Cách đây vài tháng, trong đợt Digital Detox ngắn ngày, mình chợt nảy lên một thắc mắc về tình yêu. Mình có viết nó thành bài và chia sẻ trên Spiderum với đại ý là: "Thứ tình yêu mà chúng ta hay nói đến có phải là tình yêu? Rốt cuộc thì chúng ta đang đi tìm tình yêu như thế nào? Có phải hy sinh là yêu, chăm sóc là yêu, thấu hiểu là yêu, thấy hứng thú, hấp dẫn là yêu? Nếu có thì nhiêu đó đã đủ?"
Thường thì mình cứ đặt câu hỏi và để mặc cho câu trả lời đến lúc nào thì đến, đúng kiểu cứ gõ cửa sẽ mở, cứ hỏi sẽ có câu trả lời - nghe rất triết lý dỏm nhưng ngẫm lại cũng rất đúng :). Và rồi cuối cùng mình cũng có câu trả lời tạm gọi hài lòng cho những câu hỏi bỏ ngỏ trên :>.

Ừ THÌ CŨNG... LỤY TÌNH :>

Có lẽ giống như nhiều bạn, mình đã từng yêu một người đến chết đi sống lại, đến mức bản thân tin rằng mình yêu họ hơn họ yêu mình gấp trăm nghìn lần. Mình dành gần như tất cả những gì mình có để theo đuổi tình yêu của đối phương bất kể người đó sai trái thế nào hay dễ dàng bỏ mặc mình ra sao. Mình lụy đến mức sợ hãi khi nhìn thấy bộ dạng đáng thương của bản thân mà vẫn không thể thoát ra nổi.
Có lẽ ai cũng sẽ có một đứa bạn khiến ta bất lực mỗi khi nó quay cuồng vì tình yêu. Mình là một đứa bạn như vậy. Bạn bè không thể hiểu nổi tại sao mình lại cô đơn và thiếu thốn đến thế và chính mình, một đứa tự đánh giá là ý thức khá tốt về giá trị bản thân, cũng không hiểu nổi. Mình mạnh mẽ trong tất cả mọi chuyện, trừ tình yêu. Mình khá tin việc bạn thế nào thì người yêu sẽ phản chiếu như vậy, nhưng không hoàn toàn đồng tình với giả thuyết: cứ đẹp, giàu, giỏi sẽ không lụy. Nâng cấp bản thân để thu hút đối phương với mình chưa bao giờ dừng lại ở mỗi tri thức, tài chính và ngoại hình mà còn bao gồm cả việc chữa lành những phản ứng vô thức không lành mạnh.
Mãi sau này, nhất là khi đọc xong cuốn Nhất thể và Phân tách, mình mới ngớ ra: Mọi sự điên cuồng, thiếu kiểm soát của mình trong mối quan hệ thực chất là sự nỗ lực vô thức để tìm lại thứ tình yêu mình đã mất đi mãi mãi - TÌNH YÊU ĐƯỢC NHẬN KHI CÒN LÀ MỘT ĐỨA TRẺ. Bạn không đọc nhầm đâu, là thứ tình yêu mà người khác trao cho bạn từ khi còn bú sữa, khi còn là file đính kèm của người thân. Không phải ta cố biến "người thương thành phụ huynh của mình" mà ta đi tìm sự quen thuộc của người đã từng chăm sóc, yêu thương ta dường như vô điều kiện.

TRI KỶ?

Chúng ta tưởng mình đi tìm tri kỷ nhưng thực chất là đi tìm lại những gắn bó đầu đời. Hầu hết định nghĩa về một người yêu lý tưởng sẽ là:
- Luôn ở bên ta lúc ta cần, quan tâm nhu cầu của ta (giống như cách mẹ luôn làm với các em bé mới sinh)
- Luôn sẵn sàng ủng hộ ta, tha thứ cho ta (giống như cách ta luôn nói: trẻ con mà, thôi cho qua)
- Luôn chân thành với ta kể cả khi ta chẳng có gì để vụ lợi (giống như cách chẳng ai muốn vụ lợi với một đứa trẻ non nớt)
Giận hờn là một đặc sản tuyệt vời của tình yêu. Ta chỉ hờn dỗi với người ta thương và khoảnh khắc ta hờn dỗi chính là lúc ta thành thật với nhu cầu: được yêu như một đứa trẻ. Ta muốn người kia biết ta cần gì mà không phải nói thành lời, không cần hành động, chỉ cần nhìn thái độ. Giống như một đứa trẻ chưa biết nói, chỉ biết khóc khi đói, hét khi gắt ngủ, thi khoảng đần thối mặt khi cần đi vệ sinh, ta vùng vằng, thái độ và ta kỳ vọng: một lần nữa được hiểu mà chẳng cần dùng đến ngôn từ. Như một đứa trẻ, ta cũng thèm sự hiện diện tức thì của người ta thương, thèm thấy người đó vội vàng chạy tới, hoảng hốt, xót xa khi thấy ta bất ổn. Có lẽ vì vậy mà những lời khuyên hòa giải trong mối quan hệ thường nhắc đến một cái hôn, một cái nắm tay, một cái ôm chặt hay sex.
Ngay cả trong tình dục, chúng ta cũng không chỉ theo đuổi khoái lạc, chúng ta theo đuổi sự thân mật hay đúng hơn là sự kết nối. Có những người không thể lên đỉnh khi sex without love và cũng có những người sẵn sàng nằm cạnh nhau cả đêm chỉ để được vuốt ve, ôm ấp sau nhiều ngày xa cách. Xúc chạm là một nhu cầu rất người và cũng là một trong 5 loại ngôn ngữ chính của tình yêu. Nhưng sâu hơn sự xúc chạm, ta muốn được ngắm nhìn, muốn được cười cùng nhau và chính xác là muốn tìm cảm giác an toàn để ta không chỉ lột trần cơ thể mà còn cả tâm hồn mình cho họ.
Đứa trẻ nào cũng nhạy cảm và ngây thơ. Đứa trẻ nào cũng có thể cảm nhận tình yêu thông qua hành động của cha mẹ (hay rộng hơn là người chăm sóc) của mình. Đó là bản năng của con người. Ta đã từng nhận được một tình yêu trọn vẹn như hòa làm một với người chăm sóc. Tuổi thơ thực sự định hình cách yêu và thứ tình yêu mà ta tìm kiếm. Trong khóa học gần nhất, mình nhớ mãi câu: "Kể cho tôi nghe về tuổi thơ của bạn, tôi sẽ cho bạn biết bạn yêu người như thế nào. Kể cả khi bạn nghĩ tuổi thơ của mình không có gì đặc biệt thì nó vẫn giữ một kho báu ở đó. Đôi khi bạn không thể nhớ nổi về cách mình đã từng được yêu chính là biểu hiện của việc thiếu trưởng thành về mặt cảm xúc: bạn không dám nhớ."

"TA VỚI MÌNH: TUY HAI MÀ MỘT, MÌNH VỚI TA: TUY MỘT MÀ HAI"

Quá trình hình thành nhân cách chính là quá trình phân tách ta với cha mẹ hoặc người chăm sóc của mình từ lúc là một đứa trẻ quấn tã. Từng bước một, sự phân tách an toàn, chậm rãi, vừa đủ cho đứa trẻ tự do phát triển, vừa đủ để đứa trẻ cảm thấy yên tâm, sẽ tạo ra những mẫu người lành mạnh hay mẫu hình An toàn trong thuyết gắn bó của John Bowlby (những người dễ cởi mở và tự chủ với các mối quan hệ trưởng thành).
Phân tách đột ngột dù vì bất cứ lý do dễ hiểu (qua đời, đi làm xa,...) hay không dễ hiểu (vứt bỏ con) đều khiến đứa trẻ nhận thấy sự thiếu vắng hình ảnh của người chăm sóc trong cuộc sống và khiến chúng không thấy được yêu thương. Nó sẽ tìm mọi cách để lấy lại tình yêu giống như một đứa trẻ cố sửa mình theo cách gia đình mong muốn hay gào khóc đuổi theo mẹ khi bị gửi lại nhà bà (mặc cho nhà bà có thể vui hơn kkk). Đôi khi, người đến sau có thương ta như thế nào ta vẫn không tin đó là tình yêu thật sự. Ta không được dạy, không được làm mẫu về một tình yêu an toàn. Điều này tạo ra mẫu hình Lo âu (luôn sợ bị bỏ rơi và không dám tin vào tình yêu của đối phương). Ngược lại, phân tách chậm trễ (quá bao bọc, chiều chuộng, can thiệp sâu, lo lắng quá đà,...) sẽ lấy đi không gian tự do của đứa trẻ và cũng khiến chúng dần nghẹt thở với tình yêu, tạo nên những mẫu hình Né tránh (có thể liên tục thay đổi người yêu hoặc sợ yêu).
Thờ ơ trong thời gian dài rồi bù đắp trong giai đoạn sau đó (hoặc ngược lại) cũng không phải là một giải pháp, chúng thậm chí còn tạo ra mẫu hình Né tránh - Lo âu (vừa sợ yêu, khó yêu nhưng khi yêu lại rất lo đối phương bỏ rơi mình). Oái ăm là mẫu hình Lo âu sẽ thường gặp Né tránh và ngược lại vì cả hai đều mang lại cho nhau sự quen thuộc (hình bóng của người chăm sóc, người đã trao họ tình yêu đầu đời). Và oái ăm hơn nữa, họ thường cho mình là trời sinh một cặp :>. Lý thuyết về The Good Enough Mother đưa ra cho chúng ta cách cân bằng trong vai trò của một người chăm sóc (không thờ ơ quá và cũng không quan tâm quá trong một thời điểm) nhưng không may, rất nhiều người không được nuôi dạy bởi một người "mẹ" đủ tốt như vậy và cứ thế, khi yêu chúng ta sẽ liên tục bị kích hoạt bởi những hành động cảm tính đến bản thân cũng chẳng thể hiểu nổi, đến lý trí cũng chưa chạy theo kịp mà can thiệp.
Phần lớn những sự kiện thơ ấu thường mờ nhạt đến mức ta gần như quên sạch. Nhưng, như phù du trong nước, tổn thương đã được tạo ra sẽ vẫn lơ lửng trong tiềm thức đợi ta giải phóng. Một trong những nỗ lực muốn nhận được sự chú ý từ người yêu của mình thực chất là đi tìm lại cảm giác làm đứa con duy nhất được cả nhà cưng chiều. Khi mình bắt đầu với vấn đề này, mình rất ngạc nhiên vì hình ảnh xuất hiện chỉ đơn giản là những chiều đi tập xe đạp với bố, dù ở nơi đông người nhưng tất cả đều như lu mờ, chỉ có bố, mẹ, mình và chiếc xe đạp con con. Mắt bố và mẹ trìu mến cổ vũ mình và lo cho mình. Mình đã khóc rất nhiều không phải vì ký ức đó đầy tổn thương mà tiếc vì nó đã bị đứt đoạn đột ngột đến mức đứa trẻ là mình ngày đó còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra.
Khoảnh khắc mình nhận ra tất cả điều này, chính là lúc mình bước 1 chân trên hành trình cai nghiện - nghiện khổ vì yêu =))). Người ta bảo để được yêu, trước hết hãy rời bỏ người không yêu ta đã. Mình tin đó là một lời khuyên đúng đắn nhưng làm thế nào bỏ được không hề dễ. Vì ta không thấy mình có "nhà" trong tim, ta cầu cứu, nương nhờ "nhà" của người khác mà không chắc họ có nhà, có thứ ta kiếm tìm hay không? Và thi thoảng, khi ta dừng việc kiếm tìm, ta có thể buông bỏ một cách tự nhiên... hoặc tạo điều kiện để partner dẫn biết cách yêu ta trọn vẹn. Thật lòng mà nói thì đó là khi bất lực, khi gom đủ thất vọng, tự nhiên buông bỏ và yêu đương nhẹ nhàng hẳn, lúc đó mình chấp nhận sự phân tách đồng thời chấp nhận: thứ tình yêu kia đã được nhận một lần trong đời rồi. Chấp nhận thật sự từ bên trong xong thì khỏi lưu luyến quá khứ mà hăm hở nhìn về tương lai: không cần yêu như vậy mình có thể được yêu như thế nào? :>).
Trước đây mình nghĩ tình yêu là một cảm giác hoặc một lựa chọn, một sự học hỏi nhưng suy cho cùng, chúng ta đâu chỉ đi tìm một cảm giác, một lựa chọn hay một bài học, chúng ta đi tìm tình yêu mà ta có thể hấp thụ hay đúng ra là ngôi nhà ta thuộc về. Giây phút ta về "nhà" chính là giây phút ta có thể yêu và cho phép mình được yêu trọn vẹn.
---
Bài này mình viết nháp trên Spiderum lâu lắm rồi mà chờ mãi nửa năm, đến Valentine mới đăng cho có không khí. Mình là kiểu cái gì không hiểu sẽ mãi băn khoăn nên dù đau đầu thì để yêu, chắc sẽ không ngừng thắc mắc về tình yêu =)))
Nguyện cho chúng ta đều yêu và được yêu một cách đủ đầy.