Năm cũ đi qua, năm mới lại tới. Con dân Đại Việt lại sắm sửa cỗ bàn để còn 23 thả cả, 29 sắm đào, 30 tất niên. Và trong tối 30, khi mấy cái bụng đã căng phồng với thịt mỡ, dưa hành và bánh chưng, nhiều người lại bật TV để chờ đợi Táo quân.
Đã gần 20 năm như vậy. Và có thể nhiều năm nữa vẫn vậy. Quen thuộc đến mức gọi luôn là truyền thống. Thế Táo quân có gì mà hút hồn dải đất chữ S vậy?
Về phần hình ảnh, có thể thấy các gương mặt thân quen của nền hài kịch quốc gia. Họ có nhiều năm làm nghề, họ có danh hiệu ưu tú, họ có huy chương nhân dân, hình ảnh của họ đã ăn sâu vào tâm trí người dân.
Về phần nội dung, chương trình này tổng hợp các sự kiện xã hội suốt cả năm qua. Nhiều người như được nhìn lại cuộc sống của họ trong 365 ngày vừa rồi, nhìn lại những được và mất, những thành công và tiếc nuối. Nhưng cái làm Táo quân trở thành biểu tượng là sự châm biếm dày đặc. Quan liêu, bất công, tham nhũng, toàn những cái xấu xa mà người dân cần lao chân chất muốn xả hết nỗi bực tức của họ lên. Được chửi hộ thì ai chả thích. Dân thì vỗ đùi đen đét, quan thì tím tái mặt mày. Ấy vậy mà nhân dân mới khoái, mới thấy hay.
Hay là thế, nhưng còn phải hiếm nữa. Một năm có một lần, trên đài quốc gia, lại còn giờ vàng, vào thời điểm quan trọng nhất của năm âm lịch.
Quả là thiên thời, địa lợi, nhân hoà.
Có vẻ người Việt chúng ta coi sự châm biếm xã hội như một niềm vui thú tuyệt hảo, nhưng họ lại phải đợi cả năm chỉ để xả trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Thế các tác phẩm văn hoá châm biếm khác đâu rồi?
Ngẫm lại thì số lượng lựa chọn cũng chẳng nhiều. Về mặt chính thống, có Táo quân VTV, bớt chính thống hơn chút thì có Táo quân VTC. Không chính thống thì rải rác mấy trang báo mạng, hoặc mấy trang facebook như Tuổi Trẻ Cười. Dưới cả không chính thống là những hội nhóm kín, nơi người ta thoải mái chửi trong một không gian cống ngầm underground. Và nhìn nhận lại thì chất lượng các sản phẩm châm biếm ở nước ta cũng chưa cao. Nói ngắn gọn, việc châm biếm xã hội ở Việt Nam ta còn quá an toàn:
Những sản phẩm châm biếm này luôn cố đại diện cho cái gọi là “người dân”. Quy hết người dân về một mối, từ bác nông dân, chị tiểu thương, cô thợ may, đến anh nhân viên văn phòng, chú ca sĩ. Tất nhiên là trừ mấy ông quan. Chính thể “người dân” này luôn mang trong mình sự đúng đắn và chính nghĩa, đi kèm với sự cam chịu dưới cái áp bức và bất công. Năm nào cũng có đoạn “tôi là dân đây này”, nghe mà thấy người dân chúng ta sao mà đồng lòng và đồng điệu đến thế.
Ngoài ra, chính vì quy phần lớn người dân thành một nên việc khai thác từng phần nhỏ trong cái chính thể “người dân” đó trở nên bí bách hơn, các văn hoá phẩm này sở hữu cái cá tính nhạt nhoà và chung chung. Nội dung châm biếm bao lâu nay vẫn luôn là lãnh đạo. Lãnh đạo to nhất thì tuyệt đối không được động chạm nhé, động đến là đi tù như chơi. Có ai dám động đến Ngọc Hoàng đâu? Ở đây chửi là chửi các Táo, chửi mấy ông quan ở giữa, mấy ông cán bộ tỉnh, mấy ông chủ tịch thành phố, mấy ông bộ trưởng, mấy ông tư lệnh ngành. Chửi quan cũng chẳng sai, chửi đúng người đúng việc thì tốt, nhưng chỉ chửi quan thì hơi thiếu. Thế bác nông dân đánh bạc bằng tiền trợ cấp, chị tiểu thương buôn gian bán dối, cô thợ may tuồn hàng ra chợ giời, đến anh nhân viên văn phòng khai khống hóa đơn, chú ca sĩ phát ngôn dốt nát đâu. Chả thấy động chạm mấy, vì họ là dân mà. Dân thì lúc nào chả chất phác kiên trung, sáng ngời tấm gương đạo đức.
Có lý do nào cho lối châm biếm an toàn này không? Xin được đưa ra vài phỏng đoán cá nhân:
Người Việt có vẻ dễ bị nhột khi bị đụng chạm. Động chạm đến họ, hoặc cái gì đó mà họ yêu thích, là sẽ gặp khá nhiều phản kháng kiểu: nếu đó là abc của ông thì ông có đùa được không, người ta đã làm xyz cho ông vậy mà ông lại abc, ông là thằng zyx. Có vẻ như họ ít khi nhún vai, nghĩ rằng đây là một câu đùa thôi, tận hưởng nó, và cho nó trôi qua đầu. Thay vào đó họ sẽ la toáng lên, đòi pháp luật vào cuộc, như đứa trẻ con chạy đi mách mẹ.
Người Việt có vẻ ghét người giàu và người quyền lực. Lối suy nghĩ đó ăn sâu trong họ từ cái thời ai ai cũng nghèo. Với họ, người giàu luôn xấu xa, người có quyền luôn ác độc. Chửi người giàu là hảo hán, chửi người nghèo là tiểu nhân. Nhưng ngược đời là, người Việt đam mê làm giàu đến bất chấp, và luôn cố gắng len lỏi lên cao trong lộ trình thăng tiến của bất kì hệ thống cấp bậc nào mà họ tham gia. Họ ghét cái mà họ không có, sẽ hết ghét khi họ có rồi.
Đừng quên thuần phong mỹ tục. Bốn chữ vàng này ngăn cản bất kỳ nỗ lực phá cách nào của sự châm biếm xã hội. Chửi tục? Trảm. Động đến danh nhân lịch sử? Trảm. Động đến tinh thần dân tộc? Trảm. Động đến bạo lực hay tình dục? Trảm. Động đến tôn giáo? Chém đầu. Thôi thì quay về với sự đứng đắn đầy chất chân thiện mỹ của cha ông vậy.
Xin phép được liếc mắt sang bên tây họ chửi nhau thế nào. Bên đó ngoài báo chí chửi nhau ỏm tỏi quanh năm, họ có một nền văn hoá giải trí châm biếm phát triển mạnh mẽ. Một vài ví dụ có thể kể đến như các show hoạt hình The Simpson, Family Guy, South Park, các diễn viên hài độc thoại, các bộ phim đầy tính móc mỉa.
Mỗi show có cá tính riêng, với quan điểm riêng về các vấn đề xã hội, chứ không chỉ chửi để thoả lòng dân nữa. Họ không ngại đùa cợt, đả kích bất kỳ ai, từ danh nhân, người nổi tiếng, chính trị gia, tội phạm, đến chủng tộc, tôn giáo, hệ tư tưởng, vùng miền. Họ khai thác cực kỳ nhiều những sự trái khoáy, ngu dốt, kỳ lạ, tham lam của mọi thành phần xã hội. Họ không ngại sử dụng cách ăn nói thường ngày, từ sự thô tục cộc cằn của dân giang hồ đến sự thảo mai thái quá của tầng lớp tinh hoa. Họ ý thức được rằng sẽ có người xem bị triggered, và họ chấp nhận điều đó, miễn là quan điểm và cá tính của họ được thể hiện. Và quan trọng nhất, họ thoải mái nói những thứ họ muốn, vì chính quyền không được cấm cản.
Nói qua cũng phải nói lại, nền văn hoá châm biếm ở Việt Nam đang sống trong thời điểm vô cùng thích hợp. Về văn hoá, thời kỳ này là sự giao thoa mạnh mẽ giữa cái truyền thống và cái mới lạ. Dở dở ương ương, ta tây tàu lẫn lộn. Từ lối sống, lối suy nghĩ, đến cách mà xã hội vận hành, ắt sẽ có nhiều biến chuyển. Về con người, người Việt chúng ta đa dạng hơn chúng ta nghĩ. Mặc dù không đa chủng tộc như bọn tây, nhưng chúng ta có các dân tộc anh em, chúng ta đang dần có thêm người nước ngoài định cư. Nước ta cũng có đủ các thể loại tôn giáo và tín ngưỡng. Nước ta cũng có nhiều vùng miền với nền tảng văn hoá và lối sống khác nhau.
Nước ta đang ngày càng đa dạng hơn, và những đợt sóng giao thoa của sự đa dạng là nguồn chủ đề bất tận cho việc tìm ra những cái trái khoáy kệch cỡm trong xã hội.
Một ngày nào đó Táo quân sẽ kết thúc. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai có nhiều biến thể của Táo quân, miễn là chúng ta không sửng cồ và mách mẹ.