Làm gì khi rơi vào trạng thái mất phương hướng?
Bạn là người đang đi học, sinh viên, đã ra trường hay người đang thất nghiệp, bạn có đang không biết mình thích gì, mình muốn gì, luôn...
Bạn là người đang đi học, sinh viên, đã ra trường hay người đang thất nghiệp, bạn có đang không biết mình thích gì, mình muốn gì, luôn cảm thấy mọi thứ xung quanh nhạt nhòa vô vị?
Không biết bạn thế nào nhưng với mình thì mình từng gặp những tình trạng như sau khi mất phương hướng:
- Cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, ngày qua ngày, chẳng có gì mới mẻ, ngoài đi học thì chỉ cắm mặt ở trong phòng, nghiện xem Youtube, mạng xã hội.
- Cảm thấy chán nản do công việc quá nhàm chán muốn có một công việc sôi động, thử thách hơn nhưng không biết mình muốn gì. Hoặc mệt mỏi do công việc quá căng thẳng và muốn có một công việc nhẹ nhàng hơn.
- Thi thoảng nhìn lại quá khứ và thấy rằng mình chưa làm được điều gì lớn lao trong khi tuổi trẻ đang dần trôi đi.
- Khi mắc một thứ nghiện nào đó mà nỗ lực nhiều lần vẫn không thể thoát ra được, lúc nào bạn cũng hứa với lòng mình đây là lần cuối để rồi lại tự xỉ vả mình sao không đủ mạnh mẽ.
Mình nghĩ rằng nguyên nhân thì có nhiều nhưng đều có một điểm chung là cảm thấy rằng mình không biết phải làm gì tiếp theo, không biết mình sẽ phải đi về đâu, không biết nỗ lực mà mình đang bỏ ra để làm gì.
Chính những điều đó khiến mình luôn tự hỏi cuộc sống nhàm chán, trôi qua một cách vô ích vậy sao.
Vậy, chúng ta có thể làm gì khi bơi giữa khoảng thời gian mù hướng với cảm xúc kiệt quệ, luôn tìm cách trì hoãn và tuyệt vọng vào tương lai.
Việc đầu tiên, hãy nhìn sâu vào cảm xúc của bạn, và trả lời từng câu hỏi:
Bạn cảm thấy mất phương hướng từ bao giờ?
Có phải sau khi thi đại học? Hay sau khi tốt nghiệp đại học?
Điều gì làm bạn sợ, điều gì khiến bạn cảm thấy mơ hồ?
Bạn không thể hoàn thành được học kỳ này hay sao?
Bạn hoảng sợ vì mình mình đang trôi nổi trong khoảng thời gian vô định của tuổi trẻ?
Trả lời những câu hỏi trên càng chi tiết, càng thành thật và rõ ràng sẽ càng khiến bạn nhận diện rõ vấn đề đang xảy ra hơn. Cách làm của mình là ngồi ghi ra từng gạch đầu dòng. Từ các gạch đầu dòng đó, sử dụng mũi tên => hệ quả nào sẽ xảy ra với mình, nếu mọi thứ vẫn không có sự cải thiện.
Mục đích của việc trả lời sẽ giúp bạn cho chính mình một cơ hội để thành thật với bản thân. Bạn không nói chuyện với ai hết, vì thế không cần tỏ vẻ, gồng lên, hay sĩ diện. Ở bước này, gỡ bỏ "mặt nạ" là điều quan trọng để các quyết định tiếp theo sẽ đi đúng hướng hơn với chính bạn.
Mục đích của việc viết ra câu trả lời cũng là để trấn an bạn. Con người thường có xu hướng không ngừng lo lắng cho tương lai, tưởng tượng ra tương lai theo chiều hướng cực kỳ bất an, thiếu thốn hoặc khốn khổ. Đó là động lực khiến bạn không ngừng chuyển động để đạt được nhiều thứ hơn.
Nhưng song song với ưu điểm đó, không ngừng lo lắng cho tương lai có thể đẩy bạn vào tình trạng cứng đờ vì sợ hãi hoặc căng thẳng triền miên khi cơ thể bạn không biết phải phản ứng ra sao với nỗi sợ đó ở hiện tại.
Viết ra khiến suy nghĩ của bạn chậm lại, bớt tưởng tượng, mọi thứ hiện hình trên giấy và bạn có một "đối thủ" rõ hình để đối phó – thay vì là bóng ma ảo giác của nỗi sợ.
Cuối cùng, việc mình phác thảo vấn đề của mình ra giấy đồng thời cũng mở ra cơ hội tìm được phương pháp xử lý hiệu quả hơn là cứ giữ mãi trong suy nghĩ.Sau tờ giấy về nỗi sợ, hãy bắt đầu tờ giấy giải pháp (hoặc chia nó thành 2 cột nếu bạn xài giấy khổ lớn), viết ra những giải pháp bạn tự đề nghị với chính mình để chuẩn bị thực hiện nó.
Theo kinh nghiệm của mình, càng tưởng tượng rõ ràng về phương pháp, bạn càng có khả năng thực hiện nó thành công. Hãy chi tiết hóa. Kèm theo sự bắt buộc cam kết (như cách của mình là công khai một vài mục tiêu cá nhân lên mạng xã hội).Các giải pháp phải bắt đầu cực dễ dàng, ít, đơn giản, tăng dần hàm lượng từ sau 2 tuần – 1 tháng. Nếu ngay từ đầu bạn đề ra giải pháp lý tưởng, thường bạn khó thực hiện nó, vì bạn sẽ bị trật vuột, kiệt sức và không còn đủ động cơ để làm tiếp sau 1 -2 lần bỏ cuộc.
Ví dụ, nếu bạn muốn quy định mình tăng thời gian học, hãy bắt đầu bằng việc quy định mỗi ngày tôi sẽ học 30 phút. Sau 1 tuần có thể tăng lên thành 1 giờ. Sau 3 tuần sẽ tăng được thành 2 giờ. Mỗi khi làm xong cần ghi lại, khoe với ai đó, hoặc tự thưởng cho bản thân, để có sức làm tiếp.
Nếu bạn muốn mình đọc sách, hãy cho mỗi ngày 10 trang, sau 1 tuần là 15 trang, sau 1 tuần tiếp là 20 trang. Khi đọc xong, hãy tự khen bản thân, tự kết luận mình giỏi. Động cơ này rất quan trọng để bạn có cảm hứng.
Nếu bạn không thể viết 2 tờ giấy như bên trên, điều quan trọng nhất bây giờ bạn cần làm là hãy giữ cho tinh thần mình vui vẻ, tích cực, cơ thể khỏe mạnh, và lấp đầy thời gian trống mỗi ngày bằng một hoạt động gì đó có thể làm bạn thấy mình có mục đích sống.
Sau đây là những cách mình thường áp dụng:
1. Tìm tới những người có thể tư vấn
Việc bạn đang gặp phải chắc chắn là việc mà có ai đó đã trải qua. Một cái nhìn khách quan bên ngoài sẽ cho bạn góp ý khách quan. Người đầu tiên bạn có thể xin tư vấn chính là bố mẹ của bạn. Họ có tình yêu thương đối với bạn và họ có sự trải nghiệm cuộc sống hơn bạn ít nhất 20 năm.
Tuy nhiên thông thường thì ta luôn có xu hướng muốn giấu đi những khó khăn mà ta gặp phải. Vẻ bên ngoài của chúng ta vẫn rất tốt nhưng bên trong ẩn chứa nhiều vấn đề. Hơn nữa, chúng ta đang có xu hướng ít chia sẻ với bố mẹ bởi sự xa cách về thế hệ, bố mẹ nào muốn tốt cho con nhưng để hiểu được con lại là vấn đề không nhỏ.
Điều tốt nhất lúc này là tìm được người có kinh nghiệm. Tâm lý chung của con người là thích được dạy dỗ người khác nên đừng ngại hỏi, họ sẽ trả lời nhiệt tình hơn là bạn có thể tưởng tượng.
“Muốn khuyên một ai đó” là bản năng của con người vì khiến cho người đưa ra lời khuyên thấy được rằng mình quan trọng. Bạn hỏi 10 người thì 9 người sẽ không tiếc thời gian để khuyên bạn; lời khuyên có ích tới đâu sẽ phụ thuộc vào năng lực của họ.
Vấn đề của bạn là chọn đúng người đủ “năng lực” chứ không phải sợ họ không đồng ý khuyên khi bạn hỏi. Người đủ năng lực tốt nhất là người đã trải qua những khó khăn giống bạn trong quá khứ. Người đó sẽ nhanh chóng hiểu hoàn cảnh của bạn để đưa ra lời khuyên hữu ích.
Nếu không tìm được người để hỏi ý kiến, bạn có thể tìm đọc về các cuộc đời tự thuật của các nhân vật nghị lực, doanh nhân đi trước để học hỏi từ họ.
2. Tự hỏi bản thân mình
Hãy dành thời gian cho bản thân mình nhiều hơn. Tự hỏi bản thân những câu hỏi lớn, nhỏ khác nhau để hiểu hơn về bản thân mình. Những lúc như vậy, mình gọi là tự vấn bản thân. Từ đó, hãy viết ra những điều bạn suy nghĩ, đôi khi mình thường chuyển thành những bài viết để nói lên nỗi lòng mình, cũng là cách để mình tự kết nối với cảm xúc của bản thân bằng con chữ.
Xác định bản thân mình thực sự mong muốn điều gì?Sợ nhất không phải là không đạt được điều mình muốn mà là chính bản thân mình còn không biết mình thực sự muốn gì.
Khi đặt ra câu hỏi là: hãy viết xuống 10 điều bạn muốn làm trong năm mới. Có 2 tình huống xảy ra là có người không biết viết gì vì không biết mình muốn gì, có người lại không biết viết gì vì bản thân mình muốn quá nhiều thứ, viết 10 cái thì không muốn buông cái nào.
Đã đến lúc cân nhắc lại, đặt mục tiêu những gì quan trọng nhất mà mình thực sự muốn, tập trung năng lượng cho một vài điều ấy thôi, bạn sẽ thực sự làm nên thay đổi lớn. Đừng để bản thân cầu toàn, ôm đồm, mong muốn quá nhiều thứ khác nhau trong cùng 1 thời điểm: tiền, tình, đam mê, làm đẹp, học ngoại ngữ, nâng cao kĩ năng... Hãy nhớ não bộ làm tốt nhất khi bạn tập trung.
Khi đã viết ra những điều mình thích, hãy lên kế hoạch để thực hiện những điều bạn muốn (Và đừng quên deadline)Một bản kế hoạch sẽ không thể thành công nếu thiếu Deadline. Nếu thiếu deadline, đa số chúng ta sẽ trì hoãn trong nhiều tình huống: có khi vì lười, có khi vì đột xuất có việc mới phát sinh, có khi vì...tâm trạng bất ổn.
Trong suốt 9 tháng vừa qua mình tập trung cho việc viết mỗi ngày, đến nay với hơn 100 bài viết dài ngắn khác nhau thì mình dần tự trang bị cho bản thân kỹ năng viết lách, mình dần thấu hiểu cảm xúc của bản thân, suy nghĩ trở nên mạch lạc rõ ràng, hơn cả viết lách đã trở thành một phần của mình và khiến cho mình thấy vui mỗi ngày. Tất cả chỉ từ mục tiêu muốn tập viết để có thể chia sẻ cuộc sống của mình với bạn bè. Và giờ đây, từ viết lách, mình đã gây dựng nên cộng đồng viết lách với 7,5k thành viên mang tên: Viết lách mỗi ngày
3. Buông vài thứ để cầm thêm được vài thứ
Bao tải trên lưng bạn có đang nặng gánh quá không? Muốn đi nhanh, đi tới cùng, bạn ơi hãy buông xuống bớt những điều không còn cần thiết: buông xuống những hận thù, những quá khứ và kí ức không vui, buông những người không xứng đáng, buông những việc làm bạn mất thời gian, buông bớt tâm tư suy nghĩ phiền hà vì lời ra tiếng vào của người khác...Có vậy bao tải của bạn sẽ dư ra chỗ trống, để thêm vào những điều tốt hơn - chất lượng hơn.
4. Hãy chơi thể thao
Khi tuyệt vọng, đừng co mình lại ngủ ở nhà hoặc xem phim khuya. Hãy rủ những người bạn chạy bộ mỗi ngày, hoặc đi chơi bóng rổ, bóng bàn… hay đi bơi cùng nhau. Không thì hãy đi một mình. Đổ mồ hôi, thấy cơ thể khỏe, bạn sẽ suy nghĩ ra nhiều thứ. Rất nhiều ý tưởng của mình được nảy ra trong lúc chạy bộ.
5. Hãy học thêm vài thứ mới
Bạn có thể học bất cứ trò gì trên Youtube: cắt giấy, làm đồ hàng, làm vlog, học edit phim, học mix nhạc… bất cứ gì bạn thích, cứ thử học 1 cái, ở lớp, ở CLB hay trên Youtube. Khi làm việc gì đó mới, bạn sẽ có lý do để bận rộn hơn thay cho thời gian trống của mình để dành vào việc mất phương hướng nữa.
6. Hãy đọc sách
Đừng đọc một thể loại duy nhất, hãy đọc nhiều kiểu, thể loại, từ các quyển dễ đọc, đến những nội dung chi tiết hơn. Trước khi bạn biết làm gì với cuộc đời mình, thì đi "thám hiểm" xem cả thế giới đang làm gì để ướm bản thân vào, là 1 cách tốt để có cái gì và chọn lựa. Hãy quy định cho bản thân ít nhất một tháng là 1 – 2 quyển khác thể loại. Khi chán hãy bỏ ngang, tìm quyển khác, khi thấy dở hãy can đảm bỏ. Thấy hay, tiếp tục đọc.
Bạn sẽ thấy rằng cuộc sống này đầy màu nhiệm, rằng cuộc sống của bạn còn nhiều thứ đáng để khám phá, điều đó sẽ thúc đẩy bạn sống có ích hơn bằng những hành động tích cực. Mình muốn chia sẻ 1 Group nho nhỏ dành cho những bạn nào thích đọc sách: https://bom.to/6IcM6U
7. Hãy làm việc nhà
Hãy làm việc nhà (như rửa bát, ủi đồ cho ba mẹ, hoặc sẽ lau nhà mỗi tuần). Cam kết. Thực hiện. Nhìn thấy thành quả. Tất cả sẽ giúp bạn thấy mình làm việc có ích sau mỗi công việc. Và bạn sẽ không thấy mình tuyệt vọng, vô dụng, hay dậm chân tại chỗ nữa. Hãy thử, mỗi ngày trước khi ra khỏi giường, hãy gập chăn màn gọn gàng, bạn sẽ có một ngày mới tràn đầy năng lượng.
8. Hãy kết thêm bạn mới
Khi bạn có thêm những người bạn mới, bạn sẽ dần dễ mở lòng mình hơn với người khác, khi đó những người bạn có xu hướng chia sẻ sở thích với nhau, biết đâu điều mà họ chia sẻ cũng làm bạn thích thú.
9. Đáp lại tiếng gõ cửa
Cơ hội có thể gõ cửa nhà bạn bất cứ lúc nào nhưng nếu bạn không mở cửa, làm sao bạn giữ được cơ hội đó đây. Bạn phải nắm lấy cơ hội khi chúng xuất hiện. Đôi khi cơ hội không đến đúng lúc nhưng không hề gì, cơ hội đến khi nó xuất hiện thôi. Hãy đáp lại tiếng gõ cửa đó nếu không cơ hội sẽ đi gõ cửa nhà khác. Những cơ hội sẽ mang đến một cuộc sống nhiều thử thách hơn và đó là thuốc thử liều cao cho những bạn còn đang mất phương hướng.
Mình là người thích thử thách, mình luôn kiếm tìm những cơ hội từ những mối quan hệ xung quanh, để thử thách và nâng tầm bản thân mình hơn. Từ đó, mình dần nhận thấy cuộc sống này thật đáng sống và trải nghiệm, hơn là ngày qua ngày lo nghĩ chuyện mất phương hướng do chính suy nghĩ hạn hẹp của mình tạo ra.
10. Cuối cùng, hãy di phượt, đi du lịch với bạn bè, hoặc đi một mình đến một nơi xa. Khi bạn đến một vùng đất mới, bạn sẽ thấy rằng còn nhiều điều đáng để chúng ta khám phá. Được tiếp xúc với văn hóa, con người của vùng đất mới sẽ khiến bạn yêu học hỏi được nhiều điều hay, đôi khi sẽ khiến bạn yêu việc du lịch hơn, từ đó thúc đẩy chúng ta làm việc chăm chỉ để tích tiền đi du lịch thường xuyên. Đó là cuộc đời đáng sống của bao người trong đó có mình.
Điều quan trọng nhất cần nhớ là khi cố gắng xác định bạn sẽ làm gì với cuộc đời mình, và rồi bạn cần hành động vì không có gì tự dung mà có cả. Bạn phải quyết định và thử mọi thứ, kể cả dù bạn có ghét việc đó hay muốn làm điều gì khác. Đến cuối cuộc đời, bạn sẽ không hối tiếc vì đã thử làm điều gì đó và thất bại, nhưng bạn sẽ hối tiếc nếu không thử gì cả.
Rốt cuộc, cuộc sống này sẽ trôi về đâu khi chúng ta không được làm những điều mình thích, bạn và mình đều cần phải đưa ra quyết định, bắt tay vào tìm kiếm điều mình thực sự muốn hay tiếp tục lạc lối trong cuộc sống đầy nhiệm màu này. Lựa chọn là ở bạn.
Ai cũng bảo tuổi trẻ là quãng thời gian tuyệt vời nhất của đời người.
Nhưng nó sẽ thật sự ý nghĩa hơn nếu chúng ta tìm ra được bản thân mình và con đường mình đi, đúng không?
Cảm ơn bạn đã đọc hết bài này, mong rằng nó có ích với bạn.
Đọc thêm:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất