Đã từ lâu nay, diễn ngôn thời hiện đại ở Việt Nam cho rằng lòng yêu nước là một tình cảm thiêng liêng, được truyền lại từ ngàn đời, một đức tính tối cần thiết với mọi công dân. Trong các cuộc trò chuyện xoay quanh lòng yêu nước (chẳng hạn việc bỏ học môn Sử liệu có dẫn đến không yêu nước) người Việt thường chỉ dám bàn loanh quanh ở vùng biên vấn đề, chứ chưa ai từng đặt những câu hỏi cốt lõi: Lòng yêu nước là gì, nó có từ bao giờ, nó có thật sự cần thiết với một công dân?
Tư tưởng này ăn sâu đến mức dẫu chưa từng có nghiên cứu và sách vở nào của người Việt định nghĩa lòng yêu nước, nhưng người Việt vẫn mặc nhiên tôn thờ nó và tin vào nó như cách diễn ngôn của thời đại này vẫn liên tục nhắc lại. Mọi cố gắng tra cứu bằng tiếng Việt của tôi về lòng yêu nước chỉ nhận về những bài văn mẫu tán nịnh và khuôn sáo trong môn Văn của chương trình học phổ thông; ngoại trừ một bài duy nhất do Monster Box viết [1], nhưng nó không viết về Việt Nam, thậm chí không viết về phương đông.
Vậy nên bài viết này, phụng sự mục đích trả lời các câu hỏi cốt lõi về lòng yêu nước (là gì, có từ khi nào, có cần thiết), tôi sẽ thực hiện bằng cách tìm hiểu định nghĩa về lòng yêu nước, sự hiện diện của lòng yêu nước trong lịch sử, diễn ngôn yêu nước bắt đầu xuất hiện từ khi nào, và nền tảng đạo đức nào có thể hỗ trợ cho lòng yêu nước, trong phạm vi Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Bắt đầu từ đây hai thuật ngữ lòng yêu nướcchủ nghĩa yêu nước sẽ được tôi dùng với nghĩa như nhau, thay phiên tuỳ văn cảnh. Vậy cụ thể nghĩa của nó là gì?
Tôi lấy định nghĩa từ một trong những nghiên cứu sớm sủa nhất trên thế giới về lòng yêu nước: Patriotism, Morality, and Peace của Stephen Nathanson, năm 1993 [2]. Chủ nghĩa yêu nước (patriotism) được Nathanson định nghĩa là:
1. Tình cảm đặc biệt với đất nước của một người 2. Đồng nhất căn tính bản thân mình với đất nước 3. Quan tâm đặc biệt đến phúc lợi của đất nước 4. Sẵn sàng hi sinh thân mình vì lợi ích của đất nước
Chúng ta có thể thấy định nghĩa này rất khớp với thực trạng yêu nước ở Việt Nam.
Điểm 1 quá rõ ràng, không cần nói gì nhiều.
Điểm 2 dễ thấy qua những cơn thịnh nộ của người Việt yêu nước khi có ai đó xúc phạm nước Việt Nam, hay thậm chí chỉ là xúc phạm những biểu tượng của Việt Nam như áo dài, bánh mì, bún thịt nướng; những người yêu nước đó giận dữ như chính bản thân họ bị xúc phạm.
Điểm 3 cũng rất rõ ràng, không cần giải thích thêm.
Điểm 4 là một thứ liên tục được tuyên bố mà không chắc có làm được hay không, nó ăn sâu vào các nghệ phẩm cách mạng và thậm chí ăn vào cả văn mẫu cùng những người viết văn mẫu là giới giáo viên Việt Nam; dẫn chứng gần đây nhất là bình phẩm của một cô giáo về vụ tự tử của một học sinh, giáo viên đó dẫn chuyện hi sinh vì tổ quốc vào một cách không liên quan, cứ như thể viết theo quán tính của văn mẫu vậy.
Dựa theo bối cảnh Việt Nam, tôi bổ sung vài điều cho định nghĩa yêu nước: Yêu nước không nhất thiết phải yêu chính thể cai trị nước đó; Yêu nước không nhất thiết phải yêu dân tộc nào đó (để tách biệt giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc); Làm lợi cho nước mình không nhất thiết phải làm hại nước khác; Yêu nước mình không nhất thiết phải căm thù nước khác; Yêu nước có thể kéo theo yêu người dân của nước đó (mở rộng từ điểm 3 của Nathanson); Yêu nước nghĩa là coi lãnh thổ của đất nước là bất khả xâm phạm, trong mọi trường hợp.
Định nghĩa trên đây có thể gọi là lòng yêu nước lành mạnh, phân biệt với lòng yêu nước độc hại. Tất nhiên thực tế vẫn tồn tại những người yêu nước cực đoan nhưng khuôn khổ bài viết này không tính họ vào, do xét thấy nhóm người như thế này nhìn chung vốn đã bị dư luận lên án và coi là xấu xa rồi.
Như vậy đến đây chúng ta đã có định nghĩa rõ ràng về yêu nước. Những định nghĩa kéo theo như quốc gia là gì sẽ được tôi làm rõ ở phần sau.
Để giải quyết vấn đề này, tôi sẽ nói chung về lịch sử thế giới phương tây và phương đông trước, sau đó sẽ nói riêng về lịch sử Việt Nam.
Ở phương tây, từ patriot (người yêu nước) và patriotism (chủ nghĩa/lòng yêu nước) đều là những từ ngữ mới mẻ, chỉ xuất hiện vào mãi thế kỉ 16; và patriot xuất phát từ từ compatriot (người đồng hương), một từ vựng cổ xưa đã có từ thế kỉ 6. Patriot được ra đời trong thời gian bất ổn chính trị ở Tây Âu khi những người đồng hương đấu đá nội bộ, mà đặc biệt là cuộc mâu thuẫn giữa những người Kháng cách (Protestant) với những người Công giáo (Catholic), trong phong trào Cải cách Kháng nghị nổi tiếng do Martin Luther khởi xướng vào thế kỉ 16.
Nhưng lúc này từ patriot chưa mang nghĩa người yêu nước mà chỉ là danh từ có sắc thái trung dung, các nhóm người đối lập sẽ dùng các tính từ tốt (good) và xấu (bad) để gọi nhau, nếu cùng phe sẽ được gọi là good patriot còn đối lập sẽ là bad patriot. Mãi đến thế kỉ 18, Chiến tranh giành độc lập Mĩ nổ ra giữa Vương quốc Anh và thuộc địa của nó, từ patriot bắt đầu được tuyên truyền với nghĩa “người chống lại chế độ quân chủ”, tiếp đến là nghĩa “người thúc đẩy nền độc lập của quốc gia”, và bởi vì cuộc chiến giành độc lập đó thành công, từ patriot từ đó đến bây giờ được khoác lên sắc thái tốt đẹp và dần dần được hình thành theo nghĩa “người yêu nước” như bây giờ. [3]
Như vậy ta thấy cả về mặt từ vựng lẫn ý nghĩa, chủ nghĩa yêu nước ở phương tây là một thứ vô cùng mới mẻ. Nhưng nếu xem xét một cách rộng lượng hơn thì có thể nói chủ nghĩa yêu nước đã manh nha xuất hiện từ cách đây hơn 2000 năm, vào thời của Socrates và Plato. Trong Crito (51c-51d) của Plato, Socrates nói đại ý cho rằng chúng ta mang nợ đất nước công ơn nuôi dưỡng và giáo dục, từ đó có thể suy ra ta nên có nghĩa vụ trả ơn cho đất nước. Tuy nhiên tình cảm thế này được quy vào lòng biết ơn nói chung thì đúng hơn là lòng yêu nước; nó không đáp ứng định nghĩa như của bây giờ, ngoài ra về phần lí luận cũng có vấn đề (điều này tôi sẽ giải quyết ở phần IV – Nền tảng đạo đức của lòng yêu nước).
Ở phương đông, tư tưởng thống trị suốt hai nghìn năm, bắt đầu từ Trung Quốc rồi lan sang các nước khác, là Nho giáo. Nho giáo tập trung vào điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người, còn được gọi là ngũ luân, bao gồm quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu; không thấy nhắc đến mối quan hệ giữa con người với quốc gia. Đối với vấn đề quốc gia đại sự, thứ tư tưởng này nổi tiếng với nguyên tắc trung thành với vua, chứ không phải trung thành với quốc gia. Thành ngữ “trung quân ái quốc” của Trung Quốc không manh nha tư tưởng yêu nước, bởi quốc gia thời bấy giờ tượng trưng cho vua, được đồng nhất vào vua.
Bản thân người sáng lập tư tưởng này, Khổng Tử, cũng không hề có dấu hiệu gì về lòng yêu nước trong cả lời giảng lẫn hành động. Khổng Tử vốn là người nước Lỗ, nhưng bắt đầu từ khoảng 30 tuổi ông ta dẫn học trò đi khắp nơi để tìm người biết dùng mình, có nghĩa là ông ta sẵn lòng đem tư tưởng trị quốc của mình cho nước khác sử dụng, chứ không nhất thiết cứ phải là nước Lỗ quê hương ông ta. Ngoài ra Nho giáo có nhiều sách về tấm gương hiếu thảo và trung quân, nhưng không có sách nào về tấm gương yêu nước cả, thứ mà Việt Nam bây giờ có rất nhiều.
Tuy nhiên cũng giống như ở phương tây, các học giả phương đông cũng có người manh nha tư tưởng yêu nước, đó là Mạnh Tử, một người kế tục xuất sắc tư tưởng của Khổng Tử, đến mức tư tưởng của ông được gộp cùng tư tưởng của Khổng Tử để tạo thành bộ Tứ thư (Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử). Trong quyển Mạnh Tử, Mạnh Tử có phát ngôn “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân đáng coi trọng, thứ đến là xã tắc, vua đáng coi nhẹ), nhưng trường hợp này còn mơ hồ hơn cả trường hợp Socrates bởi Mạnh Tử chỉ nói câu đó như giáo điều chứ không có bất kì lí luận hay giải thích nào cả, thậm chí trong sách cũng không có văn cảnh để suy đoán.
Điều này nếu xét một cách rộng lượng thì là manh nha tư tưởng yêu nước, chứ rõ ràng không phải là tư tưởng yêu nước như bài này đang bàn. Và bởi vì Nho giáo là tư tưởng để trị quốc và được nhiều đời vua sử dụng, thực tế lịch sử rằng ý tưởng non trẻ về yêu nước của Mạnh Tử hoàn toàn bị phớt lờ cho thấy chủ nghĩa yêu nước trong suốt 2000 năm Nho giáo thống trị không được dùng đến, mà chỉ dừng lại ở câu chữ tiến bộ của một học giả mà thôi.
Bây giờ nói riêng về Việt Nam, ý tưởng lòng yêu nước là truyền thống nghìn đời có lẽ bắt nguồn từ câu nói sau đây của Hồ Chí Minh, nó được đưa vào sách giáo khoa từ bậc tiểu học nên ảnh hưởng là không hề nhỏ.
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng...
Ở đây tôi sẽ xét đến lòng yêu nước của người Việt theo hai nguồn tư liệu: tư liệu dân gian (để tìm hiểu tư tưởng của giới bình dân mù chữ) và tư liệu thành văn, như hịch, cáo, bộ luật (để tìm hiểu tư tưởng của giới trí thức và thống trị).
Đối với tư liệu dân gian: kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao không có một câu nào nói về lòng yêu nước. Một số câu như “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” thể hiện thứ tình yêu cụ thể và căn bản là yêu những người gần gũi với mình, xuất phát từ nguyên do cũng cụ thể là con người là động vật bầy đàn, cuộc sống chúng ta phụ thuộc vào những người xung quanh. Những câu như vậy xa nhất chỉ có thể thể hiện người dân đã có ý niệm về một quốc gia, nhưng yêu và trung thành với nó là một ý niệm rất khác. Không được đồng nhất những điều đó với lòng yêu nước.
Các truyền thuyết như Thánh Gióng cũng không hề nói lên lòng yêu nước, bởi nó xuất phát từ nhu cầu cơ bản là tự vệ. Đặc biệt khi xem xét đến các yếu tố bị động của Thánh Gióng như chỉ bắt đầu đánh giặc khi nhà vua cử sứ giả tìm người, và chỉ đánh khi giặc đã tràn đến ngôi làng của Thánh Gióng. Nó thể hiện tư tưởng thụ động và cục bộ rất tự nhiên của người dân xưa; do giao thông và truyền thông khó khăn, người dân xưa chỉ sống quanh quẩn trong một ngôi làng và không quan tâm đến những gì ngoài làng (thậm chí làng mạnh đến mức “Phép vua thua lệ làng“), nếu xét theo định nghĩa yêu nước, Thánh Gióng chỉ đáp ứng được điểm 4.
Đối với tư liệu thành văn. Trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn kêu gọi đánh quân Nguyên Mông không hề bằng lòng yêu nước hay đất nước, mà bằng những tấm gương trung quân từ Trung Quốc và bằng những giá trị cơ bản là lợi ích cá nhân của từng binh lính (bổng lộc, nhà cửa, vợ con). Trong Hịch xuất quân, Quang Trung kêu gọi bằng một yếu tố rất tiến bộ là văn hoá dân tộc (dài tóc, đen răng) nhưng vẫn không đề cập đến lòng yêu nước. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi kêu gọi bằng lòng căm thù với quân Minh và bằng lịch sử hào hùng của đất nước, nhưng cũng không viện đến lòng yêu nước.
Lê triều hình luật (Luật Hồng Đức) là tư liệu cổ thường được viện dẫn nhất nhằm chứng minh lòng yêu nước của vua Lê Thánh Tông, qua tiêu chuẩn yêu nước là coi lãnh thổ đất nước là bất khả xâm phạm. Điều 73 của Chương cấm vệ viết:
Điều 73: (24) Ai bán ruộng đất nơi biên cương cho người nước ngoài thì bị chém.
Đây là điều luật duy nhất có yếu tố yêu nước trong bộ luật này. Những người coi đây là biểu hiện yêu nước đang tư duy theo hướng: bán đất cho người ngoài bị chém tức là vua coi đất đai là thiêng liêng bất khả xâm phạm, và đây là biểu hiện của yêu nước. Nhưng đó là kết luận vội vàng nếu chúng ta xét đến văn cảnh của điều luật này. Cụ thể Điều 74, 75, 76 viết:
Điều 74: (25) Ai bán nô tì và voi ngựa cho người nước ngoài thì bị chém. Quan phường xã biết mà không tố giác thì giảm một bực tội. Quan lộ, huyện, trấn dung túng thì tội giống việc bẻ bán kia. Vô tình không biết thì xử tội biếm, phạt. Điều 75: (26) Ai đem đồ binh khí hay thuốc có thể chế hỏa pháo, hỏa tiêu bán cho người nước ngoài, hoặc tiết lộ việc quân cơ cho họ thì bị chém. Nếu bán binh khí không quá 10 cái, thuốc súng không quá 10 cân thì bị lưu đầy châu xa. Bán đồng sắt không đến 1 cân thì bị lưu đầy châu gần. Bán da trâu, các thứ gân sừng có thể tạo quân khí, tang vật giá đáng 10 quan thì bị lưu đầy châu ngoài. Nếu tang vật nhiều hơn thì thêm một bực tội. Quan phường xã biết mà không cáo giác thì giảm một bực tội. Quan lộ, huyện, trấn dung túng thì tội như kẻ bán. Nếu không biết thì bị biếm, phạt. Điều 76: (27) Ai đem mắm muối bán ra ngoại quốc thi bị lưu châu xa. Ai vận chuyển mắm muối và vật cấm có thể tạo binh khí, lén đưa qua cửa ải, dù đồ đạc đang còn trong biên giới, cũng bị xử lưu đầy châu ngoài. Tang vật không đến một cân cũng bị lưu đầy châu gần. Nếu bán cho thuyền buôn nước ngoài gỗ lim, vàng sống, vỏ quế, trân châu, ngà voi thì bị biếm ba tư. Quan phường xã biết mà không tố giác thì giảm một bực tội. Quan lộ, huyện, trấn dung túng thì tội như kẻ bán. Không biết thì bị tội biếm. Lê triều hình luật, Nguyễn Q. Thắng dịch, NXB Văn hoá
Vậy ra ba điều sau đó đều xử tội chém hoặc tội nặng cho hành động buôn bán với nước ngoài. Nếu vẫn dùng tư duy như nhóm người trên, hẳn chúng ta phải đi đến kết luận rằng nô tì, voi ngựa, và binh khí là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Đây là cách lí giải vừa kì quái vừa khiên cưỡng, trong khi có một cách lí giải hợp lí hơn nhiều, đó là nhà vua bấy giờ chủ trương đóng biên giới với nước ngoài, điều luật chỉ đơn giản là cấm buôn bán nhiều thứ (bao gồm đất) với nước ngoài mà thôi.
Cách lí giải này sẽ càng thêm dễ hiểu khi ta đặt câu hỏi “Nếu vua Lê Thánh Tông đã quý trọng đất đai đến thế, sao không viết hẳn một điều luật rõ ràng về sự bất khả xâm phạm của nó?” biết rằng trong Hiến pháp các nước ngày nay (bao gồm Việt Nam) sự bất khả xâm phạm của lãnh thổ được ghi rất rõ; và nó cũng dễ hiểu khi lí giải vì sao trong lịch sử chúng ta có nhiều lần tự nguyện cắt đất cho nước ngoài như một phần thưởng cho họ, tiêu biểu là nhà Mạc cắt đất cho nhà Minh và nhà Nguyễn cắt đất cho Lào.
Lãnh thổ trước khi chủ nghĩa yêu nước ra đời không phải thứ thiêng liêng, nó chỉ là một tài sản của vua và có khả năng được cho tặng nếu cân nhắc đủ lợi ích, ít nhất trên nguyên tắc thể hiện qua luật là như vậy. Người dân bấy giờ có thể có khái niệm về quốc gia, nhưng nó chưa trở thành đối tượng để yêu và trung thành như người ngày nay lầm tưởng, các cuộc nổi dậy của người dân là bị động, chỉ khi các chính sách của giới thống trị gây khổ sở thì họ mới phản kháng, thay vì nhân danh lòng yêu nước để phản kháng.
Lưu ý, tôi biết rằng đến đây vẫn có nhiều người đang và sẽ cố chứng minh chủ nghĩa yêu nước có tồn tại trong cổ sử. Tôi chỉ muốn nói rằng nhóm người ấy nên bắt đầu bằng cách đưa ra một định nghĩa rõ ràng minh bạch, rồi hẵng nghĩ đến chuyện tìm dẫn chứng, bởi hiện trạng tôi thấy là các dẫn chứng họ đưa đều có nhiều cách lí giải thành lòng trung quân hoặc lòng yêu người, thành cách cai trị quốc gia hoặc coi quốc gia như tài sản của giới thống trị, thay vì lòng yêu nước. Thảy sự này đều xuất phát từ lối tư duy qua loa đại khái, không cần định nghĩa cố hữu của người Việt về lòng yêu nước. Lòng yêu nước hiện được đồng nhất với mọi thứ một cách tuỳ tiện, thành ra nó vừa là mọi thứ, vừa không là gì cả. Một khi chưa giải quyết được chuyện định nghĩa thì nhóm người ấy sẽ không giải quyết được vấn đề này.
Nói tóm lại ta thấy rằng trong quá khứ con người sinh sống, chiến đấu, đùm bọc nhau bằng thứ tình cảm căn bản là yêu người, còn lòng yêu nước chỉ là thứ con người ngày nay áp đặt vào tiền nhân một cách khiên cưỡng. Bởi lòng yêu nước chỉ là câu chuyện mới mẻ của thời đại tân kì. Nhưng cụ thể câu chuyện ấy bắt đầu được kể khi nào?
Trong quá khứ, cả ở phương đông lẫn phương tây, do giao thông và truyền thông chưa phát triển, người dân suốt đời chỉ sống trong một ngôi làng nơi tất cả mọi người đều có thể gặp nhau, làm nông và nộp thuế cho giới thống trị, họ không quan tâm đến những giá trị thế tục (như lãnh thổ đất nước) nằm ngoài ngôi làng của mình. Thời bấy giờ cũng là lúc người dân bị cai trị bằng quyền lực thần thánh nhiều hơn là quyền lực trần tục.
Ở phương tây thời kì Ki-tô, người dân chịu cai trị của hai dạng lãnh đạo: lãnh đạo thế tục là vua và lãnh đạo tinh thần là giáo hoàng. Trong đó giáo hoàng có phần quyền lực hơn vua, thần dân của giáo hoàng vô cùng đông đúc và không có biên giới, tất cả được nối với nhau bằng sợi dây mạnh mẽ là niềm tin và trí tưởng tượng, các vị vua cần đến sự đồng thuận của giáo hoàng để giữ tính chính danh cho địa vị của mình. Thời kì tiền Ki-tô, thần quyền cũng ngự trị, Giáo phái Hoàng gia La Mã (Roman Imperial Cult) là tổ chức xác nhận hoàng đế La Mã có quyền lực thần thánh để cai trị nhà nước La Mã. Nhiều nghi lễ của thời kì này tiếp tục tồn tại trong thời kì của các đế chế Ki-tô sau này. [4]
Ở Trung Quốc, vua và thần thánh được đồng nhất, gọi là thiên tử (con trời) và lí do chính để một người được làm vua không nằm ở tài hay đức mà ở niềm tin của người dân rằng người đó có chân mệnh thiên tử. Ở Ai Cập, các pharaoh ban đầu được coi là cầu nối giữa con người và thần thánh, nhưng từ triều đại thứ năm trở đi, pharaoh được đồng hoá vào thần thánh dưới tư cách con trai thần Ra (thần mặt trời của người Ai Cập). Ở các nước Hồi giáo, caliphate là người đứng đầu cả quốc gia lẫn tôn giáo.
Có thể thấy rằng điểm chung của cả đông lẫn tây trong cổ sử là giới thống trị luôn gắn chặt với thần quyền, ý tưởng cai trị bằng những thứ ngoài thần quyền như lòng yêu nước là ý tưởng kì quái với con người thời đó. Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi vào thời kì Khai sáng tận thế kỉ 17 ở phương tây. Tính đến lúc này ở phương tây đã có quá nhiều thứ xảy ra, đủ để tạo điều kiện cho chủ nghĩa yêu nước (và song song là chủ nghĩa dân tộc) ra đời.
Đầu tiên là sự thất thế của tôn giáo và thần quyền, người ta cần một cái khác để lấy tính chính danh cho việc cai trị. Thứ đến, người dân được khai trí về quyền lực của mình đối với quốc gia, chính thể cộng hoà ra đời và khi cần bầu ra người lãnh đạo thì lòng yêu nước hoặc dân tộc trở thành tiêu chuẩn. Tiếp đó, giao thông phát triển, khả năng đi xa của con người tốt hơn khiến họ gần gũi hơn, báo chí ra đời khiến người dân có phương tiện truyền thông để gắn kết. Cuối cùng, cuộc cách mạng in ấn của Gutenberg diễn ra ở thế kỉ 15 khiến cho các ý tưởng được lan truyền nhanh hơn bao giờ hết qua trang giấy, kéo theo đó là nhu cầu phải biết chữ để đọc, từ đây thứ ngôn ngữ quý tộc Latin bị thất thế để nhường chỗ cho ngôn ngữ địa phương mà nhiều người biết, chủ nghĩa dân tộc nhờ đó mà ngóc đầu dậy, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và chủ nghĩa dân tộc vẫn bám dính lấy nhau rất chặt vào thời điểm hiện tại, bao gồm Việt Nam.
Tuy nhiên, tôn giáo và thần quyền không chết, mà nó chỉ đang thay đổi hình thức, bởi chưng lòng yêu nước được xây dựng trên những thứ tưởng tượng và yêu cầu niềm tin không khác gì tôn giáo cả. Benedict Anderson, trong Imagined Communities, định nghĩa quốc gia là “Một cộng đồng chính trị tưởng tượng – được tưởng tượng cả về lãnh thổ lẫn chủ quyền,” và “Tưởng tượng bởi vì các thành viên của quốc gia dù nhỏ nhất sẽ không bao giờ biết về hầu hết thành viên của họ, gặp họ, hoặc thậm chí nghe nói về họ, nhưng trong tâm trí mỗi người vẫn sống động một hình ảnh đoàn kết,” và “Tất cả các cộng đồng lớn hơn một ngôi làng nguyên thuỷ nơi mọi người có thể tiếp xúc trực tiếp thì đều là tưởng tượng.” [5]
Chủ nghĩa yêu nước (ở đoạn này áp dụng cho cả chủ nghĩa dân tộc cũng không sai) sử dụng rất nhiều phương pháp của tôn giáo, nổi bật nhất là nó cũng bị ám ảnh với cái chết và nó cũng đòi hỏi sự hi sinh của người yêu nước (mà không khác bao nhiêu với tín đồ). Chủ nghĩa yêu nước đem đến ý nghĩa cho cái chết và nỗi đau khổ, nếu tôn giáo dùng thế giới bên kia để hứa hẹn cho sự hi sinh, thì chủ nghĩa yêu nước dùng quốc gia (một thứ tưởng tượng) để hứa hẹn; trong khi tôn giáo yêu cầu tín đồ hi sinh một thứ gì đó để chứng tỏ đức tin, thì chủ nghĩa yêu nước dẫn ra những chiến sĩ đã ngã xuống để chứng tỏ nó có thật, hoặc ít nhất, không vô nghĩa. Điều đáng chú ý là nó sử dụng chiến thuật mạnh mẽ nhất của tôn giáo: đánh vào nỗi đau, nỗi đau là thứ có thật và rất khó chối bỏ. Một người bị mất một phần thân thể vì hi sinh cho chủ nghĩa yêu nước sẽ có khuynh hướng đồng nhất nó vào nỗi đau, rất khó để họ tin rằng mình đã hi sinh vì một thứ không có thật.
Nhưng không có thật không có nghĩa là xấu. Thực tế giữa hai khái niệm hay bị đánh đồng với nhau là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc, thì chủ nghĩa yêu nước thường được đánh giá là ôn hoà hơn và nhiều khi nó được dùng như liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước có thể mang lại điều tốt đẹp nếu giữ ở mức lành mạnh (như định nghĩa bài viết này đưa ra). Người ta có quyền tôn sùng mọi thứ, bao gồm cả cuộn giấy vệ sinh, nhưng người ta nên ý thức được nó có thật hay không và nguồn gốc của nó như thế nào, nếu không biết thì rất dễ bị lừa mị rằng nó có thật hay đã có từ nghìn đời nay như những gì đang tuyên truyền. Và đây chính là mầm mống tạo nên chủ nghĩa yêu nước cực đoan độc hại, mà một trong nhiều biểu hiện là coi người không yêu nước là tội đồ, là mất gốc.
Đây cũng là chủ đề của phần sau: Lòng yêu nước có phải là đức tính?
Không khó để tìm thấy các ý kiến khẳng định lòng yêu nước là một đức tính, thậm chí là đức tính tối cần thiết. Người nói thường đặt nó trong các mẫu câu “Một kẻ không yêu nước thì cũng không yêu được cái gì,” đây là dạng văn mẫu được rất nhiều nhóm người áp dụng, từ yêu nước đến yêu cha mẹ và yêu động vật.
Nền tảng đạo đức thường gặp nhất là lòng biết ơn, đây cũng là thứ được Socrates viện đến từ 2000 năm trước và được Maurizio Viroli đúc kết: “Ta có nghĩa vụ đạo đức đối với tổ quốc ta vì ta mắc nợ nó. Ta nợ tổ quốc cuộc sống của ta, sự giáo dục của ta, ngôn ngữ của ta, và trong trường hợp may mắn là quyền tự do của ta. Nếu ta muốn trở thành những người có đạo đức, ta phải trả lại những gì ta đã nhận, ít nhất là một phần, bằng cách phục vụ lợi ích chung.” [6]
Thế nhưng cả Socrates lẫn Viroli đều đang hướng lòng biết ơn đến sai đối tượng, chúng ta mang nợ những điều đó đối với chủ thể trực tiếp làm cho chúng ta thì mới đúng, đó là cha mẹ, thầy cô, những chính khách giỏi đề ra chính sách tốt giúp xã hội đi lên. Lối nói “Biết ơn một ngôi trường” thực chất là lối nói ẩn dụ đến những người trong cộng đồng đó, bản thân một ngôi trường chỉ là gạch và đá, nó không thể ban ơn cho chúng ta. Tương tự, nói biết ơn một đất nước thực chất là biết ơn con người của đất nước đó mới đúng.
Nhưng ngay việc biết ơn người dân của đất nước cũng có vấn đề đạo đức. Lòng biết ơn chỉ sinh ra khi người khác cho tặng ta lợi ích, chứ không phải họ trao đổi lợi ích với ta; trong khi đó mối quan hệ giữa đồng bào tốt đẹp là khi mọi người đều tuân thủ pháp luật và từ đó tạo ra sự tốt đẹp cho đất nước, nhưng có nhiều lí do để người dân tuân thủ pháp luật: Họ sợ vi phạm sẽ bị trừng phạt; họ cho rằng tuân thủ pháp luật là cách tốt nhất để tất cả cùng có lợi; hoặc đơn giản họ sống bị động, không hiểu luật pháp nhưng vẫn tuân thủ vì chính quyền yêu cầu thế. Những lí do như trên hoàn toàn không đến từ lòng vị tha, do đó hướng lòng biết ơn vào họ là sai lầm. Trường hợp tuân thủ pháp luật vì lòng vị tha là chỉ khi một người biết rằng luật đó không giúp ích cho mình, nhưng mình vẫn tuân thủ vì nó giúp ích cho người khác, chỉ những đồng bào như thế này mới đủ tiêu chuẩn nhận lòng biết ơn. Và rõ ràng, chắc chắn không một đất nước nào có toàn những đồng bào như vậy.
Không được đánh đồng giữa tình yêu dành cho bạn bè, người thân với tình yêu dành cho đất nước, đồng bào. Tình yêu thứ nhất là thứ tình yêu tự nhiên xuất phát từ bản năng yêu mến bầy đàn của con người, nó có tuổi đời ngang với lịch sử của loài người, trong khi tình yêu thứ hai là một thứ được tác tạo vì mục đích chính trị và chỉ mới được sáng chế ra gần đây. Bởi chưng, như Anderson đã nói, không một người dân nào biết hết đồng bào của mình, và mọi cộng đồng lớn hơn ngôi làng nguyên thuỷ đều là cộng đồng tưởng tượng. Chúng ta được tiến hoá để yêu những gì mình quen và biết, việc yêu và thậm chí hi sinh vì những thứ mình thậm chí không biết có thực sự tồn tại hay không là ý tưởng hết sức quái đản.
Nền tảng đạo đức thứ hai là lòng từ bi quảng đại, những người yêu nước được cho là có đạo đức hơn người bởi họ yêu tất cả đồng bào mà không cần biết đến từng người, họ thậm chí được ví với Mẹ Teresa vì lòng yêu người rộng khắp. Tuy nhiên, có một khác biệt cốt tử giữa người yêu nước và Mẹ Teresa: những người yêu nước chỉ yêu đồng bào của họ, chỉ yêu người dân trong đất nước của họ. Điều này vi phạm sâu sắc nguyên tắc bình đẳng của đạo đức học, nếu một người yêu người thân của họ hơn thì chính đáng vì lí do đó là người gần gũi, nhưng một người yêu đồng bào hơn thì không chính đáng vì lí do đó là người của họ.
Đây là một biến tướng của tư tưởng kì thị, bởi nếu chấp nhận “của tôi” là lí do chính đáng để phân biệt đối xử thì thế giới sẽ buộc phải chấp nhận tư tưởng kì thị chủng tộc (tôi yêu người da trắng hơn vì đó là chủng tộc của tôi) và tư tưởng kì thị giới tính (tôi yêu nam giới hơn vì đó là giới tính của tôi). Trong khi đó, hành động giúp người nghèo và người bệnh của những người như Mẹ Teresa phù hợp với đạo đức bởi dựa trên nguyên tắc bình đẳng là ai cũng xứng đáng được no đủ và khoẻ mạnh, người nghèo cần giúp đỡ hơn bởi họ đang ở dưới mức sống mà họ xứng đáng có, chứ không phải người nghèo là nhóm người của tôi nên tôi mới giúp đỡ.
Trên đây là hai lí do khả dĩ nhất cho lòng yêu nước, nhưng như chúng ta đã thấy, nó không được hỗ trợ vững chắc bởi nền tảng đạo đức nào cả. Phải nói rõ, nó không có nền tảng đạo đức không có nghĩa là nó vô đạo đức, mà chỉ là nó cần được nhìn nhận như một sở thích chứ không phải như một đức tính tối cần thiết của con người như diễn ngôn ngày nay. Thậm chí, thứ tư duy coi yêu nước là đức tính tối cần thiết tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, bởi nó chính là lí do để những kẻ cực đoan coi những người không yêu nước không phải là người và lấy đó dễ hợp thức hoá tội ác của họ.
Bằng cách nào mà một ý tưởng mới mẻ như chủ nghĩa yêu nước có thể khiến nhiều người tin vào nó và chết vì nó nhiều đến như thế? Khái niệm truyền thống tân tạo (invented tradition) của Eric Hobsbawm có thể giải thích cho điều này. Trong tuyển tập tiểu luận The Invention of Tradition của nhiều tác giả, ở tiểu luận đầu tiên Inventing Traditions, Hobsbawm đưa ra khái niệm: “Truyền thống tân tạo mang nghĩa là một tập hợp các thực hành, thường được vận hành bởi các quy tắc được chấp nhận một cách công khai hoặc ngầm ẩn và có tính chất nghi lễ hoặc biểu tượng, nhằm khắc ghi các giá trị và quy tắc cư xử nào đó bằng cách lặp lại, nhằm tự động ngụ ý tính liên tục với quá khứ. Thực tế, nếu có thể, chúng thường được dùng để tạo ra tính liên tục với một quá khứ lịch sử phù hợp.” [7]
Chiểu theo định nghĩa này, lòng yêu nước ở Việt Nam đáp ứng vừa khớp. Nó sở hữu các thực hành văn hoá phục vụ nó như lễ hội đền Hùng, thậm chí cả lễ hội gò Đống Đa cũng được trưng dụng phục vụ lòng yêu nước. Theo Hobsbawm, đây là biểu hiện khi truyền thống tân tạo sử dụng nguyên liệu cổ xưa, bằng phương pháp “bán hư cấu” (semi-fiction) để phân biệt với phương pháp “nguỵ tạo” (forgery). Hành động này tạo ra tính liên tục với quá khứ bằng cách khiến người dân ngỡ rằng các lễ hội ấy (một thứ cổ xưa) thực sự sinh ra để phục vụ lòng yêu nước (một thứ mới mẻ).
Các nghi lễ mới mẻ hơn xoay quanh lòng yêu nước có thể kể đến lễ thượng cờ, hạ cờ, chào cờ, thực hành bên cạnh các biểu tượng cũng mới mẻ không kém như quốc kì, quốc huy, quốc ca. Nhưng đó mới chỉ là đang nói đến những giá trị công khai, cạnh đó còn rất nhiều giá trị ngầm ẩn, như gần đây báo chí đang mở đường để đồng hoá bóng đá với lòng yêu nước. Lúc này kết quả của trận bóng gắn liền với vận nước, thắng thua của trận bóng gắn liền với vinh quang hoặc nỗi nhục của dân tộc. Từ những giá trị được chấp nhận một cách ngầm ẩn này, Việt Nam đã và đang sản sinh nhóm người yêu nước cực đoan độc hại.
Cũng theo Hobsbawm, truyền thống tân tạo được phân loại thành ba loại chính: “a) loại để thiết lập hoặc biểu tượng hoá mối gắn kết xã hội hoặc quan hệ thành viên trong các nhóm, các cộng đồng thực tế hoặc tưởng tượng, b) loại để thiết lập hoặc hợp pháp hoá các thể chế, địa vị hoặc mối dây quyền lực, và c) loại mang mục đích chính là để xã hội hoá hành động in hằn vào tâm trí mọi người các niềm tin, hệ thống giá trị và quy tắc cư xử.” (Hobsbawm, 1983, tr9)
Vậy có nghĩa là vào thời kì chính thể quân chủ rệu rã, tôn giáo thất thế, giới thống trị cần phải có công cụ mới để chính danh hoá sự cai trị của mình, cũng như để dễ bề kêu gọi lòng dân cho những kế hoạch của họ. Và công cụ ấy đơn giản là chuyển đổi từ thần quyền sang lòng yêu nước, với những phương pháp được vay mượn từ thần quyền, một số khác là dùng truyền thống tân tạo để tạo cảm giác nó đã có từ lâu đời, và thậm chí trở thành một thứ tự nhiên không thể chọn lựa. Rõ ràng, khi cần hi sinh cho một cái gì đó, người ta sẵn lòng hi sinh cho cái mình không được chọn hơn, bởi nếu được chọn, rất có thể người ta chọn cách tìm cái khác thay thế, chứ không nhất thiết phải hi sinh.
Nói tóm lại, bài viết này không cho rằng chủ nghĩa yêu nước là xấu, ngay cả khi nó không được đạo đức hỗ trợ, ngay cả khi nó là thứ vắng mặt trong lịch sử, và ngay cả khi nó là thứ đang bị lợi dụng và hiểu nhầm. Người ta có quyền hi sinh vì mọi điều họ muốn – kể cả là một cuộn giấy vệ sinh – nhưng người ta nên ý thức được mình đang hi sinh vì cái gì, bản chất là gì, nguồn gốc ra đời, nền tảng đạo đức; thay vì mù quáng tin tưởng và sỉ nhục những người không mang cùng tư tưởng với họ, bởi đó là dấu hiệu của yêu nước cực đoan. Mà những thứ cực đoan tất sẽ dẫn đến độc hại, để rồi cuối cùng họ trở thành hạng người trong danh ngôn của Voltaire về lòng yêu nước:
Đáng buồn rằng để làm một người yêu nước chân chính, người ta phải trở thành kẻ thù với phần còn lại của nhân loại.

Nguồn tham khảo:

[2] Nathanson, Stephen. Patriotism, Morality, and Peace. Lanham, Md., Rowman & Littlefield Publishers, 1993, pp. 34–35.
[4] Allen Brent, The Imperial Cult and the Development of Church Order: Concepts and Images of Authority in Paganism and Early Christianity before the Age of Cyprian (Brill, 1999)
[5] Anderson, Benedict. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. London, Verso, 1983.
[6] Maurizio Viroli. For Love of Country : An Essay on Patriotism and Nationalism. Oxford, Clarendon Press, 1995, p. 9.
[7] Hobsbawm, Eric J, and Terence Ranger. The Invention of Tradition. Cambridge University Press, 1983, p. 1.
Bài: TORNAD
Ảnh: SPIDERUM
16/05/2022