Chuyện cười tháng Bảy: Tifosi, Barbie, Blackpink, đường lưỡi bò, và r/place.
Mục đích của bài viết nhằm giải ảo những luận điệu nguy hiểm của những kẻ lên cơn yêu nước điên cuồng, đồng thời thức tỉnh những con người mê muội đang sống mòn trong sự hoang tưởng về một dân tộc tính Việt Nam siêu việt.
Lời đầu tiên
Kính chào quý độc giả,
Trước tiên, để đề phòng các cháu Sô vanh chủ nghĩa vào húc, chụp cho đủ thứ mũ là “phản quốc”, “ba que”, “vện vàng”,... gây ảnh hưởng đến bản thân tôi và quý vị, thì tôi đã từng viết một bài về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như đã sưu tầm một số tư liệu lịch sử trong nước và quốc tế liên quan. Chi tiết ở đây:
Tất nhiên, bài viết này của tôi, cũng như một số bài đầu tiên, khi đó vẫn còn mang màu sắc đậm đà dân tộc chủ nghĩa, cho đến khi tôi được khai sáng vào lúc tôi tiếp cận các tác phẩm Triết học và lý luận Sử học của Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzsche, và Eric Hobsbawm. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng Việt Nam có cơ sở lịch sử và cơ sở chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa; tuy nhiên, tôi không còn giữ giọng văn “yêu nước” như vào thời tôi viết bài trên nữa. Tôi xin lỗi quý độc giả nếu có phiền toái liên quan đến bài viết cơ sở lịch sử phía trên.
Tháng Bảy này thật lắm chuyện vui, đúng không, thưa quý độc giả? Từ những ngày đầu tháng, trên mạng xã hội, ta đã thấy các cháu Sô vanh chủ nghĩa điên loạn húc phim Barbie vì các cháu cho rằng trong phim “có đường lưỡi bò” (tôi sẽ lý giải về bản đồ này ở phía bên dưới). Sau đó, các cháu lại húc tiếp các fandom của nhóm nhạc trẻ Blackpink, vì công ty nhận tổ chức sự kiện cho nhóm nhạc này là IME bị cáo buộc là “ủng hộ đường lưỡi bò”. Chưa dừng lại ở đó, ta lại thấy các cháu điên cuồng thế nào trong sự kiện r/place trên Reddit, khiến cho cộng đồng Reddit phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Đương nhiên, kẻ khai mào, kẻ bắn phát súng đầu tiên của chuỗi tấu hài này, không ai khác, chính là Tifosi. Tuy nhiên, Tifosi chỉ đóng vai trò làm loa phóng thanh, còn kẻ thù thực sự chính là Chủ nghĩa Sô vanh. Tất cả những việc này, kính thưa quý vị, là một bi kịch của trí tuệ. Trí tuệ của các cháu đã hoàn toàn bị cơn điên loạn thú tính của cảm xúc chi phối.
Lẳng lặng quan sát và nghiên cứu case-study trên mạng xã hội khắp những ngày này, tôi đã nhận ra tình trạng điên loạn của việc lên cơn yêu nước trầm trọng hơn tôi nghĩ. Tôi xác định rằng bài viết này sẽ là phần tiếp theo của bài “Tifosi, yêu nước online, và Chủ nghĩa Sô vanh” mà tôi đã viết vào tháng Chín năm ngoái, và tôi sẽ tiếp tục việc đập các cháu Sô vanh chủ nghĩa điên loạn, đặc biệt là Tifosi, cho đến khi dân trí tốt lên thì thôi.
Phần I: Nhập đề: Những kiến thức cần thiết trước khi vào bài
Phần này dành cho những độc giả lần đầu đọc bài viết của tôi, và vẫn còn nhập nhằng yêu nước là gì. Nếu quý độc giả đã biết về những khái niệm Triết học và Sử học liên quan, tôi vẫn hy vọng quý vị sẽ đọc phần này, vì tôi có mở rộng thêm một số vấn đề so với các bài viết trước.
Thứ nhất, Chủ nghĩa yêu nước (Patriotism) và Chủ nghĩa dân tộc (Nationalism) là hai khái niệm phân biệt.
Chủ nghĩa dân tộc (Nationalism) là một quan niệm và một phong trào cho rằng dân tộc nên đồng nhất với nhà nước. Trong Cách mạng Pháp, Chủ nghĩa dân tộc đặt dân tộc, những người dân là hiện thân của đất nước, đưa ra khái niệm quốc gia dân tộc, trái ngược với tầm nhìn của chế độ cũ khi vua Pháp là hiện thân của đất nước. Khi đó, Chủ nghĩa dân tộc là cánh tả, nó đi kèm với khái niệm quốc tịch, quyền công dân, quyền tự quyết dân tộc, các giá trị tự do dân chủ. Johann Gottfried von Herder, một người được cho là theo Chủ nghĩa dân tộc bảo thủ Đức, hay được xem như là một trong những người định nghĩa sớm nhất về Chủ nghĩa dân tộc, khi ông cho rằng Vua cũng như nông dân, đều là thuộc về một giai cấp, là “Volk” (mọi người), nhằm bác bỏ lý thuyết giai cấp của những người Cộng sản, và đề cao văn hóa dân tộc bác bỏ lý thuyết khế ước xã hội của Chủ nghĩa tự do.
Trong khi đó, Chủ nghĩa yêu nước (Patriotism) là cảm xúc, tình cảm, tinh thần yêu thương, tích cực về quê hương, đất nước hay cội nguồn của một cá nhân hay tập thể, trong đó quê hương có thể là một vùng, một thành phố nhưng thông thường thì khái niệm này gắn với khái niệm quốc gia. Nó gồm những quan điểm như: Tự hào về thành tựu hay văn hóa của quê hương, mong muốn được cống hiến hết mình cho quê hương đất nước.
Hiện nay, nhiều người vẫn còn nhập nhằng giữa Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa dân tộc, vì thế chúng hay được dùng như những từ đồng nghĩa. Tuy nhiên, nếu xét cặn kẽ thì Chủ nghĩa dân tộc liên quan tới các học thuyết và phong trào chính trị hơn, trong khi Chủ nghĩa yêu nước liên quan tới tình cảm nhiều hơn. Chủ nghĩa yêu nước giúp con người cảm thấy yêu mến, tự hào, có các trách nhiệm hơn với quốc gia dân tộc. Một lòng yêu nước thái quá và cực đoan trong việc bảo vệ một dân tộc được gọi là Chủ nghĩa Sô vanh (Chauvinism).
Thứ hai, trong suốt lịch sử từ thời cổ đại đến cận đại, các quốc gia thuộc vùng văn hóa Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, và Việt Nam) không hề có khái niệm dân tộc.
Về nguồn gốc khái niệm “dân tộc”, theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong tiếng Hán cổ không có từ “dân tộc”. Từ này, trên thực tế, được du nhập từ Nhật Bản, khi Nhật Bản bắt đầu dịch nghĩa hàng loạt các thuật ngữ nước ngoài giữa thời Duy Tân Minh Trị. Các cụm từ như “Triết học”, “Cộng sản”, “Dân chủ”,... đều là cách dịch và chuyển ngữ của người Nhật. Rất nhiều khái niệm mới, phần lớn là khái niệm trừu tượng liên quan đến Khoa học và Triết học, được người Nhật dịch ra chữ Hán, qua đó phát huy được tác dụng biểu ý vốn có của chữ Hán. Giới học giả Nhật đã chuyển ngữ sang chữ Hán một cách rất hiệu quả những từ ngữ phương Tây thể hiện các khái niệm mới mà người châu Á chưa từng biết, chủ yếu về Y học, Khoa học - Kỹ thuật, Toán học, Triết học, Khoa học xã hội và Nhân văn [1]. Những từ như vậy được gọi là Wasei-kango (和製漢語, dịch: Hoà chế Hán ngữ, tức là từ vựng Hán mà người Nhật Bản (Hoà) tạo ra). Wasei-kango dùng để chỉ những từ trong tiếng Nhật bao gồm các hình thái của tiếng Trung Quốc nhưng được phát minh ở Nhật Bản chứ không phải mượn từ Trung Quốc.
Giới học giả Nhật chủ yếu dùng hai cách sau để dịch các thuật ngữ từ Phương Tây:
(1) Gán thêm hàm nghĩa mới vào những từ ngữ có sẵn trong Hán ngữ, dần dần làm các từ ngữ đó mất ý nghĩa cũ. Ví dụ, Nhật dùng “xã hội” dịch từ “society”. Trong Hán ngữ cổ, “xã hội” là nói việc tụ tập cúng tế vào mùa, mùa thu. Nhật cũng dùng từ “dân chủ” trong từ ngữ “thứ dân chi chủ tể” (庶民之主宰) để dịch khái niệm “democracy” hoàn toàn ngược lại.
(2) Sáng tạo từ ngữ chữ Hán hoàn toàn mới. Đây là cách người Nhật dùng nhiều nhất. Khi từ ngữ Phương Tây không có khái niệm tương ứng trong Hán ngữ, người Nhật bèn tự đặt ra từ chữ Hán mới. Ví dụ nổi tiếng nhất là từ “điện thoại” đã thay cho từ 德律风 (de lu feng), vốn là phiên âm từ “telephone”. Có thể thấy người Nhật có xu hướng ưa dùng từ kép (song tự từ) gồm hai chữ, có ưu điểm ngắn gọn, dễ nhớ, ví dụ như “nhân dân”, “phục vụ”, “chính phủ”, “cán bộ”,…
Thực ra, khi tiếp xúc với các nguyên tác của phương Tây, người Trung Quốc cũng đã dùng tư duy của mình để sáng tạo một số khái niệm. Điển hình là Nghiêm Phục. Ví dụ, “economy”, người Nhật dịch là “Kinh tế”, Nghiêm Phục dịch là “Kế học” (计学). “Evolution” người Nhật dịch là “tiến hóa”, ông dịch là “thiên diễn” (天演). “Philosophy” người Nhật dịch là “Triết học”, ông dịch là “Lý học” (理学). “Capital” người Nhật dịch là “tư bản”, ông dịch “mẫu tài” (母材). Nghiêm Phục từ chối dùng từ “xã hội” (người Nhật dịch từ “society”), mà ông dịch là “quần” (群), “Xã hội học” là “quần học” (群学). Người Trung Quốc cho rằng cách dịch nói trên của Nghiêm Phục là chưa hợp lý, và đến giờ họ vẫn dùng các thuật ngữ được vay mượn từ Nhật Bản. Ngay cả Việt Nam cũng thế.
Năm 1899, Lương Khải Siêu là người Trung Quốc đầu tiên đã sử dụng từ “dân tộc” trong bài viết của mình. Năm 1905, Tôn Trung Sơn bắt đầu nói về “dân tộc”. Từ đó, người Trung Quốc mới dần dần làm quen với khái niệm này. Theo các tác giả cuốn Tân thư, từ “dân tộc” có thể được các nhà Đông du Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Thứ ba, Chủ nghĩa dân tộc đã hoàn thành vai trò lịch sử của nó.
Nhà Dân tộc học người Mỹ Louis Snyder cho rằng Chủ nghĩa dân tộc là trào lưu chính trị bắt nguồn từ Cách mạng tư sản Pháp vào nửa sau thế kỷ XVIII. Sau Cách mạng Anh, Pháp và cuộc chiến tranh giành độc lập ở 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ, các “quốc gia dân tộc” (nation-state) lần lượt ra đời ở khu vực này. Thần quyền của giáo hội và vương quyền phong kiến được thay thế bằng “chủ quyền nhân dân” (theo khuôn khổ của pháp quyền tư sản). Từ đó, sản sinh tư tưởng tôn sùng dân tộc mình và quốc gia dân tộc mình. Vì vậy, nhà Dân tộc học George Gooch đã nói rằng: “Chủ nghĩa dân tộc là con đẻ của Đại cách mạng Pháp”. Chủ nghĩa dân tộc tư sản còn đi đến chỗ bành trướng và xâm lược khắp nơi trên thế giới. Giai cấp tư sản nắm quyền thống trị ở Tây Âu lúc ấy cho rằng họ có quyền mở rộng quyền thống trị của mình để khai hóa các dân tộc khác. Đối mặt với cuộc xâm lược của chủ nghĩa dân tộc tư sản Tây Âu, người dân các nước Châu Á, Châu Phi, và Mỹ La-tinh đã anh dũng đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc. Phong trào giải phóng dân tộc vì vậy đã phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XX. [2]
Từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, hiện tượng Chủ nghĩa dân tộc nổi lên gắn liền với xu hướng phục hồi của tôn giáo và tư tưởng bài ngoại. Bên cạnh đó, các thế lực Chủ nghĩa ly khai dân tộc cũng ngày càng lớn mạnh ở mức độ khác nhau, hình thành nên các thế lực chính trị và lực lượng quân sự, thông qua các cơ chế dân chủ phương Tây hoặc hoạt động khủng bố thông qua bạo lực nhằm mở rộng chủ nghĩa ly khai, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập nhà nước độc lập. Tất cả các nhân tố đó kết hợp với nhau đang tạo nên một cục diện phức tạp và không ổn định không chỉ trong nội bộ nhiều nước mà còn đe dọa nghiêm trọng nền an ninh và ổn định thế giới.
Là một nhà Sử học và nhà lý luận Marxist vĩ đại đương thời, và cũng là một trong số ít những người Marxist mà tôi thành tâm kính trọng, Giáo sư Eric Hobsbawm đã nhìn thấy những gì được gọi là truyền thống, phong tục, tập quán quốc gia thực ra được con người tạo ra (Invented Tradition) trong quá trình vận động xây dựng ý thức dân tộc. Ông cho rằng lịch sử chuyển vận do một động lực phát triển liên kết cả cơ sở hạ tầng về con người và phương tiện sản xuất lẫn thượng tầng kiến trúc của chính trị, văn hóa và nghệ thuật (tóm tắt qua tác phẩm “Nations and Nationalism since 1780: Programme, Myth, Reality”). Lối lập luận của Hobsbawm đưa đến kết luận rằng những nơi mà dân tộc chỉ là chương trình chính trị, thiếu biến chuyển trước đó từ cơ sở hạ tầng, hay còn gọi là dân tộc trong ngoặc kép, thì theo đà quay của lịch sử sẽ tan rã như trường hợp của Liên Xô.
Như vậy, theo Hobsbawm, Chủ nghĩa dân tộc từng là động lực phát triển từ sau cuộc cách mạng Pháp, nhưng hiện không còn vai trò là quy luật của lịch sử nữa. Tuy thời điểm hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam năm 1945 nằm đúng trong khoảng thời gian mà Hobsbawm cho là cao trào của Chủ nghĩa dân tộc (1918 - 1950), nhưng ông dứt khoát xếp Việt Nam cùng một số nước khác, như Trung Quốc và Triều Tiên, vào nhóm chỉ giải phóng, còn dân tộc là khẩu hiệu mượn từ hệ tư tưởng Phương Tây. Trong lúc Việt Nam thường tuyên truyền về thắng lợi của mình là lá cờ đầu cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới, Hobsbawm thẳng thắn cho rằng phong trào này chỉ có thể dùng chữ dân tộc trong ngoặc kép mà thôi.
Thứ tư, lý tưởng của Chủ nghĩa yêu nước vốn không có gì sai, nhưng một lòng yêu nước, Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Chủ nghĩa Sô vanh thì có.
Chủ nghĩa Sô vanh (Chauvinism) là chủ nghĩa dân tộc cực đoan dựa trên hệ tư tưởng tuyệt đối hóa các giá trị của cộng đồng, dân tộc mình, xem bản sắc của dân tộc mình là ưu việt đến mức tự phụ và bài ngoại, thậm chí xem thường và xâm hại đến các dân tộc khác. Về mặt từ ngữ, “Chauvinism” xuất phát từ tên của một viên chỉ huy Pháp Nicolas Chauvin trong cuộc chiến tranh Napoleon những năm đầu thế kỷ XIX. Chauvin là một chiến binh trung thành đến mức sùng kính vị Hoàng đế Pháp, sẵn sàng cống hiến cho quân đội và lý tưởng bành trướng của Napoleon đến những giờ phút cuối cùng khi các trận chiến chìm vào thất bại. Chủ nghĩa Sô vanh từ đó mang ngụ ý ám chỉ những niềm tin mù quáng vào tính chính nghĩa của một cộng đồng nhất định, cho rằng cộng đồng, dân tộc mình phải có vị trí “thượng đẳng” và vượt trội hơn so với tất thảy các dân tộc còn lại.
Ở một góc độ khác, có thể nhìn nhận tư tưởng Sô vanh như một biểu hiện của Chủ nghĩa vị chủng văn hóa (Ethnic-Centralism) theo hướng đề cao các giá trị dân tộc mình. Một nhóm người hay một dân tộc thể hiện chủ nghĩa vị chủng văn hóa khi họ lấy tiêu chuẩn văn hóa của mình làm thước đo để đánh giá các biểu hiện văn hóa khác, thường là theo hướng tiêu cực, khinh rẻ và không dung nạp các giá trị ngoại lai.
Chủ nghĩa Sô vanh có xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác. Nó đã giữ vai trò ảnh hưởng chính hay nguyên nhân của chiến tranh, cụ thể nhất là Đệ nhất Thế chiến (1914 - 1918) và Đệ nhị Thế chiến (1939 - 1945). Tất cả đều liên quan đến những tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Một đặc trưng của tư tưởng dân tộc cực đoan là tính hiếu chiến. Nó thúc đẩy các dân tộc tự xem mình là thượng đẳng, từ đó thực hiện các hành vi phô trương sức mạnh để bảo vệ vị thế của mình. Tiếp cận từ lý thuyết của Chủ nghĩa Sô vanh, trong Đệ nhất Thế chiến, vì các nhà lãnh đạo Nga đã đặt đất nước mình ở một vị thế chính nghĩa và tốt đẹp về mặt đạo đức, họ cần thiết phải can thiệp ngay vào hành vi điên cuồng của đối thủ để bảo vệ lấy uy tín và hình ảnh của mình: “Sức mạnh từ sự tự tôn của dân tộc Nga, đó chính là nỗi sợ hãi bị sỉ nhục nếu họ cho phép người Đức và Áo tiêu diệt Serbia - quốc gia nhỏ bé được Nga bảo trợ, và mức độ dữ dội trong cơn thịnh nộ của người Nga”. Về phía Đức, Hoàng đế (Kaiser) Wilhelm II vào năm 1914 đã từng tuyên bố rằng: “Chúa đã tạo ra chúng ta để văn minh hóa thế giới. Thống khổ và chết chóc cho tất cả những ai kháng cự lại ý chí của tôi”.
Dân tộc Đức vốn đã tự gán cho mình một sứ mệnh lịch sử phải đi truyền bá “chất Đức”, giá trị tiến bộ nhất trong các sự tiến bộ, là đích đến định mệnh cho nền văn minh nhân loại. Nhà văn Đức Dehmel từng tham gia chiến trường năm 1914 đã viết rằng: “Người Đức chúng ta nhân đạo hơn tất thảy các quốc gia khác, chúng ta có dòng máu tốt hơn và giống nòi tốt hơn, nhiều linh hồn, nhiều trái tim và nhiều trí tưởng tượng hơn”. Một dân tộc siêu việt với sứ mệnh soi sáng thế giới như thế quả thật không thể không ra mặt bảo vệ cho Đế quốc Áo - Hung, người đồng minh duy nhất của mình. Các hành động quân sự trên “lập trường chính nghĩa” đó của Đức, Nga và một số dân tộc khác đã làm nổ ra một cuộc xung đột liên quan đến 32 quốc gia trên sáu châu lục, hơn 18 triệu người chết, 60 triệu người bị thương và thay đổi hoàn toàn cục diện chính trị thế giới.
Ngoài mặt trận quân sự, tư tưởng Chủ nghĩa Sô vanh còn biểu hiện ở các học thuyết, chính sách đối ngoại của các nước lớn. Tuy có vẻ “bình lặng” hơn nhưng nó vẫn có khả năng tạo ra các tác động tiêu cực. Thuyết “Vận mệnh hiển nhiên - Manifest Destiny” (1840) của Mỹ cho rằng việc dân tộc này “mở rộng lãnh thổ” và chinh phục các vùng đất khác ở châu Mỹ là điều “hiển nhiên”, “tất yếu” và “định mệnh”. Chủ nghĩa “Biệt lệ Mỹ” tin rằng dân tộc mình giữ vị thế xuất chúng hơn so với phần còn lại của thế giới, người Mỹ được Thượng đế ban giao cho sứ mệnh định hình thế giới bằng các giá trị Mỹ và khuôn mẫu dân chủ tiến bộ của mình. Trên trường quốc tế hiện nay, chính sách “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc phần nào phản ánh các biểu hiện Sô vanh khi các nhà lãnh đạo nước này ngày càng trở nhạy cảm trước những động thái chỉ trích, sẵn sàng áp dụng các biện pháp cưỡng ép kinh tế khi các nước khác dám thách thức họ.
Theo lý thuyết của Benedict Anderson, dân tộc chỉ là những “cộng đồng tưởng tượng”, nơi mà sự gắn kết về giới hạn lẫn chủ quyền chỉ là vấn đề về sự nhìn nhận của các cá nhân cho rằng mình thuộc về cộng đồng đó: Không phân biệt thực tế bất bình đẳng hay sự bóc lột có thể chiếm ưu thế trong mỗi quốc gia, dân tộc luôn được quan niệm như tình đồng chí bình đẳng và sâu sắc. Từ đó mà những sai lầm về tư tưởng, việc đánh giá sai tiềm năng của quốc gia, dân tộc, cộng đồng mình dẫn đến các biểu hiện Sô vanh là một điều nguy hiểm cho sự phát triển của chính cộng đồng mình cũng như các dân tộc khác. Lịch sử đã chứng minh rằng dòng thác tâm lý Sô vanh là đối tượng tiềm năng cho các cá nhân có dã tâm lợi dụng, tệ hại nhất là khi tự đẩy quốc gia mình đi đến sụp đổ. Phong trào Sô vanh, giá trị Sô vanh không phải là một “phương thuốc” cho niềm tự hào dân tộc, nó là kẻ đã gây ra chiến tranh trong lịch sử và đang ngăn cản quá trình toàn cầu hóa, sự hội nhập tiến bộ của con người.
Thứ năm, không có cơ sở đạo đức cho Chủ nghĩa Sô vanh.
Có một câu nói mà các cháu Sô vanh chủ nghĩa thường nhai đi nhai lại, đó là:
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.
Nhiều người thường dẫn câu này kèm theo người phát ngôn là cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, nhưng có lẽ câu này là của thầy ông Kennedy. Thật vậy, người viết tiểu sử Kennedy cho rằng câu nói nổi tiếng “Ask not...” là câu nói mà thầy giáo trung học ông hay nói, chứ ông Kennedy không phải là người đầu tiên nói câu đó. Trớ trêu thay một điều là nhiều người, trong đó có cả quan chức, rất thích lấy câu đó ra để phản bác lại bất cứ ai phản biện, phê phán, phê bình chính quyền. Họ hay hỏi “anh đã làm gì cho tổ quốc chưa mà hỏi tổ quốc phải làm gì cho anh”, và đó là cách đánh đồng giữa tổ quốc và thể chế.
Bản thân câu nói này mắc phải lỗi ngụy biện dùng từ ngữ không rõ ràng (Equivocation). Người mắc lỗi này dùng một từ nhưng với nghĩa khác nhau ở hai mệnh đề. Đây là một cách nói lập lờ phổ biến của người ngụy biện. Sự lập lờ ở đây là đánh tráo khái niệm tổ quốc và thể chế. Tổ quốc ở đây bao gồm ý niệm về địa lí, hay dân tộc, hay đất nước, hay dịch vụ nhà nước. Không có ai hỏi tổ quốc phải làm gì cho mình, vì tổ quốc là ý niệm tinh thần và trừu tượng.
Tác giả Tornad đã có một bài nghiên cứu rất tâm đắc về Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa dân tộc ngay trên Spiderum, trong đó có nói về cơ sở Đạo đức học của hai chủ nghĩa này. Tôi sẽ dẫn link ở dưới [3]. Tôi xin phép tóm tắt ngắn gọn qua trích dẫn:
[...] nó (Chủ nghĩa yêu nước) không được hỗ trợ vững chắc bởi nền tảng đạo đức nào cả. Phải nói rõ, nó không có nền tảng đạo đức không có nghĩa là nó vô đạo đức, mà chỉ là nó cần được nhìn nhận như một sở thích chứ không phải như một đức tính tối cần thiết của con người như diễn ngôn ngày nay. Thậm chí, thứ tư duy coi yêu nước là đức tính tối cần thiết tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, bởi nó chính là lý do để những kẻ cực đoan coi những người không yêu nước không phải là người và lấy đó dễ hợp thức hoá tội ác của họ.
Phần II: Đập Tifosi và các cháu Sô vanh chủ nghĩa
1. Tifosi, phim Barbie, và đường lưỡi bò.
Dành cho những độc giả nào chưa biết gì về Tifosi, đây là một trang mạng kiếm tương tác bằng Chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Gần như mọi thành phần đáng ghê tởm nhất của xã hội đương đại đều có ở trang này: Công kích phụ nữ, bài trừ nữ quyền, phân biệt giới tính, chống LGBT cực đoan, thói gia trưởng, nguỵ biện, nhị nguyên, redpill, đẳng cấp loài, thượng đẳng, dắt mũi, Sô vanh,... Nếu quý độc giả lần đầu mới nghe thấy trang Tifosi này thì quý vị nên chặn cho lành. Tốt hơn hết là quý vị đừng dây dưa với chúng nó, không nên phạm phải sai lầm tương tự như tôi trong quá khứ - đi tranh luận với Tifosi và “quý ngài vĩ đại du học bên Pháp”, và là Tiến-sĩ-Vật-lý-không-hiểu-rõ-cách-radar-hoạt-động, chém gió về việc Mỹ “gặp khó khăn” trong việc bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc.
Tôi xin phép khái lược phong trào yêu nước online ở Việt Nam. Phong trào yêu nước cũng trở nên vô cùng mạnh mẽ trên bàn phím máy vi tính. Các diễn đàn, các trang mạng xã hội, các trang cá nhân, đâu đâu cũng thấy sự căm phẫn và hận thù, cờ đỏ sao vàng nhuộm đỏ khắp các trang mạng xã hội Facebook, những tuyên bố hùng hồn, những lời lẽ đanh thép đủ để in vào sách. Tôi gọi phong trào này là yêu nước online. Tifosi, cùng với các hội nhóm như Com Com và ARA, là những ngọn cờ đầu trong phong trào yêu nước online này, chuyên chăn dắt và ngu hóa những người theo dõi mà đa phần là đần độn, hoang tưởng, dốt ngoại ngữ, và dễ cả tin.
Dễ thấy nhất của phong trào này là đồng nhất lòng yêu nước với một thực thể hoặc khái niệm nào đó (bóng đá, tập đoàn, việc ủng hộ sử dụng hàng Việt Nam, hoặc thậm chí là việc ủng hộ một quốc gia nào đó). Tiêu biểu nhất là đợt biểu tình chống Trung Quốc trước đây, khi những người biểu tình quá khích vào đập phá các nhà máy của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc vì “tưởng” những nhà máy đó là của Trung Quốc. Rốt cuộc, nhà nước phải bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại, mà ngân sách của nhà nước là từ thuế của người dân mà có. Nói những người này yêu nước cũng chẳng phải. Đúng nhất là họ bị dắt mũi vì dân trí thấp, không biết phản biện và bản chất cực đoan trong người, và cũng chẳng trách Việt Nam là một trong năm nước kém văn minh nhất trên Internet.
Theo khảo sát được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Việt Nam đứng thứ 5 sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi về mức độ kém văn minh nhất trên Internet. Năm 2019, Việt Nam tăng 7 điểm ứng xử kém văn minh so với năm 2018. Các rủi ro phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam gồm: Liên lạc không mong muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục không mong muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm gợi dục (29%). Các chủ đề mà người Việt hành xử thiếu văn minh trên không gian mạng gồm: các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%). Đáng chú ý, người tham gia khảo sát đều cho biết họ gặp những hành vi thiếu văn minh trên không gian mạng ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Cụ thể, 70% người được khảo sát cho biết họ đã gặp phải một trong 21 hành xử không đúng mực trong một tháng gần đây. 97% thừa nhận họ đã bị tổn thương từ những hành xử đó trên không gian mạng và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa. [4]
Sự quá khích cực đoan của lực lượng yêu nước online ở Việt Nam có thể so sánh với Hồng vệ binh của Trung Quốc trong Cách mạng văn hoá. Trong Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc thập niên 1960, lực lượng này được coi là xung kích trong việc đấu tranh, phá bỏ những tập tục hủ lậu trong xã hội, nhưng dần dần lực lượng này đã trở nên quá khích, họ sử dụng bạo lực tra tấn, phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân bị họ cho là thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nạn nhân của các Hồng vệ binh bao gồm cả các lãnh đạo cao cấp trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, Hồng vệ binh đã gây hỗn loạn cho xã hội Trung Quốc, đình đốn sản xuất, hàng trăm ngàn đảng viên bị thanh trừng, nhiều bậc lão thành cách mạng, danh nhân văn hóa bị tra tấn, sỉ nhục hoặc phải chết tức tưởi. Trong chiến dịch Bốn dọn dẹp và tiêu diệt Bốn cái cũ, nhiều danh thắng và giá trị văn hóa truyền thống của Trung Hoa bị lực lượng này phá hủy. Đến khi Cách mạng văn hóa kết thúc vào đầu thập niên 1970, lực lượng này bị giải tán.
Trở lại với bài viết trên của Tifosi, ta có thể thấy một số vấn đề sau đây:
Trước tiên, đây là một bản đồ giả tưởng trong thế giới của phim, và thậm chí nó còn không biểu diễn đúng bản đồ các châu lục ngoài đời thật. Tuy nhiên, tôi biết rằng chỉ giải thích ngắn gọn như thế thì rất vô dụng với các cháu Sô vanh chủ nghĩa, vốn có trí tuệ ví như đường tiệm cận ngang và đường tiệm cận đứng của đồ thị y = 1/x. Do đó, chúng ta hãy chuyển sang vấn đề thứ hai.
Thứ hai, bây giờ, tôi đang cố tự đánh lừa bản thân và vặn IQ của tôi đi từ 151 xuống để hiểu lý luận của các cháu Sô vanh chủ nghĩa; tuy nhiên, nó lại xuất hiện một vấn đề lớn khác. Cái gọi là “đường lưỡi bò” của các cháu nằm ở tận Greenland cơ mà? Greenland ở Bắc Mỹ chứ chẳng phải ở châu Á, đây là tri thức cơ bản về môn Địa lí mà tôi nghĩ đa số buộc phải biết. Xin hỏi các cháu Sô vanh chủ nghĩa, Việt Nam và Trung Quốc nằm ở châu lục nào?
Thứ ba, tôi biết rằng các cháu Sô vanh chủ nghĩa quá ngu để có thể hiểu được thường thức cơ bản. Các cháu sẽ chày cối mà cãi rằng “đường đứt đoạn chính là đường lưỡi bò”. Đến đây, ta lại có một vấn đề lớn khác. Về mặt ý nghĩa thị giác, đường đứt đoạn (dashed line) dùng để diễn tả những trạng thái tạm thời hoặc trạng thái chuyển tiếp, ngoài ra nó còn có ý nghĩa diễn tả những thứ mập mờ và không có thực [5]. Trong môn Quang học, đường đứt đoạn dùng để biểu diễn ảnh ảo và đường kéo dài của tia sáng. Trong môn Hình học không gian, đường đứt đoạn dùng để biểu diễn phần cạnh khuất. Tuy nhiên, chúng ta đang bàn đến phạm trù Địa lí, liệt kê phần sử dụng của các bộ môn khác vậy có sao không? Không. Tôi liệt kê để cho các cháu Sô vanh chủ nghĩa biết rằng không chỉ có mỗi Trung Quốc biết dùng đường đứt đoạn. Bây giờ, trong môn Địa lí, mà chủ yếu là môn Bản đồ học (Cartography), đã dùng những đường đứt đoạn từ rất lâu, và nó chẳng mang ý nghĩa chính trị gì hết, chỉ đơn giản là biểu thị đường hải trình mà thôi.
Nhìn bản đồ trên, nếu nói như các cháu Sô vanh chủ nghĩa, thì thảy đều là biển của Trung Quốc à (?!) Ta rất dễ để nhận thấy rằng bản đồ của Barbie cũng có mục đích biểu diễn đường hải trình tương tự như tôi đã nói, và ngay cả chính hãng phim Warner Bros đã tuyên bố:
“The map in Barbie Land is a whimsical, child-like crayon drawing. The doodles depict Barbie’s make-believe journey from Barbie Land to the real world. It was not intended to make any type of statement.” [6]
Tôi sẽ không dịch đoạn này, vì tôi tin rằng độc giả của tôi có kỹ năng đọc - hiểu ngoại ngữ thành thạo, và cũng để chứng minh rằng các cháu Sô vanh chủ nghĩa dốt ngoại ngữ sẽ quăng dòng này lên Google Dịch rồi cắt nghĩa, giả vờ hiểu sai để tự sướng với nhau. Tất nhiên là đã có trường hợp này rồi, mời quý độc giả xem ảnh phía dưới:
Thực thì tôi cũng không ngạc nhiên lắm, khi một số trang lá cải và tin nhảm kiểu trên đưa tin về vấn đề này nhằm làm dậy sóng dư luận. Quý độc giả hẳn cũng đã thấy rõ rằng trang Beatvn này đã cố ý viết sai tên của hãng phim (Warner Bruh), và cố ý cắt đi một đoạn rất ngắn trong phần đầy đủ mà tôi đã trích bên trên. Đây chính xác là ngụy biện cắt xén thông tin ngoài ngữ cảnh (fallacy of quoting out of context). Hành động của trang báo lá cải này, rất dễ hiểu, là để châm biếm và kích động dư luận. Nhiều người Việt dốt đặc ngoại ngữ và cũng không có thói quen kiểm chứng thông tin (fact-check). Đặc điểm ngu dốt đáng chú ý của những kẻ như thế này khi hết lý lẽ là diễn ngôn “gửi tâm thư lên Liên Hợp Quốc đi”, hay “gửi tâm thư lên Cục đi, chắc họ sẽ lắng nghe đấy”. Điều này khiến họ càng bị ngu hóa hơn và biến thành những con gia súc dễ chăn dắt như trong tác phẩm “Trại súc vật” của George Orwell. Vì thế, họ không tài nào có được tư duy logic và tư duy phản biện, càng không thể có được sự tử tế và nhân tính của một con người.
Ngay sau đó, các cháu Sô vanh chủ nghĩa vẫn chày cối được, bởi vì với dòng thứ não trạng của các cháu chỉ toàn sự dốt đặc và lòng tự ái cao ngút trời, các cháu cho rằng có thể “đè bẹp” đối phương bằng mớ nguỵ luận của các cháu. Các cháu lôi Cục điện ảnh vào, và cho rằng “Nếu Cục cấm thì nó chứa đường lưỡi bò thật” và “giỏi quá thì làm Tiến sĩ rồi vào Cục xem?”. Thưa các cháu, các cháu đang dùng ngụy luận đậm chất nhị nguyên, và thêm quả ngụy biện lợi dụng thẩm quyền (Appeal to Authority) ở đây. Các cháu lấy cơ sở gì để chứng minh mệnh đề nếu - thì kia là đúng, và các cháu có chắc chắn hoàn toàn rằng Cục không bao giờ sai hay chưa? Nói như các cháu đây, chẳng lẽ bây giờ ta đi phát ngôn là “nếu chính phủ không chống tham nhũng thì tức là không có tham nhũng” (?!) Các cháu dùng ngụy biện lợi dụng thẩm quyền còn đáng thương hơn. Ngụy biện lợi dụng thẩm quyền là loại ngụy biện dùng những nhân vật nổi tiếng, có thẩm quyền cao như có học vị, học hàm, giải thưởng danh giá, hay được nhiều người ái mộ để tìm sự ủng hộ cho luận điểm của mình. Vấn đề của loại ngụy biện này, cũng như Cơ Thiếu Hoàng thuở xưa, hoặc là một khi các cháu Sô vanh chủ nghĩa đây gặp người có thẩm quyền cao hơn thì nín họng, hoặc là như bà Tiến sĩ Địa lí đi chém gió về Khoa học Giáo dục rồi bị bóc mẽ - không có đủ thẩm quyền để phát ngôn về vấn đề đang bàn.
Đến đây, nếu các cháu Sô vanh chủ nghĩa vào chụp mũ tôi là “tự nhục” vì quá đuối lý, thì xin thưa với các cháu, trong lịch sử Triết học thế giới, cũng như trong từ điển Tâm lý học, chưa từng tồn tại thứ gì gọi là Chủ nghĩa tự nhục. Đáng thương hơn cho các cháu, là tôi đã đọc qua từ điển Tiếng Việt, cả bản online và bản cứng, không hề tồn tại từ “tự nhục” trong từ điển.
Ngoài ra, một tin buồn không kém cho Tifosi, đó là phim Barbie đã đạt doanh thu cao kỷ lục kể từ sau đại dịch COVID-19. Điều này như một cái tát đau điếng vào mặt Tifosi, chứng tỏ tên Tifosi này cũng chẳng thể làm nổi vai trò của một tay thầy bói chỉ chuyên đi chém gió.
Trong bài viết “Hoang tưởng, tư duy nước đôi, và bi kịch của một nền Triết học đã chết”, tôi đã nêu rất rõ rằng: Dân tộc tính Sô vanh hoang tưởng của người Việt Nam xảy ra vì bối cảnh khách quan, mà ở đó Việt Nam luôn là đối tượng bị xâm lược và nô dịch trong suốt chiều dài lịch sử. Sự nguy hiểm của Chủ nghĩa Sô vanh được thể hiện qua sự thượng đẳng dân tộc, ngạo nghễ với quốc tế về sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị,... của Việt Nam suốt những năm qua. Cũng như tôi đã nói rất nhiều lần trước đây, tôi tôn trọng quyền tự do và quyền riêng tư của cá nhân của mỗi người, nhưng không có nghĩa rằng tôi không thể lên tiếng phản bác nếu quý vị có những hành vi cực đoan. Tôi không có vấn đề gì nếu quý vị là một người yêu nước hoặc là muốn thể hiện sự tự hào bằng cách đồng nhất căn tính cá nhân vào quốc gia, nhưng sẽ thật là phản tri thức nếu tôi lại làm ngơ trước sự quá quắt và nguy hiểm của Chủ nghĩa Sô vanh.
Bất cứ ai ắt hẳn đều đã trải qua những cảm xúc khủng hoảng căn tính, bản ngã và nghi ngờ về sự tồn tại của bản thân. Theo lý thuyết Tâm lý học cá nhân của nhà Tâm thần học Alfred Adler, phức cảm thượng đẳng, hay còn được dịch là phức cảm vượt trội (Superiority Complex), là ý nghĩ phóng đại của một người về khả năng và thành tích cá nhân xuất phát từ sự tự ti quá lớn. Một người có phức cảm thượng đẳng, châm biếm thay, lại che giấu sự tự ti bằng sự thượng đẳng nhằm tỏ ra bản thân vượt trội hơn người khác.
Theo Adler, mỗi con người đều sẽ cảm thấy tự ti vào một thời điểm nào đó trong suốt cuộc đời mình. Thực ra đây là một điều tốt, khi cảm giác tự ti có thể trở thành động lực để khiến chúng ta cố gắng trở nên xuất chúng và để đạt được mục tiêu của chính mình. Nói đơn giản hơn thì nó là một lực đẩy hoặc một động lực dẫn dắt ta đằng sau nhu cầu được trở nên xuất chúng. Đôi khi người ta lại không thể xử lý được những tiêu chuẩn thay đổi liên tục từng phút một trong thời đại mới, và họ cuối cùng rơi vào hai trạng thái: phức cảm tự ti, thiếu lòng tự trọng, và phức cảm thượng đẳng, một cảm giác quá phóng đại về tầm quan trọng của bản thân. [7]
Nhà Tâm lý học Kristin Valentino nhận định rằng những người bị ngược đãi khi còn nhỏ thường mang tâm lý tổn thương và cảm giác tự ti năng nề. Sự thờ ơ, lãnh cảm hoặc chê bai thường xuyên của gia đình khiến họ cảm thấy thua kém. Do đó, họ thường tìm cách “khỏa lấp” cảm giác này thông qua việc thể hiện, phô trương những thành tích, tài năng và luôn cho rằng mình giỏi giang hơn người khác. Ngoài ra, phức cảm thượng đẳng còn đến từ những kỳ vọng, áp đặt của bản thân, gia đình và cộng đồng. Rất nhiều người trở nên thiếu tự tin khi chứng kiến sự thành công của bạn bè, người thân.
Trạng thái này trở nên rõ ràng hơn khi mà truyền thông đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những người mang phức cảm thượng đẳng thường nhầm tưởng điều họ muốn hướng đến với khả năng của mình. Phức cảm thượng đẳng có thể trở thành rối loạn nhân cách phức cảm thượng đẳng, rối loạn ái kỷ hoặc thậm chí là bệnh hoang tưởng.
Hình trên đã chứng minh cho quý độc giả thấy rằng căn bệnh hoang tưởng của các cháu Sô vanh chủ nghĩa nặng như thế nào. Cơn điên loạn đã khiến các cháu mất hết lý trí, kết hợp với thú tính cực đoan khiến cơn bộc phát ngày một nghiêm trọng hơn. Chữ “United States” rõ thế kia mà cũng quay thành China được, tôi thực sự xin thua.
2. Blackpink và đường lưỡi bò.
Bây giờ, ta đã giải quyết xong Tifosi và đã nói về phim Barbie, giờ đến việc giải quyết các cháu Sô vanh chủ nghĩa vào húc nhóm nhạc Blackpink. Để làm rõ, tôi không phải người hâm mộ của bất kỳ nhóm nhạc thần tượng nào cả.
Trước tiên, IME, đơn vị tổ chức buổi diễn của nhóm nhạc, là một công ty của Trung Quốc. Bây giờ, các cháu Sô vanh chủ nghĩa đòi một công ty Trung Quốc không ủng hộ đường lưỡi bò, có vô lý không? Tưởng tượng xem, phía Trung Quốc cũng yêu cầu các công ty Việt Nam vào kinh doanh ở Trung Quốc buộc phải ủng hộ đường lưỡi bò thì các cháu định làm gì? Húc luôn cả công ty đó, hay là đóng cửa, bế quan tỏa cảng, tự nhốt tự chơi một mình? Tôi đoán các cháu sẽ chọn phương án thứ nhất, vì tôi nghĩ các cháu không ngu đần đến độ muốn ăn bo bo như thời bao cấp. Như thế, bằng việc chọn phương án này, các cháu Sô vanh chủ nghĩa chứng tỏ rằng các cháu toàn là một lũ đạo đức giả tiêu chuẩn kép. Trên thực tế, việc này đã từng xảy ra, nhưng không phải trường hợp một công ty, mà là trường hợp một ca sĩ Việt tên là Q. đã xóa bỏ những bài viết chỉ trích chiến dịch xâm lăng Biển Đông của Trung Quốc trên trang cá nhân, rồi bị chỉ trích dữ dội.
Nếu nói theo luận điệu của các cháu Sô vanh chủ nghĩa hiện nay, thì cứ đuổi Samsung, UNIQLO, Mixue, Apple, Adidas, Gucci, Mercedes, Louis Vuitton, và một đống các tập đoàn khác khỏi Việt Nam, vì họ “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo”. Nhưng khoan đã, các cháu ạ, Samsung đóng góp 65 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022, chiếm tầm 8.9%. Apple tuy không trực tiếp có nhà máy, nhưng chuỗi cung ứng của Apple hiện đang đóng góp nhiều việc làm và tăng trưởng kinh tế tại một số tỉnh. Hoạt động kinh doanh của UNIQLO hay Adidas cũng tạo việc làm cho các đối tác nhà máy may mặc. Các công ty đa quốc gia khác cũng đang trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam.
Thị trường hơn tỷ dân đang phát triển mạnh của một nền kinh tế đứng số hai thế giới, so với thị trường gần một trăm triệu dân của một quốc gia đang phát triển, đứng dưới góc độ của một chiến lược gia kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia, quý vị sẽ chọn ưu ái thị trường nào? Đối với Việt Nam, chẳng lẽ ta lại chơi trò đóng cửa tự chơi một mình? Hãy nhớ thời bao cấp tồi tệ như thế nào.
Thứ hai, hãy xem trường hợp Thái Lan. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tài trợ concert Blackpink để thu hút hơn 66.000 người tham dự, giúp nước này trở thành “điểm đến âm nhạc” của khu vực. Tham dự concert không chỉ có người hâm mộ nội địa. Nhiều người ở Lào, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines,... cũng đua nhau kéo về xứ sở chùa vàng, vừa gặp mặt thần tượng vừa đi du lịch. TAT đánh giá concert Blackpink giúp kéo về một lượng khách du lịch chất lượng cao ở các thị trường ngắn hạn trong khu vực và tạo niềm tin cho người nước ngoài thưởng ngoạn quốc gia này. Bây giờ, ta hãy nhìn xem cách Việt Nam đón nhận sự kiện này: VTV, đài truyền hình quốc gia, lên phóng sự về tác hại của việc “đu idol”; và cộng đồng mạng, đặc biệt là các cháu Sô vanh chủ nghĩa, lên bài “yêu nước” để húc IME.
Các cháu Sô vanh chủ nghĩa đấu tranh chủ quyền theo kiểu đó thì chẳng khác nào tự bắn vào đầu cả.
3. R/place và cơn điên loạn của những kẻ Sô vanh.
R/place vốn là một dự án hợp tác và kiêm luôn vai trò thí nghiệm xã hội được tổ chức lần đầu trên trang mạng xã hội Reddit vào ngày Cá tháng Tư năm 2017, được tổ chức lần nữa vào 5 năm sau, tức ngày Cá tháng Tư 2022, và tiếp tục diễn ra vào năm nay, 2023. R/place xoay quanh một bức tranh trống trực tuyến được đặt tại một subreddit có tên r/place mà người dùng đã đăng ký có thể chỉnh sửa bằng cách thay đổi màu của một điểm ảnh (pixel) từ bảng màu. Sau khi đặt mỗi điểm ảnh, một bộ đếm thời gian sẽ ngăn người dùng đặt bất kỳ điểm ảnh nào trong khoảng thời gian 5 phút.
Mục đích của dự án là để kiểm tra xem văn hóa Internet đại chúng như thế nào, và với mục đích này, ta có thể thấy rõ, cộng đồng mạng Việt Nam đã thất bại hoàn toàn. Quả nhiên, cộng đồng mạng Việt Nam rất xứng đáng với vị trí top 5 các quốc gia kém văn minh nhất trên Internet.
Mọi việc bắt đầu khi Độ Mixi, một Streamer game và YouTuber, tham gia r/place và kêu gọi cộng đồng vẽ một bức tranh đại diện cho Việt Nam. Ban đầu, mọi chuyện có vẻ rất bình thường, cho tới khi báo chí vào cuộc và đăng bài “Việt Nam chiếm không gian nhiều thuộc hàng bậc nhất trên r/place” nhằm lan truyền sự ngạo nghễ khắp các trang mạng xã hội. Gần như ngay lập tức, các cháu Sô vanh chủ nghĩa lũ lượt tràn vào Reddit và chiếm không gian tranh của các cộng đồng khác (xem ảnh trên).
Các cháu không biết được rằng hành động của các cháu là rất vô văn hóa, và cộng đồng Reddit nước ngoài, cùng với một số cộng đồng Reddit có lương tri trong nước, đã phát hiện, tố cáo mạnh mẽ sự ngu học của các cháu. Sau đó, để chữa cháy cho hành động này, các cháu xin lỗi bằng cách spam cùng một câu văn mẫu? Khác gì các cháu đang đổ thêm dầu vào lửa đâu? Thà rằng các cháu lên ChatGPT hay Bing Chat để cho AI viết văn xin lỗi còn chân thành hơn là các cháu làm mấy trò hề này đấy.
Hành động lấn tranh của người khác là vô văn hóa đã đành, ít nhất thì nếu các cháu Sô vanh chủ nghĩa vẽ cái gì đó đẹp thì cũng tạm chấp nhận đi, vì không gian trong r/place là có hạn, do đó ắt sẽ có trường hợp lấn tranh. Tuy nhiên, các cháu lấn tranh của người khác mà toàn một màu đỏ vô hồn. Các cháu phá tranh rồng Osiris mà tôi đánh giá là rất đẹp bằng những chấm đỏ chẳng ra thể thống gì. Tất cả là chỉ để thỏa mãn thú tính bệnh hoạn, và cũng ngạo nghễ hơn với tuyên bố “Việt Nam chiếm không gian nhiều thuộc hàng bậc nhất trên r/place” xuất phát từ phía báo chí lá cải.
Một vấn đề khác nữa, đó là trong khi các cộng đồng Reddit nước ngoài khác vẽ tranh để ca ngợi văn hóa phẩm của họ, như danh lam thắng cảnh, ẩm thực, nhân vật hoạt hình,... thì các cháu Sô vanh chủ nghĩa vẽ cái gì thế kia? Các cháu đang vẽ tranh tuyên truyền, mà tôi nói thật, đứng dưới góc độ một người nước ngoài, chẳng ai quan tâm vấn đề tuyên truyền của các cháu đâu, mà trái lại là họ cực kỳ ghét. Tôi đã hỏi hai người bạn nước ngoài của tôi hiện ở Úc, và họ cho thấy sự không hài lòng với cộng đồng mạng Việt Nam khi tôi thuật lại sự việc.
Tuyên truyền thực sự cũng không là một hình thức nghệ thuật. Theo Mĩ học của Hegel, cái đẹp của nghệ thuật là cái đẹp có chủ ý, tức có nghĩa, đây là cái đẹp được xử lý bằng quan hệ tinh thần, và được sắp xếp có chủ ý của chủ thể nghệ sĩ. Lý tưởng của cái đẹp trong nghệ thuật là sự kết hợp cân đối giữa cái chung và cái riêng. Đối với Hegel, cái đẹp của nghệ thuật cần phải có có sự phát triển biện chứng giữa nội dung và hình thức, giữa cá tính và hoàn cảnh. Lý tưởng và tinh thần chính là bản chất của cái đẹp nghệ thuật, và tính tất yếu của lý tưởng với tính cách cái đẹp trong nghệ thuật. Hay nói một cách khác hơn, sự hiện diện của cái đẹp trong nghệ thuật là sự biểu hiện tính tất yếu của một lý tưởng. Nghệ thuật cần phải thể hiện tính cách lý tưởng, trong đó tính cách làm thành điểm tập trung thực sự của biểu hiện nghệ thuật có tính chất lý tưởng. Ba đặc trưng lớn của tính cách làm thành điểm tập trung thực sự của một biểu hiện nghệ thuật có tính chất lý tưởng là tính phong phú, tính rõ ràng và tính kiên định [8]. Việc sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi sự tự do và tự nguyện, chứ không thể sáng tác một cách cưỡng ép theo chỉ tiêu. Đó chính là sự xúc phạm nghệ thuật, và xa hơn là xúc phạm Mĩ học.
Nhìn ảnh các cháu Sô vanh chủ nghĩa bị bóc mẽ ở trên, tôi vừa thấy đáng thương vừa thấy đáng buồn cười. Đáng thương thay cho trí tuệ của các cháu, và đáng cười thay cho hành động tấu hài đậm chất trẻ con của các cháu. Người đăng bài gọi là “weird nationalism” cũng không sai.
Arthur Schopenhauer, một trong những vị Triết gia có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của lịch sử Triết học thế giới, đã có một nhận định thật chí lí thay:
“Niềm tự hào rẻ mạt nhất là niềm tự hào dân tộc. Bởi vì qua đó ta có thể nhận ra, những kẻ mắc phải chứng tật này bị thiếu thốn các tính cách cá nhân đáng tự hào, bởi nếu có những đức tính này thì họ đã có thể tự hào về chính mình chứ không phải cố bám víu vào một đặc tính là điểm chung giữa họ và hàng triệu kẻ khác. Trái lại thì những ai sở hữu các ưu điểm cá nhân nổi bật sẽ hầu như chỉ nhìn ra những sai trái của dân tộc họ - một cách rất rõ ràng, bởi họ không bao giờ rời mắt khỏi những sai trái đó. Nhưng tất cả những thằng ngu hèn đáng thương, những kẻ mà chẳng có gì trên đời này để mà tự hào, họ sẽ phải dùng đến biện pháp cuối cùng, đó là tự hào về cái dân tộc mà họ đang ngẫu nhiên thuộc vào đó.”
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 26/07/2023, hoàn thành vào 27/07/2023.
Dẫn nguồn và tư liệu tham khảo:
[1] Nguyễn, Hải Hoành (2017). “Người Nhật phát triển Hán ngữ hiện đại”. Nghiên Cứu Quốc Tế. https://nghiencuuquocte.org/2017/02/07/nguoi-nhat-phat-trien-han-ngu-hien-dai/. Accessed 26 July 2023.
[2] Trần, Nam Tiến (2015). “Chủ nghĩa dân tộc (Nationalism)”. Nghiên Cứu Quốc Tế. https://nghiencuuquocte.org/2015/02/04/chu-nghia-dan-toc/. Accessed 26 July 2023.
[3] Tornad (2022). “Lòng yêu nước: Truyền thống ngàn đời hay truyền thống tân tạo?”. Spiderum. https://spiderum.com/bai-dang/Long-yeu-nuoc-Truyen-thong-ngan-doi-hay-truyen-thong-tan-tao-iEZ2Lm0feZxv. Accessed 26 July 2023.
[4] Nguyen, Quy (2020). “Microsoft survey finds Vietnamese among least civil online”. VnExpress. https://e.vnexpress.net/news/news/microsoft-survey-finds-vietnamese-among-least-civil-online-4060000.html. Accessed 26 July 2023.
[5] “The Visual Language of Dashed Lines”. Understanding Graphics. https://understandinggraphics.com/brainy/the-visual-language-of-dashed-lines/#:~:text=The%20dashed%20line%20often%20represents,there%20is%20more%20to%20come. Accessed 26 July 2023.
[6] Smith, Alexander (2023). “Did 'Barbie' cross the line? How a 'child-like' map stirred a South China Sea dispute”. NBC News. https://www.nbcnews.com/news/world/warner-bros-defends-barbie-banned-vietnam-south-china-sea-map-rcna93013. Accessed 26 July 2023.
[7] Holland, Kimberly (2019). “Superiority Complex: Understanding It, Traits, Treatment and More”. Accessed 26 July 2023.
[8] Đỗ, Thị Minh Thảo (2021). “Hai nguyên lý cơ bản trong Triết học về nghệ thuật của G.W.F. Hegel”. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. https://frs.ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tac-gia-tac-pham/hai-nguyen-ly-co-ban-trong-triet-hoc-ve-nghe-thuat-cua-g-w-f-hegel-62.html. Accessed 27 July 2023.
Ngày 27 tháng 07 năm 2023,
Trần Tuấn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất