Lược sử bóng đá: Từ công cụ của thực dân đến công cụ của chủ nghĩa dân tộc
Tìm hiểu lịch sử của bóng đá Việt Nam từ thời kì thuộc địa cho đến hiện tại trong 4800 chữ, cảm thấy dài quá thì tốt nhất không đọc, mở TikTok lên mà chơi cho sướng.
Đối với quần chúng Việt Nam, bóng đá từ vài chục năm nay đã trở thành món ăn tinh thần ưa thích, và ít nhất từ năm 1995 người Việt đã bắt đầu có hiện tượng cuồng bóng đá và đi bão [1], tuy nhiên các hoạt động này thường hiếm khi xuất phát từ tình yêu thuần tuý với bóng đá, mà luôn bị pha tạp với một loạt biểu hiện và tình cảm liên quan đến “yêu nước”, “vận nước”, “vị thế quốc gia”, “tự hào dân tộc” nên nhu cầu bức thiết là cần đặt câu hỏi liệu những tình cảm này có được bắt nguồn và phát triển một cách tự nhiên, và đâu là nguyên do khiến tình yêu bóng đá thường bị đồng nhất với tình yêu dân tộc và yêu nước?
Phụng sự mục đích trả lời các câu hỏi trên, bài viết này đi theo hướng tìm hiểu lịch sử bóng đá ở Việt Nam kể từ thời thực dân Pháp mới cho du nhập, tiếp theo tìm hiểu mối quan hệ giữa bóng đá và chủ nghĩa dân tộc, để biết nó như thế nào, có từ bao giờ, và vì sao lại có, và cuối cùng là cách mà bóng đá đang chi phối đời sống xã hội của người Việt.
Như chúng ta đang thấy, bóng đá ở Việt Nam hiện tại là trò chơi của giới quần chúng, thay vì là trò chơi đặc trưng của giới thượng lưu (như đánh gôn) hoặc trí thức (như cờ vua); cạnh đó các lò đào tạo bóng đá hầu hết tuyển trẻ em từ các gia đình nghèo, do đó vận động viên bóng đá gần như không thuộc giới trí thức. Nhưng trong quá khứ điều này có đúng không?
Lịch sử bóng đá Việt Nam là thứ lịch sử non trẻ đối với lịch sử đất nước, và với cả chính lịch sử của trò chơi này trên thế giới. Bóng đá bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng những năm 1900 do thực dân Pháp mang đến. Nghiên cứu L’armée coloniale et l’acculturation sportive des élites indochinoises 1897-1939 (Quân đội thực dân và sự tiếp biến văn hoá thể thao của giới tinh hoa Đông Dương 1897-1939) [2] của Brice Fossard cho biết bấy giờ chính quyền Pháp đang muốn thuyết phục thanh niên Đông Dương đi lính cho mẫu quốc và muốn xây dựng một mạng lưới tinh hoa địa phương thân Pháp, nên quân đội đổ bộ lên thuộc địa mang nhiệm vụ kép là đào tạo lính và phụ tá từ những người bản địa, và thúc đẩy quá trình tiếp biến văn hoá (l’acculturation) – tức cho tiếp nhận và biến đổi nền văn hoá – ở thuộc địa.
Cạnh đó môn bóng đá đi theo với mục đích rèn luyện sức khoẻ cho lính Pháp chống chọi được với thời tiết nhiệt đới, ban đầu người chơi và huấn luyện viên đều là người Pháp, nhưng không lâu sau nó lan sang người bản địa, rồi cuối cùng bằng cả vô tình vẫn cố tình, bóng đá trở thành công cụ đắc lực cho quân đội Pháp thực hiện nhiệm vụ kép đã nói bên trên. Nhưng cần lưu ý rằng người Pháp chỉ nhắm vào tầng lớp tinh hoa bản địa để đồng hoá, chứ không quan tâm đến tầng lớp bình dân.
Tinh hoa bản địa (les élites autochtones) chỉ đến nhóm người bản xứ đang có sẵn quyền lực đối với bản quốc, họ có thể là các viên chức làm việc cho vua và bộ máy nhà nước, hoặc có thể là các trí thức và các nhà giàu. Thực dân Pháp chỉ quan tâm nhóm người này chứ không phải nhóm bình dân, bởi đơn giản là xã hội phong kiến (và sắp trở thành thuộc địa nửa phong kiến) thời bấy giờ người dân không có quyền lực gì cả, thực dân Pháp không cần thuyết phục người dân mà chỉ cần đàn áp và cưỡng bách họ là đủ.
Nhưng quá trình tiếp biến văn hoá của người Pháp không hề suôn sẻ, nghiên cứu Du Football au Vietnam 1905-1949 : colonialisme, culture sportive et sociabilités en jeux (Bóng đá ở Việt Nam 1905-1949: chủ nghĩa thực dân, văn hoá thể thao và tính hoà đồng trong trò chơi) [3] của Agathe Larcher-Goscha cho biết một loạt hoạt động giải trí mới mẻ thời đó như cà-phê vỉa hè, nhà hát trên đại lộ, đi ngắm cảnh trong vườn bách thảo, và tất cả các môn thể thao đều không hấp dẫn được người Việt. Larcher-Goscha lí giải do thể thao đi ngược với quan niệm Nho giáo cố hữu rằng giới tinh hoa và phụ nữ phải biết kìm chế bản thân, không hoạt động quá trớn, đặc biệt giới trí thức Nho giáo coi thường các công việc chân tay và chủ trương sống cuộc sống ít vận động.
Nhận định này là chính xác và bây giờ ta vẫn còn thấy dấu vết của nó qua tục lệ nuôi móng tay dài của giới Nho sĩ xưa. Việc người dân, gồm cả bình dân lẫn tinh hoa, không hưởng ứng thể thao cũng là một quan sát đúng, nó khớp với những gì chúng ta được biết trong lịch sử, chẳng hạn qua thái độ của nhà văn Nguyễn Công Hoan với truyện ngắn Tinh thần thể dục. Có thể do quan niệm cũ của Nho giáo, có thể do các trí thức bấy giờ nhìn ra mục đích đồng hoá của người Pháp mà thể thao suốt thời kì thuộc địa chưa bao giờ phổ biến trong quần chúng bình dân.
Mãi đến khoảng năm 1910 giới tinh hoa Việt mới dần hưởng ứng các hoạt động giải trí này một cách dè dặt, bắt đầu từ đây bóng đá trở thành công cụ cho cả hai nhóm người đồng thời: thứ nhất là thực dân Pháp với nhiệm vụ kép như đã trình bày bên trên, thứ hai là giới tinh hoa Việt, đặc biệt những người có tinh thần dân tộc, sử dụng bóng đá như công cụ để giành lấy sự tôn trọng của người Pháp cho dân tộc Việt; mặt khác vì là những trí thức, họ thường xuyên đăng đàn kêu gọi tinh thần thể thao trong toàn dân, bởi họ tin rằng dân tộc Việt cần có thể trạng tốt mới có thể nghĩ đến chuyện phục quốc.
Quãng thời gian này chủ nghĩa yêu nước đã bắt đầu manh nha được đồng nhất với thể thao và giáo dục thể chất, các dấu vết của nó có thể tìm đọc ở các báo: tờ Tribune Indigène (12/9/1918, tr2), Mac-Moc, « La régénérescence du corps et de l’esprit par les sports » (Cải thiện thể chất và tinh thần nhờ thể thao) ; tờ Echo Annamite (18/10/1928, tr1), Duong Van Loi, « L’éducation physique chez les Annamites » (Giáo dục thể chất ở người An Nam).
Đối với người Việt thời kì này, thể thao không còn là trò chơi, nó trở thành một dạng của sự nghiệp phục quốc và một dạng hứa hẹn cho tương lai dân tộc, theo một nghĩa nào đó có thể hiểu rằng giới tinh hoa Việt bấy giờ thật sự đã bị ru ngủ, dẫu tác dụng kiểu này không thực sự là thứ thực dân Pháp muốn nhắm đến.
Tác giả của nghiên cứu nhận định: “Những nhà chủ nghĩa dân tộc hiện đại ấy tin rằng một cuộc cải cách văn hoá trong xã hội là cần thiết để đồng bào của họ nhận được từ giới thực dân lòng tôn trọng tối cần cho sự hợp tác giữa những con người bình đẳng về mức độ văn minh và tài năng. Đối với nhóm người này, thể thao (của phương tây) trở thành nỗi ám ảnh đích thực, nó được coi như vũ khí hoặc sự nghiệp vệ quốc. Nó là hiện thân của một lối sống thể hiện giá trị hiện đại và ‘văn minh’ ở tầm vóc ngang hàng với giới thực dân. Nó trở thành, bên cạnh vai trò giải trí lành mạnh cho thể chất và tinh thần, một lời hứa hẹn trong tương lai về con đường cứu rỗi cho bản thân và tập thể đồng bào của họ.” (Larcher-Goscha, tr84-5)
Đến đây chúng ta thấy rõ rằng bóng đá ở Việt Nam ngay từ buổi đầu xuất hiện đã trở thành công cụ cho cả hai phe thực dân và dân thuộc địa, cũng như thấy rõ rằng suốt thời kì thuộc địa nó là công cụ của giới trí thức và giới chính khách, giới bình dân không đóng một vai trò nào cả. Thảy những sự này trái ngược với những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện tại, thời mà cầu thủ xuất thân từ tầng lớp dân lao động nghèo, môn bóng đá thường kích động cảm xúc của giới bình dân thay vì giới trí thức.
Điều gì đã gây ra chuyển biến này? Tôi sẽ tìm câu trả lời bằng cách tìm hiểu về mối quan hệ giữa thể thao nói chung và bóng đá nói riêng với chủ nghĩa dân tộc ở phần sau.
Mối quan hệ giữa thể thao và chiến tranh là thứ đã tương đối rõ ràng, rất nhiều môn thể thao có liên hệ chặt chẽ với chiến tranh như đấu vật, ném lao, bắn cung, đua xe ngựa, v.v. Và sự kiện lần đầu tiên loài người tổ chức một đại hội thể thao là thứ liên quan đến chiến tranh không thể chối cãi – cuộc thi Olympic.
Olympic lần đầu tiên diễn ra vào năm 766 TCN và bấy giờ quy mô chỉ bó hẹp trong các thành quốc của Hi Lạp cổ đại. Hi Lạp cổ là vùng đất không quá lớn thế nhưng bị chia cắt thành hàng nghìn các thành quốc (city-state) và những thành quốc này giữ thái độ đối địch nhau liên miên. Thế nhưng Olympic đã làm được điều kì diệu là giữ hoà bình trên toàn cõi Hi Lạp bằng hiệp định đình chiến (Olympic Truce) để các vận động viên từ tất cả thành quốc được an toàn tụ họp tại thành phố Olympia và cùng thi đấu thể thao với nhau. Ẩn dụ chiến tranh của Olympic càng rõ ràng khi người chiến thắng không nhận về tiền bạc của cải mà nhận về chiếc vòng đội đầu làm từ lá ô-liu, một loài cây tượng trưng cho hoà bình ở Hi Lạp, cùng với danh tiếng tót vời.
Nhìn chung việc thể thao ẩn dụ cho chiến tranh không phải xấu, nó phần nào còn tốt cho thời kì loài người còn dã man, bởi trong thể thao dẫu thua cũng không ai chết cả, còn người thắng thì họ và thành quốc của họ vẫn nhận được danh vọng và lòng tôn trọng không kém gì khi lập công ngoài chiến trường, thậm chí còn hơn, vì tượng của người chiến thắng được tạc và đặt ở thánh địa Olympia nơi của các vị thần.
Lại nói về bóng đá, bóng đá hiện đại với luật chơi như ngày nay mới chỉ ra đời từ thế kỉ 19, thế kỉ 19 trùng hợp thay cũng là thời kì mà chủ nghĩa dân tộc ngóc đầu trỗi dậy. Chủ nghĩa dân tộc sớm cho cả thế giới thấy nỗi kinh hoàng đến từ sự nguy hiểm của nó khi một người dân tộc cực đoan như Adolf Hitler xuất hiện kéo theo đó là sự hình thành chủ nghĩa phát-xít để dẫn đến Thế chiến II. Bản thân Hitler ngay từ sớm đã rất biết cách tận dụng bóng đá để dâng cao chủ nghĩa dân tộc, bằng cách đầu tư mạnh nhằm giành huy chương trong các cuộc thi đấu bóng đá. Không chỉ nước Đức của Hitler, mà nước Ý của Benito Mussolini, và Nga Xô của Joseph Stalin cũng rất tích cực khai thác điều này từ bóng đá. [4]
Trong công cuộc lí giải sự gắn bó giữa thể thao và chủ nghĩa dân tộc, các nhà nghiên cứu gần như không thể không nhắc đến Benedict Anderson và khái niệm cộng đồng tưởng tượng, Anderson cho rằng quốc gia là “Một cộng đồng chính trị tưởng tượng – được tưởng tượng cả về lãnh thổ lẫn chủ quyền,” và “Tưởng tượng bởi vì các thành viên của quốc gia dù nhỏ nhất sẽ không bao giờ biết về hầu hết thành viên của họ, gặp họ, hoặc thậm chí nghe nói về họ, nhưng trong tâm trí mỗi người vẫn sống động một hình ảnh đoàn kết.” [5] Và từ sau khi chủ nghĩa dân tộc ra đời, một khái niệm mới ra đời kéo theo là quốc gia dân tộc (nation-state), tức một quốc gia nơi mà dân tộc và đất nước được đồng nhất với nhau. Đây chính là mô hình quốc gia mà hầu hết các nước trên thế giới đang theo.
Trong một quốc gia dân tộc, giới cầm quyền của một quốc gia cần một công cụ nào đó có khả năng gắn kết người dân bằng chủ nghĩa dân tộc để giữ vững sự tồn tại của cộng đồng tưởng tượng đó. Trong thực tế không có nhiều sự vật, sự việc đáp ứng được điều này, chỉ do trùng hợp mà thể thao đáp ứng được, và cụ thể môn bóng đá đáp ứng tốt nhất. Vậy nên như J. Hoberman và nhiều nhà nghiên cứu khác đã nhận định rằng tuy thể thao không đồng nghĩa với chủ nghĩa dân tộc và những thứ tương tự, nhưng do tính dễ uốn nắn nên nó sớm trở thành thứ công cụ đầy hấp dẫn. [6]
Cụ thể thì sau đây là những đặc điểm để bóng đá trở thành công cụ lí tưởng của chủ nghĩa dân tộc:
Bóng đá là thể thao, các sự kiện thể thao vốn mang đặc trưng là quy tụ nhiều người và các vận động viên cần nhiều người cổ vũ để tăng hiệu suất thi đấu (duy có các môn cờ là ngoại lệ và cũng mãi đến năm 1999 cờ vua mới được Olympic công nhận là thể thao), cùng với sự phát triển của truyền thông, thể thao thường được phát sóng trực tiếp để trên lí thuyết toàn bộ người dân đều có thể theo dõi cuộc thi.
Bóng đá là môn chơi đồng đội, nó dễ được đồng nhất với quốc gia hơn so với những môn chơi đơn lẻ. Ngoài ra bóng đá còn thực thể hoá quốc gia, một thứ trừu tượng, dưới hình ảnh mười một con người có thật và có tên tuổi cụ thể, điều này khiến cho toàn bộ người dân, bao gồm cả những người thiếu thông minh và trí tưởng tượng nhất, đều có thể hiểu được khái niệm quốc gia chỉ bằng hành động đơn giản là đồng nhất đội bóng với quốc gia. Đây cũng là lí do bóng đá nam được chọn thay vì bóng đá nữ, bởi trong một cuộc chiến và sự kiện ẩn dụ chiến tranh, hình ảnh người đàn ông vạm vỡ được ưa chuộng hơn người phụ nữ vạm vỡ.
Eric Hobsbawm nhận định, “Trong thời chiến, dẫu vậy, thể thao quốc tế, như George Orwell đã sớm thấy ra, trở thành một biểu hiện cho đấu tranh dân tộc, và các vận động viên đại diện cho dân tộc hoặc quốc gia của họ, những biểu hiện cốt lõi cho cộng đồng tưởng tượng của họ. […] Cái khiến cho thể thao trở thành công cụ hữu hiệu và độc nhất cho việc nhồi sọ tình cảm dân tộc, ở tất cả sự kiện cho nam giới, là tính dễ dãi mà ở đó ngay đến những người ít liên quan đến chính trị nhất cũng có thể được đồng nhất với quốc gia dưới hình tượng những người trẻ xuất chúng ở lĩnh vực mà trong thực tế người dân muốn, hoặc vào lúc nào đó trong đời muốn, được trở nên giỏi giang như họ. Cộng đồng tưởng tượng của hàng triệu người dường như trở nên thật hơn dưới hình hài một nhóm mười một người có tên tuổi. Một cá nhân, thậm chí chỉ là người cổ vũ, trở thành biểu tượng cho quốc gia của mình.” (Hobsbawm, tr143) [7]
Bóng đá là môn có tính cạnh tranh cao và dễ dẫn đến va chạm thể chất nên ẩn dụ tốt hơn cho chiến tranh, do đó chủ nghĩa dân tộc ưa thích hơn, bởi từ sau Thế chiến II thế giới bước vào thời kì hoà bình dài. Chiến tranh xưa là nơi tốt nhất để các mâu thuẫn sắc tộc, quốc gia, hay chỉ đơn giản là sự khác biệt, có chỗ xả, thì nay chiến tranh vắng bóng, giới cầm quyền cần thay thế cái gì đó vào, trùng hợp thay bóng đá là lựa chọn lí tưởng.
Bóng đá là môn có ít bàn thắng, đây cũng là ưu điểm vì nó tạo sự hồi hộp và vỡ oà mỗi khi đội nhà thực hiện được các bàn thắng hiếm hoi. Môn rất gần với bóng đá là futsal không được chọn chính vì đặc điểm này. Ngoài ra tính dễ theo dõi, dễ chơi, dễ hiểu của bóng đá cũng là ưu điểm để nó trở thành chất keo gắn kết người dân bằng chủ nghĩa dân tộc.
Thực tế, bóng đá và chủ nghĩa dân tộc ăn sâu vào nhau đến mức người ta không để ý được những điểm quái dị của nó. Chẳng hạn lâu nay các đội tuyển quốc gia được đóng chết (ít nhất trên diễn ngôn) vào một lối chơi: Brazil là “juego bonito”, Tây Ban Nha “tiki-taka”, Hà Lan “total football”, Đức “machine football” v.v. mà người nghe không thắc mắc là tại sao một lối chơi có thể bị đóng chết như thể căn tính của một dân tộc hay cá nhân. Về cơ bản, trong mọi trò chơi lối chơi hoàn toàn có thể thay đổi tuỳ quyết định của người chơi sao cho tối ưu trong việc giành chiến thắng.
Hay gần đây, sau một loạt thành công ở bóng đá, hệ thống tuyên truyền và người hâm mộ bắt đầu đồng nhất bóng đá với vận nước, niềm vui thắng bóng đá với niềm vui dân tộc, và yêu bóng đá tức là yêu nước. Chắc chắn sự gắn kết này là sản phẩm của lợi dụng và nguỵ tạo, bởi nhiều quốc gia không hề chuộng bóng đá (Mĩ chẳng hạn) hoặc nhiều quốc gia không có nền thể thao nói chung phát triển (Việt Nam có thể nằm trong nhóm này, kì Olympic 2020 ở Nhật vừa qua Việt Nam không có huy chương nào cả và thành tích trong lịch sử Olympic nói chung là rất thấp) thì phải chăng vận nước của những quốc gia đó rất đáng lo ngại?
Như vậy ở phần này chúng ta thấy rằng không chỉ ở riêng Việt Nam mà trên khắp thế giới bóng đá đều là công cụ của chủ nghĩa dân tộc nói riêng, và những mục đích không thuộc phạm vi trò chơi nói chung, ngay từ thuở sơ khai của trò chơi có tuổi đời non trẻ này. Mục đích rèn luyện thể lực chỉ là thứ yếu, bóng đá được định hướng để kích thích chủ nghĩa dân tộc, và chủ nghĩa dân tộc cũng là lí do chính để nó có lượng người yêu thích đông đảo như vậy.
Trong phần I tôi đã đặt câu hỏi nguyên do nào khiến bóng đá thời thuộc địa là trò chơi thượng lưu, mà nay trở thành trò chơi bình dân, phần III sẽ trả lời trực tiếp câu hỏi đó.
Năm 2017, Ørnulf Seippel công bố một nghiên cứu mang tên Sports and Nationalism in a Globalized World (Thể thao và chủ nghĩa dân tộc trong thế giới toàn cầu hoá) [8], nghiên cứu này khảo sát trên 25 quốc gia để xem xét mức độ của chủ nghĩa dân tộc thể thao tương quan với các yếu tố tuổi tác, nhu nhập, học thức, v.v. ở cấp độ cá nhân và quốc gia. Đây là một nghiên cứu dài và sau đây tôi chỉ tóm tắt chứ không trình bày kĩ: ở cấp độ cá nhân, tuổi tác, tôn giáo, thu nhập, hành động chơi thể thao, và hành động cổ vũ thể thao tỉ lệ thuận với mức độ chủ nghĩa dân tộc thể thao, nhưng trình độ học thức tỉ lệ nghịch với điều đó; ở cấp độ quốc gia: các nước dân chủ hơn, thịnh vượng hơn, và toàn cầu hoá hơn thì có ít tinh thần dân tộc thể thao hơn.
Ở đây tôi muốn tập trung nói về tỉ lệ nghịch giữa trình độ học thức và chủ nghĩa dân tộc thể thao. Biểu đồ trên cho thấy cá nhân càng được giáo dục cao thì tinh thần dân tộc thể thao càng thấp, đồng thời cũng cho thấy các nước phát triển (như Thuỵ Sĩ, đường dưới cùng biểu đồ, tức tinh thần dân tộc thể thao thấp nhất) có mức độ chủ nghĩa dân tộc thể thao thấp hơn các nước kém phát triển (như Philippines, đường trên cùng, tinh thần cao nhất). Ngoài ra cần xem xét đến mức độ ảnh hưởng của giáo dục tuỳ theo nước, nước giàu như Thuỵ Sĩ tác động của giáo dục rất lớn, trong khi nước nghèo như Philippines và Mexico tác động gần như không, đường đồ thị gần như chạy ngang.
Tác giả nghiên cứu chỉ ra rằng các cá nhân ngày nay được hưởng nền giáo dục toàn cầu hoá, thế giới ngày càng phẳng và người có học thức sớm hiểu được mình là một phần của thế giới, của cái rộng lớn hơn dân tộc và quốc gia, nên giáo dục tỉ lệ nghịch với chủ nghĩa dân tộc thể thao là đúng như dự đoán. Nhưng tác động của giáo dục lại tuỳ vào mức độ toàn cầu hoá của quốc gia, một quốc gia toàn cầu hoá kém như Philippines khiến cho ảnh hưởng của giáo dục gần bằng 0.
Điều này lí giải cho chúng ta tại sao ngày nay bóng đá ở Việt Nam ảnh hưởng đến bình dân hơn giới trí thức, bởi học thức và chủ nghĩa dân tộc thể thao tỉ lệ nghịch với nhau. Thời thuộc địa, lúc ấy các tư tưởng về dân chủ và cộng hoà chưa lan truyền đến Việt Nam, khiến cho người dân chưa ý thức được quyền lực mình có với quốc gia, do đó thực dân Pháp chỉ tập trung ru ngủ giới trí thức và giới thống trị mà thôi. Nhưng ngày nay ý thức về quốc gia của người dân đã khác, nên giới chính khách cũng cần mở rộng đối tượng ru ngủ ra thành toàn bộ người dân. Trong lúc đó, bị can thiệp bởi tư tưởng toàn cầu hoá nên công cụ ấy gần như vô tác dụng đối với giới trí thức.
Nó cũng lí giải cho chúng ta hiểu vì sao xưa kia người Việt không hứng thú với bóng đá mà ngày nay lại phát cuồng vì nó đến thế. Nhưng nói cho chính xác, số đông người Việt không yêu bóng đá vì tình yêu thuần tuý với trò chơi này, mà họ yêu vì nó kích thích tinh thần dân tộc của họ. Những trận thắng trước đội bóng nước ngoài càng khiến họ phấn khích hơn, nhưng không phấn khích vì đội ta đá hay, mà vì cảm giác dân tộc Việt được đứng trên dân tộc khác mà thôi. Chúng ta có thể thấy rõ khi các trận thắng giữa các CLB trong và ngoài nước nhận về rất ít quan tâm, chỉ trong chừng mực sở thích của một nhóm người, chứ không phải của một dân tộc, số đông quần chúng chỉ quan tâm khi đấu với nước ngoài mà thôi.
Cũng cần lưu ý rằng hành động mang vị thế quốc gia vào thể thao xưa nay xuất phát từ giới cầm quyền và do đó ảnh hưởng đến những người yêu thể thao, chứ không xuất phát từ những người không yêu thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Nhóm người thứ nhất có đầy đủ lí do để làm điều đó, trong khi nhóm người sau thì không. Những ý kiến lôi vị thế quốc gia vào bóng đá của nhóm người sau thực chất để phản bác những hành động đồng nhất bóng đá với vị thế quốc gia của nhóm người đầu tiên mà thôi.
Nói thế cũng tức là muốn không có khói thì nên dập lửa thì hiệu quả hơn dập khói. Thể thao thay cho chiến tranh ở thời loài người còn dã man thì có thể có lợi, nhưng tiếp tục dung dưỡng thứ tư tưởng này trong thời bình thì xã hội Việt Nam giống như đang nuôi nấng một đàn chó săn nguy hiểm luôn đói mồi trong khi người thợ săn nay đã giải nghệ.
Biết rằng toàn cầu hoá đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam không thể nằm ngoài, và cư xử văn minh là thứ tất cả chúng ta đều đang đồng thuận hướng đến, vậy thì câu hỏi cuối cùng cần đặt ra là chủ nghĩa dân tộc có nên tiếp tục được nuôi dưỡng, và làm thế nào để văn minh trong bóng đá nếu chủ nghĩa dân tộc vẫn thống trị nó?
Tham khảo:
[1] ONLINE, TUOI TRE. “30 Năm “Biên Niên Sử” SEA Games - Kỳ 4: “Hình Hiệu” Minh Chiến và Chuyến Vinh Quy Trong “Tâm Bão.”” TUOI TRE ONLINE, 25 Nov. 2019, tuoitre.vn/30-nam-bien-nien-su-sea-games-ky-4-hinh-hieu-minh-chien-va-chuyen-vinh-quy-trong-tam-bao-20191125104806216.htm. Accessed 14 June 2022. [2] Fossard, Brice. “L’armée Coloniale et l’Acculturation Sportive Des Élites Indochinoises (1897-1939).” Staps, vol. n° 127, no. 1, 18 Feb. 2020, pp. 9–27, 10.3917/sta.127.0009. Accessed 14 June 2022. [3] Larcher-Goscha, Agathe. “Du Football Au Vietnam (1905-1949) : Colonialisme, Culture Sportive et Sociabilités En Jeux.” Outre-Mers, vol. 96, no. 364, 2009, pp. 61–89, 10.3406/outre.2009.4414. Accessed 21 Jan. 2021. [4] Roy, Arindam. “How Local Politics and Nationalism Shaped Football as We Know It Today.” Business Standard India, 13 July 2021, www.business-standard.com/article/sports/how-local-politics-and-nationalism-shaped-football-as-we-know-it-today-121071301176_1.html. [5] Anderson, Benedict. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. London, Verso, 1983. [6] Nationalism and Sport – the State of Nationalism. stateofnationalism.eu/article/nationalism-and-sport/. [7] Hobsbawm, Eric J. Nations and Nationalism since 1780: Programme, Myth, Reality. Cambridge Etc., Cambridge University Press, 1992. [8] Seippel, Ørnulf. “Sports and Nationalism in a Globalized World.” International Journal of Sociology, vol. 47, no. 1, 2 Jan. 2017, pp. 43–61, 10.1080/00207659.2017.1264835.
Bài: TORNAD
Ảnh: UYÊN ĐẶNG
23/06/2022
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất