Sự đói khát thứ văn xuôi tai, hay là không phải cứ biết chữ thì đọc được văn chương
Khi đứng trước sự lựa chọn giữa nhiều tác phẩm văn chương, người ta buộc phải đề ra một tiêu chí để làm ưu tiên giải quyết lựa chọn...
Khi đứng trước sự lựa chọn giữa nhiều tác phẩm văn chương, người ta buộc phải đề ra một tiêu chí để làm ưu tiên giải quyết lựa chọn đó. Bởi đã luôn mang sẵn định kiến văn chương là chỉ để đọc, biết chữ thì đọc, và cứ thế mà đọc, nên nhiều người đọc đặt tiêu chí ưu tiên cho trường hợp này là: xuôi tai, hoặc mượt mà, hoặc dễ đọc; tuỳ cách dùng từ, nhưng tựu trung họ muốn hướng đến một thứ văn chương chui vào đầu họ một cách trơn tuột, không vấp phải các câu văn trúc trắc.
Thôi thì với tầng lớp người đọc bình dân đọc để giải trí không não nên tiêu chí ấy âu cũng dễ thông cảm. Tuy nhiên vấn đề là: thứ nhất họ đã chọn sai đối tượng sách, và thứ hai là họ đã mang thái độ lệch lạc trước văn chương. Yêu cầu ở bản dịch một phiên bản dễ hiểu hơn ư? Yêu cầu ở dịch giả một phương án dịch vừa tầm người đọc hơn ư? Thảy những cơ sự này đã khiến cho tôi, thưa các anh chị, hết sức đau lòng.
Vượt qua nỗi chua xót này, hôm nay tôi sẽ nói về sự khó đọc của văn chương, và xuôi tai với trúc trắc là cái gì mà cứ nhắng lên thế?
I. ĐẬP TAN VÀI ẢO TƯỞNG
1. Không phải cứ có nhiều chữ thì là văn chương
Vì đương sự là những bản dịch đa phần từ tiếng Anh và Pháp nên tôi sẽ xét theo nền văn hoá đó.
Literature (littérature) theo định nghĩa là tập hợp gồm các tác phẩm cả viết và nói, thơ và văn xuôi, giả tưởng và phi giả tưởng. Tuy nhiên trong đời thường, literature luôn được chỉ đến những tác phẩm có tính nghệ thuật với mục tiêu hướng đến cái đẹp, đến trí tuệ, thường mang lối dùng từ khác với thông thường, cốt truyện không phải thứ chính yếu. Literature luôn được đánh giá là khó viết và cũng khó đọc. Tôi dịch: văn chương.
Fiction (fiction) là tập hợp các thể loại giả tưởng, trong đời thường chỉ dùng để chỉ đến văn xuôi mà thôi. Gần như ngược với literature, fiction không hướng đến cái đẹp hay trí tuệ; mối quan tâm chính của fiction là cốt truyện, đi kèm theo là yếu tố giật gân, hồi hộp. Lối viết của fiction cũng ngược với literature, nó được viết dễ hiểu cho càng nhiều người đọc được càng tốt. Và tất nhiên, fiction dễ viết, dễ đọc hơn literature nhiều. Tôi dịch: truyện.
Và nếu là người nói tiếng Anh, khi đọc một tác phẩm kiểu trinh thám Dan Brown ta buộc phải dùng từ fiction (truyện), không bao giờ dùng literature (văn chương) cả. Mặc dù tôi biết nhiều thanh niên mới nhú thấy Dan Brown cài cắm tôn giáo, nghệ thuật, khoa học trông hoành tráng cứ ngỡ Brown phải lên hàng văn chương, nhưng rất tiếc, trinh thám của Brown không hướng đến cái đẹp, kiến thức trong đó cũng rất là thường thức không có gì đặc biệt. Nhớ cho nguyên dòng sách trinh thám không được gọi là văn chương.
Dùng nhầm thuật ngữ, rồi đánh lận con đen cào bằng văn chương ngang với truyện chính là vấn đề ở tầng lớp người đọc bình dân. Hầu như cứ có chữ là gọi là văn chương/văn học. Từ phần tử nặc danh hư cấu láo toét như Tony buổi sáng, cho đến thành phần kinh dị biến thái quái thai như Otsuichi, đều được xếp lập lờ ngang với sách của các tác gia như Oscar Wilde, Cormac McCarthy, chỉ vì chúng được gọi bằng cùng một danh từ: văn chương.
Thưa các anh chị, tôi rất buồn.
2. Không phải cứ biết chữ thì đọc được văn chương
Ở phần trên ta đã quán triệt truyện là truyện, không phải văn chương, không nhầm lẫn. Và cái sự đọc truyện nó là như thế nào, tôi không bàn đến. Phần này tôi bàn về thái độ người đọc nên có với văn chương.
Văn chương là nghệ thuật, và như tôi đã có dịp nói, rằng “nghệ thuật là vô dụng”[1], nên thái độ đầu tiên khi tiếp cận văn chương tuyệt đối không phải là đọc để tìm sự giải trí, sự thật thì ta không thể tìm gì từ nó ngoài cái đẹp. Văn chương có khả năng tạo cho ta một cảm xúc về cái đẹp, nhưng người đọc có lĩnh hội được cái đẹp hay không thì lại tuỳ vào người đọc, và nếu không tìm được thì chẳng phải lỗi của văn chương. Vì nó chỉ có khả năng cho bạn cảm xúc về cái đẹp, chứ nó không hứa bịp như mấy tay diễn giả rằng chắc chắn cho bạn cái này cái kia, còn nghe xong mà không có thì hoàn tiền.
Thái độ thứ hai là, bởi vì văn chương không dạy bạn điều gì, nên sẽ rất khó đọc nếu trình độ của bạn không ngang bằng với tác phẩm văn chương. Thầy dạy, bạn nghe thì được, thầy nói bao nhiêu bạn cũng nghe được vì đang được dạy. Nhưng nếu để đàm đạo kiến thức với thầy như hai người ngang cơ, trong khi thực tế không ngang cơ, thì bạn sẽ bỏ lỡ vô số các ẩn dụ, biểu tượng, các tham chiếu đến triết học, tôn giáo, mà thứ biểu lộ ra chỉ là một từ ngữ, chỉ đôi khi quen thuộc, còn nhiều khi tối nghĩa. Bạn không thể cứ nửa câu lại đòi giải thích một lần được, lúc này chỉ có một lựa chọn là ngừng nói chuyện, cũng tức là ngừng đọc văn chương, cho đến khi đủ giỏi. Nói cách khác, đọc văn chương là cố gắng thấu hiểu và trò chuyện với tác giả.
Thái độ thứ ba là văn chương không tập trung vào nội dung, mà vào văn phong, thủ pháp, nhân vật, chủ đề, nên nếu tìm sự giật gân, hồi hộp ở văn chương thì xác định luôn là đừng đọc. The Catcher in the Rye (J. D. Salinger) chỉ là cuốn hồi kí của một thằng 16 tuổi bị đuổi học, trên đường từ trường về nhà nó vừa đi vừa chửi xã hội, hết. The road (Cormac McCarthy) chỉ là hành trình hai cha con đi ra biển trong một thế giới đổ nát, thậm chí tác giả còn chả nói vì sao thế giới lúc ấy đổ nát đến thế, hai cha con ra đến biển rồi hết, thậm chí chả biết ra rồi làm gì sau đó.[2]Nhưng kể cả nếu bạn tìm thứ văn phong hợp tai bạn, cũng xác định luôn là đừng tìm. Nhiều tác gia mang lối viết khó đọc, thậm chí là phá cả ngữ pháp, điều này hẳn khiến người đọc khó khăn. Ví dụ Cormac McCarthy viết câu với cực ít dấu phẩy, và tuyệt đối không dùng ngoặc kép đánh dấu lời thoại. Hiển nhiên người đọc khó phân biệt được giữa lời thoại và lời kể chuyện, nhưng người đọc không có quyền đòi McCarthy (hoặc dịch giả) thêm ngoặc. Người đọc chỉ có lựa chọn đọc hoặc không đọc.
Thái độ thứ tư là phải biết rằng văn chương không thoả mãn tức thì. Có thứ văn mà đọc xong một câu, nửa tiếng sau ngẫm nghĩ mới thấy hay, đây không phải là cường điệu, nghe thì có vẻ hài hước nhưng đó là sự thật. Đọc văn chương khác với đọc truyện ở chỗ không có thứ gì gọi là “háo hức đến nỗi lật xem trước luôn trang cuối cùng”. Người đọc văn chương không tìm mục tiêu ngắn hạn như thế, họ tìm cái đẹp và quá trình đọc tác phẩm cũng mang đầy thẩm mĩ, họ thưởng thức trên từng trang chứ không chỉ ở trang cuối.
Và đó là 4 thái độ cần có khi tiếp cận văn chương. Sau khi đập tan ảo tưởng và có những hiểu biết sơ bộ, chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao văn chương khó đọc.
II. VÌ SAO VĂN CHƯƠNG KINH ĐIỂN KHÓ ĐỌC?
Trước hết phải công nhận một điều: văn chương thường viết lan man, nhàm chán, khó hiểu. Nhưng chuyện này là do tác giả hay do dịch giả? – Một người chỉ cần có số IQ đủ để dùng Google, cùng với vốn tiếng Anh đủ để biết tra Google bằng từ khoá tiếng Anh với đầy lỗi chính tả là cũng đã không cần hỏi ngu như thế rồi.
Ảnh trên là hai mạng xã hội hỏi đáp lớn hàng đầu thế giới, nhìn là biết những người nói tiếng Anh, đọc những tác phẩm viết bằng tiếng mẹ đẻ của họ mà cũng cảm thấy khó khăn, chắc chắn do tác giả rồi.
Và công việc của dịch giả là truyền tải không những tính trung thành với tác phẩm mà còn là sự tương đương giữa cảm nhận của người đọc ở ngữ nguồn. Nếu độc giả Anh ngữ thấy tác phẩm khó đọc, thì dịch sao cho độc giả Việt ngữ cũng khó đọc là việc đúng đắn và cần thiết.
Tôi biết đến đây sẽ có chú trống choai gáy lên rằng dịch giả không cần làm nô lệ cho tác giả như thế, mà phải dịch phóng tác như cụ Bùi Giáng dịch Hoàng tử bé, hay Ngọc Thứ Lang dịch Bố già kìa, miễn người Việt đọc thấy hay là được. Rồi rồi, đó cũng chỉ là một trường phái dịch. Dịch nội hoá và dịch ngoại hoá đều có ưu nhược riêng và xét đến cùng chúng đều có hệ thống triết lí đàng hoàng của riêng mình. Nội hoá chỉ là một lựa chọn, không phải là điều bắt buộc.
Nhưng chủ đề đó thì dài, ở đây tôi chỉ nói ngắn rằng tôi ủng hộ phái dịch ngoại hoá và người chọn dịch ngoại hoá tuyệt đối không phải vì kém, bởi vì kém hay giỏi phải phân tích nguyên tác, điều mà tầng lớp độc giả không phân biệt được giữa vest và suit, gout và taste, bra và corset còn lâu mới đến lượt gáy.
Và sự khó đọc, tôi chia làm 2 dạng: đọc thấy trúc trắc, và đọc thấy nhàm chán.
1. Đọc thấy trúc trắc
Trúc trắc là một từ mơ hồ, nói một cách rõ ràng hơn thì là tuy cùng dùng một ngôn ngữ, nhưng cách dùng từ, cách đặt vị trí từ, cách đặt dấu câu trong câu quá khác biệt với lối đặt câu dùng thường ngày như trên báo mạng, trên còm Facebook, trên truyện trinh thám.
Điều này là dễ hiểu, vì ngôn ngữ thay đổi không ngừng, cấu trúc câu biến đổi, từ vựng bị chuyển nghĩa. Đương sự vẫn xoay quanh các bản dịch tiếng Anh nên ta hãy xét tiếng Anh.
Hwæt. We Gardena in geardagum,þeodcyninga, þrym gefrunon,hu ða æþelingas ellen fremedon.Oft Scyld Scefing sceaþena þreatum,monegum mægþum, meodosetla ofteah,egsode eorlas. Syððan ærest wearðfeasceaft funden, he þæs frofre gebad,weox under wolcnum, weorðmyndum þah,oðþæt him æghwylc þara ymbsittendraofer hronrade hyran scolde,gomban gyldan. þæt wæs god cyning.Trích Beowulf, tác giả ẩn danh
Trên đây là những dòng đầu sử thi Beowulf, nó được viết bằng tiếng Anh Cổ Đại, với trường hợp này thậm chí người bản ngữ có thể còn không đọc được chứ chưa nói gì đến trúc trắc. Tiếng Việt chưa có bản dịch bằng cổ ngữ tương đương nên không có ví dụ.
Whan that aprill with his shoures sooteThe droghte of march hath perced to the roote,And bathed every veyne in swich licourOf which vertu engendred is the flour;Whan zephirus eek with his sweete breethInspired hath in every holt and heethTendre croppes, and the yonge sonneHath in the ram his halve cours yronne,And smale foweles maken melodye,That slepen al the nyght with open yeTrích The Canterbury tales, tác giả Geoffrey Chaucer
Trên đây là The Canterbury tales viết bằng tiếng Anh Trung Đại, trông chỉ quen thuộc hơn nếu so với Beowulf thôi chứ người bản ngữ vẫn khó có thể đọc được nếu không có chú thích. Cũng không có ví dụ vì tiếng Việt chưa có bản dịch bằng cổ ngữ tương đương.
Thou know'st the mask of night is on my face,Else would a maiden blush bepaint my cheekFor that which thou hast heard me speak to-night(Chàng biết tấm mạng đêm che lên khuôn mặt,Bằng không sắc đồng trinh trên má em ửng hắtBởi những lời chàng nghe em lỡ nói mất đêm nay)Trích Romeo and Juliet, tác giả William ShakespeareBản dịch lấy từ Bức hoạ Dorian Gray, dịch giả Nguyễn Tuấn Linh
Trên đây là Shakespeare và tiếng Anh Cận Đại, trông đã rất quen thuộc rồi, người bản ngữ có thể đọc được, nhưng hoàn toàn không dễ dàng. Ngoài một số đại từ cổ như thou và cách chia động từ cổ như know'st hoặc hast, thì Shakespeare rất ưa dùng hình tượng, thực tế thì ba câu trên chẳng có tấm mạng che mặt nào hết đâu.
It is a truth universally acknowledged, that a single man in possession of a good fortune, must be in want of a wife. However little known the feelings or views of such a man may be on his first entering a neighbourhood, this truth is so well fixed in the minds of the surrounding families, that he is considered the rightful property of some one or other of their daughters.(Có một lẽ đời mà ai cũng gật gù, là một chàng độc thân nắm trong tay khối tài sản kếch xù, hẳn phải muốn một người vợ. Tuy nhiên hiếm người rõ được cảm xúc hay quan điểm ở một chàng như thế trong lần đầu tiên đến sống trong vùng, cái lẽ đời kia đã ăn sâu vào tâm trí đám nhà láng giềng, rằng chàng ta được coi như là tài sản hợp pháp của cô này cô kia trong bầy con gái nhà họ.)Pride and Prejudice, tác giả Jane AustenTornad dịch
Pride and Prejudice được Jane Austen viết vào đầu thế kỉ 19. Hoàn toàn có thể đọc mà không cần từ điển rồi, có điều sẽ mắc phải vài “cái trúc trắc”: Đặt phẩy quá nhiều ở câu đầu, sao không cứ thế liền cả câu luôn, hả? Câu hai viết quá dài và quá nhiều ý, sao không cắt ra làm ba câu cho ngắn và dễ đọc, ơ kìa?
Câu trả lời là đéo không. Bởi phong cách viết của tác giả là vậy, và kể cả có khó đọc với người đọc cũng kệ, dịch giả vẫn nên dịch bám sát cấu trúc câu. Bản dịch Việt Kiêu hãnh và định kiến của dịch giả Diệp Minh Tâm đã dịch bám sát. Tôi ưng.
Có một sự thật mà ai cũng công nhận, đấy là: một người đàn ông có một tài sản khá hẳn sẽ muốn có một người vợ. Dù cho người ta chỉ biết rất ít về cảm nghĩ hay quan điểm của người đàn ông như thế, khi anh ta đến cư ngụ trong vùng, sự thật ấy đã in sâu vào đầu óc của những gia đình sống xung quanh, đến nỗi họ xem người đàn ông này là tài sản hợp pháp của cô con gái này hay cô con gái kia của họ.Trích Kiêu hãnh và định kiến, dịch giả Diệp Minh Tâm
Tôi cũng được biết rằng có rất nhiều tiếng gáy chê bản dịch Diệp Minh Tâm, nhưng đều là từ các thành phần lởm khởm cả. Nghe gáy nhiều, tôi lại ưng.
When he woke in the woods in the dark and the cold of the night he'd reach out totouch the child sleeping beside him. Nights dark beyond darkness and the days moregray each one than what had gone before. Like the onset of some cold glaucomadimming away the world. His hand rose and fell softly with each precious breath. Hepushed away the plastic tarpaulin and raised himself in the stinking robes andblankets and looked toward the east for any light but there was none. In the dreamfrom which he'd wakened he had wandered in a cave where the child led him by thehand. Their light playing over the wet flowstone walls. Like pilgrims in a fableswallowed up and lost among the inward parts of some granitic beast. Deep stoneflues where the water dripped and sang. Tolling in the silence the minutes of the earthand the hours and the days of it and the years without cease. Until they stood in agreat stone room where lay a black and ancient lake. And on the far shore a creaturethat raised its dripping mouth from the rimstone pool and stared into the light witheyes dead white and sightless as the eggs of spiders. It swung its head low over thewater as if to take the scent of what it could not see.[…]Then he opened his eyes. Hi, Papa, he said.I'm right here.I know.Trích The road, tác giả Cormac McCarthy
Cormac McCarthy là tác giả hiện tại, ông sinh năm 1933 và vẫn còn sống. Đoạn văn trên ta không cần quan tâm nội dung, mà hãy nhìn dấu câu. Đoạn văn 234 chữ, có 3 lời thoại, nhưng tuyệt đối không có dấu ngoặc kép, và chỉ có hai dấu phẩy. Đó là phong cách riêng của McCarthy. Ông áp dụng trên mọi cuốn sách ông viết, dù cho việc không dùng dấu ấy có gây khó khăn cho người đọc hay không đi nữa.
Nói tóm lại, văn chương trúc trắc là tất nhiên, do yếu tố lịch sử và do cả ý thích của tác gia nữa. Nếu người đọc không đọc được trúc trắc, vậy thì không đọc. Tuỳ chọn “yêu cầu tác giả viết lại” hay “yêu cầu dịch giả sửa lại” hiện không khả dụng.
2. Đọc thấy nhàm chán
Việc thấy nhàm chán cũng là phổ biến cả ở Việt Nam lẫn các độc giả bản ngữ. Hiện tượng của nó là đọc rất buồn ngủ và đầu óc không tưởng tượng được lên sự vật tác giả tả, cũng không hiểu sự việc tác giả kể, cuối cùng là hết tập trung và bỏ dở sách.
Có hai lí do cho chuyện này, thứ nhất là không nắm được bối cảnh của tác phẩm, và thứ hai là không đủ trình độ hiểu được các thủ pháp của tác giả.
Lí do thứ nhất là không nắm được bối cảnh của tác phẩm. Lấy ví dụ cuốn Bức hoạ Dorian Gray của Oscar Wilde, cuốn sách này khét tiếng vào cuối tk19, thời điểm nó ra đời, vì nó dám đề cập đến tình yêu đồng giới cùng những lí thuyết kiếm tìm khoái lạc. Làn sóng phẫn nộ ập lên nó vô cùng, vô cùng lớn, Wilde bị chỉ trích khắp nơi.
Nhưng người của tk21 chúng ta đọc sách thấy gì? Trong truyện thậm chí chẳng có hai người đàn ông yêu nhau, chỉ có mối tình đơn phương của anh hoạ sĩ đồng tính mà thôi. Cũng chẳng có lấy một cảnh thân mật nào, đi xa nhất là lời tỏ tình của anh hoạ sĩ, nhưng ý nhị đến nỗi không hề dùng đến từ yêu! Ôm ấp, hôn hít, hoàn toàn không có dù chỉ trong ý định. Rõ ràng tác phẩm này chẳng có gì đáng phẫn nộ, thậm chí nó còn hơi "hiền".
Như vậy là vì yếu tố thời gian chúng ta đã bị thiếu hụt hiệu ứng tâm lí về bối cảnh. Có chăng ta lấy được hiệu ứng ấy một khi tìm hiểu thật sâu bối cảnh nước Anh thời Victoria, để nhập tâm vào nó. Nhưng khó mà tìm được người đọc tâm huyết đến thế.
Lí do thứ hai là không đủ trình độ hiểu được các thủ pháp của tác giả. Mà để hiểu thì phải vừa đọc vừa phân tích, nhưng sự thất bại của giáo dục đã đẻ ra rất nhiều măng non căm ghét phân tích văn học. Tại sao bức tranh không thể chỉ là mỗi bức tranh thôi, mà cứ là nhiều thứ khác ẩn dụ.[3] Do đó, những măng non này thường chỉ nhìn sự vật theo nghĩa đen, mà ở nghĩa đen, sự vật nhiều khi rất tẻ nhạt.
Đúng là không ai khẳng định được tác giả viết ra bức tranh là có ẩn ý, nhưng như thế đồng nghĩa là cũng không ai khẳng định được nó không có ẩn ý gì hết. Chính vì thế mới có ngành phê bình văn học, và bài phê bình thì luôn bị nặng tính chủ quan. Nhưng để hiểu sâu và thấy được cái đẹp văn chương ta buộc phải phân tích và có thái độ đúng đắn với nó.
Và khi ấy sẽ thấy văn chương không nhàm chán, nhưng cũng không dễ dàng.
III. LỜI KẾT
Văn chương (literature) khác hoàn toàn với truyện (fiction), khác về mọi thứ: văn phong, mục đích hướng đến, cách kể chuyện. Nếu tìm đến văn chương vì văn phong dân dã xuôi tai, thì đừng tìm. Nếu tìm đến văn chương vì nội dung giật gân, thì đừng đọc.
Ngoài ra người đọc cũng không có quyền gì đòi tác giả phải viết dễ hiểu, hay đòi dịch giả phải dịch dễ hiểu. Dù với truyện, mục đích chính là bán sách, thì có khi tác giả còn cầu xin người đọc cho ý kiến đặng bán được nhiều sách. Nhưng hãy gạt đám bầy nhầy ấy ra khỏi lãnh địa văn chương.
Lựa chọn của người đọc trước văn chương chỉ là hoặc đọc hoặc không đọc. Thảy là vậy.
Chú thích:
[1] Vì sao nghệ thuật là vô dụng:
[2] Nếu đọc sách mà chỉ nhắm vào nội dung thì sẽ bỏ lỡ rất nhiều yếu tố và hiểu sai rất nhiều giá trị:
[3] Đôi khi để cảm nhận được một tác phẩm thì cần phải nắm rõ nhiều thủ pháp như thế này, cũng như phải chú ý đến từng từ tác giả dùng:
Tornad
29/12/2018
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất