Một vai diễn trên mạng xã hội?
Chúng ta rốt cuộc là ai trên màn kịch mạng ảo?
Một tháng trước tớ tình cờ đọc được bài viết của một người bạn với tiêu đề "Một vai diễn thể hiện sự tốt đẹp" trên facebook. Cụ thể là bạn ý cho rằng, việc mỗi cá nhân xây dựng hình ảnh bản thân trên MXH cũng giống với việc người đó đang cố gắng thể hiện bản thân dưới một "vai diễn" nào đó trong màn kịch mạng ảo. Và coi bản thân dưới vai trò là người đứng trong quan sát "màn kịch" ấy, bạn ý băn khoăn mình nên "đóng vai" gì.
Tớ đã suy nghĩ rất lung kể từ dạo đọc được bài viết ấy. Nhất là khi có chủ ý đăng hoặc share gì đó qua mạng xã hội, nó cứ tự ý nhảy vào dòng suy nghĩ, khiến tớ không khỏi tự đặt câu hỏi: "Mình đang muốn thể hiện điều gì qua story này hay bài post này đây? - Mình muốn đang đóng vai gì vậy?" Thế là mỗi lần đăng lên gì đó trên MXH, tớ học cách chậm lại, quan sát suy nghĩ và cảm xúc của bản thân kỹ hơn một chút. Tớ chiêm nghiệm được rằng, có hai thời điểm mà tớ tích cực muốn thế giới biết tớ đang làm gì và cảm thấy như thế nào nhất là (1) khi tớ muốn chứng tỏ rằng mình đang hạnh phúc và (2) khi tớ cảm thấy thật cô đơn.
1. Hãy nhìn tôi đi: Một cuộc sống thật tuyệt vời!
Điều gì khiến bạn nhấc camera lên để chụp cái gì đó? Vì bạn muốn ghi lại và lưu giữ những khoảnh khắc hết sức sức đáng yêu, đẹp đẽ, lãng mạn, hạnh phúc, tuyệt vời, đáng tự hào về những điều diễn ra trong cuộc sống của mình? - hay phần lớn hơn, băn khoăn rằng: "Không biết mọi người sẽ nghĩ gì về bức ảnh này nhỉ"? Suốt một thời gian dài, đó là những gì tớ nghĩ mỗi khi quyết định đăng tải một bức ảnh nào đó lên facebook hoặc instagram story. "Nhìn xem, con mèo của tớ thật đáng yêu / Nhìn xem, tớ dễ thương đấy chứ / Nhìn xem, tớ thật hạnh phúc vì có những người bạn tuyệt vời / Nhìn xem, tớ quan tâm tới sức khỏe lắm nhé / Nhìn xem, tớ còn là người ham đọc / Nhìn xem, hôm nay tớ có một chuyến đi xa / Hãy nhìn tớ đi, tớ... có một cuộc sống thật tuyệt vời!"
Rồi sau đó, thật buồn cười khi có những lần tớ bồn chồn chờ lượt view tăng lên, tớ tò mò ai đã thả reaction, ai nhắn tin, ai quan tâm tới tớ. MXH thật là một nơi tuyệt vời đúng không? Nó khiến bất cứ ai, dù nhỏ bé và có vai trò khiêm tốn đến đâu, cũng có cơ hội được nêu quan điểm, suy nghĩ và cảm thấy mình quan trọng như việc đặt câu hỏi "What's on your mind" ở ngay đầu trang chủ.
Tớ muốn thể hiện điều gì qua những gì tớ chia sẻ ư? Tớ muốn thấy mình là người quan trọng. Tớ muốn mọi người thấy tớ có một cuộc sống thật tuyệt vời. Tớ muốn tiếng nói của mình được lắng nghe, và muốn mọi người quan tâm tới sự có mặt của tớ: "Này, nhìn đi! Tôi đang ở đây đấy!"
"Thùng rỗng kêu to"
Nhưng tại sao tớ lại muốn tất cả những thứ đó? Ý tớ là, tại sao tớ muốn được quan tâm, được lắng nghe và được công nhận? Câu trả lời có hai lý do. Lý do thứ nhất nhận ra khiến tớ phì cười khi đọc đoạn đối thoại giữa bà Elm và Nora trong Thư viện nửa đêm: "Muốn là một từ khá thú vị. Nó có nghĩa là thiếu thốn. Đôi khi, nếu chúng ta lấp đầy sự thiếu thốn ấy bằng một thứ gì khác thì mong muốn bạn đầu sẽ biến mất hoàn toàn" .
À há, hóa ra bấy lâu nay mình thiếu thốn đến thế cơ đấy! Tớ cứ nghĩ mình thật hạnh phúc, thật đủ đầy, nhưng hóa ra đó chỉ là lớp vỏ che lấp đi sự nghèo nàn, thiếu thốn và trống rỗng bên trong đang cồn cào thèm khát được khỏa lấp bằng sự quan tâm và công nhận từ người khác. Những người giàu không cần khoe họ có nhiều của cải. Những người hạnh phúc không cần hét lên rằng họ đang rất hạnh phúc. Và những người thông thái thì chẳng nhận họ biết tất thảy mọi thứ trên đời bao giờ. Chỉ những người không có mới muốn chứng minh rằng mình có. Thùng rỗng thì kêu to mang hàm nghĩa là vậy.
"Muốn là một từ khá thú vị. Nó có nghĩa là thiếu thốn. Đôi khi, nếu chúng ta lấp đầy sự thiếu thốn ấy bằng một thứ gì khác thì mong muốn bạn đầu sẽ biến mất hoàn toàn"
Và bằng việc cố tỏ ra mình là một người tuyệt vời, tớ chẳng qua chỉ đang diễn rất tròn vai diễn của một người có cuộc sống tuyệt vời, cố giành lấy sự chú ý của những diễn viên khác cũng đang bận rộn thể hiện vai diễn của họ, và thu hút những vị khách với bận tâm ngắn ngủi vỏn vẹn có 3s cho từng vở kịch họ lướt qua.
"Biết ta đích thực là ai"
Lý do thứ hai tớ mong muốn sự quan tâm và được công nhận từ người khác khiến tớ nhận ra dù sao tớ cũng chỉ là một con người rất người: tớ chưa thực sự hiểu bản thân, chưa thực sự biết mình là ai và mình có những giá trị sống cốt lõi nào. Alain de Botton đã từng viết trong Nỗi lo âu về địa vị: con người khi không chắc chắn về những giá trị thâm căn cố đế của mình, cũng như không biết mình là ai sẽ "thường quay sang thế giới rộng lớn hơn để đặt câu hỏi về tầm quan trọng của chúng ta."
Hiểu bản thân là một chặng hành trình dài đầy khó khăn. Nó đòi hỏi chúng ta phải quan sát, trải nghiệm, tự vấn và đúc kết liên tục, cũng như năng lực đi sâu vào nội tâm để có thể thấu hiểu chính ta một cách nguồn cội. Nhưng trong một thế giới bị xao nhãng bởi quá nhiều tác động ngoại cảnh bên ngoài và lối sống bề nổi, ngại cái khó và ưa sự dễ dàng, việc quay sang thế giới để đặt câu hỏi về tầm quan trọng của chúng ta có vẻ nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều.
Nhưng sự "biết mình" đích thực có thể đến từ những lời nhận xét bên ngoài không? Liệu sẽ ra sao nếu một cá nhân với tinh thần được coi là "cầu tiến" chấp nhận mọi ý kiến cũng như niềm tin của người khác về anh ta chính là bản thân anh ta? Và sẽ ra sao nếu một người tin rằng giá trị của anh ta được định giá bằng những con số: số like, share, comment hay một ít quan tâm của những người còn đang quá bận rộn lo cho cuộc sống của họ? Càng mong cầu sự công nhận và quan tâm từ thế giới bên ngoài, chúng ta càng sống bề nổi và ít quan tâm đến thế giới bên trong của chính mình, vì vậy, càng hiểu ít về bản thân mình hơn. Và càng hiểu ít về bản thân, chúng ta lại càng mong cầu sự đánh giá và công nhận từ người khác. Một vòng lặp của sự lạc lối.
2. Sự cô đơn
Có những khoảng thời gian tớ thực sự cảm thấy cô đơn. Và tớ bật cười khi vài đứa em cũng phàn nàn với tớ về tình trạng "thèm người" của chúng nó, dù có đứa mới chỉ chập chững năm nhất, năm hai đại học. Đứa em trai còn bảo mình "Ngoài những lúc đi đá bóng ra còn lại em cảm thấy chán lắm". Hay khi nghe kể nó muốn đi rất nhiều nơi, mình hỏi ủa vậy sao không đi đi, nó bảo "làm gì có ny đi cùng đâu mà đi"- "Ủa sao m cô đơn đến nỗi này hả em?" - tớ hơi ngạc nhiên. Đúng là nhiều khi tớ cảm thấy cô đơn thật, nhưng chưa bao giờ nghĩ cần người yêu thì mình mới có thể làm việc này hay đi đâu đó vì mình không bao giờ thích cảm giác phải bị phụ thuộc hay giới hạn bản thân chỉ vì một người nào đó.
Quay trở lại câu chuyện của tớ, có một số thời điểm tớ quan sát thấy bản thân chẳng có gì thú vị cần đăng story, nhưng vì buồn chán và cần ai đó nói chuyện quá mà tớ sẽ up đại một thứ gì đó để "lỡ" có người inbox thì sao. Nói ra thật xấu hổ vì cái mục đích xấu xí này, nhưng những lúc ấy hẳn là tâm hồn tớ cằn cỗi quá, bên trong tớ trống rỗng và nhàm chán, nên mới cần ai đó để thỏa lấp sự rảnh rỗi của mình (nhưng thường là tớ rất lười rep ib). Vậy lúc đó tớ đóng vai gì nhỉ? Hmm... Một kẻ ăn mày đáng thương chực chờ người khác ban phát sự quan tâm ư? Nghe cũng có vẻ hợp lý (và cũng thật thảm hại =))
Nhưng tớ không phán xét bản thân vì những hành động không được khôn ngoan lắm trong quá khứ. Thứ nhất là vì tớ là một con người với bản năng mong muốn được gắn kết mạnh mẽ, nên cô đơn là điều không thể tránh khỏi. Thứ hai, giống như Alan Watts từng nói, cuộc sống tất yếu phải có cả trắng và đen, không có cái này thì không thể nhận thấy cái kia và ngược lại, nên sự cô đơn là thứ cần thiết để tớ trân trọng những phút giây được ở bên và gắn kết với những người tớ trân quý trong đời. Đồng thời, tớ cũng học được rằng, không có cách nào làm quen với sự cô đơn tuyệt vời hơn là kết nối và xây dựng tình yêu với chính mình trước tiên. Rằng khi trong mình có thật nhiều tình yêu, sự tròn đầy, sự bao dung thì mình mới có thể vị tha và trao đi tình yêu thương cho người khác được.
Nhận biết được những điều đó, cùng với việc tập trung vào bản thân nhiều hơn, trau dồi và làm mới bản thân hằng ngày hay dành thời gian vào những mối quan hệ chất lượng, tớ không còn cảm thấy cô đơn nhiều nữa. Tớ cũng hạn chế mức tối đa việc truy cập MXH, và mỗi lần thực sự cần đăng gì đó lên MXH, tớ sẽ tự hỏi bản thân là 1-Có phải mình đang chứng minh rằng mình hạnh phúc không và 2-Có phải mình đang cô đơn nên cần sự quan tâm của ai đó không. Nếu câu trả lời là không thì tớ sẽ không ngại ngần nữa, còn nếu câu trả là có thì tớ sẽ "slightly put it down".
3. Một cái bẫy
Vậy việc sử dụng và đăng tải cuộc sống của chúng ta lên MXH vì những mục đích như thế (chứng minh rằng mình đang hạnh phúc và vì cô đơn) có là việc sai trái không? Không. Nhưng theo tớ, đó là một cái bẫy nguy hiểm. Alain de Botton viết tiếp:"Sự thờ ơ làm nổi bật việc tự đánh giá đầy tiêu cực về tài năng của chúng ta, trong khi một nụ cười hay lời khen nhanh chóng đưa ra điều ngược lại. Chúng ta dường như để ý đến những niềm yêu mến của kẻ khác để chịu đựng bản thân mình." Nếu không "biết mình" đủ nhiều, chúng ta dễ dàng rơi vào tình trạng "gió chiều nào xoay chiều ấy". Việc được nhiều người ngợi khen và tán ca rốt cuộc chỉ thổi phồng và ve vãn cái tôi đầy cao ngạo của chúng ta, khiến chúng ta tin rằng mình thực sự có giá trị.
Nhưng sau đó thì sao? Khi bức màn hạ xuống và chỉ còn lại một mình, chúng ta cũng chẳng khác gì một con cừu đen cô độc nghi ngờ và tiếp tục lắng lo nếu một ngày niềm tin về giá trị của chính mình không được củng cố. Rồi một ngày chúng ta mới vỡ lẽ, hóa ra bấy lâu nay mình chỉ sống dựa trên những tiêu chuẩn, đánh giá của người khác, niềm vui của chúng ta dựa trên thái độ quan tâm hay thờ ơ của thế giới bên ngoài, và giá trị của chúng ta cũng chỉ mỏng manh như con diều đầu gió.
4. "Vai diễn thể hiện sự tốt đẹp"
Thật thú vị là khi bản thân nhận thức được những suy nghĩ và hành động nhằm thu hút sự quan tâm và công nhận của người khác về mình để có cảm giác rằng mình tốt đẹp hay chạy trốn sự cô đơn, tớ cũng đồng thời để tâm nhằm hiểu hơn về mục đích phía sau tất cả những bức ảnh hay bài đăng mà mọi người đang cố gắng thể hiện trên MXH. Tớ thực sự không thích ý tưởng chúng ta đang "diễn" một chút nào, nhưng cũng cần chấp nhận một sự thật rằng một thế giới "ảo" thì khó có thể trở thành thế giới "thật" được nhỉ.
Và vì MXH thì chỉ phô ra những mặt tốt đẹp, tuyệt vời, đáng ngưỡng mộ của chúng ta thôi, trong khi thứ khiến ai đó là chính họ, một cách toàn vẹn nhất, còn bao gồm cả những mảnh ghép không đẹp đẽ, nên việc cho rằng chúng ta đang "diễn" cũng là một suy nghĩ khá thú vị.
Sau cùng thì, người bạn của tớ nói cậu ấy muốn một vai diễn thể hiện sự tốt đẹp (còn thế nào là một vai diễn thể hiện sự tốt đẹp lại là một câu hỏi đau đầu khác). Đó là một vai diễn của sự tử tế. Điều đó có nghĩa là khi đăng tải, chia sẻ hoặc truyền đi bất cứ một thông điệp gì trên MXH, chúng ta cần nhận thức rõ ràng về hành động của bản thân sẽ tạo ra những tác động như thế nào đối với những người xung quanh và xã hội. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần nhận thức rõ ràng về điều gì là tốt đẹp cho chính bản thân ta, và hiểu động cơ nguồn cội sau mỗi hành động của ta là gì.
Viết đến đây, câu nói của Nora trước khi dần tan biến trước màn diễn thuyết hơn một ngàn người cứ vang vọng trong tớ:
"Nhưng dù sao, hãy sống tử tế... và sống tế thôi."
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất