Hoạt động đầu tư luôn đi kèm với rủi ro như hai mặt của đồng tiền xu. Mỗi khi cân nhắc về một khoản đầu tư nhất định, không sớm thì muộn ta cũng phải nghĩ về rủi ro đi kèm với nó. Nhà đầu tư thiết kế danh mục đầu tư của riêng mình và hi vọng rằng nhận định cá nhân của mình về chất lượng doanh nghiệp sẽ được thị trường công nhận trong tương lai. Tuy nhiên, không ai trong chúng tai lại sở hữu khả năng biết trước tương lai một cách chính xác. Tương lai là hoàn toàn bất định, nhưng hoạt động đầu tư lại gắn liền với tương lai như hình với bóng. Học cách đương đầu với sự bất định của tương lai cũng chính là học cách kiểm soát rủi ro trong đầu tư. Để trở thành một nhà đầu tư thông minh, kiểm soát rủi ro là kỹ năng bắt buộc phải có.
Trong giai đoạn uptrend, bất kỳ gã ngốc may mắn nào cũng trông giống như một thiên tài. Thật khó để mà phân biệt kỹ năng với ngu ngốc bẩm sinh khi thị trường bay cao trên lưng một con bò tót đang hưng phấn. Khi thị trường đi lên, đặt tiền vào đâu cũng chỉ thấy lãi, cách dễ nhất để tăng thêm lợi nhuận, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của lòng tham, là chấp nhận thêm nhiều rủi ro. Gia tăng tỷ lệ đòn bẫy nợ margin trở thành phong cách mặc định của hầu hết những nhà đầu tư non nớt, vay mượn số tiền bạn không thể chi trả trong tương lai để đặt cược tất cả vào thị trường. Suy cho cùng rất khó để đứng yên và không làm gì khi thằng khác đang giàu lên nhanh chóng với chế độ "full margin".
"Chỉ khi nào sóng xuống ta mới biết ai đang bơi mà không mặc quần" Warren Buffett vẫn thường đùa khi nói về sự hưng phấn điên loạn của thị trường. Tiếc rằng đa phần nhà đầu tư, khi lòng tham được tiếp lửa liên tục trong giai đoạn uptrend, vẫn phải học đi học lại bài học đau đớn rằng "Sập Thị Trường + Full Margin = Cháy Tài Khoản". Rủi ro luôn là một phần thiết yếu của thị trường, bất kỳ quyết định nào nhà đầu tư đưa ra sẽ luôn có rủi ro tiềm ẩn đi kèm. Bạn sẽ không bao giờ có thể thành công dài hạn trên thị trường nếu không biết cách kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư. Thị trường rất tàn nhẫn!
Đừng trở thành những người mà khi sóng xuống bạn không có gì để che thân cả!

Ảo tưởng của giới học thuật

Nếu các bạn đã từng học qua tài chính kinh tế, rủi ro được định nghĩa bằng chỉ số Beta, một cách gọi "sang chảnh" cho mức độ biến động của một cổ phiếu nhất định so với biến động chung của thị trường. Rủi ro được đo lường bằng sự biến động giá của cổ phiếu đó trong quá khứ khi so sánh với thị trường. Với logic này, khi giá một cổ phiếu rớt thê thảm sau một đợt suy thoái, sẽ được cho là "rủi ro hơn" nếu như mức giá vẫn giữ quanh ở mốc cũ. Mua một cổ phiếu rớt giá sau một đợt biến động mạnh mẽ sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn cho nhà đầu tư khi so sánh với việc vẫn mua cổ phiếu đó với mốc giá cũ. Phải, các bạn không đọc nhầm đâu, logic của giới học thuật về chỉ số Beta nói rằng "mua rẻ rủi ro hơn khi mua mắc đấy".
Đây là thứ nhảm nhí mà các trường kinh tế tài chính vẫn dạy cho học sinh của mình hàng năm. Toàn bộ lí thuyết về xây dựng danh mục đầu tư cũng như phương thức phân bổ vốn tối ưu đều được xây dựng dựa trên nền tảng Beta - chỉ số biến động giá cổ phiếu trong quá khứ. Các sinh viên kinh tế - tài chính bỏ một số tiền không nhỏ chỉ để học những thứ vớ vẩn hoàn toàn tách rời khỏi thực tại, và các giáo sư thì vẫn luôn rao giảng những điều này như thế nó là chân lý. Không biết bao lần các nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới công kích về khái niệm Beta của giới hàn lâm là hoàn toàn phi thực tế. Đối với họ, rủi ro mà nhà đầu tư thật sự đối mặt chưa bao giờ là sự biến động trong giá cả của cổ phiếu. Do đó hầu hết những gì các giáo sư dạy tại trường đại học đều không có tính áp dụng thực tiễn trong đầu tư. Tuy nhiên, mặc kệ cá có bơi nhanh cỡ nào, thỏ vẫn luôn đòi dạy cá cách bơi.
Để hiểu tại sao sự ảo tưởng này lại tồn tại lâu đến thế, có lẽ chúng ta nên quay về nguồn gốc thủy tổ của lĩnh vực kinh tế học hiện đại, người đàn ông có tên Adam Smith. Trong quyển sách Wealth of Nations nổi tiếng của mình, những suy nghĩ sâu sắc của Adam Smith đã đặt nền móng vững chắc mà từ đó những người đến sau ông đã từ từ xây dựng lên ngôi nhà kinh tế học đồ sộ ngày nay. Với sự ảnh hưởng sâu rộng của mình, rất nhiều người lầm tưởng ông là một nhà kinh tế học. Tuy nhiên, Adam Smith chưa bao giờ thực sự xem mình là một nhà kinh tế học thuần túy, từ trước đến giờ ông vẫn luôn tự hào khi giới thiệu mình là một triết gia.
Nếu bạn đọc đã từng đọc qua cuốn Wealth of Nations, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy bất kì một công thức toán học hay biểu đồ kinh tế nào được viết ra bởi Adam Smith, một thực tại hoàn toàn trái ngược so với sách giáo khoa kinh tế cơ bản ngày nay. Trong quyển sách được cho là khởi nguồn của kinh tế học, tất cả những gì bạn cảm nhận được là những lí luận sâu sắc mang đậm tính triết học về cách nền kinh tế xã hội vận hành. Đối với ông, kinh tế học là một bộ môn xã hội chính trị, một nhánh nhỏ giao thoa giữa xã hội học và chính trị học. Kinh tế học của Adam Smith nhìn nhận sự tương tác giữa các cá nhân với nhau đóng một vai trò thiết yếu trong nền kinh tế thị trường.
Cho tới khi hậu bối của ông xuất hiện và có những ý tưởng đã làm thay đổi lĩnh vực kinh tế học mãi mãi.
Sự phát triển tự nhiên của toán học cùng với sự thành công tột bật của vật lý học cổ điển, đặc biệt là vị thế khổng lồ của Isaac Newton sau khi xuất bản quyển sách Philosophiae naturalis principia mathematica giới thiệu ba định luật Newton nổi tiếng, đã gây ra tiếng vang to lớn trong cộng đồng tri thức thời bấy giờ. Không hề phóng đại khi nói rằng vào thời điểm chớm nở của bộ môn kinh tế học, vật lý học đã trở thành ông vua của các bộ môn khoa học, và Newton chính là người đang ngồi trên ngai vàng đầy quyền lực. Các thế hệ hậu bối của Adam Smith đã mơ về một ngày mà lúc đó kinh tế học cũng sẽ được thừa nhận như là một bộ môn khoa học chính thống, và nếu đủ may mắn một ngày nào đó một nhà kinh tế sẽ tiếp quản ngai vàng mà Newton để lại. Một giấc mộng hão huyền, nhưng vẫn đẹp biết bao. Và thế là cuộc chạy đua khoa học hóa lĩnh vực kinh tế bắt đầu.
Sự thành công vĩ đại của vật lý đến từ khả năng dự đoán chính xác tuyệt đối của mô hình lý thuyết mô tả về các quy luật tự nhiên quản trị vũ trụ. Sự thành công phi thường này sẽ không thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của toán học. Sự chính xác tuyệt đối về mặt toán học trong khả năng dự đoán của các mô hình lý thuyết chính là vũ khí tối thượng đã làm cho vật lý cổ điển của Newton trở thành ông vua của các bộ môn khoa học. Với vị thế đỉnh cao trọng vọng, không khó hiểu khi vật lý học đã tạo ra một hào quang có thể làm mờ mắt những người khao khát vị thế của nó. Với mong muốn biến kinh tế học thành một bộ môn khoa học chính thống, các hậu bối của Adam Smith buộc phải toán học hóa bộ môn của mình. Họ khao khát sự chính xác tuyệt đối của toán học, các mô hình lý thuyết mang dáng dấp khoa học cũng như danh tiếng mà một giáo sư khoa học có thể có được. Trong cơn say mù quáng, họ quên mất một điều cơ bản rằng: kinh tế học là một bộ môn chính trị xã hội vì nó tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến con người trong thị trường kinh tế. Và con người thì luôn có cảm xúc.
Trong sách giáo khoa kinh tế-tài chính cơ bản ngày nay, không khó để ta bắt gặp các phương trình toán học cao cấp, mô hình lý thuyết với những giả định phi thực tế, đồ thị xác suất etc. Tất cả những công cụ toán học này được thêm vào qua thời gian với mục đích biến kinh tế học thành một bộ môn khoa học chính thống. Các nhà kinh tế sau thời Adam Smith đã luôn mong muốn lĩnh vực của mình có một vị thế ngang hàng với vật lý học hay sinh học hiện đại, những bộ môn khoa học chính thống. Tuy nhiên, cho dù có cố gắng đến đâu, kinh tế học sẽ không bao giờ là một bô môn khoa học, khả năng dự đoán của các mô hình kinh tế sẽ không bao giờ đáng tin cậy, đơn giản là vì con người sẽ luôn là động vật hành xử theo cảm xúc.
Chỉ số Beta thực tế cũng chỉ là một trong những nỗ lực khác nhau của các nhà kinh tế học trong việc mô hình hóa sự tương tác đầy cảm xúc giữa người và người với nhau. Sự biến động được định nghĩa là rủi ro trong bộ môn kinh tế-tài chính là vì sự biến động có thể được đo lường một cách chính xác và do đó có thể được sử dụng trong tính toán cũng như các mô hình lý thuyết tài chính hiện đại. Một mô hình lý thuyết không nhất thiết phải có tính áp dụng thực tiễn chừng nào nó thỏa mãn đầy đủ các yếu tố khắt khe của khoa học. Không ngạc nhiên khi khả năng vận dụng lý thuyết trong thực tế đã phải nhường chỗ cho sự đẹp đẽ về mặt toán học cũng như tính sang trọng về mặt khoa học.
Không một nhà đầu tư nổi tiếng nào trên thế giới công nhận tính hợp lí của chỉ số Beta trong việc xác định rủi ro đầu tư. Sự ảo tưởng này tồn tại quá lâu trong giới học thuật là vì họ cố gắng mô hình hóa một thứ không thể mô hình hóa một cách khoa học - hành vi của con người. Như nhà vật lý đại tài Richard Feynman đã từng nhận định "Hãy tưởng tượng xem vật lý sẽ khó như thế nào nếu như electron có cảm xúc". Nếu quả thật một ngày nào đó electron bỗng nhiên vô cớ có cảm xúc, vật lý sẽ không còn là một bộ môn khoa học nữa, nó sẽ trở thành xã hội học.
Trong tư duy hợp lí về rủi ro, điều chúng ta muốn tìm hiểu là những tình huống làm cho nhà đầu tư lo lắng đến mất ngủ, những điều không may có thể xảy đến khiến cho nhà đầu tư phải trằn trọc hàng đêm. Đa phần nhà đầu tư không lo lắng về sự biến động của thị trường, điều mà họ thật sự sợ hãi là khả năng không thể thu hồi vốn. Đây mới chính là rủi ro mà nhà đầu tư quan tâm.

Rủi ro nên được hiểu như thế nào?

Khả năng không thể thu hồi vốn khác biệt hoàn toàn so với biến động thị trường. Một đợt rớt giá mạnh của thị trường sẽ không phải là vấn đề lớn với nhà đầu tư nếu như họ tin tưởng vào phân tích ban đầu của mình và nắm giữ cho tới khi thị trường hồi phục. Trong một đợt suy giảm mạnh, khả năng thua lỗ có thể xảy ra bởi hai lý do sau đây:
1. Nhà đầu tư không thể giữ bình tĩnh trong đợt thị trường điều chỉnh và đưa ra quyết định bán cắt lỗ.
2. Khoản đầu tư không thể phục hồi vì những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Dĩ nhiên việc xác định rủi ro là khả năng không thể thu hồi vốn có nhược điểm của riêng nó, ta không thể đo lường nó một cách chính xác như biến động thị trường. Và nếu như nó không thể được đo lường một cách khoa học, nó không có ích gì cho các mô hình lý thuyết được đưa ra trong bộ môn kinh tế - tài chính. Tuy nhiên, Warren Buffet cũng đã từng nhận xét "Thà đúng một cách tương đối còn hơn sai một cách chính xác", có những thứ trên thế giới đơn giản là không thể mô hình hóa một cách khoa học, và ta phải học cách chấp nhận sự thật này khi phải đương đầu với rủi ro. Sự chính xác mà toán học cung cấp không có ý nghĩa gì nếu như ngay từ đầu các mô hình này được xây dựng trên một nền tảng phi thực tế. Bạn có thể xây một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ nhưng nếu nền móng của nó không vững chắc thì công trình của bạn không khác gì một tòa lâu đài cát. Không sớm thì muộn nó cũng sẽ sụp đổ.
Hãy giả sử rằng bạn đầu tư 100 đô năm nay và năm sau bạn có được 200 đô, liệu khoản đầu tư này có chứa nhiều rủi ro? Những nhà đầu tư nghiệp dư sẽ trả lời là không vì đối với họ đầu tư sinh lãi không bao giờ là đầu tư sai; các vị giáo sư kinh tế - tài chính thì sẽ trả lời là có vì cách duy nhất để có được 100% tỷ suất lợi nhuận trong 1 năm là đưa ra quyết định đầu tư đầy rủi ro. Tuy nhiên, một nhà đầu tư thông minh sẽ không vội đưa ra câu trả lời. Đối với họ, phi vụ này vừa có thể là một khoản đầu tư an toàn nhưng hứa hẹn tỷ suất lợi nhuận tuyệt vời (đầu tư sau các vụ nổ bong bóng tài chính) nhưng cũng có thể là một khoản đầu tư ngu ngốc đầy rủi ro nhưng gặp may (rót tiền mua đuổi vào các công ty đang liên tiếp lập đỉnh mới và may mắn không bị úp bô).
Điều quan trọng nhà đầu tư cần phải ghi nhớ là thậm chí do dù một khoản đầu tư đã sinh lời và được chốt lãi, không có cách nào để ta thật sự biết rằng đó có phải là một quyết định đầu tư thông minh hay không vì rủi ro luôn ẩn giấu trong toàn bộ quá trình. Một khoản đầu tư sinh lời không có nghĩa là nó là một quyết định đầu tư khôn ngoan, và ngược lại. Tất cả phụ thuộc vào câu hỏi: nhà đầu tư đã chấp nhận bao nhiêu rủi ro để có mức lợi nhuận như thế?
Trong đầu tư, mọi quyết định đều có rủi ro tiềm ẩn đi kèm. Như người viết đã giải thích, rủi ro trong đầu tư nên được hiểu là khả năng không thể thu hồi vốn. Do đó bất kì quyết định đầu tư nào, cho dù lập luận ủng hộ quyết định đó có vững chắc đến đầu, cũng đều phải đối mặt với nguy cơ bị thua lỗ. Điểm khác biệt giữa nhà đầu tư chuyên nghiệp và dân nghiệp dư là nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn nhận thức được rủi ro này và biết cách giảm thiểu nó tới mức tối đa trong khi dân nghiệp dư lại luôn có tư tưởng "chỉ cần đầu tư có lãi là mình đã đúng". Một khái niệm quan trọng người viết muốn nhấn mạnh ở đây chính là kết quả của một khoản đầu tư không phải là thước đo chính xác cho kĩ năng đầu tư. Một khoản đầu tư sinh lãi vẫn có thể là một quyết định ngu ngốc, và một khoản đầu tư thua lỗ vẫn có thể là một quyết định chính xác - tất cả đều phụ thuộc vào sự tương quan giữa tỷ suất lợi nhuận tiềm năng khi so sánh với mức độ rủi ro tương ứng đi kèm cho mỗi quyết định rót tiền mà nhà đầu tư phải đưa ra.
Trong đầu tư, may mắn đóng một vai trò quyết định kết quả cuối cùng nhưng chưa bao giờ là yếu tố quan trọng nhất trong đầu tư. Bạn có thể đưa ra quyết định chính xác nhưng vận may lại không mỉm cười dẫn đến việc khoản đầu tư không có được kết quả như mong đợi. Đối với một người thiếu chuyên môn, quyết định đó trông giống như một quyết định ngu xuẩn vì nó "không sinh lời", ít nhất là trong ngắn hạn. Tương tự như thế, mọi gã ngốc may mắn gặp thời đều trông giống như Warren Buffett của Việt Nam, cái gì hắn ta thốt lên cũng đều nghe như chân lý, ít nhất là đối với những người thiếu hiểu biết.
Chấp nhận thêm nhiều rủi ro để gia tăng mức độ lợi nhuận chưa bao giờ là hành động đầu tư khôn ngoan, bất kì thằng ngốc nào cũng có thể làm điều đó, tất cả những gì bạn cần làm là bật full margin và cầu nguyện cho mọi chuyện tốt đẹp. Kĩ năng đầu tư yêu cầu nhiều hơn thế. Tác giả Nassim Taleb trong quyển sách Fooled by Randomness đã mô tả những gã ngốc may mắn trong thị trường như sau "Khi thị trường đang đi lên, kết quả tốt nhất thường đến từ những người dám chấp nhận nhiều rủi ro nhất. Liệu họ có thật sự thông minh khi đã dự đoán trước thị trường uptrend và quyết định gia tăng chỉ số đòn bẫy để tối đa hóa lợi nhuận, hay đơn giản đây chỉ là những gã chuyên đầu cơ liều lĩnh như con bạc và đã may mắn gặp trúng thời điểm thị trường sôi động?".
Trong ngắn hạn, đặc biệt là khi thị trường đang đi lên, rất khó để phân biệt nhà đầu tư có kỹ năng với những gã ngốc may mắn gặp thời đơn giản là vì ai cũng đang đầu tư sinh lãi. Hầu hết mọi người đều đang mải mê tận hưởng khoảnh thời gian tươi đẹp mà quên đi mất một nguyên lý cơ bản rằng: không có thứ gì trên đời này kéo dài mãi mãi. Mọi buổi tiệc đều phải tàn, mọi cơn sóng trên thị trường đều phải tới hồi kết thúc, và như Warren Buffett vẫn thường xuyên cảnh báo "Chỉ khi nào sóng xuống ta mới biết ai đang bơi mà không mặc quần".
Nếu như rủi ro là khả năng không thể thu hồi vốn, vậy điều gì trong thị trường làm cho khả năng này xuất hiện? Một yếu tố phổ biến luôn gắn kèm với rủi ro chính là mức giá. Thị trường đang giao dịch trên nền giá cao luôn đi kèm với rủi ro cao, và ngược lại. Nhà đầu tư càng điên cuồng giao dịch và mua đuổi cổ phiếu trên nền giá cao của thị trường, khả năng không thể thu hồi vốn càng gia tăng. Như người viết đã giải thích ở phần trên, biến động thị trường sẽ không phải là vấn đề lớn nếu như nhà đầu tư có thể nắm giữ cho tới khi thị trường hồi phục, dĩ nhiên với điều kiện là bạn đã nghiên cứu kĩ lưỡng tiềm năng công ty và giá mua của bạn hợp lý so với giá trị nội tại. Có hai lý do chủ yếu gây ra khả năng mất vốn khi biến động thị trường xảy ra:
1. Nhà đầu tư quyết định bán đi danh mục đầu tư của mình khi không thể giữ vững tâm lý, và do đó bỏ lỡ mất đà hồi phục của thị trường.
2. Thị trường hồi phục nhưng danh mục của bạn thì không vì các yếu tố cơ bản. Nhà đầu tư đơn giản là đã mua với giá quá cao so với giá trị nội tại của doanh nghiệp, hành động mà chúng ta vẫn thường gọi là "đu đỉnh".
Vì thế ta có thể kết luận rằng giá cao chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên rủi ro trong thị trường . Nhà đầu tư tham gia vào thị trường với nền giá càng cao thì khả năng thua lỗ càng lớn. Thị trường càng hưng phấn thì điều đó càng nguy hiểm cho nguồn vốn của nhà đầu tư, và ngược lại. Không biết bao lần người viết đã chứng kiến cảnh tượng một lớp nhà đầu tư mới non trẻ thiếu kinh nghiệm hào hứng tham gia vào thị trường ở đợt sóng cuối và chứng kiến tài khoản mình bốc hơi một cách nhanh chóng. Sự hưng phấn trước đó nhanh chóng biến thành nỗi sợ hãi tột độ cùng với những lời oán trách vu vơ kiểu như "Chứng khoán chẳng khác gì trò cờ bạc". Thị trường phản ánh ý chí của người tham gia một cách tuyệt đối, nó sẽ giống như một sòng Casino hợp pháp nếu như bạn hành động như một con bạc, và nó sẽ giống như một nơi để xây dựng tài sản tuyệt vời nếu như bạn hành động như một nhà đầu tư thông minh. Tham gia vào thị trường nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản, không biết mình đang làm gì thì khác gì đành động đánh lô đề, xóc đĩa?
Alexander Pope đã từng chiêm nghiệm rằng "Những gã ngốc hăng hái xông vào trong khi thiên thần lại sợ hãi tiến bước". Mặc dù thị trường chứng khoán vẫn chưa được phát minh vào thời đại của Alexander Pope, nhưng cái nhìn sâu sắc của ông về tính cách tham lam của những gã ngốc và bản năng cẩn thận của thiên thần sẽ luôn trường tồn với thời gian. Hành động tham gia thị trường vào đợt sóng cuối do nỗi sợ FOMO sẽ luôn là lý do muôn thuở khiến nhà đầu tư thua lỗ. Thật khó để mà kiểm soát bản thân khi tất cả mọi người xung quanh bạn đều đang giàu lên một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, vô số tiền tài của cải đã bị mất đi chỉ vì ham muốn làm giàu nhanh chóng. Một cách thực tế nhất, quyết định đầu tư càng mang tính cảm xúc bao nhiêu thì rủi ro không thể thu hồi vốn càng lớn bấy nhiêu. Đầu tư thành công trong dài hạn không có chỗ cho cảm xúc.
Hầu hết những nhà đầu tư tham gia thị trường đều kì vọng tương lai sẽ giống như quá khứ và qua đó đánh giá thấp khả năng thị trường sẽ thay đổi hành vi một cách bất ngờ. Nếu thị trường đang bay cao, họ kì vọng điều này sẽ tiếp diễn không hồi hết. Nếu thị trường đang rơi tự do, họ cho rằng không có điểm rơi nào là quá thấp để họ cảm thấy thoải mái để đầu tư trở lại. Kiểm soát rủi ro dường như là vô nghĩa khi trong quá khứ bạn liên tục kiếm lời với hàng loạt quyết định đầu tư quyết liệt và liều lĩnh. Tuy nhiên, kiểm soát rủi ro cũng giống như bảo hiểm cho việc bị cháy nhà. Nó trông giống như là một quyết định ngu xuẩn khi mọi việc diễn ra bình thường và bạn vẫn đang ngồi trong phòng khách xem ti vi với gia đình một cách thoải mái. Tại sao lại phải phí tiền mua bảo hiểm cho ngôi nhà khi mọi chuyện vẫn đang tốt đẹp?
Câu trả lời là chỉ khi bạn đứng trước ngôi nhà đang bốc cháy ngùn ngụt bạn mới thật sự thấm thía giá trị của bảo hiểm. Bảo hiểm chỉ thể hiện giá trị rõ nhất khi những việc tồi tệ xảy ra, và những điều tồi tệ nhất luôn xảy ra trên thị trường như cơm bữa.

Kiểm soát rủi ro

Khi nhận xét về yếu tố thành công dài hạn trong thị trường, nhà đầu tư nổi tiếng Howard Marks đã kết luận "Công việc chính của một nhà đầu tư là chấp nhận rủi ro một cách thông minh trong công cuộc tìm kiếm lợi nhuận. Làm tốt công việc này là điều phân biệt giữa những người giỏi nhất với phần còn lại của giới đầu tư". Khái niệm "High risk, high return" là một ý tưởng phổ biến trong cộng đồng đầu tư, điều này thoạt đầu nghe có vẻ như là chân lý nhưng lại là việc các nhà đầu tư giỏi nhất không bao giờ theo đuổi, thứ mà họ thật sự săn lùng chính là "Low risk, high return". Thậm chí trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm (venture capital) đầy rủi ro, kim chỉ nam hoạt động của các VCs chưa bao giờ là "High risk, high return" mà thực tế chính là "High risk, to-the-moon return".
Chấp nhận thêm nhiều rủi ro để gia tăng lợi nhuận là một việc quá dễ dàng, bất kì nhà đầu tư nào cũng có thể làm được điều đó, tất cả những gì bạn cần làm là gia tăng tỷ lệ đòn bẫy nợ và hi vọng thần may mắn chiếu cố. Nhưng như người viết đã nhấn mạnh ở phần trên, những chuyện kinh khủng luôn xảy ra trên thị trường như cơm bữa. Đòn bẫy nợ margin luôn là một con dao hai lưỡi, nó chỉ đơn thuần là phóng đại kết quả mà bạn đang đạt được. Nếu bạn đang có lợi nhuận, nó phóng đại kết quả đó; nếu bạn đang thua lỗ, nó gia tăng mức độ thua lỗ tương ứng.
Nói một cách đơn giản, nhà đầu tư đạt được tỷ suất lợi nhuận cao với mức độ rủi ro cao tương ứng không hề thể hiện kĩ năng của mình trong quá trình tham gia thị trường. Nhà đầu tư thông minh là người chỉ chấp nhận rủi ro một cách khôn ngoan trong công cuộc tìm kiếm lợi nhuận của mình. Với một mức độ rủi ro nhất định, họ luôn yêu cầu tỷ suất lợi nhuận tiềm năng phải thỏa mãn tiêu chí khắt khe của mình trước khi đưa ra quyết định xuống tiền. Nếu tiêu chí này không được thỏa mãn, họ đơn giản là từ chối tham gia trò chơi.
Những nhà đầu tư thông minh là người luôn hiểu rõ rằng thị trường là một nơi rất tàn nhẫn, không sớm thì muộn những chuyện kinh khủng nhất sẽ xảy ra. Để tồn tại lâu dài trong một thị trường khắt nghiệt, kiểm soát rủi ro là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, kiểm soát rủi ro lại là một trong những yếu tố bị bỏ qua nhiều nhất trong đầu tư, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường đi lên. Lí do là vì rủi ro - khả năng không thể thu hồi vốn - sẽ không xảy ra chừng nào thị trường còn diễn biến tốt đẹp. Thua lỗ - mất đi khả năng thu hồi vốn - chỉ xảy ra khi rủi ro được cụ thể hóa thông qua diễn biến tiêu cực của thị trường.
Một điều quan trọng nhà đầu tư lần lưu ý là danh mục đầu tư của bạn sinh lời trong quá khứ không có nghĩa là rủi ro không tồn tại trong suốt khoảnh thời gian đó. Chỉ vì thị trường đã diễn biến tích cực trong quá khứ không có nghĩa là kiểm soát rủi ro là một hành động vô nghĩa, nó chỉ đơn giản là không có "đất dụng võ" tại thời điểm đó, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó sẽ không bao giờ cần thiết trong tương lai. Chỉ cần một lần cháy nhà là đủ để bạn thấm thía giá trị của toàn bộ số tiền phí hàng năm bạn đóng cho bảo hiểm. Đầu tư cũng tương tự như thế, chỉ cần một lần thị trường có biến lớn là đủ để bạn thấm nhuần ý nghĩa của việc kiểm soát rủi ro trong toàn bộ quá trình đầu tư. Tất cả những ai coi thường việc này đều đã bị thị trường loại bỏ một cách không thương tiếc. Thị trường rất tàn nhẫn!
Mặc dù đóng một vai trò cực kì quan trọng trong đầu tư, kiểm soát rủi ro lại là kĩ năng không được chú trọng đúng mức. Lí do là vì trong suốt quá trình thị trường tồn tại, khoảnh thời gian tốt đẹp lúc nào cũng nhiều hơn những năm tháng đen tối. Khi quãng thời gian tươi đẹp kéo dài đủ lâu, đa phần mọi người sẽ quên đi mất khoảnh khắc kinh hoàng họ đã từng trải qua trên thị trường, và đinh rinh rằng nó sẽ không bao giờ quay lại. Khi thị trường đang uptrend, rất khó để nhà đầu tư kiểm soát bản thân và từ chối gia tăng tỷ lệ đòn bẫy cũng như mua đuổi cổ phiếu để tối đa hóa lợi nhuận đầu tư. Nỗi sợ FOMO là quá lớn để kháng cự.
Một lần nữa, đầu tư và rủi ro sẽ luôn là hai mặt của đồng tiền xu. Bạn không thể hoàn toàn né tránh rủi ro khi đã quyết định tham gia đầu tư, rủi ro luôn là một phần thiết yếu của cuộc chơi, nhưng bạn luôn có thể làm tốt hơn người khác bằng việc chỉ chấp nhận tham gia khi tỷ suất lợi nhuận tiềm năng so với rủi ro tương ứng đi kèm thỏa mãn tiêu chí khắt khe do mình đặt ra. Đầu tư sinh lãi trong giai đoạn thị trường tốt đẹp là một việc cực kì đơn giản, ai cũng có thể nhắm mắt và phóng phi tiêu nhưng vẫn trúng hồng tâm. Một cách thực tế nhất, lợi nhuận không cho ta biết gì nhiều về kĩ năng đầu tư cá nhân. Trong giai đoạn thị trường đi lên, chỉ có những nhà đầu tư lão luyện mới có khả năng nhìn vào một danh mục đầu tư đang sinh lời và biết rằng danh mục đó chứa nhiều rủi ro hay không. Hãy luôn nhớ rằng chỉ bởi vì danh mục bạn không phát nổ như bom nguyên tử trong quá khứ không có nghĩa là bạn đã đưa ra những quyết định đúng đắn. Rủi ro có thể đã luôn ẩn giấu trong danh mục của nhà đầu tư và chưa có cơ hội được cụ thể hóa thành thua lỗ thông qua diễn biến tiêu cực của thị trường.
Thị trường sẽ luôn trải qua những khoảnh khắc sụp đổ kinh hoàng, khoảng thời gian tươi đẹp không thể kéo dài mãi mãi. Chính trong những giai đoạn đen tối nhất của thị trường thì kiểm soát rủi ro mới phát huy tác dụng một cách rõ rệt nhất. Do đó con đường đi đến thành công dài hạn trong đầu tư sẽ không thể đạt được nếu không thông qua một quá trình kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt. Kĩ năng kiểm soát rủi ro đỉnh cao là nguyên liệu thiết yếu làm nên một nhà đầu tư huyền thoại.
Một lần nữa, người viết muốn mượn những lời thông thái của Howard Marks để kết thúc bài viết "Công việc chính của một nhà đầu tư là chấp nhận rủi ro một cách thông minh trong công cuộc tìm kiếm lợi nhuận. Làm tốt công việc này là điều phân biệt những người giỏi nhất với phần còn lại của giới đầu tư".
Nguồn tham khảo:
- The Intelligent Investor - Benjamin Graham
- The Essays of Warren Buffett - Lawrence Cunningham
- The Most Important Thing Illuminated - Howard Marks