Chuyện kể rằng bắt đầu từ năm ngoái cư dân mạng rục rịch một phong trào nhằm thành lập ngày Tôn vinh tiếng Việt, lấy ngày 21/2. Lí do để thành lập ngày này thì cũng như mọi diễn ngôn đại chúng khác xoay quanh vấn đề tiếng Việt: sáo rỗng, tán cuội và o bế. Rồi thế là đến hẹn lại lên, năm nay các bạn trẻ lại hùng hục tâng bốc tiếng Việt lên mây khiến cái thân già này nghe được mà thấy chua hết cả lòng.
Thật ra thì tôi không có vấn đề gì với chuyện tôn vinh tiếng Việt, tôi chỉ có vấn đề với cái dối trá và cái dốt nát. Nhưng bởi vì lâu nay người Việt tán dương tiếng Việt bằng quá nhiều dối trá nên tôi quyết định viết bài này thứ nhất để trả lại dối trá về đúng vị trí của nó, và thứ hai để nhiều người biết rằng kẻ thù của tiếng Việt không phải là sự pha lẫn với tiếng nước ngoài, mà chính sự dốt nát của người nói tiếng Việt bản ngữ mới là kẻ thù của nó.
Bằng cách giải thiêng các sáo ngữ thường dùng cho tiếng Việt, bài viết này sẽ làm rõ hơn hai mục đích tôi vừa kể trên.
I. “PHONG BA BÃO TÁP KHÔNG BẰNG NGỮ PHÁP VIỆT NAM”
Sáo ngữ thường gặp nhất là “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Sở dĩ nói nó là sáo ngữ vì nó được sử dụng rập khuôn như một thứ văn mẫu, trước vấn đề ngữ pháp nói câu này đã đành nhưng trước vấn đề từ vựng và ngữ âm người ta cũng lôi ra réo; bởi vì rập khuôn nên người nói không thể giải thích được họ đang nói cái gì – nguồn gốc câu nói này từ đâu, tiếng Việt khó so với thứ tiếng gì, phần nào của ngữ pháp khó, hay toàn bộ đều khó?
Trùng hợp là câu nói này có vần và bằng trắc hài hoà khiến cho nhiều người ngộ nhận nó là tục ngữ, nhưng sự thật không phải thế.
Thứ nhất, trong gần 4000 trang tài liệu có thể tra cứu (800 trang Từ điển thành ngữ & tục ngữ của Vũ Dung; 3000 trang Từ điển thành ngữ & điển tích của Quách Văn Hòa) tôi không hề thấy câu nói này. Thậm chí tôi còn không thấy từ “ngữ pháp” xuất hiện một lần nào trong toàn bộ 4000 trang sách ấy. Điều này rất dễ hiểu, thuật ngữ “ngữ pháp” cùng môn ngữ pháp học vốn là lĩnh vực hàn lâm nên rất khó đi vào quần chúng bấy giờ để trở thành tục ngữ. Ngoài ra, người bản ngữ xưa nay học tiếng mẹ đẻ bằng cách bắt chước và thực hành chứ không cần biết đến môn ngữ pháp học, dẫu không phủ nhận ngữ pháp học giúp người học tiến xa hơn, và cũng không phủ nhận việc người bản ngữ có thể dựa vào ngữ pháp học để so sánh tiếng mẹ đẻ với thứ tiếng khác nhằm xác định ngôn ngữ nào phức tạp hơn.
Thứ hai, sau khi tra cứu trên mạng tôi biết mẫu câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp…” đã manh nha xuất hiện từ những năm 1960 và hồi ấy được cộng đồng sinh viên Nga ngữ dùng cho tiếng Nga, thông qua một bài báo về Đại tá Nguyễn Lành. Thông tin có được tuy chỉ là giai thoại nhưng việc dẫn trực tiếp tên tuổi của nhân vật và sự kiện có thật dù sao cũng đáng tin hơn việc người Việt truyền miệng câu tục ngữ mà không được bất cứ tài liệu nào xác nhận. [1] Ngoài ra, những năm 1960 cũng là thời điểm cả nước đang lên cơn truyền thống với bài kêu gọi của ông Phạm Văn Đồng trên Tạp chí Học tập, số 4, 1966: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tức là góp phần chống Mĩ cứu nước trên mặt trận văn hóa,” và “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp.” Không có gì lạ nếu như dân ta trưng dụng luôn câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga” để trở thành “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.
Thứ ba, thêm một yếu tố củng cố luận điểm rằng “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” chỉ là một dị bản, bởi vì câu nói này sai ngữ pháp. “Ngữ pháp” là thuật ngữ chuyên ngành và có khả năng kết hợp hạn chế, và được định đoạt bởi định nghĩa của nó: “Hệ thống những phương thức và quy tắc cấu tạo từ, cấu tạo câu trong một ngôn ngữ” (theo Từ điển Hoàng Phê, 2018). Vậy kết hợp với “ngữ pháp” chỉ có thể là tên một ngôn ngữ mà thôi, chẳng hạn “tiếng Việt”, chứ không phải tên một quốc gia. Ngay cả trong trường hợp coi “Việt Nam” là định ngữ chỉ xuất xứ như trong các trường hợp “người Việt Nam”, “gạo Việt Nam” thì cũng không đúng. Bởi “ngữ pháp” là thuật ngữ khoa học mang tính phổ quát, nó không mang tính địa phương để mà có thể phân biệt xuất xứ.
Nhưng tại sao dị bản không phải là “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt”? Lí do đến từ yếu tố đậm tính địa phương: bằng trắc trong tiếng Việt. Câu gốc “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Nga” mang cấu trúc bằng trắc lên xuống hài hoà – BBTTBBTTTB – do đó nghe thuận tai; câu dị bản đúng ngữ pháp thì bốn âm tiết cuối đều là trắc (ngữ pháp tiếng Việt – TTTT) nghe sẽ không thuận bằng câu sai ngữ pháp (ngữ pháp Việt Nam – TTTB) nhưng bù lại vẫn giữ bằng trắc giống y như câu gốc. Ngoài ra vì cẩn thận, tôi đã tra thử hai dị bản “… ngữ pháp Việt Nam” và “… ngữ pháp tiếng Việt” để xác định rõ đâu là phiên bản hay được dùng hơn. Google cho biết có 12.600 kết quả (trong 0,44 giây) đối với “… ngữ pháp Việt Nam” và chỉ 3.070 kết quả (trong 0,40 giây) đối với “… ngữ pháp tiếng Việt”. Điều này cho thấy dị bản hài hoà bằng trắc (dẫu sai) được chuộng dùng hơn đúng như suy luận của tôi, và càng nhiều dị bản càng cho thấy đây không phải câu nói gốc.
Thứ tư, sáo ngữ “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” là sai vì ngữ pháp Việt Nam không hề khó. Tất nhiên khó ở đây là nói về mối tương quan với các ngôn ngữ khác chứ không phải với con người, nếu với con người thì câu nói này vô nghĩa bởi thể loại IQ có hai chữ số thì học gì cũng khó, còn người thông minh thì học gì cũng dễ vậy. Nhìn chung, việc so sánh tiếng Việt với ngôn ngữ khác là chủ đề rất dài, nhưng may thay trước đây tôi đã viết hẳn một bài dài 5600 chữ để xử lí vấn đề này rồi. [2] Bài viết đầy đủ ở trang Monster Box, ở đây tôi sẽ chỉ tóm tắt lại một số luận điểm của nó.
Bài viết ấy khảo sát trên các thứ tiếng là Việt, Trung, Nhật, Anh, Pháp, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Ả-rập; so sánh trên ba bộ phận cấu thành ngôn ngữ là ngữ pháp, từ vựng và ngữ âm (chữ viết không thuộc bộ phận cấu thành ngôn ngữ). Kết quả cho thấy:
Về mặt ngữ pháp, tiếng Việt hoàn toàn không khó hơn tất cả các thứ tiếng được khảo sát. Từ vựng không chia giống, không chia số lượng, không chia động từ, đặt câu rất dễ đúng ngữ pháp vì có quá nhiều cái không bắt buộc. Tôi đi đến kết luận không khó hơn thứ tiếng khác vì không phải nhớ nhiều thứ để đặt câu cho đúng.
Về mặt từ vựng, tiếng Việt vừa có điểm dễ hơn và khó hơn. Dễ ở đặc điểm từ ngắn nên dễ nhớ, cách ghép từ theo đặc điểm của từ ghép chính phụ giúp dễ nhớ và dễ đoán; khó ở hệ thống đại từ đồ sộ, số lượng lớn gây khó nhớ và khó sử dụng cho đúng.
Về mặt ngữ âm, tiếng Việt khó hơn tất cả. Khó ở đặc điểm ngôn ngữ thanh điệu, và số lượng âm tiết phong phú, điều này gây khó nhớ và khó phát âm đúng cách.
Như vậy có thể nói rằng tiếng Việt vừa có điểm dễ vừa có điểm khó so với ngôn ngữ khác, do đó chưa thể kết luận tiếng Việt khó hay dễ hơn thứ tiếng khác. Tuy nhiên nếu chỉ xét về mặt ngữ pháp thì có thể chắc chắn là ngữ pháp không khó hơn. Từ đó có thể kết luận câu nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” là sai, sai về rất nhiều mặt.
Thứ năm, như tôi đã nói ở đầu bài rằng cách thức học ngôn ngữ của người bản ngữ và người ngoại quốc khác nhau, do đó lấy ý kiến từ hai nhóm người này không khách quan. Cách khách quan để đánh giá độ khó hay dễ của một ngôn ngữ là bóc tách và phân tích ngữ pháp, ngữ âm, từ vựng của nó có gì cần nhớ nhiều hay không mà thôi, mức độ cần nhớ nhiều sẽ tỉ lệ thuận với độ khó. Và để làm được công việc này thì bắt buộc người đánh giá phải biết nhiều ngôn ngữ để so sánh, và biết cách phân tích ngôn ngữ dưới góc độ học thuật. Tôi biết có hai người ngoại quốc đáp ứng đủ tiêu chí này và sau đây là ý kiến của họ.
Jack Halpern, nhà từ điển học biết 15 ngôn ngữ, nói trôi chảy 10 ngôn ngữ: “Tóm lại, mặc dù việc học tiếng Việt có những trở ngại, đặc biệt là về phần phát âm và phân biệt các thanh điệu và nhiều âm khó, ta có thể nói rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ khá dễ học: từ ngắn, chính tả ổn định, không giới tính, không số nhiều, không chia động từ, không cách thể, không mạo từ, vân vân và vân vân.” [3]
George Julian, người sáng tạo nội dung, biết 6 ngôn ngữ: “Đa phần người nước ngoài ở Việt Nam (gồm cả tôi, trong một năm) đều không nhận ra phát âm là điểm khó duy nhất của tiếng Việt. Mọi khía cạnh khác của ngôn ngữ này đều hết sức dễ học – dễ hơn bạn nghĩ nhiều, đặc biệt nếu so sánh với phần lớn ngôn ngữ châu Âu.” [4]
Thứ sáu và cuối cùng, bài so sánh (ở Monster Box) được tôi trình bày những đặc điểm có khả năng so sánh được giữa 9 ngôn ngữ ấy, chứ không phải trình bày mọi đặc điểm của 9 ngôn ngữ ấy, bởi có nhiều đặc điểm không khó hơn cũng không dễ hơn mà chỉ đơn giản là khác biệt, và thế thì không cần kể ra làm gì, biết rằng độ khó được định đoạt tỉ lệ thuận với mức độ cần nhớ nhiều. Vậy nên tôi thấy mình không cần phải trình bày về cách tiếp cận đề-thuyết, thế từ, vị từ, hư từ, từ ngẫu hợp, v.v. gì cả, vì chúng chỉ nói lên sự khác biệt chứ không nói lên độ khó hay dễ hơn.
II. “TIẾNG VIỆT CỦA CHÚNG TA RẤT GIÀU”
Sáo ngữ thường gặp thứ hai là “Tiếng Việt giàu,” câu này thường đi kèm với “Tiếng Việt đẹp,” nhưng do đẹp là cái hoàn toàn chủ quan nên tôi sẽ không phân tích vế thứ hai ấy ở đây. Nguồn gốc của nó, như tôi đã viết bên trên, đến từ bài viết Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của Phạm Văn Đồng đăng trên Tạp chí Học tập. Đấy là bài kêu gọi tinh thần dân tộc thì đúng hơn là bài phân tích ngôn ngữ, văn cảnh của câu nói ấy như sau:
Tiếng Việt của chúng ta rất giàu; tiếng ta giàu bởi đời sống muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm dồi dào của dân tộc ta; bởi kinh nghiệm đấu tranh lâu đời và phong phú, kinh nghiệm đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội, đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh với giặc ngoại xâm; bởi những kinh nghiệm sống của bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tiếng Việt của chúng ta phản ánh sự hình thành và trưởng thành của xã hội Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, của tập thể nhỏ là gia đình, họ hàng, làng xóm và của tập thể lớn là dân tộc, quốc gia. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp; đẹp như thế nào, đó là điều rất khó nói. Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào cũng như ta không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.
Nhưng một lần nữa, giàu là khái niệm mang tính so sánh, vậy nên dù người nói có ý so sánh hay không thì bản chất câu nói vẫn mang nghĩa so sánh. Và ở đây tôi sử dụng tiêu chí số lượng từ vựng để so sánh mức độ giàu của các ngôn ngữ, khảo sát trên bốn ngôn ngữ thường được dùng ở Việt Nam là tiếng Anh, Pháp, Trung, Việt.
Tiếng Anh, theo Oxford English Dictionary, ấn bản thứ hai, có 273.000 mục từ; trong số đó có 171.476 từ hiện hành, 47.156 từ đã lỗi thời, và khoảng 9500 từ phái sinh. [5]
Tiếng Pháp, theo Trésor de la Langue Française informatisé (Kho tàng tiếng Pháp số hoá) có 100.000 từ. [6]
Tiếng Trung, theo 漢語大詞典 (Hán ngữ đại từ điển) có 370.000 mục từ; trong đó có 18.014 từ đơn, 336.706 từ ghép, 23.383 thành ngữ. [7]
Tiếng Việt, trở ngại đầu tiên là tôi chưa thấy từ điển tiếng Việt nào, cả cũ (như Từ điển Khai trí Tiến Đức) lẫn mới như (Từ điển Hoàng Phê), thông báo số lượng mục từ cả. Vậy nên tôi quyết định tự đếm số từ, và đếm một cách hào phóng nhất, bằng cách chọn từ điển dày nhất tôi có là Từ điển Hoàng Phê 1500 trang, tính trung bình cộng của 10 trang (có mục từ) bất kì rồi nhân với tổng số trang. Hãy biết rằng cách tính này rất hào phóng vì 1500 trang được nhân bao gồm các trang lời nói đầu và trang xi-nhê vốn không có mục từ; ngoài ra từ điển này, theo nhóm soạn giả, còn đưa vào các ngữ và thành ngữ cùng với tiền tố, hậu tố và hư từ. [8]
Và kết quả trung bình cộng số mục từ mỗi trang tôi thu được là 28, vậy cả quyển sẽ có khoảng 42.000 mục từ. Một con số thấp hơn rất nhiều so với ba ngôn ngữ kể trên: chưa bằng một nửa tiếng Pháp, chỉ bằng một phần sáu tiếng Anh, bằng một phần tám tiếng Trung. Tuy thế nhưng điều này không phải lạ, một thống kê trước đó do Vietlex làm cũng đưa ra con số tương tự: 41.271. [9]
Từ điển tiếng Việt 2008 được biên soạn, biên tập và chế bản trên những chương trình chuyên dụng do Trung tâm Từ điển học Vietlex trực tiếp xây dựng; bao gồm 41.271 mục từ.
Nhưng bất chấp số liệu thấp đến ê chề như vậy, nhiều người Việt vẫn ngạo nghễ cho rằng tiếng Việt giàu hơn tiếng Anh vì một số ví dụ lẻ tẻ như: hạt lúa còn vỏ gọi là thóc, tách vỏ còn sống gọi là gạo, tách vỏ nấu chín gọi là cơm, trong khi tiếng Anh chỉ có một từ rice; hoặc gọi là “con dao” không phải “chiếc dao”, “chiếc thìa” không phải “con thìa”; hoặc mấy trò đảo trật tự từ như câu “Bảo sao nó không đến”, “Bảo nó đến không sao”, “Sao bảo nó không đến”; hoặc mấy trò chơi chữ đồng âm dị nghĩa; v.v.
Tất cả ví dụ trên đều không thể hiện sự giàu có của tiếng Việt, mà chỉ thể hiện sự dốt nát của người nói, bao gồm dốt về văn hoá và dốt về ngoại ngữ.
Thứ nhất, sự đa dạng của từ vựng thóc, gạo, cơm đến từ khác biệt văn hoá. Người Việt gắn liền với gạo tẻ nên sinh ra nhiều từ để gọi còn người tây không gắn liền thì có ít từ để gọi, tuỳ nhu cầu cuộc sống mà thôi. Nói thế cũng có nghĩa là vị trí sẽ được hoán đổi nếu ta chọn một sản phẩm đặc trưng của phương tây. Chẳng hạn sữa, tiếng Anh có rất nhiều từ để gọi các chế phẩm từ sữa: milk, butter, buttermilk, cream, cheese, custard, casein, yogurt, whey, clabber, gelato, v.v. Trong số đó tiếng Việt chỉ có mỗi từ sữa, bơ, kemphô-mai là từ mượn Pháp, còn sữa chua, sữa lên men là từ ghép sinh sau đẻ muộn, số rất nhiều từ còn lại thậm chí người Việt còn chưa biết đến.
Thứ hai, vấn đề con dao và chiếc thìa trong thuật ngữ ngôn ngữ học gọi là loại từ (classifier). Và quả đúng loại từ là cái mà các ngôn ngữ châu Âu thiếu vắng, nhưng như vậy không có nghĩa là tiếng Việt giàu hơn ngôn ngữ khác, bởi anh bạn hàng xóm tiếng Trung của chúng ta vẫn còn sờ sờ ra đó. Ví dụ loại từ đứng trước danh từ chỉ người là 个, trước danh từ chỉ cây cối là 棵, trước danh từ chỉ động vật là 只, và tất nhiên không thể hoán vị với nhau. “Ba cây sồi” là 三棵橡树 và “ba đứa trẻ” là 三个孩子, chứ không thể đảo là 三个橡树 và 三棵孩子. Ngoài ra, tuy tiếng Anh có ít loại từ, nhưng nó có khái niệm khác gọi là danh từ tập hợp (collective noun) và chúng cũng rắc rối không kém. Ví dụ cùng là thú nhưng elephant (voi) phải đi với herd (đàn), còn sheep (cừu) lại đi với flock (đàn), nếu hoán vị thành “a herd of sheep” và “a flock of elephants” là sai. Và tiếng Anh có rất nhiều danh từ tập hợp cần nhớ: herd, pack, flock, swarm, shoal, colony, bunch, pride, panel, gang, group, set, series, v.v.
Thứ ba, trò đảo trật tự từ như câu “Bảo sao nó không đến” về bản chất là đặc điểm của ngôn ngữ đơn lập (isolating language) khi xác định ngữ pháp dựa trên trật tự từ trong câu, trong khi tiếng Anh là ngôn ngữ hoà kết (fusional language) nên không có điểm chung mà thôi. Thế nhưng tôi lại phải nhắc lại, trước khi ngạo nghễ gân cổ gáy điều gì phải biết nhìn trước ngó sau, đặc biệt anh bạn hàng xóm tiếng Trung vẫn đứng lù lù ở đấy. Tiếng Trung cũng là ngôn ngữ đơn lập và cũng xác định ngữ pháp dựa trên trật tự từ trong câu. Ví dụ câu 有什麽吃什麽 (Hữu thập ma ngật thập ma) và 吃什麽有什麽 (Ngật thập ma hữu thập ma) được đảo trật tự từ và mang nghĩa khác hẳn: “Có cái gì thì ăn cái nấy” với “Muốn ăn cái gì thì có cái nấy”. Việc đảo trật tự từ từ 5 từ bảo, sao, nó, không, đến (do nhà nghiên cứu Lê Văn Lý nghĩ ra) để tạo thành hơn 40 câu khác nhau có thể khiến nhiều người ngạo nghễ vì con số 40 rất ấn tượng, nhưng nên biết rằng tiếng Trung cũng có hiện tượng này và tuy ở đặc điểm này họ không giàu bằng nhưng bù lại đặc điểm khác họ giàu hơn, thật nực cười khi kết luận tiếng Việt giàu hơn chỉ qua một đặc điểm cục bộ.
Thứ tư, chơi chữ đồng âm dị nghĩa. Thật ra phần này bất kì ai học dẫu chỉ một ngoại ngữ cũng biết là thứ tiếng nào cũng có đồng âm dị nghĩa, vậy nên tôi sẽ không nói kĩ ở đây, vì người biết ngoại ngữ thì không cần nghe còn người dốt ngoại ngữ thì có nghe cũng như nước đổ đầu vịt. Ở phần này tôi muốn nhắc đến khái niệm ít người biết hơn, đó là đồng tự dị nghĩa. Đồng âm dị nghĩa (homophone) là hiện tượng hai từ phát âm giống nhau mang nghĩa khác nhau và không nhất thiết cách viết giống nhau (chẳng hạn “flour” và “flower”), đồng tự dị nghĩa (homonym) là hai từ cách viết giống nhau mang nghĩa khác nhau và không nhất thiết phát âm giống nhau (chẳng hạn “produce: sản xuất” và “produce: nông sản”). Người Việt không biết đến chơi chữ đồng tự vì chữ viết tiếng Việt là thứ chữ kí âm viết sao đọc vậy, nó như một cái máy ghi âm bằng chữ mà thôi, nó không truyền tải triết lí và lịch sử như chữ Hán, chẳng hạn.
Ảnh trên là một ví dụ toàn hảo cho chơi chữ đồng âm và đồng tự. “I’m well!!” chơi chữ đồng tự, vừa nghĩa là cái giếng giới thiệu bản thân, vừa có nghĩa nói nó rất khoẻ. “I’m knot!!” chơi chữ đồng âm, vừa nghĩa là cái nút buộc giới thiệu bản thân, vừa có nghĩa nói nó không khoẻ. Đành rằng trò đùa mà giải thích thì không còn vui nữa, nhưng một khi biết được bản chất của trò đùa thì ta dễ mường tượng được các câu đùa khác ở ngôn ngữ khác, và do đó tránh được việc ngạo nghễ tự hào dựa trên một thứ đại trà và phổ biến.
Từ đó trước ba câu chơi chữ đồng âm này chúng ta không cần phải trầm trồ riêng cho tiếng Việt nữa vì tiếng Việt không có gì đặc biệt hơn cả.
Việt: Qua qua bảo qua qua mà qua không qua.
Anh: Rose rose to put rose roes on her rows of roses.
Pháp: Si ton tonton thon tond ton tonton thon, ton tonton thon sera tondu.
Thứ năm, trường hợp thay đổi dấu phẩy làm thay ý nghĩa ngữ pháp của câu là chuyện rất bình thường. Cụ thể câu trong ảnh trên, từ “địch” ở câu thứ nhất chuyển từ chủ ngữ trở thành định ngữ ở câu thứ hai. Tiếng Anh cũng có nhiều trường hợp như vậy, chẳng hạn:
“We eat, chicken!” và “We eat chicken!” Chicken trong câu đầu là hô cách (vocative case) còn sang câu sau trở thành tân ngữ.
“I like red, brown.” và “I like red brown.” Red trong câu đầu là danh từ và trở thành tính từ ở câu sau.
Thứ sáu, tiếng Việt có trò nói lái và Trạng Quỳnh, một nhân vật đặc sệt tính xấu của người Việt Nam, nổi tiếng thích chơi trò này. Thế nhưng điều đó không có nghĩa rằng nói lái chỉ xuất hiện ở tiếng Việt, thuật ngữ tiếng Anh của nó spoonerism và bản chất của nó là hoán đổi phụ âm đầu của một từ có hai âm tiết trở lên chứ không có gì riêng biệt. Ví dụ “bunny phone” và “funny bone” hay “jelly beans” và “belly jeans”.
Thứ bảy và cuối cùng, việc một âm được biến đổi thanh điệu để trở thành các từ mang nghĩa khác nhau (ví dụ ca, cá, cà, cả, cạ) là đặc điểm của ngôn ngữ thanh điệu (tonal language), và một lần nữa anh bạn hàng xóm lại có điểm chung với chúng ta. Tiếng Trung có hẳn một câu chuyện hoàn chỉnh dài 96 Hán tự chỉ xuất phát từ một âm “shi”. Câu chuyện ấy tên là 施氏食狮史 (Chuyện Shi ăn thịt sư tử; bính âm Shī shì shí shī shǐ) của nhà ngôn ngữ học Yuen Ren Chao, và nội dung nó như sau:
石室诗士施氏,嗜狮,誓食十狮。施氏时时适市视狮。十时,适十狮适市。是时,适施氏适市。氏视是十狮,恃矢势,使是十狮逝世。氏拾是十狮尸,适石室。石室湿,氏使侍拭石室。石室拭,氏始试食是十狮。食时,始识是十狮,实十石狮尸。试释是事。
Bính âm như sau:
Shíshì shī shì shī shì, shì shī, shì shíshíshī. Shī shì shí shíshìshì shì shī. Shí shí, shì shí shī shì shì. Shì shí, shì shī shì shì shì. Shì shì shì shí shī, shì shǐ shì, shǐ shì shí shī shì shì. Shì shíshì shí shī shī, shì shíshì. Shíshì shī, shì shǐ shì shì shí shì. Shí shì shì, shì shǐ shì shí shì shí shī. Shí shí, shǐ shí shì shí shī, shí shí shí shī shī. Shì shì shì shì.
Dịch tiếng Việt:
Có một nhà thơ họ Shi sống trong hang đá. Y rất thích ăn thịt sư tử và thề sẽ ăn mười con sư tử. Y thường ra chợ để tìm sư tử. Vào lúc mười giờ có mười con sư tử xuất hiện ở chợ. Trùng hợp thay lúc đó y cũng ở chợ. Y thấy mười con sư tử và rút tên bắn chết chúng. Y mang xác của mười con sư tử về hang đá. Hang đá ẩm ướt nên y sai người hầu lau khô. Khi căn phòng được lau xong y bắt đầu ăn xác mười con sư tử. Khi ăn y mới vỡ lẽ ra đây thực ra là xác của mười con sư tử đá. Thử giải thích chuyện này xem.
Tôi chưa thấy tiếng Việt có bất cứ câu chuyện nào thuộc dạng này cả.
III. “GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT”
Những năm 1960 giữa lúc cần hô hào tinh thần dân tộc để chống Mĩ, ông Phạm Văn Đồng đã đưa ra lời kêu gọi trên Tạp chí Học tập, số 4, 1966: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta” vì “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tức là góp phần chống Mĩ cứu nước trên mặt trận văn hóa” và phong trào này không mới, nó tương tự với phong trào ông Trường Chinh kêu gọi trên báo Sự thật năm 1948 khi chống thực dân Pháp: “Gây một phong trào Việt hóa lời nói và văn chương” và “kiên quyết bảo vệ tiếng mẹ đẻ”. Tựu trung những phong trào mang tính giữ gìn tiếng Việt về bản chất là chống lại sự xâm lấn của ngoại ngữ vào tiếng Việt mà thôi.
Câu nói này và biểu hiện của nó là chống du nhập cách nói ngoại ngữ đã dựa trên một giả định ngầm là tiếng Việt từ trước khi bị du nhập từ tiếng Pháp (và sau là Mĩ) là một cái gì đó rất tinh khiết Việt tính và không bị thay đổi gì từ hàng nghìn năm trước. Đây là một ảo tưởng, tiếng Việt vẫn đã, đang, và sẽ thay đổi liên tục vì đây là hiện tượng của mọi sinh ngữ. Ngôn ngữ học có thuật ngữ là biến đổi ngôn ngữ (language change) trong đó có ba loại biến đổi chính: biến đổi âm vị, biến đổi loại suy, và vay mượn từ vựng. Hành động ngăn chặn sự biến đổi ngôn ngữ thất bại ngay từ khi nó chưa bắt đầu, vì biến đổi là hiện tượng tự nhiên và nó sẽ không theo ý muốn của một nhóm người nào cả.
Nhà nước mới mở cái lộ quản-hạt cho xe-hơi chạy từ Sài Gòn xuống Cần Thơ. Nhơn-dân ở dọc theo lộ nầy, thuở nay cứ xẩn bẩn trong chốn thôn quê lo lập vườn làm ruộng, phần nhiều chưa thấy những cơ xảo văn-minh phát hiện nơi thị-thành, bởi vậy hễ nghe tiếng xe-hơi chạy ồ-ồ trên lộ, thì công cấy công mạ đương loi-nhoi dưới ruộng đều xóng lưng xây mặt mà ngó, còn trong xóm trong làng thì con nít người lớn đều bỏ nhà chạy ra sân đứng mà coi. Một buổi trưa, trời ui-ui, gió mát-mẻ, có một cái xe-hơi ở phía dưới Mỹ Thuận chạy lên, qua khỏi chợ Cai-Lậy một đổi rồi rề-rề ngừng ngay cái xóm nhà dựa lộ, bên mé tay trái. Nhơn-dân trong xóm chạy túa ra đứng dài theo lề đường mà coi, đờn-ông có, đờn-bà có, bà-già có, con-nít có, song ai nấy đều đứng xa xa mà ngó chớ không dám lại gần, không hiểu tại họ sợ cái mầu-nhiệm của món cơ-xảo lạ lùng, hay là tại họ kiêng hơi oai nghiêm của người chủ xe sang trọng. Cái xe còn mới tinh nên kèn cản chói sang lòa, lại sơn màu lá cây sậm nên coi mặn-mòi đẹp-đẽ.
Trên đây là trích đoạn tiểu thuyết Nợ đời của Hồ Biểu Chánh, ra đời năm 1936 tức mới cách đây gần một trăm năm, chúng ta đã thấy hành văn và từ vựng của thời bấy giờ khác biệt đến thế nào. Từ cách phát âm từ “nhơn dân, đờn ông, đờn bà” cho đến các từ ngữ cổ “quản hạt, ui ui, cơ xảo” và đặc biệt là khi “mặn mòi” được dùng để tả vẻ đẹp của đồ vật.
Từ điển Việt-Bồ-La, trang 35
Từ điển Việt-Bồ-La, trang 35
Nhưng nếu lùi thêm thời gian về thế kỉ thứ mười bảy thì chúng ta còn thấy ngạc nhiên hơn, tiếng Việt và chữ quốc ngữ lúc này khác biệt đến mức gần như không nhận ra khi nó có các phụ âm đầu bl, ml, mnh, tl. Tất cả được thể hiện rõ ràng trong Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, xuất bản năm 1651. Ngoài ra còn rất nhiều tài liệu khác, chẳng hạn Lịch sử nước An nam do Bento Thiện viết năm 1659, Tự vị Annam-Latin (1772-1773) và Nam Việt–Dương Hiệp tự vị (1838).
Trở lại với câu “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, câu này không hề trong sáng so với tiếng Việt thời đó bởi cụm từ “sự trong sáng” nghe rất lạ tai. Điều này cũng được chính ông Phạm Văn Đồng công nhận trong Tạp chí Văn học năm 1966 rằng cách nói ấy “có chỗ khá mới đối với cách nói thông thường, cách nói cổ truyền của tiếng ta”. Vậy có nghĩa là họ chấp nhận tiếng Việt có sự thay đổi nhưng là một dạng thay đổi có khuôn khổ do chính họ vạch ra theo ý muốn cá nhân của mình.
Suy cho cùng thì điều này không phải lạ, vì nhiều lí do mà một số chính phủ trên thế giới chống đối kịch liệt sự du nhập từ ngôn ngữ khác. Pháp là một ví dụ, chính phủ Pháp có một tổ chức tên là Uỷ ban làm giàu Pháp ngữ (La Commission d'enrichissement de la langue française) mang nhiệm vụ nghiên cứu thói quen ngôn ngữ của người dân và từ đó tạo ra các từ mới để tiếng Pháp bắt kịp thời đại và người dân Pháp không phải dùng từ ngoại lai. “Thành tích” đáng chú ý nhất của Uỷ ban làm giàu Pháp ngữ là sáng tạo từ tiếng Pháp thay thế cho “smartphone” của tiếng Anh, rất nhiều phương án được đưa ra: « mobile multifonction » và « terminal de poche » và « ordiphone » nhưng rốt cuộc vẫn không thay đổi được thói quen ngôn ngữ của người Pháp bởi những từ tiếng Pháp ấy ra đời quá muộn khi mà “smartphone” đã bám rễ vào đời sống của người dân rồi. [10]
Nhìn người mà thấy ngượng cho ta, cùng mang tư tưởng chống du nhập ngoại ngữ nhưng người Pháp đầu tư hẳn một tổ chức nghiên cứu để tạo từ mới, chính thế nên “smartphone” không được dịch thô ra tiếng Pháp là « téléphone intelligent » mà phải dày công tìm hiểu thói quen ngôn ngữ của người dân để tạo từ, trong khi đó tiếng Việt có mỗi bộ quy tắc phiên âm từ nước ngoài thôi mà đến giờ vẫn chưa xây dựng được. Tất cả những gì tôi thấy cho đến bây giờ là một đám người phản đối bằng cảm tính và bằng sự dốt nát, chứ tuyệt không có động thái nào dùng kiến thức và tài năng để xây dựng cho tiếng Việt thích hợp hơn với thời đại cả.
Bởi vì thế giới rất đa dạng, nếu đã có tư tưởng chống đối chêm từ ngoại lai thì cũng có tư tưởng ủng hộ hành động này, và thuật ngữ cho nó là translanguaging (tạm dịch: trộn ngữ), trộn ngữ là một hệ quả của nền văn hoá đa ngôn ngữ (multilingualism). Theo nghiên cứu khảo cổ học thì giáo dục đa ngôn ngữ đã có từ 4000-5000 năm trước, và các quý tộc La Mã xưa ai cũng biết hai ngôn ngữ là Hi Lạp và Latin. Một số nhà văn song ngữ khi viết văn có hiện tượng chêm thêm từ và câu của thứ tiếng khác, chẳng hạn Oscar Wilde biết tiếng Anh và Pháp, các tác phẩm tiếng Anh của ông thường xuyên chêm tiếng Pháp vào.
Điều này cốt để cho thấy việc chống đối trộn ngữ vốn chỉ là một tư tưởng trong rất nhiều tư tưởng trên thế giới chứ không phải thứ thuộc về bản chất loài người hay cái bắt buộc để có tinh thần dân tộc. Quý tộc La Mã biết song ngữ và không có chuyện họ ngả theo ngoại bang, nhà Nho Việt Nam biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán nhưng không phải vậy mà họ bán nước cho Trung Quốc. Ý tưởng giữ gìn tiếng Việt là bảo vệ đất nước trên mặt trận văn hoá là cái ý tưởng mới hình thành và được nhồi sọ gần đây, nó là một ảo tưởng như chính ảo tưởng về tinh thần dân tộc vậy.
IV. TỔNG KẾT
Như vậy là ba câu sáo ngữ trong bài viết này thì cả ba câu đều có liên quan đến vấn đề chủ nghĩa dân tộc (hai câu sau được thể hiện một cách trực tiếp trong lời kêu gọi của ông Phạm Văn Đồng, câu thứ nhất thì qua việc người Việt tự hào vì sự khó của tiếng Việt đã thể hiện tư duy phân cực Chúng ta – Chúng nó và chỉ thị của sự đầu tư vào cộng đồng sặc mùi chủ nghĩa dân tộc, mà tôi có phân tích về nó kĩ hơn trong bài ở Monster Box dẫn link cuối bài), nhưng ngay cả chủ nghĩa dân tộc cũng không phải vấn đề ở đây.
Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự dối trá và sự dốt nát của ba câu sáo ngữ này. Người ta có quyền yêu mọi thứ họ muốn miễn sao đừng lan truyền cái dối trá ra cộng đồng để lừa người khác và lừa bản thân. Tôi không có vấn đề với hạng người dốt nát mà chỉ có vấn đề với hạng người tự hào về cái dốt nát của họ, đặc biệt trong thời buổi thế giới phẳng như bây giờ người nước ngoài biết tiếng Việt rất nhiều, cái dốt rất dễ bị lộ ra.
Sự o bế tiếng Việt hiện nay rất giống với tâm lí của những kẻ mặc cảm vì bị đè nén một thời gian và nay được tự do nên buông thả một cách vung vít và cuồng loạn. Đã có quãng thời gian rất dài trong lịch sử nước ta, tiếng Việt là thứ bị khinh rẻ, chỉ được dùng trong văn nói và chữ viết không được hoàn thiện, mọi hành động cao cấp như giáo dục hoặc viết lách đều dùng chữ Hán, sự tự ti bị nuôi dưỡng quá lâu sinh ra bệnh hoạn. Khi chữ quốc ngữ ra đời, tiếng Việt như được xổ lồng và những đứa con bệnh hoạn của nó ra sức khen ngợi nó bằng những điều không thật, như để bù đắp cho quãng đời nhiều thiệt thòi của tiếng Việt trong quá khứ vài nghìn năm trước.
Tôi e là tình trạng bệnh hoạn này sẽ còn kéo dài rất lâu, bởi người dùng tiếng Việt hoàn toàn không nhận ra. Người Việt bây giờ dường như bị rơi vào tư duy nước đôi (doublethink) mà George Orwell đề ra trong 1984, tức là họ tin được vào những cái trái ngược nhau. Một mặt họ tin rằng không mượn từ là tốt nhất cho tiếng Việt, mặt khác họ tin rằng số lượng từ mượn tiếng Hán là cái cần thiết cho tiếng Việt, chưa kể đến từ mượn Pháp cũng không ít; một mặt họ tin rằng tiếng Việt là đẹp nhất, nhưng mặt khác họ tin rằng từ mượn tiếng Hán mang nghĩa trang trọng hơn ở tiếng Việt, như “phụ nữ” thì trang trọng hơn “đàn bà”, “hoạ sĩ” trang trọng hơn “người vẽ”, “thi hài” trang trọng hơn “xác chết”, v.v..
Như lời một người bạn tôi đã nói: Chủ nghĩa dân tộc luôn tạo ra những thằng hề. Tôi bổ sung rằng chủ nghĩa dân tộc là mảnh đất màu mỡ cho những thằng dốt, và những thằng dốt trở thành những thằng hề khi chúng bắt đầu tin vào những ảo tưởng do chủ nghĩa dân tộc vẽ ra.
V. HƯỚNG DẪN PHẢN BIỆN BÀI NÀY
(trò này mới)
Tôi nghĩ mình sẽ không vặn thấp IQ xuống để đón trước luận điểm sai của lũ ngu bằng mục Chặn họng như hồi xưa nữa, bây giờ tôi sẽ bơm IQ của mình cho lũ ngu để cuộc tranh biện được cân sức hơn một chút. Tôi hi vọng hành động này của mình sẽ khiến phần bình luận đỡ rác rưởi hơn.
Phần I của bài viết này mang luận điểm là ngữ pháp tiếng Việt không khó hơn (chứ không phải dễ) so với ngữ pháp thứ tiếng khác, do đó câu nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” là dối trá. Ngoài ra tôi cũng không kết luận tiếng Việt dễ hơn thứ tiếng khác.
Các ngôn ngữ được tôi mang vào so sánh là những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam mà thôi, do hạn chế trình độ của tôi, tôi không thể biết được tất cả ngôn ngữ trên thế giới để so cho bằng hết. Nhưng trong những ngôn ngữ mang so, chúng cho thấy ngữ pháp tiếng Việt không khó hơn.
Vậy ai muốn phản biện tôi hãy bắt đầu bằng việc tìm ngữ pháp thứ tiếng nào dễ hơn tiếng Việt, càng nhiều càng tốt. Cũng xin lưu ý, trước khi múa lửa bằng kiến thức về đề-thuyết, thế từ, vị từ, v.v. thì hãy chứng minh những kiến thức đó khiến cho ngữ pháp tiếng Việt khó hơn thứ tiếng khác, mà biểu hiện có thể là cần nhớ nhiều hơn. Chứ chỉ nêu cái khác biệt vào thôi thì không có ý nghĩa gì cả.
Phần II của bài viết mang luận điểm là tiếng Việt không giàu hơn (chứ không phải nghèo hơn) thứ tiếng khác qua các đặc điểm ngôn ngữ mà thứ tiếng khác cũng có, thậm chí còn đa dạng hơn tiếng Việt.
Vậy ai muốn phản biện tôi thì hãy tìm đặc điểm nào mà chỉ mình tiếng Việt có hoặc cho thấy có quá bán những đặc điểm mà tiếng Việt phong phú hơn thứ tiếng khác.
Phần III của bài viết cho rằng không có cái gì gọi là tiếng Việt gốc, vì tiếng Việt thay đổi liên tục. Qua đó cũng cho thấy hành động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là câu nói lập lờ đánh lận con đen, bởi vì khi mà cái trong sáng đã vốn không tồn tại thì làm sao mà giữ gìn nó được.
Vậy ai muốn phản biện thì hãy định nghĩa thế nào là sự trong sáng của tiếng Việt và nếu cái A được thay đổi thì tại sao cái B lại không được, có khác biệt gì giữa chúng để cái A được mang đặc quyền thay đổi trong tiếng Việt.
Cuối cùng và quan trọng nhất, tôi tuyên bố những ai phản biện bắt buộc phải biết ít nhất một ngoại ngữ, còn bọn nào dốt ngoại ngữ thì tự giác cút xéo nhanh khẩn trương. Yêu cầu tối thiểu của những chủ đề mang tính so sánh là phải thành thạo cả hai cái được mang vào so sánh. Chuyện này tôi đã kinh qua một lần rồi ở bài so sánh cờ vua và cờ tướng, có rất nhiều thằng thủ cựu không biết chơi cờ vua nhưng vẫn tham gia tranh luận, để rốt cuộc là bọn nó nêu ra toàn những đặc điểm mà hai loại cờ đều có, nhưng cứ tâng bốc như thể chỉ cờ tướng mới có.
Mỗi lần nhớ về chuyện này tôi lại thấy hổ thẹn với con chó mình nuôi, bởi vì thay vì tốn thời gian trả lời lũ ngu tôi có thể dùng thời gian ấy để chơi gãi bụng với chó thì có phải hữu ích hơn nhiều không.
Và lời cuối, tôi nhắc lại câu nói đầu bài viết: Kẻ thù lớn nhất của tiếng Việt chính là sự dốt nát của người dùng tiếng Việt vậy.
[5] Oxford English Dictionary, Second Edition, Volume 1. Oxford University Press, 1989.
[7] http://www.hanyudacidian.com/
[8] Từ điển tiếng Việt, Gs. Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Hồng Đức, Công ty phát hành Văn Lang, 2018.
[9] http://www.tinhvi.com/?id=news&sid=topic2&article=114
TORNAD
20/2/2022