Với những đọc giả đã quen thuộc với người viết, chắc hẳn các bạn cũng biết người viết là 1 fan hâm mộ chân chính của Nassim Taleb (tác giả của quyển sách nổi tiếng Thiên Nga Đen). Ông là một con người thú vị, học vấn thâm sâu uyên bác nhưng cũng ngạo mạn kinh người không kém.
Nassim Tableb là một tác giả nổi tiếng luôn gây tranh cãi trong cộng đồng tri thức. Ông là chuyên gia về rủi ro, là người đã phổ biến hóa cụm từ "Thiên Nga Đen", một thuật ngữ dùng để chỉ những sự kiên tương lai không thể dự đoán, rất hiểm xảy ra, và có ảnh hưởng mang tính thay đổi toàn cầu. Những sự kiện Thiên Nga Đen tiêu biểu của thế giới bao gồm sự kiện 11/9, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, và dĩ nhiên không thể không kể đến Covid-19. 
Vào 1 ngày đang lang thang trên mạng đọc blog của Paul Graham, founder của vườn ươm startup nổi tiếng Y Combinator tại Sillicon Valley, người viết vô tình đọc thấy tiêu đề "Black Swan Farming". Đó là khoảng khắc eureke của người viết, vốn dĩ là 1 người đang hoạt động trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và đã đọc đi đọc lại quyển Thiên Nga Đen vài lần, người viết tự trách bản thân vì đã không nhận ra mối quan hệ này sớm hơn. Tất cả bỗng nhiên ăn khớp nhau một cách kì lạ, những kiến thức tưởng chừng như rời rạc bỗng nhiên vừa khít nhau như các mảnh ghép của 1 bức tranh. Điều đó đã thôi thúc người viết phải viết ra những suy nghĩ của mình, đó là câu chuyện khởi nguồn bài blog các bạn đang đọc đấy.
Tất cả những startup thành công đều là 1 Thiên Nga Đen đang chờ được thế giới công nhận, tuy nhiên trước khi đến thời điểm đó nó vẫn sẽ được coi là "ngu xuẩn, điên rồ & không khả thi". Đây là vấn đề trọng điểm của lĩnh vực đầu tư mạo hiểm VC (Venture Capital), bạn không hề biết trước startup nào sẽ may mắn hóa thành Thiên Nga Đen và mang lại số tiền lợi nhuận khổng lồ cho quỹ; trước khi được cả thế giới công nhận, bạn sẽ luôn trong giống 1 thằng ngốc đang phê cần khi đầu tư vào những startup này. Đúng với tính chất của Thiên Nga Đen, sự thành công của 1 startup bất kì trong 1 danh mục đầu tư cụ thể là không thể dự đoán. 
Sự bất định luôn là nhân tố cố định trong đầu tư mạo hiểm Venture Capital!

Để bắt đầu bài viết, người viết muốn giới thiệu các bạn về Peter Thiel, một trong những VC nổi tiếng nhất tại Sillicon Valley, tác giả của quyển sách nổi tiếng Từ Không Đến Một, và là một doanh nhân & nhà đầu tư người viết hết sức ngưỡng mộ.


Những Ý Tưởng Tốt Nhưng Nghe Có Vẻ Ngu Xuẩn 
Khi Peter Thiel lần đầu giảng dạy tại Y Combinator cho những startup đang được ươm tạo tại YC, ông đã vẽ 1 biểu đồ mô tả hoàn hào về nghệ thuật đầu tư mạo hiểm VC.

Biểu đồ này cực kì đơn giản đến mức tinh tế. Có ba điểm quan trọng ta có thể rút ra khi nhìn vào biểu đồ này:
1. Phần lớn những ý tưởng nghe có vẻ tốt nhưng không phải là những startup hoàn hảo để đầu tư vì nếu như ý tưởng nghe có vẻ tốt và không ai phủ nhận điều đó, chắc chắn là thị trường này đã đầy những đối thủ cạnh tranh do tính chất hiển nhiên của nó, và do đó rủi ro khá lớn cho các nhà đầu tư startup lẫn founder.
2. Phần lớn những ý tưởng nghe có vẻ ngu xuẩn thật ra đích thị là những ý tưởng ngu xuẩn.
3. Sự giao thoa giữa 2 vùng: ý tưởng nghe có vẻ ngu xuẩn và ý tưởng tốt là bằng chứng tốt nhất để xác định chất lượng ý tưởng, ý tưởng thật sự tốt nhưng thoạt đầu nghe có vẻ ngu xuẩn. Một Thiên Nga Đen đang chờ được thế giới công nhận.
"Dont always go through the tiny little door everybody's trying to rush through, maybe go around the corner and through the vast gate nobody's taking" Peter Thiel
Trước khi startup thành công và trở thành Thiên Nga Đen, họ vẫn sẽ luôn là những startup với những ý tưởng ngu xuẩn, điên rồ và không khả thi. Điều này còn tệ hơn cho những nhà đầu tư vì họ không hề có 1 manh mối nào cho biết rằng họ đã chọn đúng hay không vì thường những startup này phải trải qua vài năm để chứng minh được bản thân. Vài năm đặt tiền vào 1 khoảng không vô định mà bạn không hề biết rằng bạn có thể lấy lại vốn được hay không thật sự là một thử thách tâm lý cực hạn cho các VC.
Một điều khá chắc chắn rằng số tiền startup đã gọi được (có thể lên đến Series D và E) không hề tiết lộ bất cứ manh mối vào về khả năng startup có thể tồn tại 1 cách bền vững hay không. Dữ liệu tổng hợp từ Y Combinator cho biết rằng không tồn tại 1 sự tương quan giữa số tiền vốn startup đã gọi được với khả năng thành công của startup đó. Rất nhiều founder lầm tưởng rằng một khi họ đã gọi được vốn là họ đã thành công vượt qua bài kiểm tra khắc nghiệt của khởi nghiệp.
Gọi vốn thành công là một cột mốc quan trọng, nhưng founder tốt hơn hết là đừng bao giờ hoang tưởng rằng chặng đích đang ở rất gần, ác mộng vẫn đang chờ bạn ở phía trước đấy.


Unicorn & Super-unicorn
Một trong những quy luật được tác giả Nassim Taleb nhấn mạnh nhiều lần trong quyển Thiên Nga Đen là quy luật hàm mũ (quy tắc Pareto hoặc quy tắc 80/20). Các VC hiểu rõ quy luật này hơn ai hết, cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào quy luật này. Một startup thành công và hóa thành Thiên Nga Đen là đủ để đưa về mức lợi nhuận khổng lồ cho quỹ mặc dù toàn bộ các startup khác trong danh mục đều thất bại.

Một điều khá thú vị là bạn cũng có thể áp dụng quy tắc 80/20 cho chính quy tắc đó -> con số ta có được sẽ là 64/4. 
Điều này nghĩa là sao?
Trong tập hợp những startup thành công và trở thành Thiên Nga Đen, sự phân bổ lợi nhuận cũng sẽ tuân theo quy luật hàm mũ. Cái chúng ta có sẽ là rất nhiều Kỳ Lân (Vốn hóa trên 1 tỷ đô) và một số nhỏ các Siêu Kỳ Lân (vốn hóa trên 10 tỷ đô).
Tại sao điều này quan trọng?
Paul Graham, trong bài blog "Black Swan Farming", đã viết rằng
"Khi bạn phỏng vấn một công ty khởi nghiệp và nghĩ rằng "họ có vẻ sẽ thành công", thật khó để không cấp vốn cho họ. Tuy nhiên, ít nhất về mặt tài chính, chỉ có một loại thành công trong đầu tư mạo hiểm: họ sẽ là một trong những startup thực sự lớn hoặc không, và nếu không, bạn có tài trợ cho họ hay không thì cũng không quan trọng, bởi vì ngay cả khi họ thành công thì tác  động đó đến lợi nhuận đầu tư của bạn cũng không thật sự lớn lao. Trong cùng một ngày phỏng vấn, bạn có thể gặp một số thanh niên 19 tuổi thông minh, những người thậm chí không chắc họ muốn làm gì với cuộc đời của mình. Cơ hội thành công của họ có vẻ nhỏ. Nhưng một lần nữa, vấn đề không phải là cơ hội thành công (chance of succeeding) của họ mà là nếu họ thành công, họ có thành công một cách vĩ đại hay không (chance of succeeding really big). Xác suất để bất kỳ nhóm nào thành công một cách vĩ đại là quá nhỏ về mặt vi mô, nhưng xác suất mà những founder 19 tuổi đó sẽ cao hơn so với các nhóm khác trông có vẻ an toàn hơn."
Có một sự khác biệt rất lớn về mặt chất lượng giữa hai câu hỏi "Xác xuất để họ thành công là bao nhiêu?" và "Xác xuất để họ thành công thực sự lớn là bao nhiêu?". Chúng ta thường tập trung vào câu hỏi hiển nhiên trong đầu tư là các yếu tố liên quan đến một startup thành công là gì, nhưng lại thường bỏ qua câu hỏi liệu startup đó có thể trở thành một Kỳ Lân hay không, thậm chí là Siêu Kỳ Lân. 
Hầu hết các VC khi quyết định đầu tư đều sẽ đi theo mô hình mẫu checkbox (các bộ lọc dùng trong quá trình thẩm định). Khi một startup đã thỏa mãn hết các ô trong danh mục thì họ sẽ quyết định đầu tư. Dưới đây là một ví dụ:

Có CTO là co-founder? Check
Market size lớn? Check
Ngành đang tăng trưởng tốt? Check
......
Các founder bổ trợ cho nhau? Check
Người viết muốn lưu ý rằng mình không hề mỉa mai phương pháp này, phương pháp này thực sự rất hiệu quả trong việc lược bỏ các rủi ro, nhưng mình đang chỉ ra nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là nó được thiết kế để lọc ra những startup có khả năng thành công cao nhất (những nhóm người trông có vẻ là lựa chọn an toàn nhất) mà bỏ qua các startup, tuy khả năng thành công thấp hơn, nhưng một khi đã thành công sẽ thành công một cách vĩ đại và rực rỡ. 
Điểm mạnh và khác biệt nhất của một founder (và startup đó) sẽ luôn đi kèm với điểm yếu chí mạng, để có một startup có tiềm năng thay đổi thế giới, VC cần phải sẵn sàng bỏ qua điểm trừ hiển nhiên liên quan đến startup đó. Như Paul Graham đã phân tích, với tư cách là 1 nhóm, các founder 19 tuổi thông minh nhưng thiếu kinh nghiệm không hề là một lựa chọn an toàn khi so sánh với các founder là cựu binh trong ngành, do đó xác xuất thất bại của nhóm founder 19 tuổi luôn cao hơn. Tuy nhiên, xác xuất để các founder 19 tuổi này sản sinh ra các Facebook, Google tiếp theo lại cao hơn hẳn nhóm cựu binh trên.

Xác suất mà một startup nào đó sẽ thành công như Google hoặc Facebook (Siêu Kỳ Lân) không chỉ đơn giản là một biến số không đổi của xác suất một tệp mẫu các startup sẽ thành công. Nếu nó đơn giản như thế, các quỹ VC có thể tài trợ cho tất cả những startup có tiềm năng lớn sẽ thành công và họ sẽ nhận được một phần nhỏ tương ứng các startup có thể trở thành big tech như Google hoặc Facebook. Rất tiếc cuộc đời VC không đơn giản như thế, bạn phải phớt lờ đi điều hiển nhiên trước mắt - khả năng các startup sẽ thành công và thay vào đó tập trung vào câu hỏi khác và gần như vô hình là liệu họ có khả năng thành công như Google, hoặc Facebook hay không?



Nuôi Thiên Nga Đen
Có những điều tưởng như quá vững chắc về mặt lập luận, nhưng lại không hề đơn giản để thực hiện vì điều đó quá trái ngược so với trực giác tư duy của con người. Đầu tư mạo hiểm VC là một ví dụ điển hình. 
Do tính chất bất định không thể dự đoán của Thiên Nga Đen, chiến lược tối ưu phải là tăng khả năng bắt dính cá to chứ không phải là giảm thiểu khả năng mất tiền của quỹ. Tuy nhiên, hầu hết các quỹ VC về cơ bản đều tuân theo quy tắc kiểm soát rủi ro khi đầu tư thông qua những bộ lọc (mỗi quỹ đều sẽ có những bộ lọc họ cho rằng sẽ tăng cao khả năng bắt dính Kỳ Lân, tính hiệu quả của những bộ lọc này lại là một câu chuyện khác). Tất cả quỹ đầu tư VC đều có danh mục đầu tư được lựa chọn kĩ càng & sàng lọc tốt nhất có thể. Tuy nhiên, lựa chọn kĩ càng & sàng lọc gắt gao rất tiếc lại không phải là câu trả lời đưa họ đến gần hơn với Thiên Nga Đen.
Bạn sẽ nghĩ sao nếu 1 nhà đầu tư VC miêu tả chiến lược đầu tư của quỹ mình rằng:" Tôi không hề biết rằng startup nào trong danh mục sẽ thành công, do đó mục tiêu của tôi là đầu tư càng nhiều vào các startup tiềm năng càng tốt, và hi vọng rằng tôi sẽ bắt được 1 hoặc 2 Kỳ Lân tương lai". Quỹ này sẽ trở thành trò cười nhạo trong giới VC, không nhà đầu tư nào sẽ dám bỏ tiền của mình vào quỹ VC do người đó quản lý, họ không đưa tiền của mình cho người quản lý đi chơi trò búng đồng xu.
Nhưng tiếc thay, với tính chất Thiên Nga Đen của startup thành công, đó lại là chiến lược đầu tư chính xác nhất. Tung 1 mẻ lưới thật lớn và hi vọng rằng bạn bắt dính con cá to trong đó (và khả năng cũng khá cao là dù cho mẻ lưới của bạn có to cỡ nào, bạn vẫn bắt hụt Kỳ Lân tương lai, chưa ai nói VC là một công việc dễ dàng cả). Bạn thành thật với bản thân và mọi người xung quanh là bạn gần như không thể dự đoán chính xác startup nào sẽ thành công lớn trong tương lai, nhưng bạn biết rằng chỉ cần bắt được 1 Kỳ Lân tương lai, bạn có thể sai với hàng chục startup khác. Mục đích tối tượng của đầu tư VC là bắt dính cá to, không phải là tránh phạm sai lầm. Sàng lọc gắt gao và chọn lọc tùy vào chiến lược đầu tư của quỹ đơn giản là làm nhỏ đi mẻ lưới của họ.
Dĩ nhiên, điều này nghe rất phỉ báng với những người đang đầu tư mạo hiểm vì người viết đang ngầm bảo rằng họ không có kĩ năng chọn lọc được Kỳ Lân tương lai một cách ổn định. Bạn không cần phải tin người viết, nhưng bạn nên tin Paul Graham. Sau hàng chục batch ươm tạo với YC, Paul Graham đã đi đến kết luận - chiến lược đầu tư mạo hiểm tốt nhất là chia nhỏ khoảng đầu tư ban đầu và đầu tư càng nhiều vào các startup tiềm năng càng tốt. Nếu bạn đang nhắm mắt phóng phi tiêu trong căn phòng tối mà không hề biết hồng tâm ở đâu, bạn nghĩ chiến lược tốt nhất nên là gì? Câu trả lời đơn giản là thử càng nhiều càng tốt.

Nghe rất sai? Đúng, người viết đồng ý nhưng rất tiếc là với tính chất không thể dự đoán của Thiên Nga Đen, thử càng nhiều càng tốt là quyết định chính xác nhất. Mục tiêu là tăng khả năng bắt dính Kỳ Lân chứ không phải giảm thiểu khả năng mất tiền, thoạt nhìn 2 mục tiêu kia giống nhau nhưng có một sự khác biệt về mặt chiến lược hành động rất lớn.
Dĩ nhiên, các VC sẽ luôn tự tin vào khả năng chọn lọc Kỳ Lân tương lai của mình. Thật khó mà để nói với ai đó rằng khả năng chọn lọc startup thành công của họ liên quan nhiều đến may mắn hơn là kĩ năng. Như Upton Sinclair đã nói "Rất khó để khiến một người đàn ông hiểu điều gì đó, khi tiền lương của anh ta phụ thuộc vào việc anh ta không hiểu điều đó". Một vài quỹ VC may mắn sống sót vì bắt dính Kỳ Lân sẽ luôn tin rằng họ có kĩ năng để làm điều đó một cách ổn định, trong khi hàng nghìn quỹ VC khác đã được tạo ra và giải thể vì không thể bắt dính Kỳ Lân được chôn vùi trong đại dương của bằng chứng câm lặng. Đây là ví dụ tiêu biểu nhất của thiên kiến kẻ sống sót (Survivorship Bias).
Tuy nhiên, người viết cũng xin đính chính rằng mình không hoàn toàn phủ nhận giá trị của các quỹ VC cũng như nhà đầu tư thiên thần. Nếu được những quỹ tốt đầu tư, họ hoàn toàn có thể mở những cánh cửa đã đóng trước đó cho các startup nằm trong danh mục của mình. Điều này là vô giá trên con đường phát triển của 1 startup. Những mối quan hệ mang tính chiến lược thực sự có giá trị với bất kì một startup nào. Có thể nói giá trị thật sự của VC nằm ở khả năng hướng dẫn và hỗ trợ cho startup trên đoạn đường phát triển đầy chông gai chứ không nằm ở khả năng nhìn thấy Kỳ Lân tương lai và đưa vào danh mục đầu tư của mình, như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Như Larry Page đã nói "Những ý tưởng tốt luôn luôn điên rồ cho đến khi chúng không còn như thế nữa". Trước khi startup trở thành Thiên Nga Đen, họ về cơ bản là những điều điên rồ biết đi trong mắt của hầu hết mọi người xung quanh. Không ai biết liệu điều điên rồ này có thành một cái gì khác trong tương lai hay không, và phải mất bao lâu để điều đó thành hiện thực. Các VC lão luyện hiểu được điều này và hoàn toàn chấp nhận tính chất bất định đó, họ có thể đặt tiền vào 1 điều điên rồ biết đi trong vài năm và cảm thấy ổn với điều đó (nhưng chắc chắn là không thoải mái đâu). Họ biết rằng chỉ cần 1 hoặc 2 điều điên rồ này thành công và trở thành Thiên Nga Đen hoặc may mắn hơn là Siêu Thiên Nga Đen, họ đã không hề sai và ngu ngốc khi thất bại với hàng chục, thậm chí là hàng trăm điều điên rồ khác.