Đọc về cụ Phan Khôi, tôi không thể ngăn mình vừa thán phục lại vừa xúc động.
Tôi tự hỏi, làm thế nào mà một cụ tú sinh năm 1887 không những không bị bỏ lại bởi những trận phong hóa, bể dâu, mà lại luôn là ngọn cờ đầu trong mọi cuộc đấu tranh vì tiến bộ.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, trong khi xã hội còn trọng nam khinh nữ thì cụ đã viết và sau đó làm chủ bút của Phụ nữ thời đàm, một tờ báo mang tôn chỉ nâng cao tri thức của phụ nữ và bênh vực quyền lợi cho phụ nữ. Vào đầu thập niên 30, trong cái sự tù túng của những thể thơ lục bát thất ngôn cũ, cũng như trong vòng cương tỏa của những tư tưởng cổ hủ, lớp người mới đòi hỏi một tiếng thơ khác đi, thì không ai khác, chính cụ Phan Khôi đã bắn phát súng khơi mào cuộc luận chiến về thơ cũ - mới bằng một bài viết vô cùng quan trọng trên Phụ nữ Tân văn, đó là bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ. Những ngày đầu cuộc chiến, ở quê nhà Quảng Nam, chính cụ đã kịch liệt phản đối ý định đập phá nhà thờ cụ Hoàng Diệu. Và cũng chính Phan Khôi, trong những năm đầu sau hiệp định Geneve, đã làm một cái việc-mà-ai-cũng-biết-là-việc-gì-đấy. Ông cụ đã 70 tuổi mà vẫn hăng hái xung phong lãnh nhiệm vụ dẫn dắt bọn văn chương trẻ tuổi tìm tiến bộ.

Nắng chiều đẹp có đẹp
Tiếc tài gần chạng vạng
Mặc dầu gần chạng vạng
Nắng được thì cứ nắng
(Nắng chiều, 1956)

Nguyễn Vỹ, trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, có kể về lần gặp Phan Khôi đầu tiên ở phố Hàng Bồ. Nguyễn Vỹ nói đùa:
- Tên ông là Phan Khôi, hèn chi ông viết báo cừ khôi lắm.
Phan Khôi cười to đáp:
- Nói tôi là "cừ khôi" thì không phải, nói tôi là "kỳ khôi" thì đúng hơn.
Phan Khôi nói chuyện cũng duyên như cách ông viết văn, và ông quả thật là một nhân vật kỳ khôi ngộ nghĩnh. Bởi lẽ, với một nhà Nho chính tông, gốc Hán học như Phan Khôi, ít ai ngờ rằng ông đã âm thầm tự học để giỏi cả chữ Pháp và thỉnh thoảng nói tiếng Pháp rất có duyên khiến bọn thanh niên tây học trầm trồ thán phục.
Trong những giai thoại kể về cụ Phan Khôi, có một câu chuyện thế này. Lần nọ cụ được giao dịch sách tiếng Pháp sang tiếng Việt, trong đó có chữ "pomme de terre", cụ dịch là "khoai nhạc ngựa". Cuốn sách sau khi được xuất bản, báo Cứu Quốc viết một bài phê bình cụ lẩm cẩm, bảo "sao không dịch là khoai tây mà dịch là khoai nhạc ngựa, khoai nhạc ngựa là cái quái gì?" Báo Cứu Quốc yên trí rằng cụ đã 70 tuổi nên lẩm cẩm, nhưng nào biết rằng đã mắc ngay mưu của cụ.
Cụ trả lời ngay bài phê bình đó trên mặt báo, rằng đúng là cụ có lẩm cẩm thật, nhưng mà cán bộ phụ trách bấy lâu nay cấm cụ dùng chữ "tây". Có lần cụ dùng chữ "đường tây" thì bị xóa đi thay bằng chữ "đường kính", dùng chữ "chè Tàu" thì bị chữa thành "chè Trung Quốc", "thịt kho tàu" thì thành "thịt kho Trung Quốc", thế nên cụ mới dịch chữ "pomme de terre" là "khoai nhạc ngựa" vì người Trung Quốc gọi nó là "mã linh thư".
Qua các dật sự về Phan Khôi, ta thấy ngay một nét tính cách hoạt kê và duyên dáng, song song cùng với một tư tưởng lớn và một thái độ kiên quyết trong mọi cuộc đấu tranh vì lẽ phải.
Chính vì vậy mà sự bất công của lịch sử với cụ không khỏi khiến chúng ta cảm thấy động lòng. Nhưng lịch sử thì có bao giờ mà công bằng đâu chứ.

Đi kháng chiến, đuổi thực dân, tội phản động về cùng chín suối
Đón văn minh, khai dân trí, gương duy tân ở với trời xanh!

(Câu đối Phan Nam Sinh, con trai Phan Khôi, viết dâng cha)
08.03.20