Lịch sử giống như một bộ phim truyền hình nhiều tập. Nếu bạn bắt đầu ngay giữa bộ phim, bạn không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra cả.
Thanh niên kia là ai?
Tại sao họ lại hành động như vậy?
Oh, vậy ra họ là, như kiểu, đồng minh ấy hả?
Câu chuyện dưới đây như một bản tóm lược nhỏ gọn về lịch sử thế giới. Hy vọng nó sẽ giúp người đọc nắm bắt được những gì đang diễn ra ngày nay và thậm chí có thể đưa ra được một số nhận định trong tương lai.

RỜI KHỎI CHÂU PHI VÀ VƯƠN RA THẾ GIỚI


Khởi nguồn ở châu Phi, vào khoảng 50000 năm trước Công Nguyên. Chúng ta khi ấy đang sống ở những thảo nguyên Đông Phi, săn bắn thú lấy thịt, hái lượm những quả mọng, và diện mạo trông giống như bất kỳ nhóm loài vượn-người-đi-thẳng-bằng-hai-chân nào khác, từng phổ biến ở châu Phi. Nhưng có điều gì đó khác biệt ở mỗi chúng ta so với họ. Chúng ta trang trí và tô điểm cơ thể chúng ta như loài người; chúng ta sáng tạo nên nghệ thuật như loài người; chúng ta lên kế hoạch săn bắn và hái lượm như loài người; và quan trọng nhất, chúng ta cải thiện mọi thứ chúng ta làm và dạy cho con cái chúng ta mọi thứ chúng ta biết, với hy vọng rằng chúng sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Chẳng ai biết còn điều gì nữa khiến chúng ta khác biệt với những loài vượn người khác hay không — có chăng đó là sự kết hợp giữa việc theo đuổi những ý tưởng mới mẻ và việc có được hệ thống ngôn ngữ để truyền đạt những ý tưởng đó cho những người khác — nhưng dù cho bất cứ điều gì đã xảy ra nhiều năm trước đây ở châu Phi chăng nữa, thì cuối cùng nó cũng đã nhào nặn chúng ta thành loài người, và đó là lúc câu chuyện của chúng ta bắt đầu.
Credit: The cave by Mauro Cirigliano
Chỉ có khoảng vài ngàn cá thể loài người chúng ta khi ấy. Toàn bộ nhân loại có thể bỏ vừa vặn vào một sân bóng. Ngày ngày dưới ánh mặt trời rực cháy, trai tráng cùng nhau săn bắn, còn nữ nhân cùng nhau thu nhặt những quả mọng, quả kiên. Đêm đêm dưới ánh sao sáng lấp lánh, chúng ta quây quần bên nhau và kể cho nhau nghe những câu chuyện. Và đôi khi chúng ta sợ hãi, những khi bão tố cuốn trôi những vùng đất, hay khi hổ răng kiếm đến săn lùng chúng ta. Nhưng chúng ta biết tìm nơi để ẩn náu, chúng ta biết cách chiến đấu để chống lại, chúng ta luôn học hỏi những điều mới mẻ mỗi ngày. Và rồi số lượng cá thể loài người chúng ta tăng lên theo từng thế kỷ.
Chúng ta luôn đuổi theo những điều mới mẻ, và (hẳn mang tầm quan trọng hơn cả) chúng ta luôn đuổi theo danh vọng. Không quá lâu sau đó, vài người trong số chúng ta rời bỏ những khu vực săn bắn ở Đông Phi, băng qua đồng bằng châu Phi, tiến về phía bắc. Cứ mỗi thế kỷ trôi qua, chúng ta để lại dấu chân của mình trên thế giới ngày càng nhiều hơn. Chúng ta tìm đến vùng Lưỡi liềm Màu mỡ (Fertile Crescent), một nơi thích hợp để an cư lạc nghiệp, cùng nhau gặt hái hạnh phúc chứa chan từ đất mẹ trù phú nơi đây. Sau đó, chúng ta theo chân Sao Bắc Đẩu, định cư tại vùng đất châu Âu hùng vĩ; và rồi tiếp bước về phía Đông, tiến về phía mặt trời mọc, đặt chân lên những vùng thảo nguyên Á-Âu thịnh vượng. Cuối cùng, chúng ta thậm chí đã đóng nên những chiếc thuyền để tiếp cận hai vùng đất đối lập, New Guinea và châu Úc. Chỉ trong vài thiên niên kỷ, chúng ta đã có mặt trên ba phần tư bề mặt đất liền trên Trái Đất. Thế giới rốt cuộc lại nhỏ bé như vậy đấy.
Săn bắn và hái lượm là hai nghề nghiệp cơ bản của loài người
Trong công cuộc di cư và săn bắn xuyên khắp thế giới, chúng ta không phải lúc nào cũng đơn độc. Tại châu Âu, chúng ta đã bắt gặp một nhóm loài hậu duệ vượn người khác, đã rời châu Phi từ hồi lâu trước đó. Người Neanderthal là anh chị họ lớn tuổi hơn chúng ta. Họ to lớn hơn chúng ta và đã hành nghề săn bắn, sử dụng lửa và công cụ đá vào kỷ Băng Hà ở châu Âu trong hơn 50000 năm. Nhưng lúc đó, kỹ năng của chúng ta trở nên cực kỳ nhuần nhuyễn và công cụ của chúng ta cũng rất mạnh mẽ. Không một ai biết liệu chúng ta đã săn bắn vượt trội hơn họ hay đã đánh bại họ một cách áp đảo. Tất cả những gì chúng ta biết là người Neanderthal đã biến mất ngay sau khi chúng ta đặt chân đến.
Hàng ngàn năm trôi qua, bộ sưu tập công cụ của chúng ta không ngừng tăng lên: dao trổ, mũi khoan, dao nạo, mũi tên, dao găm, giáo mác và nhiều thứ khác nữa. Mỗi công cụ như vậy cho phép chúng ta khai hoang những nơi ở mới. Với những chiếc lưỡi câu làm từ ngà, chúng ta có thể sinh sống bên bờ biển. Với những chiếc kim khâu làm từ xương, chúng ta có thể tạo nên quần áo da thuộc và sinh sống ở vùng lãnh nguyên châu Á. Và khi săn đuổi theo dấu voi ma mút, chúng ta băng qua băng đá và khám phá ra cả một Tân Thế Giới.
Chúng ta đã băng qua eo biển Bering phủ đầy băng đá tìm đến châu Mỹ vào khoảng 10000 năm trước Công Nguyên, ngay trước khi lớp phủ băng hàn này rút dần về phía cực. Thế giới ấm dần lên và các loài vật khác đã phải vật lộn để thích nghi. Những con voi ma mút, cũng như những con lười khổng lồ, hổ răng kiếm, sư tử châu Mỹ và cả những con voi răng mấu nữa. Nhưng chúng ta lại không gặp chút khó khăn gì trong việc thích nghi với những thay đổi này cả, và cuối cùng chúng ta đã trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết. Không một ai biết liệu có phải chúng ta đã đẩy những loài động vật ấy đến bờ tuyệt chủng hay không. Tất cả những gì chúng ta biết là những nơi đóng trại của chúng ta đều chứa đầy xương của chúng.
Nơi đóng trại của những thợ săn thời đại đồ đá muộn (Credit: Zdenek Burian)
Và như vậy, vào cuối kỷ Băng Hà, từ cái nôi châu Phi, chúng ta giờ đây sinh sống trên khắp mọi châu lục trên Trái Đất, ngoại trừ châu lục lạnh giá nhất nằm phía dưới đáy quả địa cầu. Những con voi ma mút và voi răng mấu đã biến mất, nhưng hề gì, chúng ta sẽ săn những con mồi khác. Và giờ đây, ở bất kỳ nơi đâu chúng ta đến, chúng ta đều sẽ chỉ gặp được đồng loại của chúng ta, bởi tất cả các loài hậu duệ vượn người khác đã biến mất cả rồi. Có khoảng 4 triệu cá thể loài người chúng ta khi ấy, trải rộng trên khắp thế giới. Chúng ta cứ sống như thế trong suốt 40000 năm, và hoàn toàn không hề hay biết gì về những thay đổi đột ngột và dữ dội sắp đến.

HỮU SẢN VÀ VÔ SẢN


Đầu tiên, xét về nông nghiệp khi ấy, chúng ta phải nhảy lùi về sau một bước rất lớn. Các loại cây trồng khi ấy chỉ là những loài cỏ dại mảnh khảnh không hơn không kém, trông chẳng giống như loại ngô mà bạn có thể mua ngoài siêu thị ngày nay chút nào. Nhưng nói đi phải nói lại, chỉ có thể xem săn bắn như là một nguồn cung cấp protein nếu như chúng ta đi săn thành công. Thế nên không mấy ngạc nhiên khi chúng ta thích cái ý tưởng rằng thực phẩm không thể trốn chạy khỏi chúng ta.
Source: Quora
Cuối cùng thì, tất nhiên, chúng ta đã trở nên thông thạo hơn trong việc trồng thực phẩm. Nhưng đáng kinh ngạc hơn, đó là việc thực phẩm đã bị biến đổi để nuôi sống chúng ta tốt hơn. Mỗi mùa xuân đến, chúng ta gieo trồng nhiều loại hạt giống khác nhau. Vào thời điểm thu hoạch, chúng ta có thể nhận thấy rằng một số hạt giống cho ra một vụ mùa bội thu hơn những hạt giống khác. Mùa tiếp theo, chúng ta gieo trồng những hạt giống từ giống cây trồng chất lượng nhất. Mười-ba-ngàn năm sau này, chúng ta mới nhận ra được những gì chúng ta đã thực hiện: Chúng ta chọn ra những gene tốt nhất để nuôi sống chúng ta, chúng ta đã biến đổi gene thực phẩm của chúng ta vào khoảng 11000 năm trước Công Nguyên. Theo cách đó, chúng ta đã thuần hóa lúa mạch, nho và ô liu ở vùng Cận Đông; chúng ta đã canh tác đậu nành, bắp cải và mận ở Trung Quốc; và chúng ta đã trồng trọt ngô, bí và ớt ở Trung Mỹ.
Nông nghiệp thời cổ đại (Credit: Beth Zaiken)
Ngay cả động vật cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng của chúng ta. Loài sói thường hay lảng vảng quanh những nơi đóng trại của chúng ta. Những con nào tấn công chúng ta, chúng ta giết chúng; còn những con nào thân thiện, chúng ta cho chúng ăn. Đến khoảng năm 10000 trước Công Nguyên, loài sói trước kia lang thang ở rìa khu đóng trại nay đã hóa thành những chú cún nằm ngủ ngay cạnh bếp lửa. Loài mèo — loài vật độc lập, tự chủ hơn bao giờ hết — cũng nhập hội với chúng ta khoảng 4000 năm sau đó. Loài voi ma mút đã biến mất, nhưng giờ đây đã có loài chó, mèo, cừu, dê và bò chung sống với chúng ta. Thế giới đã được định hình nên bởi bàn tay chúng ta, dù hữu ý hay vô ý chăng nữa, và đấy vẫn chưa phải tất cả đâu.
Với những loại cây trồng biến đổi gene mới mẻ cũng với những loài vật trung thành, chúng ta có đủ thực phẩm để không phải làm việc mười sáu tiếng một ngày nữa. Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có được sự dư thừa thực phẩm. Quan trọng hơn cả, chúng ta không còn phải đi vòng quanh thế giới để chơi trò săn bắn nữa. Khu vực đóng trại của chúng ta trở nên cố định hơn và chẳng mấy chốc chúng đã biến thành làng mạc. Hai sự thay đổi đó trong đời sống của chúng ta, sự dư thừa của thực phẩm và sự xuất hiện của các ngôi làng, đã dẫn đến những biến chuyển lớn nhất trong lịch sử chúng ta. Trải ra trước mắt chúng ta, đó là nền văn minh nhân loại.
Một nơi định cư của người thuộc thời đại đồ đá mới (Credit: Zdenek Burian)
Hệ thống kinh tế vào khoảng 11000 năm trước Công Nguyên rất đơn giản. Những người nông dân trồng nhiều thực phẩm hơn những gì gia đình họ cần, vì vậy họ đưa một ít thực phẩm của họ cho những người thợ kim khí. Đổi lại, những người thợ kim khí này cung cấp cho nông dân các công cụ làm nông. Nhưng không quá lâu sau đó, mọi thứ trở nên thật phức tạp. Những kẻ cướp có thể lấy thực phẩm từ nông dân và buộc thợ kim khí chế tạo vũ khí cho chúng. Điều này buộc những người nông dân và thợ kim khí phải thuê quân lính để bảo vệ bản thân họ. Đổi lại, nông dân cung cấp cho quân lính thực phẩm, còn thợ kim khí cung cấp cho quân lính vũ khí.
Nhưng đối với chúng ta, nào có mấy ai chịu an phận thủ thường. Chúng ta luôn tìm kiếm những điều mới mẻ và (tất nhiên) chúng ta cũng luôn tìm kiếm danh vọng. Và vì thế, các làng mạc ngày càng to lớn hơn, các trang trại cho ra sản lượng thực phẩm ngày càng dồi dào hơn; và các thợ kim khí cũng chế tạo ra thêm các công cụ mới và vũ khí mới. Nhưng người được hưởng lợi nhiều nhất chính là những quân lính. Với lượng thực phẩm dư thừa ngày càng nhiều, chúng ta có thể cung ứng cho các đội quân ngày càng lớn mạnh hơn. Và trong số những quân lính này, một số người sẽ nắm quyền cai trị số khác, và rồi những người trị vì này sẽ trở thành những vị vua và hoàng hậu của các ngôi làng ấy. Và trong khi nông dân chỉ có đủ lương thực cho mình, những vị vua và hoàng hậu, những tiểu vương và tể tướng, những hoàng đế và quần thần của họ, tất cả đều kiểm soát của cải của vương quốc và lời nói của họ chính là luật (mặc dù bản thân luật pháp vẫn chưa được phát minh vào thời điểm này).
Nền văn minh nông nghiệp thời cổ đại
Sự phân tầng giữa hữu sản và vô sản đã chung chạ với chúng ta kể từ đó. Theo một nghĩa nào đó, nó vừa là nguyên nhân, vừa là thành quả đầu tiên của nền văn minh. Nhưng đóng góp to lớn nhất của nền văn minh là cung cấp một môi trường trong đó những ý tưởng mới mẻ có thể phát triển thịnh vượng. Và một ý tưởng không hề nhỏ trong số đó, chính là ý nghĩ rằng tất cả mọi người đều bình đẳng, TẤT CẢ, không phải chỉ mỗi vua và hoàng hậu, đều xứng đáng có ngang nhau cơ hội và sự tự do để theo đuổi ước mơ của mình.
Nhưng ý tưởng ấy sẽ phải chờ ở đấy, nhường lại cho những ý tưởng khác nở rộ làm tăng thêm sức mạnh cho một nền văn minh. Một trong những ý tưởng vĩ đại nhất hẳn là việc nhận ra rằng Mặt Trời, Mặt Trăng cũng như những vì sao di chuyển theo những phương hướng có thể tiên đoán được. Quan trọng hơn cả, chúng ta đã khám phá ra rằng chuyển động của Mặt Trời tạo nên mùa màng và có thể cho chúng ta biết khi nào nên bắt đầu gieo hạt, khi nào nên bắt đầu thu hoạch. Liệu bạn có thể tưởng tượng ra một khám phá nào đáng khích lệ hơn thế nữa không? Có vẻ như chính vũ trụ đã tự thân nó dẫn dắt chúng ta đến với thành công. Khám phá này kỳ thực quan trọng đối với chúng ta đến nỗi chúng ta dành phần lớn thời gian và sức lực xây dựng những di tích khổng lồ để giúp chúng ta định vị Mặt Trời. Những di tích này đã kết nối đời sống nông nghiệp hàng ngày của chúng ta với những bí ẩn thanh khiết của vũ trụ. Đây chính là tổ chức tôn giáo vào khoảng 4000 năm trước Công Nguyên.
Ý tưởng vĩ đại nhất trong khoảng thời gian này có lẽ là chữ viết. Tất cả chúng ta đều được sinh ra với một bản năng về ngôn ngữ nói — một cách tự nhiên, trẻ em có khả năng tự phát triển ngữ pháp cho bất kỳ ngôn-ngữ-bồi nào thiếu mất ngữ pháp. Nhưng ý tưởng về việc tạo nên các ký hiệu trên đất sét để biểu trưng cho các từ ngữ chỉ lóe lên với chúng ta ở một vài nơi trên thế giới. Lúc đầu, chữ viết được sử dụng chủ yếu để ghi chép sổ sách [cho việc trao đổi, lưu trữ hàng hóa]. Nhưng theo thời gian, chữ viết đảm nhiệm vai trò như là phương tiện lưu trữ kiến thức. Ngàn năm trí tuệ có thể được bảo tồn bằng chữ viết, rất lâu sau khi các tác giả qua đời. Không giống như nhiều phát minh và khám phá khác, chữ viết tự cải thiện quá trình phát minh và khám phá của chính nó.
Nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại (Credit: jbrown67)
Và thế giới lại một lần nữa đổi thay. Lưỡng Hà ở Cận Đông là vùng đất đầu tiên chứng kiến sức mạnh của sự biến chuyển tác động đến nền văn minh. Thành phố Ur trỗi dậy trên con sông Euphrates vào khoảng 3500 năm trước Công Nguyên. Nền văn minh Ai Cập, vương quốc của các Pharaoh, lớn lên bên dòng sông Nile trong cùng khoảng thời gian. Các thung lũng quanh sông Indus nối gót sau đó vào khoảng 2500 năm trước Công Nguyên; và nền văn minh Trung Quốc quanh sông Dương Tử nở rộ vào khoảng 1800 năm trước Công Nguyên. Bất kỳ người thợ săn nào ở đầu câu chuyện của chúng ta cũng sẽ bị lạc lối trong những thành phố lớn này, lạ lẫm với những vai trò mới (nông dân, thợ thủ công, quân lính, vua chúa) và những ý tưởng mới (chữ viết, tổ chức tôn giáo, tiền tệ). Còn đối với chúng ta, mặt khác, một chuyến viếng thăm sẽ không khác gì mấy một kỳ nghỉ mát lạ thường. Sự khác biệt giữa 2000 năm trước Công Nguyên và thời điểm hiện tại của chúng ta không khác gì mấy những gì có thể được đề cập trong một bản hướng dẫn du lịch tử tế.

SỨC MẠNH CỦA KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


Vào năm Công Nguyên 1969, hai nhân chủng thuộc dòng dõi vượn người bước đi trên bề mặt Mặt Trăng. Trên Trái Đất, 600 triệu người theo dõi và lắng nghe thông qua hai phát minh hiện thời được gọi là truyền hình và đài phát thanh. Cùng lúc đó, hai hậu duệ vượn người khác nắm quyền phóng hàng ngàn tên lửa hạt nhân, thứ rất giống với những thứ vừa đưa những phi hành gia lên Mặt Trăng, và mang đủ sức mạnh hủy diệt để giết chết hầu hết 600 triệu người kia.
3000 năm trước, chúng ta chật vật để hiểu cách vận hành của thế giới: Quy luật nào chi phối chuyển động của các hành tinh? Đất đá, cây cối và sông ngòi được tạo nên từ những gì? Thứ gì đã gây ra bệnh tật và làm thế nào để có thể chữa trị khỏi chúng đây? Phương thức hữu hiệu nhất để đánh bại kẻ thù là gì? Người dân nên được đặt dưới quyền cai trị như thế nào? Nhiều ý tưởng đã được đề ra để trả lời những câu hỏi này và cả những câu hỏi khác. Một số trong những ý tưởng ấy đã thành công trong việc trả lời những câu hỏi đầy thú vị — một số ý tưởng khác thì không phù hợp thực tế. Năm tháng trôi qua, những ý tưởng nào thành công được giữ lại, trong khi những ý tưởng không thành công bị loại bỏ. Và bao giờ cũng vậy, những ý tưởng này sẽ được xây dựng dựa trên những ý tưởng khác, vậy nên càng biết nhiều về thế giới, chúng ta sẽ càng dễ dàng tìm hiểu thêm về nó hơn.
Credit: The School of Athens by Raphael
Ở rìa phía đông biển Địa Trung Hải, nền văn minh của các thành-bang Hy Lạp đã đem lại nhiều ý tưởng mới mẻ. Các triết gia Hy Lạp đã đo đạc chu vi Trái đất, suy đoán về sự lưu thông của máu, khởi xướng một chương trình nghiên cứu và phát triển đồ sộ để phát triển máy bắn đá. Dân chủ là một ý tưởng mới mẻ khác. Thay vì có một vị vua thường trực nắm tất cả quyền cai trị, nền dân chủ Hy Lạp kêu gọi hình thức chung tay cai trị, trong đó mỗi địa chủ thay phiên nhau phụng sự trong một hội đồng cầm quyền.
Vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, nền văn minh Hy Lạp bị người La Mã chinh phục, nhưng những ý tưởng mà người Hy Lạp sở hữu không bị mất đi — chúng đơn giản được người La Mã chấp thuận. Và đến lượt mình, người La Mã dựa trên những nền nóng ấy xây dựng và phát triển các công nghệ mới để cải thiện cuộc sống của họ.
Nhiều ý tưởng mới giúp cải thiện sự kiểm soát của chúng ta lên thế giới tự nhiên, nhưng một số ý tưởng mang tính cá nhân hơn giúp chúng ta giải quyết các câu hỏi mà cả nhân loại từng hỏi: Tại sao tôi lại ở đây? Tôi nên sống một cuộc đời trọn vẹn như thế nào? Tại sao người ta lại đau khổ? Điều gì sẽ xảy ra sau khi tôi chết? Nhiều người đã cố gắng trả lời những câu hỏi này. Ở phía đông bắc Ấn Độ, Đức Phật khai sinh ra một tôn giáo giải thoát mình khỏi sự ích kỷ và ham muốn. Ở Trung Quốc, Khổng Tử giảng đạo đối nhân xử thế, củng cố lễ nghĩa trên dưới giữa vua chúa và thần dân. Và ở vùng Cận Đông, Chúa Jesus rao giảng một tôn giáo được sáng lập dựa trên tình yêu. Những triết lý của ba người đàn ông này đã tồn tại rất lâu sau cái chết của họ và hiện đang có hàng triệu người được truyền hứng từ những ý tưởng của họ.

Vào thế kỷ Công Nguyên thứ IV, Đế quốc La Mã chịu khuất phục trước cuộc xâm lược của người Vandal và người Goth. Những ý tưởng của nền văn minh này đã sụp đổ kể từ đó, nhường chỗ cho các đế chế khác đã trỗi dậy trên những di sản mà chúng để lại. Mohammed đã hợp nhất các bộ lạc của bán đảo Ả Rập, xây dựng nên một tôn giáo và một đế chế thách thức mọi vương quốc từ Tây Ban Nha cho đến vùng núi phía tây Ấn Độ. Đế chế Hồi giáo này bảo tồn và mở rộng nhiều ý tưởng của thế giới cổ đại. Đại số là một trong những ý tưởng đó. À còn ý tưởng về số 0 nữa chứ.
Nằm an toàn ở giữa châu Á, Trung Quốc đem lại nhiều ý tưởng và sự cách tân nhiều hơn những gì họ đã chia sẻ [lại với các nước khác]. Sách được in vào năm Công Nguyên 868 và thuốc súng được biết đến vào năm Công Nguyên 1044. Cho dù vậy, người Mông Cổ, được thống nhất dưới thời Thành Cát Tư Hãn, đã tìm được cách chinh phục Bắc Kinh vào năm 1215. Trung Quốc sau đó bế quan tỏa cảng và kiềm mình trước sự tò mò về phần còn lại của thế giới. Vào đầu thập niên 1400, Trung Quốc sở hữu các kỹ năng chế tạo các con tàu có khả năng vượt biển Thái Bình Dương. Nhưng Trung Quốc, nền văn minh tân tiến nhất thế giới khi ấy, chẳng buồn can dự đến bất cứ thứ gì khác ngoài nội lục của họ.
Trịnh Hòa và đội thuyền của ông
Nhiều bộ lạc và nền văn minh khác nhau ở châu Mỹ bị cô lập với nhau. Những ý tưởng của người Aztec chẳng hạn, không hề được người Inca biết đến, và chính người Aztec cũng không có cơ hội học hỏi được bất cứ điều gì từ những nền văn minh khác. Ngược lại, các nền văn minh ở châu Âu, châu Á và châu Phi, tất cả họ đều trao đổi với nhau và tất cả họ đều học hỏi lẫn nhau. Ví dụ, giấy đã được phát minh ở Trung Quốc vào năm Công Nguyên 105, nhưng người Ả Rập đã đoạt được công nghệ này vào năm 751 bằng cách bắt giữ những người thợ làm giấy của Trung Quốc, và châu Âu đã học hỏi lại nó từ người Ả Rập vào thế kỷ XII. Nếu một phái đoàn thổ dân châu Mỹ đến thăm châu Âu vào năm 1492, hẳn họ sẽ thấy công nghệ châu Âu gần như không khác gì mấy so với ma thuật. Thật không may cho thổ dân châu Mỹ, châu Âu đã gửi một phái đoàn đến châu Mỹ trong cùng năm đó.
Credit: The first tribute to Columbus (October, 12, 1492) by José Garnelo y Alda (1892)
Các cường quốc châu Âu vào thế kỷ XVI thiếu mất sự tinh vi về công nghệ của Trung Quốc hay thế giới Ả Rập. Hơn nữa, gói gọn trong nội bộ châu Âu khi ấy, họ đã lao vào đấu đá lẫn nhau tranh giành đất đai, tôn giáo và quyền lực. Nhưng chính sự cạnh tranh ấy đã góp phần khuyến khích cách tân và khám phá, và khi Tân Thế Giới hiện ra trước mắt Columbus, nó đã nổ súng mở màn một cuộc đua săn tìm kho tàng trên lục địa này. Anh và Pháp tranh nhau kiểm soát Bắc Mỹ, trong khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đua nhau chinh phục Nam Mỹ. Về phần các nền văn minh châu Mỹ bản địa, sự kháng cự là vô ích. Các Chinh tướng Tây Ban Nha đã đột kích trên lưng những chiến mã (thứ mà các thổ dân chưa từng trông thấy), đánh nhau với vũ khí bằng sắt thép (cắt xuyên qua áo giáp bông) và mang theo nhiều bệnh truyền nhiễm (mà thổ dân châu Mỹ không hề có được sự miễn dịch với chúng).
Chinh tướng De Soto khám phá dòng Mississippi (Credit: William Henry Powell)
Sự cạnh tranh giữa các cường quốc châu Âu tập trung chủ yếu trên mặt trận chinh phạt, cũng có thể được xem như một cuộc đua trên mặt trận công nghệ. Và chẳng mấy chốc, các kỹ năng và tri thức của châu Âu đã vượt trội hơn phần còn lại của thế giới. Các khám phá nối đuôi nhau ra đời với tốc độ chóng mặt: Năm 1610, lần đầu tiên trong lịch sử, Galileo đã đưa ra một số định luật về chuyển động bằng cách sử dụng các thí nghiệm và các phép đo lường số học. Năm 1687, Newton đã xuất bản quyển Principia, cung cấp cho chúng ta các công cụ (một trong số đó là giải tích) để tiên đoán hành vi của các hành tinh và điều khiển chuyển động của những quả đạn đại bác. Năm 1769, James Watt hoàn thiện động cơ hơi nước. Năm 1789, Antoine Lavoisier cách mạng hóa Hóa học. Năm 1831, Michael Faraday khám phá ra cảm ứng điện từ, nguyên lý đằng sau động cơ điện và máy phát điện. Năm 1859, Charles Darwin xuất bản quyển Nguồn gốc các loài, giải thích lý do vì sao chúng ta có mặt ở đây. Và vào năm 1905 ở Mỹ, trên bờ biển mà người Anh đã chiếm cứ chỉ ba thế kỷ trước đó, Albert Einstein đã khai triển phương trình E=mc2, tiên đoán chính xác sức mạnh khủng khiếp được giải phóng bởi một quả bom nguyên tử.
Hội nghị Solvay vào năm 1927 (ảnh đã được phục chế màu)
Khoát lên mình những tiến bộ này và cả ngàn tiến bộ khác, các cường quốc châu Âu sát phạt lẫn nhau, trong khi phần còn lại của thế giới đóng vai trò là những quân cờ và bàn cờ cho họ. Vào thế kỷ thứ mười tám, đế quốc Pháp và Anh ăn thua đủ với nhau trên khắp các mặt trận trên thế giới; công nghệ của họ khi này là các tàu chiến và cả hai đều tranh nhau kiểm soát các vùng biển. Châu Mỹ thuộc địa ly khai trong cuộc chiến này, và thề sẽ không bao giờ can dự vào các vấn đề của các cường quốc. Vào thế kỷ XIX, Pháp và Anh một lần nữa đánh nhau, lần này là trên đất liền, và Đức là con tốt thí của họ. Nhưng khi thế kỷ XX mở ra, Pháp và Anh trở thành những đồng minh bất đắc dĩ khi họ bất giác nhận ra Đức không còn là một con tốt nữa, và các quốc gia từng im hơi lặng tiếng như Nga, Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu xôn xao.
Chúng ta tạm dừng câu chuyện của chúng ta ở ngưỡng cửa thế kỷ XX, thế kỷ đáng chú ý nhất trong lịch sử chúng ta, để nhìn lại nơi chúng ta bắt đầu. Cuộc cách mạng nông nghiệp 12000 năm trước đây đã giải phóng hai lực lượng bất khả kháng. Đầu tiên là sức mạnh ngày càng tăng của công nghệ giúp thỏa mãn nhu cầu cạnh tranh của loài người, cho phép chúng ta tích lũy của cải, quyền lực và địa vị. Thứ hai là hệ thống các ý tưởng đã tôi luyện và dẫn lối cho sức mạnh công nghệ. Nhưng khi sức mạnh của công nghệ tăng lên theo cấp số nhân, sự cám dỗ sử dụng sức mạnh đó để chinh phục và kiểm soát đã vượt xa lực lượng dẫn lối như dân chủ, pháp quyền và nhân quyền. Những sức mạnh này tăng lên nhanh chóng và dữ dội đến mức chiến tranh và bom đạn đã khiến thế kỷ XX ngập trong khói lửa, và nếu có mặt ở đây, những người nông dân hồi đầu ở vùng Lưỡi liềm Màu mỡ hẳn có thể sẽ tưởng mình đang ở Địa ngục.

Người ta nói rằng Chiến tranh thế giới thứ nhất đã bắt đầu một cách tình cờ, nhưng nếu vậy, đây hẳn là một sự tình cờ có sắp đặt, được chuẩn bị tỉ mỉ. Năm 1914, Đức và các đồng minh đối đầu với Pháp, Anh và các đồng minh. Mọi người đều nghĩ rằng đây sẽ chỉ là một cuộc chiến ngắn hạn khác ở châu Âu, nhưng sức mạnh của công nghệ quá to lớn để có thể dễ dàng tiên đoán được. Súng máy và vũ khí hóa học đã kìm chân các đội quân trong các chiến hào lầy lội trong suốt nhiều năm, và khi sức mạnh áp đảo cuối cùng đã phá vỡ thế bế tắc cho phe Pháp và Anh, cú sốc thất bại cho phe Đức xảy ra như một điều khó tránh khỏi. Các quốc gia khác cũng chịu thiệt hại từ cuộc chiến này. Đế chế Ottoman sụp đổ, chia cắt vùng Trung Đông thành một tá các mảnh ghép hình rời rạc đấu đá lẫn nhau. Cuộc cách mạng Nga đánh dấu sự khởi đầu của một thể chế toàn trị, mua chuộc khát vọng đoàn thể của quần chúng để áp đặt một chế độ độc tài lên quốc gia lớn nhất châu Á. Và Thiên hoàng Nhật Bản nhận ra rằng công nghệ chính là sức mạnh nên đã quyết định tích lũy nó càng nhiều càng tốt.
Nhật Bản xâm lược Mãn Châu vào năm 1932 và tiến đánh vùng đồng bằng phía bắc Trung Quốc vào năm 1937. Tại châu Âu, thất bại cay đắng sau Đệ nhất Thế chiến cùng với cuộc Đại khủng hoảng đã khiến Đức trở thành con mồi cho tham vọng toàn trị của Adolf Hitler. Đức xâm lược Ba Lan năm 1939 với Nga là đồng minh. Nhu nhược và mệt mỏi với chiến tranh, Pháp và Tây Ban Nha bị đè bẹp dưới sự tiến công của quân Đức vào năm 1941. Nước Anh không chịu khuất phục dễ dàng như thế nên đã vắt kiệt sức để chống trả, trong khi Hoa Kỳ, nhìn theo một cách khác, an toàn trên lục địa của mình. Nhưng Nhật Bản không tin tưởng rằng sức mạnh của phong trào hòa bình ở Hoa Kỳ có thể giữ chân cường quốc Mỹ đứng ngoài cuộc chiến. Năm 1941, họ tấn công và phá hủy căn cứ hải quân trọng yếu của Mỹ ở Thái Bình Dương. Nhìn lại, đây là một nước cờ sai lầm.

Một nước cờ sai lầm khác là sự phản bội của Hitler dành cho đồng minh Nga. Quân đội Đức xâm lược Nga vào năm 1941, mở ra một mặt trận thảm khốc thứ hai. Trong khi đó, sức mạnh công nghiệp tiềm ẩn của Hoa Kỳ đã được đưa vào guồng. Hàng ngàn xe tăng và máy bay ầm ầm lăn bánh ra khỏi các nhà máy ở Mỹ. Mặt trận phía Tây đã giành được chiến thắng bởi các cường quốc đồng minh sau một cuộc đổ bộ tiến công táo bạo vào năm 1944. Mặt trận phía đông giành được chiến thắng bởi Nga chỉ sau khi có sự hy sinh của hàng triệu quân nhân. Trận chiến giờ đây chuyển hướng sang Nhật Bản, và một lần nữa sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ mang yếu tố then chốt. Chiến hạm và tàu sân bay rời bến cảng Mỹ gần như mỗi tuần. Hoa Kỳ thắt chặt Đế quốc Nhật Bản từng đảo từng đảo một cho đến khi lính thủy đánh bộ Mỹ tiến đánh trên bờ biển Okinawa. Trong các thế kỷ trước, chiến tranh sẽ kết thúc tại đây, và các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ thương lượng với nhau bằng các hiệp định. Nhưng đây chính là một cuộc chiến tổng lực và chung cuộc; quá nhiều người đã chết và quá nhiều người đã phải chịu thiệt hại. Đây phải là cuộc chiến kết thúc tất cả các cuộc chiến, nếu không thì tất cả đã lao vào đánh nhau vì cái gì? Năm 1945, Hoa Kỳ gửi một thông điệp tới Nhật Hoàng: Đầu hàng hoặc bị hủy diệt. Trong bất kỳ thế kỷ nào khác, lời đe dọa thế này hẳn là một cú lừa, và người Nhật đã luận giải y như vậy. Nhưng sức mạnh của công nghệ quả thật khôn lường. Vài ngày sau, Hoa Kỳ thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, ngay lập tức phá hủy trung tâm thành phố và giết chết hơn 100.000 người. Vài ngày sau đó nữa, một quả bom khác tiếp tục được thả xuống, lần này là ở Nagasaki. Nhật Bản không phải đợi đến quả thứ ba. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc tại đây.

Chế độ độc tài ở Đức và Nhật Bản đã bị đánh bại và cả hai đều được các nước đồng minh cơ cấu lại thành chế độ cộng hòa dân chủ. Nhưng chế độ độc tài ở Nga vẫn trường tồn và thịnh vượng. Năm 1949, Nga tự chế tạo và thử nghiệm thành công bom nguyên tử, cùng năm đó, Trung Quốc rơi vào sự quản chế của chủ nghĩa cộng sản toàn trị. Tưởng chừng như sức mạnh của các ý tưởng dân chủ của các nước thuộc Thế giới phương Tây sẽ lụn bại dưới sự lây lan của chế độ toàn trị và hệ thống độc đảng. Cả Đông và Tây tiếp tục phát triển và chế tạo các đầu đạn hạt nhân ngày càng uy lực cùng với các tên lửa để mang theo chúng. Tất cả mọi người trên Trái Đất đều sống trong quỹ đạo bay của một tên lửa đạn đạo. Và ngay khi thế cân bằng của cuộc chạy đua vũ trang hãi hùng này dường như sẽ kéo dài mãi mãi, thế giới lại một lần nữa lay chuyển.
Suy cho cùng, sức mạnh của những ý tưởng cũng mạnh mẽ không kém sức mạnh của công nghệ. Thế giới giờ đây đích thực nhỏ bé, tất cả mọi người có thể quan sát phần còn lại của thế giới sinh sống như thế nào. Khi người dân của thế giới cộng sản nhìn thấy sự thành công của các nền kinh tế phương Tây, họ khao khát theo đuổi mô hình ấy. Năm 1989, Đế quốc Soviet sụp đổ, và mối e ngại về thảm họa hạt nhân sụp đổ cùng với nó.

HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI


Tất cả đã bắt đầu trong một thế giới rất khác. Sự ấm áp và trù phú của những thảo nguyên châu Phi xưa kia dường như là một thiên đường đã mất. Chúng ta giờ đây không mấy thoải mái cho lắm trong xã hội cơ giới và công nghệ của chúng ta. Nhưng chúng ta là một giống loài trẻ đầy hứa hẹn và chúng ta không nên từ bỏ hy vọng. Sự bình yên và thế cân bằng của thế giới tự nhiên xuất hiện chỉ vì chúng ta đã sống một cuộc đời trọn vẹn ngay khi chúng ta có mặt trên thế giới này. Trải qua một thời gian đủ dài, các loài sinh vật trải qua bao thăng trầm, tranh đấu với nhau trên khắp thế giới để duy trì nòi giống của chúng. Sự sống bất chấp thế cân bằng bởi vì nó luôn đấu tranh để biến cải chính nó ngày một tốt hơn. Và chúng ta cũng vậy. Lịch sử của chúng ta chứa đầy những kinh hoàng, chết chóc, bội bạc và tàn bạo, nhưng chúng ta luôn đấu tranh để biến cải chính chúng ta ngày một tốt hơn.
Credit: Path Less Traveled by yuumei
Cùng nhìn lại, chúng ta kỳ thực là một loài cực kỳ non trẻ so với tuổi đời bốn tỷ rưỡi năm của Hành Tinh Xanh. Loài người chúng ta chỉ mới bắt đầu tiến hóa trong khoảng 200000 năm gần đây. Mặc dù vậy, sự xuất hiện của loài người hóa ra lại cực kỳ quan trọng, bởi loài người có thể chia sẻ những ý tưởng và thông tin tốt hơn bất kỳ loài nào khác từng tồn tại. Sử dụng khả năng đó, tổ tiên chúng ta dần dần tạo dựng nên ngày càng nhiều các phương thức lưu trữ và chia sẻ thông tin, cho phép chúng ta kiểm soát môi trường sống xung quanh chúng ta ngày càng mạnh mẽ hơn. Quá trình này tăng tốc dần dần cho đến... chỉ trong khoảng 100 năm gần đây, chúng ta đã trở nên hùng cường đến mức những gì chúng ta thực hiện trong vài thập kỷ tới sẽ định đoạt tương lai của các đại dương, của khí hậu và của hầu hết các loài khác trên Trái Đất, bao gồm cả con cháu chúng ta.
Nhiều học giả tin rằng điều này đại diện cho một thế địa chất mới, thế Nhân sinh (Anthropocene). Trong 50 năm qua, con người chúng ta đã bắt đầu kiểm soát năng lượng và tài nguyên trên quy mô rộng lớn đến mức chúng ta đang biến đổi dần các vùng đất, vùng biển và bầu khí quyển của Trái đất. Do vậy, Hành Tinh Xanh hiện đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử của nó.
Credit: Countdown by yuumei
Loài người, hiện là loài thống trị, sẽ dẫn dắt sinh quyển hướng tới một tương lai hưng thịnh, hoặc là thảm họa... mà có thể được châm ngòi bởi các cuộc chiến tranh hạt nhân có thể san bằng cả hành tinh chỉ trong vài giờ; hoặc được gây nên một cách chầm chậm bằng cách liên tục tục phát thải khí nhà kính cho đến khi… đất đai bị ngập lụt (do nước biển dâng lên), còn khí hậu toàn cầu trở nên quá nóng để có thể trồng được đầy đủ lương thực cho toàn dân số.
Đây thực sự là một canh bạc rất rất lớn.
Từ trước đến nay chưa từng có một loài sinh vật nào có thể định đoạt tương lai của toàn bộ sinh quyển như thế. Tin tốt là chúng ta am hiểu về khoa học và chúng ta đã trang bị cho mình nhiều công nghệ cần thiết để xây dựng một tương lai bền vững. Cái chúng ta còn thiếu bây giờ là công nghệ chính trị. Làm thế nào để có thể vận động chính phủ và người dân để họ nhìn ra được những thách thức mà tất cả họ cùng gặp phải, thay vì chỉ đơn giản là bảo vệ lợi ích cá nhân, cục bộ và tức thì của họ? Chỉ bằng cách hợp tác, chúng ta mới có thể tránh được những hiểm họa chúng ta phải đối mặt ngày nay. Tương lai sẽ trở nên tốt đẹp hơn quá khứ miễn là đàn ông và phụ nữ hiện tại phải đấu tranh để làm cho nó trở nên như vậy. Đấy là điều ít nhất chưa bao giờ thay đổi.
Thế nên, đây chính là một vụ đặt cược được-ăn-cả-ngã-về-không của bốn-tỷ-năm-sự-sống. Liệu chúng ta có thể lèo lái Hành Tinh Xanh hướng tới một tương lai thịnh vượng, nơi mà con người và tất cả các sinh vật khác — những sinh vật mà chúng ta phụ thuộc vào — có thể phát triển mạnh mẽ trong hàng ngàn, hoặc thậm chí có thể, trong hàng triệu năm tới trong tương lai hay không?
Credit: Better Tomorrow yuumei
Dịch & biên tập: Cheshire.
Đây sẽ là đóng góp cuối cùng của mình như một lời cảm ơn đến với Spiderum Team vì đã tạo nên một sân chơi chung cho mình và những người khác. Cá nhân mình đến với Spiderum vì những giá trị cốt lõi ban đầu, và giờ đây mình quyết định sẽ rời đi cũng vì lý do này. Cảm ơn tất cả Spiders đã luôn dõi theo và ủng hộ mình trong suốt quãng thời gian qua. Tạm biệt!
----------
[Các bài viết liên quan]
----------
[Nguồn cảm hứng và tham khảo]
Trong trường hợp nếu bạn có đang thắc mắc thì câu trả lời là mình chưa đọc quyển Sapiens.