Trong Vài kỷ niệm về mấy văn, thi-sĩ hiện đại (1962), Bàng Bá Lân viết về năng lực văn thơ của Nguyễn Vỹ như sau:
tôi nhận thấy anh ít thành công ở những tình-cảm thông thường như: yêu, buồn, thương, nhớ… Với những loại bài này anh thường mắc phải những lỗi: sáo, rườm-rà, hoặc quá dễ dãi trong cách đặt câu dùng chữ.  (...) Nhưng Nguyễn-Vỹ đã thành công trong những bài thơ diễn tả nỗi buồn giận vô cùng chua xót mà anh đã từng trải, như bài Gửi Trương-Tửu và nhất là những bài làm trong chuỗi ngày bị giam cầm. Những lúc đó, lời thơ anh toát ra rất tự-nhiên, giản-dị và thành-thực, vì từ thơ như tràn ngập trong mạch máu, chất chứa sẵn trong đầu. 
(...)
Ngoài thơ, Nguyễn-Vỹ còn viết rất nhiều loại văn: luận-thuyết, biên-khảo, phê-bình, hồi-ký, truyện ngắn, truyện dài… Mà loại nào anh viết cũng được. Những hồi-ký như Tuấn, chàng trai nước Việt (dẫn chứng lịch-sử xã-hội hiện đại 1910-1960) và các truyện dài của anh đã xuất bản hoặc đăng trong tạp chí Phổ Thông đều có ưu điểm là thích hợp với mọi từng lớp (trí thức cũng như bình dân) và khá hấp dẫn. Tuy nhiên, tiểu thuyết của Nguyễn-Vỹ còn thiếu một cái gì để đưa tác-giả lên hàng danh-sĩ. Cái gì ấy là dấu hiệu của thiên tài. Nó là chiếc đũa thần của nhà ảo-thuật, có thể gõ đá hóa vàng, làm nên một-cái-gì bằng những cái không là gì cả (faire quelque chose de rien). Cho nên mặc dầu tiểu-thuyết của Nguyễn-quân không thiếu vẻ hoạt động, hấp dẫn (tình-tiết khá ly kỳ, tâm-lý nhân-vật được xây dựng khá vững, văn gọn và trơn…) ta vẫn chưa thể đặt anh vào hàng những tiểu-thuyết gia danh tiếng. Nhưng ta phải công nhận anh là một nhà báo có tài.
Theo tôi, đây là nhận xét đúng nhất về Nguyễn Vỹ, không như những bình phẩm nhuốm màu thành kiến của Hoài Thanh và Thế Lữ. Đánh giá của Bàng Bá Lân về Nguyễn Vỹ, với từng tư cách nhà thơ, nhà văn và nhà báo, rất chính xác.

Người ta biết đến Nguyễn Vỹ với tư cách nhà thơ là phần nhiều, nhưng thơ Nguyễn Vỹ không có sự đột phá, cũng không gây tiếng vang lớn. Phải chăng vì ông quá chặt chẽ quy củ trong hoạt động sáng tác và quá chững chạc trong thái độ với cuộc đời?

Nguyễn Vỹ với tư cách nhà văn thì vô cùng duyên dáng, có cách viết trong sáng, hồn hậu, mang nhiều nét hoạt kê. Tôi đã phải cười khi đọc chi tiết cậu Bốn tìm cách tán cô Ba Hợi trong Tuấn, chàng trai nước Việt. Còn trong Văn thi sĩ tiền chiến, tôi vẫn nhớ chi tiết Nguyễn Vỹ mô tả Nguyễn Văn Vĩnh lái chiếc mô tô sơn đỏ kềnh càng nhả khói như đang cỡi một con cá chép bay trong mây. Nhưng Bàng Bá Lân nói đúng, văn Nguyễn Vỹ "còn thiếu một cái gì để đưa tác-giả lên hàng danh-sĩ. Cái gì ấy là dấu hiệu của thiên tài. Nó là chiếc đũa thần của nhà ảo-thuật, có thể gõ đá hóa vàng, làm nên một-cái-gì bằng những cái không là gì cả (faire quelque chose de rien)".

Cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, tuy chỉ là một tập hồi ký cá nhân, nhưng theo tôi thấy là một tác phẩm rất hữu ích cho những ai muốn hình dung diện mạo của không gian văn nghệ trước 1945. Những nhận xét của Nguyễn Vỹ về từng người rất cụ thể, được củng cố bởi những quan sát rất rõ ràng. Trong đó ông còn đặt lên bàn cân Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh để so sánh. Cái nhìn của ông Vỹ, phần nào cho ta thấy vì sao Phong Hóa xếp thứ nhất phải là "sừ Ĩnh", thứ hai mới tới "sừ Uỳnh".

Sự chuẩn xác trong cái nhìn của Nguyễn Vỹ còn thể hiện ở việc ông chống Nhật từ rất sớm. Trong khi một số người còn ảo tưởng Nhật cùng chung da vàng sẽ giúp đỡ người mình chống Pháp, Nguyễn Vỹ xác định luôn kẻ thù là Nhật-bản, viết và xuất bản sách Cái họa Nhật-bản. Chính vì thế mà ông bị bắt bỏ tù, và khi ra tù ông đã nhanh chóng vào Nam khi Nhật đảo chính Pháp.

Có lẽ Nguyễn Vỹ không được may mắn lắm với tư cách nhà báo, vì mỗi khi chủ trương một tờ báo, ít lâu sau liền bị rút giấy phép và đình bảng vì lý do chính trị. Chính vì thế mà có người nói Nguyễn Vỹ là "con người phản kháng, một kiểu người không hay thấy ở Việt Nam; thời nào, dưới chế độ nào, Nguyễn Vỹ cũng gây khó chịu".

Phải chăng Nguyễn Vỹ cũng mang một "khuôn mặt Quảng Ngãi" như Lê Văn Duyệt, Trương Đăng Quế hay Trương Công Định, dù ông chỉ ở vùng đất đó trong thời gian ngắn tuổi thơ của mình?

Còn một cảm nghĩ khá riêng tư của tôi về Nguyễn Vỹ, là vóc dáng thấp nhưng không gầy guộc của Nguyễn Vỹ, với sự chắc chắn trong từng bước đi, làm tôi nghĩ đến ông ngoại của mình, nhất là cái bức ảnh dưới đây:

25.07.20