Bất thường là cách một người, mặc dù có đầy đủ nguyên nhân để “bị bệnh”, nhưng vẫn sống một cách “khoẻ mạnh”
Triệu chứng là thước đo tương quan giữa “sức mạnh cái tôi” và “vấn đề chủ quan” của cá nhân
Hôm nay, tôi vô tình nhớ đến một bài luận cũ đã lâu. Bài luận thuộc môn các trường phái trị liệu tâm lý, chủ đề phân tâm học. Dù chẳng rõ độ chính xác của bài viết đến mức độ nào, nhưng đọc lại vẫn thấy mình viết hay quá; vì vậy, liền lật đật đi chia sẻ.
Mặc dù tôi tin rằng có thể chỉnh sửa bài viết để nó trở nên đúng đắn hơn về mặt dụng từ, tôi quyết định không làm vậy; thứ nhất vì lười, thứ hai vì để tái hiện chân thật một giai đoạn học thuật của bản thân.
Lưu ý: Bài luận được viết hoàn toàn dưới góc nhìn phân tâm học, không đảm bảo tính khoa học.
Đề bài: Thế nào là “khỏi bệnh” theo quan điểm phân tâm?
Phân tâm luôn khẳng định mình không quan tâm tới triệu chứng mà chỉ quan tâm tới nguyên nhân đằng sau; nhưng cũng theo phân tâm, “khỏi bệnh” là khi bệnh nhân không còn triệu chứng nữa. Một mặt không coi trọng triệu chứng, mặt khác lại lấy triệu chứng làm cột mốc quan trọng. Điều này có vẻ mâu thuẫn, nhưng đi đúng với niềm tin “thế giới là một ổ bệnh khổng lồ” của Freud; và cái thứ giúp cá nhân vẫn sống khoẻ mạnh mặc dù mang mầm mống bệnh lý là “sức mạnh cái tôi”.
Xét về mặt triết lý, hệ thống lý thuyết của Freud đặt nền tảng trên “chủ nghĩa khoái lạc” khi con người được điều hướng chủ yếu bởi những xung năng tính dục (libido) - dưới hình ảnh cái Ấy. Nhưng từ ngày phát triển ý thức và hình thành nên cái Tôi, cái xung năng của con người bị đàn áp bởi văn minh - dưới hình ảnh Lý tưởng của cái Tôi. Cái Tôi giải quyết mâu thuẫn này bằng các cơ chế đầu tư libido: “thăng hoa” - đầu tư libido vào những hoạt động được xã hội chấp nhận; “chuyển di” - đầu tư libido vào những hành vi thay thế có tính biểu tượng; “triệu chứng” - đầu tư libido vào những hành vi huỷ hoại bản thân mang tính nghi thức, v.v... Những cơ chế đầu tư libido này làm cho xung năng tính dục nhuốm màu văn hoá xã hội và bối cảnh của cá nhân, chứ không đơn thuần còn là bản năng. Quan niệm này của Freud trong thế kỷ trước gây nhiều tranh cãi, nhưng với khoa học thần kinh ngày càng phát triển, có thể thấy cơ chế của libido không khác quá nhiều cơ chế của dopamine.
Theo đó, mọi hoạt động của con người trong đời sống đều là “tiền định” và là kết quả của một cơ chế dồn nén, tái đầu tư xung năng. Trong trường hợp “lành mạnh” nhất theo tiêu chuẩn xã hội, mọi xung năng sẽ được thăng hoa toàn bộ; nhưng chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra, mà những xung năng bị dồn nén sẽ ít nhiều chuyển thành lo âu, triệu chứng lên bản thân, hoặc xâm kích người khác. Cái Tôi luôn phải trong tình trạng gồng mình trong mâu thuẫn giữa cái Ấy và cái Siêu tôi.
Về mặt lâm sàng, phân tâm cũng cho rằng các lo hãi là thứ định hình sự phát triển tâm lý của con người. Như Melanie Klein miêu tả, khi mới ra khỏi bụng mẹ, trẻ trải nghiệm lo hãi đầu đời - “lo hãi bị truy hại”. Lo hãi này khiến đứa trẻ tách bầu vú của người mẹ thành “bầu vú tốt” và “bầu vú xấu”, và lý tưởng hoá bầu vú tốt để luôn có cảm giác được bảo vệ. Tiếp theo, khi đứa trẻ học được cách thống hợp hai mặt cảm xúc yêu-ghét trên vào cùng một đối tượng người mẹ, đứa trẻ cảm thấy mất mát một hình ảnh biểu tượng và cảm thấy tội lỗi khi dám ghét thứ mà nó từng yêu thương nhất, đứa trẻ rơi vào trạng thái “lo hãi trầm cảm”. Vượt qua được giai đoạn này, bước vào giai đoạn Oedipus, đứa trẻ cần phải trải nghiệm “lo hãi bị thiến” để có thể phát triển cái Siêu tôi, chuẩn bị cho một tâm thế khuất phục chuẩn mực xã hội. Trong suốt cuộc đời, cá nhân luôn mang trong mình những lo hãi, nếu không chuyển thành bệnh lý thì cá nhân cũng luôn trong tình trạng không bình an.
Với phân tâm, khả năng có ý thức đi kèm với tình trạng đau khổ trong tâm lý của con người. Không chỉ là sự đàn áp của văn minh lên bản năng mà Freud miêu tả, mà còn là sự ý thức được tình trạng bất lực của bản thân trước thế giới rộng lớn - như Winnicott miêu tả bằng thuật ngữ thoát khỏi tình trạng “ảo tưởng toàn năng” khi đứa trẻ bắt đầu phát triển cái Tôi. Như vậy, nguyên nhân để con người mắc bệnh tâm lý luôn luôn sẵn có. Không quá khi nói rằng: mắc các chứng tâm bệnh lý không phải bất thường; Bất thường là cách một người, mặc dù có đầy đủ nguyên nhân để “bị bệnh”, nhưng vẫn sống một cách “khoẻ mạnh” - tức không có hoặc có ở mức chấp nhận được các triệu chứng. “Sức mạnh cái tôi” đóng vai trò lớn ở đây: Nếu gã nô lệ của bộ máy tâm trí - cái tôi - có thể dung nạp được những mâu thuẫn nội tâm, và thăng hoa được những xung năng không được chấp nhận thành những dạng thức “tốt đẹp và văn minh” hơn của xung năng, thì cá nhân sẽ ổn.
Tuy nhiên, thăng hoa không phải là thứ có thể thúc ép. Thúc ép thăng hoa chỉ là một dạng của “chuyển di”, “hình thành phản ứng”, “hợp lý hoá”, v.v.. - những dạng thức mà có tính phá huỷ hơn là xây dựng. Thăng hoa - tức thay thế được những triệu chứng bằng những hoạt động được xã hội chấp nhận - đòi hỏi sức mạnh của cái Tôi. Lần theo các lý thuyết trị liệu phân tâm cũng như các lý thuyết phát triển tâm lý trẻ em có thể rút ra một vài kết luận về sức mạnh của cái Tôi.
Theo Melanie Klein, một đứa trẻ phát triển bình thường khi nó vượt qua được “giai đoạn Hoang tưởng-phân liệt”: ý thức được thực tế, thống hợp thay vì phân tách, nội hoá thực tế thay vì phóng chiếu huyễn tưởng vô thức của mình lên thực tế; sau đó vượt qua được “giai đoạn Trầm cảm”: dung nạp được những mất mát và cảm giác tội lỗi gây ra bởi khả năng ý thức được thực tế. Sau khi vượt qua hai giai đoạn này, đứa trẻ mới có thể tương tác với người khác như những con người thật sự, chứ không phải phóng chiếu bản thân mình lên người khác.
Hai giai đoạn của Melanie Klein tương đương với quy trình trị liệu của phân tâm: Trước hết, giúp thân chủ ý thức được những sang chấn và mâu thuẫn nội tâm; Sau đó là dung nạp được chúng và có những hoạt động thay thế. Quá trình này là một quá trình đau đớn. Trong “Bi kịch của đứa trẻ tài năng”, Alice Miller (1982) miêu tả chữa lành là một là một vòng lặp “ý thức hoá sang chấn”: “trầm cảm” khi ý thức được vấn đề của mình và “hưng cảm” khi tưởng đã vượt qua được vấn đề; vòng lặp cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi cá nhân thực sự vượt qua được vấn đề hoặc rời đi với một ảo tưởng rằng mình đã được chữa lành. Cá nhân cần chịu đau để được chữa lành, và có thể nói rằng: Sự đau đớn của quá trình chữa lành là thứ trui rèn cái tôi, giúp nó dung nạp được những đau khổ của quá trình làm người.
Các sách giáo khoa tâm lý hiện đại có xu hướng nhận xét lý thuyết của Freud là “bi quan” về cuộc đời (vd: Schultz & Schultz, 1976). Nhưng nếu rằng cuộc đời tiền định và bi quan là sự thật, thì một thái độ chấp nhận và dung nạp sự bi kịch đó sẽ mang tới sức mạnh cho cái tôi, để cá nhân có thể sống một cách vui vẻ và khoẻ mạnh trong cái bất hạnh của cuộc đời. Đây cũng là lý do đôi khi những “nhà bi quan” như Freud thì lại nhân văn và có tác dụng chữa lành hơn những “nhà lạc quan”.
Tóm lại một lần nữa, “khỏi bệnh” theo quan niệm phân tâm không phải là hết bệnh hay nguồn gốc vấn đề tự dưng biến mất, “khỏi bệnh” theo quan niệm phân tâm là nhận ra thế giới và bản thân đầy rẫy vấn đề, nhưng vẫn có khả năng tận hưởng được cuộc sống, có những hoạt động thay thế cho triệu chứng, và sống một cuộc đời có tính xây dựng. Triệu chứng là một thước đo tương quan giữa “sức mạnh cái tôi” và “vấn đề chủ quan” của cá nhân, là một chỉ báo cần thiết để xác định ranh giới giữa bệnh lý và khoẻ mạnh.
----Surphi10, tháng 2 2021.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất