Tuần báo Văn (1957-1958) của Hội Nhà văn
Báo Văn Nghệ ngày nay được biết đến như là cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng trong khoảng thời gian 1963-78, tờ báo...
Báo Văn Nghệ ngày nay được biết đến như là cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng trong khoảng thời gian 1963-78, tờ báo này là tiếng nói chung của cả Hội Nhà văn lẫn Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (ngày nay là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, vốn được thành lập ngày 25-7-1948, do Nguyễn Tuân làm tổng thư ký).
Sở dĩ như vậy là vì từ năm 1963, tờ Văn Học của Hội Nhà văn, do Nguyễn Đình Thi làm tổng thư ký, phải hợp nhất với tờ Văn Nghệ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, và chỉ được trao trả lại từ năm 1978.
Tuy nhiên, Văn Học vẫn không phải là tờ báo đầu tiên của Hội Nhà văn, mà đứa con đầu lòng của Hội Nhà văn là tờ Văn. Hội Nhà văn thành lập vào tháng 4-1957 thì đến ngày 10-5-1975, số đầu tiên của Văn được xuất bản.
Văn là tuần báo chuyên đăng các sáng tác, phê bình, tin văn, thơ, và giới thiệu các sinh hoạt văn học. Chủ nhiệm là Nguyễn Công Hoan. Thư ký tòa soạn là Nguyên Hồng. Trụ sở đặt tại số 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (giây nói: 2453). Báo ra mỗi thứ sáu hàng tuần.
Tờ Văn chỉ tồn tại trong 1 năm ngắn ngủi. Số cuối cùng là số 37, ra vào ngày 17-1-1958. Nguyên nhân cho sự đoản mệnh này, theo lời của Nguyễn Đình Thi, là vì tờ Văn đã "bị tư tưởng Nhân Văn lũng đoạn", "bị hoen ố vì những bài của nhóm Nhân Văn", xa rời đường lối văn nghệ của Đảng, nên nó không xứng đáng được kế túc; và cũng theo một số nhà nghiên cứu, phê bình hiện nay, tờ Văn đã nối dài cuộc phiêu lưu của Nhân Văn và Giai Phẩm năm 1956.
Cụ thể hơn, mọi chuyện có lẽ bắt đầu với việc trong 2 số đầu tiên, tờ Văn đã đăng bài tuỳ bút Phở của Nguyễn Tuân. Nội dung như thế bị cho là tủn mủn, vụn, vặt, riêng lẻ, không gần quần chúng, vì trong khi đồng bào ta đang làm lụng và chiến đấu để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam, thì Nguyễn Tuân lại bàn về thế nào là phở ngon hay ăn phở thế nào mới đúng cách.
Không chỉ dừng lại ở đó, báo Văn còn cho đăng truyện ngắn Bích-xu-ra của nhà văn Thụy An, đăng bài thơ In dấu chân của Hoàng Cầm, Lời mẹ dặn của Phùng Quán, tranh biếm hoạ Phương pháp xây dựng văn nghệ của Trần Duy, bài bình luận Nhìn lướt qua thơ văn gần đây của Trần Dần, và nhất là bài Ông Năm Chuột của Phan Khôi. Đó đều là những nhân vật "đầu sỏ" của Nhân Văn và Giai Phẩm.
Chính vì lý do này, mà sau khi Văn đã ra được 10 số thì tạp chí Học Tập, vốn là cơ quan lý luận chính trị của trung ương Đảng Lao động Việt Nam đăng bài Tuần báo Văn và con người thời đại của tác giả Thế Toàn (tức Trịnh Xuân An) trên số tháng 7-1957. Bài viết này phê bình báo Văn chỉ “toàn là những thứ lượm lặt ngoài rìa cuộc sống”, “không ăn nhập gì với cuộc sống, không dính dáng gì đến những con người vĩ đại và dũng cảm của thời đại chúng ta”. Theo Thế Toàn, “Tờ báo hầu như xa rời thực tế, xa rời cuộc sống, tách rời những nhiệm vụ trung tâm của cách mạng”.
Nguyên Hồng, vài tuần sau đó, đáp trả lại với bài viết Tuần báo Văn và một số bài của báo cần được nhận định như thế nào? trên Văn số 15 (16-8-1957). Trong bài này, Nguyên Hồng phê phán ngược lại cách nhìn nhận vấn đề của Thế Toàn.
Tờ Học Tập ngay trong số tiếp theo, tháng 8-1957, đăng bài Phải thấu suốt đường lối văn nghệ của Đảng - Bút ký sau khi đọc cuốn "Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội” của đồng chí Trường Chinh, ký tên Hồng Chương và Trịnh Xuân An. Bài viết đặc biệt nhấn mạnh việc cần phê phán ảnh hưởng của “tư tưởng tư sản” trong sáng tác văn nghệ, với đoạn kết mang tính cảnh cáo:
“Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh chống những thiên hướng lệch lạc đi trệch ra ngoài đường lối văn nghệ của Đảng. Chúng ta cũng kiên quyết phản đối thái độ của một số cán bộ đảng viên phụ trách văn nghệ phạm khuyết điểm sai lầm được báo chí Đảng giúp đỡ phát hiện khuyết điểm sai lầm mà không chịu khiêm tốn kiểm điểm và thành tâm sửa chữa, trái lại, lại đả kích và mạt sát báo chí Đảng. Thái độ đó rõ ràng là không lợi cho việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ.”
Tiếp tục sau đó, nhiều cây viết khác của báo Văn cũng tham gia tranh luận với tờ Học Tập. Cụ thể là các bài Nhận lại phương hướng qua việc phê bình tuần báo Văn của Nguyễn Văn Bổng (số 20), Xây dựng con người thời đại của Lê Minh (số 21), Góp thêm vài ý kiến về con người thời đại của Tô Hoài (số 22), Cùng đặt một số vấn đề của Tế Hanh (số 26), và nhất là bài Phê bình nhất định là khó của Nguyễn Tuân (số 23). Trong bài viết của mình, Nguyễn Tuân đặt câu hỏi mà theo ban biên tập báo Học Tập là một động thái thách thức:
Có phải vì giáo điều, sơ lược, công thức, nên mới có sự nhận thức và phê phán như thế? Có phải vì tác phong quan liêu, trịch thượng và cái lối đao to búa lớn nên mới có sự nhận xét như thế? Trong việc đánh giá, đặc biệt nhất là ba ông Thế Toàn, Hồng Chương và Trịnh Xuân An đã có những “thái độ trịch thượng và cái lối nói đao to búa lớn”. Tôi cũng đồng ý với ông thư ký tòa soạn báo Văn về cái nhận xét này. Thêm nữa, cá nhân tôi lại còn cảm thấy mấy ông đó đã làm cho người đọc phải hiểu rằng các ông đang lấy Đảng ra để “dọa” anh em viết bài báo. Theo chỗ tôi biết thì đã có một số hiện tượng hách dịch đối với văn nghệ phẩm, xuất phát từ một số người phê bình cũng như từ một số cán bộ chính trị. Tôi rất đồng ý là văn nghệ sĩ, mà nhất là văn nghệ sĩ có tài, càng cần phải khiêm tốn. Nhưng chung quanh, nhất là những người có trách nhiệm về phán đoán cái này cái kia, đề nghị cũng làm như vậy cho. Tôi tán thành cái ý kiến là những “sĩ” của các ngành văn nghệ chúng ta chưa có gì là ghê gớm lắm đâu, về trình độ tư tưởng trình độ văn hóa trình độ nghề nghiệp còn phải học cho nát xương lòi da ra, học cho đến chết mà chắc gì đã nắm hết được quy luật của sự sống. Nhưng cũng không nên vì nó chỉ là “sĩ” của Việt Nam mà đánh giá nó quá thấp quá tồi về khả năng nhạy cảm đối với thực tế khách quan, cho nó là mít là xoài tất trong mọi cảm xúc phiền toái và vĩ đại của thời đại vừa gieo neo vừa lớn lao hiện nay của chúng ta. Trong mọi thực tiễn Việt Nam nói chung các mặt, nếu đã có những tác giả còn non nớt, nếu đã có những tác phẩm yếu xoàng, thì cũng đã có một số cán bộ thực hiện chính trị một cách cũng không được cao tay gì lắm. Đối với nghệ phẩm, anh đến với nó (nhất là thứ tạo ra ở bản xứ) mà anh tham lam quá đáng hoặc hung hăng một cách không cần thiết, thì nó biến mất….
Trước phản ứng gay gắt của báo Văn, các báo khác nhảy vào cuộc để trợ lực cho tờ Học Tập. Đầu tiên là tờ Văn Nghệ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, chủ nhiệm là Đặng Thai Mai, thư ký toà soạn là Nguyễn Đình Thi. Tờ Văn Nghệ phê phán những sáng tác bị cho là lệch lạc về tư tưởng, như Thao thức của Đoàn Giỏi (bài của Nguyễn Văn Bổng) hay Một ngày chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng (bài của Vũ Đức Phúc), nhất là một bài dài tựa Tuần báo Văn với phương hướng sáng tác và phê bình hiện nay của Nguyễn Đình Thi. Trong đó, Nguyễn Đình Thi tuy chia sẻ sự đồng cảm nhất định với Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng, nhưng ông lại chỉ trích các bài viết từ các nhân vật của Nhân Văn và Giai Phẩm như Hoàng Cầm, Phùng Quán, hay Trần Dần.
Ngoài tạp chí Văn Nghệ, báo Nhân Dân, Cứu Quốc và Thống Nhất cũng tham gia vào cuộc phê bình tờ Văn, nhất là tập trung mũi nhọn công kích vào các nhân vật của Nhân Văn và Giai Phẩm.
Dần dà, việc phê bình tuần báo Văn hòa dần vào đợt đấu tranh chống Nhân Văn – Giai Phẩm diễn ra liền sau đó.
Trong số báo cuối cùng, số 37, ban biên tập báo Văn xin phép tạm nghỉ 2 kỳ để kiểm điểm công tác, chấn chỉnh mọi mặt, nhưng sau đó báo Văn vĩnh viễn đình bản. Thay vào đó, ngày 25-5-1958, báo Văn Học ra đời, do Nguyễn Đình Thi làm thư ký toà soạn (vai trò thư ký toà soạn của tạp chí Văn Nghệ lúc này chuyển sang cho Hoài Thanh). Trong lời ra mắt, Nguyễn Đình Thi nêu rõ, báo Văn đã bị tư tưởng Nhân Văn lũng đoạn, nên không xứng đáng được kế tục.
Ngày 6.1.1958, Bộ chính trị trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết Về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ, do Nguyễn Duy Trinh ký, phát động một chiến dịch đấu tranh tư tưởng “quét sạch tư tưởng Nhân Văn, biểu hiện của tư tưởng thù địch về mặt chính trị, đồng thời cũng là biểu hiện nghiêm trọng của quan điểm văn nghệ tư sản”. Những đợt học tập tập trung dài ngày cho văn nghệ sĩ được tổ chức sau đó, mà về sự việc này người ta chỉ được biết qua một vài hàng tin vắn trên một số tờ báo, có thể đã là diễn trường chính của cuộc đấu tranh theo chủ trương nói trên; thật ra, người ta chỉ có thể biết đến chúng thông qua phần nổi là những phê phán rầm rộ trên báo chí miền Bắc từ khoảng giữa tháng 2.1958 đến tháng 6.1958.
Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân:
Sự phê phán, rủa sả và đấu tố rầm rộ này là sự tiếp tục những phê phán đã có từ vài năm trước, nhất là vào cuối năm 1956; song, suốt thời kỳ đó dù sao vẫn nằm trong quy ước của sự phê bình “trong nội bộ nhân dân”, tức là ít nhiều còn tôn trọng đối tượng bị phê phán, thậm chí ít nhiều chấp nhận có ý kiến trao đổi qua lại. Nhưng đến lúc này, khi mà người ta đã tuyên bố gạt phía bị phê phán sang hàng ngũ kẻ thù thì chỉ còn sự biểu dương lực lượng của một phía: phía những người phê phán có số lượng hết sức đông đảo. Trong hàng loạt những ý kiến bày tỏ một phẫn nộ đại chúng này rất khó thẩm định sự thật của những nội dung tố giác, dù nó hệ trọng đến đâu; sự kiện thấy được chỉ là sự tố giác. Riêng ở giới văn nghệ, có thể hình dung cuộc phê phán này trên Tạp chí Văn nghệ các số 10 (tháng 3.1958), 11 (tháng 4.1958), 12 (tháng 5.1958), 13 (tháng 6.1958), mở đầu bằng bài của Đặng Thai Mai: “Căn bản vẫn là vấn đề lập trường tư tưởng”, và tạm kết bằng báo cáo của Tố Hữu đọc tại cuộc họp tổng kết hôm 5/6/1958. Trên các bài đấu tranh ấy, những thành viên bị coi là đầu sỏ của nhóm Nhân văn như Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Cầm, Trần Duy, Thụy An, Trần Thiếu Bảo bị phê phán như đấu tố kẻ thù, những cây bút liên quan như Phùng Cung, Phùng Quán, Văn Cao, Hoàng Tích Linh, Đặng Đình Hưng, Trần Lê Văn, v. v… cũng không được đối xử tốt hơn.
Như đã biết, sau sự kiện này, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phùng Cung bị ngồi tù nhiều năm. Riêng trong Hội nhà văn: 3 người gồm Trương Tửu, Thụy An, Phan Khôi “bị khai trừ hẳn ra khỏi hội”; 2 người gồm Trần Dần, Lê Đạt bị khai trừ khỏi hội trong thời hạn 3 năm; Hoàng Cầm bị khai trừ khỏi Ban chấp hành; Hoàng Tích Linh bị cảnh cáo và được rút khỏi Ban chấp hành; các hội viên khác từng tham gia các số Nhân văn và các tập Giai phẩm (các văn bản thường không nêu tên) bị cảnh cáo. Tuy nhiên, những hình phạt mà ban đầu hoặc mang dạng án phạt của luật pháp, hoặc có khi chỉ là kỷ luật trong nội bộ đoàn thể (khai trừ, treo bút,…) kết hợp với xử lý hành chính (buộc cư trú xa thủ đô, bị theo dõi bí mật, buộc theo các nhóm văn nghệ sĩ đi thực tế xuống các địa phương …) trong thực tế đời sống miền Bắc những năm về sau (1958-85) sẽ trở thành những trừng phạt vĩnh viễn về mặt xã hội và công dân. Ấy là chưa nói đến không ít những người khác, vốn không dính líu gì tới sự kiện này, về sau sẽ vô tình trở thành liên lụy, bị tù đày hoặc phân biệt đối xử.
Khó có thể nói tờ Văn chỉ bàn văn chương chứ không bàn chính trị. Trái lại, chính Văn lại là một công cụ phục vụ chính trị. Vì ngay từ những số đầu tiên, tờ Văn đã thể hiện sự ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và đả kích liên tục "đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm". Thế nên, việc tờ Văn phải nằm trong một gọng kiềm chính trị là không thể khác.
Nhắc lại về lịch sử đã bị khuất lấp của tờ báo Văn là để nhìn rõ hơn được hành trạng của một số nhân vật văn chương và có cái nhìn đúng hơn về họ, thay vì chỉ tin vào những dật sự được kể lại.
Nhân bàn về số phận của tờ Văn, có một số điều mà chúng ta có thể nói về mối liên hệ giữa nó với nhà văn Nguyễn Tuân.
Một là, trong thời gian của báo Văn, có nổi lên cuộc tranh luận về việc tái bản hai cuốn sách thời tiền chiến, một là cuốn Tiêu sơn tráng sĩ của Khái Hưng, do nhà Minh Đức của Trần Thiếu Bảo tái bản, và hai là cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Dư luận lúc bấy giờ đại để cho rằng cả hai tác phẩm này đều có vấn đề về tư tưởng cần xét lại (bài Đọc lại vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, do Thanh Hiền viết, và bài Những tác phẩm tiêu biểu cũ được tái bản lại của Trần Thanh Mại).
Hai là, tham gia báo Văn có nhà thơ Lê Đại Thanh, là ông ngoại của Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi. Vì ông ngoại liên quan đến Nhân Văn - Giai Phẩm, mà mẹ của Lê Vân phải bỏ nghiệp diễn. Lê Vân có ghi lại điều này trong hồi ký Lê Vân, yêu và sống. Về sau, Lê Vân đóng vai chị Dậu trong bộ phim cùng tên năm 1980 của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Ở phim đó, Nguyễn Tuân đóng vai chánh tổng.
Ba là, có nhiều bài viết phê bình Nguyễn Tuân trên Văn. Lê Đại Thanh nói Nguyễn Tuân viết truyện ngắn Cây bưởi đào và dịch truyện Bà mẹ của Andersen cho trẻ em là chưa đạt. Trương Chính thì, mặc dù nhận ông là người vốn rất thích nguyễn Tuân, nhưng khi phê bình Tuỳ bút kháng chiến và hoà bình (NXB Văn Nghệ, 1956), ông phải nói rằng Nguyễn Tuân hợp với thời bình hơn thời chiến. Điều này lại làm ta nhớ đến nhận định của Vũ Bằng về Nguyễn Tuân trong bài Nguyễn Tuân: Đứa con nuông của thiên thần và ác quỷ đăng ở tạp chí Văn học (1962-1975) của Phan Kim Thịnh, số 105. Dường như cả ba người này đều nói đúng, vì ở ông Tuân, không thể bàn chuyện ‘viết cho ai’ hay ‘viết để làm gì’ và ‘viết như thế nào’ được, vì viết văn với Nguyễn Tuân giống như một thứ lực tự nhiên, như con chim thì phải hót, con tằm thì nhả tơ. Vì thế khi buộc phải sáng tác cho một đối tượng là công nông binh chẳng hạn, phục vụ cho mục đích nào đó, viết theo một công thức nào đó thì chắc chắn ông làm rất tệ.
Sau này, khi vụ Nhân Văn - Giai Phẩm đã xong xuôi, theo như hồi ký Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, Nguyễn Tuân và Văn Cao được Trường Chinh gọi lên cảnh cáo. Khi đó, theo nguyên văn lời của Văn Cao được Vũ Thư Hiên thuật lại như sau:
“Longue Marche còn cho mời mình và Nguyễn Tuân đến gặp. Lúy nói cả tiếng đồng hồ về đảng tính, về trách nhiệm đảng viên. Chiêu hồi mà. Nguyễn Tuân nghe, mặt hất lên, ngáp không cần che miệng. Nguyễn Tuân vẫn thế – bất cần đời. Đôi lúc cũng có hèn một tí, hèn có mức độ thôi, trong đại đa số trường hợp là kẻ bất chấp. Mình nói với Longue Marche: “Nếu trong vườn hồng có sâu thì ta phải chịu khó mà bắt bằng tay, từng con một. Đổ ụp cả đống thuốc trừ sâu vào đấy thì chết cả vườn hồng. Rồi anh sẽ thấy: qua đợt đánh phá này không biết bao giờ nền văn nghệ Việt Nam mới ngóc đầu dậy được!” Lúy nghe, mặt câng câng. Cái cách của Trường Chinh là thế. Lúy gọi mình đến còn có ý này nữa: Lúy muốn mình phải hiểu – tôi đã chịu khó nghe các anh rồi đấy nhá, tôi dân chủ lắm rồi đấy nhá! Chứ còn cái nền văn nghệ của các anh, nó đáng giá mấy xu?.”
Tô Hoài trong Cát bụi chân ai thì kể về chuyện Nguyên Hồng sau đó chạy xe đạp đi đâu cũng đèo theo xấp báo Văn để đính chính với người này người khác, vừa đính chính vừa khóc. Rồi ông bảo “ông đéo chơi với chúng mày nữa” mà bỏ về Nhã Nam ở hẳn từ năm 1959 (cảm giác làm nhớ đến Hoàng Cầm về Kinh Bắc “mách mẹ” :D).
Nguyễn Tuân vì tội khá nhẹ nên chỉ phải đi thực tế ở Điện Biên cho gần với nhân dân hơn. Tổ Điện Biên của ông gồm có ông cùng với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và nhạc sĩ Văn Cao. Sau nhạc sĩ Văn Cao bị chảy máu ruột nên được trở về. Lưu Quang Thuận (cha của Lưu Quang Vũ) có viết nhật ký về thời gian này. Trong thư gửi cho vợ và con, Lưu Quang Thuận ghi:
Anh lên Nông trường bộ để họp tổ với 7 anh em văn nghệ (lúc này tổ Điện Biên được bổ sung thêm 4 họa sĩ: Đông Lương, Thân Trọng Sự, Huỳnh Văn Gấm, Quốc Hùng). Mấy hôm nữa anh Nguyễn Tuân đi Lai Châu, anh Tưởng về Hà Nội họp Quốc hội. Còn lại 6 anh em. Đèo thêm cái chân tổ phó đâm ra có trách nhiệm với anh em trong tổ, với đơn vị bộ đội, với lãnh đạo ở nhà. Trách nhiệm phải làm, chứ anh cũng ngại lắm… Một biến diễn của anh trong thời gian này là ngại thò cái mặt ra trong các buổi tiếp xúc, họp hành không cần thiết, ngại rời cuốn sách đang đọc, trang giấy đang viết hay luống rau đang tưới. Anh tin rằng sự biến diễn này sẽ bền lâu, vì nó xuất phát từ ý thức cần cù lao động học được của chiến sĩ mà đồng thời đó cũng là yêu cầu của mình…" Điều đáng quý là sau chuyến đi thực tế các thành viên trong tổ đều nhanh chóng có tác phẩm chào đời. Hạt lúa trên nông trường Điện Biên ngày ầy có giọt mồ hôi của các nhà văn.Và đồng thời họ cũng có những mùa gặt mới trên cánh đồng văn chương. Nhà văn Nguyễn Tuân đã viết một loạt tuỳ bút như: Đường lên Tây Tây Bắc, Đi mở đường, Dọn nhà lên Điện Biên, Tây Trang, Phố núi, Xoè, Giăng liềm, Người lái đò sông Đà…
Những tuỳ bút này sau được tập hợp trong tập Sông Đà (NXB Văn học, 1960) - một tác phẩm mang đậm cảm hứng lãng mạn cách mạng, đánh dấu sự kế thừa và phát triển của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có Bốn năm sau (NXB Văn học, 1959), cuốn truyện mang màu sắc sử thi, miêu tả quang cảnh lao động kiến thiết ở Điện Biên bằng ngòi bút tài hoa, tinh tế và thơ mộng.
Sau này, Phan Ngọc cũng khen ngợi Nguyễn Tuân: “Giai đoạn 1956-1960 giai đoạn sóng gió nhất của đời anh là giai đoạn của Sông Đà, kiệt tác. Hỏi mấy ai làm được cái kỳ công như thế?”
Về sau, trong bài Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn minh hoạ viết năm 1987, Nguyễn Minh Châu có kể lại một dật sự, rằng có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: ‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!’, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng”, và người ta đoán đó là Nguyễn Tuân.
Không rõ Trần Dần có ghi những gì về Nguyễn Tuân trong di cảo, nhưng Phạm Thị Hoài là người biên tập di cảo của Trần Dần, thì nói Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn luôn ký tên hàng đầu trong các bản án chống Nhân Văn - Giai Phẩm. Có thật vậy không?
Trong lần Nguyễn Tuân đi thăm Đặng Thai Mai, theo bài của nhà văn Thiếu Mai, trên báo Văn Nghệ số ra ngày 8-8-1987, có một đoạn như sau:
Nguyễn Tuân (Sau khi xem và khen bức chân dung Đặng Thai Mai do Văn Cao vẽ): “Văn Cao nó có tài thực đấy ông ạ. Tài quá! Tài quá! Mà nhạc của nó cũng thiệt là hay. Những bài hát của nó thời chống Pháp bây giờ nhớ lại vẫn thấy hay. Câu chuyện ấy… rồi cũng im bặt luôn… (Đột nhiên đứng dậy). Thôi, tôi về. Đặng Thai Mai: Bận gì mà vội thế! Ngồi thêm ít phút nữa. Nguyễn Tuân: À, hôm khác tôi lại đến. Đến thăm ông, thấy ông vui, thế là mừng. Tôi gửi lời thăm chị Mai – Bà nhà tôi cũng gửi lời thăm chị Mai, ông nhớ nói hộ nhé.
“Câu chuyện ấy” là câu chuyện gì? Ta biết là Văn Cao có 30 năm im lặng, không sáng tác, chỉ vẽ bìa sách. Có phải là câu chuyện đó không?
Nhưng muốn biết thái độ của Nguyễn Tuân sau 1975 thế nào thì phải đọc những bài tường thuật về các chuyến thăm, chuyến đi của ông vào Huế, vào Sài Gòn, đăng trên các báo, hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, bút ký Bác Nguyễn của Nam Dao nữa. Để ta thấy được cái chân dung của một Nguyễn Tuân đầy đủ hơn.
13.5.21
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất