Tôi không phải là fan của bóng đá. Thỉnh thoảng tôi chỉ xem một số trận của Việt Nam và theo dõi bình luận về trận của đội tuyển quốc gia. Trong số phần bình luận sau trận đấu mà tôi được nghe, tôi đặc biệt ấn tượng với chú BLV Quang Huy.
Tôi biết có rất nhiều các bình luận viên bóng đá giỏi và kỳ cựu khác, mỗi người có một phong cách và nét riêng trong bình luận. Nhưng chú Quang Huy có khả năng phân tích vấn đề rất thấu đáo, phân tích vấn đề chi tiết từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từng chút một đều rất công bằng và hợp lý khiến một người chẳng biết gì về bóng đá như tôi vừa dễ hiểu vừa cảm nhận được cái hay của môn thể thao này.
Cách bình luận sâu sắc của chú làm tôi nhớ đến khái niệm "eagle's eye view" - tầm nhìn đại bàng, tức là khả năng nhìn vấn đề vừa khái quát toàn diện mà không bỏ sót chi tiết nhỏ nhất. Điều đó thực sự không dễ làm, và dù ở bất cứ lĩnh vực nào, người có eagle's eye view trong công việc của họ phải là người cực kỳ thông thạo cái mà họ đang làm nhờ dành rất nhiều thời gian công sức để tích luỹ năng lực của bản thân trong thời gian dài.
Với những người làm bình luận như chú Huy, tôi nghĩ họ càng cần khả năng này hơn ai hết. Để làm nhà phê bình hay bình luận giỏi dù trong bóng đá hay nghệ thuật, ẩm thực gì đi nữa, chắc chắn không hề đơn giản. Trong 6 bậc nhận thức của Bloom (Bloom's Taxonomy), khả năng Đánh giá - Evaluate thường đứng khá cao, vì nó đòi hỏi tổng hợp nhiều khả năng tư duy ở bậc thấp hơn như Hiểu - Understand, Ứng dụng - Apply, Phân tích - Analyse và Tổng hợp - Synthesize. Vì vậy, tôi thực sự nể phục người có năng lực bình luận sâu sắc như chú Quang Huy dù tôi không quá yêu thích bóng đá.
Ngoài ra, ở chú Huy còn một điểm nữa khiến tôi rất chú ý, đó là phong thái điềm tĩnh và không quá ồn ào, phô trương. Nói theo ngôn ngữ hiện đại teen hơn thì là không "làm màu". Cá nhân tôi luôn được truyền cảm hứng bởi những người im lặng và làm việc của mình một cách chăm chỉ. Họ không nói nhiều, không quá khoe mẽ nhưng một khi họ đã nói, điều họ nói là điều người khác cần lắng nghe và có thể học hỏi được nhiều từ họ.
Giống như nhà thiết kế nổi tiếng và có lẽ là thành công nhất của Việt Nam hiện tại - chú Công Trí. Gần đây, chú đặt tên cho triển lãm kỷ niệm 20 làm nghề là "Cục Im lặng" để nói về thái độ của chú trong công việc, đó là sự im lặng nghiêm túc khi làm việc và cống hiến. Nhưng những tác phẩm để đời của chú tự chúng sẽ thay chú nói lên tất cả và tạo những tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà trên cả thế giới.
Hay như ở Hàn Quốc có một ca sĩ mà tôi rất yêu thích, đó là ca sỹ Naul của nhóm Brown Eyed Soul - một người nổi tiếng bí hiểm không bao giờ xuất hiện trên truyền hình và chỉ tập trung làm nhạc, không quảng bá nhiều nhưng mỗi khi ra bài hát đều lên top tất cả các bảng xếp hạng. Âm nhạc cũng như giọng hát của chú luôn khiến người nghe nổi da gà và được coi là một "huyền thoại" trong giới.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Tôi nhớ mình từng đọc cuốn sách Tôi tự học của Thu Giang (Nguyễn Duy Cần) và rất thích hình tượng "sống như những hòn đảo" được nhắc đến ở đầu sách. Theo đó, tác giả khuyên mỗi chúng ta hãy sống như những hòn đảo, ban đầu thì hoàn toàn chìm dưới mặt biển, không ai thấy. Nhưng đó là giai đoạn chúng ta tích luỹ kiến thức, kỹ năng, năng lực cho bản thân, để rồi một khi những gì ta tích luỹ được đạt một mức độ đủ, ta sẽ vươn dậy và trồi lên trên mặt nước, vững chãi, mạnh mẽ và không có gì lay chuyển được.
Những người như NTK Công Trí, ca sỹ Naul hay BLV Quang Huy luôn làm tôi nhớ đến hình tượng "những hòn đảo" ấy với phong cách làm việc nghiêm túc và năng lực vượt bậc được nhiều người nể phục của họ. Tôi muốn cảm ơn họ vì dù họ làm ở những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, vì họ luôn nhắc nhở tôi về điều mà cá nhân tôi muốn hướng tới, về tác phong làm việc và sự tận tuỵ cần mẫn trong chính công việc của mình.
Đây là bài viết hoàn toàn thể hiện quan điểm cá nhân. Xin đừng hiểu nhầm vì tôi không hề có ý chê trách bất kỳ ai trong chuyện PR quảng bá bản thân vì tôi hoàn toàn hiểu tác dụng cực lớn của việc quảng bá thương hiệu cá nhân trong một thời đại như bây giờ. Nhưng qua bài viết này, tôi chỉ muốn nói lên sự trân trọng của mình với những người đang âm thầm và im lặng làm việc, tích luỹ năng lực của mình một cách không quá phô trương mà thôi.