Để bắt đầu bài viết này, chúng ta hãy tua lại thời gian về quãng đầu năm nay – tháng Hai năm 2022 – đó là lúc nhà văn Phạm Thị Hoài lên bài viết giễu cợt bánh chưng (và sâu xa hơn là nhắm vào chủ nghĩa dân tộc cùng những truyền thống tân tạo của nó), sự kiện này đã khiến một số người Việt lên cơn yêu nước một mẻ hết sức đáng tởn.
Sự việc đầu năm dường như chỉ là màn khởi động cho những cơn yêu nước hùng hục sau đó, tháng Mười năm 2022, các trang rác trên Facebook đồng loạt đưa fake news về “một chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ chê người Việt ăn phở sai cách vì vắt chanh vào phở nóng” khiến cho nhóm người Việt dân tộc cực đoan đồng lòng thoá mạ cả nền văn hoá ăn bằng tay và tôn giáo thờ thần bò của Ấn Độ.
Gần đây nhất, tháng Mười một năm 2022, Tifosi – “một trang mạng kiếm tương tác bằng Chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Gần như mọi thành phần đáng ghê tởm nhất của xã hội đương đại đều có ở trang này” (Trantuanst22, 2022) [1] – đưa fake news rằng tổ chức Taste Atlas chê bai món trứng vịt lộn của Việt Nam, và miệt thị rằng món ấy dành cho người nghèo, khiến nhóm người Việt dân tộc cực đoan lên cơn bài phương tây với mức độ càng lúc càng tăng.
Điểm chung của 3 vụ việc này là chúng đều liên quan đến chuyện đồ ăn bị chê, và dân tộc có đồ ăn đó phản ứng như thể căn tính của chính họ bị chê, với một mức độ hung hăng chưa từng có. Nghiêm trọng hơn, ở 2 vụ việc cuối, trong thực tế chúng chỉ là fake news – chuyên gia Ấn Độ ấy không nói về phở [2], và Taste Atlas không nói về trứng vịt lộn [3] – nhưng sự hung hăng của nhóm người Việt dân tộc cực đoan vẫn giữ nguyên. Nó khiến chúng ta đặt câu hỏi hạng người nào nguỵ tạo ra chuyện đó, và nguỵ tạo với mục đích gì?
Trên đây cũng chính là vấn đề mà toàn bộ bài viết này cần làm rõ: Mối quan hệ giữa thực phẩm và chủ nghĩa dân tộc; cách thức mà các thành phần cực đoan bịt mắt nhau trước thực tế và kể cho nhau những huyền thoại nhằm củng cố tinh thần cực đoan; và mức độ ghê tởm của nhóm người này khi họ bôi nhơ một lĩnh vực hiền hoà như ẩm thực.

I. CHỦ NGHĨA DÂN TỘC ẨM THỰC LÀ GÌ?

Chủ nghĩa dân tộc ẩm thực (gastronationalism) là tư tưởng sử dụng thực phẩm cùng mọi thứ liên quan đến nó nhằm thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và bản sắc dân tộc.
Đây là ngành nghiên cứu còn rất mới mẻ trong việc nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc nói chung. Thuật ngữ “gastronationalism” được dùng lần đầu tiên bởi William Swart trong một tài liệu không được xuất bản, và nó chỉ mới bắt đầu được lan rộng nhờ Michaela DeSoucey vào năm 2010 trong nghiên cứu Gastronationalism: Food Traditions and Authenticity Politics in the European Union. [4] Đôi khi gastronationalism (chủ nghĩa dân tộc ẩm thực) còn được gọi bằng cái tên khác là culinary nationalism (chủ nghĩa dân tộc bếp núc) như cách gọi của Priscilla Ferguson.
Tuy mới mẻ nhưng mối quan hệ giữa thực phẩm và chủ nghĩa dân tộc là cực kì bền chặt và được hình thành một cách tự nhiên với người dân – để đối lập với thứ chủ nghĩa dân tộc được hình thành nhờ sự tạo tác và cưỡng bách của tầng lớp cai trị. Các nhà nghiên cứu gọi thứ chủ nghĩa dân tộc như thế này bằng tên gọi chủ nghĩa dân tộc đời thường (banal nationalism), và một thuật ngữ khác có nhiều tương đồng nhưng tập trung nghiên cứu vào đối tượng người dân thường là chủ nghĩa dân tộc thường nhật (everyday nationalism).
Theo Anthony D. Smith, có 5 yếu tố cơ bản để hình thành bản sắc quốc gia: [5]
1. Một mảnh đất lịch sử, hoặc quê hương 2. Các kí ức lịch sử và huyền thoại chung 3. Một nền văn hoá đại chúng chung 4. Các quyền và nghĩa vụ pháp lí chung cho mọi thành viên 5. Một nền kinh tế chung với tính lưu động lãnh thổ cho các thành viên
Chiểu theo các yếu tố trên, thực phẩm theo một cách tự nhiên có quan hệ mật thiết với bản sắc quốc gia: đa số thực phẩm được tạo ra trên mảnh đất quê hương của một người; thực phẩm có liên hệ đến niềm tin trong rất nhiều nền văn hoá (Việt Nam ăn thịt chó để giải đen, Trung Quốc ăn mì trường thọ để sống lâu, Hi Lạp đập quả lựu để cầu may); có nhiều loại thực phẩm đặc trưng gắn liền với nhiều loại lễ hội tương ứng; thực phẩm xưa kia từng được dùng như chỉ dấu để phân cấp xã hội trong một cộng đồng (Việt Nam có văn hoá “nhất thủ nhì vĩ” ý chỉ khi chia thịt ở đình, phần đầu và đuôi phải nhường cho những người ngôi thứ cao nhất nhì trong làng, ngay cả khi các phần đấy không hẳn là ngon hay bổ nhất); và thực phẩm là yếu tố quan trọng trong kinh tế một quốc gia, nó có thể dùng để xuất khẩu hoặc kích thích du lịch.
Đặc biệt hơn nữa, ăn uống là việc bắt buộc của con người và từ đó mỗi người hoặc mỗi dân tộc hình thành một văn hoá ăn uống riêng biệt, nếu ăn uống trở thành công cụ cho chủ nghĩa dân tộc thì đây chính là thứ chủ nghĩa dân tộc thường nhật (everyday nationalism). Nó hình thành một cách tự phát từ người dân, và nó đến từ những thứ thường ngày khiến cho mọi người có rất ít chú ý và đề phòng với nó.
Vậy nên chủ nghĩa dân tộc ẩm thực tuy mới được chỉ mặt đặt tên gần đây, nhưng tầm quan trọng của nó là không thể phủ nhận.
Trong xã hội phương tây, khủng hoảng danh tính (identity crisis) là thứ làm đau đầu người dân ở đó, nhưng khủng hoảng danh tính có rất ít đất sống ở Việt Nam. Vì ở đây rất nhiều con người đồng nhất bản sắc cá nhân vào bản sắc dân tộc luôn – cho tiện, đỡ phải nghĩ. Thậm chí nếu không hiểu được bản sắc dân tộc là gì thì họ đồng nhất bản sắc cá nhân với bánh chưng, bánh rán, bánh mì, bún chả, phở. Ở đây con người chỉ cần có khả năng tư duy đủ để biết bánh chưng là gì là có thể đánh bại khủng hoảng danh tính.
Nhưng mọi thứ đều có cái giá của nó. Nếu đã đồng nhất bản sắc cá nhân vào thực phẩm dân tộc thì tức là người ta đang đặt mình vào vị trí dễ bị tổn thương. Vì nếu bản sắc cá nhân của mỗi người là thứ độc nhất và sâu kín thì rất ít ai tìm được điểm yếu để tấn công, thậm chí bản sắc đủ rõ rệt sẽ khiến chủ thể tăng lòng tự tin và rất khó cảm thấy bị xúc phạm; nhưng khi bản sắc cá nhân là cái bánh chưng thì việc tấn công nó cũng dễ như việc người ta ném một cái bánh chưng xuống đất vậy.
Điều này giải thích cho việc tại sao có quá nhiều người Việt quá dễ bị kích động và trở nên hung hăng vì những vấn đề nhỏ bé đến thế, như chỉ là ai đó chê bai bánh chưng, ai đó nói không tốt về phở, và ai đó nói nhìn món trứng vịt lộn kinh dị. Thảy chỉ khiến họ trở thành trò cười cho thế giới.
Thế nhưng điều này vẫn chưa đáng sợ bằng mối nguy mới xảy ra gần đây, đó là một số thành phần dân tộc cực đoan lợi dụng điểm yếu tâm lí này để nguỵ tạo sự việc nhằm kích động hận thù dành cho bạn bè quốc tế ở người Việt. Phần II sẽ làm rõ vấn nạn này.

II. NHỮNG KẺ THÙ TÂN TẠO

Để duy trí gắn kết cho một “cộng đồng tưởng tượng” (Benedict Anderson) người ta cần tạo tác ra các huyền thoại chung, mà một trong nhiều cách thức ấy là sử dụng “truyền thống tân tạo” (invented tradition – Eric Hobsbawm); đó là khi người ta sử dụng một bộ thực hành mang tính biểu tượng nhằm khắc ghi vào đầu óc người dân một giá trị nào đó, và nguỵ tạo ra tính liên tục giữa nó với lịch sử xa xưa. Truyền thống tân tạo có thể được nguỵ tạo hoàn toàn, nhưng cũng có thể bán nguỵ tạo bằng cách bóp méo các giá trị trong lịch sử sao cho khớp với mục đích hiện đại. Lòng yêu nước chính là điển hình của truyền thống tân tạo theo cách thức bán nguỵ tạo. (Xem chi tiết ở bài Lòng yêu nước: Truyền thống ngàn đời hay truyền thống tân tạo? của tôi [6].)
Dựa trên ý tưởng về truyền thống tân tạo của Hobsbawm, tôi đề xuất gọi hiện tượng của các thành phần dân tộc cực đoan sắp kể sau đây là tạo ra các kẻ thù tân tạo.
Vụ thứ nhất, tháng Mười năm 2022, rất nhiều trang tin rác và fanpage rác lên bài rằng có một chuyên gia dinh dưỡng nói rằng cách ăn phở của người Việt là phản khoa học, vì người Việt vắt chanh vào phở đang nóng. Điều này dẫn đến việc người Việt thoá mạ đất nước Ấn Độ như tôi đã cho thấy ở đầu bài.
Nhưng tồi tệ hơn, căn nguyên của vụ việc này là một thứ bán nguỵ tạo, nó dựa trên một phần thực tế rằng nữ chuyên gia người Ấn Juhi Kapoor nói rằng vắt chanh vào đồ ăn nóng khiến vitamin C bị phá huỷ, nhưng nó nguỵ tạo ở chỗ vu khống rằng Kapoor chê người Việt ăn sai cách.
Thực tế rằng Kapoor tuyệt nhiên không nhắc đến phở (tại sao phải nhắc đến phở?) mà cô ấy nhắc đến curry, dal, upma hoặc poha – toàn những món của Ấn Độ mà thôi.
Xem bài đầy đủ ở chú thích số [2]
Xem bài đầy đủ ở chú thích số [2]
Vụ thứ hai, tháng Mười một năm 2022, fanpage Tifosi lên bài rằng tổ chức Taste Atlas xếp “trứng vịt lộn” thấp nhất trong các món trứng “tệ, khó ăn và kinh dị nhất thế giới”, và vu khống rằng Taste Atlas phát ngôn trứng vịt lộn là “phổ biến ở Việt Nam, Philippines, Lào, Đông Bắc Thái Lan”“trứng vịt lộn là “món ăn quen thuộc của giới nhà nghèo” vì nó rẻ, không tốn nhiều chi phí, ăn kèm với những thứ gia vị đơn giản bình dân” (phần in nghiêng là trích nguyên văn).
Điều này khiến cho các con nhang đệ tử của Tifosi rủa xả phương tây như chúng ta đã biết, nhưng vấn đề là chỉ trong một đoạn văn ngắn thôi mà Tifosi đưa vào nhiều dối trá đến mức không thể tin nổi.
Sự thật: Taste Atlas có mở bảng xếp hạng các món trứng tệ nhất thế giới. Đây là sự thật duy nhất trong tất cả những gì Tifosi nói.
Nguỵ tạo: Taste Atlas không đưa trứng vịt lộn và Việt Nam vào danh sách. Danh sách ở đây rõ ràng có hơi hướng chủ nghĩa dân tộc ẩm thực khi mỗi món được gắn liền với cờ, bản đồ và tên quốc gia. Món tệ nhất là balut đi kèm với cờ, bản đồ, tên nước Philippines.
Xem bài đầy đủ ở chú thích số [3]
Xem bài đầy đủ ở chú thích số [3]
Lí do Tifosi cho rằng Taste Atlas quơ cả Việt Nam vào có lẽ xuất phát từ các tên gọi khác của balut được Taste Atlas mở ngoặc là “trứng vịt lộn, hột vịt lộn” trong trang More about balut. Nhưng đây chỉ là mở ngoặc các cách gọi khác để giúp khách du lịch dễ liên tưởng mà thôi, bởi trong trang More about vẫn chỉ nói về mỗi balut và Philippines. Câu trích dẫn của Tifosi “Theo Teste Altas thì món ăn này phổ biến ở Việt Nam, Philippines, Lào, Đông Bắc Thái Lan” hoàn toàn là nguỵ tạo.
Xem bài đầy đủ ở chú thích số [7]
Xem bài đầy đủ ở chú thích số [7]
Câu trích “trứng vịt lộn là “món ăn quen thuộc của giới nhà nghèo” vì nó rẻ, không tốn nhiều chi phí, ăn kèm với những thứ gia vị đơn giản bình dân” là chiêu trò cắt văn cảnh để xuyên tạc.
Tifosi dựa vào câu “it is still considered a poor man's meal” (nó vẫn được coi là món ăn của người nghèo), nhưng ảnh trên cho thấy câu gốc với đầy đủ văn cảnh phải là “Although balut is closely associated with Filipino cuisine and has achieved popularity throughout the world, it is still considered a poor man's meal in the Philippines.” (Tuy balut gắn liền với ẩm thực Philippines và đã trở nên phổ biến toàn thế giới, nhưng nó vẫn được coi là món ăn của người nghèo ở Philippines.)
Khi đặt đúng văn cảnh ta sẽ thấy Taste Atlas không chê bai gì chuyện giàu nghèo cả mà chỉ đang nêu lên một thực tế, và văn cảnh với cấu trúc câu tương phản (tuy-nhưng) thậm chí còn đang nhấn mạnh sự nổi tiếng của món balut.
Câu trích tiếp theo trong cùng bài đăng, Tifosi tuyên bố “Trên bài đăng của Taste Atlas, nhiều người bình luận rằng món balut (trứng vịt lộn) xuất hiện ở các nước châu Á cho thấy gu ẩm thực thấp kém, dã man của người châu Á. Họ chê món trứng vịt lộn bằng nhiều ngôn từ hơi hướng xúc phạm” nhưng Tifosi không hề chụp ảnh hoặc dẫn link nào xác thực sự kiện này.
Tôi thử tìm bài đăng của Taste Atlas trên Facebook thì chỉ thấy bài đăng này (ảnh dưới) có nhắc đến balut và Philippines, nhưng các bình luận bên dưới đều rất văn minh, không thấy có ai xúc phạm như Tifosi nói cả.
Xem bài đầy đủ ở chú thích số [8]
Xem bài đầy đủ ở chú thích số [8]
Hành động tạo ra kẻ thù của Tifosi tinh vi ở chỗ kẻ thù tân tạo này vốn là nhóm người xưa kia từng có vấn đề với Việt Nam – người phương tây. Bằng câu nói “Họ chê món trứng vịt lộn bằng nhiều ngôn từ hơi hướng xúc phạm nhưng chính họ lại ăn phô mai giòi, chim nhồi vào bụng hải cẩu đợi phân hủy lên men hay cá trích thối rữa ngâm với dầu…” Tifosi đang dẫn dắt người đọc hiểu rằng những người xúc phạm là người phương tây.
Kẻ thù tân tạo này được xây dựng một cách bán nguỵ tạo khi một mặt liên kết đến mối thù xưa cũ của người Việt, kết hợp với sự dối trá trong hiện tại, nó tạo thành một lòng thù hận liên tục kéo dài từ lịch sử xa xưa đến ngày nay.
Và có lẽ vì lí do này mà bài đăng của Tifosi tuyệt không có một chú thích dẫn nguồn nào cả, dẫu rằng cả bài trích lời của rất nhiều người.
Cuối cùng, nhắc đến kẻ thù tân tạo, dẫn chứng hùng hồn nhất phải kể đến vụ việc Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Sự nguỵ tạo rằng Elizabeth II hai lần ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam được kết hợp với sự thật rằng Anh quốc xưa kia là một đế quốc thực dân, khiến cho lòng thù hận được hợp lí hoá và bốc lên ngùn ngụt như thể lòng thù hận dành cho kẻ thù có thực.
Rốt cuộc sự thật lòi ra rằng bà Nữ hoàng ấy không phải kẻ thù có thực, mà chỉ là kẻ thù tân tạo, nhưng chủ đề này không thuộc phạm vi ẩm thực và để tránh loãng bài, tôi xin nhường công việc giải ảo cho Trantuanst22 qua bài Tifosi, yêu nước online, và Chủ nghĩa Sô vanh.
Xem bài đầy đủ ở chú thích số [1]
Xem bài đầy đủ ở chú thích số [1]
Giống với mục đích của việc tạo ra “truyền thống tân tạo” (Eric Hobsbawm) tôi cho rằng việc tạo ra kẻ thù tân tạo là chiêu bài có mục đích và được lên kế hoạch cụ thể của các thành phần cực đoan. Chiêu bài này đã và vẫn đang được sử dụng hằng ngày, tôi e rằng trong tương lai sẽ còn dày đặc hơn và tinh vi hơn nữa.
Mục đích của nó là liên kết cảm xúc thù hận cùng nhắm vào phương tây của người Việt xa xưa với người Việt hiện tại, cạnh đó nó củng cố thêm tư duy chúng ta – chúng nó để củng cố tinh thần dân tộc cực đoan và thượng đẳng.
Một điểm cố hữu trong chủ nghĩa dân tộc là không nhà dân tộc chủ nghĩa nào muốn cả thế giới quy tụ về một dân tộc duy nhất cả, vậy nên sự phân hoá chúng ta – chúng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, và lòng thù hận sẽ vĩnh viễn là cách thức để củng cố tinh thần dân tộc cực đoan.

III. CÙNG HƯ CẤU VÀ CÙNG LÃNG QUÊN

Đúng như nhận định có phần mỉa mai của Ernest Renan về bản chất của quốc gia/ dân tộc (nation), rằng “Bản chất của một quốc gia là tất thảy cá nhân đều có nhiều thứ của chung, và đồng thời tất thảy cũng lãng quên nhiều thứ khác” (L'essence d'une nation est que tous les individus aient beaucoup de choses en commun, et aussi que tous aient oublié bien des choses).
Tifosi và nhóm người dân tộc cực đoan tỏ ra rất bức xúc khi người nước ngoài nói rằng trứng vịt lộn là món ăn của nhà nghèo (thật ra không có ai nói cả vì sự kiện đó do chính Tifosi nguỵ tạo, nhưng ở đây chúng ta đang bàn về cái ý tưởng ấy), điều đó cho thấy họ đã cùng nhau lãng quên rất nhiều thứ trong lịch sử và văn hoá Việt Nam.
Sử liệu Journal of an Embassy, quyển 1, của Crawfurd John cho biết rằng khi phái đoàn của ông được triều đình thết đãi món trứng lộn (hatched eggs), một người hầu xứ Nam kỳ đã nhận xét hết sức ngây thơ (naïveté) rằng trứng lộn là cao lương mĩ vị mà dân nghèo không thể với đến. Nhưng sau đó ông phát hiện trứng lộn được bán rộng rãi ngoài chợ với mức giá chỉ đắt hơn trứng thường 30% mà thôi. [9] Điều này cho thấy trứng lộn là món ăn bình dân ít nhất đã được 200 năm ở Việt Nam rồi.
Bởi vì tinh thần dân tộc có thừa (đến mức cực đoan) nhưng trí tuệ và kiến thức quá thiếu nên nhóm người này quên một điều cơ bản rằng phàm các món ăn muốn trở thành biểu tượng dân tộc, chúng luôn phải có xuất xứ từ món ăn của người nghèo, để ai cũng có thể ăn được và sau đó mới hình thành tính dân tộc và đại diện cho dân tộc.
Món phở đặc sản của Việt Nam mà ngày nay rất được o bế có thể là một ví dụ điển hình.
Yếu tố bình dân ở chỗ món phở thuở ban đầu là món ăn rẻ tiền, nếu như Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng có thể được coi là tài liệu khả tín thì phở “Rẻ lắm. Theo giá trị của đồng bạc bây giờ năm đồng một bát phở, mà ba đồng cũng được một bát phở ngon như thường. Vì thế, từ cô bán hàng trong một cửa hiệu buôn cho đến một ông công chức, từ một bà mệnh phụ nhà có cửa võng sơn son thiếp vàng, đến một người thợ vắt mũi không đủ nuôi miệng, ai cũng ăn bát phở.” (Miếng ngon Hà Nội; Chương 2: Phở bò – món quà căn bản.) Hay theo Tú Mỡ thì “Trong các món ăn “quân tử vị” / Phở là quà đáng quý trên đời. / Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi / Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ.” (“Phở” đức tụng.)
Yếu tố truyền thống tân tạo nằm ở chỗ tuổi đời của món phở tính đến nay không quá 150 năm, tuy có nhiều nguồn gốc tranh cãi rằng phở xuất xứ từ Trung hay Pháp nhưng tất cả đều đồng thuận rằng món ăn này chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỉ XX. Vậy nên ngay cả những diễn ngôn rằng phở theo công thức truyền thống rốt cuộc cũng chỉ mang tuổi đời từ 150 năm đổ lại, con số này là quá ngắn so với lịch sử của dân tộc hoặc đất nước này.
Một yếu tố tân tạo nữa là việc sử dụng thịt bò trong phở. Trước khi được phương tây du nhập văn hoá, người Việt không có thói quen ăn thịt bò trong ngày thường. Theo nhà nghiên cứu Đào Hùng thì “người Việt chỉ mổ trâu mổ bò vào những dịp đặc biệt như khi mở hội làng, chứ hàng ngày không mấy khi mổ trâu bò bán ngoài chợ. Vả lại triều đình Việt Nam xưa từ lâu đã có chính sách cấm mổ trâu mổ bò, vì đây là sức kéo quan trọng trong việc phát triển nghề nông” [10].
Vậy nên có thể nói rằng truyền thống ăn hoặc nấu phở của người Việt nay có vô cùng ít liên hệ đến truyền thống của người Việt xưa – những người chỉ sống cách chúng ta chưa đầy 200 năm.
Đặc sản được o bế thứ hai của Việt Nam có lẽ là bánh mì, và đây lại tiếp tục là dẫn chứng của truyền thống tân tạo. Bánh mì được biến tấu từ bánh baguette của Pháp có lẽ là kiến thức thường thức mà người Việt đều biết nên ở đây tôi không cần trình bày thêm.
Điều tôi muốn nói ở đây là bánh mì từng là một món ăn xa xỉ xưa kia vì Việt Nam không trồng được lúa mì, hồi đó người Việt gọi là “bánh tây”. [11] Và thậm chí bánh mì còn được coi như một biểu tượng phò tây hồi cuối thế kỉ XIX, trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu mang bánh mì vào với thái độ miệt thị rằng “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.” Điều này vô cùng trái ngược với thái độ tự hào về bánh mì của người Việt nay.
Lí do nào để người Việt ngày nay nói câu tự hào về bánh mì mà không vương chút tanh mồm? Câu trả lời thoạt nghe đơn giản – vì bánh tây xưa kia nay được người Việt biến tấu theo khẩu vị của mình nên nghiễm nhiên nó trở thành của người Việt – nhưng nếu phân tích sâu xa chúng ta sẽ thấy rất nhiều vấn đề. Bộ nhân cơ bản của bánh mì có thể kể đến trứng, giò chả, nộm chua, pa-tê, nước sốt, pho-mát bào sợi – tức là một nửa bộ nhân cộng thêm cái vỏ là đồ ăn của tây. Có thể nói món ăn này có 1/3 chất Việt và 2/3 chất tây. Nếu chất Việt chỉ chiếm thiểu số thì điều gì khiến nó trở thành niềm tự hào của người Việt?
Lí do lớn nhất nằm ở những huyền thoại chung được người Việt tự kể cho nhau nghe.

IV. NHỮNG HUYỀN THOẠI CHUNG

Từ xưa đến giờ, các nhóm dân tộc cực đoan ở Việt Nam bảo vệ món ăn dân tộc bằng cách “đấu tố” món thịt cá voi và gan ngỗng của phương tây. Mọi chủ đề liên quan đến thịt chó luôn luôn được dẫn dắt đến chủ đề thịt cá voi hoặc gan ngỗng một cách gần như tự động. Điều này lặp lại như một giáo điều và đến nay nó mang tính chất huyền thoại trong nhóm dân tộc cực đoan hơn là những gì diễn ra ngoài đời thực.
Huyền thoại thứ nhất kể rằng người Pháp tiêu chuẩn kép khi vừa hô hào nhân đạo với động vật, vừa điềm nhiên ăn gan ngỗng (đi kèm là hành động dã man nhồi ngỗng ăn). Nhưng thực tế có rất ít tương đồng với huyền thoại này. Tuy người Pháp vẫn còn ăn gan ngỗng nhưng không hề điềm nhiên, ngược lại họ đang phải vật lộn với vấn đề nan giải này.
Trong thực tế gan ngỗng bị tẩy chay ở nhiều nước châu Âu, thậm chí người dân Pháp cũng tẩy chay nó. Chẳng hạn năm 2021, các thành phố lớn của Pháp như Lyon và Grenoble đã tẩy chay món gan ngỗng trong các sự kiện lớn của thành phố. [12] Còn cả nước Pháp và văn hoá Pháp đã phải trở mình để thay đổi từ trước đó hai năm, tức năm 2019, tổ chức khoa học Aviwell của Pháp sáng chế ra loại huyết thanh khiến ngỗng béo tự nhiên để tránh phải làm công việc nhồi ăn đầy dã man. [13] Món gan ngỗng-không nhồi ăn ấy bây giờ đã được tung ra thị trường, nhưng vì giá thành còn cao nên chưa phổ biến.
Huyền thoại thứ hai kể rằng các nước phương tây và thân phương tây cũng lại tiêu chuẩn kép khi vừa phản đối thịt chó, vừa điềm nhiên săn và ăn cá voi – loài đang ở mức nguy cấp, mà các nước tiêu biểu hay bị “đấu tố” là Iceland, Na Uy, Nhật Bản.
Cũng giống như trường hợp gan ngỗng, thông tin này hoạt động dưới vai trò một huyền thoại chung để củng cố tính chất phe phái thay vì một dẫn chứng thực tế.
Thứ nhất, những gì có trong thực tế là việc săn, ăn thịt, và lấy dầu cá voi là hành động phổ biến ở châu Âu suốt thời trung cổ, và sau đó đặc biệt cần thiết trong thời cách mạng công nghiệp vì dầu của loài vật này. Vậy nhưng sự cạn kiệt của một số loài cá voi khiến cả châu Âu đi đến một sự đồng lòng đáng ngạc nhiên là chấm dứt ngành công nghiệp săn cá voi, bắt đầu từ những năm 1980. Sự đồng lòng này hiệu quả đến mức săn cá voi bây giờ không chỉ là vấn đề đe doạ đa dạng sinh học, mà còn trở thành vô đạo đức trong đạo đức xã hội tây phương.
Sự cá biệt của ba nước Iceland, Na Uy, Nhật Bản (đôi khi Đan Mạch bị lôi vào một cách không chính xác khi người dân của quần đảo Faroe săn cá voi, bởi quần đảo Faroe là lãnh thổ tự trị, họ độc lập khỏi Đan Mạch về mọi thứ trừ quốc phòng và đối ngoại) chỉ càng thể hiện xu hướng chống săn cá voi của phương tây.
Bản thân ba nước đang được nói tới, vấn đề săn cá voi cũng nhiều tranh cãi, Iceland đang có dấu hiệu giảm dần việc săn và hướng tới chấm dứt vào năm 2024. [14] Săn cá voi ở Na Uy có vẻ vẫn sẽ còn tiếp diễn nhưng đang bị truyền thông phương tây chỉ trích nhiều. [15] Cũng theo truyền thông phương tây, người Nhật ăn ít cá voi hơn nhưng văn hoá săn cá voi vẫn được duy trí, điều này cho thấy xung đột giữa văn hoá cổ truyền và lối sống hiện đại ở Nhật. [16]
Thứ hai, nhóm dân tộc cực đoan người Việt vẫn thường mang Nhật ra làm phe đối lập trong những huyền thoại của họ, nhưng nếu xét theo thực tế thì hai nước này có tình trạng chủ nghĩa dân tộc ẩm thực rất giống nhau.
Theo Ronald Ranta & Atsuko Ichijo, sau khi rút khỏi Ủy ban Săn cá voi Quốc tế (International Whaling Commission) vào 2019, Nhật tái khởi động công việc săn cá voi phục vụ thương mại, và đến những năm 2000 nguồn cung thịt cá voi ở Nhật bắt đầu vượt quá nhu cầu. Nhưng thay vì tăng nhu cầu ăn cá voi ở người dân (thực tế là nhu cầu ngày càng giảm), truyền thông Nhật bắt đầu tập trung nói về khía cạnh văn hoá của thịt cá voi trong văn hoá cổ truyền Nhật. [17]
Ở một diễn biến khác, những gì xảy ra với thịt chó ở Việt Nam cũng y hệt. Chưa bao giờ người Việt bị phân hoá quan điểm sâu sắc về vấn đề thịt chó như trong tầm chục năm nay, khi làn sóng toàn cầu hoá tiến vào cùng với sự phát triển ngành du lịch (thành phố du lịch Hội An cam kết không tiêu thụ thịt chó mèo từ năm 2021), và đứng trước làn sóng này, cách phản ứng của nhóm người ủng hộ thịt chó không phải là thảo luận về du lịch, không phải là thảo luận về nhân đạo, mà họ tập trung vào văn hoá ẩm thực cổ truyền (thịt chó giải đen, hoặc Hồ chủ tịch từng khen thịt chó), và “đấu tố” thịt cá voi, gan ngỗng.
Hiển nhiên là vấn đề giải đen của thịt chó hoàn toàn là một huyền thoại, không có chút lô-gích nào cả; vấn đề “đấu tố” tưởng chừng được dùng đến lô-gích, nhưng không, thực tế các nhóm người này chỉ đang truyền tay nhau những huyền thoại dựa trên một phần nhỏ của sự thật, nó có ít lô-gích đến mức gọi là nguỵ biện cũng không xứng đáng.

V. TỔNG KẾT

Ngạn ngữ tiếng Anh có câu You are what you eat (Bạn là cái bạn ăn) với ý nghĩa khuyên người ta nên ăn đồ lành mạnh, nhưng tôi nhận thấy một ý nghĩa khác đầy mỉa mai khi đối chiếu nó với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ẩm thực.
Trong toàn bộ bài viết này, tôi đã lần lượt cho thấy chủ nghĩa dân tộc ẩm thực là gì và sự lạm dụng nó trong các nhóm dân tộc cực đoan người Việt. Tiếp đến cho thấy rằng nó cũng sử dụng những cách thức quen thuộc của chủ nghĩa dân tộc như tạo ra truyền thống tân tạo, và biến thể cực đoan là tạo ra kẻ thù tân tạo, nhằm gắn kết cộng đồng tưởng tượng là quốc gia-dân tộc.
Chủ nghĩa dân tộc ẩm thực tồn tại hoàn toàn nhờ các huyền thoại về ẩm thực, ngay cả với các món ăn xuất xứ từ dân tộc khác và vẫn mang nhiều phong vị ngoại lai, thế nhưng chỉ cần truyền tai nhau thành công các huyền thoại là đủ để người dân tin rằng nó là món ăn của dân tộc mình và cảm thấy tự hào bằng một thái độ thành thật đến đơn giản. Cách thức để bảo vệ tính dân tộc trong chủ nghĩa dân tộc ẩm thực không nằm ở thực tế hay lô-gích mà cũng chỉ hoàn toàn nằm ở các huyền thoại, và đối với nhóm người cực đoan thì có thêm cách thức thứ hai: “đấu tố”.
Nhìn chung chủ nghĩa dân tộc ẩm thực sẽ là vô hại nếu chỉ dừng ở đặc điểm khát khao được quốc tế công nhận, hoặc tranh giành vị trí cao trong bảng xếp hạng của những người sành ăn. Tuy nhiên sự ngóc đầu của Tifosi khiến chúng ta nên đề phòng bởi lĩnh vực vốn hiền hoà này đang bị các thành phần cực đoan bôi nhơ và kích động thù hận.
Ai mà ngờ được đồ ăn vốn là thứ liên kết con người với nhau, nay lại bị dùng để chia cắt con người đến mức ấy, một khi nó lỡ sa vào tay quân ác?

Tham khảo:

[1] “Tifosi, Yêu Nước Online, và Chủ Nghĩa Sô Vanh.” Spiderum, spiderum.com/bai-dang/Tifosi-yeu-nuoc-online-va-Chu-nghia-So-vanh-cSAKIgAfPzOR. Accessed 22 Nov. 2022. [2] “Why You Must Not Squeeze Lemon on Steaming Hot Food.” The Indian Express, 14 Sept. 2022, indianexpress.com/article/lifestyle/health/squeeze-lemon-steaming-hot-food-vitamin-c-heat-sensitive-harmful-health-8145801/. Accessed 22 Nov. 2022. [3] “Worst Rated Egg Dishes in the World.” Www.tasteatlas.com, www.tasteatlas.com/worst-rated-egg-based-dishes-in-the-world. Accessed 22 Nov. 2022. [4] Ichijo, Atsuko. “Food and Nationalism: Gastronationalism Revisited.” Nationalities Papers, 13 Feb. 2020, pp. 1–9, 10.1017/nps.2019.104. [5] Anthony Douglas Smith. National Identity. London, Penguin Books, 1991, p. 14. [6] “Lòng Yêu Nước: Truyền Thống Ngàn Đời Hay Truyền Thống Tân Tạo?” Spiderum, spiderum.com/bai-dang/Long-yeu-nuoc-Truyen-thong-ngan-doi-hay-truyen-thong-tan-tao-iEZ2Lm0feZxv. [7] “Balut | Traditional Street Food from Philippines | TasteAtlas.” Www.tasteatlas.com, www.tasteatlas.com/balut. [8] “TasteAtlas - View All Filipino Food: Www.tasteatlas.com/Philippines ...Or Just Check the Best-Rated One: Www.tasteatlas.com/Lumpiang-Shanghai | Facebook.” Www.facebook.com, www.facebook.com/TasteAtlas/photos/a.1929025990666428/3057055454530137/. Accessed 22 Nov. 2022. [9] Crawfurd, John. Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China. Vol. 1, London : H. Kolburn and R. Bentley, 1830, p. 408. [10] “Ẩm Thực Hà Nội – Những Đổi Thay Khi Tiếp Xúc Với Phương Tây.” Amthuc.net.vn, amthuc.net.vn/xemtintuc/tabid/70/ArticleId/843/Am-thuc-Ha-Noi---nhung-doi-thay-khi-tiep-xuc-voi-phuong-Tay.aspx. Accessed 22 Nov. 2022. [11] baohatinh.vn. “Sống Chậm Cuối Tuần: Bánh Mì Việt Nam, Bánh Mì Sài Gòn.” Báo Hà Tĩnh, 11 Apr. 2020, baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/song-cham-cuoi-tuan-banh-mi-viet-nam-banh-mi-sai-gon/190329.htm. Accessed 22 Nov. 2022. [12]  “Bien-Être Animal. Est-Il Possible de Produire Du Foie Gras sans Gavage ?” Www.leprogres.fr, www.leprogres.fr/economie/2021/12/07/est-il-possible-de-produire-du-foie-gras-sans-gavage. Accessed 22 Nov. 2022. [13] “Aviwell Invente Le Premier Foie Naturellement Gras sans Gavage de L’animal.” La Tribune, 2019, toulouse.latribune.fr/entreprises/2019-12-20/aviwell-invente-le-premier-foie-naturellement-gras-sans-gavage-de-l-animal-835327.html. Accessed 22 Nov. 2022. [14] ““Meet Us, Don’t Eat Us”: Iceland Turns from Whale Eaters to Whale Watchers.” The Guardian, 28 Mar. 2022, www.theguardian.com/environment/2022/mar/28/meet-us-dont-eat-us-how-iceland-is-turning-tourists-from-whale-eaters-to-whale-watchers. Accessed 22 Nov. 2022. [15] “Norway’s Whale Meat Industry Has Gone to the Dogs.” Animal Welfare Institute, awionline.org/press-releases/norways-whale-meat-industry-has-gone-dogs. Accessed 22 Nov. 2022. [16] Leonard, Abigail. “In Japan, Few People Eat Whale Meat Anymore, but Whaling Remains Popular.” The World from PRX, 17 Apr. 2019, theworld.org/stories/2019-04-17/japan-few-people-eat-whale-meat-anymore-whaling-remains-popular. [17] Atsuko Ichijo, and Ronald Ranta. Food, National Identity and Nationalism : From Everyday to Global Politics. Basingstoke, Hampshire ; New York, Ny, Palgrave Macmillan In The Uk Is An Imprint Of Macmillan Publishers Limited, 2016, p. 186.
Bài rất liên quan:
Bài: TORNAD
Ảnh: LINH NHI
22/11/2022