Tifosi, yêu nước online, và Chủ nghĩa Sô vanh.
Mục đích của bài viết nhằm giải ảo về những cáo buộc dành cho Nữ vương Elizabeth II trên mạng xã hội, đồng thời nói lên thực trạng Chủ nghĩa Sô vanh ở Việt Nam hiện nay.
Lời đầu tiên
Đầu tiên, tôi xin lỗi quý độc giả vì khoảng thời gian qua tôi đã rất bận nên không thể đăng bài viết mới. Ngoài ra, một phần lý do khác cũng là bởi tôi không biết nên lý luận và bàn luận về vấn đề gì. Cá nhân tôi cho rằng tôi không thể viết một cách hời hợt cho đủ chỉ tiêu mà tự bản thân tôi đã đề ra (ít nhất mỗi tháng hai bài), bởi vì điều đó quả thật rất thiếu tôn trọng đến quý vị, với nền tảng tri thức, và với chính bản thân của tôi. Trong thời gian qua, tôi cũng đã nhận được những câu hỏi hay của các bạn, cũng như những bình luận ủng hộ, động viên và cho đến những lượt Upvote. Tôi xin bày tỏ lòng cảm kích sâu sắc nhất và gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến quý độc giả đã luôn ủng hộ và theo dõi các bài viết của tôi trong thời gian qua.
Ý tưởng của bài viết này được chớm nở khi tôi nhìn thấy nhiều “meme” (tạm dịch: nhận thức lan truyền) của nhiều người lan truyền trên mạng xã hội, cụ thể như sau:
Như quý độc giả đã được thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Nữ vương Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Elizabeth II vừa mới băng hà. Dường như ngay lập tức, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bình luận châm biếm, chế giễu một người vừa mới khuất, bởi vì lý do là “ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam” mà không hề đưa ra bất cứ tư liệu chứng minh nào cho nhận định đó, hay nói cách khác là hùa nhau truyền miệng. Những người ấy gọi một cụ bà 96 tuổi là “mụ khọm già đáng chết”. Tôi cảm thấy vô nghĩa quá, nên phải viết nhanh một bài giải ảo về điều này, đồng thời nói lên thực trạng Chủ nghĩa Sô vanh ở Việt Nam hiện nay. Về meme này, tôi sẽ giải thích nguồn gốc của nó để tránh bị nhận thức sai lệch.
Phần I: Tifosi, những nguỵ biện, và cáo buộc
1. Giải ảo về những cáo buộc liên quan đến Nữ vương Anh Quốc.
Như tôi đã trình bày ở phía trên, phe “cáo buộc” không hề đưa ra bất cứ bằng chứng, hoặc tư liệu Lịch sử nào để chứng minh Nữ vương Elizabeth II có ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam. Sự lan truyền miệng này diễn ra mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội mà thậm chí không hề có một nguồn trích dẫn nào, không có một bài báo, không có một tài liệu nào chứng minh cho cái nhận định mà những người đó đinh ninh là “sự thật” và sẵn sàng “giãy nảy” chửi những người kêu gọi dẫn nguồn. Nếu áp dụng cái tư duy của những người đó, học Lịch sử bằng meme, dẫn nguồn của họ sẽ là “trust me, bro.” Nay, tôi xin phép giải ảo những cáo buộc chụp mũ của những thể loại trên, qua đó báo động thực trạng đáng quan ngại về Chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở một bộ phận người dân Việt Nam.
Trước hết, dành cho mệnh đề “Nữ vương Anh Quốc ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam hai lần”, nó đã mắc phải lỗi tư duy logic thời gian nghiêm trọng. Đầu tiên, theo mốc thời gian được ghi nhận trên chính sử, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công nước Đại Nam, xem như sự kiện Pháp xâm lược Việt Nam lần đầu tiên, vào ngày 01/09/1858. Trong khi đó, Nữ vương Anh Quốc Elizabeth II sinh ngày 21/04/1926. Thử hỏi, Nữ vương Anh Quốc ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ nhất kiểu gì, mà nói tận “hai lần”? Lần thứ hai, theo chính sử, ngày 23/09/1945 Pháp trở lại xâm lược Việt Nam. Lúc này, Elizabeth II vẫn là một công chúa và không có bất kỳ phát ngôn tương tự nào được ghi nhận trên các phương tiện truyền thông lẫn tư liệu từ Việt Nam. Nữ vương Elizabeth II đăng quang vào ngày 02/06/1953, khi đó Chiến tranh Pháp - Việt Nam đã dần đi đến hồi cáo chung. Không rõ những kẻ tung tin đồn chụp mũ nhảm nhí có mục đích gì, chẳng hay có nằm dưới gầm giường của Vương thất Anh hay không mà “biết rõ” như thế (!?) Tôi sẽ nói cụ thể hơn về mâu thuẫn này ở phần dưới. Thực tế, chỉ cần chỉ ra lỗi lập luận ủng hộ hai lần ngay từ sự kiện Pháp xâm lược Đại Nam (tức lần một) là mệnh đề này đã sai, không cần bàn luận gì thêm nữa.
Ngay sau đó, nhiều người ngay lập tức “chữa cháy” bằng một mệnh đề khác, đó là “Nữ vương Elizabeth II ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam lần hai” (về cơ bản là đảo chữ lại, nhưng dẫn chứng thêm sự kiện Douglas Gracey mở đường cho Pháp tái chiếm Việt Nam vào tháng 9/1945, nên Nữ vương phải “chịu trách nhiệm”). Cũng tương tự với trường hợp trên, khi đó Nữ vương Elizabeth II chưa đăng quang. Hơn thế nữa, theo Luật Vương thất, Nữ vương (hoặc Quốc vương) phải trung lập về chính trị [1]. Vương thất Anh Quốc sẽ không can thiệp vào chính trường, không tỏ rõ thái độ chính trị và Nữ vương Elizabeth II chưa bao giờ thực hiện quyền bầu cử. Vì vậy, những suy luận theo tính chất bắc cầu rằng “Vì nước Anh tham gia nên Nữ vương Anh ủng hộ”, hay “Anh Quốc đưa quân vào miền Nam Việt Nam nên Nữ vương phải chịu trách nhiệm” đều là những nguỵ luận rập khuôn và vô căn cứ.
Trên thực tế, quyền lực chính trị tại Anh Quốc thuộc về Quốc hội Anh và Chính phủ Anh với trung tâm là Thủ tướng, bậc Quân chủ (Nữ vương hoặc Quốc vương) là nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa và không có thực quyền, bởi vì Anh Quốc là một quốc gia theo chế độ Quân chủ lập hiến. Quân chủ lập hiến là một hình thức tổ chức nhà nước giữ nguyên vai trò của vua hay nữ hoàng từ thời phong kiến nhưng không nắm thực quyền, mà quyền lực chủ yếu thuộc quốc hội do đảng phái chiếm đa số ghế lãnh đạo; đảng này cũng có quyền tự chấp chính, hoặc liên minh với đảng khác để thành lập Chính phủ. Điều này cũng tương đồng với trường hợp Thiên hoàng của Nhật Bản và Quốc vương của Thái Lan. Ta có thể thấy rõ điều này với trường hợp Thủ tướng Margaret Thatcher đánh đắm tàu Argentina ở quần đảo Falklands mà không cần xin phép hay hỏi ý kiến Nữ vương. Thủ tướng chỉ “vui mừng thông báo với Bệ hạ là cờ Hải quân Anh đang tung bay” nhưng thực tế đó là thông điệp sau cuộc chiến.
Về trường hợp của Tướng Gracey đem quân vào Sài Gòn, trong Hội nghị Potsdam vào tháng 07/1945, Đồng minh (Mỹ - Anh - Liên Xô) đã đồng ý về việc Anh Quốc giành quyền kiểm soát Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 16 (sau đó là một phần của Đông Dương thuộc Pháp) từ tay quân Nhật chiếm đóng. Quý vị có thể xem lý luận của Chủ nghĩa hiện thực trong bài viết “Việt Nam: Nạn nhân của Địa lí” để hiểu thêm về bàn cờ Địa - Chính trị của các cường quốc [2]. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Việt Minh, đã tuyên bố Việt Nam độc lập khỏi ách thống trị của Pháp vào ngày 02/09/1945 và các cuộc biểu tình, bãi công lớn ủng hộ độc lập và chống Pháp đã được tổ chức tại Sài Gòn. Người Pháp, lo lắng để giữ lại thuộc địa của họ, đã thuyết phục Tổng tư lệnh của Gracey, Lord Mountbatten, cho phép Gracey ban bố tình trạng thiết quân luật. Lo sợ quân đội Việt Minh Cộng sản tiếp quản Việt Nam sẽ dẫn đến sự lan toả của Chủ nghĩa Cộng sản trên khắp Đông Nam Á, Gracey quyết định tái tập hợp các công dân Pháp còn ở lại Sài Gòn và cho phép họ giành quyền kiểm soát các tòa nhà công cộng từ tay Việt Minh. Vào tháng 10 năm 1945, khi giao tranh lan rộng khắp thành phố, Gracey đã cấp súng cho quân Nhật đã đầu hàng và sử dụng họ để chiếm thành phố. Quyết định gây tranh cãi này của Gracey đã thúc đẩy sự nghiệp giải phóng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh khỏi ách thống trị của ngoại bang và dẫn đến Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, hay được biết đến rộng rãi ở Việt Nam là Kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, một số tác giả khác như Peter Dunn và Timothy Smith lại có góc nhìn khác. Họ đã đi đến một kết luận, một cách thiện cảm hơn, rằng mệnh lệnh của Gracey về cơ bản là duy trì các dịch vụ thiết yếu và ngăn chặn việc tàn sát dân thường. Tương tự, việc này không thể đổ lỗi cho Nữ vương Elizabeth II.
Quý độc giả có thể có nhiều góc nhìn khác xung quanh việc Gracey đưa quân vào Sài Gòn, tuy nhiên, việc tiếp cận Lịch sử nên khách quan và đánh giá đúng đắn từ nhiều góc nhìn. Tôi không có ý kiến gì thêm về sự kiện này.
Thêm một vấn đề khác, khi hai lập luận này bị bác bỏ, phe “cáo buộc” lại có nhận định khác. Họ cho rằng những người “khóc than” cho sự ra đi của Nữ vương Elizabeth II là “me Tây”, “cuồng Tây”, và thậm chí là “phản động”, “ba que”. Việc “chụp mũ” theo thành kiến cũng chẳng phải việc xa lạ gì hết, tôi cũng đã có hẳn một bài viết riêng về vấn đề trên.
Thành kiến là ý nghĩ cố định về người hay vật, xuất phát từ cách nhìn sai lệch hoặc dựa trên cảm tính và thường xuyên có chiều hướng đánh giá thấp. Thành kiến thường được sử dụng để miêu tả những nếp suy nghĩ, quan điểm thường không thuận lợi, đánh giá chủ quan đối với người hoặc một nhóm người, bởi vì giới tính, quan điểm chính trị, quan hệ xã hội, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ, quốc tịch, hình dáng bên ngoài hay là đặc điểm cá nhân khác, từ đó dẫn đến việc phân biệt đối xử. Trong trường hợp này, thành kiến có thể đề cập đến một đánh giá tích cực hay là tiêu cực của một người dựa trên nhận thức của họ trong tư cách thành viên một nhóm hoặc qua những quan hệ xã hội của họ (bị lôi kéo, tác động ảnh hưởng của xã hội, đám đông, do tuyên truyền, tác động truyền thông hay là do cả nể, tư duy tập thể). Thành kiến có thể hình thành từ những niềm tin có căn cứ hoặc vô căn cứ. Nhà Tâm lý học Gordon Allport định nghĩa thành kiến là “cảm giác, thuận lợi hoặc bất lợi, đối với một người hay một vật, trước khi tiếp cận, hoặc không dựa trên kinh nghiệm thực tế”.
Thành kiến quy chụp vốn không xa lạ và đã có từ rất lâu. Quy chụp có thể hiểu nôm na là hành động đổ lỗi, kết tội người khác theo định kiến có sẵn hay “vơ đũa cả nắm”. Hành động quy chụp thể hiện sự thiếu tôn trọng nhân phẩm của người khác, là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Có nhiều người mang thói quen hễ thấy ánh mắt hay hành động của ai đó đã vội phán xét họ là người như thế nào. Đó là những định kiến hằn sâu trong tâm trí, dù sự việc xảy ra theo cách nào, trong lòng họ đã vốn có thành kiến sẵn nên sẽ không thể nhìn thấy chân tướng sự việc.
Dù đối mặt với chuyện gì, đừng vội chụp cho nó một cái mũ mà hãy quan sát đủ kỹ, ngẫm nghĩ đủ lâu. Suy cho cùng, hiện tượng không hề giải thích cho bản chất.
Chưa hết, việc ủng hộ ai đó, khóc thương ai đó, yêu quý ai đó đều là quyền tự do cá nhân của mỗi con người, và cơ sở Đạo đức học ủng hộ cho điều đó. Có người khóc thương cho chiếc điện thoại mình yêu quý bị rơi vỡ nát, cũng có người khóc thương cho chú gấu bông bị xé nát, có người khóc thương cho vị lãnh đạo khi người đó qua đời. Đó là tình yêu và lý tưởng của cá nhân họ, không ai có thể can thiệp được cả. Những người ủng hộ Nữ vương ca ngợi bà là một con người mẫu mực, gần gũi với người dân thế giới và hết lòng vì Anh Quốc. Họ xem bà như một tấm gương đáng để học hỏi. Hơn thế nữa, bỏ qua vấn đề về chính trị, Nữ vương Anh Quốc là một cụ bà 96 tuổi và vừa mới qua đời, và nền đạo đức của Việt Nam dạy như thế nào? Độ tuổi đó đã ứng với bậc ông bà, hoặc là cụ cố với rất nhiều người. Việc tiếc thương Nữ vương cũng tựa như một cụ bà hàng xóm vừa mới qua đời và ta qua viếng thăm để thể hiện lòng tiếc thương, chẳng có lý do gì để sồn sồn lên hết cả.
Trước tiên, người ta gọi những hành động cá nhân là tốt hay xấu bất chấp động cơ của chúng mà chỉ dựa vào kết quả hữu ích hay gây hại. Tuy nhiên, người ta sẽ sớm quên đi gốc tích sự mệnh danh đó và tin rằng tốt và xấu là phẩm tính cố hữu trong bản thân các hành động, bất chấp những kết quả của chúng.
Tất thảy những điều trên cho thấy thành kiến sâu đậm đến cực đoan và hận thù dễ dắt mũi của một số bộ phận trên mạng xã hội. Mọi việc gì đều cũng có thể quy chụp với cùng một luận điệu, cùng một bài văn tế tương tự nhau. Thế mà, cũng cùng một luận điệu trên, những thành phần đó lại hết lời ca ngợi ông Putin bất chấp việc ông có phát ngôn tuyên bố ủng hộ Trung Quốc về vụ kiện Biển Đông. Không biết có mâu thuẫn quá không (?!)
Chúng ta đều có những định kiến cá nhân đã gắn liền với chúng ta mà rất khó để thay đổi, chúng ta cũng có những sự kiện, hiện tượng mà chúng ta chẳng thể hiểu hết. Thay vì phán xét, tại sao chúng ta không có một cái nhìn công bằng hơn với những đánh giá của mình? Tại sao chúng ta không lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác? Lắng nghe không phải là chuyện khó hay phức tạp, chỉ cần mở rộng tấm lòng với tâm thế sẵn sàng tiếp thu, học hỏi, chúng ta sẽ vượt qua được bức tường định kiến mà có những đánh giá công bằng, khách quan, không thiên kiến cá nhân. Hãy chớ vội phán xét mà đặt mình vào vị trí của người khác và ngược lại, nếu người khác là bản thân.
“Nếu cảm thấy bất mãn với công việc người ta đang làm thì tự mình hãy đứng ra làm thử việc đó. Nếu thấy cách làm ăn buôn bán của người ta rất dở thì tự mình hãy thử làm ăn buôn bán như người ta xem sao. Nếu cám cảnh trước cuộc sống của hàng xóm thì hãy nhìn lại cuộc sống của nhà mình một chút. Muốn phê bình tác phẩm của người ta thì trước hết tự mình hãy cầm bút viết thử xem sao. Muốn phê bình các học giả thì tự mình hãy trở thành học giả. Muốn phê phán các bác sĩ thì tự mình hãy trở thành bác sĩ. Từ những việc trọng đại trong xã hội đến những việc cỏn con trong gia đình mình, dù là công việc gì đi nữa hãy đứng vào vị trí của người khác, suy nghĩ và làm thử trước đã rồi có định góp ý gì thì hãy góp ý. Cần phải suy nghĩ cho kín kẽ, cho thấu đáo về độ khó dễ, về sự nặng nhẹ của công việc người khác rồi hãy bình phẩm. Trên cơ sở lấy nội dung công việc làm thước đo, thì dù có can dự vào nội dung công việc ấy, hay thậm chí cả những công việc khác nhau hoàn toàn về tính chất, mới không xảy ra những lầm lẫn đáng tiếc khi so sánh chỗ đứng của bản thân mình với vị trí của người khác.” - Trích “Khuyến Học”, Fukuzawa Yukichi, NXB Nhã Nam.
2. Tifosi: Một trùm phản tri thức dân tộc cực đoan chính hiệu.
Tôi đã quá quen thuộc với những nguỵ luận, nguỵ biện của trang Facebook Tifosi, một trang mạng kiếm tương tác bằng Chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Gần như mọi thành phần đáng ghê tởm nhất của xã hội đương đại đều có ở trang này: công kích phụ nữ, bài trừ nữ quyền, phân biệt giới tính, chống LGBT cực đoan, thói gia trưởng, nguỵ biện, nhị nguyên, redpill, đẳng cấp loài, thượng đẳng, dắt mũi, Sô vanh,... Nói sơ lược một chút về trải nghiệm cá nhân, tôi đã từng phản biện trang này, nhưng thứ mà tôi nhận lại được chính là Tifosi cáo buộc tôi công kích cá nhân và hàng loạt tín đồ “Tifosism” vào công kích cá nhân tôi. Khi đó, tôi đã nhận ra rằng Tifosi đã trở thành một hệ tư tưởng phản tri thức, và những tín đồ của nó đã vô phương cứu chữa.
Nhận định về bài viết mới nhất của Tifosi, cũng là lý luận cũ mà tôi vốn đã phân tích ở phía bên trên. Trong bài viết này, Tifosi đã mắc phải lỗi nguỵ biện trắng - đen đậm chất tư duy nhị nguyên, nguỵ biện lòng vòng, nguỵ biện cá trích đỏ và nguỵ biện lợi dụng cảm xúc. Xứng danh muôn thuở là “chúa tể nguỵ biện”.
Nguỵ biện trắng - đen tức là người tranh luận bắt đối phương chỉ được lựa chọn một trong hai điều mà người ngụy biện cho là duy nhất, trong khi thực tế vẫn còn nhiều lựa chọn khác. Đây chính là biểu hiện của tư duy nhị nguyên. Làm thế nào có thể suy ra từ việc tiếc thương sự ra đi của Nữ vương Anh cũng là không tiếc thương ba mươi người chết vì hoả hoạn và ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Hơn thế nữa, ba mươi người chết ở quán Karaoke bởi vì khi có hoả hoạn, họ vẫn say xỉn khoá cửa phòng và ca hát khiến cho lực lượng chức năng không thể giải cứu được. Vậy trách nhiệm là ở người nào?
Nguỵ biện lòng vòng là khi người tranh luận thay vì đưa ra thông tin mới, người biện luận chỉ đang lặp lại các luận điểm cũ bằng cách diễn tả khác, rất thiếu tính thuyết phục vì chúng không thể tự bổ sung cho nhau. Ta càng thấy rõ điều này bằng những dẫn chứng không có gì mới khác của trang Tifosi. Nào là Quốc khánh vừa mới qua, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, lũ lụt miền Trung mà không ai tưởng nhớ; nhưng nhà thờ Đức Bà Paris hoả hoạn, Nữ vương Anh qua đời lại tiếc thương. Riêng hai đoạn này của Tifosi, trên căn cứ Luận lý học (Logic học), đã mắc thêm lỗi nguỵ biện trắng - đen và nguỵ biện cá trích đỏ.
Nguỵ biện cá trích đỏ là khi người tranh luận đưa những phát ngôn không liên quan, dính dáng đến chủ đề đang được đề cập nhằm mục đích đánh lạc hướng hay làm dừng cuộc tranh luận. Ta xét hai câu sau:
A: “Nữ vương Anh Quốc vừa mới băng hà, chúng ta nên chia buồn với nhân dân Anh.”
T: “Tại sao lại phải quan tâm một người nào đó ở xa xôi trong khi ba mươi người chết và lũ lụt miền Trung chẳng ai nói gì?”
Ta có thể thấy, T thay vì đưa ra ý kiến về vấn đề “Nữ vương Anh Quốc qua đời”, anh ta lái vấn đề sang hướng khác (lũ lụt miền Trung, ba mươi người chết) và tất nhiên là chẳng liên quan gì đến Nữ vương Anh. T làm như thế nhằm mang ý trách móc để khiến A cảm thấy tội lỗi, từ đó tấn công vào luận điểm của A. Rất tiếc, đây cũng lại là nguỵ biện lợi dụng cảm xúc.
Nguỵ biện lợi dụng cảm xúc là khi người tranh luận đưa những câu từ đánh vào tâm lý, đạo đức để khiến họ chấp nhận luận điểm (đôi khi là thiếu logic) của mình. Ngụy biện lợi dụng cảm xúc đánh vào nhiều trạng thái tâm lý, cảm xúc khác nhau như ghen tị, thù hận, thương hại, sợ hãi, tự hào, yêu mến,… Đôi khi các lập luận rất vô lý, nhưng con người lại rất dễ bị chi phối bởi cảm xúc nên loại ngụy biện này thường khá hiệu quả. Đó cũng là lý do mà ta phải luôn giữ cái đầu lạnh, bình tĩnh đưa ra ý kiến, nhận định của mình khi tranh luận.
Khi tranh luận, Tifosi thường xuyên không bao giờ sử dụng lý lẽ, dẫn chứng logic mà luôn lôi những vấn đề bên ngoài bài viết (nguỵ biện trích dẫn ngoài ngữ cảnh) và lăng mạ, văng tục, công kích cá nhân người khác. Tifosi dính rất nhiều phốt, nhưng điều mà tôi ghê tởm hơn cả là nguỵ tạo thành tích để sống ảo và khoe khoang.
Cách đây khá lâu, quản trị viên của Tifosi là K. tự nhận được giải Ba cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia năm 2011. Tifosi cũng tự nhận không thi vào Nhân văn mà được tuyển thẳng. Vấn đề ở chỗ, một bạn phát hiện điểm bất thường trong giới thiệu của Tifosi, khi không thi vào Nhân văn mà giấy báo trúng điểm lại có điểm và nguyện vọng; và trong danh sách thí sinh đoạt giải cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia ở Hải Phòng (K. tự giới thiệu ở Hải Phòng) không có ai tên K. giới tính nam đoạt giải cả. Tifosi, vẫn theo bài cũ, phủ nhận mình tên là K. và nói rằng bản thân nộp hồ sơ xin tuyển thẳng chứ không phải là được tuyển thẳng.
Tôi thật sự không thể diễn tả nên thành lời với độ phản tri thức của trang Tifosi này nữa. Đây chỉ mới là vụ gần đây nhất và tiêu biểu nhất, tôi không rõ Tifosi đã có bao nhiêu nguỵ luận đầu độc tư tưởng người khác. Nếu tôi cứ im lặng mặc chúng làm gì thì làm, thì quả thật xã hội này sẽ dần dần loạn mất. Là một người có học, tôi không bao giờ có thể chấp nhận chuyện này.
Nếu như những nhà tri thức không lên tiếng, thế gian này sẽ bị huỷ hoại trong tay cũa lũ dốt nát!
Phần II: Yêu nước online và Chủ nghĩa Sô vanh
1. Yêu nước online.
Phong trào yêu nước cũng trở nên vô cùng mạnh mẽ trên bàn phím máy vi tính. Các diễn đàn, các mạng xã hội, các trang cá nhân, đâu đâu cũng thấy sự căm phẫn và hận thù, cờ đỏ sao vàng nhuộm đỏ khắp các trang mạng xã hội Facebook, những tuyên bố hùng hồn, những lời lẽ đanh thép đủ để in vào sách. Tôi gọi phong trào này là yêu nước online.
Dễ thấy nhất của phong trào này là đồng nhất lòng yêu nước với một thực thể hoặc khái niệm nào đó (bóng đá, tập đoàn, việc ủng hộ sử dụng hàng Việt Nam, hoặc thậm chí là việc ủng hộ một quốc gia nào đó). Tiêu biểu nhất là đợt biểu tình chống Trung Quốc trước đây, khi những người biểu tình quá khích vào đập phá các nhà máy của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc vì tưởng những nhà máy đó là của Trung Quốc. Rốt cuộc, Nhà nước phải bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại, mà tiền của Nhà nước là từ thuế của người dân mà có. Tôi quả thật không biết nên nói gì với những người đó khi tự đập phá bát cơm của chính mình. Nói yêu nước cũng chẳng phải. Đúng nhất là họ bị dắt mũi vì dân trí thấp, không biết phản biện và bản chất cực đoan trong người.
Trang Tifosi được nhắc đến ở trên chính là một ví dụ tiêu biểu cho việc yêu nước online. Những kẻ cực đoan đó đang cố gắng đầu độc nhiều người khác cùng hệ tư tưởng hiếu chiến, xem Việt Nam như quốc gia “thượng đẳng” và những quốc gia và dân tộc khác là “hạ đẳng”. Cũng chính những thành phần đó là ngọn cờ đầu cho phong trào công kích, mạt sát các trọng tài trên các trọng tài khi đội tuyển Việt Nam thua cuộc. Họ mù quáng nhận định vì trọng tài mà đội tuyển thua. Những hành động này khiến hình ảnh của Việt Nam hết sức xấu trong mắt cộng đồng quốc tế, và cũng chẳng trách Việt Nam là một trong năm nước kém văn minh nhất trên Internet. Tôi sẽ nói rõ hơn ở phía bên dưới.
Sự quá khích cực đoan của lực lượng yêu nước online ở Việt Nam có thể so sánh với Hồng vệ binh của Trung Quốc trong Cách mạng văn hoá. Trong Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc thập niên 1960, lực lượng này được coi là xung kích trong việc đấu tranh, phá bỏ những tập tục hủ lậu trong xã hội, nhưng dần dần lực lượng này đã trở nên quá khích, họ sử dụng bạo lực tra tấn, phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân bị họ cho là thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nạn nhân của các Hồng vệ binh bao gồm cả các lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Hồng vệ binh đã gây hỗn loạn cho xã hội Trung Quốc, đình đốn sản xuất, hàng trăm ngàn đảng viên bị thanh trừng, nhiều bậc lão thành cách mạng, danh nhân văn hóa bị tra tấn, sỉ nhục hoặc phải chết tức tưởi. Trong chiến dịch Bốn dọn dẹp và tiêu diệt Bốn cái cũ, nhiều danh thắng và giá trị văn hóa truyền thống của Trung Hoa bị lực lượng này phá hủy. Đến khi Cách mạng văn hóa kết thúc vào đầu thập niên 1970, lực lượng này bị giải tán.
Lòng yêu nước nên là một lý tưởng tự nhiên, không ai áp đặt và không bị áp đặt. Yêu nước cũng không phải là chấp nhận mọi quyết định và chính sách bất hợp lý mà ngược lại, yêu nước là phải biết phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng để các quyết định và chính sách đó được điều chỉnh cho đúng đắn, phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển đất nước và khoan thư sức dân.
2. Chủ nghĩa Sô vanh.
Trước hết, tôi nghĩ rằng quý độc giả nên phân biệt Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc (Nationalism) là một quan niệm và một phong trào cho rằng dân tộc nên đồng nhất với nhà nước. Trong Cách mạng Pháp, Chủ nghĩa dân tộc đặt dân tộc, những người dân là hiện thân của đất nước, đưa ra khái niệm quốc gia dân tộc, trái ngược với tầm nhìn của chế độ cũ khi vua Pháp là hiện thân đất nước. Khi đó, Chủ nghĩa dân tộc là cánh tả, nó đi kèm với khái niệm quốc tịch, quyền công dân, quyền tự quyết dân tộc, các giá trị tự do dân chủ. Johann Gottfried von Herder một người được cho là theo Chủ nghĩa dân tộc bảo thủ Đức, hay được xem như là một trong những người định nghĩa sớm nhất về Chủ nghĩa dân tộc, khi ông cho rằng Vua cũng như nông dân, đều là thuộc về một giai cấp, là Volk (mọi người), nhằm bác bỏ lý thuyết giai cấp của những người Cộng sản, và đề cao văn hóa dân tộc bác bỏ lý thuyết khế ước xã hội của Chủ nghĩa tự do.
Nhà Dân tộc học người Mỹ Louis Snyder cho rằng Chủ nghĩa dân tộc là trào lưu chính trị bắt nguồn từ Cách mạng tư sản Pháp vào nửa sau thế kỷ 18. Sau Cách mạng tư sản Anh, Pháp và cuộc chiến tranh giành độc lập ở 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ, các “quốc gia dân tộc” (nation-state) lần lượt ra đời ở khu vực này. Thần quyền của giáo hội và vương quyền phong kiến được thay thế bằng “chủ quyền nhân dân” (theo khuôn khổ của pháp quyền tư sản). Từ đó, sản sinh tư tưởng tôn sùng dân tộc mình và quốc gia dân tộc mình. Vì vậy, nhà Dân tộc học George Gooch đã nói rằng “Chủ nghĩa dân tộc là con đẻ của Đại cách mạng Pháp”. Chủ nghĩa dân tộc tư sản còn đi đến chỗ bành trướng và xâm lược khắp nơi trên thế giới. Giai cấp tư sản nắm quyền thống trị ở Tây Âu lúc ấy cho rằng họ có quyền mở rộng quyền thống trị của mình để khai hóa các dân tộc khác. Đối mặt với cuộc xâm lược của chủ nghĩa dân tộc tư sản Tây Âu, nhân dân các nước Châu Á, Châu Phi và Mỹ La-tinh đã anh dũng đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc. Phong trào giải phóng dân tộc vì vậy đã phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XX, điển hình là hai cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. [3]
Về nguồn gốc khái niệm “dân tộc”, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong tiếng Hán cổ không có từ “dân tộc”. Từ này thực tế được du nhập từ Nhật Bản. Năm 1899, Lương Khải Siêu là người Trung Quốc đầu tiên đã sử dụng từ “dân tộc” trong bài viết của mình. Năm 1905, Tôn Trung Sơn bắt đầu nói về “dân tộc”. Từ đó, người Trung Quốc mới dần dần làm quen với khái niệm này. Theo các tác giả cuốn Tân thư, từ “dân tộc” có thể được các nhà Đông du Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Chủ nghĩa yêu nước là cảm xúc, tình cảm, tinh thần yêu thương, tích cực về quê hương, đất nước hay cội nguồn của một cá nhân hay tập thể, trong đó quê hương có thể là một vùng, một thành phố nhưng thông thường thì khái niệm này gắn với khái niệm quốc gia. Nó gồm những quan điểm như: tự hào về thành tựu hay văn hóa của quê hương, mong muốn được cống hiến hết mình cho quê hương đất nước.
Hiện nay Chủ nghĩa yêu nước rất gần với Chủ nghĩa dân tộc, vì thế chúng hay được dùng như những từ đồng nghĩa. Tuy nhiên, nếu xét cặn kẽ thì Chủ nghĩa dân tộc liên quan tới các học thuyết và phong trào chính trị hơn, trong khi Chủ nghĩa yêu nước liên quan tới tình cảm nhiều hơn. Chủ nghĩa yêu nước giúp con người cảm thấy yêu mến, tự hào, có các trách nhiệm hơn với quốc gia dân tộc. Một lòng yêu nước thái quá trong việc bảo vệ một dân tộc được gọi là Chủ nghĩa Sô vanh, tôi sẽ nói rõ hơn về Chủ nghĩa Sô vanh ở phía bên dưới.
Trong quyển sách lý luận “Nations and Nationalism since 1780: Programme, Myth, Reality” (Tạm dịch: Quốc gia và Chủ nghĩa dân tộc từ 1780: Kế hoạch, Huyền tưởng, và Thực tế), Giáo sư Eric Hobsbawm đã có nhận định:
Nguyên văn: “As I have suggested, 'nation' and 'nationalism' are no longer adequate terms to describe, let alone to analyse, the political entities described as such, or even the sentiments once described by these words. It is not impossible that nationalism will decline with the decline of the nation-state, without which being English or Irish or Jewish, or a combination of all these, is only one way in which people describe their identity among the many others which they use for this purpose, as occasion demands. It would be absurd to claim that this day is already near. However, I hope it can at least be envisaged. After all, the very fact that historians are at least beginning to make some progress in the study and analysis of nations and nationalism suggests that, as so often, the phenomenon is past its peak. The owl of Minerva which brings wisdom, said Hegel, flies out at dusk. It is a good sign that it is now circling round nations and nationalism.” Tạm dịch: “Như tôi đã đề xuất, 'quốc gia' và 'chủ nghĩa dân tộc' không còn là những thuật ngữ đầy đủ để mô tả, chứ đừng nói đến việc phân tích, các thực thể chính trị được mô tả như vậy, hoặc thậm chí là những tình cảm từng được mô tả bằng những từ này. Không phải là không thể mà chủ nghĩa dân tộc sẽ suy giảm với sự suy tàn của quốc gia dân tộc, mà không có tiếng Anh hoặc Ireland hoặc Do Thái, hoặc sự kết hợp của tất cả những điều này, chỉ là một cách mà mọi người mô tả danh tính của họ trong số nhiều người khác mà họ sử dụng cho mục đích này, như yêu cầu của dịp này. Sẽ là vô lý nếu tuyên bố rằng ngày này đã gần kề. Tuy nhiên, tôi hy vọng nó ít nhất có thể được dự kiến. Rốt cuộc, thực tế là các nhà Sử học ít nhất đang bắt đầu đạt được một số tiến bộ trong nghiên cứu và phân tích các quốc gia và Chủ nghĩa dân tộc cho thấy rằng, như thường lệ, hiện tượng đã qua thời kỳ đỉnh cao của nó. Con cú của Minerva mang lại sự khôn ngoan, Hegel nói, bay ra vào lúc hoàng hôn. Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy nó hiện đang đi vòng quanh các quốc gia và Chủ nghĩa dân tộc.” [4]
Như vậy, ta có thể thấy lý tưởng của Chủ nghĩa yêu nước vốn không có gì sai, nhưng một lòng yêu nước, Chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì có. Chủ nghĩa dân tộc đề cập đến một hệ tư tưởng, một tình cảm, một hình thức văn hóa, hoặc một phong trào tập trung vào quốc gia hay dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một trong những động lực chính trị và xã hội quan trọng nhất trong lịch sử. Ở một góc độ khác, Chủ nghĩa dân tộc là xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác. Nó đã giữ vai trò ảnh hưởng chính hay nguyên nhân của chiến tranh, cụ thể nhất là Đệ nhất Thế chiến (1914 - 1918) và Đệ nhị Thế chiến (1939 - 1945). Tất cả đều liên quan đến những tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Trong khi đó, những người theo Chủ nghĩa xã hội khoa học cho rằng chủ nghĩa dân tộc là hệ tư tưởng tư sản được thể hiện trong quan hệ dân tộc, là xu hướng chính trị tư sản trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc. Sau khi giai cấp tư sản thực thi chủ nghĩa thực dân và xâm lược các dân tộc khác, Chủ nghĩa dân tộc biểu hiện dưới hai hình thức: Chủ nghĩa dân tộc nước lớn hoặc còn gọi là Chủ nghĩa Sô vanh nước lớn, và chủ nghĩa dân tộc địa phương. Chủ nghĩa dân tộc của các dân tộc bị áp bức, đấu tranh chống thực dân, giành và bảo vệ độc lập dân tộc mang ý nghĩa tích cực và tiến bộ. Nhưng đáng chú ý, người ta không gọi đó là Chủ nghĩa dân tộc, mà gọi là tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc. Đó cũng chính là Chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước là đặc trưng cơ bản của cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống thực dân đế quốc, giành độc lập dân tộc.
Chủ nghĩa Sô vanh (Chauvinism) là chủ nghĩa dân tộc cực đoan dựa trên hệ tư tưởng tuyệt đối hóa các giá trị của cộng đồng, dân tộc mình, xem bản sắc của dân tộc mình là ưu việt đến mức tự phụ và bài ngoại, thậm chí xem thường và xâm hại đến các dân tộc khác. Về mặt từ ngữ, “chauvinism” xuất phát từ tên của một viên chỉ huy Pháp Nicolas Chauvin trong cuộc chiến tranh Napoleon những năm đầu thế kỷ XIX. Chauvin là một chiến binh trung thành đến mức sùng kính vị Hoàng đế Pháp, sẵn sàng cống hiến cho quân đội và lý tưởng bành trướng của Napoleon đến những giờ phút cuối cùng khi các trận chiến chìm vào thất bại. Chủ nghĩa Sô vanh từ đó mang ngụ ý ám chỉ những niềm tin mù quáng vào tính chính nghĩa của một cộng đồng nhất định, cho rằng cộng đồng, dân tộc mình phải có vị trí “thượng đẳng” và vượt trội hơn so với tất thảy các dân tộc còn lại.
Ở một góc độ khác, có thể nhìn nhận tư tưởng Sô vanh như một biểu hiện của Chủ nghĩa vị chủng văn hóa (Ethnic-Centralism) theo hướng đề cao các giá trị dân tộc mình. Một nhóm người hay một dân tộc thể hiện chủ nghĩa vị chủng văn hóa khi họ lấy tiêu chuẩn văn hóa của mình làm thước đo để đánh giá các biểu hiện văn hóa khác, thường là theo hướng tiêu cực, khinh rẻ và không dung nạp các giá trị ngoại lai.
Một đặc trưng của tư tưởng dân tộc cực đoan là tính hiếu chiến. Nó thúc đẩy các dân tộc tự xem mình là thượng đẳng, từ đó thực hiện các hành vi phô trương sức mạnh để bảo vệ vị thế của mình. Tiếp cận từ lý thuyết của Chủ nghĩa Sô vanh, trong Đệ nhất Thế chiến, vì các nhà lãnh đạo Nga đã đặt đất nước mình ở một vị thế chính nghĩa và tốt đẹp về mặt đạo đức, họ cần thiết phải can thiệp ngay vào hành vi điên cuồng của đối thủ để bảo vệ lấy uy tín và hình ảnh của mình: “Sức mạnh từ sự tự tôn của dân tộc Nga, đó chính là nỗi sợ hãi bị sỉ nhục nếu họ cho phép người Đức và Áo tiêu diệt Serbia - quốc gia nhỏ bé được Nga bảo trợ, và mức độ dữ dội trong cơn thịnh nộ của người Nga”. Về phía Đức, Hoàng đế (Kaiser) Wilhelm II vào năm 1914 đã từng tuyên bố rằng: “Chúa đã tạo ra chúng ta để văn minh hóa thế giới. Thống khổ và chết chóc cho tất cả những ai kháng cự lại ý chí của tôi”.
Dân tộc Đức vốn đã tự gán cho mình một sứ mệnh lịch sử phải đi truyền bá “chất Đức”, giá trị tiến bộ nhất trong các sự tiến bộ, là đích đến định mệnh cho nền văn minh nhân loại. Nhà văn Đức Dehmel từng tham gia chiến trường năm 1914 đã viết rằng: “Người Đức chúng ta nhân đạo hơn tất thảy các quốc gia khác, chúng ta có dòng máu tốt hơn và giống nòi tốt hơn, nhiều linh hồn, nhiều trái tim và nhiều trí tưởng tượng hơn”. Một dân tộc siêu việt với sứ mệnh soi sáng thế giới như thế quả thật không thể không ra mặt bảo vệ cho Đế quốc Áo - Hung, người đồng minh duy nhất của mình. Các hành động quân sự trên “lập trường chính nghĩa” đó của Đức, Nga và một số dân tộc khác đã làm nổ ra một cuộc xung đột liên quan đến 32 quốc gia trên sáu châu lục, hơn 18 triệu người chết, 60 triệu người bị thương và thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị thế giới.
Ngoài mặt trận quân sự, tư tưởng Chủ nghĩa Sô vanh còn biểu hiện ở các học thuyết, chính sách đối ngoại của các nước lớn. Tuy có vẻ “bình lặng” hơn nhưng nó vẫn có khả năng tạo ra các tác động tiêu cực. Thuyết “Vận mệnh hiển nhiên - Manifest Destiny” (1840) của Mỹ cho rằng việc dân tộc này “mở rộng lãnh thổ” và chinh phục các vùng đất khác ở châu Mỹ là điều “hiển nhiên”, “tất yếu” và “định mệnh”. Chủ nghĩa “Biệt lệ Mỹ” tin rằng dân tộc mình giữ vị thế xuất chúng hơn so với phần còn lại của thế giới, người Mỹ được Thượng đế ban giao cho sứ mệnh định hình thế giới bằng các giá trị Mỹ và khuôn mẫu dân chủ tiến bộ của mình. Trên trường quốc tế hiện nay, chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc phần nào phản ánh các biểu hiện Sô vanh khi các nhà lãnh đạo nước này ngày càng trở nhạy cảm trước những động thái chỉ trích, sẵn sàng áp dụng các biện pháp cưỡng ép kinh tế khi các nước khác dám thách thức họ.
Trong thời bình hiện nay, khi nỗi hận thù dần vơi đi khi người dân dần bị chi phối bởi guồng quay của vật chất, những nhà Sô vanh cực đoan khó có thể “kiếm sống” được. Vì vậy, họ buộc phải tạo, hoặc thậm chí là nguỵ tạo ra một kẻ thù chung để hướng mọi sự hận thù lên thực thể đó. Lịch sử quả là cái cớ hoàn hảo để những nhà Sô vanh tuyên truyền về một “Đế quốc Phương Tây xảo quyệt”, hoặc một “Đế quốc Trung Hoa bá quyền”. Nếu quý vị đã đọc những lý luận về Chủ nghĩa hiện thực của tôi thì sẽ nhận thấy rằng những luận điệu này thật vô nghĩa. Những nhà Sô vanh sẵn sàng tung tin giả để dắt mũi dư luận sao cho có lợi cho họ, nhằm đào tạo ra một thế hệ Sô vanh mới. Đây quả là điều hết sức nguy hiểm, khó có thể tưởng tượng được xã hội theo tư duy đám đông như thế sẽ như thế nào.
Theo lý thuyết của Benedict Anderson, dân tộc chỉ là những “cộng đồng tưởng tượng”, nơi mà sự gắn kết về giới hạn lẫn chủ quyền chỉ là vấn đề về sự nhìn nhận của các cá nhân cho rằng mình thuộc về cộng đồng đó: Không phân biệt thực tế bất bình đẳng hay sự bóc lột có thể chiếm ưu thế trong mỗi quốc gia, dân tộc luôn được quan niệm như tình đồng chí bình đẳng và sâu sắc. Từ đó mà những sai lầm về tư tưởng, việc đánh giá sai tiềm năng của quốc gia, dân tộc, cộng đồng mình dẫn đến các biểu hiện Sô vanh là một điều nguy hiểm cho sự phát triển của chính cộng đồng mình cũng như các dân tộc khác. Lịch sử đã chứng minh rằng dòng thác tâm lý Sô vanh là đối tượng tiềm năng cho các cá nhân có dã tâm lợi dụng, tệ hại nhất là khi tự đẩy quốc gia mình đi đến sụp đổ. Phong trào Sô vanh, giá trị Sô vanh không phải là một “phương thuốc” cho niềm tự hào dân tộc, nó là kẻ đã gây ra chiến tranh trong lịch sử và đang ngăn cản quá trình toàn cầu hóa, sự hội nhập tiến bộ của con người.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 09/09/2022, hoàn thành vào 10/09/2022.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[2] “Việt Nam: Nạn nhân của Địa lí”, trantuanst22, Spiderum.
[3] http://nghiencuuquocte.org/2015/02/04/chu-nghia-dan-toc/
[4] Eric J. Hobsbawm “Nations and Nationalism since 1780: Programme, Myth, Reality,” Cambridge University Press, p. 192.
Ngày 10 tháng 09 năm 2022,
Trần Tuấn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất