Hexpion tên thật là Trần Văn Tiến, 20 tuổi, làm việc tại Monster Box và là một cây viết nổi bật tại Spiderum. Đó là miêu tả ngắn gọn về Tiến, điều mà đội ngũ Spiderum đồ rằng dù chúng tôi không nói ra thì chắc hẳn nhiều người cũng đã biết rõ. Từ seeding trên các group facebook, viết bài, comment hay “đấm nhau” trên nhiều diễn đàn, hội nhóm, Tiến là cái tên quen thuộc với cộng đồng tri thức trẻ tại Việt Nam. Dẫu vậy, để hiểu được những suy nghĩ thật sự của anh, có lẽ sẽ cần nhiều hơn thế.

KHÔNG CHẤP NHẬN THOẢ HIỆP

Tiến bắt đầu viết bài trên Spiderum từ năm 2017, từ lúc 17 tuổi. Nhưng những bài viết của anh lúc bấy giờ như Cười cái sự "nhạt", Giáo dục - Hệ thống luật chơi hoàn hảo nhất trong lịch sử loài người, hay Thượng đẳng lại thể hiện một thái độ vừa chán ngán vừa châm biếm, điều hiếm thấy ở bạn bè đồng trang lứa. Cái cảm giác “già trước tuổi” này còn được thể hiện ở những suy ngẫm Tiến gửi gắm trong các bài viết thu hút nhiều sự đồng cảm như Nếu con gái tôi mười bảy tuổi, Những ngày buồn của bọn con trai, Nước mắt con trai hay Mùi con gái (trong số này, hai bài viết cuối cùng cũng từng được đưa vào sách Dăm ba cái tuổi trẻ của Spiderum).
Tiến chẳng giống ai, nhiều người hẳn sẽ nghĩ vậy, khi từ anh toát ra thứ cảm giác ngông ngông của chàng trai trẻ tuổi đôi mươi, cảm giác bất cần, không chấp nhận thỏa hiệp. Nhưng cùng lúc, đó cũng là điều gây dấu ấn đậm nét và khiến Tiến trở thành một trong những cây viết nổi bật nhất Spiderum từ những ngày đầu. Đã có thời điểm ¾ Bài viết của tháng trên Spiderum… đều thuộc về tài khoản Hexpion của anh. 
Thái độ không thỏa hiệp và không nhân nhượng này càng được thể hiện rõ hơn trong những bài viết của anh về sau này. Bằng một cách nào đó, Tiến luôn là một trong những cái tên được réo gọi nhiều nhất mỗi khi Spiderum sục sôi và trở thành… Spidrama trong thoáng chốc. Độc giả lâu đời của Động Nhện hẳn vẫn còn nhớ vụ tranh cãi nảy lửa về trường chuyên lớp chọn, trong đó chính Tiến là người đã đăng tải bài viết phản biện Trường chuyên, lớp chọn: Bầy cừu? Xin lỗi bạn vừa nói gì cơ?, làm dấy lên những tranh cãi không dứt về trường chuyên hay không chuyên, về những trải nghiệm khi học trường chuyên và trường thường. 
Hay một “drama” khác cũng nổ ra sau bài viết Ra gì và này nọ, khi Tiến chia sẻ những suy nghĩ của mình về những cây viết mới của Spiderum, và kỳ vọng của anh về chất lượng bài viết tương xứng. Sau bài viết này, một số người dùng Spiderum người thì ủng hộ, người thì chán nản và bỏ đi, trong khi một số khác lại băn khoăn với câu hỏi “Làm thế nào để đấm vào mặt Hexpion?” Mặc dù vậy, như Tiến có chia sẻ sau này, dẫu bài viết này có tạo ra nhiều tranh cãi thì anh cũng không hối tiếc vì đã đạt được mục đích giúp người dùng Spiderum đặt ra một câu hỏi quan trọng hơn: “Đối với mọi người, Spiderum là gì?” Với Tiến, đó là điều quan trọng nhất mà ban quản trị cũng như những người ủng hộ Động Nhện cần nghiêm túc nhìn nhận để tìm ra câu trả lời, từ đó hướng tới những bước phát triển tiếp theo. 
Mặc dù là người trực tiếp dấy lên hai drama có thể xem là lớn nhất trên Spiderum, Tiến cho biết mình không cố tình làm như vậy. “Mình không cố ý, nhưng kiểu mình là thế: toxic, khó chịu. Đôi lúc vì thế mà mọi việc vô tình lại diễn ra như vậy.” Tiến cũng chia sẻ bản thân chẳng muốn tạo ra drama vì việc này đòi hỏi anh phải đánh đổi những điều không mong muốn. 
Thái độ sống quyết liệt, không thỏa hiệp không chỉ thể hiện trong việc viết lách mà còn cả ở những quyết định của Tiến trong cuộc sống. Đơn cử như việc anh quyết định... bỏ học đại học để đi làm sau khi trải nghiệm môi trường đại học một thời gian ngắn. Quyết định này có thể không dễ dàng với nhiều người, đặc biệt khi mới chỉ là một sinh viên năm nhất. Nhưng với Tiến thì khác, khi nhận ra các kiến thức cũng như cách giảng dạy của thầy cô ở trường đại học không phù hợp với mình, anh đã đưa ra quyết định dứt khoát và bắt đầu làm việc cho Monster Box. 
“Mình có xu hướng thích nói chuyện trao đổi cùng các giáo viên, giảng viên và các bạn. Những cuộc trao đổi này khiến mình có cảm giác được trải qua những trải nghiệm quan trọng nhất ở môi trường đại học rồi và có lẽ không còn nhiều điều ở trường để mình có thể trải nghiệm nữa.”
Chia sẻ thêm về những trải nghiệm thú vị này, Tiến cho biết anh từng phát biểu trước lớp với một giảng viên có thâm niên rằng sinh viên không chú ý tới bài giảng vì thầy giảng… khá chán. Anh thẳng thắn chia sẻ về việc thầy không cho sinh viên được tương tác trong lớp, thay vào đó chỉ giảng dạy theo một trình tự rất cũ kỹ và nhàm chán. Do vậy, dù những kiến thức thầy giảng dạy rất chính xác, chúng lại thiếu thực tế và khiến sinh viên không biết phải áp dụng thế nào vào cuộc sống. Sau sự kiện này, mặc dù thầy cũng rất cởi mở và tiến hành khảo sát toàn khoa để đánh giá lại phương pháp dạy của bản thân, Tiến không thấy quá nhiều thay đổi ngoài việc thầy đã quen mặt nên chú ý và… “cà khịa” vui anh nhiều hơn.
“Mình nghĩ là giảng viên không thể thay đổi cách dạy của họ trong vòng một sớm một chiều được. Mình cũng rất tôn trọng thầy giáo đó, chỉ là phong cách dạy của thầy và phong cách học của mình khác nhau. Đó cũng là một phần lý do tại sao mình cảm thấy môi trường đại học không còn phù hợp với bản thân nữa.”
Có lẽ, không quá lời khi nói rằng tất cả những gì Tiến làm đều bắt nguồn từ việc anh không thỏa hiệp với những điều bản thân cho là không đúng. Tiến cũng nhận thức rõ và sẵn sàng chịu trách nhiệm với mọi hành động của mình. Với chúng tôi, những người thực hiện bài viết này, đó thực sự là một phẩm chất đáng trân trọng.

HỌC HỎI VÀ TRƯỞNG THÀNH

Tiến chia sẻ bản thân lúc trước là kiểu người mình rất ghét, kiểu người “không biết quá nhiều và quá sâu nhưng lại thích viết và thích thể hiện”. Chỉ sau khi viết và học hỏi một thời gian dài anh mới nhận ra những mâu thuẫn trong các bài viết cũ của mình. Với anh, đó là cả một quá trình tự học hỏi, phản biện chính mình và thay đổi để trưởng thành.
Đơn cử như chính bài viết phản biện về trường chuyên lớp chọn được nhắc tới ở đầu bài, ở thời điểm hiện tại, Tiến cho biết mình đã không còn giữ quan điểm như khi đó nữa. Anh cho rằng việc nhận định trường chuyên tốt hơn trường thường khi bản thân chưa có trải nghiệm học ở các trường thường là không khách quan. Tiến cũng chia sẻ rằng quan điểm lúc trước của mình khá ngây thơ, được đúc kết từ những kinh nghiệm cá nhân và có phần nào đó được viết để thể hiện bản thân. 
“Mình nghĩ quan điểm cá nhân không có giá trị cao, do đó hiện tại mình thường tham khảo thêm quan điểm của những người đi trước, những quan điểm được nghiên cứu và khảo sát cẩn thận.” - Tiến chia sẻ.
Đối với chuyện nghỉ học đại học, Tiến cũng có lối tiếp cận tương tự. Anh cho biết mình không có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ về việc có nên tiếp tục học đại học hay không. 
“Mình nghĩ học đại học hay không là một việc rất phức tạp. Không phải ai nghỉ học đại học cũng giống nhau, mỗi người lại có những trải nghiệm và nhận được những giá trị riêng. Vậy nên càng không có một công thức chung cho việc học hoặc nghỉ.”
Thái độ cầu thị của Tiến cũng được thể hiện qua Spidrama về chất lượng bài viết: sau khi viết bài Ra gì và này nọ, anh cũng đã viết thêm hai bài viết khác với lối viết ôn hòa hơn như Mình thích đọc gì khi đọc Spiderum?Spiderum không tệ đi, nhưng việc bạn phàn nàn cũng không sai. Có thể thấy, Tiến đã lắng nghe những ý kiến phản biện từ bài viết trước để chú trọng vào nội dung hơn và để có thể thật sự trả lời cho câu hỏi điều anh kỳ vọng và mong muốn từ Spiderum - bao gồm cả ban quản trị và người dùng - là gì. 
Không chỉ trong khuôn khổ bài viết của mình, Tiến cũng là người chủ động học hỏi từ những cây viết khác trên Spiderum. Anh cho biết bản thân yêu mến khá nhiều cây viết, trong đó có thể kể đến Andy Lương với cách viết thoải mái và cầu thị. “Cảm giác như anh ấy chỉ muốn đưa bài viết đến mọi người và không quan trọng sẽ được phản hồi như sao.” Hay như Scarlet với lối viết gọn gàng, mạch lạc, tuy dài nhưng không bao giờ dư thừa. “Dù nhìn có vẻ an toàn và không có gì đặc biệt nhưng rất khó để viết như vậy, những trải nghiệm em ấy chia sẻ rất đặc sắc và không phải ai cũng có thể trải qua.” - Tiến chia sẻ. 
Đồng thời việc viết bài trên Monster Box cũng giúp anh học được nhiều bài học về cách viết. Tiến nhận ra khi viết không nên suy nghĩ ngắn hạn, đừng cố gắng để biến bài viết trở thành hoàn hảo. Bởi lẽ không ai sinh ra chỉ để viết một bài rồi chết đi. Viết là một quá trình dài, người viết cần biết chấp nhận rủi ro, chấp nhận ngày hôm nay mình chưa đủ tốt và cố gắng hơn vào ngày hôm sau. 
Đến thời điểm hiện tại, Tiến chia sẻ mình đã đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn để hoàn thiện và nâng cao chất lượng bài viết của mình. Có thể nói, chính thái độ cầu thị và không ngừng học hỏi khi viết này đã đem lại cho Tiến sự trưởng thành nhất định trong cả tư duy và cách hành xử.

HƯỚNG ĐẾN CỘNG ĐỒNG

Khi được hỏi về bản thân, Tiến chia sẻ rằng mình là người thích kết nối với người khác. Việc đọc và viết của anh đều bắt nguồn từ mục đích chung là để kết nối với mọi người. Anh muốn chia sẻ những góc nhìn và quan điểm của mình; đồng thời được lắng nghe, học hỏi những quan điểm, góc nhìn của người khác.
Mong muốn được gắn kết cộng đồng có lẽ thể hiện rõ nhất qua việc Tiến từng bắt xe khách từ Sài Gòn đi Hà Nội chỉ để... tham gia offline của Spiderum. Chia sẻ về trải nghiệm này, anh cho biết bản thân luôn ủng hộ Động Nhện vì cảm nhận được Spiderum có những người giống mình, có cùng mục tiêu mà mình theo đuổi. 
Đó cũng là lý do khiến anh bị thu hút và bắt đầu viết bài trên Spiderum. Tiến cho biết thông qua viết lách, anh học được cách tôn trọng những bạn trẻ có quan điểm khác biệt với mình. Tiến tin rằng đó cũng là triết lý hoạt động của Spiderum - để mọi người tự do viết, tự do phát triển. Và thông qua việc tiếp cận với nhiều ý kiến trái chiều, người viết sẽ học được cách để hoàn thiện bài viết của mình, nhận ra những lỗi tư duy mà mình đang có. Đó cũng là những điều mà Tiến đã trải qua và mong muốn các bạn trẻ khác cũng như vậy. 
“Từ lúc tham gia đến giờ, mình chưa bao giờ hối hận vì có những cãi nhau, căng thẳng xuất phát từ Spiderum. Chính nhờ những trải nghiệm đó mà mình trưởng thành hơn từng ngày. Mình tin đó là điều mà những người dùng Spiderum cũng sẽ trải nghiệm và học hỏi được.” - Tiến chia sẻ.
Có lẽ cũng vì tinh thần hướng đến cộng đồng này mà thông qua Spiderum, Tiến biết đến và gắn bó với Monster Box. Tiến cho biết team Monster Box cũng có lối tiếp cận tương tự khi chưa bao giờ nghĩ rằng những bài viết của mình là chân lý. Ngược lại, Monster Box luôn hướng tới việc trở nên “đúng hơn mỗi ngày” bằng cách khơi gợi tranh luận từ phía người đọc như một cách hiệu quả để cả team và người đọc có thể phát triển tư duy của mình. Tiến cho biết: “Ngày hôm nay một bài viết có thể đúng quan điểm của bạn, ngày mai một bài khác có thể lại trái với quan điểm của bạn. Mình nghĩ thành công là khi giúp mọi người quen với việc tôn trọng sự khác biệt này”  
Tiến cũng hy vọng cộng đồng có thể thông qua Monster Box để kể câu chuyện của bản thân, lan tỏa tri thức đến với nhiều người hơn nữa. Quan điểm của Monster Box là không có thông tin tri thức nào là nhàm chán, chỉ có thể cách diễn đạt chưa đúng mà thôi. Vì vậy, Monster Box muốn giúp mọi người học được cách kể chuyện, truyền tải thông tin qua hình ảnh, video,.. để từ đó giúp phát triển và gắn kết cộng đồng. 
Giống như tất cả mọi người, Tiến không phải lúc nào cũng có thể giữ được “nhiệt” để cháy hết mình. Thế nhưng cũng chính những giây phút chán nản đã dạy cho anh cách vượt qua khó khăn để tiếp tục bám sát mục tiêu của bản thân và tập thể; bằng cách tách biệt giữa tầm nhìn của mình và những cảm xúc cá nhân. Vì hiểu rõ sứ mệnh của Monster Box, biết được mình muốn làm gì, Tiến có thêm năng lượng để tiếp tục công việc tại team, tiếp tục viết, chia sẻ những kiến thức mà mình học được đến với mọi người.
Cũng giống như đã từng chia sẻ trong bài viết Spiderum chẳng là gì cả, chỉ là bản lề của một cánh cửa lớn, chúng tôi tin đây cũng là điều mà Tiến luôn tâm niệm:
“...tôi viết, cho những người trẻ đang thèm khát tri thức, cho những người chưa biết bắt đầu từ đâu. Tôi viết để họ biết rằng hiểu biết không phải là điều gì đó quá cao siêu và xa lạ.
Tôi viết để đi cùng họ, chứ không phải để dạy bảo.”
Thực hiện: Hoàng Phương, Thúy Hà
Thiết kế: Isa Quan