Cùng tiếp tục một câu chuyện cũ ở đây.
Việc lập danh mục tác phẩm là một trong những bước đầu thiết yếu để tìm hiểu sự nghiệp của một nhà văn. Tuy nhiên, việc đó không hề dễ làm, phần vì sự thiếu vững vàng của ngành thư viện học trong nước, phần vì những tàn phá của chiến tranh (dù Nguyễn Tuân thuộc vào số những văn gia mà trước tác ít bị thất lạc nhất).
Nhưng dựa trên những gì còn lại, cụ thể là dữ liệu của các thư viện số và lời chứng của các nhân vật đã từng sống trong lịch sử văn học thế kỷ 20, ta có thể tạm liệt kê những sách đã in của Nguyễn Tuân như sau.

Các sách xuất bản trước 1946:

Một chuyến đi (du ký)
Đăng báo từ 1938. Tân Dân, Hà Nội, xuất bản năm 1941.


Vang bóng một thời (tập truyện ngắn)
Đăng báo từ 1939. Tân Dân, 1940; Trường Sơn, Sài Gòn, 1968;

Ngọn đèn dầu lạc (phóng sự)
Mai Lĩnh, Hà Nội, 1939.
Quê hương (tiểu thuyết), tức Thiếu quê hương
Đăng báo từ 1940. Anh Hoa, Hà Nội, 1943; Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2006
Tàn đèn dầu lạc (phóng sự)
Mai Lĩnh, 1941.
Chiếc lư đồng mắt cua (tùy bút)
Hàn Thuyên, Hà Nội, 1941.

Tùy bút I
Cộng Lực, Hà Nội, 1941.

Tùy bút II
Lượm Lúa Vàng, Hà Nội, 1943.
Giai phẩm
Tập hợp các tác phẩm của Nguyễn Tuân cùng Trần Tiêu, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Hồ Zếnh, Thế Lữ, Tú Mỡ, Tường Bách, Vũ Hoàng Chương, Huyền Kiêu, Đinh Hùng, Tô Ngọc Vân. Phụ bản: Nguyễn Gia Trí. Bìa: Tô Ngọc Vân.
Đời Nay, Hà Nội, 1943.

Tóc chị Hoài (tùy bút)
Lượm Lúa Vàng, 1943.

Nguyễn (truyện)
Thời Đại, Hà Nội, 1945.

Văn hóa và cách mệnh
Tập hợp các tác phẩm của Nguyễn Tuân cùng Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Hồ Hữu Tường, Trương Tửu, Nguyễn Đăng Thục, Bùi Công Trừng, Tô Ngọc Vân. Đoàn Xuất Bản Việt Nam, 1946

Xin trích dẫn một đoạn văn do Hồ Hữu Tường viết:
"Khái-Hưng tìm làm quen với tôi trước. Lúc ấy, tôi ở Hà-nội, trốn trong một cái phòng, không bước chơn ra ngoài, vì sợ trinh sát Việt-Minh gặp mà nguy cho tánh mạng. Ở trong phòng tôi bị ám ảnh bởi thần chết. Để đánh tan cái ám ảnh ấy, tôi viết. Viết sách phổ thông với mục đích là kiếm tiền để sống. Viết sách tư tưởng không cần xuất bản. Mỗi cuốn sách đều mang một bút hiệu khác nhau. Và với bút hiệu Huân Phong, tôi viết quyển Muốn làm chánh trị, viết để chơi, không cần xuất bản. Quyển nầy được một nhóm nhỏ sinh viên thích, họ chuyền tay nhau mà chép lại mỗi người một bản để giữ làm kỷ niệm và cho người thân yêu đọc mà thôi.
(...)
Không biết do ai tọc mạch mà Muốn làm chánh trị lọt vào tay Khái-Hưng. Theo lời của Khái-Hưng nói lại, Khái-Hưng đọc mê say một mạch. Và không tìm xin phép tác giả, Khái-Hưng đã trích một khúc rất dài mà đăng trong tờ tuần báo Chính nghĩa lúc ấy được Khái-Hưng coi sóc việc biên tập. Khúc ấy tựa đề là “Ba lần giác ngộ sau cùng của Phật Thích Ca“. Những độc giả cũ của Chính nghĩa chắc có nhiều người còn nhớ bài ấy. Lúc ấy, tôi đã viết ít nhiều sách phổ thông, song chưa sáng tác gì về văn nghệ, nay được một nhà văn có tên tuổi là Khái-Hưng để ý đến như vậy, tôi không khỏi có chút vui mừng.

Mấy tháng sau, Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà sách Minh Đức tổ chức những cuộc gặp gỡ hàng tuần giữa những nhà văn “không xếp hàng” tức là không ở trong Văn Hóa Cứu Quốc của Việt minh, thôi nhóm Hàn Thuyên, và thôi Tự Lực Văn Đoàn… Những người đầu tiên được mời là Tú Mỡ, Thế Lữ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Phạm Ngọc Khuê và tôi. Sau đó có thêm Phan Khôi, Đồ Phồn. Thỉnh thoảng có cả Vi Huyền Đắc…
Sau ba bốn lần hội, thình lình có Khái Hưng đến, có ý trách chúng tôi sao không mời anh, vì mặc dầu điều khiển tờ nhựt báo Việt Nam và tờ tuần báo Chính Nghĩa, cả hai toàn là cơ quan của V.N.Q.D.Đ., song ấy vì tình bạn với anh Tam mà làm, chớ bản thân của anh là một người “không xếp hàng” trong mặt trận văn hóa. Chúng tôi công nhận anh ngay vào nhóm. Và chiều thứ bảy nào, anh cũng đến dự buổi ăn chung. Khác có điều là vào mười hai giờ khuya, anh phải về lo bài cho báo. Chúng tôi thì ở lại, thức cả đêm để trao đổi cái thú vui của văn nghệ."
(Bài Khái-Hưng, người thứ nhứt muốn làm nguyên soái của “văn chương sáng giá”, đăng trên Văn, số 22, năm 1964)


Chùa đàn (truyện)
Quốc Văn, Hà Nội, 1946; Văn Học, Hà Nội, 1989.
Xin trích dẫn một đoạn văn phê bình nói về Chùa đàn:
"Năm 1946 là năm có đặc biệt ít tác phẩm văn chương. Ta chỉ có thể kể đến Cười của Nam Cao, Khao của Đồ Phồn và Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. Trong đó Chùa Đàn dĩ nhiên là tác phẩm quan trọng hơn cả. Chỉ trong vòng 5-6 năm, Nguyễn Tuân hoàn thành một sự nghiệp văn chương khủng khiếp, chưa từng có, mà Chùa Đàn là kết tinh của mọi thứ, nhưng là một sự kết tinh rất không trọn vẹn. 
(...)
Khái Hưng là người hiểu Nguyễn Tuân nhất, đặc biệt khi cho rằng phần "Dựng" và "Mưỡu cuối" của Chùa Đàn làm hỏng đi cả tác phẩm. Lời nhận xét này tất nhiên dựa rất nhiều trên "lập trường tư tưởng", nhưng cùng lúc, thật ra nó hết sức chính xác, như một lời tiên tri: Nguyễn Tuân đạt tới đỉnh cao của mình ở "Tâm sự của nước độc", ngay sau đó, trong cùng tác phẩm, "Mưỡu cuối" đã là sự suy đồi. Và sau đó chỉ thuần túy là suy đồi, con chim phượng hoàng đã thôi bay, hạ cánh xuống sân chơi với đàn gà, trong đó có những phần tử hết sức tinh quái, như Tô Hoài. Còn Khái Hưng, chim thiêng nói lời mệnh bạc, sẽ bỏ mạng ngay năm sau đó, 1947."
(Bài Khái Hưng vs Nguyễn Tuân của Nhị Linh)

Các sách xuất bản sau năm 1946:

Đường vui (tùy bút)
Hội văn nghệ Việt Nam, 1949.
Tình chiến dịch (tùy bút)
Văn nghệ, 1950.
Thắng càn (truyện)
Văn Nghệ, 1953.
Chú Giao làng Seo (sách Kim Đồng)
1953.
Bút ký đi thăm Trung Hoa
Văn Nghệ, Hà Nội, 1955.

Tùy bút kháng chiến
Văn Nghệ, 1955.

Tùy bút kháng chiến và hòa bình
Văn Nghệ, 1956.

Truyện một cái thuyền đất (sách Kim Đồng)
1958.
Sông Đà (tùy bút)
Văn Học, Hà Nội, 1960.

Tôi đọc
Văn Học, 1963.
Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi
Hội văn nghệ Hà Nội, 1972.


Văn Học, 1986.

Tuyển tập Nguyễn Tuân
Văn Học, 1981-1982.
Chuyện nghề
Hội Văn Nghệ Việt Nam, Hà Nội, 1986
Cảnh sắc và hương vị đất nước
Tác Phẩm Mới, 1988.

Trên đây chỉ là những tác phẩm đã biết. Ngoài ra, có thể còn một số sách đã xuất bản khác chưa được biết, và rất nhiều bài đăng báo. Hy vọng chúng ta sẽ trở lại với chủ đề này một ngày không xa.