Sống ở thời mạt của chữ Hán, chữ Nôm, của Nho giáo, của hát cô đầu (Trần Văn Khê phân tích, trong một bài phỏng vấn hoặc trên tạp chí Bách Khoa, hát cô đầu nửa thế kỷ hai mươi chỉ là một sự lụn bại, mai một của hát cô đầu thế kỷ 19, từ hát cửa đình, sang hát cửa quyền, rồi những cô đào hát thành những cô đào rượu, ấy là chỗ suy vi của hát cô đầu), nghe kể về sự thất bại của khởi nghĩa Bãi Sậy, khởi nghĩa Hương Khê, khởi nghĩa Yên Thế, khởi nghĩa Thái Nguyên, của phong trào Đông Du, của Đông Kinh Nghĩa Thục, chứng kiến sự thất bại của đảng Nguyễn Thái Học, lớn lên trong cái thế hệ mà Thanh Lãng gọi là “thế hệ Liên Hiệp”, khi những ông như Phạm Quỳnh hay Nguyễn Văn Vĩnh lựa chọn chung sống với Pháp lâu dài, tham gia các hội nhóm yêu nước, chỉ làm lễ truy điệu Phan Châu Trinh, biểu tình kêu gọi ân xá cho Phan Bội Châu, biểu tình chống giáo viên Pháp nói xấu học sinh người Việt thì lại bị đuổi học, ghi trong giấy tờ là trong 5 năm không được cơ quan nhà nước nào nhận vào làm (mấy chuyện như này nên đọc cái “chứng tích thời đại đầu thế kỷ 20” Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ là biết ngay).
Thế là quay sang cái thú phiêu lưu, nhưng mà đi còn chưa tới Myanmar thì đã bị bắt về ngồi tù một năm. Ra tù đi làm ở nhà máy đèn, chủ thấy đang đánh máy thì ném nguyên cái máy đánh chữ vào đầu, vì “đấy không phải việc của mày”. Xong được bà mẹ bốc cho bát hụi, lên Hà Nội mở cửa hàng bán sách báo, được hai năm lỗ vốn lại dẫn vợ con về Thanh Hóa mà ăn bám vào bố mẹ. Học hành dang dở, làm công chức không được, buôn bán cũng chẳng xong, giờ đành đâm đầu vào thuốc phiện và hát cô đầu, giết thời giờ bằng mấy câu chuyện liêu trai chí dị, đánh bạn vong niên với mấy ông già sa cơ lỡ vận, như ông Hà Công Nguyệt, ông Tản Đà, thương tiếc Tú Xương, cảm thông với mấy cuộc đời từng có cái hùng tâm tráng chí tề gia trị quốc bình thiên hạ, nhưng vì thời cuộc đành chui vào xó nhà con con. Một người sống trong xã hội như thế thì chỉ biết thốt lên:
“Cái đời thằng này hỏng. Hắn không phải là người kiến thiết xã hội trong những giờ nghiêm trọng cũng như trong những ngày thái bình, sống chật đất nước, chết thừa mồ mả. Đồ chọn nhầm thế kỷ. Ở cái thế giới đã già cỗi này, mày là kẻ sinh sau đẻ muộn…” (Một chuyến đi, Tân Dân, 1941)
Thậm chí trước cả khi đi học Thành Chung ở Nam Định, năm 22 tuổi, lúc đi chơi thành Cổ Loa, nhìn quang cảnh mà ngậm ngùi trước sự biến thiên vô chừng của sự vật, bể hóa nương dâu, “biết quay về phương nao mà gọi hồn thiên cổ”? Có khi, chính cụ thân sinh cũng đã kể cho Nguyễn Tuân biết bao câu chuyện về thời trước mà nuôi dưỡng trong ông cái thái độ trầm buồn, không đặt nặng bất cứ cái gì, vì cái gì rồi cũng thay đổi mà thôi. “Con người đã trải mấy cuộc đời” ấy vì thế mà lõi đời rất sớm, nhìn ra hết mấy cái lố bịch ở thời buổi Tây Tàu, cũ mới nhố nhăng, cười khẩy vào bất cứ cái gì tỏ ra là nghiêm trọng, là cao đạo, vì cái thiêng nào rồi cũng thành phàm hết.
Photo: Woman Smoking Opium, Hanoi – French Indochina circa 1915, by Léon Busy
Photo: Woman Smoking Opium, Hanoi – French Indochina circa 1915, by Léon Busy
Nguyễn Tuân rất thích bày trò làm đám ma giả. Mọi sự trên đời, dù là nghiêm trọng nhất, một khi đẩy đến cái chết, thì trở nên chẳng còn gì nghiêm trọng. Một người đã luôn thấy cái chết ở bên trong sự sống thì nhìn “một trẻ con mới sinh chắc gì là điều đáng vui, một người chết chắc gì là điều đáng tiếc”. 
Vợ tôi để tay tôi lên bụng. – Mình để im nhá. Chúng sắp đạp đấy. Mọi khi bụng đâu có bằng ở giữa mà lại nhọn ở hai bên. Có lẽ lần này đẻ sinh đôi mất. – Thế mới là đại bất hạnh. – Mình bảo cái gì? – Không…
Trong một lần khác, khi nói về chuyện mua câu đối trướng phúng điếu:
Nhưng đắt thì đắt, chẳng nhẽ có người quen vừa thành ra ma, – cuộc sống lại được thêm một chỗ ngồi tốt; cái thế đứng của mọi người lại nới rộng thêm được một chút để cướp phần ánh sáng và không khí bỏ thừa lại kia – chẳng nhẽ người ta lại không ơ hờ hơ mấy tiếng để bịt mắt người cùng sống, nên câu đối và trướng phúng cứ tuôn đến ăm ắp gần như làm tắt thở được cả một cái nhà vừa có người chết.
Vũ Bằng nói Nguyễn Tuân xem đời chỉ là một vở kịch. Ừ thì tại sao không thể xem nó là vở kịch? «Chúng ta là những con người ta của người ta. Chỉ có giấc mơ là của mình.» Nguyễn Tuân ngay từ sớm đã muốn đẩy mọi thứ vào sự chết, để thấy là không có gì phải làm quá lên trong cõi sống.
Rồi từ chỗ cười mỉa cái sự rập khuôn của phân ưu, Nguyễn Tuân lại tiếp tục cười mỉa cái sự viết sách nhiều như là nấm, nhưng chất lượng lại chẳng bao nhiêu. Xong ông lại tiếp tục cười cái thói trọc phú ở đời, khi có nhà giàu nọ đi mua một bức hoành sơn nền gấm khắc nổi bốn chữ «Kế thế công hầu» mà không hiểu nó có nghĩa gì. Thấy thanh bảo kiếm có chữ «Lỗ Hiển Quận Công» thì hóa ra là đồ bị đem cầm, người chủ chỗ cầm đồ lại gọi đó là con dao bảy để chống trộm. Tranh của Mã Chiếm Sơn, của Quan Công thì lại bị đem treo ở cửa lên cầu thang vài nhà danh kỹ xóm Khâm Thiên. Đến đoạn này tôi lại nhớ cái quán bar ngay góc đường Bùi Viện và Đề Thám mà tôi từng làm việc, trên tầng hai, tức cái tầng bọn Tây hay nhảy nhót, bay lắc, lại để một tượng phật ngồi đó, xung quanh đốt nến thơm. Tôi dám cá thể nào bọn nó chả ra đấy đứng làm vài hơi cần sa trong lúc bàn về chuyện chơi gái. Hơn năm trước, cái quán bar dự phần vào cái làn sóng COVID thứ hai chả có tên là Buddha-Bar, nơi tượng phật nằm ngay chỗ ăn chơi thác loạn như bảo chứng cho một cái niết bàn mang tính phản Thích Ca. Thiêng hay phàm cách nhau một nháy mà thôi. 
Đấy bao nhiêu chỗ đấy, thấy có giống cái tình cảnh của chiếc lư đồng mắt cua không? Chiếc lư mà đời sống của nó đã tách hẳn với không gian cao nghiêm vốn sinh ra nó để lặn ngụp trong không gian bình khang hỗn tạp. «Cái rất thanh cao ấy đã phải ở giữa một cái rất tục bạo. Nghĩa là, cuộc đời tinh thần của chiếc lư ấy đã lạc cả sứ mệnh, ý nghĩa rồi, chẳng đáng chàng màng nữa rồi.»
Thuốc phiện và ả đào phảng phất hoặc nồng đượm khét lẹt trong văn chương cả một thời, nhưng chẳng bao giờ tê tái thăm thẳm như trong những “dầu lạc” của Nguyễn Tuân, ở chú Trô chủ tiệm hay ông Thông Phu của Chiếc lư đồng mắt cua; quá vãng vàng son tắc tị, gỉ sét, đóng cặn ở những thân phận con người lẽ ra có thể hào hùng cái thế, nơi vực sâu mà ít người thực sự dám thả mình vào cho ám khói từ trong ra ngoài và nhờn nhợt muôn đời thứ phấn hương thập thành đến hồi phôi phai không thể hồi phục.
Nhưng cái thú vị ở con người rất cổ này (Nguyễn Vỹ nói Nguyễn Tuân thích nghiên cứu sách cổ) lại cũng đồng thời đọc rất nhiều Pháp văn. Hôm Như Phong Nguyễn Đình Thạc dụ Nguyễn Tuân vào hội văn hóa cứu quốc bằng cách đưa cho ông đọc cuốn tự truyện của Charles Plisnier, Nguyễn Tuân thậm chí biết ngay là Plisnier là người Đệ Tam sau chuyển sang Đệ Tứ. Ông còn đọc Marcel Proust, Charles Cros, Panaït Istrati, Paul Morand, Oscar Wilde, Dostoievski, Anton Chekhov, Leo Tolstoy, Nikolai Gogol, Stendhal, Balzac, Guy de Maupassant. Ông đọc rất nhiều Pháp văn, và cả văn Nga dịch sang tiếng Pháp. Chọn viết văn xuôi chứ không làm thơ, không biết làm thơ, thậm chí Đoàn Phú Tứ nói ông không thể ngâm thơ. Ông không viết chữ Hán hay chữ Nôm mà viết chữ quốc ngữ. Và cái câu văn chữ quốc ngữ của ông thời kỳ đầu cộng tác với Trung Bắc Tân Văn, theo Vũ Bằng, là rất kỳ quặc. Hay là ông cũng bị ảnh hưởng từ câu văn của Hoàng Tích Chu trên Đông Tây? Tâm hồn luôn hướng về thời xưa, nhưng lại sống trong thời Tây. Con người kì lạ đó vừa rất cũ mà lại vừa rất mới, vừa rất phương Đông mà lại rất phương Tây, như Trương Tửu nói:
Tôi định viết nghiên cứu về Nguyễn Tuân. Tôi là người hiểu ông ấy. Người ta mới viết về ông ấy từ những cái nhỏ nhỏ thôi. Nguyễn Tuân là người rất độc đáo ở chỗ ông là người đào rất sâu vào cái mình viết. Ông không bao giờ đi vào tình cảm, tư tưởng, mà toàn là cảm giác, đi vào cảm giác rất nhỏ mọn trong cuộc đời. Tôi đã có viết một bài tên là Bệnh giang hồ của Nguyễn Tuân, bây giờ không tìm được ở đâu. Đó là về nội dung. Còn về nghệ thuật, đọc Nguyễn Tuân tưởng như câu văn rất cổ, rất cổ, nhưng đọc kĩ thấy Tây lắm, đó là văn Pháp. Cứ đọc Vang bóng một thời sẽ thấy “cổ” lắm, mà thấy ảnh hưởng của Pháp rất nhiều. Lối phô diễn rất tây. Chỉ hạ một câu: Chao ôi! Mà mô tả được hết, rất Tây, đào được tận gốc của cảm giác. Rất thâm thúy. Ông đi vào tận gốc rễ của cảm giác. Mỗi một nhà văn có một thế giới của họ. Phải tự tạo được thế giới của mình mới là nhà văn. Phải tìm cái thế giới ấy.
Nguyễn Tuân trong lúc đi Hương Cảng cũng lại nghĩ đến những chuyện xưa và cũ, về cái thú đốt trầm, so tơ nắn phím của người xưa:
Rồi trạnh [sic] tưởng đến quê nhà bây giờ đang mỗi phút một xê gần lại, tôi tưởng nhớ đến thầy tôi, một ông Tú già cũ, trong những đêm xuân mưa phùn nặng hột, thường bắt tôi gây một lư trầm Quảng Nam. Cha tôi vặn trục đàn nguyệt kêu cót két, trong gian nhà gác vắng vẻ ở một tỉnh xép kia phố xá lèo tèo. Và ngâm xong hai câu thơ: Cứ đốt lò hương cho đến sáng, Thử xem mưa gió đến bao giờ. cha tôi bảo tôi: “Đánh đàn, kỵ nhất huyên náo. Và nên kỵ nữa là trời nồm, trời mưa, nếu đánh dây tơ. Dây hay dão và ải. Đốt than ở lư trầm, tức như sấy dây cho nó se lại và khỏi đứt. Đêm mưa gió, muốn lấy nhạc để diễn tâm sự, phải đốt lò hương rồi mới se tơ phiếm.” Cảnh tượng êm đềm ấy diễn lại rõ rệt trong ký ức. Nó làm ấm áp lại một linh hồn đang cảm thấy sự thui thủi mênh mông. Tôi không muốn nghĩ tới điều gì nữa. Tôi chỉ muốn sống cho trọn canh trường với vang và bóng ngày ký vãng. (Một chuyến đi, Tân Dân, 1941)
Tự dưng tôi nghĩ, trong cái thế hệ nhà văn 1932 trở đi, ai trong số họ là người có cái kiểu cách, khuynh hướng giống Nguyễn Tuân? Trong khi Nhất Linh và Nhượng Tống đều cùng thời, nhưng Nhất Linh lại theo tân học, Nhượng Tống lại có khuynh hướng cựu học. Bên phía những người ngoài Tự Lực Văn Đoàn, dường như Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Tchya Đái Đức Tuấn thì không hề như vậy. Nguyễn Tuân có gì đó thuộc về phía của Ngô Tất Tố, Dương Quảng Hàm, Đào Trinh Nhất, Phùng Tất Đắc, những nhân vật kiểu cũ mà trước đây làm báo Đông Tây của Hoàng Tích Chu.
Về sau người ta nói Nguyễn Tuân “ngông” phải chăng vì ông cười khẩy mọi sự thiêng liêng, mọi điều nghiêm túc? (Hình như một nhà văn nào đó – bỗng dưng tôi quên tên đó là ai, trong tác phẩm nào, hình như là Hồ Hữu Tường trong 41 năm làm báo -nói rằng tính ông ấy rất dễ buồn cười ở những thời khắc trọng đại). Nhưng nào ai biết một cái quy luật rằng, những người họ đã sống qua một mấy cuộc bể dâu (thời xưa – thời Tây – thời kháng Pháp – thời xây dựng XHCN ở miền Bắc), đã chứng kiến bao nhiêu cái điều thiêng đều thành phàm và bao nhiêu cái phàm lại lên ngôi, họ chẳng sẽ đâm ra cynical, đâm ra cười khẩy hết mọi sự ra vẻ nghiêm trọng ở đời? 
Để tôi kể cho mà nghe. Thế này, này. Hàng năm, cứ ngày cát-tó-zuy-ê – có người đùa gọi là ngày cắt tóc phi-dê, tức ngày kỷ niệm Cách Mạng Pháp – là mình được Toà Đại Sứ Pháp trên phố Trần Hưng Đạo gửi cho một cái giấy mời, có lẽ vì rằng mình cũng bi bô dăm ba câu, kiểu c’est la faute de Voltaire! Cho nó ‘’văn hóa’. Và năm nào cũng vậy, mấy anh công an chặn ngài cổng, đưa giấy mời ra thì các anh ấy làm phận sự lắc đầu, cứ phải vẫy đến khi ông Tùy Viên văn hóa ra bắt tay thì công an Ta mới để Tây dắt mình vào…Merci, c’est bien gentil ! Trong sân tòa Đại Sứ, họ bày ê hề, nào là thịt nguội, xúc xích, ba tê, phó-mát đủ loại. Nhưng tuổi mình, ăn không được mấy nên mình cứ sà vào mấy chai vang đỏ, nhấm nháp hết loại này đến loại kia. Cụng ly và nói Vive la révolution – cách mạng muôn năm – thế là mình được lòng cả công chức Tây lẫn công an Ta, cả hai đều vơ hai chữ cách mạng vào cho mình. Năm ngoái, sợ quá chén, đến khi ngà ngà thì mình ngưng, tự nhủ phải giữ thể thống quốc gia nên thôi cụng ly, thôi hô khẩu hiệu, và khi đi về nhà vẫn còn nói được au revoir, Monsieur l’embassadeur, à l’an prochain. Ấy thế mà đi được dăm chục thước trên hè phố, vừa đến ngay trước cửa Sở Công An Thành Phố thì mình xây xẩm mặt mày, bèn ngồi thụp xuống bên hè đường. Thế là một anh công an ra hỏi, mình khai chóng mặt có lẽ vừa mới uống rượu Tây và vừa hô cách mạng muôn năm. Anh ta tưởng mình xỏ xiên, gọi thủ trưởng ra giải quyết, nhưng anh này lại biết mình, liền đưa mình về nhà, cũng gần đấy. Vừa mở cửa, bà nhà mình nói giỗi, say gì mà mặt lại xanh lè tái nhợt thế kia. Mình đáp, rượu đỏ của Tây ngày Cách Mạng Pháp cắt tóc phi-dê, nó thế. Còn rượu Ta trắng tệch trắng toạc, ngày Cách Mạng Ta, uống dẫu đỏ mặt nhưng lại không say được, bà ạ!
Đỗ Mục viết Khiển Hoài nói mười năm ở Dương Châu như giấc mộc, rốt cuộc sau hết chỉ được cái tiếng bạc tình lầu xanh. Nguyễn Tuân cũng đi từ Thanh ra Hà Nội lập nghiệp, cũng rượu chè, cũng hút xách, cũng loanh quanh các nhà hát cô đầu, rồi cuộc đời cố gắng lập thân lập chí ấy cũng chẳng về đâu, chỉ được cái tiếng ăn chơi. 
“Mỗi lần dọn lại những ngày cũ của mình, kiểm lại đống kỷ vật xưa xa, tôi cho bớt đi những vật đã trở nên thừa, hoặc hủy đi một vài bó thư đã trở nên nhạt nhẽo quá, đọc lại chỉ thấy bẽ cùng ngượng, – tôi đã phó mặc một ngọn lửa đem những di tích ấy biến thành một lớp tro nguội và nếu thiếu lửa thì tôi đã sé vụn tập thư ấy ném vào một cơn gió, gió lại đưa cái đám giấy rách ấy đi như là gió ngàn già lùa lũ bướm non, lắm lúc trông theo mà thấy tội tội quá chừng. Tôi đã hủy thư từ, đã cho bớt đi nhiều vật khác, nhiều cái kỷ niệm trông xinh ngộ lắm, nhưng đến cái lư đồng mắt cua thì tôi không muốn loại nó đi một chút nào. Nó đã đánh dấu một quãng đời tôi. Nó đã là một cái mốc rõ ràng trên một thôi đường đi ngược về ký vãng. Nó đã là người làm chứng đứng đắn cho một chuỗi ngày cũ.”
Đọc đoạn trên, tôi không hiểu vì sao người ta có thể gọi con người rất tình cảm ấy là ngông nghênh, kiêu bạc.
Chuyện Nguyễn Tuân kết bạn với ông Thông Phu, một người chủ nhà hát cô đầu làm tôi nghĩ về những kiếp người bỏ phố về quê, trong số họ có khi cũng có mấy cuộc đời hay hay, mà một kẻ trai trẻ ôm trong mình quá nhiều hoài bão, lạc quan tự tin như cái đám kinh doanh đa cấp hẳn chỉ vào đó như một cái cautionary tale, xem đó như một sự thất bại, thoái lui của ý chí làm người. Chỉ có những ai thực sự cũng không màn đến mấy hy vọng ở đời, bằng lòng với cái lửng lơ không cao không thấp, thấy đủ nhiều những lên xuống của phận đời, của vận nước thì mới cảm mến được những cái kiếp người sa cơ lỡ vận đó. Và Nguyễn Tuân là một kiểu như vậy. Trong khi những người khác tìm về những cái đẹp, cái trong trẻo, cái hồ hởi tin tưởng và thành kính mà viết, thì Nguyễn Tuân lại viết về một ông Thông Phu bê bối, lộn xộn, uể oải, luộm thuộm, một kiểu Jasper Palmer trong Children of Men hay là Charles Bukowski. Cuộc đời ông Thông Phu cũng như cái lư đồng mắt cua, có cái gì sai lạc mục đích, dang dở, ngổn ngang, bề bộn, bất đắc chí, như những kẻ mà ông đã dẫn lời:
«Đời là thế, thế là đời Ai là người biết, biết người là ai Trăm năm trước đã qua rồi Trăm năm sau, lại tẻ vui còn chờ Hãy bàn cái quãng lửng lơ Sinh ra lơ lửng bây giờ mà hay Nghìn xưa ai có thế này Nghìn sau ai biết thế này là nao Ai hay, ai dở, ai sao? Nước cờ nước thấp nước cao là gì Có khi… rồi cũng có khi!»
Nguyễn Tuân không hẳn đã là một ông nhà văn chỉ đi tìm cái đẹp như người ta hay tán tụng, chính ở Chiếc lư đồng mắt cua, Nguyễn Tuân viết về những cứt đái, hôi thối, bốc mùi, tật bệnh, ẩm sũng của những gian phòng, trong cái sự lặc lè thoi thóp của một người chủ nhà hát bán thân bất toại, trong cái tiếng thở nặng nhọc khó khăn của một đào nương đã có tuổi. 
Trong cái cảnh tối tăm, u uẩn, tù túng đó, tự nhiên ông Tuân ông ấy trở mình, ông ấy ngồi dậy như cái giật mình của Tolstoy vào giữa đêm vì vỡ lẽ cái sự ngắn ngủi của cuộc đời giữa vũ trụ bao la rộng lớn. Ngồi bó gối mà nhìn những bệ rạc, những hắt hiu của một cảnh sống góa bụa, còm cõi sau một tuổi trẻ phóng túng hình hài, sau khi tiệc rượu đã tàn, ông Tuân nhớ những ngày chăm lo điếu đóm cho ông Thông Phu trong cái buồng bệnh tù ngợp, để rồi sáng ra lại hỏi một câu: «Xuyến là người bên lương hay bên giáo».
Rồi ông Tuân lại nhớ cái đinh ở một cái buồng nọ trong một chuyến đi Vinh. Cái đinh lại một lần nữa là một cái gì vướng víu, nửa vời. Nhiều lúc chỉ chờ cho nó rớt ra, đổ ầm xuống một sàn gác để lồm ngồm bò dậy cất cái đống mũ áo rơi ấy, thế mà nó lại không rớt. Và cứ thế, cái đinh tiếp tục sống cái đời đèo bòng lơ lửng của nó qua hết những mùa mưa ẩm thấp lẫn những mùa nắng gắt. Cái đinh như cái sống gượng gạo, muốn lay mạnh, dứt nó ra mà không được.
Tôi tưởng tượng ra một cái ông đồ gàn, về đến nhà chả làm gì đứng nhìn cái đinh trên tường mấy chục phút. Rồi đang yên đang lành ông lại mượn cái kìm mà nhổ nó ra như bẻ một cái răng hàm của người có tuổi, để rồi mấy ngày sau đó về nhà không còn cái đinh để treo đồ, cứ để luôn mũ trên đầu và đóng luôn quần áo mà ngồi lù lù giữa nhà. Cái thói nhàn cư vi bất thiện ấy, cái thói rảnh rỗi sinh nông nỗi ấy, muốn đẩy đi, muốn xua đi những cái lưng chừng của cuộc đời, muốn cho nó hoặc tất cả hoặc không có gì, hoặc thăng hoa hoặc bể nát cả ra, rốt cuộc những nỗ lực kiểu như vậy cũng đâu có đưa đến một điều gì khác cho cảnh sống của mình? Cái sự dan díu, vướng vít ấy nó giống như định tâm lên tàu đi một chuyến Hạ Long đổi gió, thì lại tiêu hết tiền vé vào bàn đèn thuốc phiện, hay như định đi vào Sài Gòn bị lại dính ngay một cái duyên nợ ở Vinh để rồi nằm ở nhà hát cô đầu mấy tháng trời. Bao nhiêu lần muốn “làm lại cuộc đời” đổ bể trong mấy phút yếu lòng, buông thả như thế, như người ta bao nhiêu lần tự hứa sẽ giảm cân, sẽ tập gym để rồi một mai khá hơn trước nhưng lại cứ chây lười, ù lì rồi đâm chán với cái xác thân bất toàn muôn hồi không khá lên được. «Những đêm giông tố như đêm nay, cái lòng đạo đức chỉ còn như một sợi tóc thôi».
Cảnh thừa mứa ấy, nó giống như một người béo phì mà muốn giảm cân nhưng lại cứ chìm mãi vào những ăn và ăn. Một kiểu người trụy lạc đến cùng tận đến chán ngán ra thể nào chẳng đến lúc mà nghĩ rằng, toàn bộ mấy thứ ăn chơi ấy cũng chỉ có thế. Cơ bản vì trong cảnh tạm bợ, lưng chừng, con người ấy vẫn chưa thôi mơ về một sự đổi khác của cuộc đời. Định lui về thôn dã ở ẩn thì lại nhớ những tiếng động của tất cả những cái gì mình định bỏ xa lùi lại về ký vãng.
Tôi nghĩ, tôi nghĩ tất cả những dài dòng của một áng văn phải chăng là nỗ lực gọi tên một cái trạng huống tinh thần chưa được định danh trong từ điển? Nhưng từ điển chỉ là một tập hợp của những cái hình thức rỗng tuếch. Người ta cố dán nhãn một thứ gì chỉ để thấy yên ổn mà không phải nghĩ về nó, không phải cảm thấy gì về nó nữa. Nhưng một cái tóm tắt cuộc đời đâu phải là diễn biến của cuộc sống? Văn chương không là văn chương nếu nó cứ cố gắn rút gọn lại những sự phức tạp.
Một người vừa rất ồn ào, bù khú, nhưng lại cũng là một người rất thâm trầm, nho nhã. Một người thèm cái tiếng động đổ vỡ, kịch tính, nhưng lại cũng là người đi rất sâu vào những cái đêm vắng lặng của lòng mình. Cái người ấy như phải sống cho tột bực cảm giác để rồi sau lại thu về một góc mà ghi lại những cái sống đã qua. Như thế nên ông mới cười tủm tỉm hài lòng khi người ta nói gọi ông là cái “thằng Tuân” chứ “ông Tuân” cái nỗi gì, vì trong những phút chơi bời, ông bày ra đủ cái thói hư thân mất nết, chẳng giống với con nhà gia giáo.
Nguyễn Tuân chọn cái bài thơ của Đỗ Mục quá hợp lý, vì suốt mấy năm trời ăn chơi ở các nhà hát của ông cũng lưu dấu lại kỷ niệm mấy cô đào nương, từ cô Phương ở Vinh đến cô Tâm ở Thanh Hóa, rồi lại cô Tuyết cô Mai, cô Xuyến. Nhưng rồi với các cô ấy, ông cũng chỉ như một chuyến đò dọc, qua đường không đỗ lại, phần nào cũng bởi ông đã có dịp chứng kiến cái cảnh tàn tạ của người bạn đã can đảm nhận lấy trách nhiệm với một cái tình qua đường, lấy cô đào nương làm vợ lẽ để rồi cứ chạy đi chạy về đến rạc cả người.