Hoang tưởng, tư duy nước đôi, và bi kịch của một nền Triết học đã chết.
Tôi đặt bút viết bài này với hy vọng có thể giảm thiểu những nạn nhân của Chủ nghĩa Sô vanh, đồng thời thức tỉnh những con người mê muội đang sống mòn trong sự hoang tưởng về một dân tộc tính Việt Nam siêu việt.
Lời đầu tiên
Kính chào quý độc giả,
Sau khi bài viết “Tifosi, yêu nước online, và Chủ nghĩa Sô vanh” được đăng tải cách đây gần ba tháng, tôi đã có rất nhiều trăn trở về thực trạng Chủ nghĩa Sô vanh ở một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam hiện nay. Những hành vi lố bịch của các cá nhân trên mạng xã hội, những cuộc tranh cãi vô nghĩa giữa những người ủng hộ Nga với những người phản đối Nga xâm lược Ukraine thôi thúc tôi phải làm gì đó để giải độc cho tình trạng này. Tôi hiểu rằng một cánh én không thể làm nên một mùa xuân, bởi vì tính dân tộc chủ nghĩa độc hại ấy đã cắm rễ quá sâu trong tiềm thức của nhiều người. Tôi đặt bút viết bài này với hy vọng có thể giảm thiểu những nạn nhân của Chủ nghĩa Sô vanh, đồng thời thức tỉnh những con người mê muội đang sống mòn trong sự hoang tưởng về một dân tộc tính Việt Nam siêu việt. Suy cho cùng, nếu những nhà tri thức không lên tiếng, thế gian này sẽ bị hủy hoại trong tay của lũ dốt nát.
Phần I: Bệnh hoang tưởng
Trong không khí tưng bừng của mùa World Cup 2022, những người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới đã hướng về Qatar, quốc gia đăng cai giải vô địch bóng đá lớn nhất hành tinh. Đương nhiên, người Việt cũng không đứng ngoài xu hướng này. Mọi chuyện sẽ không có gì để nói nếu những người hâm mộ, đặc biệt là cộng đồng mạng xứ ta, ứng xử văn minh với lòng yêu bóng đá đơn thuần. Rất tiếc, ảnh trên cũng đã cho thấy rất rõ điều mà tôi muốn nói. Khi đội tuyển Nhật Bản bất ngờ quật ngã đội tuyển Tây Ban Nha, cộng đồng mạng Việt Nam bắt đầu lên đồng tập thể. Hoặc là có những người bắt đầu lôi Việt Nam vào để “ngạo nghễ”, dù đội tuyển không liên quan và cũng chẳng tham gia World Cup; hoặc là những người lại “nhảy cầu” với văn hóa cá độ xấu xí; hoặc như VTV gây phẫn nộ dư luận qua hành vi tình dục hóa và đồ vật hóa phụ nữ;... Tất cả điều này, kính thưa quý độc giả, là một bi kịch. Nó không phải chỉ đến mùa bóng lăn mới nhen nhóm xuất hiện, mà nó xuất phát từ căn nguyên trực tiếp là căn bệnh hoang tưởng, trong bối cảnh Chủ nghĩa Sô vanh đã ám ảnh tâm trí của họ một cách sâu đậm.
Hoang tưởng được phân biệt với niềm tin nhầm lẫn rằng các niềm tin hoang tưởng vẫn không thay đổi khi có bằng chứng rõ ràng và hợp lý, sự phân biệt này đôi khi còn rất khó để xem xét khi niềm tin hoang tưởng dường như có vẻ hợp lý với một lập luận cụ thể (mà thường là ngụy luận). Về mặt Y học, rối loạn hoang tưởng được phân biệt với tâm thần phân liệt bằng sự hiện diện của hoang tưởng mà không có các triệu chứng của tâm thần phân liệt khác, và được đặc trưng bởi niềm tin sai lầm vững chắc. Những hoang tưởng có thể là: (1) không kỳ quái, tức là các hoang tưởng về các tình huống có khả năng xảy ra và (2) kỳ quái, tức là các hoang tưởng liên quan đến các tình huống vô lý như có siêu năng lực,...
Trong bài viết “Tifosi, yêu nước online, và Chủ nghĩa Sô vanh”, tôi đã có phân tích và lập luận rất cụ thể về Chủ nghĩa Sô vanh và dân tộc tính cực đoan ở Việt Nam [1]. Một cách sơ lược, Chủ nghĩa Sô vanh (Chauvinism) là chủ nghĩa dân tộc cực đoan dựa trên hệ tư tưởng tuyệt đối hóa các giá trị của cộng đồng, dân tộc mình, xem bản sắc của dân tộc mình là ưu việt đến mức tự phụ và bài ngoại, thậm chí xem thường và xâm hại đến các dân tộc khác. Chủ nghĩa dân tộc là xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác. Nó đã giữ vai trò ảnh hưởng chính hay nguyên nhân của chiến tranh, cụ thể nhất là Đệ nhất Thế chiến (1914 - 1918) và Đệ nhị Thế chiến (1939 - 1945). Tất cả đều liên quan đến những tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Về mặt từ ngữ, “Chauvinism” xuất phát từ tên của một viên chỉ huy Pháp Nicolas Chauvin trong cuộc chiến tranh Napoleon những năm đầu thế kỷ XIX. Chauvin là một chiến binh trung thành đến mức sùng kính vị Hoàng đế Pháp, sẵn sàng cống hiến cho quân đội và lý tưởng bành trướng của Napoleon đến những giờ phút cuối cùng khi các trận chiến chìm vào thất bại. Chủ nghĩa Sô vanh từ đó mang ngụ ý ám chỉ những niềm tin mù quáng vào tính chính nghĩa của một cộng đồng nhất định, cho rằng cộng đồng, dân tộc mình phải có vị trí “thượng đẳng” và vượt trội hơn so với tất thảy các dân tộc còn lại.
Trong bài viết trên, tôi cũng đã so sánh sự giống và khác biệt giữa Chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa yêu nước, qua đó nhấn mạnh sự nguy hiểm đặc biệt của Chủ nghĩa Sô vanh. Tuy Chủ nghĩa yêu nước rất gần với Chủ nghĩa dân tộc và vì thế chúng hay được dùng như những từ đồng nghĩa, nhưng nếu xét cặn kẽ thì Chủ nghĩa dân tộc liên quan tới các học thuyết và phong trào chính trị, trong khi Chủ nghĩa yêu nước liên quan tới tình cảm nhiều hơn. Về nguồn gốc khái niệm “dân tộc”, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong tiếng Hán cổ không có từ “dân tộc”. Từ này thực tế được du nhập từ Nhật Bản. Năm 1899, Lương Khải Siêu là người Trung Quốc đầu tiên đã sử dụng từ “dân tộc” trong bài viết của mình. Năm 1905, Tôn Trung Sơn bắt đầu nói về “dân tộc”. Từ đó, người Trung Quốc mới dần dần làm quen với khái niệm này. Theo các tác giả cuốn Tân thư, từ “dân tộc” có thể được các nhà Đông du Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, hiện tượng Chủ nghĩa dân tộc nổi lên gắn liền với xu hướng phục hồi của tôn giáo và tư tưởng bài ngoại. Bên cạnh đó, các thế lực Chủ nghĩa ly khai dân tộc cũng ngày càng lớn mạnh ở mức độ khác nhau, hình thành nên các thế lực chính trị và lực lượng quân sự, thông qua các cơ chế dân chủ phương Tây hoặc hoạt động khủng bố thông qua bạo lực nhằm mở rộng chủ nghĩa ly khai, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước độc lập. Tất cả các nhân tố đó kết hợp với nhau đang tạo nên một cục diện phức tạp và không ổn định không chỉ trong nội bộ nhiều nước mà còn đe dọa nghiêm trọng nền an ninh và ổn định thế giới.
Là một nhà Sử học và nhà lý luận Marxist đương đại, Giáo sư Eric Hobsbawm đã nhìn thấy những gì được gọi là truyền thống, phong tục, tập quán quốc gia thực ra được con người tạo ra (Invented Tradition) trong quá trình vận động xây dựng ý thức dân tộc. Ông cho rằng lịch sử chuyển vận do một động lực phát triển liên kết cả cơ sở hạ tầng về con người và phương tiện sản xuất lẫn thượng tầng kiến trúc của chính trị, văn hóa và nghệ thuật (Hobsbawm, 1992). Lối lập luận của Hobsbawm đưa đến kết luận rằng những nơi mà dân tộc chỉ là chương trình chính trị, thiếu biến chuyển trước đó từ cơ sở hạ tầng, hay còn gọi là dân tộc trong ngoặc kép, thì theo đà quay của lịch sử sẽ tan rã như trường hợp của Liên Xô. Như vậy, theo Hobsbawm, Chủ nghĩa dân tộc từng là động lực phát triển từ sau cuộc cách mạng Pháp, nhưng hiện không còn vai trò là quy luật của lịch sử nữa.
Tuy thời điểm hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam năm 1945 nằm đúng trong khoảng thời gian mà Hobsbawm cho là cao trào của Chủ nghĩa dân tộc (1918 - 1950), nhưng ông dứt khoát xếp Việt Nam cùng một số nước khác, như Trung Quốc và Triều Tiên, vào nhóm chỉ giải phóng, còn dân tộc là khẩu hiệu mượn từ hệ tư tưởng phương Tây. Trong lúc Việt Nam thường tuyên truyền về thắng lợi của mình là lá cờ đầu cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới, Hobsbawm thẳng thắn cho rằng phong trào này chỉ có thể dùng chữ dân tộc trong ngoặc kép mà thôi.
Ở một góc độ khác, có thể nhìn nhận tư tưởng Sô vanh như một biểu hiện của Chủ nghĩa vị chủng văn hóa (Ethnic-Centralism) theo hướng đề cao các giá trị dân tộc mình. Một nhóm người hay một dân tộc thể hiện chủ nghĩa vị chủng văn hóa khi họ lấy tiêu chuẩn văn hóa của mình làm thước đo để đánh giá các biểu hiện văn hóa khác, thường là theo hướng tiêu cực, khinh rẻ và không dung nạp các giá trị ngoại lai.
Một đặc trưng của tư tưởng Sô vanh là tính hiếu chiến. Nó thúc đẩy các dân tộc tự xem mình là thượng đẳng, từ đó thực hiện các hành vi phô trương sức mạnh để bảo vệ vị thế của mình. Tiếp cận từ lý thuyết của Chủ nghĩa Sô vanh, trong Đệ nhất Thế chiến, vì các nhà lãnh đạo Nga đã đặt đất nước mình ở một vị thế chính nghĩa và tốt đẹp về mặt đạo đức, họ cần thiết phải can thiệp ngay vào hành vi điên cuồng của đối thủ để bảo vệ lấy uy tín và hình ảnh của mình: “Sức mạnh từ sự tự tôn của dân tộc Nga, đó chính là nỗi sợ hãi bị sỉ nhục nếu họ cho phép người Đức và Áo tiêu diệt Serbia - quốc gia nhỏ bé được Nga bảo trợ, và mức độ dữ dội trong cơn thịnh nộ của người Nga”. Về phía Đức, Hoàng đế (Kaiser) Wilhelm II vào năm 1914 đã từng tuyên bố rằng: “Chúa đã tạo ra chúng ta để văn minh hóa thế giới. Thống khổ và chết chóc cho tất cả những ai kháng cự lại ý chí của tôi”.
Dân tộc Đức vốn đã tự gán cho mình một sứ mệnh lịch sử phải đi truyền bá “chất Đức”, giá trị tiến bộ nhất trong các sự tiến bộ, là đích đến định mệnh cho nền văn minh nhân loại. Nhà văn Đức Dehmel từng tham gia chiến trường năm 1914 đã viết rằng: “Người Đức chúng ta nhân đạo hơn tất thảy các quốc gia khác, chúng ta có dòng máu tốt hơn và giống nòi tốt hơn, nhiều linh hồn, nhiều trái tim và nhiều trí tưởng tượng hơn”. Một dân tộc siêu việt với sứ mệnh soi sáng thế giới như thế quả thật không thể không ra mặt bảo vệ cho Đế quốc Áo - Hung, người đồng minh duy nhất của mình. Các hành động quân sự trên “lập trường chính nghĩa” đó của Đức, Nga và một số dân tộc khác đã làm nổ ra một cuộc xung đột liên quan đến 32 quốc gia trên sáu châu lục, hơn 18 triệu người chết, 60 triệu người bị thương và thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị thế giới.
Ngoài mặt trận quân sự, tư tưởng Chủ nghĩa Sô vanh còn biểu hiện ở các học thuyết, chính sách đối ngoại của các nước lớn. Tuy có vẻ “bình lặng” hơn nhưng nó vẫn có khả năng tạo ra các tác động tiêu cực. Thuyết “Vận mệnh hiển nhiên - Manifest Destiny” (1840) của Mỹ cho rằng việc dân tộc này “mở rộng lãnh thổ” và chinh phục các vùng đất khác ở châu Mỹ là điều “hiển nhiên”, “tất yếu” và “định mệnh”. Chủ nghĩa “Biệt lệ Mỹ” tin rằng dân tộc mình giữ vị thế xuất chúng hơn so với phần còn lại của thế giới, người Mỹ được Thượng đế ban giao cho sứ mệnh định hình thế giới bằng các giá trị Mỹ và khuôn mẫu dân chủ tiến bộ của mình. Trên trường quốc tế hiện nay, chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc phần nào phản ánh các biểu hiện Sô vanh khi các nhà lãnh đạo nước này ngày càng trở nhạy cảm trước những động thái chỉ trích, sẵn sàng áp dụng các biện pháp cưỡng ép kinh tế khi các nước khác dám thách thức họ.
Quay trở lại với phân tích về căn bệnh hoang tưởng, với những lập luận phía trên về Chủ nghĩa Sô vanh, dân tộc tính Sô vanh hoang tưởng của người Việt Nam xảy ra vì bối cảnh khách quan, mà ở đó Việt Nam luôn là đối tượng bị xâm lược và nô dịch trong suốt chiều dài lịch sử. Sự nguy hiểm của Chủ nghĩa Sô vanh được thể hiện qua sự thượng đẳng dân tộc, ngạo nghễ với quốc tế về sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị,... của Việt Nam suốt những năm qua. Cũng như tôi đã nói rất nhiều lần trước đây, tôi tôn trọng quyền tự do và quyền riêng tư của cá nhân các bạn, nhưng không có nghĩa rằng tôi không thể lên tiếng phản bác nếu bạn có những hành vi cực đoan. Tôi không có vấn đề gì nếu bạn là một người yêu nước hoặc là muốn thể hiện sự tự hào bằng cách đồng nhất căn tính cá nhân vào quốc gia, nhưng sẽ thật là phản tri thức nếu tôi lại làm ngơ trước sự quá quắt và nguy hiểm của Chủ nghĩa Sô vanh.
Bất cứ ai ắt hẳn đều đã trải qua những cảm xúc khủng hoảng căn tính, bản ngã và nghi ngờ về sự tồn tại của bản thân. Theo lý thuyết Tâm lý học cá nhân của nhà Tâm thần học Alfred Adler, phức cảm thượng đẳng, hay còn được dịch là phức cảm vượt trội (Superiority Complex), là ý nghĩ phóng đại của một người về khả năng và thành tích cá nhân xuất phát từ sự tự ti quá lớn (APA, 2019). Một người có phức cảm thượng đẳng, châm biếm thay, lại che giấu sự tự ti bằng sự thượng đẳng nhằm tỏ ra bản thân vượt trội hơn người khác.
Theo Adler, mỗi con người đều sẽ cảm thấy tự ti vào một thời điểm nào đó trong suốt cuộc đời mình. Thực ra đây là một điều tốt, khi cảm giác tự ti có thể trở thành động lực để khiến chúng ta cố gắng trở nên xuất chúng và để đạt được mục tiêu của chính mình. Nói đơn giản hơn thì nó là một lực đẩy hoặc một động lực dẫn dắt ta đằng sau nhu cầu được trở nên xuất chúng. Đôi khi người ta lại không thể xử lý được những tiêu chuẩn thay đổi liên tục từng phút một trong thời đại mới, và họ cuối cùng rơi vào hai trạng thái: phức cảm tự ti, thiếu lòng tự trọng, và phức cảm thượng đẳng, một cảm giác quá phóng đại về tầm quan trọng của bản thân. [2]
Nhà Tâm lý học Kristin Valentino nhận định rằng những người bị ngược đãi khi còn nhỏ thường mang tâm lý tổn thương và cảm giác tự ti năng nề. Sự thờ ơ, lãnh cảm hoặc chê bai thường xuyên của gia đình khiến họ cảm thấy thua kém. Do đó, họ thường tìm cách “khỏa lấp” cảm giác này thông qua việc thể hiện, phô trương những thành tích, tài năng và luôn cho rằng mình giỏi giang hơn người khác.
Ngoài ra, phức cảm thượng đẳng còn đến từ những kỳ vọng, áp đặt của bản thân, gia đình và cộng đồng. Rất nhiều người trở nên thiếu tự tin khi chứng kiến sự thành công của bạn bè, người thân.
Trong phân tích về dân tộc tính Sô vanh của người Việt Nam thì đó chính là lịch sử bi tráng của một dân tộc đã chịu ách nô lệ và bị xâm lược hàng nghìn năm qua. Rất nhiều người có tâm lý mặc cảm, tự ti khi thế hệ tiền nhân đã chịu ách thống trị và nô dịch nghìn năm của Trung Quốc, cho đến trăm năm của Pháp hay chục năm của Mỹ. Sự tự ti ấy tích lũy qua nhiều thế hệ và được ẩn sâu trong tâm hồn của mỗi con người, trong bối cảnh Việt Nam chưa thể sánh được với bất cứ quốc gia nào, chứ chưa nói đến là các cường quốc phát triển trên thế giới. Nó chỉ được dịp bùng phát mạnh mẽ khi Việt Nam có cơ hội thể hiện mình qua loạt thành tích phát triển ấn tượng về mọi mặt, sau bi kịch của một quốc gia từng chịu cảnh nghèo đói (từ một nước nông nghiệp cho đến phải xin viện trợ lương thực, ăn độn bo bo) và sự tàn phá thảm khốc của chiến tranh. Đây cũng là cơ hội cho những kẻ tư tưởng Sô vanh vùng lên để khẳng định mình sau hàng năm trời ròng rã chịu nhục. Những kẻ ấy bắt đầu thể hiện và lan truyền sự cực đoan và biến chất trong người qua các công cụ của thế giới hiện đại - Internet. Sự kết nối toàn cầu và số hóa của thế giới văn minh vô hình trung trở thành một công cụ cho những kẻ Sô vanh mặc sức tung hoành.
Trạng thái này trở nên rõ ràng hơn khi mà truyền thông đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những người mang phức cảm thượng đẳng thường nhầm tưởng điều họ muốn hướng đến với khả năng của mình. Phức cảm thượng đẳng có thể trở thành rối loạn nhân cách phức cảm thượng đẳng, rối loạn ái kỷ hoặc thậm chí là bệnh hoang tưởng.
Xét trong bối cảnh ví dụ trên, khi nền bóng đá Việt Nam trước đây phải chịu nhiều trận thua tức tưởi trước các đội bóng của khu vực, không ít người đã ẩn đi sự tự ti và chán ghét nền bóng đá nước nhà. Nỗi ước ao trông mong thành tích cao trong bóng đá, như trường hợp của HCV SEA Games trước đây, đã dẫn đến những hoang tưởng của những kẻ biến thái muốn thể hiện mình qua chiến thắng của quốc gia, bởi vì họ đã lỡ đồng nhất căn tính cá nhân vào căn tính quốc gia. Lý do của việc này, hết mực đơn giản, vì bóng đá “là một môn chơi đồng đội, nó dễ được đồng nhất với quốc gia hơn so với những môn chơi đơn lẻ” (Tornad, 2022) [3]. Ngoài ra, bóng đá “còn thực thể hoá quốc gia, một thứ trừu tượng, dưới hình ảnh mười một con người có thật và có tên tuổi cụ thể, điều này khiến cho toàn bộ người dân, bao gồm cả những người thiếu thông minh và trí tưởng tượng nhất, đều có thể hiểu được khái niệm quốc gia chỉ bằng hành động đơn giản là đồng nhất đội bóng với quốc gia” (Tornad, 2022).
Bằng những ngụy luận rập khuôn theo quan hệ bắc cầu của Toán học, rằng đội tuyển Nhật Bản “thắng đội tuyển Đức, Tây Ban Nha” mà “đội tuyển Nhật Bản hòa với Việt Nam” thì có nghĩa “đội tuyển Việt Nam cũng quật ngã được đội tuyển Đức, Tây Ban Nha (?!)”, sự lố bịch của những kẻ Sô vanh hoang tưởng càng ngày càng được nâng lên một tầm cao mới. Trong bóng đá, trước khi trái bóng bắt đầu lăn trên sân cỏ thì không có căn cứ nào để dự đoán kết quả trận đấu, và cũng chính điều đó đã làm nên sức hấp dẫn của môn thể thao này. Ví dụ trên chỉ mới là trường hợp tiêu biểu nhất của căn bệnh hoang tưởng. Vẫn còn rất nhiều minh họa đặc sắc khác, mà vì giới hạn hiểu biết của tôi trên mạng xã hội, nên chưa thể đưa vào bài viết được.
Nguy hiểm hơn, những kẻ Sô vanh hoang tưởng tự cho mình có quyền “thiên tru”, thay trời hành đạo. Mà như Fukuzawa Yukichi đã viết trong “Khuyến Học”, đây là một bi kịch:
Trong một đất nước, việc có các luồng tư tưởng chính trị khác biệt là lẽ bình thường. Chỉ vì cái gọi là “chống lại hiểm hoạ của những người có quan điểm, chính kiến khác với mình”, họ căm tức tư tưởng của người khác, họ vi phạm quốc pháp bởi động cơ cá nhân, họ giết người theo cảm tính, họ không những không biết hổ nhục mà lại còn lấy làm đắc ý và dõng dạc tuyên bố: “Đó là hành động thay trời trừng phạt”. Những kẻ ám sát được tâng bốc, được coi là “nghĩa sĩ”. Cái gọi là Tenchyu - Thiên tru, hay thay trời trừng phạt là cái gì vậy? Có thật là họ thực sự chủ trương thay trời trừng phạt? Vậy thì trước đó, hãy tự ngẫm lại xem họ là cái gì trong xã hội đã. Chẳng phải là họ đang sống ở đất nước này và đã thoả thuận với chính phủ như thế nào với tư cách là một công dân? Đó là nhất định tuân thủ tôn trọng quốc pháp và nhận được sự bảo vệ che chở của chính phủ đó sao? Nếu như có bất mãn với nền chính trị của đất nước, hoặc cảm nhận thấy có nhiều kẻ định xâm phạm thể chế thì bình tĩnh kháng nghị sự tình đó lên chính phủ. Tại sao lại phớt lờ, qua mặt chính phủ, tự cho mình cái quyền được phán quyết như vậy? Những người thuộc loại này thường không có cái nhìn tổng thể, họ vừa cứng nhắc lại vừa nóng vội trước tiền đồ của quốc gia. Họ không nắm được nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng như hiện nay của đất nước, nên cũng không biết phải dùng biện pháp nào để đưa đất nước ra khỏi tình cảnh hiện tại. - Trích “Khuyến Học”, Fukuzawa Yukichi, Nhã Nam. [4]
Fukuzawa Yukichi chỉ bàn về khía cạnh bạo lực do bất đồng chính kiến và hành vi tự cho mình có quyền đứng trên cả luật pháp trong hiện thực chính trị. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng mình nên phát triển thêm luận điểm này để áp dụng cho những kẻ Sô vanh hoang tưởng. Thử hỏi những kẻ Sô vanh ấy lấy căn cứ gì để áp đặt, tuyên truyền, vu khống, cáo buộc, chụp mũ, xuyên tạc, xúc phạm người khác? Họ lấy gì để ngăn chặn quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư cá nhân của người khác? Câu trả lời là không có gì cả. Vì phức cảm thượng đẳng và chứng bệnh hoang tưởng, họ muốn ép buộc tất thảy người khác phải theo ý họ chỉ để thỏa mong ước biến thái cực đoan trong người. Một lần nữa, thưa quý độc giả, đây là một bi kịch của xã hội Việt Nam, một bi kịch của Chủ nghĩa Sô vanh, phản tri thức và ngu dốt.
Theo lý thuyết của Benedict Anderson, dân tộc chỉ là những “cộng đồng tưởng tượng”, nơi mà sự gắn kết về giới hạn lẫn chủ quyền chỉ là vấn đề về sự nhìn nhận của các cá nhân cho rằng mình thuộc về cộng đồng đó: Không phân biệt thực tế bất bình đẳng hay sự bóc lột có thể chiếm ưu thế trong mỗi quốc gia, dân tộc luôn được quan niệm như tình đồng chí bình đẳng và sâu sắc. Từ đó mà những sai lầm về tư tưởng, việc đánh giá sai tiềm năng của quốc gia, dân tộc, cộng đồng mình dẫn đến các biểu hiện Sô vanh là một điều nguy hiểm cho sự phát triển của chính cộng đồng mình cũng như các dân tộc khác. Lịch sử đã chứng minh rằng dòng thác tâm lý Sô vanh là đối tượng tiềm năng cho các cá nhân có dã tâm lợi dụng, tệ hại nhất là khi tự đẩy quốc gia mình đi đến sụp đổ. Phong trào Sô vanh, giá trị Sô vanh không phải là một “phương thuốc” cho niềm tự hào dân tộc, nó là kẻ đã gây ra chiến tranh trong lịch sử và đang ngăn cản quá trình toàn cầu hóa, sự hội nhập tiến bộ của con người.
Phần II: Tư duy nước đôi
Tư duy nước đôi (Doublethink) được định nghĩa là một quá trình nhồi sọ tư tưởng trong đó các đối tượng phải đồng thời chấp nhận hai niềm tin trái ngược nhau là sự thật, thường mâu thuẫn với trí nhớ hoặc cảm nhận thực tế của chính họ. Tư duy nước đôi tuy có đôi nét tương đồng nhưng khác với thói đạo đức giả.
Từ điển Cambridge Dictionary định nghĩa như sau về tư duy nước đôi (doublethink):
A situation in which someone seems to believe two opposite things, or claims to believe something but does the opposite.
George Orwell đã đặt ra thuật ngữ tư duy nước đôi trong cuốn tiểu thuyết được viết vào năm 1949 của ông - “1984”. Trong cuốn tiểu thuyết, nguồn gốc của nó trong cộng đồng công dân là không rõ ràng; mặc dù nó có thể một phần là sản phẩm của các chương trình tẩy não chính thức của Big Brother, nhân vật là nhà lãnh đạo độc tài của Oceania, cuốn tiểu thuyết cho thấy rõ ràng những người học cách tư duy nước đôi và nói mới do áp lực của bạn bè và mong muốn hòa nhập hoặc đạt được địa vị trong Đảng - để được coi là một Đảng viên trung kiên. Trong tiểu thuyết, để ai đó thậm chí nhận ra chứ đừng nói đến bất kỳ mâu thuẫn nào trong bối cảnh đường lối của Đảng cũng giống như báng bổ, có thể khiến người đó bị kỷ luật và bị các Đảng viên đồng nghiệp phản đối ngay lập tức về mặt xã hội.
George Orwell viết: “Biết và không biết, ý thức về sự trung thực hoàn toàn trong khi nói những lời dối trá được xây dựng cẩn thận, đồng thời giữ hai ý kiến loại bỏ nhau, biết chúng mâu thuẫn và tin vào cả hai, sử dụng logic chống lại logic, bác bỏ đạo đức trong khi tuyên bố về nó, tin rằng dân chủ là không thể và Đảng là người bảo vệ dân chủ, để quên đi những gì cần phải quên, để rồi lôi nó trở lại vào ký ức vào lúc cần thiết, và sau đó nhanh chóng để quên nó đi một lần nữa, và trên hết, áp dụng quy trình tương tự cho chính quy trình đó - đó là sự tinh tế tối thượng: gây ra tình trạng vô thức một cách có ý thức, và sau đó, một lần nữa, trở nên vô thức về hành động thôi miên mà bạn vừa thực hiện. Thậm chí để hiểu được từ - tư duy nước đôi - liên quan đến việc sử dụng tư duy nước đôi.” [5]
Quay trở lại thế kỷ XVIII, nhà Triết học David Hume nghĩ rằng chúng ta chủ yếu được dẫn dắt từ niềm tin này sang niềm tin khác bởi các nguyên nhân. Hume nghĩ rằng chúng ta đã học được A dẫn đến B bằng cách nhìn thấy nhiều A theo sau bởi rất nhiều B. Điều đó có lẽ hơi bị đơn giản hóa quá mức, nhưng nó sẽ hoạt động như một sự thay thế. Điều này có nghĩa là để thêm một mối liên hệ nhân quả vào vốn trí tuệ, ai đó hoặc người khác sẽ phải dành thời gian để quan sát tất cả những điểm A và B đó. Nếu chúng ta làm điều này một cách có hệ thống, đó là Khoa học. Nhưng không phải lúc nào Khoa học cũng vậy. Vì vậy, nếu ta muốn suy nghĩ hiệu quả thì ta phải biết chọn lọc. Ta phải giới hạn những mô tả của mình về thế giới xung quanh, về cuộc sống nội tâm của ta và tất cả những thứ còn lại, với những mô tả mà ai đó đã đầu tư vào, làm những gì cần thiết để nhúng chúng vào một mạng lưới các liên kết suy luận có thể sử dụng được.
Trong quyển sách “Doublespeak” được xuất bản sau đó, nhà Ngôn ngữ học William Lutz cho hay: “Lập lờ nước đôi là một thủ thuật rất chủ động, khi ngôn từ được sử dụng như một vũ khí hay một công cụ giúp người nói đạt được mục đích. Trong một số trường hợp, Lập lờ nước đôi được sử dụng để gây cười, nhưng đa phần nó được ứng dụng một cách rất đáng sợ”. Theo Lutz, có bốn kiểu lập lờ nước đôi thông dụng trong cuộc sống hằng ngày. Đầu tiên là “nói giảm, nói tránh”, giúp các thông tin đáng sợ hay đau buồn trở nên êm tai hơn. Loại thứ hai là “biệt ngữ” (jargon), những thuật ngữ chuyên môn hết sức quen thuộc với người trong ngành nhưng đối với những ai không có khái niệm gì về lĩnh vực này thì nó sẽ trở nên rất khó hiểu. Tiếp đến là một “biến thể của biệt ngữ”, khi người nói chủ động sử dụng lối văn cầu kỳ, không trực thuộc bất kỳ một chuyên ngành nào để làm xáo trộn lý trí của người nghe. Cuối cùng là “lối văn phóng đại”, cố tình sử dụng ngôn từ để biến một việc hết sức bình thường trở nên vĩ đại hơn bao giờ hết.
Theo các nhà nghiên cứu, giới chính trị chính là cha đẻ của tư duy nước đôi, đặc biệt là nghệ thuật lập lờ nước đôi, và cho đến ngày nay, chính họ vẫn là đối tượng sử dụng những chiêu thức bóp méo ngôn từ với tần suất và hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu nảy sinh khi giới bình dân bắt đầu áp dụng phương pháp này để ngụy biện cho hành vi xâm lược của Nga, và từ một công cụ chính trị hiệu quả, nó lại biến tướng thành một lỗi tư duy logic nghiêm trọng - kẻ thù của tư duy phản biện.
Quý độc giả có thể thấy rõ sự lập lờ nước đôi trong tư duy của người trong hình trên. Một mặt, người này cho rằng bản thân tôi “chưa trải sự đời”, cần “lớn lên” để “trải nghiệm” cảm giác làm lãnh đạo của một tổ chức, tập thể hay một quốc gia. Mặt khác, người này không biết để làm được điều trên là như thế nào, bằng cách nào và bằng phương tiện gì, “khó trả lời” và trả lời vòng vo tự mâu thuẫn với nhau (“sau này cũng đến lượt các bạn thôi”). Đây chính là biểu hiện sơ đẳng nhất của tư duy nước đôi, khi đồng thời tin vào hai thứ mâu thuẫn và trái ngược với nhau.
Bên cạnh tư duy nước đôi, người này còn mắc phải ba lỗi nguỵ biện là nguỵ biện lòng vòng, nguỵ biện bằng chứng vụn vặt và nguỵ biện lảng tránh chủ đề. Nguỵ biện lòng vòng là khi thay vì đưa ra thông tin mới, người biện luận chỉ đang lặp lại các luận điểm cũ bằng cách diễn tả khác, rất thiếu tính thuyết phục vì chúng không thể tự bổ sung cho nhau. Nguỵ biện lảng tránh chủ đề là khi thay vì đi thẳng vào chủ đề chính thì lại nói lòng vòng các vấn đề nhỏ nhặt xung quanh. Nguỵ biện bằng chứng vụn vặt là khi thay vì đưa ra luận điểm và bằng chứng, thì lại đưa ra những kinh nghiệm vụn vặt cá nhân để làm cơ sở bác bỏ luận điểm của người khác. Chỉ hai bình luận mà đã mắc phải ba lỗi nguỵ biện và một lỗi tư duy. Tôi sẽ không quá ngạc nhiên nếu người này là một “tín đồ” theo dõi cuồng nhiệt trang Tifosi - chúa tể nguỵ biện.
Một ví dụ thường nhật về tư duy nước đôi trong cuộc sống hằng ngày là khi có một người tích cực chê bai báo chí Phương Tây, BBC chẳng hạn, là “tuyên truyền”, “mị dân”, “áp đặt hệ tư tưởng Phương Tây”, thậm chí còn miệt thị các cơ quan báo chí này bằng từ ngữ như “Báo Bồn Cầu”. Tuy nhiên, khi BBC đăng bài viết hợp ý quan điểm của họ, hoặc là nói về Việt Nam một cách thuận lợi thì họ lại dẫn nguồn từ BBC một cách kịch liệt (?!) Sự mâu thuẫn trong tư duy của họ quả thật đã khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Phần III: Việt Nam và bi kịch của một nền Triết học đã chết.
Stephen Hawking, nhà Vật lý lý thuyết và Vũ trụ học vĩ đại người Anh, đã có một nhận định hết mực nổi tiếng, có thể sánh ngang với luận đề “Chúa đã chết” của Friedrich Nietzsche:
Triết học đã chết.
Cái “chết” mà Hawking nghĩ về Triết học hiện đại, không phải là cái chết theo nghĩa Sinh học, một cái chết tiêu vong, mà là cái chết “lâm sàng”, cái chết do tạm thời mất cảm xúc. Với một tầm nhìn bao quát, ông cảm nhận sự thiếu đồng hành Triết học và Vật lý học là một điều đáng lo lắng. Dường như trong một cảm giác bất an, Hawking đã thốt lên: “Triết học đã chết”. Ông cho rằng, Triết học đã vô cảm trước một chấn động lớn của tư duy, một cuộc cách mạng Khoa học làm đảo lộn nhận thức của nhân loại về thế giới, về bản chất của vật chất, cùng với những thuộc tính phi truyền thống của nó, mà Vật lý học khám phá từ những năm đầu của thế kỷ XX. Những khám phá đã mở đường cho Khoa học công nghệ đẩy nền văn minh nhân loại lên những đinh cao chưa từng thấy. Thế nhưng, Triết học vẫn chưa thoát ra khỏi trói buộc của tư duy cổ điển để có mặt kịp thời trong một thời điểm lịch sử tư tưởng có tính bước ngoặt như vậy. Trong tư duy của các nhà Triết học, phải chăng họ vẫn coi Triết học là một Khoa học duy lý tự thân? Sự tìm kiếm tri thức liệu chỉ là một phân nhánh của Triết học?
Một nhà Khoa học kiệt xuất như Stephen Hawking mà trăn trở trước thực tại Triết học như vậy, nói lên nỗi lo âu của ông về nguy cơ của những mưu toan lợi dụng Khoa học, xuyên tạc và bóp méo chân lý khoa học để chống lại chính Khoa học và thế giới quan khoa học. Là một Nhà Vật lý lý thuyết, ông vẫn chăm lo đến đời sống của Triết học, sản phẩm tư tưởng vô giá của nhân loại. Đây quả là tư duy của một vĩ nhân, một nhân cách lớn.
Trong buổi đầu tiếp cận với nền Triết học vĩ đại phương Tây, Việt Nam theo đuôi Trung Quốc, Trung Quốc thì theo đuôi Nhật Bản, còn Nhật Bản thì theo đuôi phương Tây, mà điều oái oăm là cuộc theo đuôi đó đã sai lệch ngay từ ban đầu!
Trong buổi ban đầu giao thoa văn hóa, khi dịch sách, điều khó khăn nhất là tìm cho ra những thuật ngữ tương đương giữa hai nền văn hóa vốn khác biệt nhau từ bản chất. Danh dùng để chỉ thực. Thực không có thì lấy đâu ra danh? “Triết học” chính là một trong những cái thực không có đó trong nếp suy tư phương Đông. Ta không thể tìm ra một cái danh trong nền văn hóa của ta để chỉ một cái thực của một nền văn hóa khác, nếu như cái thực đó không hề tồn tại trong nền văn hóa của ta, trong hiện thực lẫn tư duy. Họ không thể nào dịch được, bởi vì đó là những cái thực không hề tồn tại trong đời sống của họ. Thường thì khi dịch, trong những trường hợp như thế, người ta dùng cách phiên âm. Chẳng hạn, kinh Phật bản tiếng Hán phiên âm Prajñāpāramitā thành Bát-nhã-ba-la-mật, Bodhisattva thành Bồ-đề-tát-đỏa.
Hiện nay, bất kỳ người nào có trình độ phổ thông cũng đều có thể biết là từ “Triết học” trong tiếng Việt là cách dịch của từ “philosophy” trong tiếng Anh, hay “philosophie” trong tiếng Pháp hoặc tiếng Đức. Và các từ đó, trong ngôn ngữ phương Tây, lại bắt nguồn từ cách phiên âm của từ philosophia trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “yêu thương tri thức”, “yêu thương minh triết”. Philosophia là từ kết hợp philein (yêu thương) với sophia (tri thức, minh triết).
Nishi Amane, một học giả Nhật Bản thời Duy Tân Minh Trị có công khai minh Triết học cho người Nhật, đã dịch từ “philosophy” là “Hy Triết học” (希 哲 學). Chữ “Hy” này không phải là “Hy” trong Hy Lạp, mà có nghĩa là “khát vọng”, “kỳ vọng” “ngưỡng mộ”, “hâm mộ”, “ái mộ”, hẳn là được dùng để diễn tả cái ý philein trong philosophia. Nishi Amane đã vay mượn chữ “Hy” từ chương Chí học (志 學) trong tác phẩm “Thông Thư” (通 書) của một Nho gia lỗi lạc đời Tống là Chu Đôn Di. Câu đó là “Sĩ hy hiền” (士 希 賢, Kẻ sĩ hâm mộ người hiền). Dựa trên ý nghĩa gốc của từ philosophia, Nishi loại bỏ chữ “Hiền” vốn mang nặng ý vị Nho gia, rồi thay bằng chữ “Triết” (哲) có cùng nghĩa, cuối cùng dịch thành “Hy Triết học”, và ông cho đó là cách phiên dịch tương đối chuẩn xác. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau khi Nishi Amane từ Hà Lan về nước, vào thời Thiên Hoàng Minh Trị, ông lại bỏ chữ “Hy” đi, giản lược “Hy Triết học” thành “Triết học”, và được dùng đến tận hôm nay.
Trên thực tế, Việt Nam không có các trường phái Triết học. Vấn đề cơ bản của Triết học, duy vật và duy tâm, biện chứng và siêu hình,... chưa được đặt ra và giải quyết. Nếu có những tư tưởng Triết học nào đó, thì nó cũng hoà lẫn trong Văn học, Sử học, hoặc tôn giáo. Và hầu hết là du nhập từ nước ngoài và được cải tạo để thực tế với Việt Nam, từ Nho giáo của Trung Quốc cho đến Chủ nghĩa Marx - Lenin của phương Tây. Chứ nội tại thì không có.
Điều này càng được thấy rõ qua hiện tượng Văn - Sử - Triết bất phân trong Văn học trung đại Việt Nam. Hiện tượng Văn - Sử - Triết bất phân, đặc biệt là Văn - Triết bất phân, vốn là sản phẩm của trình độ tư duy nghệ thuật còn hạn chế, khi luận lý (logic) và hình tượng chưa thể được tách biệt rạch ròi như hiện đại. Nói đến hiện tượng Văn - Sử - Triết bất phân chính là nói đến hiện tượng đan xen giữa hai hình thái tư duy luận lý và hình tượng. Trong sáng tác văn chương thời kỳ này, tư duy hình tượng chưa thể lấn át được hoàn toàn tư duy luận lý như ở thời hiện đại về sau. Với Văn học trung đại, nội dung các ý tưởng, các khái niệm mang tính chất Triết học nói chung vẫn tồn tại trong các tác phẩm một cách trực tiếp bằng tư duy luận lý; trong khi với Văn học hiện đại, chúng đã tồn tại theo kiểu gián tiếp, tan biến vào trong hình tượng.
Tại sao lại nói Triết học ảnh hưởng trực tiếp đến Văn học? Mối quan hệ giữa Triết học và Văn học là mối quan hệ giữa ý thức tư tưởng với nghệ thuật miêu tả, phản ánh. Triết học cung cấp cho Văn học lối nhìn, cách nghĩ, cách rút ra những kết luận về hiện tượng và sự vật. Còn Văn học, bằng tình cảm, khi nêu lên được những vấn đề cuộc sống, con người, mối quan hệ giữa người với người,… thì Văn học cũng đạt được tầm Triết học. Những tư tưởng Triết học có ý nghĩa chỉ đường cho Văn học, làm cơ sở tư tưởng, chỗ dựa tinh thần cho văn chương. Ở phía ngược lại, Văn học, với nghệ thuật biểu hiện bằng hình tượng của mình, đã dễ dàng truyền tải đến người đọc những tư tưởng mang tầm Triết học về thiên nhiên, cuộc sống.
“Triết học là để được nghiên cứu, không phải vì bất kỳ câu trả lời nhất định nào cho các câu hỏi của nó, vì không có câu trả lời nhất định nào có thể, như một quy tắc, được biết đến là đúng, mà là vì lợi ích của các câu hỏi của chính họ; bởi vì những câu hỏi này làm rộng khái niệm của chúng ta và những gì có thể, hãy làm giàu cho chúng ta trí tưởng tượng trí tuệ và giảm bớt sự đảm bảo về tâm trí mà đóng cửa chống lại sự suy đoán; nhưng trên tất cả bởi vì, thông qua sự vĩ đại của vũ trụ mà Triết học suy ngẫm, tâm trí cũng được tạo ra sự vĩ đại và trở nên có khả năng của sự liên minh đó với vũ trụ tạo nên điều tốt đẹp cao nhất của nó.” - Bertrand Russell, “Những vấn đề của Triết học” (1912), Chương XV: Giá trị của Triết học, tr. 127
Theo tôi, hiện tượng Văn - Sử - Triết bất phân thậm chí vẫn còn tồn tại ngay trong lòng xã hội Việt Nam đương đại, khi mà các hiểu biết Triết học vẫn còn hạn chế, đạo đức xã hội suy đồi, văn chương rập khuôn chẳng có tính nghệ thuật, Lịch sử ở Việt Nam thì lại “đang được giảng dạy như một tôn giáo” (Huskywannafly, 2022).
Người được xem là nhà Triết học duy nhất, và có lẽ cũng là cuối cùng của Việt Nam, là Giáo sư Trần Đức Thảo. Giáo sư Thảo chính là một nhà Triết học vĩ đại hiếm có của Việt Nam đã ghi tên mình trên trường quốc tế. Nước ta vốn không có nền Triết học mạnh vì những hậu quả khách quan của thời cuộc, nhưng Giáo sư thật sự đặc biệt.
Năm 1936, Giáo sư sang Pháp thi vào Đại học Sư phạm phố Ulm. Từ 1936 - 1943, ông học ngành Triết học và nhận văn bằng đặc biệt của ngành giáo dục về Triết học. Năm 1943, Giáo sư Trần Đức Thảo đỗ thủ khoa Thạc sĩ Triết học tại Đại học Sư phạm phố Ulm. Giáo sư có rất nhiều thành tựu: (1) Nghiên cứu sự đối chiếu hiện tượng học của Husserl với Chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ yếu thuộc giai đoạn ông sống và viết ở Pháp (1941 - 1951). (2) Những công trình viết về sự chuyển hóa của phép biện chứng duy tâm Hegel thành phép biện chứng duy vật của Marx, cùng vai trò của Chủ nghĩa Marx trong việc nhận thức và cải tạo thế giới. (3) Những công trình nghiên cứu có thể được xếp vào chủ nghĩa duy vật biện chứng của Giáo sư Trần Đức Thảo (1966 - 1986): ý thức, tư tưởng xuất hiện như thế nào trong cuộc tiến hóa vĩ đại của tự nhiên đi từ vật chất, qua sinh vật, lên nhân loại. Cũng chính ở mảng này, ông đã để lại một tác phẩm có tầm vóc quốc tế. (4) Liên quan đến bản chất và sự hình thành con người, qua đó, ông cũng nêu sơ đồ tiến hoá của lịch sử loài người, từ “xã hội cộng sản nguyên thủy” lên “xã hội cộng sản khoa học”, thông qua sự chuyển biến của các phương thức sản xuất trung gian.
Sau khi về nước, tấn bi kịch xuất hiện với ông. Vụ Nhân văn - Giai phẩm chẳng hạn. Phong trào này tuyên bố mục tiêu là đòi tự do thể hiện quan điểm chính trị cho giới nghệ sĩ. Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại cho rằng phong trào đã “lợi dụng việc sáng tác văn nghệ để tuyên truyền chống Nhà nước”. Ta có thể thấy rõ điều này qua bài viết của Tố Hữu:
Lật bộ áo “Nhân Văn – Giai Phẩm” thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, Trốt-kít địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm. Trong cái công ty phản động “Nhân Văn - Giai Phẩm” ấy thật sự đủ mặt các loại “biệt tính”: từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn Trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ.
Thế là chủ trương “quét sạch những nộc độc của Trần Đức Thảo trong việc giảng dạy Triết học” diễn ra. Giáo sư Nguyễn Đình Chú giảng viên cao cấp của khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) viết:
Điều không thể không nói là sau đợt đấu tranh này, quan hệ giữa các thầy bị đấu tranh với mọi người, với các học trò, trong đó có quan hệ giữa thầy Thảo với tôi, coi như phải chấm dứt dù còn ở chung nhà tập thể. Cách đây vài năm, anh Cù Huy Chử cho tôi biết ngày Thầy sống ở Sài Gòn trước khi đi Pháp, có lần Thầy nói với anh: Nguyễn Đình Chú là người ghi bài giảng của Thầy để làm tài liệu học tập cho sinh viên nhiều nhất và tốt nhất nhưng sau cuộc đấu tố, gặp mình mà không chào. Quả có sự thật khốn nạn đó. Hàng ngày vẫn gặp Thầy lên xuống ở cầu thang mà tôi cứ phải cúi mặt xuống không dám chào Thầy vì sợ liên lụy, vì xấu hổ về tội phản Thầy. Chỉ một Đoàn Mai Thi là người duy nhất không sợ gì cả vẫn thường xuyên lui tới săn sóc Thầy trong hoạn nạn, để lại một điểm son về đạo tôn sư trong lòng chúng bạn.
Tất cả những sự việc này, suy cho cùng, là bi kịch của một nền Triết học yếu kém đã chết với tư tưởng cổ hủ. Vladimir Lenin từng viết: “Triết học không có quyền gì được tồn tại độc lập, và tài liệu của nó đều nằm ở trong các ngành khác nhau của Khoa học thực chứng”. Ông còn viết: “Trào lưu mạnh mẽ đi từ Khoa học tự nhiên sang Khoa học xã hội không những chỉ tồn tại ở thời đại Petty, mà cả ở thời đại Marx. Đến thế kỷ XX, trào lưu đó vẫn còn mạnh mẽ không kém thế, nếu không phải là mạnh hơn”. Nếu những người Cộng sản tự hào khi được gọi là học trò của Karl Marx, Vladimir Lenin, Friedrich Engels, thì bây giờ họ đều đã làm sai những lời dạy của những bậc vĩ nhân đó rồi đấy.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 01/12/2022, hoàn thành vào 03/12/2022.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] “Tifosi, yêu nước online và Chủ nghĩa Sô vanh”, trantuanst22, Spiderum.
[2] Holland, K., 2019. Superiority Complex: Understanding It, Traits, Treatment and More.
[3] “Lược sử bóng đá: Từ công cụ của thực dân đến công cụ của chủ nghĩa dân tộc”, Tornad, Spiderum.
[4] “Khuyến Học”, Fukuzawa Yukichi, Nhã Nam.
[5] Orwell, George. 1949. Nineteen Eighty-Four. London: Martin Secker & Warburg Ltd.
Ngày 03 tháng 12 năm 2022,
Trần Tuấn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất