Đây là một series bài viết về một triết lí đầu tư mà người viết đã tổng hợp được sau một thời gian nghiên cứu và trải nghiệm thị trường chứng khoán Việt Nam. Mục đích của bài viết này là cung cấp cho người đọc một phương pháp luận, một mô hình tư duy đúng đắn khi suy nghĩ về đầu tư. Chuỗi bài viết này không cung cấp cho người đọc một công thức bí mật mà chỉ cần răm rắp áp dụng theo bạn đọc sẽ trở nên giàu có trong nháy mắt. Người viết chưa bao giờ tin vào công thức thành công, tất cả những người hứa hẹn trao cho bạn những công thức bí truyền có thể giúp bạn dễ dàng đánh bại thị trường đều là một lũ lừa đảo chuyên đi lùa gà. Vô số tiền tài của cải đã bị mất đi chỉ vì ham muốn làm giàu nhanh chóng, nếu đó là điều bạn đọc đang tìm kiếm thì chuỗi bài viết này không dành cho bạn. Thành công không bao giờ có lối tắt!
Chuỗi bài viết này sẽ được chia thành 12 bài đọc bao gồm:
1. Thị trường hoạt động như thế nào?
2. Các phương pháp đầu tư
3. Rủi ro, biến động, và Beta
4. Những điều cần biết về đầu tư bằng tiền vay (margin)?
5. Bản chất chu kỳ của thị trường
6. Tư duy độc lập trong đầu tư
7. Đừng cố dự đoán thị trường
8. Lãi kép
9. Khi nào nên bán các khoản đầu tư?
10. Đầu tư tập trung vs phân bổ rủi ro
11. Kĩ năng đầu tư (Alpha) được xác định như thế nào?
12. Cuộc chơi Poker với những tay chơi giỏi nhất
Mỗi bài viết chỉ là một mảnh ghép quan trọng mà khi đã hoàn thành tổng cộng 12 bài viết, bạn đọc sẽ có một bức tranh tổng thể mang tính cơ bản về đầu tư. Đầu tư chưa bao giờ là một việc dễ dàng, mỗi nhà đầu tư cần trang bị cho mình một phong cách đầu tư riêng phù hợp với bản thân của chính mình, và điều đó chỉ có thể đạt được nếu bạn có một phương pháp luận chính xác và đúng đắn.
Mr. Market
Một người phi công, khi được hỏi về công việc của anh ta như thế nào, đã đùa rằng "Công việc của tôi bao gồm nhiều ngày buồn chán đan xen bởi một vài khoảnh khắc kinh hoàng". Nếu người phi công trên tham gia vào lĩnh vực đầu tư, người viết khá chắn chắn anh ta sẽ nhận thấy rằng thị trường cũng hoạt động tương tự như lĩnh vực hàng không, một chuỗi thời gian dài buồn chán được kích thích bằng một vài sự kiện kinh hoàng đan xen. Tuy nhiên, khi chúng ta nói về thị trường, rốt cuộc là chúng ta đang nói về cái gì?
Thị trường về cơ bản là một tập hợp những người tham gia giao dịch mua bán cổ phiếu với nhau (cổ phiếu hiểu một cách đúng đắn nhất là một phần sở hữu hợp pháp của công ty). Những người tham gia với trình độ hiểu biết và góc nhìn khác nhau về triển vọng của từng công ty cùng nhau thiết lập mức giá chung cho thị trường tại từng thời điểm. Hiểu một cách trừu tượng, ý chí của thị trường là ý chí chung được tổng hợp và cân bằng bởi tất cả những người tham gia. Nếu ý chí chung là tích cực, thị trường sẽ đi lên; nếu ý chí chung là tiêu cực, thị trường sẽ đi xuống.
Benjamin Graham, người thầy đã định hình phong cách đầu tư của huyền thoại Warren Buffett, trong cuốn sách "Nhà đầu tư thông minh" đã giới thiệu khái niệm Quý Ông Thị Trường (Mr. Market). Bằng việc nhân cách hóa thị trường, Benjamin Graham ngầm chỉ rằng thị trường về cơ bản cũng chỉ tư duy và hành động cảm xúc như một người bình thường. Những lúc cao hứng và lòng tham nổi lên, ông ta sẽ ra giá mua-bán rất cao vì ông ta sợ người khác sẽ cướp mất cơ hội lợi nhuận của mình. Những lúc trầm cảm và sợ hãi, ông ta chẳng thể thấy gì ngoài tận thế sắp đến, thế giới chuẩn bị diệt vong, và việc ông ta cần làm lúc này là bán tháo tất cả càng sớm càng tốt và tìm chỗ ẩn nấp chuẩn bị cho cơn khủng hoảng sắp đến.
Quý Ông Thị Trường là một gã gàn dở, ông ta liên tục đưa ra những mức giá khác nhau cho cùng một doanh nghiệp. Ông ta cũng chẳng trách bạn nếu như bạn hoàn toàn phớt lờ ông ta. Việc của ông ta là ra giá, việc của nhà đầu tư là quyết định xem mức giá đó có đủ hấp dẫn để chấp nhận hay không. Quyền quyết định giao dịch hoàn toàn nằm ở nhà đầu tư, Quý Ông Thị Trường chẳng thể bắt bạn làm theo bất kì yêu cầu nào mà hắn ta muốn (trừ khi bạn full margin, nhưng đó là câu chuyện của phần 4). Nếu bạn không thích giá cả mua-bán ngày hôm nay, không sao cả, hắn ta sẽ lại quay lại vào hôm sau với một mức giá khác, và cứ tiếp tục như thế trong tương lai cho đến khi bạn thấy mức giá đó phù hợp để quyết định giao dịch.
Một điều cực kì quan trọng nhà đầu tư cần phải ghi nhớ: Quý Ông Thị Trường sinh ra là để phục vụ cho lợi ích của bạn, không phải để bảo bạn phải làm gì trong từng trường hợp cụ thể. Nhà đầu tư có quyền hoàn toàn phớt lờ thị trường nếu như hắn ta đang lên cơn điên hoặc tận dụng triệt để nếu như hắn ta đang mắc sai lầm trong việc định giá. Nếu như nhà đầu tư nghĩ rằng mình không thể tự mình ra quyết định hoàn toàn độc lập so với thị trường thì đơn giản là bạn không nên tham gia đầu tư ngay từ đầu. Như một câu nói nổi tiếng trong Poker "Nếu bạn đã ngồi vào bàn chơi Poker trong 30 phút mà vẫn không biết ai là thằng ngu, bạn chính là gã đó".
Nhưng điều đó không có nghĩa là Quý Ông Thị Trường lúc nào cũng điên loạn và ngớ ngẩn. Mặc dù trong ngắn hạn, dưới sự tác động mạnh mẽ của cảm xúc, hắn ta có thể đưa ra những mức giá vớ vẩn tách rời hoàn toàn với thực tại. Tuy nhiên, về lâu dài, khi lí trí dần dần thay thế cho cảm xúc thì hắn ta lại định giá doanh nghiệp cực kì chính xác. Suy cho cùng, rất khó để bạn lên cơn điên loạn trong một khoảng thời gian dài, điều đó rất tốn năng lượng và không ai ngu đến như thế. Lí trí rồi sẽ hồi phục, và Quý Ông Thị Trường sẽ nhận ra mình đã phạm sai lầm trong việc định giá và nhanh chóng khắc phục nó. Như Benjamin Graham đã nói "Trong ngắn hạn, thị trường là một cỗ máy đếm phiếu -kiểm đếm xem công ty nào nổi tiếng hoặc không phổ biến. Nhưng trong dài hạn, thị trường là một cỗ máy cân đo - đánh giá chính xác giá trị thực của một doanh nghiệp".
Điều này quay trở lại một ý đã được nhấn mạnh bởi người viết: với tư cách là một nhà đầu tư tham gia vào thị trường, quyền quyết định mua-bán luôn nằm ở bạn. Việc của thị trường là cung cấp giá, việc của bạn là quyết định xem mức giá đó có lợi cho bạn để thực hiện hay không. Bạn không cần phải liên tục giao dịch với Quý Ông Thị Trường chỉ bởi vì hắn ta luôn cầu xin bạn làm việc đó. Đây là lợi thế cơ bản mà bất kì nhà đầu tư tham gia vào thị trường cũng đều có: bạn có toàn quyền trong việc quyết định có nên mua-bán theo giá cả mà thị trường đưa ra hay không. Nếu bạn không thích những gì mà hắn ta đang đưa ra, bạn có quyền không tham gia. Và hắn ta cũng chẳng quan tâm, hắn sẽ lại xuất hiện vào ngày mai với một mức giá khác, và cứ thế cứ thế cho tới khi bạn quyết định đâu là mức giá mà bạn muốn làm ăn với Quý Ông Thị Trường.
Bất kì nhà đầu tư nào để giá cả hằng ngày ảnh hưởng đến quyết định mua-bán các khoản đầu tư của mình đang biến lợi thế cơ bản của mình thành nhược điểm chí mạng. Bạn từ người có toàn quyền quyết định trở thành người bị buộc phải thực hiện các hành động theo ý muốn của thị trường. Bằng cách liên tục để tâm và lắng nghe những thông tin nhiễu hằng ngày của thị trường và đưa ra các quyết định dựa trên đó, nhà đầu tư đang tự biến mình từ ông chủ thành nô lệ phục vụ cho thị trường.
Bài viết liên quan:
Hãy giả sử rằng bạn là một người nghiện cà phê và thói quen của bạn là ra quán cafe hằng ngày để nhâm nhi tách cà phê chuẩn bị cho một ngày mới đầy năng lượng, bạn sẽ cảm thấy vui hơn hay buồn hơn nếu giá cà phê giảm đi mỗi ngày? Nếu như bạn cảm thấy vui hơn khi mua cốc cà phê với giá thấp hơn ngày hôm trước, tại sao bạn lại cảm thấy chán nản khi giá mua doanh nghiệp đi xuống hoặc phấn khích khi giá mua doanh nghiệp tăng cao? Nhiều nhà đầu tư cảm thấy phấn khích khi thị trường đi lên nhưng lại thất vọng khi thị trường đi xuống. Đây là một phản ứng vô lý nếu điều mà bạn mong muốn là mua cổ phần của các công ty trong tương lai.
Với tư cách là một nhà đầu tư, nhiệm vụ của bạn là tìm các doanh nghiệp chất lượng để rót tiền phục vụ cho mục đích tăng trưởng của công ty, và nhà đầu tư càng làm được điều này với chi phí rẻ hơn (giá mua cổ phiếu thấp hơn) thì điều đó càng tốt cho triển vọng lợi nhuận. Phấn khích điên cuồng mua đuổi cổ phiếu khi thị trường đi lên hoặc hoảng sợ bán tháo tất cả khi thị trường đi xuống là những sai lầm căn bản có thể dẫn đến việc thua lỗ tất cả trong nháy mắt.
Tất cả những nhà đầu tư khi tham gia đầu tư đều hi vọng có thể đạt được một tỷ suất lợi nhuận "đủ tốt" so với công sức và thời gian mình đã bỏ ra để nghiên cứu hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, "đủ tốt" nghĩa là như thế nào? Tỷ suất lợi nhuận lớn hơn 10%? Hay là 20%? Hay đơn giản không thua lỗ là "đủ tốt" rồi?
Nếu thiếu đi một chuẩn mực so sánh, ta không thể nào thực sự biết được hiệu quả đầu tư của mình đang thực sự là "tốt" hay "tệ". Nếu như bạn nghĩ chỉ cần tài khoản xanh là tốt rồi thì bạn đang phạm một sai lầm cơ bản của những người mới tham gia đầu tư. Nếu như thị trường đi lên 10% trong khi tài khoản của bạn chỉ đi lên 3% thì hiệu suất đầu tư của bạn còn thua cả 1 người chẳng cần làm gì mà chỉ cần đầu tư vào 1 quỹ chỉ số mô phỏng theo thị trường và quên đi tài khoản của mình sau đó. Bạn bỏ rất nhiều thời gian và công sức để tìm ra những khoản đầu tư mà bạn cho rằng "tiềm năng nhất" nhưng tỷ suất lợi nhuận của bạn chỉ có 3% trong khi một người khác không tốn chút công sức nghiên cứu nào cả mà chỉ đơn giản là đầu tư vào quỹ chỉ số mô phỏng VN30 và đạt được 10% (VN30 là 30 công ty vốn hóa lớn nhất Việt Nam, giá trị vốn hóa 30 công ty này đủ lớn gần bằng quy mô toàn thị trường nên quỹ mô phỏng VN30 sẽ có tỷ suất lợi nhuận gần như tương đương so với tỷ suất lợi nhuận của toàn thị trường).
Thị trường chính là tiêu chuẩn để bạn so sánh kết quả đầu tư của mình. Nếu như bạn không thể đánh bại thị trường thì bạn không có lí do gì để đầu tư chủ động cả (active investment), tất cả những gì bạn cần làm là mua theo một quỹ chỉ số mô phỏng thị trường và bạn sẽ có được tỷ suất lợi nhuận chung của thị trường. Đây là phương thức đầu tư thụ động (passive investment) mà đa phần những người không có thời gian theo dõi thị trường đang thực hiện.
Tuy nhiên, để có được tỷ suất lợi nhuận lớn hơn thị trường liệu có thực sự dễ dàng hay không?
Eugene Fama, một nhà kinh tế học nổi tiếng, thậm chí cho rằng việc này là không thể. Ông ta cho rằng cố gắng đánh bại thị trường là một việc ngu ngốc, vì chỉ có những kẻ ngốc mới cố gắng làm những việc bất khả thi. Ông ta thậm chí còn có cả một học thuyết nổi tiếng để chứng minh việc đó.

Lí thuyết thị trường hiệu quả

Năm 1959, Eugene Fama đã nhận một công việc làm thêm cho một giáo sư chuyên cung cấp dịch vụ dự báo về thị trường tài chính cho các bên có nhu cầu. Eugene bị thị trường ám ảnh, ông liên tục nghiên cứu về các mô hình giá trong quá khứ cũng như tổng hợp xác suất thống kê để tìm ra các mẫu hình mang tính dự đoán về xu hướng tương lai, ông ta luôn cố gắng tìm ra những dạng thông tin có thể mang lại lợi thế cho nhà đầu tư thông qua việc cố gắng dự đoán tương lai sẽ diễn ra như thế nào. Ông ta luôn thất bại trong việc này, những thông tin ông tìm được không đủ bền vững để trở thành một dạng lợi thế đáng tin cậy.
Với trải nghiệm về thị trường khá đau thương này, ông theo học chương trình Ph.D tại đại học Chicago và đã viết một bài luận văn về một trong những học thuyết nổi tiếng nhất trong kinh tế học hiện đại ngày nay. Ông chính là cha để của thuyết Thị Trường Hiệu Quả (Efficient Market Hypothesis). Nền tảng của lí thuyết cho rằng biến động giá của doanh nghiệp trên thị trường là hoàn toàn ngẫu nhiên không thể dự đoán. Do đó việc có thể có một cái nhìn chính xác hơn thị trường về giá trị doanh nghiệp là ảo tưởng vì tất cả những thông tin có thể ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp đều đã được phản ánh vào trong giá cả trên thị trường. Dĩ nhiên sẽ có một số nhà đầu tư sẽ có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn thị trường trong vài năm nhưng điều đó chỉ đơn thuần là "chó ngáp phải ruồi", không ai có thể liên tục đánh bại thị trường trong nhiều năm để chứng minh rằng "kĩ năng đầu tư" thực sự tồn tại. Tất cả những người đã đánh bại thị trường đều là những gã ngốc may mắn, và họ thậm chí còn không biết điều đó!
Eugene Fama đưa ra ví dụ về con khỉ đột búng đồng xu để đáp trả những ai nêu ví dụ của những nhà đầu tư liên tục đánh bại thị trường như Warren Buffett. Hãy tưởng tượng rằng có một cuộc thi búng đồng xu dành cho các con khỉ đột tham gia; xác suất búng được 10 lần mặt ngửa liên tiếp là rất hiếm, nhưng trung bình cứ 1024 khỉ đột tham gia thì sẽ có một con may mắn búng được mặt ngửa 10 lần liên tiếp. Nếu một việc cho dù xác suất xảy ra có nhỏ cỡ nào, chỉ cần số lượng tham gia đủ lớn thì việc đó chắc chắn sẽ xảy ra. Eugene chỉ đơn giản nghĩ là những người như Warren Buffett cũng giống con khỉ đột đã búng được 10 lần mặt ngửa liên tiếp, ông ta đã ăn may liên tục trong suốt quá trình đầu tư của mình.
Lí Thuyết Thị Trường Hiệu Quả có ưu điểm và nhược điểm của riêng nó. Nó không cung cấp một bức tranh hoàn hảo về thị trường, nhưng những lí luận phân tích lại khá vững chắc được hỗ trợ bởi những thống kê về tỷ suất lợi nhuận của các quỹ đầu tư trong quá khứ. Rất nhiều thống kê đã chỉ ra rằng tỷ suất lợi nhuận của các cá nhân tham gia, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư, đều không thể thắng được thị trường trong dài hạn. Kết luận này đã được kiểm tra lại nhiều lần qua nhiều giai đoạn khác nhau và kết quả vẫn không hề thay đổi. Những quỹ đầu tư vốn dĩ được thành lập với những nhà quản lí đầu tư chuyên nghiệp cũng không thực sự mang lại nhiều khác biệt trong việc "đánh bại thị trường".
Những thống kê trên được thực hiện tại thị trường chứng khoán Mỹ, một thị trường cực kì hiệu quả do yếu tố cạnh tranh khốc liệt giữa những con người thông minh bậc nhất trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Hầu hết những nhà đầu tư giỏi nhất thế giới đều tham gia đầu tư tại thị trường chứng khoán nước Mỹ. Thị trường Việt Nam là một thị trường mới nổi (emerging market), do đó không thể so sánh với các thị trường phát triển của phương Tây về độ hiệu quả trong việc định giá cổ phiếu. Tuy nhiên, cho dù xét thêm yếu tố kém phát triển của thị trường Việt Nam, việc đánh bại thị trường vẫn là một điều cực kì gian khó thậm chí đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Với những thống kê hết sức chặt chẽ về mặt hiệu suất hầu như lúc nào cũng thua kém so với thị trường của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư huyền thoại John C. Bogle đã cho ra đời khái niệm đầu tư thụ động thông qua quỹ chỉ số (index fund). Nếu như ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp liên tiếp "chủ động" thực hiện các khoản đầu tư mà họ cho là ý tưởng tốt nhất của mình còn không thể thắng nổi thị trường, tại sao lại trả phí cho họ để làm điều đó? Không có lí do gì để trả phí cho sự ngu dốt cả, nếu các nhà quản lí quỹ chuyên nghiệp không thể đánh bại thị trường, họ không có tư cách thu phí quản lí từ nhà đầu tư. Nhận ra vấn đề này, John C. Bogle đã quyết định rằng nếu như hầu hết các cá nhân tham gia đều không thể thắng thị trường, vậy thì có được tỷ suất lợi nhuận của thị trường là đủ tốt rồi. Ông cho ra đời quỹ chỉ số đầu tiên trên thế giới, Vanguard 500 Index Fund, một danh mục bao gồm 500 cổ phiếu được mô phỏng theo thị trường S & P 500 của Mỹ.
Khái niệm đầu tư thụ động theo quỹ chỉ số ngày càng nhận được sự quan tâm đông đảo trên toàn thế giới. Ngay đến Warren Buffett cũng phải công nhận rằng "John Bogle đã giúp đỡ cho tầng lớp nhà đầu tư nước Mỹ nhiều hơn bất kì cá nhân nào mà tôi biết". Một khái niệm tưởng chừng như đơn giản thời điểm nó ra đời lại đóng một vai trò cực kì quan trọng trong thị trường vốn trên thế giới ngày nay. Nếu như một nhà quản lí quỹ chuyên nghiệp còn không thể đánh bại thị trường trong chính trò chơi mà anh ta vốn dĩ phải giỏi nhất, việc tốt nhất một nhà đầu tư bình thường có thể làm là đầu tư vào một quỹ chỉ số thị trường và quên đi tài khoản của anh ta. Anh ta không phải nhọc công nghiên cứu về tình hình doanh nghiệp cũng như ngày ngày lướt nhìn bảng điện, bớt lắng nghe những điều nhảm nhí từ môi giới mà lại còn có tỷ suất lợi nhuận khá tốt.
Với những bằng chứng trên, liệu ta có thể kết luận rằng Eugene Fama đã đúng? Việc "đánh bại thị trường" là bất khả thi? Liệu kĩ năng đầu tư thực sự tồn tại hay tất cả chỉ đơn thuần là sự may mắn ngẫu nhiên? Phải chăng Warren Buffett, Ray Dalio, Howard Marks, Charlie Munger, những nhà đầu tư kiệt xuất trên thế giới đều là những con khỉ đột gặp may liên tiếp trong việc búng đồng xu?
Như người viết đã nhấn mạnh, Lí Thuyết Thị Trường Hiệu Quả có ưu điểm và nhược điểm của riêng nó:
Ưu điểm là gì? Nó khá đúng về việc miêu tả sự hiệu quả của thị trường trong việc định giá doanh nghiệp.
Nhược điểm là gì? Nó khá đúng cho tới khi nó sai
Đánh bại thị trường không phải là bất khả thi, nhưng nó gần như thế
Chúng ta hãy cùng quay lại với một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Benjamin Graham: "Trong ngắn hạn, thị trường là một cỗ máy đếm phiếu - kiểm đếm xem công ty nào nổi tiếng hoặc không phổ biến. Nhưng trong dài hạn, thị trường là một cỗ máy cân đo - đánh giá chính xác giá trị thực của một doanh nghiệp". Trong khi Eugene Fama lại nói rằng "Thị trường luôn luôn đúng". Ta có thể thấy rằng Benjamin Graham và Eugene Fama đều đồng ý về triển vọng hiệu quả trong dài hạn của thị trường, điều duy nhất họ không đồng ý với nhau là quan điểm đối lập về ngắn hạn. Trong ngắn hạn, thị trường hoàn toàn có thể trở nên phi lí tới mức khó tin.
Thị trường là nơi mà vô số những nhà đầu tư với kinh nghiệm và sở trường của riêng mình cùng nhau thu thập thông tin về tình hình hoạt động cũng như tiềm năng phát triển của doanh nghiệp để đưa ra quyết định mua-bán cho bản thân. Sự cạnh tranh gay gắt trong việc tìm kiếm lợi nhuận sẽ xóa bỏ đi bất kì món hời nào vừa xuất hiện trên thị trường. Xét một cách thực tế, khá là hợp lí để kết luận rằng giá cả trên thị trường sẽ không quá tách rời so với giá trị nội tại của công ty. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng công nghệ 2001-2002, khủng hoảng tài chính 2008-2009, và khủng hoảng Covid-19 2020-2021 đều cùng chứng minh rằng giá cả có thể trở nên hoàn toàn phi lí so với giá trị nội tại của công ty. Nhà đầu tư chuyên nghiệp sống vì những phút giây này, những khoảnh khắc hiếm hoi thị trường trở nên điên loạn.
Bất kì nhà đầu tư nào đủ bản lĩnh để đầu tư vào thị trường sau những cú sập lịch sử trên đều sẽ có những tỷ suất lợi nhuận không tưởng trong khoảng thời gian rất ngắn, một phần thưởng hoàn toàn xứng đáng. Dám rót tiền vào thị trường khi cả thiên hạ đều đang tranh nhau bán tháo để chạy thoát thân là hành động đúng đắn nhất trong đầu tư nhưng điều này đòi hỏi một sức mạnh tâm lý phi thường từ nhà đầu tư. Suy cho cùng, đầu tư là trò chơi của tâm lý nhiều hơn là trò chơi của tư duy. Không phải là khả năng tư duy và phân tích không quan trọng, nó rất quan trọng, nhưng một người thông minh hoàn toàn có thể vứt não của mình và bán tháo cùng với đám đông trong cơn hoảng loạn chỉ bởi vì "tất cả mọi người đều đang làm như thế". Suy cho cùng rất khó để bạn đứng yên trên sàn nhảy khi tất cả mọi người xung quanh đều đang điên cuồng lắc lư theo điệu nhạc điên loạn của thị trường!
Tuy nhiên, những cơ hội hiển nhiên như thế chỉ thường xuất hiện trung bình 10 năm 1 lần, những cơn khủng hoảng kinh hoàng có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế xã hội của người dân. Những món hời rõ ràng chỉ xuất hiện sau những cú sập thị trường mang tính lịch sử. Trong phần lớn thời gian, thị trường khá là hợp lí trong việc định giá. Như người phi công đã từng nói "Chuỗi ngày dài buồn chán đan xen với một vài khoảnh khắc kinh hoàng".
Ba cuộc khủng hoảng lớn trong lịch sử
Ba cuộc khủng hoảng lớn trong lịch sử
Không phải ngẫu nhiên mà Warren Buffett nhận xét John C. Bogle là người đã giúp đỡ cho tầng lớp nhà đầu tư nước Mỹ nhiều hơn bất kì cá nhân nào mà ông biết. Ý tưởng đầu tư quỹ chỉ số thực sự là một cuộc cách mạng trong đầu tư, đánh bại thị trường là một việc cực kì khó vì quả thật trong hầu hết thời gian nó làm rất tốt công việc định giá, vì thế cứ đầu tư theo thị trường là đủ tốt rồi, bạn không phải nhọc công suy nghĩ mệt não, bớt nhìn bảng điện gây trầm cảm, không phải nghe những lời nhảm nhí từ các "trưởng phòng môi giới" mà lại có một tỷ suất lợi nhuận khá tốt. Do đó sẽ tốt hơn cho một nhà đầu tư bình thường nếu họ đầu tư theo quỹ chỉ số thay vì tự nghiên cứu và đưa ra quyết định đầu tư của riêng mình. Ngay đến Warren Buffett cũng đã đưa ra hướng dẫn rằng sau khi ông mất, hãy dùng 90% số tiền ông để lại cho gia đình và đầu tư vào quỹ chỉ số S & P 500 của chứng khoán Mỹ. Ông cũng hiểu rằng cá nhân ông là một ngoại lệ hiếm hoi trong giới đầu tư.
Tuy nhiên, "bất khả thi" rất khác với "rất khó". Đánh bại thị trường không phải là bất khả thi, nó chỉ đơn giản là rất khó, do đó đầu tư chủ động không phải là việc dành cho hầu hết mọi người. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những nhà đầu tư kiệt xuất trên thế giới đều là những con "khỉ đột may mắn" như Eugene Fama vẫn nói. Thành tích đầu tư của họ đều đáng ngưỡng mộ và đủ lâu dài trong quá khứ để trở thành dữ liệu đáng tin cậy. Warren Buffett và Charlie Munger của Berkshire Hathaway, Ray Dalio của Bridgewater Associates, Howard Marks của Oaktree Capital đều có những triết lí đầu tư riêng đã đưa họ đến thành công, và họ đều có một điểm chung là họ không tin vào Lí Thuyết Thị Trường Hiệu Quả.
Tổng kết lại, người viết muốn mượn một khái niệm từ luật để tóm gọn bài viết. Bị cáo sẽ luôn được cho rằng là vô tội cho tới khi bị chứng minh là có tội. Bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình vì đây là sự mặc định, người khởi tố mới là người chịu trách nhiệm phải chứng minh sự có tội của bị cáo. Điều này cũng đúng với đại đa số nhà đầu tư, họ đều sẽ bị xem là không có khả năng đánh bại thị trường cho tới khi có bằng chứng thuyết phục chứng minh điều ngược lại.
Thị trường trong phần lớn thời gian hoạt động sẽ khá hiệu quả trong việc định giá doanh nghiệp, nhưng không phải lúc nào cũng như thế. Chỉ có một số nhà đầu tư hiếm hoi đủ khả năng "đánh bại thị trường" trong dài hạn. Đây là một sự thật các nhà đầu tư cần phải ghi nhớ trước khi tham gia đầu tư trên thị trường. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ phát hiện được các bong bóng tài chính nếu chúng ta cứ cho rằng "thị trường luôn luôn đúng" và từ đó bỏ qua các cơ hội chỉ đến một vài lần trong cuộc đời. Đôi lúc thị trường sẽ sai một cách điên rồ, và đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ sống vì những phút giây này!
Phần 2
Nguồn tham khảo:
- The intelligent investor - Benjamin Graham
- The little book of common sense investing - John C. Bogle
- The most important thing illuminated - Howard Marks
Đọc thêm: