Đầu tư cơ bản P.2 - Các phương pháp đầu tư.
Trước khi đi sâu vào bài viết, có một khái niệm người viết muốn phân biệt rõ ngay từ đầu bài, đó là sự khác biệt giữa đầu tư và đầu...
Phần 1:
Trước khi đi sâu vào bài viết, có một khái niệm người viết muốn phân biệt rõ ngay từ đầu bài, đó là sự khác biệt giữa đầu tư và đầu cơ. Hiện nay rất nhiều người dùng từ đầu tư một cách đại trà mà không thật sự hiểu rõ ý nghĩa của nó, hoặc có thể họ hiểu nhưng cố tình ém nhẹm đi sự khác biệt này. Một phần có lẽ là vì nhà đầu tư nghe có vẻ "sang chảnh" hơn nhà đầu cơ hoặc trader, một lí do khác phổ biến hơn là những người này nghĩ đơn giản chỉ cần tham gia vào thị trường chứng khoán thì mình đã là nhà đầu tư rồi.
Bạn có thể thấy sự rối loạn ngôn từ này ở khắp mọi nơi, các "trưởng phòng môi giới" với phong cách phím hàng mang đậm chất đầu cơ nhưng lại luôn gọi khách hàng của mình là nhà đầu tư, các bài báo chứng khoán định hướng dư luận, sự thiếu hiểu biết của người tham gia, tất cả đều tạo thành một vòng lặp nguy hiểm duy trì ảo tưởng này. Đầu cơ là một hoạt động rủi ro với rất nhiều biến số bất định có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả, nhưng điều rủi ro và nguy hiểm nhất đối với một người tham gia trên thị trường chứng khoán là ảo tưởng "họ đang đầu tư nhưng thực chất việc họ đang làm chính là đầu cơ".
Nhà đầu tư huyền thoại Benjamin Graham đã từng nhận định "Sự khác biệt thực tế nhất giữa nhà đầu tư và nhà đầu cơ nằm ở phản ứng của họ đối với biến động thị trường. Mối bận tâm chính của nhà đầu cơ nằm ở việc dự đoán và kiếm lợi nhuận từ biến động thị trường. Công việc chính của nhà đầu tư nằm ở việc mua và nắm giữ cổ phần của các công ty với mức giá phù hợp". Yếu tố quyết định kết quả của nhà đầu cơ nằm ở khả năng dự đoán thị trường, yếu tố quyết định kết quả của nhà đầu tư nằm ở khả năng phân tích doanh nghiệp. Nhà đầu cơ thực hiện các giao dịch ngắn hạn, nhà đầu tư mua và nắm giữ trong dài hạn. Nhà đầu cơ tin rằng mình có thể dự đoán và kiếm lợi nhuận từ biến động thị trường trong ngắn hạn, nhà đầu tư tin rằng cho dù thị trường trong ngắn hạn có diễn biến ra sao thì triển vọng dài hạn của danh mục đầu tư vẫn rất tốt.
Các phương pháp người viết chuẩn bị giới thiệu dưới đây đều mang thiên hướng đầu tư, do đó nếu bạn đọc đang tìm kiếm các kĩ thuật giao dịch đầu cơ ngắn hạn thì rất tiếc bài này không dành cho bạn. Người viết chưa bao giờ tin rằng mình có khả năng dự đoán thị trường đủ tốt để biến nó thành một lợi thế cạnh tranh thực sự.
Hiện nay có ba trường phái đầu tư phổ biến trên thế giới bao gồm:
1. Đầu tư theo quỹ chỉ số.
2. Đầu tư giá trị.
3. Đầu tư tăng trưởng.
Cả ba trường phái đều có ưu điểm và nhược điểm của riêng nó, không có trường phái nào là tốt nhất mà chỉ có trường phái phù hợp với thiên hướng và tính cách của nhà đầu tư. Do các trường phái này đều mang triết lí đầu tư, do đó một quy tắc rất quan trọng cần phải tuân thủ là các khoản đầu tư đều phải được nắm giữ đủ lâu để các phương pháp này phát huy tác dụng, thời gian nắm giữ càng lâu thì tính ưu việt của đầu tư càng được tối đa. Khung thời gian đầu tư thường được tính bằng năm, và biến động thị trường trong ngắn hạn thường là thông tin nhiễu không cần được quan tâm!
Bài viết liên quan:
Đầu tư thụ động
Đầu tư thụ động, hay còn gọi là đầu tư theo quỹ chỉ số (index fund) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thị trường vốn ngày nay do tính chất đơn giản và dễ dàng tiếp cận dành cho đại đa số nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi muốn hưởng lợi suất tốt hơn gửi tiết kiệm ngân hàng. Quỹ chỉ số là các quỹ tín thác được tạo ra bằng cách mô phỏng theo một thị trường nhất định, do đó tỷ suất lợi nhuận của quỹ này cũng gần như tương đương với tỷ suất lợi nhuận trên toàn thị trường. Quỹ chỉ số đầu tư trên thế giới Vanguard 500 Index Fund mô phỏng chỉ số S & P 500 của chứng khoán Mỹ bằng cách mua tất cả 500 công ty được theo dõi trên S & P 500, dĩ nhiên là với tỷ trọng phân bổ của từng cổ phiếu cũng sẽ tương ứng với tỷ trọng vốn hóa của công ty đó trên thị trường.
Hiện tại Việt Nam đã có quỹ mô phỏng theo VN30 (30 công ty vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán). Do vốn hóa của 30 doanh nghiệp này gần như tương đương với vốn hóa toàn thị trường nên tỷ suất lợi nhuận của VN30 và VN-INDEX sẽ không khác biệt đáng kể trong dài hạn. Khi nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ mô phỏng VN30, họ đơn giản là đang mua một danh mục đầu tư bao gồm 30 công ty vốn hóa lớn nhất Việt Nam.
Mặc dù đầu tư thụ động đang ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường phát triển phương Tây, khá đáng tiếc đây lại không phải là hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam, đại đa số nhà đầu tư Việt Nam vẫn đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua các hình thức chủ động khác nhau. Đây là một sai lầm vì như người viết đã nói ở phần 1, với tư cách là một nhóm tham gia trên thị trường, đại đa số nhà đầu tư không có khả năng "đánh bại thị trường". Lí do mà đầu tư thụ động ngày càng trở thành một kênh thay thế phổ biến cho tiết kiệm ngân hàng tại các nước phát triển là vì tính ưu việt của nó so với đầu tư chủ động đã được thừa nhận một cách rộng rãi.
Khi nhà đầu tư quyết định đầu tư thụ động, họ có ba lợi thế quan trọng so với đầu tư chủ động:
1. Tiết kiệm về chi phí và thuế.
Điều này khá dễ hiểu, bạn càng đưa ra nhiều quyết định giao dịch và hoán đổi danh mục, lợi nhuận của bạn càng bị bào mòn bởi phí giao dịch và tiền thuế (khi bán) mà vẫn chưa chắc các quyết định đó có thực sự hiệu quả hay không. Các khoản phí và thuế này tuy nhìn có vẻ nhỏ trong ngắn hạn nhưng sẽ tích tụ lãi kép qua thời gian và sẽ ăn mòn một phần không nhỏ trong tổng lợi nhuận của nhà đầu tư. Lãi kép là một con dao quyền năng hai lưỡi, người viết sẽ đi sâu vào khái niệm này trong phần 8.
2. Giảm thiểu tối đa các hình thức sai lầm khác nhau trong đầu tư.
Nhà đầu tư càng đưa ra nhiều quyết định mua-bán, cơ hội để bạn mắc sai lầm càng tăng cao. Đầu tư chưa bao giờ là công việc dễ dàng, quá trình nghiên cứu hoạt động kinh doanh của các công ty tiềm năng luôn đòi hỏi rất nhiều từ nhà đầu tư, bạn sẽ dễ dàng mắc sai lầm nếu như chuyên môn của bạn không đủ sâu hoặc bỏ qua những chi tiết quan trọng mà bạn cần phải biết. Nếu như tìm kiếm những công ty tốt nhất để đưa vào danh mục đầu tư là mục đích tối thượng của các nhà đầu tư chủ động, người viết cũng rất tự tin khi nói rằng việc này không khác gì "mò kim trong đống rơm". Bạn có thể may mắn tìm được cây kim vô giá, nhưng xác suất khá cao là tất cả những gì bạn tìm thấy là một đống rơm vô giá trị.
John Bogle, cha đẻ của quỹ đầu tư chỉ số, đã từng khuyên rằng "Thay vì mò kim trong đống rơm, cứ mua cả đống rơm là được". Câu nói này thể hiện sự khôn ngoan tuyệt đỉnh của ông, bạn không cần biết công ty nào trong hàng ngàn doanh nghiệp ngoài kia sẽ trở thành siêu sao trong tương lai, cứ mua cả thị trường là được.
3. Không tốn nhiều thời gian và công sức.
Như người viết đã nói ở phần 1, nhà đầu tư không cần phải tốn nhiều công suy nghĩ mệt não cũng như ngày ngày lướt nhìn bảng điện gây trầm cảm, bớt lắng nghe những điều nhảm nhí từ các "trưởng phòng môi giới" mà tỷ suất lợi nhuận lại khá tốt.
Khi nhìn vào chart trên, ta có thể thấy rằng có thời điểm VN-30 có hiệu suất tốt hơn VNINDEX, nhưng cũng sẽ có thời điểm VNINDEX có hiệu suất hơn VN-30, do đó sự khác biệt về dài hạn là không thật sự đáng kể, quỹ mô phỏng chỉ số VN-30 đủ tốt để cho ta được lợi nhuận chung của toàn thị trường trong dài hạn.
Với những lí do trên, sẽ tốt hơn cho một nhà đầu tư bình thường không có nhiều thời gian nếu họ đầu tư thụ động thông qua quỹ chỉ số. Bằng cách sở hữu gần như toàn thị trường, nhà đầu tư có thể yên tâm hưởng tỷ suất lợi nhuận gần như luôn đảm bảo cao hơn tiền gửi ngân hàng mà không phải nhọc tâm lo lắng nhiều về danh mục đầu tư của mình.
Một trong những chiến lược đầu tư thụ động phổ biến nhất là đầu tư định kì và liên tục vào thị trường bất kể thị trường có đang uptrend hay downtrend. Hàng tháng nhà đầu tư trích một khoản tiền nhỏ từ lương và đầu tư định kì vào quỹ chỉ số. Nếu như thị trường đi lên, nhà đầu tư mua vào để không bỏ lỡ đà tăng; nếu như thị trường đi xuống, nhà đầu tư đã mua với giá rẻ hơn. Điều quan trọng nhất để chiến lược phát huy tác dụng là tính kỷ luật và thời gian, cho dù thị trường có diễn biến thế nào thì nhà đầu tư cũng cần phải đầu tư định kỳ vào thị trường và sẵn sàng nắm giữ một thời gian dài, thường là trên một năm. Chiến lược sẽ càng hiệu quả khi thời gian nắm giữ càng lâu thông qua sự tích lũy lãi kép. Đây đang là chiến lược đầu tư phổ biến nhất dành cho đại đa số nhà đầu tư thụ động trên toàn thế giới.
Đọc thêm:
Đầu tư chủ động
Đầu tư chủ động là khi nhà đầu tư tự mình nghiên cứu và thiết kế danh mục đầu tư cho riêng mình. Như người viết đã nhiều lần nhấn mạnh, chỉ có một số nhà đầu tư hiếm hoi đủ khả năng "đánh bại thị trường" trong dài hạn, và chỉ những người này mới nên tham gia vào thị trường dưới hình thức đầu tư chủ động. Do đó, nếu bạn đọc không có nhiều thời gian để thực hiện các hoạt động nghiên cứu doanh nghiệp chuyên sâu hoặc đủ khiêm tốn để tin rằng mình không thể đánh bại thị trường (và thực sự là phần lớn không có khả năng này), phần này không dành cho bạn, bạn chỉ cần đầu tư thụ động vào quỹ chỉ số là đủ tốt rồi.
Nếu như bạn đọc tiếp tục, người viết tin rằng bạn nghĩ mình là một trong những nhà đầu tư thiểu số đủ tư cách để tham gia đầu tư chủ động. Nếu bạn thật sự tin tưởng vào khả năng của bản thân, người viết cũng không có lí do gì để nghi ngờ điều đó. Bạn có thể thật sự là một trong số những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi của thị trường, có thể không, thời gian sẽ trả lời tất cả!
Đầu tư chủ động có hai trường phái nổi tiếng bao gồm:
1. Đầu tư giá trị
2. Đầu tư tăng trưởng
Giải thích một cách đơn giản nhất, các nhà đầu tư giá trị tìm mua các công ty đang được rao bán trên thị trường với mức giá thấp hơn so với giá trị nội tại của doanh nghiệp trong khi các nhà đầu tư tăng trưởng tìm kiếm các công ty mà giá trị nội tại sẽ tăng trưởng một cách nhanh chóng trong tương lai.
Phương pháp đầu tư giá trị được ra đời bởi nhà đầu tư huyền thoại Benjamin Graham, và sau này được hoàn thiện bởi Warren Buffett. Warren Buffett đã sử dụng phương pháp này trong những ngày đầu ông tham gia vào thị trường và đã có được thành tích đáng kinh ngạc khi ông còn điều hành quỹ Buffett Partnership trước khi trở thành chủ tịch của Berkshire Hathaway.
Đối với một nhà đầu tư giá trị, cổ phiếu không phải là một tờ vé số mà nhà đầu tư điên cuồng mua bán đổi chác trên thị trường. Cổ phiếu là một phần sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp, là một vật thể hữu hình có giá trị nội tại của riêng nó, và nếu như nhà đầu tư có thể mua vật thể này dưới giá trị nội tại thì đó là hành động đầu tư khôn ngoan. Dĩ nhiên, kĩ năng ước lượng giá trị nội tại của công ty càng chính xác thì lợi thế cạnh tranh của nhà đầu tư càng lớn và giá mua càng thấp so với giá trị nội tại thì điểm mua đó càng an toàn. Điều này đặt ra câu hỏi là:
Điều gì tạo nên giá trị nội tại của một công ty?
Khi cân nhắc câu hỏi trên, có rất nhiều yếu tố làm cho một công ty trở nên có giá trị trong mắt nhà đầu tư. Các câu trả lời điển hình có thể bao gồm: giá trị tài sản, thương hiệu, sức khỏe tài chính, tiềm năng tăng trưởng, ban lãnh đạo trung thực và có năng lực, etc. Xét một cách thực tế, tất cả những yếu tố trên đều đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra dòng tiền tương lai của doanh nghiệp. Thu nhập và dòng tiền kinh doanh là những yếu tố tiên quyết khẳng định giá trị nội tại của một doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư.
Đầu tư giá trị nhấn mạnh tầm quan trọng của tài sản hữu hình và các các yếu tố khách quan có thể định lượng được trong việc xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp. Những yếu tố vô hình như thương hiệu, văn hóa công ty, nhân tài, tiềm năng tăng trưởng dài hạn không đóng một vai trò thiết yếu trong công việc định giá. Đối với những nhà đầu tư giá trị, việc định giá doanh nghiệp sẽ an toàn hơn nếu như họ chỉ tập trung vào những nhân tố có thể định lượng một cách chính xác như tài sản hữu hình, dòng tiền, cổ tức, nhà máy, đất đai, etc thay vì những yếu tố vô hình không thể được ước tính một cách khách quan.
Mục đích tối thượng của đầu tư giá trị là mua công ty với mức giá "bèo bọ" so với giá trị nội tại, nếu họ gặp một doanh nghiệp đang được rao bán với mức giá discount 30-50% trên thị trường, họ sẽ thêm những công ty này vào danh sách mua tiềm năng và sẽ xuống tiền ngay lập tức khi thời điểm hợp lí. Đối với nhà đầu tư giá trị, mua rẻ là đầu tư khôn ngoan!
Khác với đầu tư giá trị, đầu tư tăng trưởng hướng về tương lai của doanh nghiệp. Phương pháp đầu tư tăng trưởng được giới thiệu lần đầu tiên qua cuốn sách "Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường" của Philip Fisher, một nhà đầu tư mà Warren Buffet cũng rất ngưỡng mộ. Với triết lí đầu tư của riêng mình, ông đã gây tiếng vang lớn trong giới đầu tư thời bấy giờ và có một tầm ảnh hưởng nhất định với phố Wall thông qua thành tích đầu tư phi thường của mình.
Trong cuốn sách của mình, Philip Fisher đã từng nhận xét "Tôi không muốn dành cả đời để theo đuổi vô số các khoản lợi nhuận cỏn con không đáng kể. Tôi muốn những khoản lợi nhuận khổng lồ mà tôi sẵn sàng chờ đợi để có được nó". Những khoản lợi nhuận khổng lồ mà Philip Fisher nói luôn đến từ những công ty có tiềm năng phát triển phi thường trên thị trường. Nhà đầu tư tăng trưởng mua cổ phiếu một công ty khi họ tin rằng giá trị nội tại trong tương lai sẽ tăng đủ nhanh để tạo ra một khoảng lợi nhuận đáng kể. Nhà đầu tư tăng trưởng sẵn sàng mua cổ phiếu với giá cao, thậm chí là cao hơn so với giá trị nội tại của công ty tại thời điểm mua, nếu như họ tin rằng tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp đủ lớn trong tương lai. Nếu như nhà đầu tư giá trị thích đi shopping flash-sale và mua những món hời trên thị trường thì nhà đầu tư tăng trưởng lại tập trung vào những siêu sao, hoa hậu, và Diva của giới đầu tư.
Mục đích tối thượng của nhà đầu tư tăng trưởng là mua những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng phi thường, và họ sẵn sàng trả mức giá cao cấp để có được những ngôi sao này. Tiềm năng phát triển càng lớn thì mức độ chịu chi càng cao. Lí do mà họ sẵn sàng chi lớn cho những thương vụ đầu tư này là vì họ tin rằng mức giá hiện tại vẫn chấp nhận được so với tiềm năng của công ty trong tương lai. Như cái tên đã gợi ý, điều mà các nhà đầu tư tăng trưởng tìm kiếm chưa bao giờ là giá trị mà là sự tăng trưởng!
Đầu tư mạo hiểm (venture capital) là trường hợp thú vị nhất của đầu tư tăng trưởng. Có bao giờ bạn đọc tự hỏi tại sao các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng rót tiền cho những startup đang thua lỗ triền miên không? Vào năm 2013 khi Twitter lên sàn chứng khoán và trở thành công ty đại chúng, giá trị vốn hóa của công ty là $24 tỷ đô, trong khi giá trị vốn hóa của một trong những đại thụ trong ngành báo chí là New York Times chỉ có $2 tỷ đô. Tuy nhiên, Twitter thời điểm đó đang thua lỗ triền miên trong khi lợi nhuận năm 2012 của New York Times là $133 triệu đô. Tại sao một chuyện tưởng chừng phi lý như thế lại có thể xuất hiện được?
Câu trả lời thực ra rất đơn giản: dòng tiền mặt tương lai (future cash flow). Không phải là Twitter đang thua lỗ sấp mặt trong khi New York Times đang có lợi nhuận hay sao? Dòng tiền gì ở đây? Điều này nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng logic lại khá đơn giản. Chất lượng của một doanh nghiệp được xác định bằng khả năng tạo ra dòng tiền kinh doanh trong tương lai. Nhà đầu tư tin rằng giá trị của Twitter không nằm ở hiện tại mà nằm ở tương lai khi công ty phát triển tới một tầm vóc đủ lớn mà khả năng tạo ra dòng tiền kinh doanh của Twitter sẽ dễ dàng làm cho ban lãnh đạo New York Times phải ghen tỵ như những cô nàng tuổi 16 mới biết yêu.
Nói một cách khác, giá trị vốn hóa của một công ty là tổng tất cả dòng tiền mặt mà nó có thể tạo ra trong giai đoạn tồn tại của mình (dòng tiền tương lai phải được quy đổi về giá trị hiện tại do giá trị của 100 đô trong tương lai sẽ luôn có giá trị thấp hơn 100 đô hiện tại). Nếu như nhìn qua lăng kính dòng tiền kinh doanh tương lai, ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về chất lượng của những công ty tăng trưởng nhanh chóng (Twitter) so với những công ty tăng trưởng chậm chạp (New York Times). Sự khác biệt sẽ ngày càng được lũy kép qua thời gian và sẽ tạo ra một khoảng cách gần như không thể san lấp, từ đó sản sinh ra một môi trường cạnh tranh gần như độc quyền giữa một gã khổng lồ trong ngành và những chú lùn nhỏ bé còn lại. Sự phát triển của Google, Facebook, Amazon đều đi theo hình mẫu cơ bản này.
Nói một cách đơn giản, nhà đầu tư giá trị tìm kiếm những công ty đang bị rao bán với mức giá thấp so với giá trị nội tại của công ty, và sẽ bán kiếm lời khi mức giá chiết khấu hồi quy về mức giá trị nội tại (thị trường không sớm thì muộn cũng sẽ nhận ra sai lầm của mình và nhanh chóng khắc phục nó). Khác với đầu tư giá trị, nhà đầu tư tăng trưởng tìm kiếm cơ hội ở những công ty có khả năng tăng trưởng giá trị nội tại một cách nhanh chóng để tạo ra một mức lợi nhuận đầu tư đáng kể trong tương lai.
Với những thông tin trên, rất nhiều chuyên gia phân tích đã kết luận rằng đầu tư giá trị chỉ tập trung vào hiện tại trong khi đầu tư tăng trưởng chỉ quan tâm tới tương lai. Một bên chỉ quan tâm tới giá trị nội tại ngay tại thời điểm bây giờ, một bên lại chỉ suy nghĩ về giá trị nội tại trong tương lai. Tuy nhiên, liệu sự khác biệt trên có thật sự chính xác? Liệu sự tách bạch giữa đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng có thật sự quan trọng như nhiều người vẫn nghĩ?
Đọc thêm:
Sự tiến hóa trong phong cách đầu tư của Warren Buffett
Trường phái đầu tư giá trị được nhiều người biết đến cũng là lúc tên tuổi của Warren Buffett ngày càng trở nên nổi tiếng trong giới đầu tư vào những ngày đầu khi ông còn quản lý quỹ Buffett Partnership. Vốn là học trò của Benjamin Graham, ông thấm nhuần những nguyên tắc quan trọng của đầu tư giá trị. Trong giai đoạn mà Internet còn chưa ra đời, thông tin về công ty đại chúng không dễ dàng để tiếp cận như hiện nay, Warren Buffett đã ngồi đọc quyển Moody's Manual dày hàng ngàn trang để tìm kiếm thông tin tài chính về các công ty khác nhau, ông đã mua rất nhiều doanh nghiệp có giá thị trường thấp hơn rất nhiều so với giá trị thanh lí doanh nghiệp (số tiền mà công ty còn lại sau khi bán tất cả tài sản cũng như thanh toán tất cả nợ tồn đọng). Ông có thể mua rẻ như thế đơn giản là vì tại thời điểm đó không có ai đang chú ý tới những doanh nghiệp như thế này. Ông đã rất thành công với chiến lược này, lục tìm những món hời được chôn vùi trong những quyển sách Moody's Manual dày hàng ngàn trang không ai muốn đọc. Ông hài hước miêu tả phương pháp đầu tư này là "Mua một đô la với giá 50 cents".
Vời thành tích vượt trội khi điều hành Buffett Partnership, không khó hiểu khi ông đã rất tự tin về chiến lược đầu tư giá trị cho tới khi ông điều hành Berkshire Hathaway cùng với Charlie Munger. Nếu người viết phải đưa ra nhận định cá nhân về nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp đầu tư của Warren Buffett thì đó sẽ không phải là Benjamin Graham mà là Charlie Munger. Ông là người đã thành công thuyết phục Warren Buffett từ người chuyên đi săn các món hời trên thị trường trở thành ông chủ của các công ty tuyệt vời. Các bạn còn nhớ câu nói nổi tiếng của Warren Buffett "Mua một công ty tuyệt vời với giá hợp lý tốt hơn nhiều so với một công ty hợp lý với mức giá tuyệt vời" không? Công của Charlie Munger cả đấy!
Đầu tư giá trị đã giúp Warren Buffet kiếm được rất nhiều tiền khi ông còn điều hành Buffett Partnership, nhưng với quỹ vốn đầu tư khổng lồ khi điều hành Berkshire Hathaway, ông đã bắt đầu đầu tư vào những công ty tăng trưởng tuyệt vời như Coca Cola, American Express, hay mới đây nhất là Apple. Có rất nhiều lí do giải thích về sự thay đổi trong phong cách đầu tư của Warren Buffett, nhưng đối với người viết, lí do quan trọng nhất chỉ có một - ông hiểu về sức mạnh của lãi kép và muốn tận dụng triệt để quyền năng này. Ông không thể làm điều này với phương pháp đầu tư của Benjamin Graham!
Đối với Warren Buffet, miễn là công ty mà ông nắm giữ vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, ông sẽ không bao giờ bán danh mục đầu tư của mình bất kể thị trường có trả giá ra sao. Đây là một sự khác biệt quan trọng với phương pháp mà ông từng sử dụng. Khi còn điều hành Buffett Partnership, ông sẽ mua những doanh nghiệp bị định giá rất thấp so với giá trị nội tại và sẽ bán kiếm lời khi mức giá thị trường hồi quy về mức giá trị nội tại. Với sự trợ giúp từ Charlie Munger, ông bắt đầu tìm kiếm những công ty thật sự chất lượng với tiềm năng tăng trưởng dài hạn, ông sẵn sàng mua những ngôi sao này với mức giá có thể làm cho người thầy của ông Benjamin Graham phải khóc thét vì xót tiền, và sau đó ông đơn giản là nắm giữ danh mục đầu tư của mình bất chấp biến động của thị trường.
Einstein đã từng nói rằng "Lãi kép là kì quan thứ tám của nhân loại". Thực ra không có bất kì ghi chép lịch sự nào xác nhận Einstein đã từng nói câu trên, nhưng điều này lại một lần nữa khẳng định quyền năng của lãi kép. Mặc dù đã qua đời rất lâu, Einstein vẫn liên tiếp nhận được "tiền lãi" bằng cách trở thành "tác giả bất đắc dĩ" cho những câu châm ngôn nổi tiếng mà ông chưa bao giờ nói. Có lẽ chúng ta không nên quá ngạc nhiên, với những người am hiểu về sự phân bổ lãi kép (quy luật 80/20 hoặc quy tắc Pareto), một số nhỏ những nhân vật lỗi lạc như Einstein hay Mark Twain sẽ luôn nhận được phần lớn công lao cho những câu nói hay nhất trên thế giới, cho dù họ có thật sự đã từng nói điều trên hay không. Có lẽ Einstein chưa bao giờ nói câu trên, nhưng lãi kép đích thị là kì quan thứ tám của thế giới. Với quyền năng của lãi kép, Warren Buffet đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.
Hơn 80% giá trị tài sản ròng Warren Buffett có được là khi ông đã bước qua tuổi 60. Để có được thành công như hiện nay, sự kiên nhẫn trong việc nắm giữ chính là chìa khóa quan trọng nhất trong chiến lược đầu tư của ông. Miễn là công ty vẫn còn tiềm năng tăng trưởng, ông sẽ không bao giờ suy nghĩ đến việc thanh lý. Ông hiểu rằng chừng nào ông còn nắm giữ danh mục đầu tư, chừng đó lãi kép vẫn còn phục vụ cho lợi ích của mình thông qua sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Tính tới thời điểm hiện tại ông vẫn còn nắm giữ 400 triệu cổ phiếu Coca Cola ông bắt đầu mua từ năm 1988 với giá tổng cộng là $1.3 tỷ đô. Giá trị của khoản đầu tư này được ghi nhận là $20.7 tỷ đô năm 2019 với mức lợi nhuận sổ sách là $19.4 tỷ đô, và khoản lợi nhuận này còn chưa tính tới cổ tức Coca Cola chi trả hàng năm. Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lãi kép!
Nhiều người vẫn nghĩ Warren Buffett là một nhà đầu tư giá trị vì đây là trường phái đã làm nên tên tuổi của ông. Điều đó có thể đúng khi ông còn điều hành Buffett Partnership, nhưng hiện tại phong cách đầu tư của Warren Bufett đã tiến hóa lên một tầm vóc cao hơn những gì mà người thầy của ông Benjamin Graham có thể tưởng tượng. Ông không hề dẹp bỏ hoàn toàn triết lí đầu tư giá trị, thực tế ông vẫn còn áp dụng rất nhiều quy tắc cũ mỗi khi cân nhắc các khoản đầu tư mới, ông chỉ đơn giản là phát triển một phong cách đầu tư phù hợp hơn với bản thân của mình, một phương pháp ưu việt hơn khi ông phải quản lí quỹ vốn khổng lồ của Berkshire Hathaway.
Nếu như Warren Buffett phân biệt rạch ròi giữa đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng, ông sẽ không bao giờ có được thành công to lớn như ngày nay. Ông vốn là người từng không am hiểu về công nghệ và không thích đầu tư vào những công ty công nghệ tăng trưởng nhanh. Nếu ông vẫn tư duy theo lối mòn này, ông sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm và quyết định phân bổ một nguồn vốn khổng lồ của Berkshire Hathaway vào Apple. Không ngạc nhiên lắm khi Apple, mặc dù chỉ được đầu tư trong một khoảng thời gian khá ngắn, lại là một trong những khoản đầu tư lợi nhuận nhất của tập đoàn.
Đầu tư giá trị hay đầu tư tăng trưởng cũng chỉ nên hiểu đơn giản như là đầu tư, bất kì phương thức nào có thể giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư khôn ngoan hơn thì không có lí do gì để ta không tiếp nhận cả. Như một câu nói nổi tiếng trong giới kinh doanh "Nếu bạn chỉ có duy nhất một cây búa trong hộp đồ nghề, mọi vấn đề đều trông giống như cây đinh". Để tư duy hiệu quả hơn, nhà đầu tư cần phải đa dạng hóa hộp đồ nghề tư duy của chính mình, đừng bao giờ suy nghĩ theo lối mòn, và phát triển triết lí đầu tư riêng phù hợp với tính cách và năng lực của bản thân!
Đọc tiếp:
Nguồn tham khảo:
- The Intelligent Investor - Benjamin Graham
- Zero to One - Peter Thiel
- The Essays of Warren Buffett - Lawrence Cunningham
- The Most Important Thing Illuminated - Howard Marks
- Uncommon Stocks and Uncommon Profits - Philip Fisher
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất