế nào):

Công nghệ và tri thức của một nền văn minh đi trước chúng ta chỉ cần 1000 năm thôi cũng đủ để làm chúng ta kinh ngạc, và thế giới của chúng ta so với họ như thời trung cổ so với thời hiện đại. Một nền văn minh đi trước chúng ta 1 triệu năm có thể trở nên không thể hiểu được (incomprehensible) đối với chúng ta, như thể mang văn hóa loài người so sánh với tinh tinh vậy. Và một nền văn minh đi trước chúng ta 3.4 tỷ năm sẽ… ¯\_(ツ)_/¯
Có một thứ gọi là thang đo Kardashev, giúp chúng ta phân loại các nền văn minh thông minh thành ba loại lớn dựa trên lượng năng lượng mà họ sử dụng:
Một Nền văn minh Cấp độ I có khả năng sử dụng toàn bộ nguồn năng lượng của hành tinh mẹ. Nền văn minh của chúng ta vẫn chưa thể được gọi là Nền văn minh Cấp độ I, nhưng cũng sắp rồi (Carl Sagan đã tạo ra một công thức cho thang đo này và theo đó chúng ta đang ở mức Nền văn minh Cấp độ 0.7).
Một Nền văn minh Cấp độ II có thể khai thác tất cả năng lượng của ngôi sao chủ. Những bộ não Cấp độ I yếu ớt của chúng ta khó mà tưởng tượng ra được họ sẽ làm điều này như thế nào. Vận dụng hết cỡ trí tưởng tượng của mình chúng ta chỉ có thể hình dung ra thứ gì đó tương tự như Quả cầu Dyson này thôi.

Một Nền văn minh Cấp độ III hoàn toàn đánh bật hai loại kia đi, bởi nguồn năng lượng mà họ có thể tiếp cận được đã lên đến cấp độ toàn bộ một thiên hà.

Đọc thêm về thang đo Kardashev:

Nếu mức độ tân tiến này nghe có vẻ khó tin thì hãy nhớ lại Hành-Tinh-X đã nêu ở bên trên với 3.4 tỷ năm phát triển vượt xa chúng ta. Nếu một nền văn minh trên Hành-Tinh-X có sự sống thông minh giống như chúng ta và bằng cách nào đó có thể sống sót đến tận Cấp độ III, thì hiển nhiên họ có thể đã thông thạo việc du hành liên sao ở thời điểm hiện tại, thậm chí có thể thuộc địa hóa toàn bộ thiên hà.
Một giả thuyết khả thi nhất để thuộc địa hóa thiên hà là chế tạo ra cỗ máy có thể du hành đến các hành tinh khác, dành 500 năm để tự tái tạo bằng cách sử dụng nguyên liệu thô trên hành tinh mới này và sau đó gửi đi hai bản sao để lặp lại điều tương tự. Ngay cả khi công nghệ khi ấy vẫn chưa thể đạt được vận tốc gần với tốc độ ánh sáng đi chăng nữa, quá trình này vẫn sẽ thuộc địa hóa toàn bộ thiên hà chỉ trong 3.75 triệu năm, một cái chớp mắt so với thang đo hàng tỷ năm:

Tiếp tục với những suy đoán, giả như 1% trong số các sự sống thông minh tồn tại đủ lâu để trở thành Nền văn minh Cấp độ III, có khả năng thuộc địa hóa toàn bộ thiên hà, dựa trên các tính toán ở phía trên cho thấy phải có ít nhất 1000 Nền văn minh Cấp độ III xét riêng trong thiên hà của chúng ta – và với nguồn lực của một nền văn minh như vậy, chẳng phải chúng ta có thể nhận thấy rõ sự hiện diện của họ hay sao? Thế nhưng, chúng ta lại chẳng nhìn thấy gì, chẳng nghe thấy gì, và cũng chẳng có một ai đến viếng thăm chúng ta.
Vậy…

Họ ở đâu cả rồi?

***
Chào mừng bạn đến với Nghịch lý Fermi.
Chúng ta hiện vẫn chưa có câu trả lời cho Nghịch lý Fermi – việc tốt nhất chúng ta có thể làm là đưa ra “những giải thích khả thi”. Và nếu bạn hỏi mười nhà khoa học khác nhau xem linh cảm của họ về câu trả lời nào là đúng, bạn sẽ nhận được mười câu trả lời khác nhau. Bạn biết đấy, khi nghe những câu chuyện về những con người trong quá khứ, về những cuộc tranh luận của họ về việc Trái Đất có tròn, hay có phải Mặt Trời quay quanh Trái Đất, hay nghĩ rằng những tia sét được tạo ra bởi thần Zues, chúng ta trông thấy họ có vẻ thật ngu muội phải không? Chúng ta ở thời điểm hiện tại khi nói về chủ đề này cũng như vậy đấy!
Xét qua một số cuộc tranh cãi gay gắt nhất cho những lời giải thích khả thi, ta hãy chia chúng thành hai nhóm lớn – một bên là những lời giải thích cho rằng không có dấu hiệu nào về những Nền văn minh Cấp độ II và Cấp độ III bởi vì họ không hề tồn tại, và một bên là những lời giải thích cho rằng họ có tồn tại nhưng chúng ta không thể nhìn thấy hay nghe thấy họ vì một số lý do.

Nhóm giải thích 1: Không có dấu hiệu của nền văn minh cao cấp nào (Cấp độ II và III) bởi vì không tồn tại một nền văn minh cao cấp nào.

Những người thuộc nhóm giải thích này đưa ra vấn đề gọi là độc nhất và theo đó cự tuyệt bất kỳ lý thuyết nào nói rằng, “Có tồn tại những nền văn minh cao cấp, nhưng không ai trong số họ liên lạc với chúng ta bởi vì họ đều _____.” Những người thuộc nhóm này nhìn vào phép toán mà theo đó phải có hàng ngàn (hoặc hàng triệu) nền văn minh cao cấp, họ cho rằng phải có thứ-gì-đó quét sạch hầu hết mọi thứ (99.99%) và chỉ chừa lại một phần rất nhỏ (0.01%) mà trong đó có chính chúng ta. Và vì vậy sẽ không tồn tại một nền văn minh siêu tân tiến nào.
Thứ-gì-đó được gọi là Đại Sàng lọc.
Lý thuyết Đại Sàng lọc cho rằng tại một số thời điểm từ tiền-sự-sống cho đến sự sống thông minh Cấp độ III, hẳn phải có một bức tường mà tất cả hoặc gần như toàn bộ sự sống va phải. Hẳn phải có một số giai đoạn trong quá trình tiến hóa dài đăng đẵng mà sự sống phải rất khó khăn hoặc không thể vượt qua. Giai đoạn đó được gọi là Đại Sàng lọc.

Nếu như lý thuyết này đúng, câu hỏi lớn ở đây là, Mốc thời gian mà cuộc Đại Sàng lọc xảy ra là khi nào?
Đây là một câu hỏi rất quan trọng đối với số phận của cả nhân loại. Tùy thuộc vào thời điểm mà cuộc Đại Sàng lọc xảy ra, sẽ có ba khả năng có thể xảy ra như sau: Chúng ta hiếm có, chúng ta nằm ở top đầu, chúng ta đi đời rồi.

1. Chúng ta hiếm có (Đại Sàng lọc nằm phía sau chúng ta)

Niềm hy vọng của chúng ta đó là Đại Sàng lọc nằm phía sau chúng ta – chúng ta đã vượt qua được nó, điều này có nghĩa là để sự sống đạt được cấp độ thông minh ngang với chúng ta là cực kỳ hiếm hoi. Giản đồ dưới đây chỉ ra chỉ có hai chủng loài vượt qua được, và chúng ta là một trong số đó.

Viễn cảnh này sẽ giải thích lý do tại sao không tồn tại Nền văn minh Cấp độ III… điều này cũng có nghĩa chúng ta có thể là một trong số ít ngoại lệ đã tiến xa được đến mức này. Nghĩa là chúng ta vẫn còn hy vọng. Ngoài mặt, điều này nghe có vẻ không khác gì việc loài người cách đây 500 năm cho rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ – ngụ ý chúng ta đặc biệt. Tuy nhiên, có một thứ mà các nhà khoa học gọi là “hiệu ứng chọn lọc quan sát” (observation selection effect) cho rằng bất kỳ ai đang suy ngẫm về tính hiếm có của mình thực chất chỉ là một phần trong “câu chuyện thành công” của sự sống thông minh – và liệu chúng ta có thực sự hiếm hay khá phổ biến đi chăng nữa thì những ý nghĩ mà họ suy ngẫm và kết luận sẽ đều giống nhau. Điều này buộc chúng ta phải thừa nhận đặc biệt chí ít là một khả năng.
Và nếu như chúng ta đặc biệt thì chính xác là khi nào chúng ta trở thành đặc biệt – ví dụ chúng ta đã vượt qua được bước nào mà tất cả những chủng loài khác đã bị vướng lại?
Khả năng thứ nhất: Đại Sàng lọc xảy ra ngay ở thời kỳ đầu – có thể đã phải vô cùng khó khăn để sự sống bắt đầu. Điều này nghe cũng rất hợp lý bởi vì Trái Đất đã phải trải qua khoảng một tỷ năm tồn tại để sự sống chớm nở, và cũng bởi vì đã có rất nhiều nỗ lực tái tạo lại sự kiện này trong phòng thí nghiệm nhưng chưa bao giờ thành công. Nếu đây thực sự là một cuộc Đại Sàng lọc, điều này sẽ đồng nghĩa với việc không tồn tại sự sống thông minh ngoài kia, và có thể chẳng có sự sống nào khác ngoài chúng ta cả.
Khả năng thứ hai: Đại Sàng lọc là một chướng ngại giữa tế bào nhân sơ đơn giản và tế bào nhân chuẩn phức tạp. Sau khi các sinh vật nhân sơ xuất hiện, chúng vẫn tồn tại như vậy trong gần hai tỷ năm trước khi tiến hóa, vượt chướng ngại để trở nên phức tạp và có nhân thực. Nếu đây là một cuộc Đại Sàng lọc, điều này sẽ đồng nghĩa vũ trụ đầy ắp các tế bào nhân sơ đơn giản và hầu như không có gì ngoài đó.
Ngoài ra còn một số khả năng khác – một trong số đó thậm chí cho rằng chướng ngại gần đây nhất mà chúng ta đã vượt qua để đạt được cấp độ thông minh hiện tại, cũng rất khả thi để trở thành một ứng cử viên cho cuộc Đại Sàng lọc. Nhưng quả thật bước nhảy vọt từ sự sống bán-thông-minh (tinh tinh) đến sự sống thông minh (con người) nghe qua dường như không phải là một điều gì thần kỳ. Để bảo vệ cho luận điểm trên cũng như bác bỏ ý tưởng về sự tiến hóa “không thể tránh khỏi”, Steven Pinker cho rằng: “Nếu như tiến hóa không nhằm một mục đích nào cả mà chỉ xảy ra như một điều hiển nhiên, tức là dựa trên sự thích nghi để tạo ra những hình thái sinh học hữu dụng, phù hợp nhất với môi trường. Và thực tế, trên Trái đất, điều này chỉ tạo nên một chủng loài có trí thông minh đạt cấp độ hiểu biết về công nghệ một lần cho đến nay. Vậy có thể kết luận rằng kết quả của chọn lọc tự nhiên kiểu thế này là rất hiếm và do đó ý tưởng phát triển một cây sự sống, một quá trình tiến hóa không thể tránh khỏi là vô lý.”
Hầu hết các bước nhảy vọt không đủ điều kiện để trở thành ứng cử viên cho cuộc Đại Sàng lọc. Bất kỳ cuộc Đại Sàng lọc nào cũng phải là một thứ có tỷ lệ sàng lọc cỡ một-phần-một-tỷ, và khi đó sự xuất hiện của các trường hợp ngoại lệ đều phải rất điên rồ – vì lý do đó, điều gì đó tương tự như bước nhảy vọt của sự sống từ tế bào đơn sang đa bào không được xem như một trường hợp ngoại lệ, bởi vì nó đã xảy ra tầm 46 lần, trong những trường hợp cô lập, chỉ tính ngay trên hành tinh này thôi. Với lý do tương tự, nếu như chúng ta tìm thấy hóa thạch của của tế bào nhân chuẩn trên Sao Hỏa thì sẽ loại bỏ trường hợp “từ đơn giản đến phức tạp của tế bào” ở trên ra, không xem nó như một cuộc Đại Sàng lọc nữa (cũng như bất cứ thứ gì trước điểm đó trong chuỗi tiến hóa) – bởi vì nếu nó xảy ra trên cả Trái Đất và Sao Hỏa, thì gần như chắc chắn nó không phải là một trường hợp hiếm hoi với tỷ lệ một-phần-một-tỷ.
Nếu chúng ta thực sự hiếm, có thể là do một sự kiện sinh học may mắn nào đó, nhưng cũng có thể được quy cho một thứ gọi là Giả thuyết Trái Đất Hiếm, cho rằng mặc dù có thể có nhiều hành tinh giống-Trái-Đất, nhưng khó có thể hội tụ được những điều kiện riêng biệt như Trái Đất – cho dù đó là mối liên hệ đặc thù đối với Hệ Mặt Trời, hay mối liên hệ của nó với Mặt Trăng (một mặt trăng lớn bất thường so với một hành tinh nhỏ như vậy, và có những dự phần cụ thể vào điều kiện thời tiết và đại dương), hoặc một thứ gì đó về chính bản thân hành tinh – hoàn hảo một cách bất thường để ươm mầm sự sống.

2. Chúng ta nằm ở top đầu


Theo những nhà tư duy của Nhóm 1, nếu cuộc Đại Sàng lọc không nằm phía sau chúng ta, một niềm hy vọng khác đó là vũ trụ gần đây, lần đầu tiên kể từ Big Bang, đã hội đủ những điều kiện cho phép sự sống thông minh phát triển. Trong trường hợp này, cả chúng ta và nhiều chủng loài khác đều có thể đang trên đường tiến lên cấp độ siêu thông minh, và nền văn minh cao cấp đơn giản vẫn chưa tồn tại ở thời điểm này. Chúng ta tình cờ có mặt ở đây vào đúng thời điểm để trở thành một trong những nền văn minh siêu-thông-minh đầu tiên.
Một ví dụ về hiện tượng có thể khiến cho viễn cảnh này trở nên thuyết phục hơn đó là sự phổ biến của các vụ nổ tia gamma, các vụ nổ lớn mà chúng ta đã quan sát được từ những thiên hà xa xôi. Cũng giống như những gì xảy ra ở Trái Đất cách đây hàng trăm triệu năm, trước khi những cuộc va chạm với tiểu hành tinh cũng như những trận phun trào núi lửa bắt đầu lắng xuống và sự sống bắt đầu tồn tại, chắc hẳn giai đoạn đầu trong sự tồn tại của vũ trụ có đầy những sự kiện diệt vong như các vụ nổ tia gamma, sẽ đốt cháy mọi thứ gần đó theo thời gian và ngăn chặn bất kỳ sự sống nào phát triển trong giai đoạn đầu đời đó. Hiện tại, có lẽ chúng ta đang ở giữa một giai đoạn chuyển đổi sinh học vũ trụ và đây là lần đầu tiên sự sống có thể phát triển trong một thời gian dài như vậy mà không bị gián đoạn.

3. Chúng ta đi đời rồi (Đại Sàng lọc nằm phía trước chúng ta)


Nếu chúng ta không hiếm có và cũng không nằm ở top đầu, những nhà tư duy Nhóm 1 kết luận Đại Sàng lọc hẳn sẽ đứng đợi chúng ta trong tương lai phía trước. Điều này cho thấy sự sống tiến hóa đến mức độ như chúng ta là chuyện thường ngày ở huyện, nhưng có thứ-gì-đó ngăn cản sự sống tiến xa hơn để đạt được cấp độ thông minh cao hơn trong hầu hết các trường hợp – và chúng ta không phải là một ngoại lệ.
Một cuộc Đại Sàng lọc khả thi trong tương lai có thể là một sự kiện diệt vong vẫn thường hay xảy ra, ví dụ như các vụ nổ tia gamma vừa đề cập bên trên, không may là như vậy, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi mọi sự sống trên Trái Đất đột ngột bị xóa sổ bởi một thứ như vậy. Một viễn cảnh khả dĩ khó có thể tránh được đó là gần như mọi nền văn minh thông minh đều tự hủy diệt chính họ khi đạt được mức độ công nghệ nhất định.
Đây là lý do tại sao triết gia Nick Bostrom, thuộc Đại học Oxford, nói rằng “không có tin tức gì mới là tin tốt” (no news is good news). Việc phát hiện ra sự sống đơn giản trên Sao Hỏa sẽ hủy hoại niềm hy vọng của chúng ta, bởi vì điều này sẽ loại bỏ một số cuộc Đại Sàng lọc tiềm năng nằm phía sau chúng ta. Và nếu chúng ta tìm thấy hóa thạch của một sự sống phức tạp trên Sao Hỏa, Bostrom cho rằng “đó sẽ là tin tức tồi tệ nhất được in trên mặt báo,” bởi vì điều này đồng nghĩa với cuộc Đại Sàng lọc gần như chắc chắn nằm phía trước chúng ta – kẻ phán quyết tận diệt các chủng loài. Điều mà Bostrom luôn tin vào mỗi khi nhắc đến Nghịch lý Fermi đó là, “im lặng (của bầu trời đêm) là vàng”.

Nhóm giải thích 2: Các nền văn minh thông minh Cấp độ II và III ở đâu đó ngoài kia – và những lý do tại sao chúng ta lại không nghe thấy gì từ họ

Nhóm giải thích 2 loại bỏ bất kỳ khái niệm nào cho rằng chúng ta hiếm có hoặc đặc biệt hoặc nằm ở top đầu – ngược lại, họ tin vào Nguyên lý Tầm thường (Mediocrity Principle), theo đó chỉ ra không có gì bất thường hay hiếm có khi xét đến thiên hà, Hệ Mặt Trời, hành tinh, hoặc mức độ thông minh của chúng ta, cho đến khi có bằng chứng chứng minh điều ngược lại. Họ cũng không hề nhanh chóng kết luận việc thiếu bằng chứng về những sinh vật có mức độ thông minh cao hơn là minh chứng cho rằng chúng không tồn tại – theo đó họ nhấn mạnh vào thực tế rằng công cuộc tìm kiếm của chúng ta chỉ mới trải dài trên khoảng 100 năm ánh sáng xung quanh chúng ta (0.1% so với toàn bộ thiên hà) và đưa ra một số giải thích khả thi. Đây là 10 trong số chúng:
Khả năng 1: Sự sống siêu-thông-minh rất có thể đã viếng thăm Trái Đất, nhưng vào thời điểm trước khi chúng ta có mặt tại đây. Trong bối cảnh toàn cục, loài người chỉ mới phát triển nhận thức cách đây khoảng 50 000 năm, một giây khắc ngắn ngủi so với chiều dài thời gian của vũ trụ. Nếu có sự liên lạc xảy ra lúc đó, chắc sẽ chỉ làm giật mình một vài con vịt, khiến chúng chạy nháo nhào xuống nước, thế thôi. Xa hơn nữa, chúng ta chỉ mới bắt đầu ghi chép lịch sử từ khoảng 5 500 năm trở lại đây – một nhóm các bộ lạc săn bắn hái lượm thời tiền sử có thể đã phải đối mặt với một vài tên ngoài hành tinh xấu xa điên rồ nào đó, nhưng họ không có cách nào để kể lại cho con cháu trong tương lai về điều này.
Khả năng 2: Thiên hà đã bị xâm chiếm, chỉ là chúng ta đang sống ở một vùng xa xôi hẻo lánh trong thiên hà. Châu Mỹ có thể đã bị xâm chiếm bởi người Châu Âu rất lâu trước khi Inuit, một bộ lạc nhỏ nằm ở một vùng xa xôi phía bắc Canada, nhận ra điều này. Rất có thể đã có một bộ phận liên sao được đô thị hóa, là nơi cư trú của những chủng loài cao cấp hơn, mà theo đó tất cả vùng lân cận Hệ Mặt Trời đã bị xâm chiếm và có sự giao thông với nhau, nhưng chả ai rảnh rỗi để đến đây giao du với chúng ta cả, họ chả có mục đích gì để làm vậy.
Khả năng 3: Toàn bộ khái niệm thuộc địa hóa về mặt vật chất trông thật buồn cười và lạc hậu đối với chủng loài tiên tiến hơn. Bạn nhớ hình ảnh Nền văn minh Cấp độ II với quả cầu bao quanh ngôi sao chủ đã nêu ở bên trên chứ? Với nguồn năng lượng dồi dào như vậy, họ có thể đã tạo ra được một môi trường hoàn hảo cho bản thân họ mà theo đó thỏa mãn mọi nhu cầu của họ. Họ có thể đã phát triển các phương pháp tân tiến điên rồ để giảm nhu cầu về tài nguyên và không việc gì phải rời bỏ xứ sở thiên đường đầy lạc thú của mình để khám phá vũ trụ lạnh lẽo, trống rỗng, kém phát triển kia cả.
Một nền văn minh tân tiến hơn có thể xem toàn bộ thế giới vật chất là một nơi ban sơ, kinh tởm. Và từ rất lâu trước đó, họ đã tìm ra được cách chế ngự được cơ thể sinh học của mình và đã nạp bộ não của mình lên một thực tại ảo, một thiên đường vĩnh cửu. Sống trong một thế giới vật chất, với những thứ liên quan như tâm sinh lý, cái chết, những nhu cầu và ham muốn đối với họ không khác gì góc nhìn của chúng ta đối với những loài sinh vật biển cổ xưa sống trong vùng biển lạnh lẽo, tăm tối.
Khả năng 4: Có những nền văn minh diệt chủng đáng sợ ngoài kia, và hầu hết các sự sống thông minh biết rằng tốt hơn hết không nên phát đi bất kỳ tín hiệu nào và để lộ ra vị trí của mình. Đây là một quan niệm không mấy dễ chịu chút nào, mặc dù nó giúp giải thích vì sao hệ thống chảo thu sóng vệ tinh SETI không bắt được bất kỳ tín hiệu nào. Và điều này cũng có nghĩa là chúng ta sẽ là những kẻ non dạ siêu ngây thơ, ngu ngốc và mạo hiểm đến độ không thể tin được nếu chúng ta phát tín hiệu ra bên ngoài. Có một cuộc tranh luận đang diễn ra về việc liệu chúng ta có nên tham gia vào METI (Messaging to Extraterrestrial Intelligence – Gửi thông điệp cho Sự sống thông minh Ngoài hành tinh – đối nghịch với SETI) hay không, và hầu hết mọi người cho rằng chúng ta không nên. Stephen Hawking cảnh báo, “Nếu người ngoài hành tinh đến thăm chúng ta, kết quả sẽ giống như khi Colombus cập bến ở Châu Mỹ, điều mà theo đó không tốt đẹp gì đối với người Châu Mỹ bản địa.” Ngay cả Carl Sagan (nhìn chung là một người tin rằng bất kỳ nền văn minh nào đủ tiên tiến để du hành liên sao cũng sẽ đều vị tha, không thù địch) cũng đã gọi việc thực thi METI là “không khôn ngoan và non nớt vô cùng” và khuyến cáo “những đứa trẻ mới lọt lòng vẫn còn lạ lẫm và chưa hiểu biết gì nhiều về vũ trụ thì nên yên lặng mà lắng nghe một thời gian dài, kiên nhẫn tìm hiểu về vũ trụ, phân tích các dấu vết tìm được, trước khi hét vào một khu rừng lạ lẫm mà chúng ta vẫn chưa biết sẽ có gì trong đó.” Thật đáng sợ.
Khả năng 5: Chỉ có duy nhất một thực thể sự sống thông minh cao cấp – một nền văn minh “siêu diệt chủng” (giống như loài người trên Trái Đất này vậy) – đã phát triển vượt xa hơn tất cả các nền văn minh khác rất nhiều và giữ vị thế thống trị bằng cách tiêu diệt bất kỳ nền văn minh thông minh nào vượt qua một ngưỡng cấp độ nhất định. Thật kinh khủng. Cách hoạt động của nó có thể là sử dụng tài nguyên một cách kém hiệu quả để tiêu diệt tất cả sự sống thông minh đang nổi lên, hoặc có thể hầu hết chúng đều tự chết dần chết mòn. Nhưng sau khi vượt qua một ngưỡng nhất định, siêu chủng loài sẽ bắt đầu hành động – bởi vì đối với họ, một chủng loài thông minh đang nổi lên sẽ trở nên giống như một loại virus bắt đầu phát triển và nhân rộng. Lý thuyết này cho thấy bất cứ ai nằm ở top đầu đạt được cấp độ thông minh sẽ là người thắng cuộc, và sẽ không cho bất kỳ ai khác cơ hội này. Điều này giải thích cho sự thiếu hụt các hoạt động ngoài kia bởi vì nó sẽ giữ cho số lượng các nền văn minh siêu thông minh luôn là con số một.
Khả năng 6: Có hàng loạt những hoạt động ồn ào ngoài kia, nhưng công nghệ của chúng ta quá lỗi thời và chúng ta đang lắng nghe không đúng cách. Giống như khi bước vào một tòa nhà văn phòng hiện đại, bật bộ đàm thoại lên, bạn sẽ không nghe thấy gì (tất nhiên bạn sẽ không nghe thấy gì bởi vì mọi người đều dùng phương thức nhắn tin để giao tiếp với nhau chứ không ai dùng bộ đàm thoại), và phán rằng không có ai trong tòa nhà này cả. Hoặc, như Carl Sagan đã chỉ ra, có thể là tâm trí chúng ta hoạt động nhanh hơn hoặc chậm hơn theo cấp số nhân so với một dạng thông minh khác ngoài kia – ví dụ họ phải mất 12 năm để nói “Xin chào”, và khi chúng ta bắt được cuộc hội thoại này, nó sẽ giống như một tiếng ồn đơn thuần đối với chúng ta.
Khả năng 7: Sự sống ngoài hành tinh hiện đang liên lạc với chúng ta, nhưng chính phủ đang che giấu điều này. Càng tìm hiểu về chủ đề này, tôi càng thấy thuyết âm mưu này thật ngu ngốc, nhưng tôi vẫn đề cập đến nó tại đây vì nó được mang ra thảo luận rất nhiều.
Khả năng 8: Các nền văn minh cao cấp nhận biết được sự tồn tại của chúng ta và hiện đang quan sát chúng ta (hay còn gọi là Giả thuyết Vườn thú). Theo như chúng ta biết, có thể các nền văn minh siêu thông minh tồn tại trong một thiên hà được quản lý chặt chẽ và Trái Đất của chúng ta được coi như một phần của một công viên quốc gia rộng lớn và được bảo vệ, với luật lệ nghiêm ngặt “nhìn thôi, cấm sờ vào hiện vật” đối với các hành tinh như chúng ta. Chúng ta không thể nhận ra họ, bởi vì nếu một chủng loài thông minh hơn muốn quan sát chúng ta, họ ắt hẳn sẽ dễ dàng biết cách làm sao để chúng ta không nhận ra họ. Có thể có một luật lệ tương tự “Chỉ thị Tối cao” (Prime Directive) trong Star Trek, nghiêm cấm các chủng loài siêu thông minh tạo ra bất kỳ một cầu nối ngoại giao hoặc tiết lộ bản thân theo bất kỳ cách nào với các chủng loài hạ cấp hơn như chúng ta cho đến khi các chủng loài hạ cấp đạt được mức độ thông minh nhất định.
Khả năng 9: Các nền văn minh cao cấp hiện đang ở đây, xung quanh chúng ta. Nhưng nhận thức của chúng ta quá ban sơ để nhận biết được họ. Michio Kaku tóm tắt thế này:
Giả sử chúng ta có một tổ kiến giữa rừng. Và ngay bên cạnh cái tổ, họ đang xây dựng một đường-cao-tốc-mười-làn. Và câu hỏi đặt ra là “Những con kiến có thể hiểu được đường-cao-tốc-mười-làn là gì không? Những con kiến có thể hiểu được công nghệ cũng như những ý định của một loài khác hiện đang xây dựng một đường cao tốc ngay bên cạnh chúng không?”
Vậy nên không phải là chúng ta không thể nhận được tín hiệu từ Hành-Tinh-X bằng công nghệ của mình, mà chúng ta thậm chí không thể hiểu được chủng loài từ Hành-Tinh-X là gì hoặc những gì họ đang cố gắng làm. Họ đã vượt quá xa chúng ta cho nên ngay cả khi họ đang cố gắng khai sáng cho chúng ta thì điều này cũng giống như việc cố gắng dạy cho lũ kiến về internet vậy.
Cùng với những dòng này, đây cũng có thể là câu trả lời cho câu hỏi “Vâng, nếu có rất nhiều Nền văn minh Cấp độ III hoành tráng ngoài kia, tại sao họ vẫn chưa liên lạc với chúng ta?” Để trả lời cho câu hỏi đó, hãy tự hỏi – khi Pizarro đến thám hiểm Peru, ông ta có dừng lại một lúc ở một tổ kiến để cố gắng giao tiếp với chúng hay không? Ông ta có phải là một người hào hiệp, cố gắng giúp đỡ những con kiến trong tổ kiến hay không? Ông ta có trở nên hiềm khích và làm chậm tiến độ nhiệm vụ của mình chỉ để phá hoại một tổ kiến hay không? Hay tổ kiến hoàn toàn tuyệt đối chả liên can gì đến Pizarro? Đấy có thể là tình huống của chúng hiện tại.
Khả năng 10: Chúng ta hoàn toàn nhầm lẫn về thực tại của mình. Có nhiều cách giải thích cho rằng vũ trụ hoàn toàn khác so với những gì chúng ta nghĩ. Vũ trụ có thể đang tồn tại dưới một dạng nào đó hoàn toàn khác, nhưng tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là một phần hình chiếu 3 chiều của nó mà thôi. Hoặc có thể chúng ta là những sinh vật ngoài hành tinh và chúng ta được nuôi cấy ở đây như một thí nghiệm hay một loại phân bón nào đó. Thậm chí có khi chúng ta hiện đang sống trong một thế giới mô phỏng trong máy tính của một nhà nghiên cứu ở một thế giới khác, và các dạng sống khác đơn giản là không được lập trình trong chương trình mô phỏng này.
***
Trong khi các công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh vẫn đang tiếp diễn, và có thể chúng ta đang phí công vô ích, tôi thực sự không biết mình nên đứng về phía nào. Thành thực mà nói, cho dù chúng ta biết được chúng ta chính thức đơn độc trong vũ trụ này hay phải nhập hội với những kẻ khác như những câu chuyện hoang đường đã kể bên trên. Bằng cách này hay cách khác chúng đều đáng sợ như nhau.
Ngoài những câu chuyện khoa học viễn tưởng đầy sửng sốt, Nghịch lý Fermi cũng khiến tôi trở nên khiêm tốn hơn. Không phải kiểu “À thì, chúng ta chỉ là những vi sinh vật tồn tại chỉ trong 3 giây ngắn ngủi” mà là khiêm tốn bởi cách mà vũ trụ hoạt động. Nghịch lý Fermi mang đến những nhân cách khiêm tốn, sâu sắc hơn, điều mà chỉ có thể xảy ra sau khi dành hàng giờ nghiên cứu, lắng nghe các nhà khoa học nổi tiếng nhất của chủng loài của bạn trình bày các lý thuyết điên rồ, thay đổi tư tưởng của họ hết lần này đến lần khác và mâu thuẫn tột độ đối với nhau – nhắc nhở chúng ta rằng các thế hệ tương lai sẽ nhìn chúng ta như cách chúng ta nhìn những người cổ đại, những người từng chắc mẩm các ngôi sao kia được đính trên mặt dưới của một vòm trời, và chúng sẽ nghĩ “Wow họ chả biết chuyện gì đang thực sự xảy ra à.”
Tất cả những thảo luận liên quan đến Nền văn minh Cấp độ II và III giáng một đòn mạnh vào lòng tự trọng của chủng loài chúng ta. Ngay trên Trái Đất này, chúng ta là vị vua của lâu đài bé nhỏ của chúng ta, tự hào cai trị một nhóm lớn các loài khờ dại hơn, những loài cùng chia sẻ hành tinh với chúng ta. Sống trong cái ao nhỏ bé này, xung quanh không hề có sự cạnh tranh, cũng chẳng hề có ai phán xét chúng ta, cũng hiếm khi chúng ta phải đối mặt với khái niệm chúng ta là một loài kém hơn. Nhưng sau khi dành nhiều thời gian tìm hiểu về Nền văn minh Cấp độ II và III, tôi thấy mình như con ếch ngồi trong đáy giếng vậy.
Điều này nói lên rằng, chúng ta không có gì đặc biệt cả đâu, chúng ta chỉ là một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trên một tảng đá bé tí giữa một vũ trụ hoang vắng, và thực chất chúng ta chả thông minh như chúng ta nghĩ, và những điều mà chúng ta luôn chắc như bắp kia đôi khi lại sai bét nhè ra ấy chứ. Hãy nhẹ nhàng mở cánh cửa kia ra, có thể, rất có thể vẫn còn nhiều thứ đang đợi chúng ta khám phá.
Theo Tim Urban
Dịch: Cheshire.
----------
[Đọc thêm]