Vũ Trọng Phụng nhận được rất nhiều ngợi khen từ những người cùng thời lẫn hậu thế. Tạ Thu Thâu từng nói muốn biết xã hội Việt Nam ra sao thì chỉ cần đọc Vũ Trọng Phụng là biết [1]. Kiều Thanh Quế ví Vũ Trọng Phụng như Émile Zola của Việt Nam [2]. Gần đây, còn có người táo bạo cho rằng Vũ Trọng Phụng «đi xa hơn Balzac» trong nghệ thuật tiểu thuyết [3].
Mặc dù vậy, vẫn có không ít nhà phê bình đánh giá thấp Vũ Trọng Phụng, và một trong những cái án mà Vũ Trọng Phụng thường bị quy kết nhất, đó là văn của ông là một thứ văn chương dâm uế. Nói đến đây, ta có thể liên hệ đến nhiều tình tiết được Vũ Trọng Phụng miêu tả rất tỉ mỉ trong các tiểu thuyết của ông, như cảnh bà Phó Đoan trong lúc tắm cố tình vỗ vào da thịt kêu bì bạch để khiêu gợi Xuân trong Số đỏ, hay như cảnh Long phá trinh Tuyết trong Giông tố [4]:
«Vẫn ngây thơ, Tuyết cởi áo dài… Rồi áo ngắn… Đến khi cái quần nhiễu trắng của Tuyết rơi xuống đất thành một vòng tròn thì Tuyết hiện ra như một nàng tiên trong một giấc mộng hãn hữu của Long. Mầu đen nháy của cái áo tắm làm cho nước da của mỹ nhân trắng nõn trắng nà. Một cái ngực nở nang như của đàn bà tây phương. Hai cái đùi khỏe mạnh, đầy đặn, phốp pháp. Long chạy đến ôm choàng lấy Tuyết.
– Giời ơi! Em đẹp lắm! Đẹp quá đi mất!
Tuyết mỉm cười không đáp, nhắm mắt lại, ngửa cổ ra.
Long vừa nói vừa thở:
– Tuyết ơi! Tuyết ơi! Tuyết yêu quý của anh ơi!
Chàng bế bổng cái kỳ công ấy lên tay, đem đến giường. Cái quạt trần chạy vù vù. Hàng nghìn con ve sầu ca hát ngoài sân. Ánh nắng bị lọc qua lần diềm ở cửa kính làm cho gian phòng có cái không khí mát mẻ dễ chịu.
– Mình ơi, mình có yêu em không?
– Không yêu mà lại thế này à?
– Mình không bao giờ được phụ em đấy nhé?
– Còn phải nhắc lại cái câu ấy đến một nghìn lần thì bực lắm.
Long phủ kín cả mình mẩy Tuyết bằng những cái hôn nồng nàn, yêu đương. Sự hoài nghi, sự tò mò, lòng căm hờn, làm cho Long hóa ra rất đáng yêu… Khi Long thấy trên nệm có mấy giọt máu đỏ thì chàng mới được sung sướng như những người chồng đã được chứng cớ là vợ còn nguyên vẹn, vào tối tân hôn.»
Có rất nhiều tình tiết kiểu như vậy trong văn của Vũ Trọng Phụng. Và người đầu tiên lên án về chúng có lẽ là Thái Phỉ, với bài viết Văn chương dâm uế, đăng trên báo Tin văn số 25 ra ngày 01/09/1936. Thái Phỉ cảnh báo về một khuynh hướng văn chương mà ông cho là nguy hại, gây phản cảm trong độc giả. Trong đó, có đoạn: 
«Họ (bọn văn sĩ tả chân) thấy thiên hạ ưa thích cái dâm uế thì hoặc là cố nhồi nhét cái dâm uế vào, bất cứ truyện gì của mình viết, hoặc là viện cái chủ nghĩa tả chân, dụng tâm tả cái cảnh dâm uế một cách rất táo bạo và, vì thế, thành ra sống sượng khó coi, cố làm rung động giác quan của người đọc hơn là nghĩ đến nghệ thuật.»
«Bởi họ tả một cái loã lồ, sống sượng nên những người biết đọc thành ra thấy ghê tởm, họ muốn bầy ra cái sự thực trần truồng hẳn, nhưng họ quên rằng khi nào cái sự thực đã trần truồng thì người ta sợ và không thích nó nữa.»
Mặc dù Vũ Trọng Phụng đã lên tiếng tự bào chữa với bài Thư ngỏ cho ông Thái Phỉ, chủ bút báo Tin văn về bài «Văn chương dâm uế» trên Hà Nôi báo số 38 ngày 23/09/1936, nhưng dường như «hội đồng xét xử» không chỉ có Thái Phỉ, mà còn có cả Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Trương Chính, Lê Thanh và Phan Khôi.
Nhất Linh, với bút danh Nhất Chi Mai, viết bài Ý kiến của một người đọc: Dâm hay không dâm đăng trên báo Ngày nay, số 51, ngày 14/3/1937, đả kích nhà văn Vũ TrọngPhụng, tác giả thiên phóng sự Lục xì là «một nhà văn nhìn thế giới qua cặpkính đen, có một bộ óc cũng đen và một nguồn văn càng đen nữa».
Vũ Trọng Phụng lại một lần nữa phản bác lại với bài viết Để đáp lại báo Ngày nay: Dâm hay là không dâm trên báo Tương lai số 37, ngày 25/3/1937. Trong này, ông viết:
«Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời… Các ông muốn theo thuyết tùy thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì đúng sự thật…»
Trương Chính, trong Dưới mắt tôi (Hà Nội: Thụy Ký, 1939), cũng chê Vũ Trọng Phụng: 
«Lỗi lớn của ông Vũ Trọng Phụng là đã hy sinh nghệ thuật mình để chiều theo một số độc giả trụy lạc»
«Nhà văn sĩ không có quyền tả những thứ dâm uế tạp, nhơ bẩn. Nhà văn sĩ chỉ có bổn phận nói đến những thứ dâm uế tạp, nhơ bẩn mà thôi. Khác nhau xa!»
Lê Thanh, trong Cuốn sổ văn học (1944) có cái nhìn tương tự Trương Chính khi ông viết: 
«Khoảng năm 1936, mấy tờ báo ở Hà Nội đua nhau trình bầy những thể văn khơi tình gợi dục; những nhà văn sản xuất thứ văn ấy tự nhận cho mình cái nhiệm vụ phơi ra ánh sáng hết những xấu xa, trụy lạc của xã hội: những lời tình tự của bọn cơm cô, những cử chỉ trơ trẽn của gái giang hồ, những hành động hèn mạt của một lớp người mục nát đều được dùng làm tài liệu văn chương. Họ đã vọng tưởng rằng có thể nói đến cái xấu để làm cho người ta sợ, mà phòng ngừa cái xấu. Nào ngờ họ đã làm cái công việc của một thầy lang đem bao nhiêu vi trùng vào một xã hội ấy quen với bệnh để tự đề phòng.»
«Đi quá đà, bị phản ứng, văn chương dâm uế ngừng lại. Ngay từ hồi ấy, đã có những nhà văn cực lực công kích. Một cuộc bút chiến đã xảy ra và kéo dài đến hàng năm. Nhưng ngán nỗi một bên số nhà văn đó ít ỏi quá, bao nhiêu nhà văn khác kéo bè kéo đảng để chống giữ lấy một cái gì mà họ cho là sâu xa và nhân đạo. Thêm vào đấy là cả một công chúng suy nhược về tinh thần đứng làm hậu thuẫn. Cái phải, có tâm huyết bị chế riễu, bị coi là đạo đức giả»
Phan Khôi, trong một bài viết Không đề cao Vũ Trọng Phụng chỉ đánh giá đúng đăng cùng với các bài viết của Đào Duy Anh, Hoàng Cầm, Phan Khôi, Sỹ Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường, Văn Tâm, Trương Tửu trong cuốn Vũ Trọng Phụng với thời chúng ta (Hà Nội: Minh Đức, 1956), xuất bản để tưởng niệm Vũ Trọng Phụng, cũng viết: «Vũ Trọng Phụng có một cái tật hay nói về sinh lý phụ nữ».
Chuyện «vệ sinh» của văn Vũ Trọng Phụng ở miền Nam cũng được Vũ Bằng nhắc lại trong bài viết Vũ Trọng Phụng nhà văn dơ dáy hay trong sạch trên tờ Văn học tại Sài Gòn (số 170, chuyên đề mang tên Đêm kịch tưởng niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng, ra tháng 8/1973), nhưng với thái độ bênh vực:
«Nói có anh hồn Phụng, mà dấu diếm cũng chẳng lợi gì, nếu có nhà văn hay ký giả nào đang coi là nhơ bẩn, dơ dáy, khiêu dâm, bần tiện vào thời đó thì người ấy phải là tôi, chớ không phải Phụng»
«Phụng được giới văn nghệ chú ý hơn tôi nhiều lắm cho nên bao nhiêu mũi dùi đều nhắm vào Phụng là người chính yếu, chớ không nhắm vào người thứ yếu là tôi, thành ra Vũ Trọng Phụng bị đả kích dữ dội, còn Vũ Bằng thì chỉ bị đả kích vừa vừa»
Tất nhiên để bàn luận về giới hạn và tính hợp thức của thao tác tả chân trong tiểu thuyết đòi hỏi chúng ta phải tìm về những vấn đề mang tính cốt lõi của văn chương, và đồng thời phải xem xét rất chi tiết từng đoạn văn cụ thể. Việc này có lẽ nên dành cho một bài viết khác. 
Nhưng có một điều mà nhân đọc về những đấu đá qua lại quanh chuyện «vệ sinh» của văn Vũ Trọng Phụng ta có thể nhận thấy, đó là thế cục phức tạp của các nhóm văn nghệ tiền chiến, mà sau năm 1945, vì những biến chuyển thời cuộc, có những người còn lưu lại trong văn học sử quốc nội và có những người thì biến mất.
Cao Việt Dũng, trong bài Vũ Trọng Phụng trong lịch sử văn chương Việt Nam: một số nhìn nhận mới, đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10-2013, tr.77-86, đề cập đến việc sau năm 1954, giới văn nghệ của cả hai miền Nam Bắc đều ra sức kéo Vũ Trọng Phụng về với thời của mình. Trong khi miền Bắc xem Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn hiện thực phê phán có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, thì miền Nam lại theo «ý hướng hợp thức hóa Vũ Trọng Phụng và văn nghiệp của ông vào một di sản văn chương miền Nam lúc ấy đang thực hiện quá trình hình thành điển phạm và ký ức riêng của mình, một cách đối lập với văn chương miền Bắc cùng giai đoạn».
Ta cũng thấy được tính chất nước đôi của các lập luận bênh vực lối viết tả chân và phong cách hiện thực phê phán. Cùng miêu tả cảnh dâm ô, nhưng những tác phẩm nào chịu thành kiến sẽ bị xếp vào hàng văn hóa phẩm đồi trụy, đáng bị đốt bỏ, còn những tác phẩm nào của «người phe mình» thì lại được bênh vực và mặc nhiên nằm chễm chệ trên hàng danh tác. 
Chính vì thế, một nhà nghiên cứu khách quan tất sẽ nhìn ra tính chất «xẻ đôi», «chia nửa», «bên này, bên kia» của văn học Việt Nam. Và nếu chúng ta áp đặt một cái nhìn của một bên, một phía, thì không thể nào nhìn thấy được toàn bộ cái sự thật đa chiều và phức tạp của văn học sử, và cũng không thể nhìn nhận đúng được vị trí của Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt Nam.
[1] Dương Nghiễm Mậu, Viết về Vũ Trọng Phụng, đăng trên tập san Văn số 67, Sài Gòn, ngày 1-10-1966.
[2] Kiều Thanh Quế, Phê bình văn học. Hà Nội: Tân Việt, 1942.
[3] Trần Thiện Huy, Đi xa hơn Balzac – Chỗ đứng ít được ghi nhận của Vũ Trọng Phụng trong văn chương hậu thuộc địa, 2017.
[4] Vũ Trọng Phụng, Giông tố. Hà Nội: Văn Thanh, 1937.