Incy Wincy Spider là một trong những bài hát ưa thích của tớ để dạy cho đám trẻ. Cách đây 2 năm trước tớ đã “mất dạy” sau khoảng 8 năm gõ đầu trẻ. Và trong công cuộc truyền lại nhiệt huyết cho các giáo viên “tiếp tục gõ”, đây vẫn là công cụ đào tạo ưa thích của tớ. Lời bài hát như sau:
Incy Wincy spider
Climbed up the water spout
Down came the rain
And washed the spider out
Out came the sun
And dried up all the rain
So Incy Wincy spider
Climbed up the spout again
Bài hát nói về khát vọng muốn được trèo lên mái nhà qua đường ống nước của chú nhện con tên là Incy Wincy. Tại sao nó lại là bài hát ưa thích của tớ? Vì nó là ví dụ tiêu biểu để dạy cho các bạn nhỏ tính kiên định, không nản lòng, bám chặt vào một mục tiêu, để rồi hình thành nên một thứ mang tên là lòng tự trọng (self-esteem). Nhắc đến lòng tự trọng (self-esteem) thì đây là một trong năm địa hạt phát triển trọng yếu ở con trẻ mà phụ huynh và nhà trường cần lưu tâm (5 domains of early childhood development). Tớ thích bài hát đến nỗi đã phổ lại lời Việt để đưa nó vào giờ sinh hoạt tiếng Việt buổi chiều như sau:
Một chú nhện con màu đen thui
Chú ta trèo lên mái nhà
Chợt một cơn mưa cuốn chú về nơi rất xa
Trời tạnh mưa ngừng rơi 
Chiếu muôn ngàn tia nắng vàng
Và một chú nhện con màu đen thui
Chú lại trèo lên mái nhà
Nếu bài hát được dạy ở cấp độ Pre-Kindergarten (18 – 36 tháng) thì đơn giản cô giáo và các con cùng hát trong khi thực hiện hoạt động thể chất nào đó đến phút cuối cùng. Còn nếu ở lớp lớn hơn như Senior Kindergarten (4-6 tuổi) thì cô giáo sẽ kể cho các con nghe câu chuyện về ước muốn được trèo lên mái nhà của chú nhện Incy Wincy. Dù khó khăn trở ngại thế nào, mưa to gió giật ra sao, nhưng chú nhện vẫn kiên định để tiếp tục ước mơ được trèo lên mái nhà của mình. Và lúc này, “những điều tẩy não kỳ diệu” được diễn ra này mọi người:
Cô giáo: [So, is Incy Wincy Spider strong, everyone?] Vậy chú nhện Incy Wincy có mạnh mẽ không các con?”
- Đám trẻ: [Yes, he is!] Có cô ạ
- Cô giáo: [How strong is he? Can someone tell me?] Mạnh mẽ thế nào? Ai có thể nói cho cô biết nào?
- 1 đứa trẻ tên Felix giơ tay: He doesn’t give up his climbing to the water spout! Chú nhện không từ bỏ việc trèo vào đường ống để lên mái nhà ạ!
- Cô giáo: [Yes! Felix is right! Never giving up is a good thing we should do. For example, do you leave the kitchen without finishing your meal?] Felix nói rất chính xác. Không từ bỏ và kiên định với mục tiêu của mình là một điều tốt chúng ta cần làm. Chúng ta có được rời khỏi phòng ăn khi chưa ăn xong không các con?
- Đám trẻ: [No. We have to finish the meal!] Không ạ! Chúng ta không được bỏ mứa ạ!
- Felix láu cá giơ tay hỏi: [But I cannot see Incy Wincy Spider climb successfully to the roof in the lyrics] Nhưng cô ơi! Trong lời bài hát đâu có nói đến việc Incy Wincy sẽ thành công trong việc trèo lên mái nhà đâu
- Cô giáo: [That’s a good point! Guys, when we do something, we try to make it happen. That’s it! Incy Wincy cannot be successful in the first time, the second time,… even the tenth time. But he keeps doing it, someday he will. You will when you belive, everyone!] Đó là một câu hỏi hay! Các con ạ! Khi ta làm điều gì đó, điều đáng quý là chúng ta đã làm nó với sự cố gắng của mình. Thế thôi! Incy Wincy có thể không thành công ở lần đầu tiên, lần thứ hai… hay thậm chí lần thứ 10. Nhưng nếu chú nhện vẫn kiên định với mục tiêu ấy, một ngày nào đó chú sẽ làm được. Các con sẽ làm được nếu như có niềm tin vào bản thân!
Và cuộc hội thoại về đức tính kiên trì nhẫn nại (resilient) được tiếp tục khi cô giáo “cài cắm” thêm vào đầu những “cái má bánh bao” 4 tuổi kia việc cần hoàn thành các hoạt động thủ công trên lớp dù có một vài nhân tố mất tập trung xảy đến như không đủ kéo, keo dán hay giấy màu. Điều hay nhất của bài học ngày hôm ấy cô mang lại cho đám trẻ là không từ bỏ cũng đồng nghĩa với việc đợi chờ đủ cơ hội đến để tiếp tục làm điều mình đang phải tạm hoãn do ngoại cảnh tác động. Kết thúc bài học là cảnh cô trò cùng hòa ca bài hát Incy Wincy Spider trong một hàng dọc tiến đến nhà ăn…
Nhắc đến nhện, tớ chắc chắn động nhện này được lập ra cũng cùng chung mục tiêu “được leo lên mái nhà” giống như Incy Wincy, hay như Việt Anh nói trong video Bóc phốt nhà Nhện là xây dựng Spiderum như một “mạng lưới kết nối tri thức hàng đầu Việt Nam”. Khát vọng, mục tiêu hay tầm nhìn thì nó cũng được gói gọn trong một câu rất hay của Stephen Covey (7 thói quen của người thành đạt) “Begin with the end in mind” (Ngay từ lúc mới bắt đầu, ta đã cần nhìn thấy đích rồi!). Trong quá trình “leo lên mái nhà qua đường ống nước”, Spiderum đã nhiều lần bị “mưa cuốn tụt về nơi rất xa”. Và năm 2017 chắc là quả lạc trôi xa nhất khi Spiderum chỉ hoạt động bán thời gian để chờ đợi. Chờ đợi không xấu. Chờ đợi mà thối chí rồi ì thì lì ra đấy thì mới đáng lên án. Nhện Incy Wincy khi bị mưa cuốn trôi cũng phải chờ đợi dưới mái hiên để trời nắng thì lại tiếp tục trèo vào ống nước. Không biết thực hư chú ta có trèo lên mái nhà được hay không, nhưng chỉ biết rằng chú nhện ấy đã trở thành ví dụ tiêu biểu trong giáo dục trẻ nhỏ về việc xây dựng lòng tự tôn (self-esteem). Năm 2018, đội ngũ Spiderum làm liều để trở lại hoạt động toàn thời gian, và khi ấy cũng là lúc tớ biết đến Spiderum.
Tại sao tớ lại nói đến chuyện này? Bởi bài viết này như sự xám hối của một đứa đã xài đồ chùa mà không đóng góp gì trong suốt bao năm qua. Trong khoảng thời gian từ 2018-2021, tớ đã vào Spiderum để đọc những dịch thuật chất lượng bằng Tiếng Việt trên Ted-Talk. Trong số các bài dịch, tớ ấn tượng nhất với cách dụng ngôn của Ích lợi của một bộ não song ngữ do Tuấn Milan lược dịch vào ngày 26/6. Thêm một điều đáng trách nữa là đọc xong, sử dụng thông tin của người ta xong, tớ cũng có thèm lết tay vào ấn thích hay bình luận gì đâu. Để chung sống được tiếp với lương tâm, khi vừa viết bài này, tớ vừa phải cố nhớ xem mình đã đọc những bài gì để vào like bù. What a shame!! (Trí nhớ tớ cá vàng nên có like sót mong các bạn bỏ quá cho). Khoảng 1 tháng trước, tớ phát hiện ra Spiderum có làm podcast trên Spotify. Và rồi “trái tim bừng nắng hạ” mở nghe cả ngày (trong lúc chạy xe, trong lúc đi bộ, trong lúc đợi chờ, kể cả trong lúc đi…vũ trụ). Tớ đã lặng người đi khi nghe Người nô lệ của gia đình tôi của bạn Nga Levi, đã cảm thấy hừng hực niềm tự hào dân tộc khi Việt Anh kể câu chuyện Lê Đức Thọ - Henry Kissinger: Những cuộc đàm phán bí mật và giải Nobel bị từ chối, hay đã khóc rất nhiều khi Hạ Phong đọc những dòng của Monet Monet tâm sự chuyện bố mình đi tù. Và chỉ đến khi tớ nghe được bài viết của Mục Đồng Sẽ ra sao nếu bạn sáng tạo nhiều như cách bạn tiêu thụ? tớ mới thực sự hết “chấp mê bất ngộ” để xắn tay viết bài cho một nơi đã hỗ trợ tinh thần của tớ rất nhiều trong những năm tháng qua (Chắc do duyên trời đưa đẩy thế nào mà bài viết được đăng đúng hôm sinh nhật tớ nên nó mới linh thế).
Khi học Văn, chúng ta hay nói đùa rằng Bộ Giáo Dục còn hiểu các tác giả hơn là chính ý định ban đầu của họ. Ví dụ như Thanh Thảo với "Đàn ghita của Lorca". Tác giả kết lại bài thơ bằng những tiếng “lila lila lia”, câu thơ đã lấy đi không biết bao giấy mực của giáo viên và học sinh trong quá trình mổ xẻ phân tích. Nhưng khi được phỏng vấn, nhà thơ trả lời tỉnh queo: “Thú thật, khi viết, tôi cũng không có ý đồ nghệ thuật gì, bởi những từ tượng thanh này chợt đến, có lẽ là từ vô thức của tôi, và tôi viết ra như thế thôi. Tất cả những gì chúng ta phân tích về bài thơ, đều đến sau khi bài thơ đã hoàn chỉnh. Còn trong khi sáng tác, thì tôi nghĩ, không nhà thơ nào "nhằm mục đích" gì cả. Sướng thì viết, thế thôi!” Hay như nhà văn Nguyễn Khải làm bài văn phân tích tác phẩm “Mùa Lạc” cho cậu con trai của mình, thì nhận được điểm 3 với lời phê và khẳng định rất “đanh thép” của cô giáo: “Em không hiểu ý nhà văn!”
Well, kể câu chuyện học Văn và Bộ Giáo dục ở bên trên là để quắc lại về câu chuyện đặt tên “Spiderum”, mà Việt Anh “bốc phét” trong video “bóc phốt” kể trên. Đây là cái tên “mang khát vọng vươn xa để trở thành một mạng lưới kết nối tri thức hàng đầu Việt Nam, nơi mỗi người dùng giống như những con nhện viết bài chăng tơ để kết nối và xây dựng một mạng lưới tri thức ngày một lớn mạnh và đồ sộ”. Nhưng thực chất ngay sau đó bạn tâm sự là do “spiderum.com là tên miền free, giá rẻ bất ngờ chỉ $3 đăng ký năm đầu tiên trên GoDaddy”.
Vậy nên, để kết thúc lại bài viết này, hãy để tớ làm “Bộ Giáo Dục” “độ” thêm về ý nghĩa Spiderum cho phần hack não, và cũng để “đền bù thiệt hại” sau những năm tháng “xem chùa”.
1. Tại sao lại đặt tên là Nhện?
Nhện là loài vật nổi tiếng với sự resilience của mình. Resilience nghĩa đen là đàn hồi, co dãn, dẻo dai, chắc chắn (như cao su hay lò xo), để sau đó chuyển tiếp ý nghĩa là khả năng phục hổi nhanh sức mạnh (vật lý hoặc tinh thần), và cuối cùng trở thành một nét tính cách phẩm chất đáng quý của con người khi ta kiên định thực hiện mục tiêu một cách kiên trì và bền bỉ dù cho có nhiều khó khăn và sự trì hoãn (như chú nhện Incy Wincy vậy).
Nhắc đến nhện, ta không thể bỏ qua kiệt tác mà chúng làm say mê hàng ngày: đó là mạng nhện. Mạng nhện được tạo bởi tơ chứa những sợi gossamer. Tơ nhện được coi là vật liệu dai và bền nhất mà con người có thể biết tới. Đây cũng là vật chất co giãn mềm dẻo nhất. Khi bị kéo căng, tơ nhện có khả năng kéo dài gần 40% chiều dài của nó, và xa hơn 30% so với dây bungee (bungee cord) do con người tạo ra.
Các nhà nghiên cứu trên tạp chí khoa học ACS Macro Letters của Mỹ đã sử dụng kính hiển vi lực nguyên tử (tomic force microscope) để quan sát cấu trúc vi mô của những sợi tơ mà loài nhện nâu ẩn dật tạo ra để bảo vệ trứng và bắt mồi. Họ phát hiện ra rằng mỗi sợi tơ nhện, dù mỏng hơn sợi tóc người (đường kính chỉ bằng 20 nm và dài khoảng 1 μm), nhưng thực ra được tạo thành từ hàng nghìn sợi nano khác nhau. Các sợi nano có thể kéo giãn hơn 50 lần kích thước ban đầu. Chính kết cấu này khiến tơ nhện trở nên rất dai và chắc chắn, có sức mạnh và độ bền lớn hơn 1 thanh thép cùng kích thước tới 5 lần.
Sự đàn hồi của mạng nhện có thể chịu được những thay đổi về hình dạng mà không bị đứt gãy. Nếu nó chỉ mạnh mà không dẻo dai, thì dù một con bướm đêm vương vào lưới cũng sẽ làm thủng mạng nhện khi va chạm. Chính sự tiến hóa của loài nhện qua thời gian đã khiến chúng giăng được những chiếc lưới rất bền và đàn hồi để hấp thu các tác động mạnh của ngoại lực mà vẫn có thể bật lại hình dáng ban đầu.
Spiderum cũng là một ví dụ tiêu biểu cho đức tính “resilient”. Mục tiêu xây dựng một nền tảng chắc chắn với nhiều cây viết chất lượng nhằm tạo ra một mạng lưới sợi nano tuy mỏng nhưng có liên kết vững chắc. Mạng lưới này đủ chắc để lần thứ nhất vào năm 2018 khiến cả đội ngũ chơi “khô máu”, quay trở lại Spiderum cống hiến toàn thời gian. Và sau đó những con nhện nâu “chúa” như Huskywannafly, Surphi10, Hexpion, hay Viet Anh Tran… tiếp tục ngày đêm chăng tơ, bẫy “những con mồi” có tâm khác vào đây để tiếp tục xây dựng một cộng đồng rộng mở hơn.
Nelson Mandela đã từng nói: “Do not judge me by my success, judge me by how many times I fell down and got back up again.”
Đừng đánh giá chỉ trên thành công của tôi, hãy đánh gia tôi bởi số lần tôi vấp ngã nhưng vẫn tiếp tục đứng dậy bước đi.
2. Các sự thật thú vị khác về loài nhện
1- Nhện được tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta không bao giờ cách xa các chú nhện quá 10 feet. Tuy nhiên, chúng hầu như chỉ lẩn trốn trong các ngóc ngách và đường nứt trên tường để chăm chú làm công việc của mình mà thôi. Cũng như tần suất để gặp một thành viên trong Spiderum (dù chỉ thụ hưởng sáng tạo hay thực sự sáng tạo) là rất cao, và họ đang cố gắng học cách tập trung để cải thiện bản thân mình tốt đẹp hơn mỗi ngày.
2 – Có rất nhiều giống nhện trên thế giới
Nhện có đủ hình dạng và kích cỡ khác nhau, mỗi loài đều có những đặc điểm và hình dáng độc đáo riêng. Hiện có khoảng hơn 30.000 loài nhện được biết đến. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng còn rất nhiều loài chưa được phát hiện
Điều này tương tự với các cây viết trong nhà nhện thường chắp bút về mọi chủ đề dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Và ai mà biết được một người chỉ tiêu thụ nội dung (như tớ) có ngày lết xác đi đóng góp và phát hiện cơ chứ (rất cảm ơn mọi người đã bầu chọn bài viết về tháp Maslow của tớ lên kênh Youtube).
3 – Không phải nhện nào cũng độc
Có một số loài nhện gây ra các vết cắn khó chịu do nộc độc của chúng. Nhưng phần lớn nhện sẽ không cắn người, và nếu có, nọc độc của chúng cũng không đủ mạnh để gây ra bất kỳ thiệt hại nào.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng nhện cắn thì sẽ không biến thành Spiderman đâu nhé. Cũng như vào động nhện viết không phải là sẽ được chú ý và công nhận ngay. Hexpion đã viết rất hay trong bài Life is hard như sau: “Nếu bạn ngưng động cơ hóa mọi chuyện (mà thường là những động cơ thấp hèn), bạn có thể làm được rất nhiều việc, và nó đều tốt cho bạn… Kẻ thích động cơ hóa thì làm việc tốt theo… mùa vụ… vì cái mọi người nhìn vào không phải là kết quả, mà là động cơ.” Hexpion chia sẻ rằng bạn ấy viết là để giữ được thói quen viết, để giữ được những lợi ích mà viết đem lại, còn những gì theo sau đó chỉ là phụ.
4 – Nhện thích nhạc YMCA
Nghe có vẻ lố bịch nhưng đó là sự thật. Trong nghi lễ giao phối, nhện chim công (Maratus volans) thường biểu diễn một điệu nhảy trông giống như YMCA. Thêm vào đó, màu sắc tươi sáng trên bụng của chúng khiến đây trở thành một cảnh tượng tuyệt vời để chiêm ngưỡng. Mời các bạn cùng xem:
Tuy nhiên, nếu màn trình diễn YMCA của các chú nhện đực không gây ấn tượng được với con cái, các chú sẽ bị tấn công, bị giết, thậm chí bị ăn thịt.
Nhưng nếu bạn crush ai trên Spiderum thì cứ mặc sức viết bài để cưa người đó nhé, không ai ăn thịt đâu. Bài viết Làm sao để "hốt" một anh từ Spiderum về?  của tác giả Scarlet hướng dẫn rất có tâm trong quá trình cưa cẩm trên diễn đàn chất xám này.
5- Máu nhện màu xanh lam
Ở con người, ô-xy liên kết với phân tử chứa sắt nên làm cho máu của chúng ta màu đỏ. Tuy nhiên, ở nhện, phân tử mà ô-xy liên kết có chứa đồng nên khiến máu của chúng có màu xanh lam.
Tình cờ quá, con nhện linh vật của Spiderum cũng màu xanh lam. Ông Việt Anh nếu đọc được bài này có thể văn vở thêm là: Đấy! Ngay linh vật đại diện cũng biếu trưng cho huyết mạch của toàn bộ hệ thống chữ nghĩa tâm huyết này nhé!
6 – Tơ nhện thực chất là chất lỏng
Nghe có vẻ vô lý vì chúng ta đã quen nhìn thấy tơ nhện ở dạng mạng. Nhưng thực ra tơ nhện ở dạng lỏng, khi tiếp xúc với không khí, nó sẽ cứng lại để cho phép các con nhện tạo và xây dựng mạng nhện.
Lấy ví dụ một bài viết cồng kềnh của Surphi10 Cấm kỵ bất hạnh, Vật tổ tích cực, & Con người Marketing hoá. Khi nghe tiêu đề bài viết, ban đầu tớ tưởng tác giả viết về nghề Marketing nhưng nhìn vậy mà không phải vậy. Cái hay của bài viết chắc là đọc xong rồi cũng chẳng biết thực sự tác giả muốn nói về một vấn đề cụ thể nào nữa! Chỉ biết câu văn rất ngông cuồng, đậm chất Oscar Wilde.
7- Nhện thích tặng quà
Một số loài nhện không chỉ thích nhảy cho đối tác tiềm năng của chúng xem, mà chúng cũng thích được tặng kèm một món quà được bọc trong tơ nhện trong lúc ngọt ngào nói chuyện để thuyết phục con cái đi hẹn hò.
Tuy nhiên, đôi khi những con đực này có thể khá lén lút và hơi rẻ tiền. Thay vì tặng quà quý như ruồi và các côn trùng khác, chúng tặng con cái đống lá vụ hoặc những món quà cũ mà các con cái khác đã từ chối.
Viết bài là cách duy nhất để tiếp cận và trưởng thành trong nhà nhện. Vậy nên các cá nhân phải thực sự đầu tư chứ không thể lấy bừa, hoặc dịch bừa ở đâu đó miễn là có bài đăng lên được. Nếu mỗi một người trong cộng đồng đều thích “tặng quà cho nhau” bằng những bài viết chất lượng thì đến một ngày không xa chúng ta sẽ tìm thấy được mọi hình thức quà trong ngôi nhà này. Giống như Notion đã đánh bại Word, Excell, Evernote,… để trở thành all-in-one workspace vậy.
8 – Cơ bắp của nhện rất đặc biệt
Cách thức hoạt động của tơ nhện khá thú vị. Chúng chỉ có thể tự kéo chân vào trong nhưng không thể kéo ra ngoài. Để giải quyết vấn đề này, nhện sẽ bơm một dạng chất lỏng vào chân của chúng vào đây để giúp chúng đẩy được chân ra ngoài. Đó là lý do tại sao bất cứ khi nào bạn nhìn thấy một con nhện bị chết, chân của nó luôn cong vào trong do không còn phần chất lỏng để chìa ra nữa.
Phần số 8 này làm sao cho văn vở Bộ Giáo Dục, thì tớ để Việt Anh và các bạn cùng nghĩ vậy.
Cảm ơn mọi người đã chịu khó đọc đến đây!

Tài liệu tham khảo:
1. Qijue Wang and Hannes C. Schniepp (2018). Strength of Recluse Spider’s Silk Originates from Nanofibrils. ACS Macro Letters 
2. Stephen R. Covey (2016). The 7 Habits of Highly Effective People: Powerful Lessons in Personal Change. Mango 
3. Rainer Foelix (2010). Biology of Spiders. Oxford University Press