Công việc Tư Vấn Chiến Lược là làm gì?
Nhà tư vấn chiến lược là những người đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, thường được ví như “bác sĩ doanh nghiệp”, đem đến những “liều...
Nhà tư vấn chiến lược là những người đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, thường được ví như “bác sĩ doanh nghiệp”, đem đến những “liều thuốc” chữa đúng bệnh, đúng thời điểm nhằm giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu đề ra.
Tư vấn chiến lược có thể quen thuộc với các bạn ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì ngành này còn khá mới mẻ. Có những công ty nổi tiếng trong mảng này như McKinsey, BCG hay Bain &Company, hay một công ty khác là Deloitte Consulting Vietnam*.
4sv có dịp trò chuyện với với chị Lê Thị Ánh Nhân - Chuyên viên Phân Tích Kinh Doanh tại công ty tư vấn chiến lược Deloitte Việt Nam. Trong đó 4sv sẽ đem đến cho các bạn một cái nhìn sơ lược công việc Tư Vấn Chiến Lược qua đó các bạn sẽ nắm được những công việc cụ thể cũng như những kiến thức, kỹ năng chuyên môn bạn cần có để phát triển trong ngành nghề này nhé.
Chị có thể giới thiệu một chút về mình?
Chào các bạn, mình tên là Ánh Nhân. Nhân tốt nghiệp trường Đại Học Kinh Tế Luật thuộc ĐHQG Tp.HCM. Khi ra trường thì mình đi làm ở một công ty tư vấn của Việt Nam là Komtek.vn sau đó mình chuyển sang làm ở vị trí phân tích kinh doanh - Business Analyst tại Deloitte Consulting Việt Nam.
Chị Ánh Nhân - Chuyên Viên Phân Tích Kinh Doanh Tại Deloitte Consulting VN[/caption]
Chào chị Ánh Nhân, Chị có thể giới thiệu về vị trí và công việc hiện tại?
Hiện tại mình đang là chuyên viên phân tích (Business Analyst) thuộc mảng Chiến lược và Vận hành (Strategy and Operations) tại Deloitte Consulting Việt Nam. Mục tiêu của công việc tư vấn mà mình đang làm là giúp khách hàng, chủ yếu là các công ty lớn và chính phủ, phát hiện ra các vấn đề đang gặp phải và đưa ra giải pháp, lên chiến lược để phát triển trong dài hạn.
Ví dụ như một doanh nghiệp lớn đã vào thị trường Việt Nam được 5 năm rồi nhưng doanh số vẫn không tăng như mong đợi. Họ sẽ phải thuê các công ty tư vấn chiến lược để tìm ra vấn đề mà họ đang gặp là gì từ đó lên chiến lược giúp họ tăng doanh doanh số.
Đọc thêm:
Chị có thể chia sẻ cho các bạn đọc của 4sv chi tiết hơn về công việc của mình?
Khi nhận dự án từ cấp trên thì công việc cụ thể của mình là thu thập dữ liệu như đọc báo cáo của khách hàng, các báo cáo thị trường và đi phỏng vấn, tiến hành khảo sát đối với người dùng của khách hàng. Sau đó sẽ phân tích các dữ liệu này để đưa ra những giả định (hypothesis) về vấn đề khách hàng đang gặp phải.
Từ những giả định này, mình sẽ tiếp tục thu thập và phân tích dữ liệu để đưa ra nguyên nhân gây ra chúng. Và bước cuối cùng cũng là bước quan trọng nhất, mình sẽ xác minh lại đâu là giả định đúng gây nên vấn đề của khách hàng và đưa ra giải pháp phù hợp.
Một ngày làm việc bình thường của chị diễn ra thế nào?
Công việc sẽ thay đổi theo từng dự án khác nhau nhưng thường thì sẽ tiến hành công việc theo quy trình mình vừa chia sẻ ở trên. Ngày làm việc của mình sẽ bắt đầu vào lúc 9 giờ và sẽ nhận được công việc trực tiếp từ sếp. Tùy vào yêu cầu sẽ đi phỏng vấn khách hàng hoặc ở văn phòng để tổng hợp dữ liệu. Nếu có đi ra ngoài phỏng vấn thì chiều về sẽ viết lại báo cáo và đưa ra những kết luận từ các cuộc phỏng vấn. Từ đó đưa ra giải pháp cho vấn đề và chuẩn bị thuyết trình cho khách hàng.
Theo chị những kiến thức chuyên môn cần thiết cho vị trí này là gì?
Mỗi công việc đều có những kiến thức nền căn bản riêng. Để làm tốt vị trí này, bạn cần có kiến thức về kinh tế vĩ mô, vi mô, hiểu biết về các nền tảng (framework) phân tích chiến lược như là PESTEL, Porter 5 Forces, MECE. Ngoài ra còn cần biết thêm về phương pháp nghiên cứu trong doanh nghiệp, đặc biệt là phải hiểu biết về những gì đang xảy ra trong thị trường. Ví dụ như khi sếp hỏi bạn là thị trường xăng dầu VN mỗi ngày tiêu thụ bao nhiêu lít xăng thị bạn phải có thể ước lượng được.
Ngoài những kiến thức trên thì cần những kỹ năng gì để đáp ứng tốt công việc này?
Công việc này đòi hỏi bạn phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn như trên Internet hay phỏng vấn trực tiếp khách hàng nên kĩ năng tìm kiếm thông tin, hay đặt câu hỏi đúng là cần thiết. Ví dụ bạn phải biết mục đích khai thác thông tin là gì thì mới xoáy được vào những câu hỏi quan trọng để tìm ra thông tin cần.
Sau khi tổng hợp thông tin, bạn cần biết cách dùng các công cụ như Excel để xử lý và phân tích dữ liệu. Mặt khác, bạn cũng nên chú trọng vào kĩ năng làm Powerpoint và rèn luyện kĩ năng thuyết trình giải pháp hiệu quả để có thể thuyết phục khách hàng tin tưởng vào giải pháp của mình. Bởi vì khách hàng thường ở các vị trí cấp cao nên yêu cầu của họ rất khắt khe, đòi hỏi mình phải có những lập luận và dẫn chứng chắc chắn thì mới có thể làm hài lòng họ.
Một kĩ năng cực kì quan trọng nữa là quản lý dự án. Vì bạn sẽ phải làm việc theo một lộ trình đã có sẵn nên bạn phải lập kế hoạch thực hiện và giám sát thật tốt nếu không muốn thức trắng nhiều đêm để làm cho kịp. Đặc biệt, vì làm việc trong môi trường đa quốc gia nên sử dụng tiếng Anh thành thạo là điều bắt buộc phải có.
Từ công việc tư vấn chiến lược này thì chị học được gì?
Có thể nói hầu như các kĩ năng đều được rèn giũa qua mỗi kế hoạch, dự án mà mình tham gia và những kỹ năng mình học được đều giúp mình rất nhiều trong cuộc sống, đặc biết là khả năng giải quyết vấn đề. Về mặt tư duy thì công việc giúp mình có kĩ năng phân tích sắc bén hơn, biết cách hỏi những thông tin cần để đạt được cái mình muốn biết.
Mặt khác, mình có cơ hội được trải nghiệm nhiều dự án lớn. Do đó, mình học được nhiều kiến thức về một ngành mà một người trong ngành phải mất rất lâu để học được.
Mỗi ngành nghề đều sự khó khăn và thử thách. Vậy đâu là thử thách với bạn ở công việc này?
Như đã nói ở trên, khách hàng của mình thường ở vị trí cấp cao nên yêu cầu khá khắt khe. Nhiều khi gặp các khách hàng khó tính, không tin tưởng vào phần trình bày của mình nên phải cố gắng giải thích và thuyết phục họ tin tưởng vào giải pháp của mình.
Khác biệt về ngôn ngữ, mâu thuẫn về văn hóa cũng là khó khăn mà mình thường gặp. Trong các cuộc họp, dù hai bên đang nói tiếng Anh nhưng vì cách phát âm của các nước trong khu vực không giống nhau nên đôi lúc hơi mất thời gian để hiểu nhau.
Công việc này đòi hỏi thời gian linh động, nhiều khi phải thức tới 3,4 giờ sáng, nên chị nghĩ những bạn theo nghề này cần sức khỏe tốt nữa. Và quỹ thời gian phần lớn là dành cho công việc nên cũng có những hạn chế về thời gian cho gia đình và bạn bè.
Cuối cùng việc này bắt buộc phải học cái mới rất nhanh và môi trường thay đổi liên tục nên thường phải chấp nhận với việc luôn làm quen với các đồng nghiệp mới ở các dự án khác nhau. Nhiều khi làm dự án mới quen được vài bạn thì qua dự án mới phải làm quen với các đồng nghiệp khác ngay.
Đọc thêm:
Một điều mà chị thích thú nhất ở công việc này?
Đi nhiều. Đó là điều mình thích nhất, khi làm nghề ngày mình được đi công tác nước ngoài. Trụ sở công ty ở HCM nhưng nếu có dự án ở các nước như Singapore, Thái Lan thì mình phải di chuyển qua lại giữa các nước để họp và làm việc với nhóm. Trong mỗi nhóm thì có nhiều thành viên đến từ các nước khác nhau nên mình cũng có cơ hội học hỏi văn hóa của nước bạn.
Với những kỹ năng và kinh nghiệm của vị trí này thì có thể làm được các công việc nào khác?
Các bạn làm tư vấn có thể có thể chuyển sáng làm về chiến lược tại các quỹ đầu tư, ngân hàng hoặc các công ty sản xuất.
Chị nghĩ những tố chất nào sẽ phù hợp để công việc tư vấn chiến lược này?
Từ góc nhìn của mình thì các bạn phải là người thích cái mới. thích tìm tòi học hỏi không ngừng. Bởi vì mỗi dự án bạn sẽ làm việc với từng doanh nghiệp ở từng lĩnh vực khác nhau. Do đó, bạn phải luôn phải tìm tòi để có cái nhìn sâu nhất, để thấu hiểu nhất về khách hàng của bạn. Ngoài ra, phải có khả năng thích ứng cực kì nhanh, ứng biến linh hoạt với từng dự án.
Đặc biệt, mình nghĩ các bạn có kiến thức rộng tức là nói về chủ đề gì cũng biết thì sẽ rất hữu ích cho công việc này.
Vậy bạn có lời khuyên nào dành cho các bạn sinh viên mong muốn theo đuổi vị trí này trong tương lai?
Mình chỉ có vài lời khuyên nhỏ nhỏ thôi, đúc kết từ chính sự “trải đời trải nghề” của mình. Trước hết, mình muốn nhắn nhủ đến tất cả các bạn sinh viên là các bạn nên đi ra nước ngoài thông qua các chương trình trao đổi ngắn hạn để mở mang kiến thức và biết mình chỉ đang ở trong một cái giếng rất nhỏ. Đi ra ngoài và học hỏi, các bạn sẽ trưởng thành hơn.
Bên cạnh đó, đừng chờ đợi mà luôn nắm bắt cơ hội. Ví như từ hồi năm 2, mình đã đi thực tập để tìm các cơ hội học tập và làm việc mặc dù nhà trường yêu cầu năm 4 mới cần đi thực tập.
Đọc sách cũng là một điều thú vị. Có một cuốn sách mình thấy rất bổ ích đó là cuốn “Tôi Tự Học” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần nói về tầm quan trọng của sự tự học. Các bạn có thể tham khảo và tìm ra phương pháp học hiệu quả cho mình.
Còn các bạn muốn làm nghề tư vấn chiến lược, hãy học thêm các kiến thức liên quan đến ngành từ bây giờ, có thể học thêm về cách xử lý tình huống (case study) hoặc tham gia các cuộc thi về giải tình huống như Nielsen Case Competition hay CIMA Case Competition để có thể rèn luyện thêm kĩ năng làm tư vấn.
*Ở Việt Nam thì Deloitte Consulting là công ty độc lập với công ty kiểm toán Deloitte.
Đọc thêm các bài viết về kĩ năng, nghề nghiệp tại 4sv.vn
Tụi mình đang trong quá trình phát triển, rất mong mọi người đọc có nhận xét, chia sẽ để tụi mình hoàn thiện hơn. Cảm ơn rất nhiều.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất