Ra trường. Cái mình muốn. Cái mình thích. Và nghề kỹ sư phần mềm.
(bài chia sẻ của anh Nguyen Nhat Cuong trong group NTMN. Tham gia nhóm để đồng hành cùng "người trong muôn nghề" nhé ;) ) ...
Bài chia sẻ của anh Nguyen Nhat Cuong trong group Người Trong Muôn Nghề. Tham gia nhóm để đồng hành cùng "người trong muôn nghề" nhé ;)
HỌC XONG LÀM GÌ CŨNG ĐƯỢC
Đầu tiên phải nói về cái kiểu trường của mình khi còn học ở Pháp, gọi là Trường kỹ sư. Một số trường thuộc loại này cho phép sinh viên khi tốt nghiệp ứng tuyển vào rất nhiều ngành khác nhau. Cùng học y hệt như mình, bạn mình sau khi ra trường có người làm Trader, Kỹ sư địa chất, Tài chính ngân hàng, Kiểm toán, Phần mềm, Tư vấn chiến lược.
Khi còn học ở trường, mình luôn mơ ước được làm Tư vấn chiến lược, kiểu McKinsey.
Sau này nghĩ lại, mình muốn làm nghề ấy vì 2 lý do:
- Trong các sự kiện có sinh viên khoá trước về thăm trường, những người làm tư vấn chiến lược lúc nào cũng nói chuyện hay nhất, có vẻ thú vị nhất, diện suit đẹp nhất. Mình muốn được như họ.
- Nó vừa lấp lánh hào quang thành công, vừa xa lạ bí hiểm, nên nó rất hấp dẫn.
Để chuẩn bị thì mình đi các sự kiện, ôn luyện để phỏng vấn và xin thực tập ở một công ty tư vấn.
TUY MUỐN, NHƯNG THỰC RA LẠI KHÔNG THÍCH
Trong thời gian đi thực tập ở một công ty tư vấn (vào khoảng tier 3 ở Pháp), mình thấy rất là chán. Hàng ngày phải mặc suit đóng thùng khiến mình phát rồ. Mình cũng không nhìn thấy ý nghĩa công việc của mình làm, dù được tham gia dự án trực tiếp với một Partner.
Khi mình ôn luyện để phỏng vấn, mọi thứ đều rất xa lạ. Mình không máu me kinh doanh, không quan tâm đến dòng tiền, không quan tâm đến tăng doanh thu hay giảm chi phí. Mình tiếp thu tất cả một cách thụ động và máy móc.
Nhưng mình tự trấn an bản thân. Mình không thích thực tập bởi vì công ty không phải ở tier 1. Mình không thích mặc suit bởi vì công ty không có dịch vụ giặt là miễn phí. Việc ôn luyện khó khăn bởi vì “nó phải thế”.
THẤT BẠI VÀ HOANG MANG
Sau khi tốt nghiệp và đã làm thực tập ở 1 công ty tư vấn và văn phòng chiến lược của một tập đoàn lớn của Pháp, mình bắt đầu nộp đơn vào các “cabinets” hàng đầu của tư vấn chiến lược tại Paris. Mình có CV tương đối tốt và được nhận khá nhiều phỏng vấn.
Việc phỏng vấn không suôn sẻ. Có chỗ mình trượt vòng đầu, có chỗ là một vài vòng sau. Nhưng trượt phỏng vấn không phải là điều tồi tệ nhất. Mỗi một lần bị từ chối, mình đều có cảm giác người phỏng vấn đã "nhìn thấu" và nhận ra mình không hứng thú với lĩnh vực đó, với công việc họ làm. Sau một lần bị từ chối ở vòng 5 của một cabinet, mình rất buồn và nhận ra mình không thể tiếp tục nữa.
Làm gì bây giờ? Mình mất phương hướng. Mình đã tuyên bố nhiều năm cho ba mẹ là trường của mình học xong thì “làm gì cũng được”, hoá ra lại thành “không làm được gì”. Mình phải tìm được việc trước khi hết hạn visa.
Lúc ấy mình gọi điện cho Claire, một cô bạn khoá trên. Mình gọi Claire vì cô ấy đã ra trường, bỏ ngành toán tài chính cô ấy theo đuổi nhiều năm để làm kỹ thuật cho một công ty dầu khí. Claire nói một câu rất đơn giản, nhưng có lẽ là một câu nói ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của mình. “Tu peux toujours coder” —> “Cậu lúc nào cũng có thể lập trình”.
THỰC RA LẬP TRÌNH LÀ MỘT THỨ MÌNH THÍCH
Mình biết lập trình từ cấp 2, bố đưa đi học. Đến cấp 3, kiểm tra môn Tin học, thầy chia 2 đề để không chép bài nhau, mình lúc nào cũng làm xong cả 2 đề và cho các bạn chép (trong vai trò lớp phó học tập đấy 😝). Đi học ở Pháp, điểm IT của mình tương đối cao, và lúc nào cũng là tay code chủ đạo khi có dự án làm nhóm.
Nhưng mình lại chưa bao giờ muốn trở thành kỹ sư phần mềm. Mình thích việc lập trình và làm tương đối tốt, nhưng mình coi nó như thú vui, như một môn dễ dàng cho mình đủ điểm lên lớp thôi. Một phần lý do có lẽ đến từ gia đình: bố mình là một kỹ sư giỏi, nhưng những chuyện đã trải qua khiến cho bố hướng cho mình không làm kỹ sư giống bố.
Khi mình không thể làm Tư vấn chiến lược, cái “môn dễ dàng” đó trở thành phương án khả dĩ nhất. Mình biết làm. Thuận lợi nữa là thị trường rất rộng mở (và tiếp tục như vậy 10 năm sau đó). Mình bắt đầu mua sách về ôn lại các thuật toán cho phỏng vấn.
MỘT CÂU CHUYỆN KHÁC
Mình đổi LinkedIn từ một cái profile hướng tới business sang 1 cái profile để làm kỹ sư phần mềm. Trong ngày sau đó mình nhận 12 cuộc điện thoại mời phỏng vấn.
Khi phỏng vấn Lập trình, mình cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Mình cũng có bị trượt phỏng vấn, nhưng mình luôn biết nguyên nhân. Có thể là do mình căng thẳng, có thể là do mình không cẩn thận, có thể là có phần mình nắm chưa vững. Những sai sót ấy luôn luôn có thể cải thiện được. Nó không phải là cảm giác bẽ bàng, bị “nhìn thấu” khi trượt phỏng vấn Tư vấn chiến lược.
Tháng 12 năm 2012, 2 tháng rưỡi sau cuộc điện thoại với Claire, mình ký hợp đồng vào làm cho một công ty startup ở Paris.
HÊN XUI, ĐƯỢC MẤT, VÀ NẾU NHƯ CÓ LÀM LẠI
Mình có đọc được chính ở đây lời của T.S Lê Nguyên Phương, rằng hướng nghiệp là “hành trình nhìn lại quá khứ”. Mình hoàn toàn đồng ý. Lẽ ra mình nên chú ý nhiều hơn đến trải nghiệm của chính bản thân, đến thứ mình thích làm hơn là muốn trở thành người khác.
Có nhiều lựa chọn là một thuận lợi nhưng cũng là một cái bẫy. Khả năng lựa chọn sai sẽ cao hơn, như khi mình muốn làm Tư vấn chiến lược.
Mình đã rất may mắn vì thị trường IT rộng mở, và cho mình cơ hội ngay cả khi trong nhiều năm mình không đầu tư tâm trí gì vào nó. Tuy thế mình vẫn tiếc vì đã không suy nghĩ thấu đáo hơn và không tìm hiểu nghiên cứu về ngành phần mềm ngay từ khi đang đi học.
Mình cũng đã may mắn khi gọi điện cho Claire. Bạn ấy biết mình từ trước, lắng nghe, thông cảm và cho mình lời khuyên.
CUỘC ĐỜI CÓ ĐƯỢC MẤY LẦN MƯỜI NĂM...
Từ 2012 mình làm 3 công ty lớn bé khác nhau, ở Paris và London. Mình đã gặp những người tuyệt vời, rất giỏi và rất vui. Mình học rất nhiều điều, có cả những điều mình không nghĩ là sẽ có ngày cần học. Tất nhiên là cũng có lúc khó khăn và bế tắc. Nhưng chắc đây sẽ là chủ đề của một bài viết khác 🙂
Câu chuyện khi bắt đầu làm kỹ sư phần mềm của mình thật ra rất ít người biết. Cám ơn Nga và Smiley Mia đã động viên mình chia sẻ ở đây. Hy vọng nó sẽ giúp các bạn trẻ có thêm một ít thông tin và cảm nhận cho những lựa chọn của các bạn.
Đọc thêm:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất