Như các bạn đã biết, trong một năm trở lại đây chủ đề yêu thích của tôi là chủ nghĩa dân tộc, tôi đã có một loạt bài về nó như: Lòng yêu nước là truyền thống tân tạo; Bóng đá là công cụ của chủ nghĩa dân tộc; và Chủ nghĩa dân tộc ẩm thực. Và nếu để ý các bạn sẽ thấy rằng ở một trong số bài viết ấy tôi có nói chủ nghĩa dân tộc rất tương đồng với tôn giáo. Bài viết hôm nay chính là lúc tôi chỉ ra điều ấy một cách cụ thể và rõ ràng, đặc biệt khi đang trong thời điểm lòng yêu nước bị chủ nghĩa dân tộc kích động đến mức mù quáng như bây giờ.
Trích từ bài "Lòng yêu nước: Truyền thống ngàn đời hay truyền thống tân tạo? "
Trích từ bài "Lòng yêu nước: Truyền thống ngàn đời hay truyền thống tân tạo? "
Trước khi bắt đầu bài viết tôi phải nói rõ rằng bài viết này không ngụ ý quốc gia dân tộc hay tôn giáo vật tổ là xấu. Nó chỉ đơn thuần phân tích những điểm tương đồng giữa chúng mà thôi. Việc phân tích này có thể dùng để lí giải những hành động quái đản của nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan, hoặc để dự đoán với độ chính xác tương đối những động thái tiếp theo của họ dựa trên hiểu biết của chúng ta về tôn giáo vật tổ, hoặc chỉ đơn giản là để thoả mãn đam mê tìm kiếm tri thức.
Nhưng mặt khác tôi cũng nói rõ rằng bài viết này ngụ ý nhiều thứ, đa phần trong số chúng là những mặt xấu của mô hình quốc gia dân tộc khi bị vấy bẩn bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cũng như lòng yêu nước khi bị đầu độc bởi thứ chủ nghĩa ấy. Trong khi mong muốn xoá bỏ chủ nghĩa dân tộc cực đoan là thứ được tôi thể hiện không chút che giấu, thì mong muốn xoá bỏ hay thay thế quốc gia dân tộc là thứ tôi tuyệt không có. Điểm mạnh-yếu của mô hình quốc gia dân tộc là chủ đề lớn lao và phức tạp mà bài viết này không nhúng tay vào giải quyết.
Như vậy, bài viết này chỉ giải quyết những điểm tương đồng giữa quốc gia dân tộc và tôn giáo vật tổ mà thôi.

I. ĐỊNH NGHĨA CÁC KHÁI NIỆM

Về tôn giáo, mỗi khi bàn về bản chất của nó hẳn người ta không thể nào bỏ qua Émile Durkheim với quyển sách nổi tiếng của ông Les formes élémentaires de la vie religieuse (Các hình thức cơ bản của đời sống tôn giáo) (1912). Trong quyển sách này, Durkheim định nghĩa như sau: “Tôn giáo là hệ thống thống nhất của các niềm tin và thực hành liên quan đến những điều thiêng liêng, nghĩa là những điều đứng tách biệt và bị cấm đoán, các niềm tin và thực hành ấy quy tụ trong một cộng đồng đạo đức, được gọi là Giáo hội, gồm tất cả những người tuân thủ.” (Durkheim, 1912, tr69).
Về quốc gia dân tộc (nation-state), bài viết này đang nói đến thực thể chính trị mà Benedict Anderson trong Imagined Communities (1983) gọi là “Cộng đồng chính trị tưởng tượng” (Anderson, 1983, tr6); Ernest Gellner trong Nations and Nationalism (1983) cho rằng là tổ chức chính trị mà nhà nước và dân tộc phải tương ứng với nhau (Gellner, 1983, tr1-5); và Anthony Smith trong National Identity (1991) định nghĩa là “một tập hợp người được đặt tên riêng và cùng chia sẻ lãnh thổ lịch sử, truyền thuyết phổ biến và kí ức lịch sử, một nền văn hoá đại chúng và công khai, một nền kinh tế chung cùng các quyền và nghĩa vụ pháp lí chung cho tất cả thành viên” (Smith, 1991, tr14).
Hãy tạm gác qua những khác biệt nhỏ trong những định nghĩa trên về quốc gia dân tộc mà hiểu rằng bài viết này nói về tất cả các định nghĩa ấy cùng các đặc điểm của chúng. Sau đó tôi sẽ lấy những thành tố có trong quốc gia dân tộc để đối chiếu với tôn giáo vật tổ, nhằm cho thấy chúng tương đồng với nhau đến thế nào.

II. CÁI THIÊNG VÀ CÁI TỤC

Khi đã trang bị một định nghĩa rõ ràng về tôn giáo, Durkheim lên đường đi tìm hình thức nguyên thuỷ nhất của nó. Và sau khi dẫn ra chủ nghĩa tự nhiên (le naturisme) cùng với chủ nghĩa vật linh (le animisme), ông phân tích và bác bỏ chúng, để cuối cùng đi đến chủ nghĩa vật tổ (le totémisme). Chủ nghĩa vật tổ, theo một cách nào đó, có thể được coi như một hiện tượng tự nhiên, bởi rất nhiều tộc người ở xa nhau và không hề có liên hệ với nhau – như thổ dân ở châu Mĩ và châu Úc – đều thực hành chủ nghĩa vật tổ. Vì điều này mà chủ nghĩa vật tổ trở thành đối tượng sáng giá để Durkheim nhìn nhận như một hình thức nguyên thuỷ của tôn giáo, và ông phân tích nó dựa trên một bộ tộc thổ dân Úc.
Durkheim phân chia tôn giáo thành hai hệ thống là niềm tin và thực hành. Đối với hệ thống niềm tin, ông đưa ra kiến thức rất quan trọng về cái thiêng (le sacré) và cái tục (le profane), rằng “Hết thảy niềm tin tôn giáo mà chúng ta đã biết, dẫu đơn giản hay phức tạp, đều có điểm chung: chúng giả định một sự phân loại cho vạn vật – trong thực tế hoặc ý niệm – mà con người có thể hình dung được thành hai nhóm, hai loại đối lập nhau, mà thường được chỉ định bằng hai thuật ngữ chuyên biệt có thể truyền tải chính xác là cái tục và cái thiêng.” (Durkheim, 1912, tr58). Trong đó, cái thiêng là cái được đứng tách biệt và bảo vệ, cái tục là cái phải được giữ khoảng cách với cái thiêng. Niềm tin tôn giáo là thứ thể hiện bản chất của cái thiêng và mối quan hệ của nó với cái tục; thực hành tôn giáo là các quy tắc định đoạt cách tín đồ cư xử trước cái thiêng. Hệ thống niềm tin và thực hành, như đã nói, hợp thành với nhau sẽ tạo nên tôn giáo.
Một khi đã có cái thiêng liêng thì sẽ kéo theo rất nhiều cái kiêng kị, mà như chúng ta sắp thấy sau đây.
Ảnh: Cartoon Movement
Ảnh: Cartoon Movement
Đối chiếu với quốc gia dân tộc, cái thiêng của nó chính là những thứ như lãnh thổ, quốc kì, quốc ca, v.v. Chẳng hạn về lãnh thổ, mô hình quốc gia dân tộc khác với các mô hình cũ ở chỗ lãnh thổ đất nước là một thứ thiêng liêng và không ai có quyền thay đổi. Nó rất khác với thời quân chủ nơi đất thuộc về nhà vua, trên lí thuyết vua có quyền cắt đất tặng nước ngoài (sau đó dân có phẫn nộ hay không là vấn đề khác); nó cũng khác biệt ở chỗ các quốc gia dân tộc nhìn chung đã từ bỏ tư tưởng mở rộng lãnh thổ, nếu có thì cũng bị coi là tư tưởng bá quyền và đế quốc, một thứ vô đạo đức.
Về sự thiêng liêng của lãnh thổ, vụ việc mới xảy ra ở Việt Nam gần đây cho chúng ta thấy rất rõ: Hội đồng Duyệt phim cấm chiếu bộ phim Barbie vì cho rằng có đường lưỡi bò của Trung Quốc. Vấn đề sẽ rất dễ hiểu nếu như bộ phim ấy có đường lưỡi bò một cách rõ ràng; nhưng không, tất cả những thứ được cho là thể hiện đường lưỡi bò đều nằm trên tấm bản đồ trong thế giới búp bê, được vẽ nguệch ngoạc và sai tỉ lệ, như thế này. Cùng với đó là lời giải thích rất khó hiểu của Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim, như sau.
"Bản đồ không rõ ràng" nhưng "vi phạm lại rõ ràng".
"Bản đồ không rõ ràng" nhưng "vi phạm lại rõ ràng".
Và vấn đề sẽ càng bớt khó hiểu đi nếu như dư luận đặt câu hỏi về tính hợp lí và minh bạch của câu trả lời mờ mịt trên; nhưng lại không, một bộ phận lớn người ủng hộ rất nhiệt tình quyết định này của Hội đồng. Đặc biệt, Tifosi – một trang chuyên kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan – còn tìm cách xoay ngang tấm bản đồ để tìm ra đường lưỡi bò ở tận Bắc Mĩ. Đi kèm theo đó là rất nhiều người công khai vứt bỏ tính hợp lí sang một bên, họ điềm nhiên tuyên bố rằng không có đường lưỡi bò thật đi nữa cũng vẫn cứ cấm, và cấm để thể hiện ý thức lãnh thổ, ngay sau khi đã công nhận bộ phim không liên quan đến vấn đề lãnh thổ (!?).
Tất cả sự này cho chúng ta thấy vấn đề đã bị đẩy ra ngoài phạm vi lí trí, để bước vào phạm vi của niềm tin, nỗi sợ, và sự tôn trọng cái thiêng liêng. Có thể nói không ngoa, việc cấm phim như là hành động “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, việc tin vô điều kiện vào Hội đồng như là sự mê tín dị đoan của con nhang đệ tử dành cho thầy trừ tà, đường lưỡi bò đóng vai trò như tà ma, và lãnh thổ như một thứ thiêng liêng cần được giữ tách biệt khỏi ma quỷ.
Một ví dụ khác là vấn đề quốc ca Việt Nam không được phát qua kênh truyền hình ở một trận bóng đá năm 2020 vì vi phạm bản quyền. Điều này khiến người dân của quốc gia dân tộc phẫn nộ vì họ cho rằng trong mọi vấn đề liên quan đến quốc gia, không thể để chuyện kinh doanh xen vào, bất chấp thực tế rằng hành động đăng kí bản quyền của bản ghi âm quốc ca ấy là hợp pháp và là dĩ nhiên trong luật bản quyền.
Vì không tư duy bằng lí tính nên đặc điểm chung của các tín đồ là họ có xu hướng đồng nhất cái làm đại diện vào với cái được đại diện. Người nguyên thuỷ đồng nhất vật tổ với bộ tộc, người dân đồng nhất quốc kì với quốc gia. Chính vì vậy nên việc xúc phạm quốc kì trở thành việc kiêng kị vì nhiều người sẽ cho đó là xúc phạm quốc gia của họ, tuy nhiên cấm kị này không áp dụng phổ quát vì một số quốc gia không quá uý kị quốc kì, trong khi số khác quốc gia thì có, chủ đề này cần nghiên cứu thêm về mối quan hệ của sự uý kị với dân trí.
Thực tế, phép ví von vật tổ với lá cờ cũng được chính Durkheim sử dụng: “Người lính chết vì quốc kì tức là chết vì quốc gia; nhưng thực tế, trong ý thức của anh ta, ý tưởng về quốc kì quan trọng hơn. Thậm chí nó là thứ thúc đẩy hành động. Lá quốc kì có lọt vào tay giặc thì quốc gia cũng không vì thế mà mất đi, nhưng người lính vẫn liều chết lấy lại. Họ quên mất sự thật rằng lá cờ chỉ là một dấu hiệu, rằng bản thân nó không có giá trị gì, mà chỉ nhắc nhở người ta về thực thể mà nó đại diện; nó được đối xử như thể nó chính là thực thể này.” (Durkheim, 1912, tr300).
Thảy những sự trên cho chúng ta thấy ra một điều rằng đời sống của cái thiêng và cái tục đối lập nhau chan chát, các tín đồ không thể chấp nhận chúng ở cạnh nhau cùng một lúc, và mọi nguồn cơn đều xuất phát từ niềm tin và lòng tôn kính của họ, chứ không từ lí trí hay luật pháp. Điều này khớp với những gì Durkheim nhận định, rằng “Trong lịch sử tư tưởng loài người chưa từng có ví dụ nào khác về hai phạm trù sự vật tách biệt với nhau sâu sắc đến mức ấy, đối lập với nhau triệt để đến mức ấy.” (Durkheim, 1912, tr60).

III. CHUNG MỘT CÁI TÊN – SỐNG NHIỀU BẢN CHẤT

Mục đích của tôn giáo là gì? Theo Durkheim thì “Tất cả tôn giáo đều là một loại phương tiện giúp con người đối mặt với thế giới một cách tự tin hơn.” (Durkheim, 1912, tr262), đây cũng chính xác là một trong những mục đích của quốc gia. Nó cho người dân một căn tính chung để họ tự xác định mình là ai trong thế giới rộng lớn, nó giúp người dân có được cảm giác thuộc về một cái gì đó lớn hơn, giúp họ đôi khi được tự hào về thành tích mà họ không đạt được. Nói tóm lại nó giúp người dân “đối mặt với thế giới một cách tự tin hơn”.
Thế người dân của một quốc gia được xác định vào một căn tính chung như thế nào? Không thể nào đơn giản hơn, giống như một bộ tộc theo tôn giáo vật tổ: “Những cá nhân trong đó tự cho rằng họ gắn kết với nhau bởi mối quan hệ ruột thịt, nhưng có tính chất rất đặc biệt. Mối quan hệ ruột thịt này không xuất phát từ thực tế là họ có với nhau quan hệ huyết thống; họ liên quan đến nhau bởi thực tế duy nhất là họ mang cùng cái tên.” (Durkheim, 1912, tr141-2), người dân trong quốc gia dân tộc tự coi nhau là anh em ruột thịt – đôi khi còn sáng tạo ra truyền thuyết để hỗ trợ suy nghĩ ấy – chỉ đơn giản là tất cả đều mang cùng cái tên của quốc gia mình thuộc về. Đối với người theo chủ nghĩa yêu nước, dẫu mang chủng tộc khác nhau nhưng miễn cùng quốc gia thì sẽ là anh chị em với nhau. Một người da trắng sẽ coi một người da màu như ruột thịt của mình chỉ cần với điều kiện là hai người ấy cùng quốc tịch và cùng theo chủ nghĩa yêu nước.
Một bình luận rất hằn học của nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan sau trận bóng đá nữ Việt Nam – Mĩ vừa qua, họ hằn học như thể nước Mĩ xúc phạm họ.
Một bình luận rất hằn học của nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan sau trận bóng đá nữ Việt Nam – Mĩ vừa qua, họ hằn học như thể nước Mĩ xúc phạm họ.
Cạnh đó, việc cùng chia sẻ với nhau một cái tên chung khiến mỗi người dân có hai căn tính cho bản thân. Một căn tính cá nhân và một căn tính quốc gia. Biết rằng căn tính quốc gia – cũng giống như các truyền thuyết dân tộc – thường là sản phẩm hư cấu và thiếu căn cứ. Chẳng hạn căn tính “Người Việt hiền hoà” không thể áp dụng với mọi người Việt và cũng không có cơ sở nào hỗ trợ cho nó, tương tự “Người Pháp lãng mạn” với người Pháp, hay “Người Đức lí tính” với người Đức. Đôi khi căn tính chung còn được gán cho cả thứ đại diện quốc gia, chẳng hạn “Tiếng Việt phong ba bão táp” hay “Tiếng Pháp là ngôn ngữ tình yêu”, những căn tính này mang độ xác thực không cao hơn các truyền thuyết và huyền thoại của mỗi dân tộc.
Việc tham gia vào một căn tính chung khiến người ta có xu hướng dễ lên đồng vì những cái không phải của mình. Họ có thể lên đồng vì sung sướng trước thành tích của người mang cùng tên quốc gia với mình trong khi bản thân họ thì không có thành tích nào cả. Họ cũng có thể lên đồng vì phẫn nộ trước lời chỉ trích nhắm vào quốc gia của họ hoặc cái đại diện cho quốc gia của họ, trong khi bản thân họ thật ra không bị ai chỉ trích cả.
Tuy nhiên hiện tượng này không đồng đều giữa các quốc gia dân tộc, một số người dân nước này rất dễ lên đồng vì mọi thứ hoặc không vì thứ gì cả, một số người dân nước khác thì lại không thế. Điều này được tôi nêu ra để cân nhắc tìm hiểu thêm trong các nghiên cứu khác sau này.

IV. “THỜ” NHƯNG LẠI KHÔNG “THỜ”

Trong tác phẩm của mình, Durkheim đã chỉ ra một điểm rất quan trọng của tôn giáo vật tổ (la religion totémique) là tôn giáo này không thờ cúng động vật hay thực vật như nhiều người vẫn tưởng, mà tín đồ ở đó cho rằng bản thân mình cũng là thứ thiêng liêng như loài động vật làm vật tổ, vậy nên mối quan hệ của họ với loài vật ấy là ngang hàng – chính xác thì loài vật được ở mức độ thiêng liêng cao hơn một chút – như những người bạn cùng thị tộc hoặc người thân gia đình (Durkheim, 1912, tr188). Đối chiếu với quốc gia dân tộc, chúng ta thấy rằng người dân có xu hướng coi quốc gia là thiêng liêng nhưng họ không thờ cúng quốc gia và những gì liên quan đến nó, thay vào đó họ có xu hướng coi quốc gia như một người bạn, hoặc người cha, người mẹ đã đùm bọc mình và mình có nghĩa vụ bảo vệ quốc gia khi cần.
Một phát hiện đáng chú ý khác của Durkheim là ông nhận thấy rằng người nguyên thuỷ không coi thần thánh là những thực thể xa lạ, đáng sợ, cao đến mức không với đến, sống tách biệt với tín đồ, mà thay vào đó thần thánh với họ như những người bạn, người thân, và người bảo vệ, chưa từng có tôn giáo nào mà thần thánh gần gũi với tín đồ đến như vậy (Durkheim, 1912, tr304). Một lần nữa chúng ta thấy sự tương đồng ở đây, người dân trong mô hình quốc gia dân tộc vẫn nói với nhau rằng đất nước ở mọi nơi, diễn ngôn về yêu nước luôn nói rằng yêu xóm làng cũng là yêu nước, yêu người thân cũng là yêu nước. Đất nước không phải thực thể mỗi người nên kính sợ và chờ đợi nó phán xét hay trừng phạt mình, cũng không phải thực thể có thể đưa người dân đến giác ngộ, nhưng nó vẫn rất được tôn kính, yêu mến, bảo vệ, và thậm chí được người dân của nó hi sinh tính mạng cho, nếu cần.
Mà biểu hiện rõ rệt nhất của quốc gia với người dân chính là cộng đồng xã hội mà người dân ấy sinh sống, qua đây chúng ta có thể nói rằng thần thánh của mô hình quốc gia dân tộc chính là xã hội vậy. Và đây chính xác là nhận định của Durkheim trong khi ông nói về tôn giáo vật tổ, rằng “Thần thánh của bộ tộc, nguyên lí vật tổ, do vậy không thể là bất kì cái gì khác ngoài chính bộ tộc ấy.” (Durkheim, 1912, tr284). Thực thế, xã hội là thứ hoàn toàn có tiềm năng khơi dậy ý tưởng về thần thánh, nó là thứ siêu việt đối với một cá nhân cả về sức mạnh thể chất lẫn tinh thần. Dưới tư cách động vật bầy đàn, con người được xã hội bảo vệ khỏi mối hiểm nguy ngoài tự nhiên, nhưng mặt khác mỗi người cũng phải có ý thức bảo vệ xã hội thì xã hội mới tồn tại và duy trì được. Giống như rất nhiều vị thần của các tôn giáo, quốc gia hứa hẹn bảo vệ chúng ta nhưng mặt khác chúng ta phải hi sinh gì đó cho quốc gia để đổi lấy sự bảo vệ này.
Cái ảnh này vui vui nên đăng cho các bạn thư giãn giữa đoạn chữ dài.
Cái ảnh này vui vui nên đăng cho các bạn thư giãn giữa đoạn chữ dài.
Nhưng đâu là cách thức để mọi người trong bộ tộc củng cố tình đoàn kết và duy trì tôn giáo này? Câu trả lời của Durkheim là “sự sôi sục tập thể” (l'effervescence collective). Sôi sục tập thể diễn ra khi cả bộ tộc tụ tập lại với nhau vì một nghi lễ nào đó. Nghi lễ gì chỉ là vấn đề thứ yếu, mà chính việc tập hợp cả bộ tộc mới là vấn đề chính. Bằng việc tập hợp, những người nguyên thuỷ được nhìn thấy hình ảnh của vật tổ, được hoà mình vào đám đông qua bài hát đồng ca hoặc điệu nhảy tập thể, từ đó những tình cảm mơ hồ của họ được tạo hình tạo dáng cụ thể vào những vật thể và con người thực tế. Durkheim nhận định “Do đó, chính trong các nhóm xã hội sôi sục này, và từ chính sự sôi sục này, mà ý tưởng tôn giáo có lẽ được ra đời.” (Durkheim, 1912, tr298).
Sư sôi sục tập thể không phải hiện tượng mới mẻ với các quốc gia dân tộc, chúng ta có các dịp cổ vũ thể thao để làm môi trường cho sôi sục tập thể. Đặc biệt trong khi cổ vũ bóng đá hoặc đi bão, sự sôi sục thường đi kèm với các khẩu hiệu “Việt Nam vô địch” và nó được lặp đi lặp lại không khác gì tụng kinh. Thật khó tin, nhưng ngay đến một tờ báo chính thống ở Việt Nam còn từng lên bài chỉ với duy nhất dòng chữ “VIỆT NAM VÔ ĐỊCH! KHÔNG NÓI NHIỀU!” lặp lại nhiều lần để làm cả nhan đề lẫn nội dung. Nói không ngoa rằng với các cuộc sôi sục tập thể ở lĩnh vực bóng đá khi có sự dính líu đến quốc gia, bài kinh cho tôn giáo của họ chính là “Việt Nam vô địch”.
Có thể nói rằng những cuộc sôi sục tập thể này mang chức năng chuyển hoá cái trần tục trở thành cái thiêng liêng ở đời sống thường ngày của tín đồ. Các tín đồ cảm thấy mình cao quý hơn, thiêng liêng hơn, gần gũi với thần thánh của họ – chính là xã hội – hơn qua các dịp được tụ tập để sôi sục tập thể như vậy.
Cuối cùng, một thứ gần như không thể thiếu trong mọi nghi lễ tôn giáo là máu, “Trên tất cả, máu người thánh thiện đến mức nó thường được sử dụng để thần thánh hoá những dụng cụ thờ cúng được tôn kính nhất.” (Durkheim, 1912, tr185), máu người cũng quan trọng tương tự với các quốc gia dân tộc. Trên thực tế, các quốc gia dân tộc thường đưa máu và ẩn dụ chiến tranh vào các diễn ngôn của mình: các cầu thủ là chiến binh, va chạm trên sân cổ được gọi là hi sinh, chấn thương trong thể thao được ví như máu đổ dẫu thực tế chỉ trầy xước là cùng.
Và quốc gia dân tộc đã giống với tôn giáo vật tổ như vậy đấy.

V. VÀI DÒNG MINH ĐỊNH

Các dẫn chứng trong bài viết này được tôi lấy hầu hết từ tình hình xã hội ở Việt Nam, tuy nhiên tôi không ngụ ý rằng bài viết này chỉ áp dụng với Việt Nam, thực tế thì những vấn đề này mang tính phổ quát nên hoàn toàn có thể áp dụng với mọi quốc gia dân tộc. Tôi lấy dẫn chứng từ Việt Nam đơn giản vì đây là xã hội tôi sống và hiểu rõ nhất, các xã hội khác tôi không có đủ thông tin.
Bài viết này chỉ tham khảo duy nhất từ Les formes élémentaires de la vie religieuse của Émile Durkheim, dẫu rằng Durkheim là một người vĩ đại – ông được coi là một những người đầu tiên tạo nên ngành xã hội học – và quyển sách này cũng thuộc dạng quan trọng nhất nhì sự nghiệp của ông, nhưng nó vẫn có nhược điểm, và nhược điểm lớn nhất là Durkheim chỉ nghiên cứu duy nhất một bộ tộc ở Úc để rút ra những điều trên.
Nhận xét rất đáng chú ý của Schopenhauer về niềm tự hào dân tộc.
Nhận xét rất đáng chú ý của Schopenhauer về niềm tự hào dân tộc.
Bài viết này tôi dùng phép đối chiếu (analogy) và tuy nó là một phương pháp khoa học nhưng có nhiều hạn chế. Cụ thể ở đây phép đối chiếu sẽ giúp chúng ta có thêm cách tiếp cận và lí giải những hành động quái đản của nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Việt Nam, đồng thời nó giúp chúng ta có thể dự đoán với độ chính xác tương đối những động thái tiếp theo của quốc gia dân tộc dựa trên hiểu biết về tôn giáo vật tổ. Cần lưu ý là phép đối chiếu không dùng để chứng minh điều gì, ít nhất trong ngành xã hội học.
Tôi phải nhắc lại phần đầu bài rằng bài viết này không ngụ ý rằng quốc gia dân tộc và tôn giáo vật tổ là xấu, thậm chí tôi vẫn cho rằng chủ nghĩa yêu nước là liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên tôi cũng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam đang tạo ra rất nhiều thằng hề và thứ chủ nghĩa cực đoan này nên sớm được loại bỏ, vì một xã hội Việt Nam văn minh hơn.

Tài liệu tham khảo:

• Durkheim, Émile. Les Formes Élémentaires de La Vie Religieuse : Le Système Totémique En Australie. Paris, Quadrige/Puf, 1912. • Anderson, Benedict. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. London, Verso, 1983. • Gellner, Ernest. Nations and Nationalism. Malden, Mass., Blackwell Publishing, 1983. • Smith, Anthony. National Identity. London, Penguin Books, 1991. • VietnamPlus. “Bản đồ Đứt Đoạn Phim Barbie Xuất Hiện Nhiều Lần, Gây Suy Diễn | Điện Ảnh | Vietnam+ (VietnamPlus).” VietnamPlus, 7 July 2023, www.vietnamplus.vn/ban-do-dut-doan-phim-barbie-xuat-hien-nhieu-lan-gay-suy-dien/873592.vnp. Accessed 28 July 2023. • “Không Thể Tùy Tiện Sử Dụng Quốc ca Việt Nam Vào Mục Đích Kinh Doanh.” VOV.VN, 7 Dec. 2021, vov.vn/van-hoa/am-nhac/khong-the-tuy-tien-su-dung-quoc-ca-viet-nam-vao-muc-dich-kinh-doanh-909964.vov. Accessed 28 July 2023. • Online, TTVH. “VIỆT NAM vô ĐỊCH! KHÔNG NÓI NHIỀU! VIỆT NAM vô ĐỊCH! KHÔNG NÓI NHIỀU!” Thethaovanhoa.vn, 11 Dec. 2019, thethaovanhoa.vn/viet-nam-vo-dich-khong-noi-nhieu-viet-nam-vo-dich-khong-noi-nhieu-20191210204836351.htm. Accessed 28 July 2023.

Bài viết khác trong loạt bài về chủ nghĩa dân tộc.

Bài & ảnh: TORNAD
28/7/2023