Liệu chúng ta có thể muốn cái mà chúng ta đã có rồi không?
Tôi đã định giật tít cho bài theo hướng gì đó hoành tráng một chút như kiểu “Bí quyết để giữ lửa tình yêu” hay đại loại thế. Nhưng nghĩ lại tôi muốn nó thật giản dị và dễ hiểu thôi. Như cách mà tôi sẽ chia sẻ tiếp đây, đơn giản là những suy nghĩ của tôi, có thể đúng có thể sai và hy vọng sẽ mang lại góc nhìn mới mẻ cho mọi người. 

Bản thân tôi khi suy nghĩ về tình yêu thường hay đặt cho mình rất nhiều câu hỏi. Tình yêu đối với tôi luôn là một việc nghiêm túc và là một chặng đường dài. Tuy nhiên nói là một chuyện, đi được dài hay không lại là một việc khác. Chẳng phải có những tình yêu nồng cháy nhưng vẫn thường vô cớ đổ vỡ đấy sao? Chẳng phải khi yêu nhau người ta vẫn thường thề non hẹn bể, nhưng rồi cũng chỉ vì một phút yếu lòng với người thứ 3, một phút bất đồng mà tình yêu tan vỡ. Người ta chia tay mà chẳng hiểu nổi lý do, rồi lại tặc lưỡi buông ra một câu rằng “không hợp”. Bố mẹ tôi đã và vẫn đang yêu nhau, nhưng xen giữa những nốt thăng ấy cũng là một vài nốt trầm của sự đổ vỡ, phải rất cố gắng mới đến được ngày hôm nay.
Vậy câu hỏi tiếp theo của tôi là liệu rằng mình có giống như những người đàn ông khác? Liệu có chắc rằng mình sẽ không bao giờ phản bội nửa kia, liệu rằng đạo đức có phải là điểm mấu chốt? Liệu tình yêu sét đánh, hay mối quan hệ dựa trên sự tính toán chi li từng tiêu chí của những con người được coi là trưởng thành có phải nền tảng cho một tình yêu vĩnh cửu? Tôi không nghĩ lỗi luôn thuộc về những người đàn ông và ngược lại, một mối quan hệ đổ vỡ luôn có trách nhiệm từ cả hai.

Khoảng cách

Trước khi đi vào phân tích sâu hơn, tôi muốn trích một bài viết có tiêu đề “Khoảng trống” trong cuốn sách “Nhiệt độ ngôn ngữ” mà tôi từng đọc.
“Có lần hồi còn học đại học, trong lúc tham gia hoạt động tình nguyện ở nông thôn, tôi đã vào thăm một ngôi chùa nhỏ. Giữa sân chùa có một tòa tháp đá uy nghi, bệ vệ. 
Tôi đi vòng quanh ngọn tháp quan sát những vết hằn và dấu tích in trên từng viên đá. Chỉ nhìn thoáng qua cũng có thể biết ngọn tháp này đã có từ lâu. Vết tích tháng năm cùng sương gió thời gian in hằn rõ nét lên tòa tháp. 
'Ngọn tháp bao nhiêu tuổi rồi nhỉ', 'Đã qua biết bao nhiêu thời gian rồi... ' Trong lúc một mình lặng lẽ chìm vào suy tưởng, từ sau lưng một ai đó bước đến gần bên tôi. 
  • Theo cậu thì ngọn tháp này đã ở đây bao lâu rồi? 
Có lẽ đó là vị sư trụ trì. Vị ấy nói chuyện với tôi bằng giọng bình thản như nói chuyện với đứa bé nhà bên ngày nào cũng gặp vài ba lần. 
  • Những công trình bằng đá ở nơi này hầu hết đều đã tồn tại hơn 100 năm rồi. Xây những công trình đá như thế này, phải biết để lại những khoảng trống mới được.
  • Dạ? Khoảng trống ấy ạ?
  • Ừ, xây tháp mà xếp đá quá khít, quá  tỉ mỉ thì chẳng mấy mà bị gió mưa quật đổ. Mà không chỉ có mỗi tháp mới thế đâu. Cái gì cũng phải có khoảng trống thì mới bền chắc được…
Tôi không biết lời giải thích của nhà sư có phù hợp với nguyên lý kiến trúc hay không, nhưng nghe xong câu chuyện đó, những cảm xúc, những mối quan hệ vô cớ đổ vỡ trong cuộc đời tôi bỗng chốc vụt qua như những hình ảnh rực rỡ lóa mắt trong kính vạn hoa. Ngẫm lại mới thấy hình như đã quá nhiều lần tôi dành thời gian tập trung kiếm tìm sự hoàn hảo trên quãng đường đi mà quên mất đâu mới là đích đến.
Khoảng cách rất quan trọng. Có khi việc tạo ra khoảng trống còn quan trọng hơn cả việc cố sức tìm cách lấp đầy. Dù vậy, khi đã nhận ra được tầm quan trọng ấy, tôi vẫn thấy việc tạo ra được khoảng trống không hề dễ dàng”.

Cuộc khủng hoảng về ham muốn

Quay trở lại vấn đề. Tôi nhận ra một thực trạng rằng đời sống tình dục của những cặp vợ chồng thường phai nhạt dần theo thời gian, hoặc đơn giản là khi mà bạn đã quá hiểu về đối phương, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy chẳng còn gì hấp dẫn. Vậy câu hỏi tiếp theo ở đây sẽ là “liệu chúng ta có thể muốn cái mà chúng ta đã có rồi không?” hay “Vì sao sự cản trở lại thực sự kích thích con người ta đến vậy, tại sao việc đi quá giới hạn lại khiến cho ham muốn mạnh hơn? Hay như một câu nói mà tôi từng nghe của một người bạn đó là người ta ngoại tình không phải vì hết yêu mà vì người ta muốn có được thứ cảm giác ngoại tình ấy.
Chúng ta đang rơi vào một cuộc “khủng hoảng về ham muốn”. Một mặt chúng ta có nhu cầu được bảo vệ, nhu cầu về những thứ có thể đoán được, về sự an toàn, về sự độc lập, về sự tin tưởng về một cái gì đó dài lâu. Tất cả những điều này là bến neo đậu, là nền tảng cho một mối quan hệ bền vững.
Nhưng chúng ta cũng có một nhu cầu mạnh không kém - cả đàn ông và phụ nữ, đó là nhu cầu được phiêu lưu, về sự mới mẻ, về huyền bí, về những rủi ro, những thứ khó đoán và bất ngờ. Đó là lý do vì sao khi mới yêu, khi còn chưa biết nhiều về đối phương, chúng ta thường cảm thấy người ấy thật bí ẩn và hấp dẫn.
Trong tình yêu chúng ta muốn có, chúng ta muốn biết về người mà chúng ta yêu, chúng ta muốn thu nhỏ khoảng cách giữa hai người, chúng ta muốn khỏa lấp những khoảng trống. Nhưng ham muốn lại khiến chúng ta không muốn quay lại những gì mình đã trải nghiệm. Nói cách khác ta vừa muốn người kia trần trụi trong mắt mình và không có bí mật lại vừa muốn cô ấy/anh ấy luôn bí ẩn và hấp dẫn.
liệu chúng ta có thể muốn cái mà chúng ta đã có rồi không?

Lửa cần Oxy, và tình yêu thì cần khoảng cách

Esther Perel - nhà trị liệu tâm lý người Bỉ, tác giả của cuốn sách: “Nội tình của ngoại tình” đã đi qua nhiều quốc gia, thực hiện cuộc nghiên cứu với câu hỏi chủ đạo rằng: “Khi nào bạn thấy bạn đời của mình thu hút nhất” và bà nhận được câu trả lời chia là 3 nhóm.
  • Nhóm 1: Tôi bị thu hút nhất bởi người bạn đời của mình là khi chúng tôi sống xa nhau, khi chúng tôi tái ngộ và cảm xúc được giải tỏa.
  • Nhóm 2 có câu trả lời thú vị hơn: Tôi thấy thu hút bởi bạn đời mình nhất là khi thấy người ấy trong phòng làm việc, khi cô ấy/anh ấy trên sân khấu, khi anh ấy đang là chính mình, khi cô ấy đang làm thứ gì đó mà cô ấy đam mê, hứng thú, khi tôi thấy anh ấy tại bữa tiệc và mọi người đang thực sự bị thu hút bởi anh ấy. Đại loại tôi thấy người yêu mình đang thực sự rạng rỡ và tự tin.
Khi ấy tôi nhìn người yêu ở một khoảng cách thích hợp, không quá gần cũng không quá xa, nơi mà người ấy dù đã thật thân thiết và gần gũi, bỗng chốc trở nên bí ẩn và đặc biệt. Tại sao vậy? bởi sự mới mẻ lại không nhất thiết đến từ một thứ mới mẻ mà là khi ta nhìn sự vật qua một cách nhìn khác. Vậy nên khi tôi thấy người ấy đang tự tin, chú tâm sống trong thế giới của họ, bỗng nhiên trong tôi có sự thay đổi trong tâm thức. Con người ấy đang thuộc về tôi, rõ ràng là thuộc về tôi, nhưng lại đang thực sự độc lập, và tôi bị thu hút.
  • Nhóm 3: Tôi bị thu hút khi người yêu của mình làm những điều bất ngờ với tôi, chúng tôi vui vẻ bên nhau, khi chúng tôi làm tình có hơi bạo lực hay một cách ăn mặc, một tư thế mới mẻ.

Tác hại của thói quen

Thói quen là thứ vô cùng độc hại, nó giết chết niềm hứng khởi và hạnh phúc trong chúng ta. Bạn có để ý rằng chúng ta có rất nhiều quần áo, trình tự tâm lý của bạn đối với một bộ quần áo sẽ như sau: 
  • Thấy một bộ quần áo mới và thực sự thích nó.
  • Tiếp theo bạn tiết kiệm tiền từng ngày để dành tiền mua nó.
  • Bạn thực sự hào hứng vì mình sắp có trong tay chiếc áo tuyệt đẹp. 
  • Niềm vui vỡ òa khi cuối cùng bạn cũng đã sở hữu món đồ này. 
  • Bạn mặc nó ngày đầu tiên và thấy sao mà đẹp đến thế. 
  • Đến ngày thứ 10 bạn bắt đầu quen với việc mình có cái áo này, vài sau 1 tháng khi đã quá quen, bạn bắt đầu chẳng còn hứng thú. Chiếc áo cất trong tủ và mối quan tâm của bạn lại dành cho một cái áo mới vừa xem trên facebook.
Vì sao? Có thể lý giải điều này trên phương diện tâm lý học. Não của bạn thường phản ứng với những kích thích. Khi bạn đang ngủ và có tiếng gõ cửa, khi mùa đông và bạn phải đi tắm nước lạnh. Nhưng vấn đề là khi bạn đã tiếp xúc với kích thích ấy đủ lâu bạn sẽ bắt đầu làm quen với nó. Ví dụ như khi bạn đang nghe nhạc khá to và bắt đầu buồn ngủ, âm lượng lớn mới đầu khiến bạn khó có thể ngủ được, tuy nhiên sau một lúc làm quen với kích thích đó, bạn lại dễ dàng đi vào giấc. Điều thú vị là khi này nếu như tiếp tục để nhạc, bạn sẽ ngủ rất ngon, nhưng nếu tắt nhạc đi, bạn sẽ đột nhiên tỉnh dậy. Đó là bởi não bạn phản ứng với sự chênh lệch của kích thích. Và để tạo ra sự chênh lệch ấy, bạn cần tắt kích thích đi, tạo kích thích lớn hơn hoặc thay đổi nó. 
Trong tình yêu cũng vậy, khi mới yêu ta thường bị thu hút bởi đối phương. Mỗi ngày những “khoảng cách” tạo ra sự mới lạ, kích thích cảm xúc trong bạn. Nhưng khi đã quen với việc ấy, khi khoảng cách dần mất đi, ta bắt đầu cảm thấy nhàm chán. Đó là khi mà ta bảo rằng “hết yêu”, và chia tay đôi khi đơn giản là vì hết yêu mà thôi.

Làm sao để tạo ra khoảng cách

Quay trở lại với câu nói của vị trụ trì: “Cái gì cũng phải có khoảng trống thì mới bền chắc được…”. 
Khoảng cách ở đây không chỉ là khoảng cách về địa lý mà còn là khoảng cách trong tâm lý của con người, là sự bí ẩn, là sự mới mẻ mà ta đem lại cho người kia. Và sự mới mẻ như đã nói đơn giản là cách mà chúng ta nhìn một vật cũ theo góc nhìn mới mà thôi. 
Một mối quan hệ luôn có trách nhiệm từ cả hai, gạt qua khía cạnh về đạo đức, chúng ta cần thực dụng hơn để nhìn vào khía cạnh tâm lý. Chúng ta hơn lúc nào hết cần ý thức về việc tạo ra những khoảng cách vừa phải cho chính mình và bạn đời một cách liên tục và tế nhị. Hãy luôn làm mới bản thân mỗi ngày để làm mới tình yêu. Hãy có những mối quan tâm lành mạnh riêng, hãy học một thứ gì đó mới, thay đổi phong cách ăn mặc, làm tất cả mọi thứ để thay đổi tốt hơn từng ngày. Đừng hiểu nhầm tôi nhé, thay đổi những vẫn phải là chính mình, nếu không sẽ làm đối phương nghi ngờ và sợ hãi đấy. Đó là cách mà bạn có thể tạo ra những khoảng cách, giúp mối quan hệ bền vững hơn. 
Cũng không phải quá khó phải không?
Cái gì cũng phải có khoảng trống thì mới bền chắc được

Kết

Cảm ơn các bạn đã đọc tới dòng này, tôi nghĩ giữ lửa tình yêu thì có vô vàn phương pháp, chứ chẳng phải chỉ là những gì tôi đã nói trên đây. Tuy nhiên với những chia sẻ bên trên, hy vọng sẽ đem lại cho mọi người một góc nhìn mới về khoảng cách, khoảng cách là gì khoảng cách có ý nghĩa thế nào và làm sao để tạo ra khoảng cách. Áp dụng hay không, áp dụng ra sao thì tôi nghĩ sẽ tùy ý kiến cá nhân từng người. Rất mong được nghe thêm chia sẻ từ bạn đọc.

Đọc thêm: