Nguyễn Tuân sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 tại số 29 phố Hàng Bạc trong một gia đình có truyền thống Nho học lâu đời. Phụ thân ông là cụ Nguyễn An Lan, một tú tài (tức người đậu 3 trên 4 kỳ thi cấp tỉnh, hay thi hương), thường được gọi là cụ tú Hải Văn, từng làm quan ở miền Bắc dưới thời Pháp bảo hộ. 
Rất có thể từ cha mình, Nguyễn Tuân đã được học về văn chương cổ và những nét đẹp của văn hóa truyền thống còn thịnh hành trong thế kỷ 19, điều đã truyền cảm hứng để ông viết kiệt tác Vang bóng một thời. Cũng nhờ cha Nguyễn Tuân thường xuyên đi công tác khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam, nên ngay khi còn nhỏ tuổi, ông đã có cơ hội đi thăm một số nơi, từ Khánh Hòa, Phú Yên, Hà Tĩnh, Huế, đến Thanh Hóa.
Ảnh chụp Nguyễn Tuân tại nhà riêng khoảng 1985-1986 của Trần Chính Nghĩa
Ảnh chụp Nguyễn Tuân tại nhà riêng khoảng 1985-1986 của Trần Chính Nghĩa
Từ năm 1921 đến năm 1924, ông học tại Trường Tiểu học Trương Minh Sang, phố Hàng Vôi. Năm 1925, gia đình chuyển vào Nam Định nên ông phải tiếp tục theo học tại trường Tiểu học Ca-rô, sau đó lên học trường Thành Chung Nam Định, nay là trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định. 
Trường Thành Chung Nam Định được thành lập năm 1920 theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương Maurice Long. Nhiều nhà văn, chính trị gia nổi tiếng từng là học sinh của ngôi trường này, trong đó có Trường Chinh, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Nguyễn Đức Cảnh và Nam Cao. Ngoài ra, Dương Quảng Hàm, một học giả đáng kính, và Phạm Cao Bạt, cha của tác giả tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng Phạm Cao Củng, cũng đã từng làm giáo viên tại đây.
Ảnh: Vợ chồng nhà văn Nguyễn Tuân, từ T.L.
Ảnh: Vợ chồng nhà văn Nguyễn Tuân, từ T.L.
Khi đang học năm thứ hai tại trường này, nghe theo ý gia đình, Nguyễn Tuân đã kết hôn với bà Vũ Thị Tuệ. Năm 1928, Nguyễn Tuân đi tàu sang Myanmar cùng 5 người bạn học, trong đó có Nguyễn Trịnh Bảo, Vũ Tiến Lữ, Lê Trọng Quy, Nguyễn Đình Chung, và Lương Đức Thiệp, người mà sau này trở thành một học giả Trotskyist. Trước đó, bọn họ được cho là đã tham gia vào cuộc biểu tình chống lại các giáo viên người Pháp miệt thị học sinh Việt Nam. Có tài liệu nói Nguyễn Tuân từng tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, cùng với Nghiêm Tử Trình, nhưng lại sớm ly khai. 
Mặc dù có người cho rằng mục đích của chuyến đi đến Myanmar là để tìm đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Tuân cho rằng, đối với ông nó trước hết chỉ là một chuyến phượt chui, nếu may mắn xin được công việc đào hồng ngọc, buôn bán hồng ngọc để đổi đời thì càng tốt. Trước chuyến đi, Nguyễn Tuân đã lấy đôi bông tai vàng của vợ làm chi phí đi lại. Tuy nhiên, do ông cùng đám bạn vượt biên không có hộ chiếu, nên họ nhanh chóng bị cảnh sát tóm ở Bangkok và dẫn độ về Việt Nam. 
Ngày 18 tháng 12 năm 1928, Toàn quyền René Robin ban hành sắc lệnh số 5438 tuyên bố rằng 6 phạm nhân không được bất kỳ cơ quan nhà nước nào nhận vào làm. Riêng Nguyễn Tuân phải bị ngồi tù 1 năm, sau đó bị quản thúc tại gia thêm một thời gian ở tỉnh Thanh Hóa.
Ra tù, Nguyễn Tuân làm nhân viên kho cho một nhà máy điện địa phương. Một hôm, người quản lý bắt gặp Nguyễn Tuân đang đánh máy gì đó bằng máy đánh chữ, nhưng vì đó không phải là công việc của ông, nên người quản lý ấy đã nổi giận ném cái máy đánh chữ vào đầu ông. May mà ông đã né kịp. Sau vụ đó, ông nghỉ việc.
Vào khoảng năm 1931, Vũ Bằng và Nguyễn Doãn Vượng đến Thanh Hóa để tuyển Nguyễn Tuân vào làm phóng viên cho nhật báo Trung Bắc Tân Văn. Tờ báo này từng thuộc sở hữu của François-Henri Schneider, sau đó ông giao lại cho Nguyễn Văn Vĩnh. Những năm sau đó, Nguyễn Văn Vĩnh bị phá sản, phải gửi gắm lại tờ báo cho Nguyễn Văn Luận và nhà in Trung Bắc cho Đỗ Văn quản lý. 
Đỗ Văn là bạn thân của Hoàng Tích Chu, người mà lúc bấy giờ nổi tiếng với tư cách chủ bút của Đông Tây tuần báo. Hoàng Tích Chu và nhóm của ông bao gồm Đỗ Văn, Đặng Trọng Duyệt, đã thay đổi diện mạo cho nền báo chí Việt Nam bằng những cách tân về kỹ thuật in ấn, trình bày, cũng như cách viết chữ quốc ngữ. Nhà phê bình Trương Tửu nói, Đông Tây là tờ báo thành công nhất vào đầu những năm 1930, trước khi Phong Hóa của Tự Lực Văn Đoàn xuất hiện. Đông Tây thu hút nhiều văn nghệ sĩ tài năng như Phùng Tất Đắc, Phùng Bảo Thạch, Vi Huyền Đắc, Tchya Đái Đức Tuấn, Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Doãn Vượng, Vũ Bằng, Nguyễn Vỹ, Lan Khai, Lê Dư, Lê Phổ, Nguyễn Tiến Lãng, Phan Khôi, Phan Trần Chúc, Tạ Đình Bính, Tô Ngọc Vân, Trần Tuấn Khải, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Vũ Đình Chí, Vũ Trọng Phụng, và tất nhiên là Nguyễn Tuân. Có lẽ Hoàng Tích Chu đã có tác động nhất định đến sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân, nên khi viết cuốn Một chuyến đi, Nguyễn Tuân đã trang trọng ghi trên trang đầu là “hoài niệm Hoàng Tích Chu”. Một trong những điểm chung của hai người hẳn là cái duyên vương vãi nơi các xóm danh kỹ, các nhà hát cô đầu. Hoàng Tích Chu được kỹ nữ trứ danh Cô Đốc Sao yêu mến bao nhiêu thì ông Nguyễn Tuân cũng được bà Chu Thị Năm yêu mến bấy nhiêu.
Trong thời gian sống ở Thanh Hóa, Nguyễn Tuân cũng gặp gỡ và kết thân với nhà cách mạng Hà Công Nguyệt, người sau này trở thành đề tài cho bài báo Nguyễn Tuân viết năm 1935 “Hà Triều Nguyệt, ông hoàng tử của rừng xanh”, đăng trên báo Thanh Nghệ Tĩnh, với bút danh Tuấn Không Sắc. Nhiều người nói rằng nhà cách mạng bất đắc chí này là nguồn cảm hứng cho những truyện sau này của Nguyễn Tuân, trong đó có Chùa ĐànChém treo ngành. Nguyễn Tuân cũng kết bạn với ông Thông Phu, chủ một nhà hát cô đầu, và đã viết về người bạn này trong cuốn Chiếc lư đồng mắt cua.
Trong khoảng 2 năm (1933-34), với số tiền bốc họ cha mẹ cho, Nguyễn Tuân đã mở một hiệu sách. Ông làm đại lý cho các báo và tạp chí Trung Bắc Tân Văn, Thanh Nghệ Tĩnh, Tiểu thuyết thứ Bảy, Ích Hữu, Tao Đàn, An Nam Tạp Chí, Thời sự, Bạn đường và cũng làm phóng viên cho các tờ này nữa. Ông có nhiều bút danh khác nhau, như Tuấn Thừa Sắc, Ngột Lôi Quật, Nguyễn Nhất Lang, hay Ân Ngũ Tuyên. Không may là, công việc bán sách báo của ông thua lỗ và phải dẹp tiệm. Nguyễn Tuân đành đưa vợ con về Thanh Hóa sống bám vào cha mẹ.
Đến năm 1937, Nguyễn Tuân lại chuyển ra Hà Nội, sống một mình ở đây và viết văn làm báo. Ông thường xuyên đi về giữa Hà Nội và Thanh Hóa để thăm gia đình. Đến năm 1944, mẹ ông ra Hà Nội xây cho ông một căn nhà ở Hà Đông. Sự kiện này được ghi lại trong tác phẩm Nhà Nguyễn.
Ở tuổi gần ba mươi, Nguyễn Tuân đã bộc lộ tài năng diễn xuất. Ông từng đóng trong vở Kim tiền của Vi Huyền Đắc và Thuốc độc hay Ngã ba của Đoàn Phú Tứ. Theo Vi Huyền Đắc, Nguyễn Tuân là một diễn viên nghiêm túc và cầu toàn. Từng động tác trên sân khấu đều được ông tính toán tỉ mỉ. Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là Nguyễn Tuân không thể ngâm thơ theo cách các quan nhà Nho thường làm, mặc dù ông sinh ra trong gia đình như thế và cũng đã từng viết nhiều về lối sống của họ.
Cuối tháng 12 năm 1937, Nguyễn Tuân đi Hồng Kông với một đoàn làm phim. Ông được Đàm Quang Thiện và Nguyễn Doãn Vượng mời đóng vai y tá trong bộ phim kinh dị Cánh đồng ma, do hãng điện ảnh Nàm Duỵt sản xuất. Trong số những người bạn đồng hành của ông khi đó có Nguyễn Doãn Vượng, Đàm Quang Thiện, Nguyễn Dương, Hoàng Văn Dư, Lê Huyên và Tùng Hiệp. Nguyễn Doãn Vượng đã nhận xét, tuy Nguyễn Tuân chỉ đóng một vai nhỏ, nhưng ông đã dày công nghiên cứu và lột tả được nhân vật một cách xuất sắc. Kỹ năng diễn xuất của Tuân khiến Vượng nhớ đến diễn viên người Pháp Sacha Guitry. 
Những hồi ức của Nguyễn Tuân về chuyến đi quay phim này sau đó được tập hợp trong du ký Một chuyến đi, do nhà xuất bản Tân Dân in vào tháng 7 năm 1941. Ngoài ra, để kỷ niệm sự kiện đặc biệt này, ông còn đặt tên cho con gái mới sinh của mình là Nguyễn Thị Hương Cảng.
Cánh đồng ma có lẽ là một trong những bộ phim điện ảnh đầu tiên có sự tham gia của diễn viên Việt Nam. Mặc dù bộ phim không thành công vang dội, nhưng nó đã thu hút sự chú ý của một số nhà làm phim Pháp bao gồm Georges Faure và Thomasset từ Pathé Nathan Picture. Họ gặp nhau và thảo luận về kế hoạch sản xuất hai bộ phim Le sampanier de la baie d’AlongPostes Frontières, trong đó Nguyễn Tuân được dự tính là sẽ đóng vai chính. Tuy nhiên, vì chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, kế hoạch này không bao giờ được thực hiện.
Trong những năm ở Hà Nội, trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân là bạn của hầu hết mọi người trong giới văn học Việt Nam, có thể kể đến những cái tên mà ông thường giao thiệp như Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Triệu Luật, Lan Khai, Nguyễn Vỹ, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Trọng Phụng. 
Cùng với Vũ Bằng, ông đã ở bên giường bệnh của Tản Đà vào những phút cuối cùng. Ông thường chơi cờ với Tchya Đái Đức Tuấn. Và qua sự sắp đặt của ông, Vũ Hoàng Chương đã gặp Phan Khôi lần đầu. Yêu mến Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương thậm chí còn đặt tên cho đứa con nuôi của mình là Tuân. Mộng Tuyết và Đông Hồ, đôi bạn thơ nổi tiếng ở tận đất Hà Tiên cũng có mối quan hệ tốt với Nguyễn Tuân. Họ từng đi Hà Nội thăm ông và ra về vào ngày 2 tháng 11 năm 1939. Nguyễn Tuân đã viết về cuộc gặp gỡ này trên tờ báo Bạn đường. Nhà thơ Đinh Hùng, trong hồi ký Đốt lò hương cũ, cũng kể lại cái lần Nguyễn Tuân gặp gỡ và đi chơi với các thành viên của Tự Lực Văn Đoàn gồm Nhất Linh, Khái Hưng, và Thạch Lam. Thạch Lam đã viết một bài phê bình khen ngợi Vang bóng một thời trên báo Ngày nay. Nguyễn Tuân cũng từng tặng Thạch Lam một bộ ấm trà sứ rất có giá trị.
Bài của Thạch Lam, trên tờ Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn, số 212 (15 tháng 6 năm 1940)
Bài của Thạch Lam, trên tờ Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn, số 212 (15 tháng 6 năm 1940)
Ngày 13 tháng 1 năm 1940 là ngày mà tác phẩm đầu tay của Nguyễn Tuân được ấn hành bởi nhà xuất bản Tân Dân, quyển Vang bóng một thời. Tác phẩm này sau đó đã trở thành tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của ông, được tái bản không dưới 10 lần và thu hút đông đảo độc giả. Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan, trong cuốn Nhà văn hiện đại đã gọi đó là tác phẩm đạt gần đến sự toàn thiện toàn mỹ. Truyện ngắn Chữ người tử tù trong tập truyện này được đưa vào giảng dạy ở các trường cấp ba Việt Nam. Có thể nói, ngay từ khi xuất hiện, Nguyễn Tuân đã có một vị trí rất cao trên văn đàn tiền chiến.
Năm 1940, Nguyễn Tuân gặp Nguyên Hồng lần đầu tiên trên chuyến tàu vào Nam Định, khi Nguyên Hồng vừa được tại ngoại sau một thời gian bị tù ở huyện Bắc Mê. Vài tháng sau, Nguyễn Tuân lại bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam. Đây là lần đi tù thứ hai của Nguyễn Tuân.
Ông bị đưa về trại giam ở huyện Vụ Bản, Hòa Bình, có lẽ cùng thời điểm bị bắt của Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí và các đảng viên Đại Việt Dân chính đảng. Nhưng có vẻ như ông chỉ phải ở tù vài tháng và được trả tự do vào tháng 6 năm 1941. 
Về lý do của lần bị tù này, Vũ Bằng khăng khăng rằng Nguyễn Tuân đã cùng với Dương Tự Giáp, Phùng Bảo Thạch, Vũ Chung và Lưu Văn. Phụng làm tờ báo chính trị Văn Hóa, trụ sở ở Hàng Đẫy. Tờ báo này được coi là tờ báo thân Nhật trước thời điểm quân phiệt Nhật vào Đông Dương, tháng 9 năm 1940.
Tuy nhiên, theo Tô Hoài, trong thời gian này, mặc dù Nguyễn Tuân thường lui tới trụ sở báo Văn Hóa, có khi ở lại qua đêm nhưng không dính dáng đến hoạt động chính trị nào cả. Các thành viên của Đại Việt Quốc dân đảng gồm Đào Trinh Nhất, Nguyễn Triệu Luật, Phùng Bảo Thạch thường đến tòa nhà đó để chuẩn bị cho những thay đổi chính trị sắp tới. Đỗ Xuân Mai, giám đốc nhà xuất bản Mai Lĩnh, thậm chí còn thuyết phục Nguyễn Tuân tham gia tập quân sự, nhưng Nguyễn Tuân không bận tâm. Ông đến đó chỉ vì yêu thích căn gác xép của tòa nhà đó, và muốn tận hưởng cảm giác sống trên căn gác xép như vậy. Tuy nhiên, một ngày nọ, mật thám báo cáo hoạt động của nhóm này cho chính phủ bảo hộ, khiến những người liên quan bị bắt. Phùng Bảo Thạch khai rằng Nguyễn Tuân là một trong số họ. Lời khai đó đã khiến Nguyễn Tuân bị bắt giam. Trải nghiệm lần đi tù thứ hai này được ông ghi lại trong truyện ngắn Kèn rừng tù, đăng trên báo Vui sống năm 1946.
Truyện ngắn của Nguyễn Tuân, đăng trên báo Vui Sống năm 1946, chưa từng xuất hiện trong tuyển tập nào.
Truyện ngắn của Nguyễn Tuân, đăng trên báo Vui Sống năm 1946, chưa từng xuất hiện trong tuyển tập nào.
Tại ngoại, trở lại cuộc sống đời thường ở Hà Nội, chỉ trong vòng vài tháng, Nguyễn Tuân đã cho in vài cuốn sách, có lẽ vì ông đang cần tiền. Người ta nói rằng sau khi ra tù ông đã đến vay tiền từ Vũ Ngọc Phan, nhưng Vũ Ngọc Phan từ chối vì không muốn dính líu tới một người từng có tiền án tiền sự. 
Ngày 5 tháng 6 năm 1941, Chiếc lư đồng mắt cua được Hàn Thuyên xuất bản. Hàn Thuyên do Trương Tửu đồng sáng lập, là một trong những nhà xuất bản có uy tín lúc bấy giờ. Vì nhiều học giả theo đường lối cộng sản Trotsky hay Đệ Tứ, như Hồ Hữu Tường, Lương Đức Thiệp, và Nguyễn Đức Quỳnh từng xuất bản sách ở đây, mà những ai từng cho in sách ở Hàn Thuyên sau này đều bị hiểu nhầm là những người Trotskyist. Cá nhân Nguyễn Tuân từng thừa nhận rằng ông chịu ảnh hưởng của phái Trotskyist, nhưng ông không tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào của những người Trotskyist.
Ngày 7 tháng 7 năm 1941, cuốn Tùy bút của Nguyễn Tuân được Cộng Lực xuất bản, tiếp theo đó là Một chuyến đi, in ngày 20 tháng 7 năm 1941 bởi Tân Dân (giám đốc: Vũ Đình Long). Ngọn đèn dầu lạc Tàn đèn dầu lạc cũng được xuất bản trong năm 1941 bởi Mai Lĩnh, nhưng ngày tháng xuất bản thì không rõ.
Cũng trong giai đoạn 1941-45, Nguyễn Tuân viết cho hai tờ Tri TânThanh Nghị
Vào ngày 1 tháng 4 năm 1943, quyển Tóc chị Hoài được Lượm Lúa Vàng xuất bản (giám đốc xuất bản: Hà Văn Thực), rồi sau đó là quyển Giai Phẩm in ngày 20 tháng 4 năm 1943. Giai Phẩm là một tuyển tập của các tác phẩm được chọn lọc từ nhiều nhà văn, nhà thơ và họa sĩ khác nhau, bao gồm Nguyễn Tuân, Trần Tiêu, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Thế Lữ, Tú Mỡ, Nguyễn Tường Bách, Vũ Hoàng Chương, Huyền Kiêu, Đinh Hùng và Tô Ngọc Vân. Nó được in bởi nhà Đời Nay (thuộc sở hữu của Tự Lực Văn Đoàn). 
Vào tháng 5 năm 1943, ông đã xuất bản Tùy bút II (Lượm Lúa Vàng), rồi đến Quê hương, cũng tức là Thiếu quê hương (Anh Hoa).
Ngày 12 tháng 1 năm 1944, Nguyễn Tuân lại in chung với các tác giả khác tập Thơ văn mùa xuân, do Đại La xuất bản. Trong đó ngoài bài của Nguyễn Tuân còn có bài của Thế Lữ, Vân Đài, Tú Mỡ, Lê Tá, Nguyễn Xuân Khoát, Vũ Hoàng Chương, Phan Trần Chúc, Đào Trinh Nhất, Chu Thiên, Huyền Kiêu, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Khắc Mẫn, Phan Lộc, Nguyễn Đình Lạp, Văn Chung và Đinh Hùng. 
Tác phẩm Nguyễn tuy nhận được giấy phép xuất bản từ ngày 8 tháng 2 năm 1944, nhưng mãi đến năm 1945, cuốn sách mới được nhà Thời Đại ấn hành.
Khoảng sau 1943, Như Phong Nguyễn Đình Thạc có đến rủ Nguyễn Tuân tham gia vào Hội Văn hóa Cứu quốc, nhưng Nguyễn Tuân từ chối. Theo Tô Hoài, Như Phong đã cố gắng thuyết phục Nguyễn Tuân bằng cách gửi cho ông cuốn Faux Panaports (1937) của Charles Plisnier, nhưng Như Phong không biết rằng Plisnier là một Trotskyist, chứ không phải Stalinist. Nguyễn Tuân từ chối tham gia cách mạng có lẽ vì không muốn vào tù lần nữa.
Vậy mà đến năm 1945, dường như Nguyễn Tuân đã lấy lại niềm tin vào cách mạng, điều này thể hiện rõ trong bài Vô đề, đăng trên báo Văn Mới, sau đổi thành Lột xác. Trong tác phẩm đó, ông bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc sống sa đọa và ăn chơi trác táng, khao khát được kết thúc chuỗi ngày hút xách mệt mỏi, sống không mục đích, uống rượu vô độ, và đắm chìm trong các nhà hát cô đầu. Cách mạng tháng Tám, với cái không khí hồ hởi phản ánh cái thế nước dâng cao đó, cũng đã làm lay động trong Nguyễn Tuân một cảm giác muốn làm lại cuộc đời. 
Nhưng dù đã tham gia Việt Minh sau cách mạng tháng Tám, ông vẫn giữ lối sống vô chính phủ của mình. Theo Hồ Hữu Tường, cuối năm 1945 hoặc đầu năm 1946, Nguyễn Tuân thường đi chơi với các văn nhân không thuộc lực lượng chính trị nào, bao gồm Tú Mỡ, Thế Lữ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Xuân Khoát, Đoàn Phú Tứ, Phạm Ngọc Khuê, Phan Khôi, Đồ Phồn, và đôi khi có cả Khái Hưng, Vi Huyền Đắc trong các buổi sinh hoạt văn nghệ do Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản Minh Đức chủ trì. Và vào tháng 8 năm 1946, cùng với Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Hồ Hữu Tường, Trương Tửu, Nguyễn Đăng Thục, Bùi Công Trừng và Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tuân cũng có một tác phẩm được in trong cuốn Văn hóa và cách mệnh do Đoàn Xuất bản Việt Nam ấn hành, nhưng tác phẩm này được cho là hãy còn non nớt về mặt tư tưởng chính trị. 
Có lẽ trong quãng thời gian từ tháng 8-1945 đến tháng 12-1946, cách mạng với Nguyễn Tuân hãy còn là một điều gì đó nửa nghiêm túc, nửa vui đùa, chứ chưa thật sự khốc liệt, dữ dội. Dường như chính ông cũng đang trong một quá trình tự thương thảo với bản thân, vì ông vốn là con người sống vị kỷ và ham chơi, nay phải dự phần vào cuộc cách mạng chung của dân tộc, phải nhận lấy nghĩa vụ và cống hiến thì làm sao thay đổi ngay được. Tác phẩm cuối cùng thời tiền chiến của Nguyễn Tuân, Chùa Đàn, đã cho thấy sự lưỡng trị của văn nghệ và chính trị, đã bộc lộ rất rõ mối bất hòa giữa “nghệ thuật vị nghệ thuật”, quan niệm sáng tác trước đây của ông, và “nghệ thuật vị nhân sinh”, một quan niệm mà ông phải chấp nhận nếu muốn đứng vào hàng ngũ các nhà văn của hội Văn hóa Cứu quốc. 
Mãi đến ngày 19 tháng 12 năm 1946, khi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên khắp thủ đô, ông mới toàn tâm toàn ý theo Việt Minh kháng Pháp.
Các văn nghệ sĩ tại trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam ở xóm Chòi (Đại Từ, Thái Nguyên) năm 1949. Từ trái qua: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân. Người chụp bức ảnh này là Trần Văn Lưu.
Các văn nghệ sĩ tại trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam ở xóm Chòi (Đại Từ, Thái Nguyên) năm 1949. Từ trái qua: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân. Người chụp bức ảnh này là Trần Văn Lưu.
Từ năm 1947 đến năm 1954, Nguyễn Tuân đã đi khắp các quân khu do Việt Minh kiểm soát để quan sát và viết về cuộc sống và chiến đấu của người dân Việt Nam trong thời chiến. Từ khu I, gặp Trung đoàn Thủ đô và vài người quen cũ, Nguyễn Tuân tiếp tục sang khu V và IV để ăn Tết Nguyên đán với quân và dân. Từ Vĩnh Phúc, ông đi đến Bắc Kạn, rồi lại lẻn vào thành Hà Nội. Những chuyến đi không mệt mỏi của Nguyễn Tuân bấy giờ là để quan sát và ghi chép lại cách người dân Việt Nam sống và chiến đấu trong thời chiến. Xưa ông đi là để thỏa chí giang hồ, nay đi là để viết văn làm báo phục vụ kháng chiến. Những chuyện ông trải qua trong những năm này được ghi lại trong cuốn Đường vui, do Hội văn nghệ Việt Nam ấn hành. So với các tác phẩm tiền chiến, Đường vui ít nói về bản thân mà nói nhiều về thế giới xung quanh. Giọng văn cũng bớt cực đoan mà hồn hậu hơn.
Một năm sau, ông xuất bản Tình chiến dịch, trong đó ông viết về những mảnh đời trong chiến tranh, đặc biệt là tình bạn giữa những người đồng đội trong thời kỳ cam go. Những câu chuyện của Nguyễn Tuân tưởng chỉ xoay quanh các vật dụng vô tri (con đường, ngọn gió, cây tre hay dòng sông), nhưng thực tế là ông mượn những đồ vật này để nói về cuộc sống và con người. Đó là một nét độc đáo trong phong cách viết của ông.
Tháng 7 năm 1948, Nguyễn Tuân lên Việt Bắc tham gia Hội nghị văn nghệ toàn quốc, nơi ông được đề cử làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn Nghệ Việt Nam, và ông đã phục vụ. giữ chức vụ này cho đến năm 1957. 
Trong khoảng thời gian 1947-1957, ngoài Đường vuiTình chiến dịch, Nguyễn Tuân còn xuất bản Thắng càn năm 1953, Chú Giao làng Seo năm 1953, Bút ký đi thăm Trung Hoa năm 1955, Tùy bút kháng chiến năm 1955, và Tùy bút chiến và hòa bình năm 1956.
Ảnh Trần Văn Lưu chụp Nguyễn Tuân đứng trước lối vào phòng triển lãm hội họa được tổ chức ở Việt Bắc ngày 19/12/1951.
Ảnh Trần Văn Lưu chụp Nguyễn Tuân đứng trước lối vào phòng triển lãm hội họa được tổ chức ở Việt Bắc ngày 19/12/1951.
Năm 1950, Nguyễn Tuân và Xuân Diệu chính thức được kết nạp đảng, với hai người thiệu là Nguyễn Huy Tưởng và Tố Hữu. Theo Nguyễn Đăng Mạnh, khi được giao vai trò lãnh đạo văn nghệ, Tố Hữu tin rằng trong tất cả các nhà văn thời tiền chiến, người đầu tiên mà ông phải gặp là Nguyễn Tuân. Việc Nguyễn Tuân lên làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam có lẽ cũng nhờ phần nào vào sự vận động của Tố Hữu. 
Chính vì cảm cái ơn này, mà mỗi dịp Tết đến xuân về, Nguyễn Tuân thường gửi tặng Tố Hữu một tấm thiệp và một nhành hoa tím, mà Tố Hữu đã cảm khái viết nên bài thơ Hoa tím in trong tập Gió lộng. Tuy nhiên, kể từ khi Tố Hữu lãnh đạo vụ đánh Nhân Văn - Giai Phẩm, tình bạn này bắt đầu phai nhạt. Nguyễn Tuân không còn gửi thiệp và hoa nữa, chuyện này làm Tố Hữu rất buồn. Nhưng trong một bài phỏng vấn cuối đời, Tố Hữu cho biết vẫn luôn kính trọng và yêu mến Nguyễn Tuân. 
Thời kỳ cải cách ruộng đất 1954-56, mặc dù Nguyễn Tuân đã viết một số bài chống địa chủ, chống cường hào ác bá (Bóng nó còn đè lên xóm làng), như một phần của tuyên truyền cho cải cách ruộng đất, nhưng có một dật sự được kể lại về lần ông đến tham gia một buổi sửa sai có đồng chí V.N.G. phát biểu. Người ta nói rằng V.N.G. đã nói đùa về những sai lầm và tỏ ra không ăn năn chút nào, việc này khiến Nguyễn Tuân hoàn toàn khó chịu, thốt lên bằng tiếng Pháp “terrible” rồi bỏ về.
Năm 1955, Nguyễn Tuân được cử là một trong những đại biểu của Bắc Việt tham gia Đại hội Hòa bình Thế giới tại Helsinki, Phần Lan. Sau chuyến đi này, ông đã viết một tùy bút mang tên Phở, nói về món ăn truyền thống của dân tộc, và đã đăng trên hai số đầu tiên của tuần báo Văn (1957-58). Bài viết này sau đó bị chỉ trích gay gắt bởi Thế Toàn (Trịnh Xuân An), một cây bút của báo Học Tập
Cùng với Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân tranh luận chống lại các cây bút bên tờ Học Tập, yêu cầu xóa bỏ sự thao túng và đe dọa từ một số nhà phê bình nhân danh đảng. Tuy nhiên, Học Tập là tiếng nói chính thức của đảng, nên các tờ báo khác như Văn nghệ, Nhân dân, Cứu quốc, và Thống Nhất đã nhanh chóng tham chiến, chỉ trích Văn. Họ lên án các cây bút của tờ Văn là đã bị tinh thần Nhân Văn - Giai Phẩm lũng đoạn, nhất là khi đã để cho nhiều cây bút của hai tờ này như Phan Khôi, Trần Dần hay Thụy An đăng bài.
Đầu năm 1958, tham dự cuộc họp kết án Nhân Văn - Giai Phẩm, Nguyễn Tuân được cho là đã đứng lên quát lớn “Tôi không đồng ý với việc áp dụng biện pháp trừng phạt này đối với Nhân Văn Giai Phẩm” và nói thêm “không khéo lại có một vụ sửa sai trong văn nghệ” như vụ cải cách ruộng đất, làm cả hội trường đều tái mặt. 
Nhưng rốt cuộc, quyết định của lãnh đạo văn nghệ vẫn không đổi, và Nguyễn Tuân là một trong những cái chữ ký đã ký vào bản án dành cho các nhân vật Nhân Văn - Giai Phẩm. Sau đó, tháng 5-1958, Nguyễn Tuân đăng bài tự kiểm điểm của mình trên tờ Văn Nghệ. Theo Vũ Thư Hiên, Nguyễn Tuân và Văn Cao cũng được triệu tập đến văn phòng của Trường Chinh để “dặn dò lần cuối”, nơi Nguyễn Tuân đã “ngáp không thèm che miệng”.
Do cũng bị quy là có vấn đề về lập trường tư tưởng, nên trong giai đoạn 1957-58, Nguyễn Tuân phải đi “học tập” ở nông trường Điện Biên cho gần với quần chúng hơn. Chuyến này ông đi cùng với Nguyễn Huy Tưởng, Huỳnh Văn Gấm, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, và Lưu Quang Thuận (cha của Lưu Quang Vũ). Nhờ quãng thời gian sống ở vùng núi Tây Bắc này, mà Nguyễn Tuân đã có được những chất liệu mới mà hoàn thành tác phẩm Sông Đà, được nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 1960.