*Bài viết đã được edit lại một chút sau một vài góp ý xây dựng hữu ích*
"Tao nuôi nấng mày bao năm nay để mày ăn nói với tao như thế à?"; "Mày đã nuôi tao được đồng nào chưa mà dám lên tiếng với tao", "Tao nuôi mày cả đời mà giờ tao nhờ mày có tí việc mà đã ỉ ôi rồi" ..
Và còn rất nhiều, rất nhiều những câu nói tương tự được các bậc phụ huynh sử dụng để chứng minh quyền uy của mình trước con cái. Việc sử dụng sự chăm sóc, nuôi dưỡng của mình để đòi hỏi sự tuân lệnh, hay thậm chí là yêu thương vô điều kiện từ con cái là một kỹ năng dạy con vô cùng sai lầm thường được phụ huynh Việt Nam dùng, dẫn tới một tình trạng chung là khoảng cách giữa con cái và bố mẹ ở VN khá lớn.

1. Xin đừng biến ơn nuôi dưỡng thành món nợ

Image result for công ơn nuôi dưỡng

Từ khi sinh ra cho tới khi chúng con có thể tự nuôi sống bản thân mình, chúng con không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc dựa dẫm vào sự nuôi dạy của bố mẹ. Vì vậy, có một điều chắc chắn rằng, khi bố mẹ nhắc tới công ơn nuôi dưỡng suốt những năm chúng con không-thể-tự-chăm-sóc-mình, chúng con sẽ luôn ở vị trí "mắc nợ" - như bố mẹ vẫn hay nói với chúng con.
Tuy nhiên, điều đó chẳng phải là bố mẹ đang hạ thấp giá trị của công ơn ấy hay sao? Còn đâu là "tình yêu thương vô điều kiện, vô bờ bến của bố mẹ"? Vậy chả giống như bố mẹ đang "giam lỏng" bọn con như những con nợ bị nhồi "nợ" vào mồm từ khi chưa biết gì, để rồi khi lớn lên bọn con bị bắt phải trả hay sao? Chả thà bố mẹ nói với chúng con, khi chúng con bắt đầu biết nghe hiểu, rằng "Mày là con nợ của bọn tao. Cho tới khi mày trả hết nợ, mày phải làm nô lệ cho bọn tao". Ấy thế nhưng, món nợ tình thì có bao giờ trả cho đủ, và thế là  bọn con mãi mãi mặc định thuộc sở hữu của bố mẹ.

2. Bọn con muốn trao cho bố mẹ sự yêu thương và tôn trọng chân thành

Bọn con tự hào và biết ơn khi bọn con là con của bố mẹ. Nhưng chữ "của" ấy, bọn con không muốn nó là nghĩa đen mang tính sở hữu như người với vật. Chúng con muốn chữ "của" ấy đem trọn sự tự nguyện, sự hài lòng, sự yêu thương chân thành, rằng chúng con MUỐN là con của bố mẹ, chứ không phải VỐN DĨ bọn con là của bố mẹ. 
Image result for công ơn nuôi dưỡng


Đọc thêm:

Chúng con không muốn mọi sự ngoan ngoãn, lễ phép hay quan tâm kia được thể hiện ra chỉ vì bọn con đang trả nợ bố mẹ, chỉ vì "tao đẻ ra mày, nuôi nấng mày". Bởi nếu đó là cuộc sống bên ngoài, bố mẹ biết nó gọi là gì không? Là sự sòng phẳng, là sự giả tạo, và xuất hiện giữa hai người không (muốn) có ràng buộc gì với nhau. Anh cho tôi một, và vì tôi nợ anh nên tôi làm cho anh việc này, thế là hòa. Bố mẹ mong muốn mối quan hệ giữa những người trong gia đình như vậy ư? 
Chúng con muốn thuộc về một gia đình mà mọi người yêu thương, tôn trọng lẫn nhau dựa trên tinh thần tự nguyện, chứ không phải vì áp bức, vì mắc nợ. 

3. Chúng con KHÔNG thuộc sở hữu của bố mẹ

Xin đừng bắt ép chúng con phải tuân thủ tuyệt đối mọi sự chỉ đạo của bố mẹ mà không có cơ hội được phát biểu ý kiến riêng. Xin đừng coi bọn con là điều đương nhiên. Xin hãy tôn trọng chúng con, bởi chúng con CŨNG-LÀ-MỘT-CON-NGƯỜI.
Nếu bố mẹ muốn nhận được sự tôn trọng và yêu thương chân thành từ bọn con, hãy làm những điều để xứng đáng có được điều đó. (Con biết, điều này sẽ làm nhiều bố mẹ tức giận khi đọc được, bởi bố mẹ đã quá quen với việc coi điều đó là mặc định. Nhưng đó thực ra chỉ là một phép công bằng cơ bản giữa người và người mà thôi ạ). Bọn con có thể trao cho bố mẹ những gì bố mẹ muốn: sự ngoan ngoãn, lễ phép, phục tùng, nhưng nếu đó chỉ vì mắc nợ, mọi thứ đều là cưỡng ép. Xin hãy tôn trọng bọn con như tôn trọng một người trưởng thành.
Nếu bố mẹ có việc cần sự giúp đỡ của bọn con, hãy hỏi xem bọn con có rảnh không. Hãy nói câu nhờ vả, thay vì sai khiến. Nếu bọn con lỡ không giúp được, xin đừng đem công ơn mà bọn con trân quý ra để ép buộc hay chửi rủa bọn con. Và nếu bọn con giúp được, xin hãy có một lời cám ơn chân thành tới bọn con. Xin hãy tôn trọng bọn con như tôn trọng một người trưởng thành.
Nếu bọn con có ý kiến khác với ý kiến của bố mẹ, xin hãy lắng nghe và tôn trọng bọn con. Nếu bố mẹ thấy có điều gì chưa được trong những quan điểm còn non nớt của bọn con, xin hãy từ tốn giáo dục bọn con, thay vì đì bọn con xuống, chê bai ý kiến của bọn con. Nếu có sự khác biệt về quan điểm, xin hãy chấp nhận khác biệt đó, thay vì dùng sức nặng của công dưỡng dục bắt bọn con phải làm theo bố mẹ. Chỉ vì bọn con còn kém xa bố mẹ cả về tuổi đời lẫn tuổi tác, không có nghĩa bọn con không có và muốn trân trọng ý kiến của riêng mình. Xin hãy tôn trọng bọn con như tôn trọng một người trưởng thành.
Nếu bọn con phạm sai lầm, xin đừng vì thế mà coi sai lầm đó là vĩnh viễn, là chính con người con, để từ đó tước đoạt đi mọi quyết định sau này của con. Xin hãy dìu bọn con dậy từ vấp ngã, và để bọn con được tự đi tiếp trên chính đôi chân của mình. Xin hãy tôn trọng bọn con như tôn trọng một người trưởng thành.
Image result for son and father talk

Nếu chúng con gặp rắc rối, và tìm tới bố mẹ để chia sẻ, xin hãy lắng nghe và nếu được hãy giúp đỡ bọn con, chứ đừng đem những khó khăn trước đây của bố mẹ ra so sánh để cuối cùng, sự giúp đỡ của bố mẹ tựu lại chỉ còn một câu: "Mày còn sướng chán!". Chúng con cũng có những khó khăn của riêng mình, và muốn tìm tới bố mẹ như những người bạn, bởi bọn con thực sự muốn gần gũi với bố mẹ. Khi đó, xin hãy tôn trọng bọn con như tôn trọng một người trưởng thành.
Và bởi vì chúng con là một con người, chúng con cũng biết tổn thương, biết đau trước những lời quát mắng, chửi rủa của bố mẹ. Có rất nhiều lựa chọn về cách nói để dạy bảo hay thể hiện sự quan tâm, xin bố mẹ hãy chọn những lời lẽ nhẹ nhàng nhất, mang tính giáo dục nhất để nói với bọn con. Xin đừng bắt bọn con phải chịu đựng những lời rủa xả ấy và kèm theo câu "Tao có thương yêu mày mới mắng chửi mày để mày nên người". Khi bọn con bị tổn thương, bị xúc phạm, thì ý đồ giáo dục của bố mẹ dù có tốt và trân quý tới đâu cũng không thể thấm nhuần vào bọn con 100% được. Xin hãy dạy bọn con xin lỗi , và cũng xin bố mẹ hãy xin lỗi bọn con khi bố mẹ làm tổn thương bọn con. Xin hãy tôn trọng bọn con như tôn trọng một người trưởng thành.

Cuối cùng, xin đừng bắt bọn con phải CHỊU ĐỰNG trong chính ngôi nhà của mình. Xin hãy cho phép bọn con được có tiếng nói riêng, được tôn trọng, và được yêu thương bố mẹ mình MỘT CÁCH TỰ NGUYỆN

Đọc thêm: