Thơ ngụ ngôn của La Fontaine (Éditions du Trung Bắc Tân Văn – Hanoi, 1928) có lẽ là tập văn dịch đầu tiên của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Trong «mấy lời của dịch giả» ở đầu quyển sách, ông có viết:

Bản năm 1951
«Tập dịch văn này tôi làm ra kể đã lâu lắm rồi, khi còn ít tuổi, chưa làm văn vần bao giờ, mà đọc qua thơ La Fontaine cũng phải cảm hứng chắp chảnh nên vần, tuy lắm câu văn còn lấc cấc lắm, nhưng các bạn độc giả cũng nhiều ông xét quá rộng cho là dụng công dịch lấy đúng. Đúng đây là đúng cái tinh thần chứ không có nề gì những chữ hổ đổi làm sư tử, cái gậy đổi ra con chó, khiến cho những người thắc mắc được một cuộc vui, ngồi soi bói từng câu từng chữ, mà kể được ra có ba bốn chữ dịch lầm. Những chỗ sai lầm đó, trong bản in này cũng xin cứ để nguyên không chữa… »

Ông dịch tất cả 44 bài thơ của La Fontaine, phần nhiều là những bài ngắn, và đúng như lời ông nói, ông chỉ dịch cho thoát nghĩa, chứ không nệ từng chữ từng câu.

(trích từ Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, quyển 1, Saigon: Nxb Thăng Long, 1960, trang 53)

Bài La Cigale et la Fourmi của La Fontaine, nguyên tác tiếng Pháp, và bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Vĩnh, tựa là Con ve và con kiến:

Hai câu «Đến kỳ gió bấc thổi/ nguồn cơn thật bối rối» được dịch từ «Se trouva fort dépourvue/ quand la bise fut venue». Tính từ dépourvu có nghĩa là thiếu thốn. Nguyên văn tiếng Pháp có nghĩa là khi gió bấc về, ve sầu cảm thấy mình thật thiếu thốn, nhưng Nguyễn Văn Vĩnh lại dịch là «nguồn cơn thật bối rối», nghĩa là nguyên do thật khó nói. Phải chăng đây là suy nghĩ của ve khi phải đi vay thức ăn, rằng nguyên do cho sự thiếu thốn của mình thật đáng ngượng khi nói ra?
Khi dịch Kiều sang tiếng Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ dịch nghĩa thành văn xuôi. Nhưng khi dịch ngụ ngôn La Fontaine sang tiếng Việt, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch thành văn vần. Có lẽ câu «nguồn cơn thật bối rối» được viết ra khi ông ưu tiên tính hợp vần hơn là tính chính xác về nghĩa từng câu. 
Năm 1970, tức 34 năm kể từ khi Nguyễn Văn Vĩnh mất, Vũ Bằng viết trên tạp chí Văn Học số 111 (1-9-1970) như sau:
Ve sầu kêu ve ve
suốt mùa hè
Cho đến tận bây giờ, tôi hiểu tại sao ông Nguyễn Văn Vĩnh lại thích câu thơ trên như vậy. Một đời ông, viết hàng vạn bài xã thuyết, hàng ngàn phóng sự, điều tra, tiểu luận, dịch hàng trăm tác phẩm trong tủ sách «Âu Tây tư tưởng», hay như nhau, khó phân biệt được thế nào là hơn thế nào là kém, vậy mà xem ý ông thì ông có vẻ thích thú nhất có một câu thơ «Ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè…» lâu nay nằm trong tập Thơ ngụ ngôn La Fontaine, bài Ve sầu và con kiến tả một con ve sầu nghệ sĩ chỉ biết ca hát, «đến khi gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối» thì không có một hột thóc để ăn, phải sang nhà chị kiến càng mượn đỡ tí lương thực để ăn cho khỏi chết. Chẳng may chị kiến lại là loài ích kỷ, đã không cho mượn lại còn chế nhạo: «Chị khỏe ca hát, thế thì bây giờ mời chị ca hát nữa đi, cho tôi xem nào!»

Câu chuyện ngụ ngôn chỉ có thế thôi, nhưng ông Vĩnh thú vị mấy câu đầu đến nỗi ngâm ngợi một mình, ông cho là chưa đủ. Bây giờ những người bạn hay những người theo ông học hỏi ông đã từng đến thăm căn nhà của ông ở Bưởi đều còn nhớ ông đã đặt đóng một bộ sa lông gụ, mà chiếc ghế nào, chiếc bàn lớn bàn con nào cũng đều khảm xà cừ một dòng «Ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè» và ghi ở dưới ba chữ viết tắt N.V.V.

Vì là bạn của mấy con trai ông và cùng học một trường với con gái ông là cô Nội, rồi sau này lại được làm việc trong tờ báo do ông làm chủ nhiệm, tôi đã nhiều lần đến chơi ở căn nhà đó, nhưng ngay lúc ấy tôi chỉ cho là một cái thú riêng của «ông cụ», và muốn thành thực hơn một chút nữa tôi phải nói là có lúc tôi cho rằng đó là một cái thú cầu kỳ, phù phiếm của mấy tay «lão tổ». Là vì lúc ấy tôi còn trẻ người non dạ lắm và cũng như những người trẻ người non dạ khác, tôi chưa biết được hết cái chân tài, cái trí óc kỳ lạ của ông Vĩnh ra sao. Phải đợi đến khi ông mất đi rồi, tôi sống qua bao nhiêu lớp sóng phế hưng, học thêm của trường đời mãi mà không khôn ra được, tôi mới hiểu dần dần ông Vĩnh là một chánh khách, một văn gia, một ký giả khan hiếm trong xã hội ta. Và kỳ sau khi ôn lại cuộc đời ông để rút kinh nghiệm, để học hỏi, tôi mới bắt đầu hé thấy tại sao ông lại đặt làm một bộ ghế sa lông có khảm xà cừ câu thơ «Ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè».

Cả một cuộc đời ông Vĩnh – đời chánh trị, đời xã hội, sống tâm tình bất quá cũng chỉ là một con ve sầu kêu ve ve trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine chỉ biết cho mà không biết lấy, chỉ biết sống cho người khác mà không giới ý đến đời chính thân mình, chỉ biết làm việc rồi héo hắt đi mà chết, không mong được ai hiểu biết.
Ở đây, Vũ Bằng nói rằng bộ trường kỷ ở nhà ông Vĩnh chạm khảm trai truyện Con ve và con kiến, nhưng theo phim tài liệu Người man di hiện đại, thì được chạm khắc trên bộ trường kỷ của ông Vĩnh lại là truyện Con chó rừng và con cò, giống như bức phù điêu trên mộ của La Fontaine ở nghĩa trang Père Lachaise Cemetery ở Paris. Như vậy, ông Vũ Bằng đã nhầm lẫn. Một chứng nhân lịch sử như Vũ Bằng tiếc là một người thường xuyên có những nhầm lẫn như vậy. Một ví dụ khác về khả năng gây nhầm lẫn của Vũ Bằng là chính ông đã tung tin nhà thơ Quang Dũng là con trai của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nhưng sự thật thì không phải. Vũ Bằng cũng thừa nhận sự hạn chế về năng lực ghi nhớ của mình ở đầu cuốn hồi ký Bốn mươi năm nói láo.
Tuy nhiên, ở đây Vũ Bằng lại có một liên hệ thú vị giữa cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh và cuộc đời của con ve. Với một trí tuệ như thế, chỉ cần muốn, Nguyễn Văn Vĩnh đã có thể làm chức thượng thơ như Phạm Quỳnh, hưởng bổng lộc của vua, hoặc cũng có thể làm thầy phán, thầy ký cho Tây, sống sung túc ấm no suốt cuộc đời. Thế mà ông Vĩnh lại chọn dành cuộc đời của mình để làm quốc sự bằng phương tiện báo chí và xuất bản (theo Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, 1970). Để đến cuối đời, ông từ chối hợp tác với Pháp hay nhà Nguyễn để trả nợ mà quyết tâm lên đường đi đào vàng, rồi chết vì bệnh kiết lị trên một con thuyền độc mộc ở Lào. Nguyễn Văn Vĩnh đã từ chối cuộc đời của một «người cung nhân ngồi hót những giọt nước mắt bạch lạp khô cứng của một đêm truy hoan bằng hối tiếc và vị kỷ» mà sống cuộc đời của «bậc thiếu phụ nguyện làm một nội tướng chung và khuất nhục của cả đám hủi» (Nguyễn Tuân, Nhà Nguyễn, 1945).
Tiếng hát của con ve, vì một điều gì đó cao xa hơn những mối bận tâm cơm áo hàng ngày, đã khiến nó trở nên túng thiếu. Và đây là một cách tiếp cận mới mẻ với La cigale et la fourmi. Bởi vì từ xưa đến nay, truyện này vẫn được các cuốn sách đạo đức chép lại nhằm để truyền dạy một bài học về sự cần cù chăm chỉ. Rằng con ve thật đáng trách vì nó không lo làm việc, mà chỉ lo ca hát. Nhưng đã có ai đồng cảm với con ve?
Rất có thể, ông Vĩnh đã rất vui vẻ làm một con ve ưa ca hát. Không biết ông có biết rằng, những bài hát mình đã hát trong mùa hè tiền chiến ấy cũng tan như bọt nước trong cuộc bể dâu thế kỷ?
31.10.2020