Đi Cái Răng, đọc Hồ Hữu Tường
Như hầu hết mọi nơi thời buổi này, Cần Thơ đón tôi bằng những con đường của bảng hiệu. Người Việt ở quê làm quảng cáo không có storytelling,...
Như hầu hết mọi nơi thời buổi này, Cần Thơ đón tôi bằng những con đường của bảng hiệu. Người Việt ở quê làm quảng cáo không có storytelling, không cần phong cách, chỉ trung thành với truyền thống ‘chữ càng to càng tốt’ của các cửa hàng in ấn, copy, vì những người con xa xứ đi học graphic design nay hãy còn chưa thôi mơ mộng về chốn ‘OT không lương’ mang tên agency. Nhưng có về quê thì cũng chưa chắc đã làm được cái gì, vì quảng cáo không phải cơ sở hạ tầng xã hội. Cái đẹp của POSM không cứu vớt được sự luộm thuộm của những vòng xoay, sự ngăn nắp tàn khốc của công viên, hay sự thiếu bản sắc cá nhân của những căn nhà phố. Trái lại, không gì huỷ hoại cảnh quan hơn các bảng quảng cáo. Điều này không phải tôi nói, mà chính David Ogilvy nói. Ông ấy thậm chí còn muốn lập một hội kín chuyên đi dọc đường cao tốc và lén dỡ bỏ các bảng hiệu khi đêm xuống. Có lẽ khi mỗi một người thợ hồ đều là một Ngô Viết Thụ thì chúng ta sẽ kiến thiết được một thành phố hiện đại mà vẫn mang những đặc trưng bản địa chăng? Chứ còn Cần Thơ giờ đây, những công trình đẹp nhất chỉ toàn là từ thời người Pháp xây, chợ cổ Cần Thơ chẳng hạn. Và đặc điểm của những chợ như chợ Cần Thơ hay chợ Bến Thành là nó lại không phải là nơi mà người dân thực sự sinh hoạt, mà chỉ để cho khách du lịch tham quan thì đúng hơn. Những cái chợ thực sự sẽ ra khỏi nhà lồng, mọc lên một cách tự phát ở dọc các con đường. Và như vậy, các nhà lồng chợ là những cái xác không hồn.
Phải đi xe qua cầu Cần Thơ, tôi mới hiểu, vì sao người cổ đại lại thi đua làm những công trình lớn. Cả một vùng Nam Bộ rộng lớn có rất ít núi, cao nhất chỉ có ngọn Bà Đen. Trên cái mặt bằng chung thấp lè phè ấy mà dựng lên được một kiến trúc gì của chính người địa phương thì nó cho thấy sự vượt trội của kiến trúc và của một nền văn minh. Và muốn được như vậy, không những cần phải có những “người khổng lồ” như Bùi Hữu Nghĩa hay Hồ Hữu Tường, mà còn phải có những người ở lại, tiếp nối và phát huy. Nhưng con cháu Cần Thơ, thì cũng như con cháu những vùng khác ở nước mình, hầu hết đều bỏ xứ đi làm công cho tập đoàn hoặc lấy chồng nước ngoài những mong đổi đời, vinh thân phì gia, chứ ai hơi đâu mà đi ‘phát quang môn hộ’ cái nghề làm khô cá sặc hay đờn ca tài tử.
Những thứ đồ ở ta, từ cái nón lá cho đến chiếc áo bà ba, mà thiếu sự tinh xảo của mỹ nghệ, thiếu sự đường bệ trong kết cấu, thiếu sự cao cấp so với áo thun quần bò không chỉ tại cái vốn tổ tiên nghèo nàn, mà cơ bản là vì chẳng có ai đi tiếp cái con đường của ông bà đã đi. Bọn mình thấy nó lạc hậu nên bỏ luôn để theo Tây. Ví như cái đờn bầu, đờn nguyệt, ngày xửa ngày xưa đâu có cầu kỳ đâu có chuẩn mực như bây giờ, mà phải là cả một quá trình dài của nghiền ngẫm và biến đổi sao cho nó tạo ra một cái âm thanh hay hơn, đẹp hơn. Phải có cụ Sáu Lầu viết bản classic Dạ cổ hoài lang, phải có cụ Ba Đợi hệ thống hoá các làn điệu đờn ca tài tử, hay là có người đi giải thích cho Tây nó biết cái hay của nhạc dân tộc như học giả người Vĩnh Long Trần Văn Khê, thì từ cái thô sơ mới thành cái tinh xảo, từ cái mỏng yếu mới thành cái vững bền. Chung quy lại, đều phải lấy cái tính dân tộc làm gốc, chứ không vọng ngoại. Vì một cái nhìn của phương Tây vào phương Đông thì sẽ chỉ thấy nó là một nơi chốn mọi rợ cần được soi rọi ánh sáng văn minh, chứ đâu có hiểu rằng nơi này có một cấu trúc riêng của nó. Đó là điều mà Edward Said đã nói, Claude Lévi-Strauss đã nói.
Nên cái lúc đi qua con đường chưa trải nhựa lúc trời đã tối, nghe tiếng giun dế ếch nhái kêu, bạn mình bảo cái tiếng đó buồn. Mình chợt nghĩ rằng chính vì ánh đèn điện đã làm tiếng giun dế nghe trở nên thật buồn. Vì nếu con người ta sống hồn nhiên mà không thèm khát chốn phồn hoa, thì tiếng dế mới vui. Tôi nhớ nhân vật trong truyện Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp, nửa đêm trời mưa cầm đèn pin ra đồng bắt ếch rồi nằm áp xuống bờ rạ, nhìn lên trời sấm sét và cảm thấy có một bóng hình vĩ đại đang lướt nhanh qua, đang chuyển vận mãnh liệt trên đầu. Đối mặt với cái mênh mông của vô minh, những ánh đèn điện hay cả cái ý muốn cải tạo tự nhiên của con người mới thật nhỏ bé.
Chính vì chúng ta đã bỏ xứ mà đi nơi khác làm ăn, và cũng vì chúng ta lười biếng trong suy nghĩ (trong Nói tại Phú Xuân, 1965, Hồ Hữu Tường nói, học mà chỉ có ‘tinh thần súc tích’, ‘esprit d'accumulation’, thì chỉ ra làm một anh cán bộ thừa hành, nên phải có ‘tinh thần phê phán’, ‘tinh thần tìm tòi’, và ‘tinh thần phát minh’ nữa), nên chừng như không có một cái ngành nghề nào kết hợp được cả cái bản sắc dân tộc (mà không tự tôn một cách trống rỗng) lẫn tiến bộ khoa học công nghệ (mà không vọng ngoại, tự ti). Bảo tồn và phát huy, trong mắt chúng ta, là việc của người ta. Cần Thơ, trong mắt tôi, không có một cái gì thật sự Cần Thơ.
Bến Ninh Kiều giờ chỉ nghe thấy giọng chèo kéo khách còn to hơn các chữ cái trên bảng hiệu. Chợ đêm chỉ bán quần áo sản xuất trong nhà máy được làm bởi các cô cậu công nhân mà như Marx nói thì có lẽ là bị alienated bởi những thao tác công việc lặp đi lặp lại. Biết đâu đấy, nhiều người trong số ấy thà làm việc với máy khâu còn hơn ngồi nấu một nồi bánh tét lá cẩm mang ra chợ bán, hay là hái lá cọ phơi khô làm nón.
Những nhà hàng sang trọng thì bảng hiệu nhỏ xíu, tém tém vào một góc, nhường chỗ cho cái kiến trúc indochine mang dấu ấn một thời Pháp thuộc, nay trở lại như một trải nghiệm đặc quyền của người có tiền. Còn bình dân thì nên vào quán bình dân, những chỗ mà mỗi chữ BÁNH XÈO cũng choáng hết cửa ra vào. Khoảng cách giàu nghèo thời đầu thế kỷ 20 chừng như cũng đâu có xa lắm? Đi ngang qua một quán cà phê tên An Nhiên nhưng in bằng kiểu chữ Helvetica, lại còn uppercase hết cả ra, mà mỗi chữ chừng như cao bằng cả một người đang đứng, bản thân mình không hiểu sao người ta lại có thể tìm thấy an nhiên trong cái hình thức nặng nề đó. Trên mạng cũng vậy, những cái tít bài viết chỉ toàn uppercase dường như cổ xuý cho một cuộc thi đua clickbait đậm màu chợ búa, xôi thịt, ồn ào, như ai đó đâm bổ ra đường đi của mình mà hét vào mặt “MẠI DÔ, MẠI DÔ, GHÉ ĐỌC ĐI EM ƠI”. Đó là một thực hành hết sức phản cảm, mà có lẽ cũng là lý do trong cái giới intelligentsia Việt Nam nhiều người thích chơi cái bộ môn lowercase toàn bộ, kể cả tên riêng. Những cửa hàng nông sản organic gắn mác nhà quê, món quê, nhưng bán giá trên trời, tưởng như đang xiển dương cho đời sống bình dân, nhưng đó là một thứ bình dân kiểu Xuân tóc đỏ, còn cái bình dân thực sự vẫn đang lổn nhổn dưới kia, ngụp lặn trong cuộc mưu sinh.
Thứ đặc trưng duy nhất ở Cần Thơ còn sót lại có lẽ là đời sống trên sông Hậu, những thuyền và nhà bè, chừng như cũng đang sống bám vào du lịch. Tự dưng tôi nghĩ giá cái vùng đất này kiêu kỳ một tí, không thèm khách du lịch, chắc tôi sẽ vui hơn khi dự phần vào cái đời sống của nó. Bây giờ người ta đi du lịch nhiều chủ yếu là vì dễ đi chứ không còn điều gì gây tò mò kinh ngạc, mọi thứ đều sẵn và dễ đạt được.
Nỗi hoài tiếc về một thuở ban sơ đã mất hay về một khả năng khác của lịch sử được nêu ra ở đây không phải để than trách, chung quy lại cũng chẳng phải lỗi của ai, mà để chúng ta suy nghĩ xem làm cách nào để dựng xây một cộng đồng tự lực hơn, vững vàng hơn, không chỉ biết dựa vào du lịch hay bất động sản hay khai thác sản vật thiên nhiên. Tất nhiên điều này nghe thật vu khoát, nhưng giá như gieo được một cái suy nghĩ rằng, con người ta đi du học là để một ngày về tỉnh nhà xây dựng quê hương, mở công ty tạo công ăn việc làm cho bà con, thì người Việt muôn nơi đều chẳng cần phải đi đâu, cứ ở yên tại chỗ, và Sài Gòn thì cũng đỡ kẹt xe.
Chính lúc này tôi mới hiểu việc sinh ra và lớn lên ở miền Tây đã cho Hồ Hữu Tường khả năng nhìn nhận mọi thứ khác với các ‘sĩ phu Bắc Hà’. Chẳng hạn như chuyện nghệ thuật vị nghệ thuật hay nhân sinh, chuyện tương lai kinh tế, tương lai văn hoá Việt Nam, chuyện quốc gia hay cộng sản, Hồ Hữu Tường luôn đề xuất những con đường khác với những con đường mà người ta vẫn tưởng là duy nhất. Đến ngay cả viết, Hồ Hữu Tường cũng không chọn những thể loại như tiểu thuyết hay truyện ngắn, mà ông gọi là ‘kể chuyện’, bằng một ngôn ngữ nhanh gọn không cầu kỳ, nhưng đó là đặc trưng của truyền khẩu ở Nam Bộ, và đó là đặc trưng của lối sống miệt vườn.
Cả một đời Hồ Hữu Tường theo đuổi các tư tưởng, rồi từ bỏ các tư tưởng, chung quy lại cũng như những con người tìm cách phá bỏ những cấu trúc cũ để thiết lập nên những cấu trúc mới, bỏ những con đường nhầm lẫn để tìm kiếm một đường lối phát triển phù hợp nhất với những đặc trưng của bản địa. Blockchain giúp người ta thiết lập những hệ thống decentralized, thì trong cái động thái bài Tàu của Hồ Hữu Tường, trong cái quan niệm rằng lịch sử Việt Nam không phải là lịch sử của một cuộc Nam tiến, mà là sự thống nhất theo đường lối phong kiến, rằng không nên chối bỏ mà phải chấp nhận nguồn gốc thổ dân sống trên giải đất này, bãi bỏ thuyết chủng tộc và công nhận thuyết hợp chủng và đồng hoá, Hồ Hữu Tường đã tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào phương Bắc, cái trung tâm đã ảnh hưởng lên văn hoá Việt Nam. Hồ Hữu Tường muốn xây dựng một thứ gì riêng biệt, tự lực tự cường, dựa trên cái vốn bản địa. Đó là nỗ lực đi tiếp con đường mà Hồ Quý Ly đã từng vạch ra.
Hồ Hữu Tường đã đi rất xa, từng tiếp xúc với những nhân vật Đệ Tam lẫn Đệ Tứ ở Pháp, từng làm báo với Nguyễn An Ninh, từng ở tù Côn Đảo, từng xuất bản sách ở nhà Hàn Thuyên của Trương Tửu, rồi chơi với các ông ở ngoài Bắc như Nhượng Tống, Khái Hưng, Lê Văn Văng, nhưng về miền Nam, ông lại trở về với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, tìm thấy ở tuổi thơ mình chính cái con đường không đâu xa, và phải đặt nền móng của xây dựng trên một cái gì đó bản địa, không lệ thuộc vào ngoại bang. Tiếc rằng, không ai tiếp nối, thậm chí nhìn ra được cái tầm vóc của Hồ Hữu Tường. Suốt đời ông chỉ làm Hồ “Hưởng Tù”, làm một con thằn lằn chọn nghiệp.
Có người nói rằng, bộ ba làm nên một “tinh thần miền Nam” là Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu, và Phan Văn Hùm. Cũng chính vì Hồ Hữu Tường mà người đó từng từ Hà Nội vào tận Cái Răng để xem ở đó có gì không. Thực sự bọn đọc sách nhiều, sẽ dễ hiểu được cái cảm giác đó. Đi Bà Rịa mà nhớ Kiều Thanh Quế, hay là đi Bình Dương mà nhớ Phan Văn Hùm. “Đường đi tới, dù chông gai, thì quanh đây đã có người”, câu hát đó đúng. Người ta phải tìm nhau như thế, “tìm xem trong kinh sử, tìm tương lai sáng tỏ, tìm nhau khi nhân loại được trùng tu” thì mới “gặp nhau trong vinh dự của đời người, gặp nhau dưới đức tin bao la phơi phới”. Đi Cái Răng, trong lúc ngồi ghe trên sông Hậu, lúc rờ vào những chạm trổ của căn nhà cổ phường Bình Thuỷ, làm sao mà một người từng đọc về Hồ Hữu Tường không khỏi tự hỏi đây có phải là tuổi thơ của ông cụ Năm Tường, của thằng Thuộc con nhà nông đọc Nam Phong mà nhớ không sai chữ nào?
Cần Thơ có thể không nợ một cái tên đường Hồ Hữu Tường. Cái mà người Cần Thơ thiếu, bây giờ, là nhận ra nỗ lực của Hồ Hữu Tường, để không còn bỏ xứ lấy chồng Đài Loan hay làm công ở Hàn hay Nhật, để dựng nên một vùng đất Cần Thơ thịnh vượng dựa trên cái vốn truyền thống mà chỉ cần bước tới người ta sẽ nhận ra ngay đó chính là Cần Thơ chứ không phải là bất cứ một cái nơi nào khác.
12.04.21
Du lịch - Ẩm thực
/an-choi
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất