Dường như với Nguyễn Tuân, Chu có một địa vị nhất định trong lòng ông, thế nên khi in du ký Một chuyến đi (Tân Dân, 1938), ông đã đề dedication là “hoài niệm HOÀNG TÍCH CHU”.
Nguyễn Tuân có thời gian cộng tác với báo Đông Tây của Hoàng Tích Chu. Đây là một tờ báo quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Có thể nói trước khi Phong Hóa của Tự Lực Văn Đoàn xuất hiện, thì Đông Tây là tờ báo nổi tiếng nhất (theo Trương Tửu). Tờ báo này quy tụ những nhân vật như Đỗ Văn, Đặng Trọng Duyệt, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Phùng Bảo Thạch, Vi Huyền Đắc, Tchya Đái Đức Tuấn, Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Doãn Vượng, Vũ Bằng, Nguyễn Vỹ và tất nhiên là cả Nguyễn Tuân.
Có thể thấy, những người kể trên đều có liên hệ ít nhiều đến Nguyễn Tuân: Nguyễn Tuân từng đóng kịch của Vi Huyền Đắc, từng đánh cờ với Tchya Đái Đức Tuấn (theo lời kể của Lãng Nhân), chơi với Nguyễn Vỹ, đi thăm Tản Đà lúc lâm chung với Vũ Bằng, và nhất là bị đi tù lần thứ hai (năm 1941) vì chứa chấp Phùng Bảo Thạch ở Am Sông Tô.
Về thời gian Nguyễn Tuân viết báo cho Trung Bắc Tân Văn, Vũ Bằng có kể về văn phong của Nguyễn Tuân bị ảnh hưởng nặng bởi cái lối cách tân viết lách của Hoàng Tích Chu, có những câu như: “Vào một buổi sáng mù sương tôi lấy cái xe hỏa mười giờ rưỡi đi Vinh”. Nguyễn Văn Luận mới ủy cho Nguyễn Doãn Vượng rỉ tai Tuân “Việt Nam hóa” giọng văn đi một chút, nhưng Tuân lì lợm một cây, cứ cái giọng vắn tắt viết mãi, thế rồi nhà báo cũng phải chịu đựng, và Tuân cứ như thế mà làm phóng viên cho Trung Bắc Tân Văn một thời kỳ khá lâu.
Theo Dương Thiệu Thanh, Hoàng Tích Chu có ảnh hưởng mãnh liệt và trực tiếp lên nhóm gọi là nhóm Nguyễn Doãn Vượng, mà trong đó có Nguyễn Tuân. Chính chuyến đi Hương Cảng đóng phim Cánh đồng ma, nguồn cơn để viết nên Một chuyến đi, cũng là do Nguyễn Doãn Vượng lo liệu.
Nguyễn Tuân là một diễn viên, ngoài Cánh đồng ma ông còn đóng phim Chị Dậu (nghe Nguyễn Đăng Mạnh nói là vì ông quý Ngô Tất Tố chứ lúc ấy ông cũng không ham gì), cũng như đóng kịch của Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ. Nguyễn Tuân cũng rất yêu thích kỹ thuật điện ảnh. Trong Tản mạn xung quanh một áng Kiều (1965), Nguyễn Tuân đã dùng cái nhìn điện ảnh để bình mấy câu Kiều.
Nhưng phải nói nếu có một cuốn sách về lịch sử điện ảnh Việt Nam thì trong những trang đầu tiên không thể không nhắc đến những hoạt động của cái nhóm mà Dương Thiệu Thanh gọi là “tập đoàn Hoàng Tích Chu”, cụ thể hơn là của Đặng Trọng Duyệt. Chính Duyệt, khi còn ở Paris làm đặc phái viên cho tờ Đông Tây (1929-1932), chứng kiến đoàn cải lương Phước Cương với cô Năm Phỉ (chị gái và là thầy của nghệ sĩ Bảy Nam), kép Bảy Nhiêu đi dự đấu xảo quốc tế năm 1931 bị người Pháp đối đãi tệ bạc vì nghĩ rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc chậm tiến không xứng đáng đối đãi ngang hàng, nên ông đã phản đối ban tổ chức và đòi cho đoàn được ở hôtel nên sau đó, đoàn hát mới được đối đãi xứng đáng. Việc này cũng được nghệ sĩ Bảy Nhiêu ghi trong hồi ký. Năm 1933, Duyệt muốn gặp một giám đốc hãng phim để trình bày chương trình làm một bộ phim tuyên truyền, nhưng hiển nhiên người Pháp không đồng ý. Ngoài ra, Duyệt còn chủ trương tờ Chớp Bóng, tờ báo điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, đã quy tụ được sự trợ lực của những họa sĩ nổi danh như Tô Ngọc Vân, Mai Trung Thứ, Lê Phổ.
Các nghệ sĩ đoàn cải lương Phước Cương của xứ thuộc địa Nam Kỳ được đi thử máy bay lần đầu tiên ở Hội chợ Thuộc địa Quốc tế 1931, tổ chức tại Bois de Vincennes, Paris.
Cách làm của Duyệt cho thấy những người thuộc nhóm của Chu hãy còn ngây thơ tin tưởng cái chủ trương “Pháp Việt đề huề” giả hình của người Pháp. Nên khi vụ Yên Bái của Nguyễn Thái Học thất bại, tờ Đông Tây đã bày tỏ cảm thông. Không những thế, Đông Tây còn công kích chủ thuyết quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh và tố cáo tham quan là tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định. Vì sự “phá phách” này mà Đông Tây rất được lòng công chúng, và cũng chính vì nó mà đến tháng 7-1932 thì Đông Tây bị đình bản vĩnh viễn.