Chào mọi người. Xin phép tự giới thiệu (lại) mình là Hùng Vũ, hiện đang làm việc trong một game studio với vai trò thiết kế game (game designer). Trước đây mình từng có vinh dự được góp mặt trong số các cây viết nổi bật của Spiderum, nhưng trong khoảng 2 năm gần đây thì mình hầu như không đóng góp gì nhiều cho cộng đồng, chủ yếu vì mình cảm thấy mình không còn quá nhiều vốn liếng cũng như thời gian để chia sẻ. Nhưng mình rất hy vọng trong thời gian tới, cùng với một số biến chuyển tích cực trong công việc và cuộc sống, mình sẽ lại có thêm thời gian và động lực để tiếp tục viết và đóng góp - hiện tại mình đang cảm thấy tràn trề những điều mà mình tin là sẽ thú vị và hữu ích để chia sẻ với mọi người.
Vì đây là group Người trong muôn nghề, và cũng vì mình cũng là một người rất đam mê với công việc mình làm, nên mình xin phép được chia sẻ thêm với mọi người về nghề thiết kế game của mình. Về định nghĩa và vai trò của game designer thì mình xin phép không bàn tới nữa, vì thực ra trước đây mình cũng đã từng viết một bài chia sẻ về nghề của mình trên Spiderum rồi, và nếu bạn chưa biết và có quan tâm thì bạn có thể tìm đọc tại đây:
Còn hôm nay thì mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn về những công việc mà mình thường làm trong một ngày. Cần lưu ý một điều rằng trên thực tế thì phụ thuộc vào rất nhiều những yếu tố khác nhau - ví dụ như phạm vi dự án, độ lớn của team, loại sản phẩm, quy trình, v.v. - mà công việc của mỗi game designer lại khác nhau. Tuy vậy thì mình tin là với những chia sẻ dưới đây thì các bạn có thể hình dung được khoảng 50-60% những gì mà công việc của mình bao hàm rồi.

1. Họp giao ban

Họp giao ban
Họp giao ban
Việc đầu tiên hàng sáng là họp giao ban. Nói là họp nhưng chỉ có đôi khi là họp qua Google Meet (quên mất, mình đang làm việc từ xa!). Còn lại đa phần chỉ là chat trong kênh Slack của dự án. Nội dung chủ yếu bao gồm update tình hình hôm trước (aka khoe hàng đã làm—team art thường xuyên làm việc này!), chia sẻ những khó khăn nếu có để có gì team sẽ hỗ trợ, và chia sẻ về công việc sẽ làm hôm nay.

2. Sắp xếp công việc

Sắp xếp công việc
Sắp xếp công việc
Hiện tại mình đang xử lý hai kênh quản lý tác vụ: một của công việc chính và một của cá nhân. Giữa hai kênh chắc chắn sẽ trùng nhau ở các tác vụ của công việc chính, nhưng theo mình tự đánh giá thì việc phân ra hai kênh này là cần thiết và phù hợp.
Kênh công việc chính thì mình quản lý theo dạng bảng Kanban tương tự Trello, mặc dù mình sử dụng Notion. Lý do sử dụng loại bảng này là để mình có thể nhìn được danh sách các đầu việc mình cần làm dần và dễ dàng cập nhật thứ tự ưu tiên của chúng (Backlog), và đồng thời mình cũng có thể xác định được rõ ràng khối lượng công việc mình sẽ làm hàng ngày. Cột Doing trong ảnh trông vậy thôi chứ mình thường đặt ra giới hạn là mỗi ngày chỉ làm từ 2-3 tác vụ, để đảm bảo chất lượng cho các tác vụ này. Mình cũng khá may mắn là team của mình không có “dí” deadline quá nặng nề để đảm bảo là mọi người làm việc ở mức hiệu quả cao nhất có thể.
Kênh công việc cá nhân thì mình quản lý theo dạng lịch hàng tuần, cũng trên Notion. Lý do dùng dạng này là bởi các việc cá nhân thường là các việc ngoài công việc chính và có thời gian cố định, để tránh bị trôi mất việc. Hàng ngày buổi sáng mình sẽ nhìn vào lịch này và xử lý dần những đầu việc cả trong công việc chính lẫn công việc cá nhân.

3. Nghiên cứu

Nghiên cứu
Nghiên cứu
Công việc của mình có thể nói là 50% nghiên cứu, và 50% viết tài liệu. Nghiên cứu là một phần cực kỳ quan trọng của nghề thiết kế game. Và bạn cần phải làm nó thật nhanh và gọn để kịp thời đưa ra được ý tưởng phù hợp, và dành phần lớn thời gian làm việc để giãi bày ý tưởng đó một cách chi tiết. À, bạn bảo là nghiên cứu làm game thì chắc là chơi game đúng không? Tôi cũng ước như thế đấy. Thực ra việc chơi game - mặc dù đôi khi cũng là cần thiết hoặc không tránh khỏi - lại là phương án kém hiệu quả nhất để nghiên cứu. Với một game designer, Youtube là một người bạn thân thiết và cũng là một trợ thủ đắc lực. Bạn cần phải có năng lực quan sát, nắm bắt và đánh giá mọi tựa game mà bạn chỉ có thể nhìn thấy trên Youtube, để nhanh chúng rút ra được insight hay bài học cho mình.Hiệu quả hơn nữa, bạn có thể tìm kiếm những bài viết (article) trên mạng có tính chất tổng hợp hay phổ biến kiến thức, giúp đưa ra cho bạn một số gợi ý hay là cách xử lý có thể phù hợp. Tuy nhiên theo mình thì 6-70% số bài viết trên mạng thường chỉ hướng tới đối tượng người mới, và đa phần là được viết ra với mục đích “ăn SEO”, nên giá trị cũng không cao. Hiệu quả nhất theo mình thấy, thì đó là việc trao đổi, thảo luận với cộng đồng các đồng nghiệp trong ngành trên các diễn đàn hay cộng đồng quốc tế (nhất là Reddit). Song song với đó là tìm đọc các cuốn sách chuyên môn (ở đâu thì các bạn tự tìm hiểu nhé!) phù hợp để đọc tra cứu.Phần nghiên cứu này để nói cụ thể hơn thì cũng có rất nhiều điều để nói. Nhưng vì đây là bài giới thiệu về công việc nên mình sẽ bỏ qua nhé. 

4. Viết tài liệu

Viết tài liệu
Viết tài liệu
Nếu có một đầu việc mang tính đại diện nhất cho nghề game designer, thì đó là viết tài liệu. Tài liệu thì có thể ở rất nhiều hình thức, hình dạng, khối lượng khác nhau thì vào từng dự án và từng team cụ thể, nhưng viết là điều chắc chắn bạn phải làm. Ở công ty mình, với dự án hiện tại, bọn mình đang sử dụng Notion. Một điều có thể mình cần lưu ý là các tài liệu game design không phải thuộc dạng tuyến tính, như một cái file .docx dài 100 trang, mà nó gần giống một cái Wiki hay là Mind Map hơn. Trước khi bắt tay vào viết, mình phải suy nghĩ tổng thể về cấu trúc của bộ tài liệu này, xem xét cách tổ chức thông tin và cách điều hướng (navigation) tài liệu sao cho hợp lý. Đồng thời, tài liệu game design cũng là một bộ tài liệu “sống”, có nghĩa là sẽ liên tục được update, cải thiện. Một số người cho rằng việc viết tài liệu game design một cách chi tiết, chỉn chu là không cần thiết. Nhưng với mình, cũng như theo những kinh nghiệm mình đã từng trải qua, thì tài liệu game design là một khung xương quan trọng để dự án không đi chệch hướng và tránh feature creep. 

5. Nghỉ trưa

Nghỉ trưa
Nghỉ trưa
Tuần đi làm 5 ngày thì mình tranh thủ đi bơi vào buổi trưa vào Thứ 3 và Thứ 6. Mình đang ở trong giai đoạn khá là bận rộn trong cuộc đời nên mọi thứ đều như một cuộc chạy đua, và mình phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi để đảm bảo mình hoàn thành được cả những việc mình cần làm và những việc mình nên làm (như thể dục thể thao đẩy lùi béo phì và trĩ). Giờ ăn trưa cũng là lúc mình tranh thủ xem một tập phim trên Netflix (dạo này đang ghiền Spy X Family!) 

6. Vẽ đồ thị, luồng & Mockup

Vẽ đồ thị, luồng & Mockup
Vẽ đồ thị, luồng & Mockup
Tài liệu nào thì cũng cần phải có đồ thị và hình ảnh minh họa để người đọc dễ hình dung. Và nhất là với game, thì những thứ này là tối quan trọng. Mình thường sử dụng công cụ Whimsical (vốn có thể nhúng được vào giao diện Notion) để vẽ đủ các loại đồ thị, từ luồng giao diện, mind map, luồng concept ý tưởng, cho đến UI mockup. Đây cũng có thể nói là một phần thú vị của công việc này, vì mình được phép làm việc với hình ảnh, màu sắc, và chứng tỏ năng lực tư duy hệ thống.

7. Làm Database

Làm Database
Làm Database
Sau khi đã có mô tả cơ chế, cũng như các loại đồ thị hay hình ảnh minh họa trực quan, thì mình sẽ bắt tay vào làm các dữ liệu cụ thể, để team (art & dev là chính) có thể sử dụng các đữ liệu này để đưa trực tiếp vào game. Làm database cũng là một kỹ năng quan trọng, nhất là với công việc game design này, mà mình thấy nhiều bạn chưa thể nắm được một cách bài bản. Vì ý nghĩa của database, ngoài việc để trích xuất và đưa vào sản phẩm, thì nó còn là để bạn và cả những người khác trong team có thể nhìn vào, tái tổ chức dữ liệu thành các view khác nhau để quan sát những khía cạnh khác nhau về các số liệu, nhằm quản lý và cải thiện chúng một cách hiệu quả. Do vậy, cách tổ chức và hiển thị database cũng quan trọng không kém việc bạn đặt ra những con số vào từng cell trên bảng tính.

8. Cập nhật Log

Cập nhật Log
Cập nhật Log
Sau khi hoàn thành các công việc của một ngày, mình lại quay trở lại với Dashboard để cập nhật lại các đầu việc đã hoàn thành. Tuy nhiên có cộng thêm việc là mình cần phải điền những bổ sung và chỉnh sửa mà mình đã thực hiện trong bộ tài liệu game design để cả team có thể cùng theo dõi và dễ dàng biết được lúc nào có những bổ sung hay thay đổi gì mà không cần thiết phải liên tục chat hay gọi điện cho nhau (điểm yếu của việc làm từ xa).
...về thôi!!!
...về thôi!!!
Như đã chia sẻ, vừa rồi là một ngày làm việc bình thường nhất của mình. Công việc của game designer tất nhiên là còn rất nhiều những đầu việc khác nữa (nhiều khi là không tên) phải làm, nhưng đa số là không thường xuyên và không mang tính đại diện. Tất nhiên nếu để nói về những cái “hay ho”, “thú vị” khi làm nghề này, thì đáng tiếc là chúng lại không nằm ở những việc thực hiện bằng chân tay mà mình vừa kể, nên có lẽ chúng ta sẽ hẹn nhau ở một dịp khác, để mình… lùa gà vào ngành này nhé. Nhân lực vẫn còn đang thiếu thốn lắm!!!
---
Đừng quên tham gia group Người trong muôn nghề để tâm sự chuyện ngành với chúng mình nhé =))))
Đọc thêm: