Năm 1928, học đến năm thứ 4 Thành Chung (diplôme d'études primaires supérieures franco-indigènes) ở Nam Định thì Nguyễn Tuân tham gia bãi khóa phản đối giáo viên Pháp xúc phạm người Việt nên ông bị đuổi, và bị ghi vào học bạ là trong 5 năm không công sở nào được nhận vào làm.
Lúc vợ ông là bà Vũ Thị Tuệ vừa sinh con đầu lòng được hai tháng thì ông đã "nổi hứng" đi phượt Myanmar cùng với một nhóm bạn, không chắc gồm bao nhiêu người nhưng trong số đó có Lương Đức Thiệp.
Ông và nhóm bạn bị bắt tại Bangkok, rồi bị giải về Sài Gòn, qua đường thủy về lại Thanh Hóa. Sau đó, Nguyễn Tuân bị quản thúc 1 năm ở Thanh Hóa vì tội "phượt chui" không giấy tờ.
Về mục đích chuyến đi này, Vũ Bằng kể Nguyễn Tuân có thổ lộ với ông là để vừa thỏa mộng giang hồ, vừa để "tìm đường cứu nước". Tô Hoài thì nói là Nguyễn Tuân muốn đi buôn hồng ngọc ở Pailin. Nhưng Nguyễn Đăng Mạnh thì thuật lại lời Nguyễn Tuân trong quá trình làm tuyển tập cho ông (trước khoảng 1981-1982):
“Người khác sẽ nói là đi tìm đường cứu nước. Nhưng tôi thì nói thật, vì đi chơi không có giấy phép nên nó bắt, thế thôi”
Sau này, trong giai đoạn chính trị phức tạp của 1945-1946, khi mà các đảng phái chính trị thanh trừng lẫn nhau, Nguyễn Tuân có nghe tin Lương Đức Thiệp đã chết và hỏi Tô Hoài. Nhưng Tô Hoài nói không biết.
Vì sao Lương Đức Thiệp chết? Liệu có phải vì ông là người của Đệ Tứ như Tạ Thu Thâu hay Phan Văn Hùm? Lương Đức Thiệp có một thời gian in sách ở nhà xuất bản Hàn Thuyên của Trương Tửu, đây cũng là nơi mà Hồ Hữu Tường đến in sách Tương lai Kinh tế Việt Nam, và cũng là nơi mà Nguyễn Tuân in cuốn Chiếc lư đồng mắt cua. Nhưng Hàn Thuyên có liên quan đến Đệ Tứ không? Trương Tửu nói:
"Sau này tôi mới biết một số tác giả này ở cái nhóm gọi là Trotskyist ở ngoài Bắc, đó là nhóm Lương Đức Thiệp, Nguyễn Tế Mỹ. Hồi đó anh em chơi với nhau nhưng mình không biết thực chất về họ. Nguyễn Tế Mỹ viết quyển Hai Bà Trưng. Lương Đức Thiệp viết quyển Xã hội Việt Nam. Tôi nghĩ rằng trong sách họ có những ý kiến táo bạo cứ kệ họ, rồi dư luận sẽ đánh giá. Tóm lại nhà xuất bản không có khuynh hướng cộng sản Marxist gì cả. Chỉ có khuynh hướng khoa học, yêu nước, tiến bộ, truyền bá những kiến thức mới. Những người như Nguyễn Tế Mỹ, Lương Đức Thiệp hoạt động chính trị làm cho mình mang tiếng lây, thành ra như mình ở một nhóm với ông ấy. Cứ bảo Trương Tửu Trotskyist là vì thế. Có một người bạn đến bảo tôi chẳng thấy anh Trotskyist thế nào cả. Cái đó là vấn đề chính trị nó không dính gì vào đây cả."
Nguyễn Tuân thì ghi trong bản tự kiểm điểm, Nhìn rõ sai lầm, nguyên văn như sau:
"Về quan niệm nghệ thuật, trước đây, tôi là người của phái nghệ thuật vị nghệ thuật, tức là tôi chủ trương nghệ thuật không phục vụ chính trị. Một số sách và tiểu thuyết của những tác giả Trotskyist  hoặc có quan điểm Trotskyist về tư tưởng nghệ thuật, đã ảnh hưởng phần nào đến cái nhìn của tôi đối với Stalin, đối với những hoạt động chính trị, và cụ thể là rất có định kiến nghi ngại đối với tổ chức Đảng nói chung trên thế giới cũng như ở ta. Tôi cho rằng làm chính trị thì không tránh được thủ đoạn này thủ đoạn khác và trên cái nhận thức sai lệch ấy, tôi càng tách con người văn nghệ ra khỏi bất cứ hoạt động chính trị gì."
Liệu Nguyễn Tuân có liên quan đến Đệ Tứ? Nguyễn Tuân có liên quan đến chính trị như thế nào mà năm 1941 lại phải đi tù ở Vụ Bản, Hòa Bình?

Ảnh: Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp, bản in đầu tiên ở Hàn Thuyên năm 1944, và bản tái bản của NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam năm 2018, đánh dấu sự trở lại của Lương Đức Thiệp sau hơn 70 năm biến mất.